Oct 2, 2014

Phạm Quỳnh và Charles Maurras

Bàn về “ảnh hưởng” - bản thân “ảnh hưởng” đã là một khái niệm giàu tính chất bất định[1] - không bao giờ là chuyện đơn giản. Sự khó khăn dường như không nằm ở chỗ rất khó tìm ra các ảnh hưởng mà, thật nghịch lý, lại nằm ở chỗ có vẻ như các ảnh hưởng quá dễ thấy. Ta rất dễ yên tâm quá mức nhanh chóng với các nhận định theo kiểu thơ tượng trưng, siêu thực ảnh hưởng lên Bích Khê hay nhóm Xuân Thu Nhã Tập, Vũ Hoàng Chương chịu ảnh hưởng của Đường thi hay Hoài Thanh mang nhiều dấu vết của Jules Lemaître, vân vân và vân vân. Ta dễ nhận ra rằng, như Harold Bloom đã lập luận (nhưng là đối với các nhà thơ), ở nhà nghiên cứu hay có một “nỗi âu lo” tìm ra các ảnh hưởng mà đối tượng của họ có thể từng nhận lấy; xét cho cùng đây là “nỗi âu lo” hướng lối cho nhu cầu tìm đến một ý hướng ít nhiều nhất quán, một tính chất liên tục, một tính mục đích nào đó ngõ hầu giúp hình dung quá khứ của ta thoát khỏi hư vô và hỗn loạn; tuy nhiên, những chuyện đã xảy ra trong lịch sử hoàn toàn có thể không đơn giản như vậy, hoặc còn tệ hơn, hoàn toàn có thể không phức tạp như vậy. Trong khi đó, một vẻ hao hao về ý tưởng hay tinh thần chung chưa chắc đã thể hiện một sự tiếp nhận có thực (điều kiện căn bản để xảy ra ảnh hưởng đúng nghĩa), thậm chí nhiều khi công việc khảo cứu còn chưa chỉ ra được phía nhận ảnh hưởng trên thực tế có am hiểu và hướng tinh thần của mình theo phía gây ảnh hưởng hay không, và nhiều lúc có ngay sự “quy kết” về ảnh hưởng chỉ vì nhận ra một sự nhắc tên nào đó, trong khi ở các hoạt động trước tác và nghiên cứu, dẫu là văn chương hay chính trị, “name dropping” là một việc thường gặp và rất có thể không mang ý nghĩa gì quan trọng. Khi một nhà văn Việt Nam có đọc một tác giả nước ngoài nào đó thì việc bàn đến ảnh hưởng và mức độ của ảnh hưởng ấy cũng vẫn quá khó; chưa kể nhà văn hoàn toàn có thể “nhào nặn ký ức” để tạo ấn tưởng về những ảnh hưởng tưởng tượng. Kể cả nếu một nhà văn hay bàn về một tác giả nước ngoài, thì vẫn có nhiều khả năng không hề có ảnh hưởng đích thực, mà lắm khi công việc nhất thời có thể buộc nhà văn phải có bài viết về một đề tài nào đó hoặc một tác giả nào đó. Lại có khả năng sự ảnh hưởng chỉ xuất hiện ở một hoặc một vài phương diện nhỏ bé, tùy theo sở đọc và cách tiếp cận của nơi nhận ảnh hưởng. Hoặc nữa: chủ thể chịu ảnh hưởng hiểu nguồn ảnh hưởng đến mức độ nào? Nghiên cứu ảnh hưởng hẳn không phải là bất khả thi, nhưng cần hết sức thận trọng, và ngay cả khi thận trọng vẫn có thể không dẫn đến đâu. Bài viết dưới đây không nhằm chứng minh về một ảnh hưởng từ Charles Maurras lên Phạm Quỳnh, mà cố gắng chỉ ra Phạm Quỳnh từng bàn đến tư tưởng của Charles Maurras, ít nhất là không dừng ở mức chỉ nhắc đến tên theo lối thoáng qua, tức là khác với bình luận của một số nhà nghiên cứu trước đây; như các đoạn sau sẽ chỉ rõ, Phạm Quỳnh đã thực sự nghiên cứu Charles Maurras, và vấn đề này dường như không được quan tâm mấy trong các nghiên cứu về Phạm Quỳnh cho tới nay, mặc dù đây là tác giả quan trọng trong tư duy quốc gia chủ nghĩa và thuyết bảo hoàng, quân chủ hay tôn quân, là những thứ gắn kết với Phạm Quỳnh nhà chính trị.

Trong phạm vi nghiên cứu về Phạm Quỳnh, có một thực tế cần nhận ra: các nhà nghiên cứu đã quá chú trọng vào bộ Thượng Chi văn tập hay nói rộng hơn là tạp chí Nam phong. Nhưng trước tác của Phạm Quỳnh rộng hơn thế; kể từ đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, Phạm Quỳnh đã dần rời bỏ nghề làm báo nhưng vẫn không ngừng trước tác, và khi Nam phong đã ngừng tồn tại thì Phạm Quỳnh vẫn viết nhiều tác phẩm. Kể cả khi nghiên cứu, đánh giá Phạm Quỳnh chủ yếu dựa trên Nam phong, thì các nhà nghiên cứu thế hệ sau rất thường xuyên bỏ qua, hay nói đúng hơn là tránh né, đi sâu vào các đề tài không còn thông dụng ngày nay. Ví dụ, chưa ai tìm hiểu kỹ xem Phạm Quỳnh đã đọc Paul Bourget như thế nào, có thực sự am hiểu Bourget không, tán thưởng Bourget ở những phương diện nào, trong khi Phạm Quỳnh viết nhiều bài đọc sách đặc sắc về các tiểu thuyết của Paul Bourget, và ngay cả khi Phạm Quỳnh còn bàn luận về nhiều tác giả Pháp khác thì ta vẫn thấy một niềm hâm mộ chân thành của ông đối với văn chương Bourget. Ngày nay, Paul Bourget đã trở thành một nhà văn ít được biết đến, tiểu thuyết của ông có thể xem như bị lạc hậu, nhưng vào thời của mình, Paul Bourget có danh tiếng không kém gì những nhà văn ngày nay vẫn được đọc nhiều, như Anatole France hay Alphonse Daudet. Rất thường xuyên, các nghiên cứu (không chỉ ở trường hợp Phạm Quỳnh) không đào sâu vào những nơi đã bị lớp màn lãng quên phủ lên.

Đó là thời điểm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lúc mà hơn bất kỳ lúc nào trong lịch sử, các nhà văn Pháp lậm sâu vào cuộc chiến chính trị đến như vậy. Paul Bourget, cũng như phần lớn nhà văn Pháp nổi tiếng thời ấy, có tư cách nhà văn nhưng ở họ tư cách nhà chính trị (hay nhà tư tưởng/hoạt động chính trị) cũng không hề nhỏ. Nếu nói về “ảnh hưởng” thì có thể bình tĩnh mà thấy rằng ở mặt “mô hình”, nhà văn Việt Nam lặp lại tại một không gian khác hình mẫu các nhân vật tồn tại bên “chính quốc”. Một nhà văn Pháp có thể là nhân vật chủ chốt của một phong trào chính trị nào đó, là đại diện, người phát ngôn hay có thể khiêm tốn hơn, là thành viên của một nhóm chính trị. Anatole France, Léon Daudet hay Maurice Barrès vừa là nhà văn vừa là nhà chính trị một cách hết sức tự nhiên; ta thấy điều tương tự xảy ra bên Đông Dương: Phạm Quỳnh, Nguyễn Phan Long hay Phan Văn Hùm, Nhượng Tống là nhà văn đồng thời đại diện cho các khuynh hướng chính trị khác nhau, thậm chí nhiều lúc đối nghịch nhau.

Paul Bourget và cả Jules Lemaître đã nhắc ở trên tranh đấu trong một môi trường cực kỳ phức tạp và sôi động. Họ châu tuần bên thủ lĩnh Charles Maurras cho một lý tưởng: chủ nghĩa quốc gia[2]; khuynh hướng này không khó khăn mà có nhiều vang bóng bên Đông Dương, nơi các trí thức thuộc địa đang vật lộn với cuộc chiến riêng của họ.

Hưởng lợi đầu tiên của “trí thức thuộc địa” từ sự sôi động chính trị và văn hóa ở Pháp chính là danh xưng “trí thức”, đây là khái niệm nảy sinh từ các tranh cãi xung quanh sĩ quan Alfred Dreyfus. Đời sống văn hóa bên Pháp đã thay đổi mãnh liệt ở thời điểm khúc ngoặt chuyển từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX. “Vụ Dreyfus” (L’Affaire Dreyfus)[3] làm thay đổi rất nhiều phương diện, nhất là làm sản sinh khái niệm “người trí thức” và ngay lập tức đưa người trí thức trở thành “vấn đề” (nhưng vụ việc này không có mấy tiếng vang trên báo chí Việt Nam đương thời, chắc hẳn một phần lớn nguyên nhân nằm ở chỗ nó nổ ra vào thời điểm báo chí Việt Nam chưa thực sự được định hình). Một ví dụ nhỏ về sự thay đổi trong đời sống văn hóa-tinh thần bên Pháp: ngay trước đó, một nhà thơ thuần túy như Verlaine được coi là “ông hoàng”, nhưng đến giai đoạn xung quanh Vụ Dreyfus thì danh hiệu “ông hoàng” được trao cho một nhà văn hết sức chính trị, một người quốc gia chủ nghĩa điển hình: Maurice Barrès. Không “tiếp nhận” một cách trực tiếp những thay đổi trong khi diễn ra Vụ Dreyfus, nhưng quan điểm của giới văn chương Việt Nam lại “tiếp nhận” yếu tố chính trị trộn lẫn vào văn chương này: một văn nhân giai đoạn đầu thế kỷ XX luôn luôn cảm thấy nỗi thúc bách phải bàn về chính trị - quan niệm này, có vẻ như vì vô tình - lại rất phù hợp với quan niệm nhà nho nhập thế truyền thống.

Dreyfus (một sĩ quan Do Thái) bị kết án phản quốc trong những điều kiện hết sức mù mờ. Dư luận nước Pháp chia làm đôi: một phía là các nhà cộng hòa và xã hội như Georges Clemenceau hay Léon Blum với hành động quyết liệt đầy tính chất biểu tượng là bài báo “J’accuse” của Émile Zola đòi minh oan cho Dreyfus - đây là khoảng dư luận sau này hay được nhắc đến ở Việt Nam, nhưng ngoài ra còn có một phía nữa, nằm ở chiều đối nghịch, phía này thì không mấy được các nhà nghiên cứu Việt Nam ưa tìm hiểu, nhưng lại rất quan hệ đến chủ đề chúng ta đang bàn.

Trong tác phẩm nổi tiếng Le Siècle des intellectuels (Thế kỷ của các trí thức)[4], sử gia Michel Winock muốn chứng minh luận điểm: thế kỷ XX của nước Pháp là thế kỷ của trí thức, bắt đầu từ Vụ Dreyfus với sự ra đời của danh từ “trí thức” (intellectuel - thoạt tiên được sử dụng với hàm ý chế giễu) và có ba giai đoạn, tương ứng với ba phần cuốn sách: “Les années Barrès” (Những năm [Maurice] Barrès), “Les années Gide” (Những năm [André] Gide) và “Les années Sartre” (Những năm [Jean-Paul] Sartre). Trong số ba gương mặt lớn của giới trí thức Pháp thế kỷ XX được Michel Winock coi như là trung tâm của ba thời kỳ, giờ đây Maurice Barrès không còn được biết đến nhiều, nhất là ở Việt Nam. Barrès là một nhà văn rất tài năng, “ông hoàng của tuổi trẻ”, người từng viết những tác phẩm hết sức được hâm mộ về “sự thờ phụng cái tôi” (le culte du moi) hay chỉ trích sự vong bản/mất gốc (déracinement). Cái nhìn nhiều tính chất tâm linh, gắn kết với mảnh đất sinh thành làm nên nền tảng quan trọng cho một chủ nghĩa quốc gia dày đặc yếu tố tinh thần rất đặc trưng kiểu Pháp vào thời kỳ nước Pháp suy yếu do thua trận trước Bismarck và đang vô cùng hoang mang trong hướng phát triển. Maurice Barrès được nhắc đến không ít tại Việt Nam trong lứa trí thức đầu thế kỷ XX, và ở Pháp là người cha tinh thần của cả một thế hệ. Nhiều người đã tiếp bước Maurice Barrès trong công trình xây dựng chủ nghĩa quốc gia Pháp đầu thế kỷ XX, trong đó nổi bật hơn cả là Charles Maurras.

Chương 8, phần I của Le Siècle des intellectuels được Michel Winock đặt tên là “Les premiers pas de l’Action française” (Những bước đi đầu tiên của Action française). Câu mở đầu chương này như sau: “Vụ Dreyfus mang tới cho các nhà quốc gia chủ nghĩa một ông hoàng: Charles Maurras”[5]. Năm 1885, Charles Maurras tuổi trẻ từ quê nhà lên Paris và từ năm 1886 cho đến khi qua đời năm 1952, Maurras viết khoảng 10.000 bài báo, là một ngôi sao huy hoàng của báo chí chính trị nước Pháp. Maurras, cũng tương tự như Maurice Barrès người cha tinh thần của mình, là một nhà văn xuất chúng và lúc nào cũng đầy ắp ý tưởng. Khi còn trẻ, Maurras bị ám ảnh bởi ba điều: ở nước Pháp có quá nhiều dân Do Thái, với vô vàn biển hiệu mang các chữ cái K, W và Z tại Paris; sự tồn tại bấp bênh của nền văn minh Pháp; cảm giác gắn kết vô bờ với mảnh đất quê hương. Maurras nhanh chóng coi “nước Pháp Công giáo và Latinh” bị đe dọa bởi đạo Tin Lành, người Do Thái và người nước ngoài lưu trú; Maurras ngưỡng mộ ngôi sao bài Do Thái thời bấy giờ, Édouard Drumont, và Maurras tôn sùng “trật tự” (từng có một nhà văn Pháp đương thời là Paul Léautaud chế giễu thói mê “trật tự” này: chỉ phụng sự cho trật tự mà mặc kệ tự do và sự thật). Về cơ bản, Charles Maurras thuộc vào dòng các nhà tư tưởng Pháp theo phái “phản động”, nét đặc biệt trong suy tư của dòng tư tưởng này là coi nước Pháp bắt đầu suy sụp kể từ Cách mạng 1789; đứng ở đầu nguồn của trường phái này là nhà tư tưởng kiệt xuất Joseph de Maistre.

Trong trận chiến xung quanh Vụ Dreyfus, ta dễ hiểu Maurras đứng về phe đối nghịch với những Léon Blum hay Georges Clemenceau và Émile Zola (phe chống Dreyfus này được gọi chung dưới cái tên “anti-dreyfusard”). Trước thực tế là phe ủng hộ Dreyfus ngày càng thắng thế (kết quả cuối cùng của vụ việc là Dreyfus được xử trắng án), Maurras cùng các nhân vật như Gabriel Syveton, Louis Dausset, Henri Vaugeois, Maurice Pujo lập ra “Ligue de la Patrie française” (Liên đoàn Tổ quốc Pháp).

Đến đây, phong trào quốc gia chủ nghĩa nước Pháp bắt đầu phân hóa và vai trò của Charles Maurras trở nên nổi bật. Ý tưởng làm Maurras trở nên khác biệt là bảo hoàng: Maurras cho rằng cần phải có vua, và rất nhanh chóng, Maurras lôi kéo được các nhà quốc gia chủ nghĩa có niềm tin cộng hòa thay đổi lý tưởng của họ. Trong năm 1899, Maurras cùng một số bạn bè bàn bạc và lập ra Comité d’Action française (Ủy ban Hành động Pháp) và đến 20/6/1899 thì họp công khai ở phố Athènes thông báo sự ra đời, ngày 10/7 ra số báo đầu tiên, Bulletin de l’Action française; phương châm của Action française là “Antisémitisme - antiparlementarisme - traditionnalisme français” (chống Do Thái, chống nghị viện, theo truyền thống Pháp). Trong một thời gian ngắn, Maurras khiến cho các cộng sự chuyển sang hướng quân chủ, với các khái niệm căn bản là “gia đình”, “thôn xã” và “tỉnh thành” - với Charles Maurras, có được điều đó thì mới có “uy quyền”, và tất tật đòi hỏi một ông vua. Ý tưởng của Maurras hấp dẫn đến mức làm phá sản sự tồn tại của Ligue de la Patrie française: các nhân vật quan trọng của Liên đoàn này bỏ chỗ cũ để sang gia nhập với Maurras, trong đó có Paul Bourget mà ta đã nhắc đến, và nhất là cả Chủ tịch của Liên đoàn, Jules Lemaître, mà ta cũng đã nhắc đến. Chỉ một người không ngả theo Maurras, đó chính là ông thầy Maurice Barrès. Tổ chức ấy đã có những nhân sự tốt nhất, chỉ cần đợi có thêm sự gia nhập của nhà hùng biện đại tài Léon Daudet (con trai của Alphonse Daudet) và món tiền 200.000 quan do nữ bá tước de Loynes tặng cho trước khi qua đời, và thế là số đầu tiên của nhật báo L’Action française ra mắt ngày 21/3/1908 với lời hiệu triệu của công tước d’Orléans: “Mọi thứ gì thuộc về quốc gia đều là của chúng ta”. Tờ báo và phong trào quốc gia chủ nghĩa mang màu sắc bảo hoàng cao độ của Charles Maurras sẽ còn tồn tại rất lâu, với nhiều thời điểm mạnh mẽ, cho tới khi chính quyền Vichy sụp đổ, năm 1944.

Từ năm 1890, Maurras đã được Barrès mời cộng tác với tờ báo La Cocarde và Maurras nhanh chóng bảo vệ quyết liệt cho “idée décentralisatrice” (tư tưởng phản trung tâm). Tư tưởng phản trung tâm này (Maurras muốn các tỉnh của nước Pháp phải có thực quyền, tuy vẫn có quan hệ lệ thuộc với chính quyền trung ương nhưng độc lập về nhiều mặt, trừ chiến tranh hay hải quân…, tập trung vào các “xã” giống như các đơn vị tồn tại; mục đích lớn nhất là thực hiện các cải cách nhằm khôi phục tổ quốc[6]), cùng với tư tưởng bảo hoàng[7] làm nên xương sống cho chủ nghĩa quốc gia theo kiểu Charles Maurras.

Trên đây là miêu tả về Charles Maurras. Phạm Quỳnh, về phần mình, tại Đông Dương, cũng có thể được nhìn nhận là một nhân vật văn chương nhưng có nhiều dính dáng đến chính trị. Giờ đây, khi đã có độ lùi thời gian đáng kể, ta có thể thấy rằng sau này đánh giá về Phạm Quỳnh, người ta hay đi về hai thái cực: hoặc chê trách rất nặng lời chuyện Phạm Quỳnh cộng tác với chính quyền thực dân, hoặc ca ngợi hết lời về những đóng góp văn hóa của Phạm Quỳnh, lại có những ý kiến cho rằng sự hợp tác với người Pháp chỉ là một lựa chọn thời điểm nhằm hướng tới mục đích cao hơn là tương lai của dân tộc.

Tạm thời bỏ qua những ý kiến quá mức cực đoan như của Nguyễn Văn Trung tại Sài Gòn trước 1975[8], ta thử xem đánh giá có thể coi là trung tính của một sử gia ít liên quan đến văn học: Phan Khoang, trong Việt Nam Pháp thuộc sử[9], miêu tả hành trạng của Phạm Quỳnh trong hai đoạn như sau:

“Năm 1932, vua Bảo Đại về nước, bỏ hiệp ước 25/11/1925, chủ trương canh cải nước nhà. Một Hội đồng cải cách được thành lập. Ngày 10/9/1932, vua ra dụ tuyên bố thân chính và ý định cải cách ngạch quan lại, Tư pháp, Giáo dục. Thấy nhân dân đương hy vọng, muốn đề phòng mọi hành động quá trớn của nhà vua trẻ tuổi, Toàn quyền Pasquier đặt bên cạnh vua một người tin cậy. Nhà văn hào Phạm Quỳnh mà những ý kiến cải cách chính trị không làm cho chính quyền Pháp e ngại, được trạc dụng làm Đổng lý Ngự tiền Văn phòng, cấp bậc Thượng thư […] Năm 1938, vua Bảo Đại và Thượng thư Phạm Quỳnh sang Pháp bầy tỏ với Bộ trưởng Thuộc địa, bấy giờ là ông Mandel, về tình hình Việt Nam và yêu cầu Chánh phủ Pháp hợp nhất Trung, Bắc Kỳ cho đúng với hòa ước 1884. Nhưng rồi vua trở về tay không, không thu được kết quả gì”[10].

Về sự đấu tranh chính trị trên báo chí của Phạm Quỳnh:

“Ở Bắc Kỳ, năm 1930, nhà học giả Phạm Quỳnh viết một loạt bài báo đòi hỏi chánh quyền Pháp cải cách chế độ ở Trung, Bắc Kỳ: giao thực quyền lại cho Triều đình Huế, dùng một lớp người mới ra làm việc, chính quyền Việt Nam có một viện Dân biểu trợ lực, chính phủ bảo hộ chỉ giữ nhiệm vụ cố vấn và kiểm soát. Các đòi hỏi ấy cũng được người Pháp để ý đến phần nào, nhưng kết quả lớn hơn chỉ là ghế Thượng thư trao cho ông liền sau đó”[11].

Những điều được viết ở đây chưa hẳn đã miêu tả đầy đủ sự nghiệp hoạt động chính trị của Phạm Quỳnh. Ta có thêm ví dụ là cuộc đấu tranh chống độc quyền rượu ở Đông Dương, đã được nghiên cứu khá chi tiết[12]. Nhìn chung, cho đến giờ, hành trạng của Phạm Quỳnh, nhất là ở mảng chính trị, còn chưa được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đây có thể là một đề tài hết sức phong phú. Đầu thập niên 30 của thế kỷ XX có lẽ là giai đoạn Phạm Quỳnh tích cực nhất trong cuộc tranh đấu chính trị trên báo chí. Trong năm 1930, Phạm Quỳnh cho đăng loạt bài “Vers une constitution” trên tờ France Indochine, bản tiếng Việt đăng Nam phong rồi còn in thành sách dưới nhan đề Vấn đề lập hiến cho nước Nam (Nhà in Bắc Kỳ, 1930). Dường như các ý kiến về chính trị của Phạm Quỳnh thường không được chính quyền thực dân quan tâm cho lắm, và nhận về nhiều chỉ trích của các học giả Việt Nam. Huỳnh Thúc Kháng, chủ báo Tiếng dân ở Huế, gửi thư cho toàn quyền Pasquier phản đối thuyết lập hiến của Phạm Quỳnh còn Phan Khôi thì mỉa mai: “Theo như lời ông Phạm Quỳnh, ở Trung-Bắc mà muốn lập hiến thì bước thứ nhứt là phải nhờ chánh phủ bảo hộ nới cái tay cai trị cho lỏng ra, lý hành cái điều ước năm 1884, theo như điều ước ấy, giao quyền nội trị lại cho vua Nam triều. Rồi chánh phủ bảo hộ lại giúp đỡ nhà vua, đứng lập một cái hiến pháp cùng thần dân Trung-Bắc. Trong hiến pháp ấy sẽ chia quyền hạn làm ba mặt: một là quyền của bảo hộ; hai là quyền của vua; ba là quyền của dân. Trước đây trên tờ báo nầy, chúng tôi có nói chơi trong mục “Những điều nghe thấy” mà đặt tên cái hiến pháp ấy là “hiến pháp tam giác”, tuy là lời nói chơi, nhưng sự thiệt quả là như vậy”[13].

Phải nói rằng, so với Charles Maurras, tư tưởng chính trị của Phạm Quỳnh không có những nền tảng vững chắc, xuyên suốt, ta không thấy có sự kiên định, quyết liệt như có thể trông chờ ở các lý thuyết chính trị. Không những thế, có những lúc, có lẽ vì lý do “chiến thuật”, Phạm Quỳnh còn phủ nhận vị thế chính trị của mình. Ta có thể đọc được những lời này khi Phạm Quỳnh đáp lời cáo buộc “học phiệt” của Phan Khôi năm 1930: “tôi vốn không phải là nhà chánh trị. Chẳng biết từ nay về sau vì thời thế bắt buộc có phải thực lực ra làm chánh trị hay không - đó là một cái nghĩa vụ, nếu phải làm thì cũng không dám từ - chớ từ trước đến nay thì sở chí sở sự không phải chuyên chủ về mặt chánh trị; dầu có tham dự vào chút đỉnh, cũng chỉ là tham dự một cách gián tiếp, đứng về địa vị khách quan, để làm một món khảo cứu mà thôi. Tôi vốn là nhà làm văn, nhà học vấn. Cái chủ nghĩa tôi phụng sự bấy lâu nay - kể có trên mười lăm năm trời, thật là dốc một lòng, chuyên một dạ - chính là chủ nghĩa quốc gia, nhưng chỉ mới phụng sự về phương diện văn hóa, chưa hề chuyển di sang phương diện chánh trị”[14]. Trong khi đó, Charles Maurras từng tuyên bố: “Chính trị trên hết”, và câu này từng được chính Phạm Quỳnh trích dẫn.

Như vậy, ta đã thấy xuất hiện tương đối sơ lược nhưng rõ ràng “cặp” Phạm Quỳnh-Charles Maurras, hai văn nhân hoạt động chính trị tại Pháp và Đông Dương tương đối cùng giai đoạn. Phạm Quỳnh, một người hết sức thông thạo đời sống học thuật và văn chương nước Pháp, như ông đã thể hiện một cách tuyệt vời trong những năm hoạt động tích cực cho tờ Nam phong, không thể không có lúc từng nhắc đến Charles Maurras. Ngày nay, rất thú vị khi xem các bình luận về mối quan hệ Phạm Quỳnh-Charles Maurras này.

Trong cuốn Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932[15], ta bắt gặp chú thích như sau khi trong một bài viết xuất hiện cái tên Charles Maurras: “Charles Maurras (1868-1952) nhà báo, nhà thơ, nhà hoạt động chính trị Pháp, đứng chủ trương báo Action française (Hành động Pháp), cơ quan ngôn luận của Liên đoàn hành động Pháp (Ligue de l’Action française). Trong các hành động chống phát xít của Charles Maurras có bài báo viết năm 1936 kết án chủ nghĩa Quốc Xã Đức, yêu cầu cấm đưa cuốn Mein Kampf của Hitler vào nước Pháp. Nếu ta biết rằng Phạm Quỳnh viết bài báo này năm 1929, tức là bảy năm trước bài báo năm 1936 của Charles Maurras, thì thấy Phạm Quỳnh không chỉ yêu người Việt Nam và yêu đất nước Việt Nam, mà còn có nhãn quan chính trị thế giới khá xác đáng”[16].

Có thấu hiểu đến đâu ý định tốt đẹp là đưa tác phẩm của Phạm Quỳnh trở lại với độc giả, gỡ bớt thiên kiến lịch sử nặng nề về hành trạng chính trị của Phạm Quỳnh của nhà biên soạn, thì ta cũng thấy nhận định “nhãn quan chính trị thế giới khá xác đáng” này quá mức ngây thơ, thậm chí làm thiên lệch vấn đề: ở Charles Maurras có những điều rất thiếu nhất quán, ít ra là ở bề ngoài: Maurras chống cả những người kháng chiến Pháp (vì họ chủ yếu theo khuynh hướng xã hội, cộng hòa) lẫn những người cộng tác với người Đức chiếm đóng (nhưng đó là vì sự bài ngoại sâu đậm trong suốt cuộc đời Maurras). Sự thật là, ngay từ trẻ và mãi đến sau này, Charles Maurras căm thù người Do Thái, chống người Do Thái bằng nhiều hình thức, nên về cơ bản tư tưởng của Maurras lại gần với Hitler, và trên thực tế, Maurras ủng hộ chính quyền Vichy thân Đức. Những đặc điểm ấy sẽ khiến Maurras có một kết cục không mấy tươi đẹp.

Một thảo luận khác thú vị hơn ở phương diện này: về mối quan hệ Phạm Quỳnh-Charles Maurras, từng có ý kiến của Đặng Thai Mai và sự phản đối của Vương Trí Nhàn.

Vương Trí Nhàn trích dẫn Đặng Thai Mai: “Về mọi mặt, chỗ “độc đáo” của y là điểm lạc hậu của bọn học giả phản động Pháp. Với tư cách “ông tham biện của tòa Liêm phóng”, y đã “chiếu theo mặt hàng mà quảng cáo cho chính sách thực dân và truyền bá phần lạc hậu nhất (kể cả chính kiến của Charles Maurras) trong tư tưởng nước Pháp”.”

Lập luận của Vương Trí Nhàn để phản đối ý kiến nặng nề của Đặng Thai Mai về Phạm Quỳnh như sau: “Nói riêng về trường hợp Charles Maurras (1868-1952). Ðúng là trên Nam Phong số 115 ở các trang 218-220 của năm 1927 có thấy trích đăng một ít suy tưởng của nhà văn này. Nhưng chúng tôi tưởng là Nam Phong đã sòng phẳng khi trong lời dẫn ghi rõ rằng Maurras là một kẻ đi ngược dòng trong đời sống tư tưởng ở Pháp, giữa thời cộng hòa mà lại đi đề cao quân chủ, chẳng qua là ông có lối văn rất hay, lập luận rất khúc chiết, nên cũng cần được biết tới. Còn như bảo Nam Phong đăng Maurras nghĩa là cùng tư tưởng với Maurras, như vậy chúng ta sẽ tính sao khi thấy trước đó năm 1926 ở số 109, Nam Phong cho in bản dịch bài viết của một học giả Nhật Bản viết về Chủ nghĩa xã hội, nói tới tính chất không thể tránh được - ngày nay ta gọi là tính tất yếu - của chủ nghĩa xã hội và có dẫn lời của cả Mã-khắc-tư (Marx) lẫn Ân-cách-nhĩ-thị (Engels)? Theo lôgích trên mà suy, chúng ta sẽ bảo như thế là Phạm Quỳnh cũng góp phần vào việc tuyên truyền chủ nghĩa xã hội, hoặc là một trong những người đầu tiên cho đăng trên tờ báo mình, những tài liệu về chủ nghĩa xã hội chăng? Tôi sợ rằng, nếu được sống lại, Phạm Quỳnh cũng thấy cái mũ ấy to quá, không hợp!”[17]

Ở đây, Đặng Thai Mai đại diện cho một ý hệ cách mạng dân tộc, chống lại những biểu hiện hợp tác với chính quyền thực dân, còn Vương Trí Nhàn đại diện cho các nhà nghiên cứu muốn nhìn nhận đúng đắn hơn và cởi mở hơn vai trò của Phạm Quỳnh trước năm 1945. Nhưng Đặng Thai Mai có nhiều bằng chứng hơn cho các chỉ trích của mình, vì không chỉ Nam phong có đăng trên vài trang các ý kiến của Charles Maurras, mà vào năm 1942, Phạm Quỳnh đã có hẳn một bài diễn thuyết dài rồi in thành sách, mang tên Charles Maurras penseur politique[18], bài diễn thuyết này được trình bày tại Huế, có mặt vua Bảo Đại và khâm sứ Trung kỳ; sách có nguyên văn bài diễn thuyết bằng tiếng Pháp và sau đó có phần dịch sang tiếng Việt của Phạm Quỳnh.

Phạm Quỳnh mở đầu bài diễn thuyết của mình như sau: “Mới gần đây, chửa bao lâu, có một văn sĩ mà đọc đến tên khiến cho dư luận xôn xao, kẻ khen người chê, kẻ yêu người ghét ồn ào: văn sĩ ấy là Charles Maurras”[19] và đưa ra nhận định tổng quát về Maurras: “Tiên sinh là một nhân vật rất sáng sủa, rất mạnh mẽ, một trí não rất minh mẫn, rất kiện toàn, do tinh thần nước Pháp chung đúc nên - tinh thần này vốn là gồm cả tinh hoa của Hy Lạp La Mã, là hai trụ cốt của văn minh Thái Tây - vậy mà vì ra chen đua trên trường chánh trị, xông pha giữa đám đảng tranh, như bị chìm đắm trong một cái không khí ồn ào vẩn đục, khiến cho thế giới không nhận được rõ cái giá trị vô song của một nhân tài lỗi lạc, đã từng có một phần cống hiến rất quí báu vào cái kho chung về trí năng kinh nghiệm của loài người”[20].

Sau khi ví Maurras “như vị anh hùng trong tiểu thuyết nọ” khi “đề xướng chủ nghĩa quân chủ tuyệt đối, chủ trương chủ nghĩa quốc gia hoàn toàn”[21], Phạm Quỳnh dành nhiều đoạn ca ngợi Charles Maurras là một con người thuần lý trí, không để cho tình cảm xen lẫn vào (đến mức còn khinh bỉ ái tình), giống như một người Nhã Điển (tức là Athènes) còn sống ở vào thời điểm đó.

Điều đáng chú ý là Phạm Quỳnh coi tư tưởng của Charles Maurras rất gần với Nho giáo bên phương Đông. Những đoạn đáng chú ý: “Charles Maurras, danh nho của nước Pháp, cũng thờ một tôn chỉ như các nhà nho nước Nam tự mấy mươi thế kỷ nay, tôn chỉ ấy gồm trong hai câu, là: sùng thượng Nghĩa lý và phụng sự Quốc gia”[22]. Phạm Quỳnh cho rằng tư tưởng của Maurras giống y trong Khổng giáo, ở “cách vật trí tri” và “chánh tâm thành ý”, lấy một câu của Maurras so với câu của Chu Tử, “Phàm vật là có lý cả, cùng mà tới được gọi là cách vật”, rồi lại cho rằng Maurras gần cả với Mạnh Tử. Tuy nhiên, ở đoạn sau, Phạm Quỳnh cũng nhìn thấy có đặc điểm khiến cho Maurras khác với các nhà nho: “tiên sinh trước hết là một nhà tư tưởng về chánh trị. Tiên sinh không phải là nhà luân lý”[23] và từ đó suy ra: “Chính thuộc về khoản này là tiên sinh xa cách với nhà nho ta và cũng chỉ có một khoản này mà thôi”, vì với Khổng giáo, “chánh trị tức là luân lý thực hành”[24].

Tiếp theo, Phạm Quỳnh tóm tắt phương pháp của Charles Maurras, cho rằng Maurras có phương pháp “quy nạp” và “suy diễn”, tất tật đặt dưới phương pháp tổng quát là “thực nghiệm tổ chức”[25] và giải thích thêm: “Phép này căn cứ ở thực nghiệm, ở lịch sử là sự kinh nghiệm của đời trước, ở tâm lý học là sự nghiên cứu những cơ vi mầu nhiệm của lòng người. Phép này là khảo sát cho rõ nhân quả mọi việc, rồi nhân đó “quy nạp” thành mấy điều chân lý rõ ràng đích xác, không bẻ bác được nữa; bấy giờ mới lại nhân những quy tắc nhất định đó, “suy diễn” ra sự thực trong đời chánh trị xã hội nhỡn tiền vậy”[26].

Phạm Quỳnh ủng hộ Charles Maurras để chỉ trích triết lý của Jean-Jacques Rousseau: “Xã hội không phải do người ta ý hiệp mà thành ra, như Jean-Jacques Rousseau đã tưởng lầm như thế, và cũng vì sự sai lầm đó mà gây ra nhiều cuộc rối loạn trong thế giới cận đại”[27]. Theo Phạm Quỳnh, từ Rousseau mà nảy sinh một loạt “bệnh tân thời” mà ông liệt kê: “chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa lãng mạn hay chủ nghĩa dân chủ”[28] rồi ngay sau đó gọi dân chủ (“chủ nghĩa dân chủ”) là “tối vô lý”, thậm chí: “cái hại rất to của thế giới đời nay là chủ nghĩa dân chủ” và theo Phạm Quỳnh thì chủ nghĩa dân chủ đồng nghĩa với “những câu lý luận tuyệt đối, và những khẩu hiệu hư ngụy”.

Phạm Quỳnh dành đoạn cuối của bài diễn thuyết để tóm tắt lý thuyết của Charles Maurras: “Nếu có thể tóm tắt lại bằng mấy câu thời nói chủ nghĩa ấy là gốc ở quan niệm xã hội đối với quan niệm cá nhân, ở lý tưởng quốc gia là hiện tượng rõ rệt nhất về chánh trị, ở quy tắc phục tòng và quy tắc trật tự là điều kiện tất yếu của quyền chánh trị, và ở chánh thể quân chủ là chánh thể hoàn toàn đệ nhất, vừa thuận với lý trí, vừa hợp với kinh nghiệm”[29]. Và cuối cùng Phạm Quỳnh ca ngợi Charles Maurras như sau: “học thuyết của tiên sinh là có giá trị, tuy là chủ nghĩa thi hành cho nước Pháp mà cũng là chân lý phổ cập cả loài người”[30].

Ta có thể thấy rõ rằng Phạm Quỳnh hiểu những nét chính trong tư tưởng chính trị của Charles Maurras, nhưng dường như Phạm Quỳnh không mấy quan tâm đến chương trình hành động của Maurras hay bối cảnh lịch sử-chính trị mà Maurras từng trải qua. Có vẻ như điều Phạm Quỳnh cần là một đối tượng có quan điểm quân chủ tương đối gần với mình (vào lúc đó). Nói kỹ hơn vào quan điểm chính trị của Charles Maurras cũng sẽ là chuyện dở cho Phạm Quỳnh, vì trong hình dung của Maurras, hoạt động nghị viện là điều cần phản đối hàng đầu, trong khi hình như Phạm Quỳnh không đối lập với nghị viện, thậm chí từng đích thân tham gia đấu tranh chính trị qua con đường dân biểu. Ta cũng có thể thận trọng mà nhận định rằng ở thập niên 40 mà Phạm Quỳnh vẫn tiến hành “thổ nạp Âu Á” theo cách khá thô sơ (đem so tư tưởng của Charles Maurras với Khổng giáo) thì chắc hẳn không mấy thuyết phục người đương thời. Tóm lại, rất khó nói rằng Phạm Quỳnh chịu ảnh hưởng từ tư tưởng chính trị của Charles Maurras mà Charles Maurras chỉ giống như một lựa chọn thuần túy cho một bài diễn thuyết thời điểm của Phạm Quỳnh.


Điều cuối cùng có lẽ nên được nêu lên để kết thúc bài viết thuật lại câu chuyện Phạm Quỳnh-Charles Maurras này: Charles Maurras hay Phạm Quỳnh đều rất đặc trưng cho văn nhân làm chính trị, một hiện tượng hay thấy trong quá trình hình thành chủ nghĩa quốc gia. Hiện tượng này có nhiều đặc điểm, nhưng dường như văn nhân làm chính trị thường hay mù mờ, khó hiểu, thậm chí nhập nhằng, quá nhiều thay đổi, mâu thuẫn. Vào các thời điểm nhất quán cực đoan trong tư tưởng và hành động, những nhân vật như vậy thường phải gánh chịu những cái án nặng nề: ta đã biết số phận của Phạm Quỳnh vào năm 1945, và vào năm 1944, khi chính quyền Vichy sụp đổ, chính quyền mới đã tuyên án tù trọn đời đối với Charles Maurras vì thông đồng với kẻ địch và vì một tội danh có thể hiểu đại ý là “làm nhục quốc thể”. Tuy nhiên, vì tôn trọng Charles Maurras, Viện Hàn lâm Pháp đợi đến khi ông qua đời mới bầu một người khác thế chỗ.




[1] Năm 1973, Harold Bloom xuất bản tác phẩm giờ đây đã trở thành kinh điển, The Anxiety of Influence. A Theory of Poetry. Bàn về các nhà thơ Anh-Mỹ, Bloom chỉ ra một “nỗi lo âu” (anxiety) thường trực về sự ảnh hưởng của các nhà thơ đi trước ở các nhà thơ.
[2] “Nationalisme” hay “nationalism” hiện nay hay được biết đến phổ biến dưới danh xưng “chủ nghĩa dân tộc”; bài viết này dùng cách gọi “chủ nghĩa quốc gia”.
[3] Cuốn tiểu thuyết gần đây của Umberto Eco lấy bối cảnh lịch sử châu Âu nửa cuối thế kỷ XX, Nghĩa địa Praha, đã dành rất nhiều trang cho Vụ Dreyfus. Cuốn tiểu thuyết này cũng mang lại nhiều hiểu biết về bối cảnh chính trị nước Pháp ở thời điểm chúng ta đang quan tâm.
[4] NXB Seuil, 1997. Ấn bản được sử dụng ở đây là của Seuil/“Points” 1999.
[5] Sđd., tr.86.
[6] Xem thêm bài “L’idée de la décentralisation” năm 1898 của Charles Maurras tại địa chỉ http://maurras.net/textes/49.html.
[7] Xem thêm bài “Les idées royalistes” năm 1910 của Charles Maurras tại địa chỉ http://maurras.net/textes/122.html.
[8] Nguyễn Văn Trung đã dành không ít cuốn sách của mình phê phán nặng nề Phạm Quỳnh và tờ Nam phong: Chủ đích Nam Phong. Phê bình một quan điểm phê bình, Trường hợp Phạm QuỳnhVụ án truyện Kiều.
[9] Khai Trí, Sài Gòn, 1961; đây có thể coi là công trình phát triển từ Việt Pháp bang giao sử lược (từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20) xuất bản lần đầu năm 1948.
[10] Sđd., tr.417-418.
[11] Sđd., tr.469.
[12] Xem thêm bài viết của Gerard Sasges, ““Indigenous Representation is Hostile to All Monopolies”: Phạm Quỳnh and the End of the Alcohol Monopoly in Colonial Vietnam”, Journal of Vietnamese Studies, vol.5, no.1, winter 2010, tr.1-36. Bài báo thuật lại cuộc đấu tranh của Phạm Quỳnh tại Đại Hội đồng Tài chính Kinh tế Đông Dương (có sự hỗ trợ của mặt trận báo chí) vào cuối năm 1931 chống độc quyền rượu, đối tượng chính của ông là Arthur-Raphaël Fontaine, giám đốc Công ty nấu rượu Đông Dương (SFDIC); cuộc đấu tranh chính trị của Phạm Quỳnh này được coi như thành công vào năm 1932.
[13] Bài báo “Trở lại vấn đề lập hiến” đăng Trung lập số 6270 ra ngày 11/10/1930, Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1930, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây & NXB Hội Nhà văn, 2006, tr.405.
[14] Bài “Trả lời bài Cảnh cáo các nhà học phiệt của Phan Khôi tiên sanh” đăng Phụ nữ tân văn số 67 ra ngày 28/8/1930, sđd., tr.911.
[15] Phạm Toàn giới thiệu và biên tập, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyên Ngọc, Ngô Quốc Chiến và Phạm Xuân Nguyên dịch, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây & NXB Tri thức, 2007.
[16] Sđd., tr.311.
[17] Bài viết của Vương Trí Nhàn ban đầu mang tên “Vai trò của trí thức trong  quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ XX” đăng tạp chí Nghiên cứu văn học tháng Bảy 2005, đăng lại với nhan đề “Phạm Quỳnh và quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ XX” với một số chỉnh sửa, tại địa chỉ http://vuongtrinhan.free.fr/baiviet/phamquynh.html.
[18] Imprimerie A.-J.S., Huế, 1942, 128 tr.; thời điểm này Phạm Quỳnh đã là thượng thư của Nam triều.
[19] Sđd., tr.69.
[20] Nt.
[21] Nt., tr.71.
[22] Nt., tr.73.
[23] Nt., tr.101.
[24] Nt., tr.102.
[25] Nt., tr.91.
[26] Nt.
[27] Nt., tr.104.
[28] Nt., tr.109.
[29] Nt., tr.108.
[30] Nt., tr.128.

18 comments:

  1. hoàng phong tuấnOct 2, 2014, 9:59:00 PM

    "Tóm lại, rất khó nói rằng Phạm Quỳnh chịu ảnh hưởng từ tư tưởng chính trị của Charles Maurras mà Charles Maurras chỉ giống như một lựa chọn thuần túy cho một bài diễn thuyết thời điểm của Phạm Quỳnh".
    Phạm Quỳnh nhào nặn và sử dụng Charles Maurras; vấn đề là ông ấy sử dụng cho luận điểm gì trong bài diễn thuyết ấy. Bác đẩy thêm một chút nữa đi. Chưa đã ngứa tí nào.

    ReplyDelete
    Replies
    1. để có thêm hậu thuẫn về lý luận rằng chủ nghĩa quốc gia theo hướng bảo hoàng là hợp lý

      Delete
  2. “châu tuần” là sao hả bác Nhị Linh? Tks

    ReplyDelete
    Replies
    1. hiểu một cách trung tính thì nghĩa là tập hợp lại xung quanh, nhưng từ này hay được dùng với một hàm nghĩa có chút mỉa mai; Phạm Quỳnh từng dùng từ này ;)

      Delete
  3. Chào bạn, mình là PHẠM PHÚ Cường hiện sống ở Pháp. Mình đang tìm hiểu về Phạm Quỳnh. Ban có tác phẩm của Phạm Quỳnh không? Cám ơn bạn trước.
    Cuong PHAM PHU
    LOGNES - 77185

    ReplyDelete
    Replies
    1. Theo thống kê bước đầu, các công trình nghiên cứu, giới thiệu từ 1986 đến nay đã khẳng định vị thế Nam phong tạp chí và vai trò học giả Phạm Quỳnh trong nhiều bộ từ điển danh nhân văn hóa, từ điển văn học, chuyên khảo, luận án, luận văn; đặc biệt nhiều tác phẩm quan trọng đã lần lượt được nghiên cứu, sưu tập và công bố trở lại: Mười ngày ở Huế (2001), Mục lục phân tích Tạp chí Nam phong (Tái bản, 2002), Luận giải văn học và triết học (2003. Tái bản, 2016), Pháp du hành trình nhật ký (2004), Du ký Việt Nam – Tạp chí Nam phong (1917-1934), ba tập (2007), Thượng Chi văn tập (2007), Phạm Quỳnh - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp (2007), Văn trên Nam phong tạp chí (Diện mạo và thành tựu) (2008), Phạm Quỳnh – con người và thời gian (2010), Hoa Đường tùy bút và 51 bản dịch thơ Đỗ Phủ (2011), Phạm Quỳnh – một góc nhìn, Tập I (2011), Tập II (2012), Toàn tập truyện ngắn Nam phong (2012), Phạm Quỳnh trong dòng chảy văn hóa dân tộc (2012), Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký (2013. Tái bản, 2014), Đoản thiên tiểu thuyết, truyện ngắn trên Nam phong tạp chí (2013), Thượng Chi Phạm Quỳnh (2015), Phạm Quỳnh – những góc nhìn xứ Huế (2015), Phạm Quỳnh – Chính trị và văn hóa (2016), v.v…
      Có lẽ không cần có thêm lời bình về xu thế Đổi mới, hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ, hướng đến sự đánh giá khoa học, khánh quan, toàn diện, công bằng trước hiện tượng Nam phong tạp chí và học giả Chủ bút Phạm Quỳnh. Xin nói thêm, thực tế nguồn sáng và định hướng Đổi mới qua 18 công trình nói trên cũng chính là tiếng nói phản bác những ý kiến thủ cựu, qui chụp, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu và thiếu tính lịch sự - cụ thể vẫn còn vương lại đây đó [7; 26], [8; 16-17]…

      TÀI LIỆU THAM KHẢO
      [1] NPTC (1917), Mục đích báo Nam phong. Nam phong tạp chí, số 1, tháng 7.
      [2] Nguyễn Phương Chi (2004), Nhóm Nam phong, trong sách Từ điển văn học (Bộ mới). Nxb Thế giới, Hà Nội.
      [3] Thượng Chi (1920), Cùng các phái viên Nam Kỳ. Nam phong tạp chí, số 32, tháng 2.
      [4] Lê Chí Dũng (2012), Lời mở đầu, trong sách Toàn tập truyện ngắn Nam phong (Nguyễn Đình Hào tuyển chọn). Nxb Văn học, Hà Nội.
      [5] Nguyễn Đình Hào (Tuyển chọn, 2012), Toàn tập truyện ngắn Nam phong. Nxb Văn học, Hà Nội, 540 trang.
      [6] Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm (1930): Cảnh vật Hà Tiên. Nam phong tạp chí, số 150, tháng 5.
      [7] Đặng Minh Phương (2008), Ông Phạm Quỳnh và báo Nam Phong. Tạp chí Hồn Việt, số 14, tháng 8.
      [8] Đặng Minh Phương (2017), Trở lại chuyện Phạm Quỳnh. Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, số 447, ra ngày 27-4.
      [9] Phạm Quỳnh (1917), Mấy nhời nói đầu. Nam phong tạp chí, số 1, tháng 7.
      [10] Nguyễn Hữu Sơn (1991), Về giai đoạn văn học “nhận đường” thập kỷ tám mươi. Tạp chí Cửa Việt, số 8, tr.55-58.
      [11] Nguyễn Hữu Sơn (2007), Thể tài du ký trên tạp chí Nam phong (1917-1934). Nghiên cứu Văn học, số 4 (422), tháng 4.
      [12] Nguyễn Hữu Sơn (Sưu tầm, giới thiệu, 2007), Du ký Việt Nam - Nam phong tạp chí (1917-1934), ba tập. Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh; 1918 trang.
      [13] Nguyễn Hữu Sơn (2016), Nhìn lại mối quan hệ sáng tác và phê bình văn học. Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 937, ra ngày 20-8.
      [14] Văn Tạo (2005), Phạm Quỳnh – Chủ bút báo Nam phong. Khoa học và ứng dụng, số 2…
      [15] Nguyễn Đức Thuận (2008), Văn trên Nam phong tạp chí (Diện mạo và thành tựu). Nxb Văn học, Hà Nội.
      [16] Phạm Tôn (2016), Phạm Quỳnh – Người nặng lòng với nước. Nguồn: http://www.vusta.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien..., ngày 1.3
      [17] Phạm Duy Tốn (1918), Sống chết mặc bay. Nam phong tạp chí, số 18, tháng 12.
      [18] Nguyễn Khắc Xuyên (2002), Mục lục phân tích tạp chí Nam phong. Tái bản. Nxb Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
      Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
      (Viện Hàn lâm KHXH VN),
      số 8-2017, tr.71-80.

      Delete
  4. quảng cáo của VASS đấy à?

    "các giá trị chân-thiện-mỹ": tạp chí vass nói thế thật à?

    ReplyDelete
  5. Cường hỏi về cuốn "Mes pensées politiques" của Charles Maurras mà cụ Phạm Quỳnh dịch và xuất bản năm 1943. Không thấy tái bản ở Việt nam.

    ReplyDelete
  6. Phạm Quỳnh không (chỉ) dịch mà viết quyển đó

    nếu chưa tìm hiểu gì thì tốt nhất là tìm hiểu đi đã rồi hãy hỏi

    ReplyDelete
  7. Mes idées politique của Charles Maurras
    Còn tôi thấy Phạm Quỳnh có viết cuốn "Charles Maurras, penseur politique" có bản dịch ra tiếng việt, Hà Nội, Thụy ký 1943. Tôi tìm khắp mà không thấy.
    Tôi làm chính trị tôi hiểu chính trị hơn bạn. Ví dụ tôi biết là cộng sản do tư bản hoàn cầu tạo ra và Phạm Quỳnh là do Pháp và cộng sản được đẻ ra bởi chúng giết hại cụ.

    ReplyDelete
  8. "Mes idées politiques"

    có ai tranh cãi đâu

    ReplyDelete
  9. Tôi làm chính trị trên đất Pháp và hướng về Việt Nam với mong muốn đem lại tư duy cho người Việt.
    Tôi quan tâm đến lãnh vực văn hóa, dịch thuật sách qua tiếng Việt cho người Việt mở mang suy nghĩ.

    ReplyDelete
  10. thật là một người con ưu tú của quê hương, vous

    ReplyDelete
  11. Bạn cũng giỏi lắm Nhị Linh.

    ReplyDelete
  12. Bạn có thể cho mình bản copie bài diễn thuyết, cuốn sách của cụ Phạm Quỳnh : Charles Maurras penseur politique
    Merci beaucoup.
    Phạm Phú Cường

    ReplyDelete
  13. Alain Soral? oui j'y vais jeter un oeil

    ReplyDelete
  14. Merci, je suis nationaliste mạc dù là Người nhập cư nhưng tôi biết là người nhập cư phục vụ bọn tư bản đẻ ra cộng sản cơ chế yếu kém. Liên lạc với facebook nhé. Cuong PHAM PHU, conseiller municipal de Lognes.

    ReplyDelete
  15. CUỘC ĐẢO CHÍNH LÀ ĐIỀU CÓ THỂ - Charles Maurras
    Đây là cuốn sách viết bởi nhà báo, nhà văn tiểu luận, nhà thơ và nhà chính trị Pháp Charles Maurras (1868-1952) trong giai đoạn từ năm 1908 đến năm 1913, trước thế chiến thứ nhất. Cuốn sách cho chúng ta biết được những điều rất bổ ích mà nhiều người không biết về giai đoạn này của những người Pháp theo trường phái quân chủ của Tập hợp Hành động vì nước Pháp. Họ không phải là những người chống lại Cách mạng theo chủ nghĩa Phục hưng với sự căm thù muốn thiết lập lại vương quyền và chống lại nhà nước Cộng hòa. Nhưng nếu đọc những tư tưởng với sự thú vị đầy tính bất ngờ mà Charles Maurras đã dùng bút để truyền bá thì chúng ta sẽ khám phá và mở rộng sự suy nghĩ của bản thân. Charles Maurras là một nhân vật thế lực về tư tưởng và ảnh hưởng lớn trong hàng ngũ trí thức cánh tả ở giai đoạn lịch sử quan trọng này của nước Pháp (mà nước Việt nam đang ở vào thời điểm bắt đầu bị đô hộ và khai hóa văn minh bởi Pháp). Sau khi nghiên cứu bằng khối óc trí thức, Charles Maurras đã phân tích những sự xảo trá, bất công, mâu thuẫn và thất bại của Cách mạng 1879 đến thời kỳ đầu thế kỷ 20 và ông ta đi đến kết luận, chính thể tốt nhất để bảo đảm cho quyền lợi của dân tộc Pháp là chính thể vương quyền thiên chúa giáo.
    Charles Maurras đưa ra kết luận bởi việc nghiên cứu trí óc của ông chứ không phải bởi vì sự tín ngưỡng, ông ta không phải là người tôn thờ chế độ quân chủ và cũng không phải người theo đạo thiên chúa giáo, nguyên do cũng không phải là sự phục thù với tính căm thù bởi vì làm chính trị bằng tính căm thù thì không bao giờ có sự suy nghĩ đúng đắn. Cuốn sách này nhắc lại cho chúng ta biết rằng ở giai đoạn đó, tức là trước khi xảy ra chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), Tập hợp Hành động vì nước Pháp hoạt động dưới sự lãnh đạo của một nhóm người cách mạng trẻ trong đó có Charles Maurras. Và tưởng cũng cần phải nhắc lại ở giai đoạn này hình thành Hội Prouhdon (thành lập 1911), Hội này mang tên người tiền phong của Chủ nghĩa xã hội, nhà lý luận, triết hoc, nhà báo, nhà kinh tế và xã hội học Pierre-Joseph Proudhon (1809-1865). (Ông Proudhon lớn hơn ông Karl-Marx gần mười tuổi và hai người đã có thời kỳ đầu gần gũi nhau về hệ tư tường, nhưng Ông Proudhon là người thực sự trải nghiệm, trải qua làm ông chủ nhà máy và còn có thời kỳ bị bắt giam. Không đồng ý với tư tưởng của Marx, hai người này đã để lại một cuốn sách khẩu chiến lẫn nhau vào thời kỳ đó.) Trở lại vấn đề chính của chúng ta là vào giai đoạn này Tập hợp Hành động vì nước Pháp (quân chủ) mong muốn hợp lực, bắt tay với Hội Proudhon (công nhân, chủ nghĩa xã hội) hòng chống lại sự lợi dụng tầng lớp công nhân của những đảng theo thể chế Cộng hòa cánh tả. Điều đó chứng tỏ những người theo chế độ quân chủ không phải chỉ là những người theo tầng lớp Tư sản, sở hữu tài sản, mà họ chủ trương một chính sách chính trị kinh tế xã hội mà Học thuyết xã hội của Giáo hội đề ra, đem lại phúc lợi thật sự cho người nhân công. Thật là vĩ đại nếu họ thành công và không bị ngăn cản !
    Nhưng không, sự giao hảo, xích lại gần nhau này mà Charles Maurras muốn có đã không thực hiện được. Sự kết hợp giữa những người theo chủ nghĩa quân chủ thiên giáo và công nhân cách mạng xã hội chủ nghĩa đã bị hủy diệt và thủ tiêu bởi cuộc thế chiến 1914 chống lại người Đức ! Cũng tương tự như hiện nay, nếu những ai đang làm theo tư tưởng của Charles Maurras, hệ tư tưởng của họ sẽ bị chặn đứng bởi một cuộc thế chiến thứ ba chống lại người đạo Hồi giáo cực đoan, được lập ra và hỗ trợ bởi một thế lực đen tối.

    PHẠM PHÚ Cường, Cộng hòa Pháp, dịch theo bài giới thiệu sách của Alain Soral, « Si le coup de force est possible » - Charles Maurras.

    ReplyDelete