Oct 18, 2014

Những đám mây sẽ còn ở lại

Tại sao văn chương Nguyễn Bình Phương khác biệt?

Độc giả chuyên nghiệp hay không chuyên dễ dàng quy văn chương Nguyễn Bình Phương vào một chữ “lạ” (hay ít thiện chí hơn thì “khó hiểu”) rồi yên tâm với cách sắp xếp xét cho cùng rất yên ổn như vậy. Nhưng hết cuốn tiểu thuyết này đến cuốn tiểu thuyết khác, văn chương ấy cứ cựa quậy không ngừng, giống những cặp rắn trở đi trở lại mãi kể từ tác phẩm rất sớm như Bả giời, lúc nào cũng đe dọa vùng thoát khỏi một cách nghĩ hợp lý này hay một nhận định hợp lý khác. Nó sẵn sàng đi vào những khoảng trống phi lý, như thể liên tục nhắc nhở người ta nhớ rằng quả thật có tồn tại những khoảng khuất, và văn chương thật ra chia làm hai nửa: một nửa nỗ lực miêu tả phía bên này của mặt trăng, nửa kia thì tìm cách lấn vào quãng tối tăm khó dò còn lại.

Một người quan sát bình tĩnh nhiều khả năng sẽ nhận ra văn chương Việt Nam vài chục năm vừa qua đã có lúc xô theo hướng “hiện thực ngồn ngộn”, mang nặng một niềm tin khó lung lay về “chân thực” và “phản ánh”; rồi lại đến lúc, phần lớn nghiêng hẳn sang ngả chế giễu, châm biếm những gì hiện ra trước mắt. Gần đây ta có hàng loạt tác phẩm mỉa mai sâu cay đời sống đô thị, sự vô vị của cõi nhân gian bé tí, trong đó ken dày những câu đoạn nặng ưu thời mẫn thế và đậm thứ gia vị gây nhồn nhột nỗi hoang mang. Đại để, mỗi thời lại có một phong vị nổi trội nào đó hút lấy phần đông nhà văn say sưa khám phá. Nhưng điều kỳ quặc của văn chương nằm ở chỗ “đúng thời”, “hợp giọng” lại rất có khả năng tạo ra không nhiều giá trị. Ngược lại với đó là những giọng nói như thể lúc nào cũng lệch dòng, lạc thời (tất nhiên “lạc thời” cũng không phải là điều chắc chắn tạo ra giá trị) - Nguyễn Bình Phương là người tạo ra một giọng như thế; ban đầu nó chỉ len lỏi, mơ hồ, nhưng giờ đây, nhất là với cuốn tiểu thuyết mới Mình và họ (NXB Trẻ, viết trong quãng thời gian 2007-2010), giọng nói ấy đã không chỉ còn phảng phất vương vấn trong vài nhóm nhỏ độc giả sành văn chương nữa. Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Bình Phương đã hình thành đầy đặn. Nói đúng ra, nó đã rất dày từ Những đứa trẻ chết già hay Người đi vắng.

Mọi tiểu thuyết gia đích thực đều nhất thiết phải có một cách nhìn thế giới rất riêng. Trong rất nhiều năm, Nguyễn Bình Phương xây dựng một cách nhìn thế giới xoay quanh làng Phan, xã Linh Sơn (“như một cục bướu của huyện” - Bả giời) và con sông Linh Nham. Một so sánh có lẽ không cần thiết và không nhất thiết chuẩn xác nhưng giúp ta dễ hình dung hơn: một số nhà văn Trung Quốc gần đây cũng gắn chặt với một địa danh, như Lý Nhuệ với Lữ Lương, Mạc Ngôn với Cao Mật hay Diêm Liên Khoa với Bả Lâu.

Mình và họ là một trong những lần hiếm hoi Nguyễn Bình Phương tách khỏi Linh Sơn, tạo bối cảnh chính của tác phẩm ở nơi khác, nhưng cái tên Linh Sơn vẫn xuất hiện vài lần. Ở lần “thoát ra khỏi Linh Sơn” này, nhân vật chính tên Hiếu đi tới mấy tỉnh miền núi phía Bắc giáp biên giới, lần theo hành trình của người anh trai từng là lính trong cuộc xung đột đẫm máu trước đây giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ở mấy tỉnh vùng cao ấy, hồi “Bảy chín” và “Tám tư”, nhiều chuyện thảm khốc đã xảy ra, bởi vì “cái dải biên cương này lý lịch cũng phức tạp, chồng chéo và oan khuất” (tr. 259). Thế nhưng, Hà Giang trong Mình và họ trở nên rất đáng nhớ lại vì những yếu tố khác. Cũng giống như một tác phẩm lớn xưa kia từng lấy Hà Giang làm bối cảnh (bộ tiểu thuyết Giòng sông Thanh Thủy của Nhất Linh - tác phẩm giờ đây rất ít được biết đến), vùng cao và những nông nỗi máu xương của con người chỉ là chuyện phụ. Trong mọi tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, bao giờ câu chuyện thời hiện tại cũng diễn ra trên cái nền những câu chuyện lịch sử: ở Những đứa trẻ chết già là vụ việc Nông Văn Vân dưới triều Nguyễn, ở Người đi vắng là cuộc nổi dậy của Lương Lập Nham và Đội Cấn, ở Mình và họ trước hết là một lịch sử dàn trải nhưng lắm vang dội, khốc liệt của các thủ lĩnh thổ phỉ sơn cước mà những điểm mốc đáng nhớ là Lý Dương Tài, Hoàng A Tưởng, Trảo Sành Phú, nhất là Châu Quang Lồ. Mọi chuyện từng xảy ra như thể vẫn đang xảy ra - trục thời gian tuyến tính dường như không mấy ý nghĩa trong cách nhìn thế giới của Nguyễn Bình Phương, nên những sự việc kinh thiên động địa có thể “chẳng khác gì việc xích mích với hàng xóm” (tr. 52).

Nhan đề ban đầu của cuốn tiểu thuyết, Xe lên xe xuống hay nhan đề chính thức cho lần xuất bản này, Mình và họ, chia thế giới thành hai nửa. Tác giả cũng không giấu ý định của mình: “Một dải núi xanh lam trong veo giăng ngang tầm nhìn, chia thế giới thành hai phần bằng nhau” (tr. 131). Nhà văn là người đứng ở giữa, chính xác ở trung điểm của “lên” và “xuống”, “mình” và “họ”, khoảng thời gian đã qua và khoảng thời gian sau đó: “Mình đang nhìn ký ức bằng cặp mắt se lạnh. Ký ức cũng se lạnh nhìn lại mình” (tr. 91). Rồi sự ở giữa ấy còn trở nên vô hình và trừu tượng hơn nữa, thể hiện ở những đoạn văn in nghiêng trong cuốn sách - sự ở giữa cõi sống và cõi chết. Khi đi lên núi là người sống, khi đi xuống sự sống ấy đã chấm dứt, nhưng không có gì đáng kinh hoảng: “Mình bị kẹp giữa bọn họ, đám bên ngoài không mang theo gì cả, ngoài sự kiên trì ghê gớm, và đám bên trong này với sức mạnh của súng và còng số tám” (tr. 29). Nên bình thản không hoảng hốt, bởi vì có ở giữa mới biết, “mình với họ rất khó phân biệt” (tr. 211). Cuốn tiểu thuyết sẽ kết thúc bằng sự từ chối phân biệt: “làm sao để phân biệt được lên với xuống”, “làm sao để phân biệt được mình với họ?” (302).

Và cũng phải ở vào vị trí ấy thì mới có thể khởi sự lờ mờ trả lời được những câu hỏi mang ý nghĩa sống còn cho nhận thức, vì trong đầu óc nhân vật chính luôn luôn dai dẳng câu hỏi, từ bên ngoài thì làm sao biết được có gì ở bên trong: “Mình muốn biết bên trong những cái cây của vùng này là gì” (tr. 12); nhân vật Hiếu tìm cách nhìn vào bên trong người tình của mình để “xem bên trong có cái gì”, và rốt cuộc tạm biết là có “cả một thế giới nguyên thủy, mù mịt trong ấy, nhưng hoang liêu” (tr. 13). Nhu cầu nhận thức này làm nên sự cân bằng cho cuộc đời nhân vật chính, bởi nếu không cuộc đời ấy chỉ loanh quanh đọc chuyện giật gân trên những số báo Công an nhân dân và điềm nhiên gây tội lỗi.

Chúng ta đi đến một điểm rất thú vị trong thế giới văn chương Nguyễn Bình Phương: muốn “ở giữa” được thì nhất thiết phải tìm ra được sự cân bằng, điều này rất khó, vì mọi đường ranh giới thật ra đều vô hình, kể cả đường biên giới giữa hai quốc gia: người anh trai của nhân vật chính đã vô tình đi sang đất nước của “họ” và bị quân “họ” bắt sống giải về sâu trong lục địa Trung Quốc. Cấu trúc của Mình và họ đặc biệt gọn gàng, làm nổi bật lên tính chất mạch lạc của một câu chuyện. Thật ra, những tiểu thuyết trước đây của Nguyễn Bình Phương cũng rất nỗ lực mạch lạc, nhưng thường xuyên gây rối trí cho độc giả vì những phân đoạn chồng chéo lên nhau. Ở Mình và họ vẫn là nhiều câu chuyện, nhưng cấu trúc đi vòng tròn (mở đầu cũng chính là đoạn kết, bắt đầu và kết thúc ở “cú bay thảng thốt tuyệt mỹ” của nhân vật chính - tr. 7) và sự cắt cúp, dàn dựng khôn ngoan, tỉnh táo đã làm câu chuyện dễ theo dõi hơn, thậm chí có thể còn hấp dẫn cả đối với độc giả thiếu kiên nhẫn. Lần này, sự cân bằng mà văn chương Nguyễn Bình Phương đạt được chủ yếu nhờ cấu trúc, trong khi ở những tiểu thuyết trước đây, sự cân bằng ấy phần lớn nằm ở các đơn vị nhỏ hơn: ta hãy để ý (ví dụ như ở Người đi vắng) sự xuất hiện dày đặc của phép so sánh; câu văn của Nguyễn Bình Phương rất hay có hai phần ở hai bên từ “như”; hai nửa thế giới, nửa nhìn thấy được và nửa khuất lấp, tồn tại trong thế cân bằng chông chênh với một từ “như” nhỏ bé ở giữa. Ở Mình và họ, phép so sánh được sử dụng tiết kiệm và đắt giá hơn nhiều, và chủ yếu xuất hiện khi có những con rắn hay trăn, loài vật luôn luôn ẩn hiện trong các câu chuyện của Nguyễn Bình Phương, một loài vật đặc biệt, vừa đe dọa phá hủy sự cân bằng vừa là biểu tượng đẹp nhất của sự cân bằng cặp đôi và vòng tròn: “hai tay cuộn lên như hai con trăn đang núc mồi” (tr. 70); “Cả bàn tay, cả cánh tay của người đàn ông ấy quả thực giống như một con trăn gió đói mồi, cuồn cuộn, hau háu” (tr. 116); “Đường giống như con trăn lớn, xe thì cứ đổ xuống trên cái thân trăn đó” (tr. 128).

Và cuối cùng, tại sao văn chương của Nguyễn Bình Phương lại có thể cân bằng trên thế chông chênh như vậy? Có lẽ bởi văn chương ấy được đặt trên ba yếu tố hết sức cơ bản, khách quan và bền vững: thứ nhất là đá (tức là cả đồi và núi; nhiều lúc đá có thể di chuyển trong đêm như ở Mình và họ hay tạo dáng vô cùng đáng nhớ: “dãy đồi mang hình cô gái khỏa thân nằm ngửa” - Những đứa trẻ chết già); thứ hai là cây (tất nhiên liên quan đến những khu rừng - Nguyễn Bình Phương có lẽ là nhà văn Việt Nam viết về cây hay nhất); và nước, nước sông, nước mưa hoặc sương (“sương mờ chờn vờn quẩn quanh như khói, như cỏ, như lửa trắng, như những bàn tay mơn trớn vuốt ve mà chẳng dâm đãng chút nào” - Ngồi) và đặc biệt là mây.

Những đám mây sẽ làm ta không quên được Mình và họ; có “đám mây cô đơn nhất”, là “đám mây ngũ sắc, có những tia sáng chói bắn tóe ra, giống chiếc nơm đang úp thẳng xuống” (tr. 8), có “đám mây trắng hình chữ nhật” (tr. 111) rồi chốc lát biến thành “con ngựa xám đang lồng lộn phi trên một rừng gươm nhọn hoắt” (tr. 112). Vào những thời điểm quan trọng trong các câu chuyện của Mình và họ, đều xuất hiện mây, khi lấp huyệt cho người anh (“bạch long phù” - tr. 239), khi Hiếu và người anh trai đánh nhau thì “đám mây xòe ra hệt như chiếc quạt giấy trắng phau” (tr. 203).

Những đám mây ấy “vô tình” hay “kiêu mạn” (tr. 172), chúng hờ hững hợp tan, và chúng cứ ở lại đó, lãnh đạm phía bên trên những điều vô nghĩa của cuộc sống con người, bên trên thế gian luẩn quẩn, mà theo Nguyễn Bình Phương, “xét cho cùng, từ khởi nguồn đến giờ, chưa hề mất đi một cái gì, kể cả sự mông muội” (tr. 121).

2 comments: