Apr 30, 2012

Giá kể là Tây


Càng ngày tôi càng nhìn thấy nhiều hơn trên đường phố Hà Nội cảnh tượng này: những nam thanh nữ tú tóc vàng mắt xanh, rồi cả những người nước ngoài đã đứng tuổi, đi xe máy dạo mát ngoài đường, miệng cười hớn hở vui tươi phơi phới ngắm nghía phố xá và con người, trông thật vui mắt, nhưng họ lại không đội mũ bảo hiểm. Giờ đây nhiều người nước ngoài ở Hà Nội đã bớt phần rón rén khi đi bộ trên phố, qua đường cũng băng rất nhanh ở bất kỳ chỗ nào chứ không đợi đến được đoạn có dải đường dành riêng, cũng không bị các tay lái ô tô, xe máy của Hà Nội “uy hiếp” để mãi mà không dám bước chân từ vỉa hè xuống lòng đường nữa.

Và hơn thế nữa, về mặt tâm lý, người nước ngoài ở Hà Nội hiện nay đã rất tự tin, họ biết rằng Hà Nội về bản chất là một thành phố an toàn về nhiều mặt, mức sống cũng không quá cao nếu biết cách luồn lách, uống bia vỉa hè ở đoạn phố Tạ Hiện giao với Hàng Giày cũng mát mẻ và thú vị, người dân về cơ bản lại rất niềm nở, thân thiện. Họ cũng biết rằng khi họ cầm lái xe máy trên đường phố, rất ít khi có chuyện cảnh sát giao thông “động” đến họ.

Thế là, một mặt thì ngày càng có nhiều hơn những lời chỉ trích của người nước ngoài hướng vào chất lượng ngành du lịch Việt Nam, đăng tải thôi thì đủ mọi chỗ, từ báo chí cho đến facebook, blog cá nhân (những chỉ trích cũng rất hữu lý), một mặt khác, không ít người nước ngoài đi xe vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm hoặc chở nhiều người trên xe. Cảnh sát giao thông Hà Nội, vốn rất tích cực chặn phạt người vi phạm luật, nhất là trong quãng thời gian mấy tháng gần đây (có những hôm một trạm giao thông đông đến hàng chục nhân viên nhằm xử lý triệt để tình hình rối loạn giao thông), lại chẳng mấy khi chạm đến những người nước ngoài phạm luật. Thậm chí tôi còn từng chứng kiến không ít lần cảnh sát giao thông cười rất tươi với các anh Tây chị Tây không đội mũ bảo hiểm, cứ như thể đó là một việc gì thú vị lắm.

Đây cũng chỉ là một biểu hiện của hiện tượng người nước ngoài ở Việt Nam, biểu hiện bề mặt, dễ nhìn thấy hơn cả.

Dường như trong xã hội chúng ta hiện nay, có một sự phân biệt ngầm nào đó, không cần tinh ý lắm cũng có thể thấy. Vào quán ăn hay quán cà phê, nếu là người nước ngoài bạn sẽ được phục vụ tốt hơn, được ân cần niềm nở nhiều hơn. Đến nơi nào mà “xịn xịn”, nếu muốn kiểm chứng điều này, bạn hãy làm một bài test nho nhỏ: hãy thử nói bằng một thứ tiếng nào khác tiếng Việt, sao cho nhân viên nghĩ rằng bạn là một người nước ngoài, rồi xem thái độ phục vụ và thời gian giải quyết công chuyện có nhanh hơn so với nếu bạn nói bằng tiếng Việt hay không.

Điều này là đáng vui hay đáng buồn, tôi không biết, chỉ biết rằng ngay cả những người có học vấn cao cũng mang trong đầu một sự phân biệt nhất định nào đó, một điều gì đó rất có thể chỉ là vô thức nhưng gặp dịp là thể hiện ra bên ngoài. Một người nổi tiếng như nhà văn, ca sĩ, người mẫu có thể rất khó tính, kiêu kỳ với phóng viên người Việt Nam, nhưng lại hết sức vồn vã không chỉ với phóng viên nước ngoài mà cả với bất kỳ người nước ngoài nào mà họ gặp.

Và những lúc đang mải mê vừa đi trên phố vừa suy nghĩ cho bài sắp tới cho mục “Nhìn ngược, Nhìn xuôi” này, lỡ tay vượt đèn vàng, bị cảnh sát tuýt còi, tôi lại thầm nghĩ giá kể mình là “Tây” thì khỏe biết bao nhiêu.

2 comments:

  1. Ngược chiều vun vút: Tây vào quán, bị gọi là "nó", "thằng" (tưởng Tây nào cũng ko biết tiếng Việt).
    Cũng là phân biệt đối xử, nhưng "ngược chiều" chăng?

    Lee

    ReplyDelete
  2. Không chỉ là Tây đâu chị ạ, ny người SG nhìn hơi giống con lai . Thi thoảng 2 đứa em vẫn thuê KS ở Phố cổ để chơi... Mặc dù em là gốc HN và nhà chỉ cách khu Hồ con Rùa 1 đoạn nhưng mỗi lần lên đó ở là lại được đối xử... như người "Tây". Bị chặt chém rồi đủ thứ trò. Cơ mà ra đường thì gặp CA lại được đối xử như người VN. Hixhix. Ôi VN ơi là VN, bước chân ra khỏi cửa Hải Quan là ngoái đầu lại thấy khó khó

    ReplyDelete