Giáp Tết đúng là dịp của nhiều chuyện đau đầu: nhiều người đau đầu xoay xở cho đủ một cái Tết vừa vặn (bánh chưng, giò lụa, cành đào, tiền lì xì cho trẻ con), lại có những người đau đầu nghĩ xem đi đâu để tránh một đoạn thời gian tuy rằng nhiều rộn ràng vui vẻ nhưng cũng không thiếu trống trải, hoang vắng.
Rồi còn có những người đau đầu tính tính toán toán dùng tiền thưởng Tết để làm gì; kinh tế khó khăn gây tác hại lên tổng thể xã hội, nhưng cũng chính tình hình ấy dường như lại là cơ hội làm ăn cho một ít cá nhân; nói tóm lại, ta chỉ biết rằng đến cuối năm này, một số người được thưởng Tết rất nhiều tiền. Một lựa chọn của không ít người là mua xe ô tô. Mấy tuần vừa rồi, trên đường phố Hà Nội thấy rõ là lắm xe mới, xe chưa có biển hoặc biển số mới toe, mặc dù về cơ bản các phố không còn đi lại được trôi chảy nữa, và chính quyền đã chọn đến giải pháp chặt nhỏ bớt vỉa hè một số tuyến nhằm làm rộng lòng đường ra.
Thu gọn vỉa hè cũng đồng nghĩa với đốn hạ những hàng cây trồng hơn chục năm mới bắt đầu có tán. Tôi kinh hoàng nghĩ đến mùa hè sắp tới; có vẻ như là càng sung túc con người ta lại càng hay gây ra những điều tệ hại cho xung quanh, cho môi trường, và cho cả một chút ít lãng mạn nhẹ nhàng còn sót lại chốn thành thị: không có cây tức là thôi luôn cái khoản “Tôi đi ngửa cổ trên hè vắng/Xem những cành cây nó cưới nhau” (Nguyễn Bính). Chung quy, cái ô tô đúng là gây nhiều phiền phức, trong đó còn phải tính đến khả năng gây phiền phức cho chủ xe, khi mà một quy định đang lăm le ra đời cứ đơn giản mà thu tiền của bất kỳ ai sở hữu một loại phương tiện đi lại.
Mà đâu đã hết, cái ô tô đúng là nguồn cơn của vô số nhiễu sự. Ngoài việc chiếm rõ là lắm không gian cả trong lúc đi lẫn trong lúc đỗ, nó còn là tác nhân đóng góp to lớn cho liền một lúc mấy thứ ô nhiễm vô cùng có hại cho sức khỏe con người: ô nhiễm không khí, và cả ô nhiễm âm thanh nữa.
Cho đến giờ, tại Việt Nam, chưa hề có nỗ lực nghiêm túc nào trong việc giảm bớt tiếng ồn để đảm bảo an toàn cho thính giác người dân, trong khi trên thế giới, sự yên tĩnh, kể cả nơi thành thị, đã là một yêu cầu thiết yếu của cuộc sống từ lâu rồi. Giải thích như thế nào về điều này? Có nhiều nguyên do, trong đó một nguyên do nghe có vẻ hài hước nhưng cũng không phải hoàn toàn đáng bỏ đi: người mà đã hay nói to (và nói nhiều), thì cái xe của họ cũng sẽ to còi (và còi nhiều).
Cái còi xe giống như một thay thế cho lục lạc đeo ở cổ ngựa, cổ trâu; khi trâu và ngựa không còn đi trên đường phố nữa thì đã có sự tiếp sức của chuông xe đạp lanh canh, rồi còi xe máy, và giờ là còi xe ô tô, mỗi lúc một thêm to hơn. Nhớ cách đây chục, hai chục năm, loại xe bus to tướng phổ biến ở Hà Nội có tiếng còi to đến nỗi có thể đánh thức một người đang say ngủ sau khi uống một chục viên seduxen. Giờ thì không có loại còi nào kinh khủng đến thế nữa, cũng không còn còi theo điệu nhạc (nhất là “Lambada”), nhưng về cơ bản là người Hà Nội cứ ra đường là bấm còi, có chuyển sang đi xe ô tô rõ xịn thì vẫn nhất quyết không từ bỏ thói quen.
Rồi thói quen cái gì cũng thích trang trí, cải tiến mãi vẫn không biến mất. Xe đạp thì dán đủ màu mè vào nan hoa, xe máy thì nham nhở yếm đủ mọi hình thù, đến ô tô thì gần đây bỗng rộ lên trào lưu lắp đèn khắp nơi, có những Sonata, Lacetti và cả Audi đi trên đường không khác gì những miếu thờ di động lập lòe đèn đóm. Không những thế, bấm còi còn đi đôi với một thói quen vô cùng tệ hại nữa của người hứng chí mới biết lái ô tô: thói quen nháy đèn. Động tác nháy đèn (và cả bấm còi) ở các nước khác chỉ được sử dụng vô cùng hãn hữu khi có trường hợp khẩn cấp, còn trên đường phố Hà Nội, xe cộ thi nhau bấm còi và thi nhau nháy đèn, nhiều lúc chẳng vì cái gì cả; trong sự ngột ngạt của tắc đường, phố xá Hà Nội trông thực sự giống quang cảnh một rạp xiếc rong đang diễn tiết mục tạp kỹ.
Tình hình nghiêm trọng đến mức nghe đâu có một bình luận viên bóng đá rất nổi tiếng, chuyên về bóng đá Ý, đã lớn tiếng tuyên bố công khai rằng nếu như trong lúc lái xe trên đường mà có ai cứ nháy đèn làm lóa mắt anh, anh sẽ quay xe lại chạy đằng sau mà nháy đèn cho đến lúc đối phương phát điên lên vì tức, để giúp người ta có chút hình dung về cách hành xử kiểu Sicilia miền đất dữ.
bíp
ReplyDeleteđúng là thiếu một hành động tích cực cho cái vấn nạn này. Thi thoảng các báo mạng và báo in cũng có đăng bài chỉ trích thói xấu này nhưng chả đáng là bao, sau đâu lại vào đó.Thực ra là nếu quyết liệt thì các bác nhà ta cũng làm được thôi. Nhưng đó là cái vấn đề không ra tiền nên cứ để đó đã mà chuyện cũng chả chết ai, rõ nản những lúc mệt mỏi ở cơ quan mà bước ra ngoài đường lúc tan giờ làm thì còn mệt hơn là ngồi lại làm cho dù công việc cũng đủ bề bộn lắm rồi...
ReplyDeletedù sao trong nỗ lực tự thay đổi bản thân và những người xung quanh thì bài viết này thật hay. Bạn cho mình copy về facebook của mình nhé! Cảm ơn bạn.
ReplyDeletepim pim, mấy tháng nay kèn bị hư rồi, trước khi về quê phải sửa thôi. hi hi
ReplyDeleteTừ nằm 2010, Công ty Gas Ngọn lửa Thần đã dán các dòng chữ người văn minh không bóp còi inh ỏi lên xe như một cách để thể hiện rằng hãng xe hưởng ứng phong trào chống ô nhiễm âm thanh phố phường, nhưng dường như khẩư hiệ vẫn chỉ là khẩw hiệw, chính những xe này bóp còi kinh khửng nhất !!!!
ReplyDelete