Sep 1, 2011

Ý kiến nữa

lần này thì đến Văn nghệ trẻ; thiếu mỗi Quân đội nhân dân nữa là đủ bộ :p

“Chỉ là điểm sách”…

Trong ý thức của các nhà phê bình văn học hiện nay của Việt Nam, tuy có rất nhiều điều mù mờ, không thống nhất (chẳng hạn như khi liên quan tới việc nhìn nhận lại một giai đoạn, đánh giá một văn nghiệp hay sự dùng dằng dính dáng tới chủ nghĩa hậu hiện đại) nhưng dường như có một sự phân biệt rất sắc nét: phê bình thì khác với điểm sách. Điều này ta đọc thấy một cách hiển ngôn từ nhà phê bình có thâm niên cao cho tới nhà phê bình mới góp mặt nhẹ nhàng trên văn đàn: họ đều dai dẳng phàn nàn rằng trên báo chí những bài liên quan đến văn học hiếm khi là bài phê bình mà “chỉ đạt trình độ bài điểm sách”.

Với tất cả sự có lý bề mặt của nó, lời khẳng định này lái sự chú tâm của chúng ta trở lại những vấn đề muôn thuở của khoa bình luận văn học, rằng cái gì có giá trị cái gì không, giờ đây lan sang cả địa hạt tưởng chừng nằm hẳn bên ngoài vòng phân định ấy. Và đẩy suy nghĩ đi xa hơn một chút, với toàn bộ sự sắc nét và rõ ràng của nó, ý kiến ấy lại đặt ra một số câu hỏi: về thực chất phê bình và điểm sách khác nhau như thế nào? “phê bình” (trong sự khác biệt có thể có với điểm sách, dĩ nhiên) có cao hơn điểm sách hay không? và trong thời điểm hiện nay, tại sao điểm sách lại có vẻ như đang lấn át phê bình (“phê bình chân chính”, như các nhà phê bình theo “phái” này sẵn sàng nói, cũng như “văn học chân chính” trong diễn ngôn của những nhà văn tự cho là mình thoát hoàn toàn khỏi văn chương “câu khách”, “rẻ tiền”).

Các vấn đề này không dễ giải quyết, nhất là trong tình trạng ngay các nhà phê bình đưa ra ý kiến trên đây không hề cho thấy “bài phê bình” đúng nghĩa là phải như thế nào. Theo quan sát của tôi, trong ý thức của những nhà phê bình ấy, mặc dù rất rành mạch ở bề ngoài, “bài phê bình văn học” đồng nghĩa với những bài tương đối dài, và không chú trọng đặc biệt vào một cuốn sách hay một tác phẩm cụ thể nào, có nghĩa những bài viết ấy được cho là bàn vào những vấn đề rộng hơn của văn học (và do đó, sâu sắc hơn, có tầm hơn).

Đây chính là điểm nhập nhằng nằm bên dưới vẻ sáng tỏ, vì nó nghiêng về định lượng hơn là định tính. Có lẽ không cần phải đưa ra những dẫn chứng cụ thể về các bài viết đọc sách, bám chặt vào một tác phẩm cụ thể đã soi rọi mạnh mẽ như thế nào vào những tầng nghĩa và cách vận hành phổ quát của văn chương, vì chúng quá nhiều, và đã hiển nhiên rằng đó chính là cách hữu hiệu nhất (nhưng cũng là khó nhất) cho sự đào sâu suy nghĩ. Khi phát biểu rằng “phê bình” cao hơn “điểm sách”, người ta đã vô tình bộc lộ điểm yếu về năng lực phân tích, bởi chỉ năng lực phân tích mới giúp một nhà phê bình hiểu và bình luận sâu về một tác phẩm hơn người đọc thông thường.

Cách phát ngôn ấy cũng thể hiện một sự lai ghép kỳ lạ giữa “phê bình” và “lý luận” (theo cách hiểu ở Việt Nam), và hé lộ một góc khuất trong tâm thức của nhà phê bình, những người muốn mình đưa ra được những “tổng kết”, “đánh giá” lớn lao, một diễn ngôn nổi bật mà Hoàng Ngọc Hiến là tấm gương lớn nhất và cũng gần nhất.

Sự thất bại tuyệt vời của không ít nhà phê bình trong việc đọc các tác phẩm cụ thể cho ta thấy rằng rất có thể kiểu nói “Chỉ là điểm sách…” chỉ là một chiến lược đơn giản nhằm rút khỏi một mảng “trận địa” mà một số người không đủ sức tham gia để mà giữ chặt lấy vài cứ điểm mang tính chất lai ghép “phê bình-lý luận” cũng lổn nhổn như vô số tác phẩm văn chương quá nương vào “chất liệu cuộc sống” hiện nay.

Chiến lược “lòng chảo Điện Biên Phủ” này, thật đáng buồn, càng làm rõ thêm sự tụt hậu của phê bình so với thời sự xuất bản sôi động của Việt Nam trong vòng dăm bảy năm trở lại đây.


hơ hơ này :)) (đồng chí viết bài này thấm nhuần Roland Barthes ở mức độ rất chi là cao hehe)

8 comments:

  1. Thế thì còn có cả phê bình chân phụ, văn học chân phụ nữa cơ đấy phải không bác?

    ReplyDelete
  2. Đề nghị NL cho biết ý kiến về vụ nghi can Lê Văn Luyện trong vụ cướp hiệu vàng ở Bắc Giang :PP

    ReplyDelete
  3. vâng tôi xin trả lời: trong tất cả những ai tên là Luyện tôi chỉ biết Đinh Tiến Luyện "Trong nhật ký của Quỳnh" thôi

    ReplyDelete
  4. Beo nghĩ thế này: “điểm sách” đích thị công việc của nhà báo. Nó gồm 2 phần, kể lại nội dung cuốn sách (cơ bản, chiếm số chữ nhiều nhất), cảm nhận của người viết trên nền nội dung ấy, hướng vào mục đích (duy nhất) câu kéo người mua (hay không mua) sách.
    “Phê bình” đích thị công việc chuyên môn của nhà lí luận. Ông này phải mở đầu, dẫn dắt bọn “điểm sách”, cho nó vừa núp bóng vừa ăn theo. Hiện nay, vì ông này bị đưa vào sách đỏ nên bọn điểm sách nó mất phương hướng. Khi mất phương hướng, nó chọn cách hoặc không đọc hoặc ku body đẹp ắt hẳn viết hay hơn ku lùn béo. Chỉ khi nào nhân giống được một vài ông phê bình, thì mới hi vọng bọn điểm sách nó rộn ràng với sách.

    ReplyDelete
  5. Điểm sách thì chắc chắn phải xuất hiện trên báo rồi, nhưng nó không phải công việc của riêng nhà báo. Nếu coi được "điểm sách" là tương đương với "book review" thì các đặc điểm bác nêu chưa thể nói là chuẩn được.

    "Lý luận" thật ra là gì? Đây là hạng mục rất khó xếp vào đâu. Theo tôi thì hợp lý nhất là coi như một ngạch riêng. Các nhà lý luận là những ai? Theo tôi ví dụ như ông Nguyễn Phú Trọng là một nhà lý luận. Lý luận là giải thích, minh họa, biện minh cho ý thức hệ. Tất nhiên nó không liên quan đến nghiên cứu khoa học, vì nghiên cứu khoa học cần càng ở xa ý thức hệ, nhất là ý thức hệ duy nhất, càng tốt.

    Phê bình (văn học) lẫn lộn với lý luận (tất nhiên là theo cách hiểu nói trên) là rất mệt, một sự dở ông dở thằng chẳng ra gì cả.

    Lý luận (tất nhiên vẫn theo cách hiểu ở trên) không có gì liên quan đến lý thuyết cả.

    ReplyDelete
  6. Em tò mò muốn biết thêm một chút:

    1. "...cũng lổn nhổn như vô số tác phẩm văn chương quá nương vào “chất liệu cuộc sống” hiện nay": Theo anh thì còn những điều nào khác để văn chương có thể nương vào nữa ạ, bên cạnh "chất liệu cuộc sống"?

    2. Theo như em hiểu thì những bài như của Nguyễn Chí Hoan sẽ được xếp vào phân bình hơn là điểm sách, đúng không Anh? Là một độc giả thông thường, em thấy đọc những bài như vậy hơi khó vào. Mình cần có một chút cố gắng, và để thấu hiểu hết, giống như Khi nào thì ta thấy buồn cười í, cần sự hiểu biết nhất định, hoặc đọc xong phải Google. Vậy đối tượng của phê bình là ai? Có vẻ như không nhắm tới những độc giả thông thường cho lắm? [Hoặc em là độc giả "dưới mức thông thường", nên không hiểu được :D]

    Cảm ơn Nhị Linh,

    BA

    ReplyDelete
  7. huhu, em gõ nhầm, "phê bình" ạ, không phải "phân bình"

    BA

    ReplyDelete
  8. chất liệu cuộc sống thì cứ nương thôi chứ tội gì :p

    câu kia chắc chờ bác Hoan vào giải đáp nhỉ

    ReplyDelete