Không thể ngừng viết về Diệt chủng Do Thái
Các nhà văn, ngay cả những người còn rất trẻ ngày nay, vẫn không ngớt quay trở lại đào xới giai đoạn Thế chiến thứ hai, nhất là giai đoạn gắn liền với Shoah (Diệt chủng Do Thái) của Đức Quốc xã. Các sử gia và triết gia, nhất là triết gia Do Thái, cũng vậy. Đây là đề tài cuốn sách mới nhất của Alain Finkielkraut, một trong những triết gia quan trọng nhất của Pháp hiện nay: L’interminable écriture de l’Extermination (Viết mãi về Hủy diệt), Stock, 2010.
Viết ra nhiều tác phẩm triết học được nhiều người đọc, Alain Finkielkraut cũng là đích ngắm của vô số triết gia và trí thức khác, trong những cuộc tranh luận nảy lửa, có lúc lên đến đỉnh điểm vào năm 2002 khi nhiều tờ báo đồng loạt chỉ trích thái độ và tư tưởng của Finkielkraut; hồi đó Finkielkraut còn bị coi là thuộc về “những kẻ phản động mới”, theo cách gọi của Daniel Lindenberg.
Sở dĩ như vậy là vì nhiều người nghĩ Finkielkraut có thái độ chống người Hồi giáo, đặc biệt là ông luôn luôn tỏ ra ủng hộ nhà nước Israel, ngay cả vào những thời điểm Israel trong mắt đông đảo trí thức phương Tây là một mối nguy hại cho toàn thế giới. Sự xuất hiện với mật độ dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng (hằng tuần chủ trì chương trình truyền thanh mang tên Répliques trên đài France Culture và rất nhiều bài báo, trả lời phỏng vấn) cũng là một phần nguyên nhân khiến Finkielkraut bị tấn công không ngớt. Cùng những người như Alain Badiou hay Michel Onfray, Alain Finkielkraut là triết gia được biết đến nhiều nhất, một trong các “public intellectual” nổi tiếng, có thể nói là “phổ thông” nhất tại Pháp hiện nay.
Viết mãi về Hủy diệt tập hợp những cuộc nói chuyện mà Finkielkraut từng thực hiện với nhiều nhân vật khác nhau liên quan tới vấn đề người Do Thái bị diệt chủng. Những người có tiếng nói trọng lượng ở lĩnh vực này xuất hiện trong cuốn sách: Daniel Mendelsohn, Pierre Assouline, Henry Rousso và nhiều người khác. Chủ đề các cuộc đối thoại đi từ nhà nước Vichy thân Đức, trại tập trung Auschwitz cho tới vị thế của nhà nước Israel hiện nay, nhưng quan trọng hơn cả là các cuộc đối thoại về việc đọc tác phẩm của những người dính dáng và ảnh hưởng sâu đậm tới giai đoạn lịch sử đó, như Martin Heidegger, Paul Celan hay Carl Schmitt, cũng như các tác phẩm: Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell hay Những đao phủ tự nguyện của Hitler của Daniel Jonah Goldhagen, cuốn sách xuất bản năm 1996 của một giáo sư trẻ tuổi ở Harvard khẳng định sự tiếp tay cho tội ác diệt chủng từ phía những người Đức bình thường. Xuất phát từ các tác phẩm văn chương cũng là một cách thức mà Alain Finkielkraut thường xuyên sử dụng: năm 2009, ông đã cho xuất bản tác phẩm Un coeur intelligent (Một trái tim trí tuệ) đề xuất cách đọc của cá nhân ông đối với tác phẩm của các nhà văn như Milan Kundera, Philip Roth, Vassili Grossman…
Dùng lại cách nói của triết gia Leo Strauss chuyên nghiên cứu về chính trị, reductio ad hitlerum (đại ý người ta chỉ chăm chăm tập trung vào Hitler), trong Viết mãi về Hủy diệt, Alain Finkielkraut nêu lên một vấn đề: không phải người ta quên đi tội ác, mà người ta quên đi mất tất cả những gì còn lại bên ngoài đó; ký ức của châu Âu đã định chế hóa Diệt chủng Do Thái, khiến cho Shoah hiện diện ở khắp mọi nơi, và bất kỳ một sự kiện bi thảm nào xảy ra cũng đều được quy chiếu về sự bi thảm gây choáng váng nhất kia. Người Do Thái đã trở thành “những ông vua của nỗi bất hạnh”, trong khi lịch sử thật ra có nhiều điều bi thảm hơn như vậy. Từ đó mà có nhu cầu và nghĩa vụ nhìn rộng hơn, cũng như nhìn lại vấn đề Do Thái của Thế chiến thứ hai từ nhiều góc độ hơn. Finkielkraut cho rằng ký ức là điều nhất thiết, nhưng ký ức chỉ có nghĩa chừng nào nó đúng với lịch sử, ông “mơ đến một ký ức không cờ xí, không ngựa chiến, mà chỉ là một ký ức buồn tẻ, khiêm tốn, kín đáo, im lặng, hoặc không gây ra tiếng ồn nào khác tiếng những trang giấy mở”. Thế nhưng, Hủy diệt vẫn luôn luôn là một sự kiện đặc biệt, mà không một quan niệm, một câu chuyện nào có thể lý giải được hoàn toàn và xác quyết. Đây chính là nguyên do khiến người ta đã và sẽ còn không ngừng viết về Hủy diệt, bởi “một nền văn minh quên đi quá khứ của mình sẽ bị kết án phải sống lại nó”, như Finkielkraut trích lời George Santayana ở ngay đầu Viết mãi về Hủy diệt.
Alain Finkielkraut sinh năm 1949 tại Paris, có bố (người Do Thái Ba Lan) từng qua trại tập trung Auschwitz. Có thành tích học tập xuất sắc, ông nhanh chóng thu được những thành công lớn trong giới học thuật, hiện nay là giáo sư tại trường Bách Khoa Paris. Năm 1987, Finkielkraut xuất bản cuốn sách quan trọng của mình, La Défaite de la pensée (Thất bại của tư tưởng), trong đó ông đặc biệt phê phán thái độ của giới trí thức và chính trị quy tất cả mọi thứ về “văn hóa”, lấy “văn hóa” làm chiêu bài cho mình; trong khi văn hóa là cuộc sống cộng với tư tưởng, thì ngày nay những thứ không có tư tưởng gì cũng được gọi là văn hóa tuốt. Tổng cộng cho tới nay Alain Finkielkraut đã viết khoảng hai mươi cuốn sách, đi từ triết học thuần túy tới văn chương, chính trị, giáo dục, trong đó vấn đề Do Thái luôn luôn nằm ở trung tâm suy nghĩ của ông.
No comments:
Post a Comment