Jun 21, 2019

Nguyễn Văn Tố về Nguyễn Văn Vĩnh

đã đến lúc - từ một số điểm rời rạc, chẳng hạn như ởkia hay ởkia - đi đến một cái nhìn rộng hơn, tức là tập trung hơn và cũng chi tiết hơn

Như đã nói, sau khi Nguyễn Văn Vĩnh qua đời (tháng Năm 1936), Nguyễn Văn Tố viết một tiểu luận hết sức quan trọng. Giờ đây, ta đã có thể nhìn vào đó, và - thật bất ngờ - trong câu chuyện ấy có vai trò của một nhân vật: Nguyên Ngọc. Ta sẽ xem Nguyên Ngọc thì có liên quan gì đến Nguyễn Văn Vĩnh (và cả Nguyễn Văn Tố).

Tưởng như không thể có liên quan, ấy vậy mà vẫn có.

Dưới đây là trang đầu bản dịch tiếng Việt (có thể coi là chính thức) bài viết của Nguyễn Văn Tố (Nguyễn Văn Tố viết bài ấy bằng tiếng Pháp), in trong cuốn sách Nguyễn Văn Vĩnh là ai? (chính vì thế, tôi đã khởi đầu câu chuyện Nguyễn Văn Vĩnh của riêng tôi bằng cách đặt đúng câu hỏi đó - xem ởkia).


Tạm nhảy qua trang đầu để đến ngay trang cuối "Sự nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh": ta thấy sách ghi nguồn tài liệu "tạp chí Tin tức - Hội tương tác Giáo dục Đông Kinh".

Ta thử làm một việc hết sức nhàm chán: gõ "Hội tương tác Giáo dục Đông Kinh" vào google. Kết quả cho thấy: tất cả những gì tìm thấy đều chỉ phát xuất từ bản dịch "Sự nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh" này.

Đó là vì chẳng có "Hội tương tác Giáo dục Đông Kinh" nào hết. Đó là Hội Trí Tri.

Điều này chẳng mấy quan trọng. Đúng thế. Nhưng dẫu sao, sẽ không ai tìm được "tạp chí Tin tức" liên quan đến "Hội tương tác Giáo dục Đông Kinh" - nếu có ai bỗng nảy ra ý định xem thật ra đây là cái gì. Vì không hơn cái hội ma (dẫu có "tương tác") kia, "tạp chí Tin tức" cũng là tạp chí ma nốt: nó không tồn tại.


Ngay dưới đó, dòng chữ hấp dẫn hơn nhiều: "Phạm Toàn dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính". Như vậy, ta đi thẳng vào câu chuyện "Nguyên Ngọc hiệu đính" đã nói sơ qua ởkia.

Nguồn bài viết của Nguyễn Văn Tố đây: tờ tạp chí tên chính xác là Bulletin de la Société d'Enseignement Mutuel du Tonkin.


Trang đầu bài viết về Nguyễn Văn Vĩnh của Nguyễn Văn Tố, niên đại 1936:


Giờ, ta sẽ làm một việc hết sức đơn giản (tuy rằng hơi nhàm chán - tôi công nhận, nhưng thỉnh thoảng cũng nên chịu đựng nhàm chán một chút chứ): đọc câu đầu tiên bản dịch tiếng Việt (Phạm Toàn dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính) - thậm chí, tôi không bắt đọc hết cả câu, chỉ cần đọc như sau:

"Ngày 2/5 vừa rồi, khi học giới nước Nam bị cướp đi mất một Nguyễn Văn Vĩnh mà họ vô cùng trọng vọng" - rồi, được rồi (đúng như đã hứa: không cần hết cả câu).

Như vậy, ngữ đoạn trên đây có mấy thành phần chính: "học giới nước Nam bị cướp", "một Nguyễn Văn Vĩnh" - cái ông Nguyễn Văn Vĩnh ấy, cái người được "họ vô cùng trọng vọng". Rất dễ hiểu, đúng không?

Chỉ có điều, Nguyễn Văn Tố hoàn toàn không nói thế: "Lorsque M. Nguyễn-Văn-Vĩnh fut enlevé, le 2 mai dernier, aux lettres annamites qu'il avait si grandement honorées".

Cái được "trọng vọng" (honorées) không phải Nguyễn Văn Vĩnh, mà Nguyễn Văn Vĩnh "honorer" (ta nhớ lại từ này ởkia) "lettres annamites" - mà "lettres annamites" chẳng phải "học giới" nào hết, đó là "văn chương An Nam".

Tức là, Nguyễn Văn Vĩnh qua đời đồng nghĩa với việc văn chương xứ này mất đi một con người từng có công lao lớn xiển dương cho nó.

Tức là, ông Phạm Toàn dịch cái gì vậy? và nhất là, ông Nguyên Ngọc hiệu đính cái gì thế? Ta nhớ, một giải thưởng nơi Nguyên Ngọc là yếu nhân từng trao giải cho Nguyễn Văn Vĩnh (trao giải cho Nguyễn Văn Vĩnh: chuyện quá hài hước, lại thêm một cái giải thưởng mang tên Phan Chu Trinh trao cho Nguyễn Văn Vĩnh, càng hài hước hơn - nhưng tôi sẽ không đi sâu; tuy vậy, cũng cái giải đó trao cho Phạm Quỳnh thì mọi sự đã đi rất xa khỏi địa hạt của "hài hước"). Nguyên Ngọc và các giải thưởng, xem ởkia. Nhưng như vậy đồng nghĩa với ông Nguyên Ngọc làm đối tượng trở nên tầm thường (bằng sự vớ vẩn của ông) rồi mới trao giải? Hay là - điều này chắc đúng hơn - ông Nguyên Ngọc chính là hiện thân của sự tầm thường thời chúng ta.

Một điều còn quan trọng hơn: cái cuốn sách Nguyễn Văn Vĩnh là ai? chính là sự tụ hợp của cùng một lúc mấy thiết chế của tầm thường liền: băng Nguyên Ngọc là một, nhà xuất bản Tri Thức (Chu Hảo and Co.) là hai và con cháu nhà ấy, tức con cháu Nguyễn Văn Vĩnh, là ba. Nếu cứ tiếp tục, tôi đến là phải thấy cảm thương cho Nguyễn Văn Vĩnh mất. Nhưng điều đó, tôi không hề muốn.




(còn nữa - nhân tiện, đã tiếp tục bài "Cioran: cahiers" và bài "Pasenow-Esch-Huguenau" về văn chương Hermann Broch)




Nguyễn Văn Vĩnh-Mặc Đỗ-Bùi Giáng
Tiểu luận về Nguyễn Văn Vĩnh
Nguyễn Văn Vĩnh dịch Miếng da lừa
Ba chương Ba người ngự-lâm pháo-thủ
Trung Bắc
Nguyễn Văn Vĩnh trả lời phỏng vấn
Nguyễn Văn Vĩnh là ai
Sử ký Thanh Hoa


4 comments:

  1. Mấy năm trước trong hội trường L’espace, chứng kiến cảnh NN giảng giải một động từ tiếng Pháp cho PT, em cứ tưởng một trong hai ông này biết tiếng Pháp.

    ReplyDelete
  2. tệ nhỉ. thật là cả một thí dụ cho một cái tư duy bồi.

    ReplyDelete
  3. ở Hà Nội cho đến rất gần đây (có lẽ cả bây giờ vẫn) có thể gặp không ít người lấy chuyện là học trò trường Albert Sarraut (kể cả quãng 47-54, thậm chí sau đó nữa) là vinh quang cuộc đời

    ReplyDelete
  4. cụ Tố viết tiếng Pháp đến mức thượng thừa như này thì dịch giả với người hiệu đính hiểu sao nổi. Ch.

    ReplyDelete