Jun 4, 2020

Chroniques HN: một phố

chronique, chronique

bỗng dưng tôi vừa biết thêm một số điều về hiệu sách có tờ hóa đơn đã nhắc đến ởkia; những điều ấy làm tôi nghĩ đến những hiệu sách một thời, trên một phố của Hà Nội

Thì ra địa chỉ hiệu sách Tân Việt Nam (hồi 1955) không phải 185 Hàng Bài như tôi tưởng, mà là 18F: như vậy thì quả thật rất gần Bờ Hồ. Khối nhà với một mặt là Hàng Khay nhìn thẳng ra hồ, một mặt là đoạn đầu Bà Triệu (chỗ có chùa Vũ Thạnh), mặt thứ ba là Hai Bà Trưng, có Xunhasaba và mặt cuối cùng - đoạn Hàng Bài, tất nhiên, khối vuông này từng vô cùng quen thuộc với tôi, vì hơn một lý do; và rốt cuộc cho đến cả loạt thuyết trình tháng Tám năm ngoái của tôi về lịch sử báo chí Việt Nam không hiểu sao cũng lại diễn ra đúng ở đó.

Như vậy, người chủ hiệu ký tên trên tờ giấy (có thể thấy tương đối rõ là "Thuật") khi về hưu (trước đó còn làm cho hiệu sách "Hà Nội - Huế - Sài Gòn") mở hiệu sách tên Thuật tại 80B Bà Triệu. Hiệu sách Thuật tôi hay vào, quãng cuối thập niên 90 và cả một ít thời gian từ năm 2000. Như ai cũng đã biết, cách đó một trăm số nhà, ở 180 Bà Triệu, là một hiệu sách (cũ) khác.

Tôi biết, tôi biết, rất nhiều người ác cảm với ông Dư chủ hiệu 180, nhưng đối với tôi đó là một trong những chủ hiệu sách (tính cả cũ và mới, nhưng chủ hiệu sách mới thì thật ra không đáng quan tâm mấy) tuyệt vời nhất mà trong đời tôi từng gặp. Tính cách của ông Dư và mối ác cảm dành cho ông Dư đều lên đến mức huyền thoại.

Một số nhà phố Bà Triệu tôi từng rất biết: số 66 (tiếp tục là bên số chẵn - bên số lẻ thì hơi khác, tôi sẽ còn trở lại): số 66 có nghĩa là nếu từ phố Hàm Long có xe tải thật to nào đang đi, đến ngã ba với Bà Triệu mà mất lái, thì nhà 66 sẽ đi luôn cái mặt tiền. Cách đây hai mươi năm, tại một quán cà phê ngày đó hơi bị oách phố Bà Triệu, tôi cứ ngồi đó ngắm một phụ nữ ngồi bàn không xa (trong quán chỉ hai bàn có khách), mãi về sau tôi mới biết đó là một nữ nghệ sĩ múa nổi tiếng; người ấy cũng mơ hồ cười đáp lại ánh mắt không hẳn là dạn dĩ của tôi, hồi ấy. Từ số 66 có thể đi nhiều nơi nhanh chóng, tiện lợi. Về sau, tôi cứ tự hỏi phố Hàng Kèn có thể như thế nào, chắc chắn nó quanh đây, nhưng dường như không dễ xác định cụ thể: cuối cùng (như đã nói ở đâu đó), tôi cho rằng phố Hàng Kèn không tương hợp với một phố hay một đoạn phố nhất định hiện nay, mà có vẻ nó hơi ngoằn ngoèo (so với địa thế về sau, tức là bây giờ). Chắc chắn ở đó từng có cây thị, có kèn đám ma và cũng chắc chắn rất dốc. Cho đến hơn chục năm trước đây, Bà Triệu vẫn là một phố nhiều dốc. Trong vòng hai mươi năm vừa rồi, Hà Nội chứng kiến sự xóa sổ của nhiều hồ, đầm, vũng, bãi đất trống, và nhiều dốc. Hoặc giả, nhiều dốc bỗng thoải đi rất nhiều: chẳng còn ghập ghềnh nữa.

Trên phố Bà Triệu, thập niên 90, có rất nhiều chỗ để mua sách. Đầu bên gần Bờ Hồ (chỗ từ đó, mấy năm về sau, người ta hay đứng xem bắn pháo hoa đêm giao thừa: một cuốn tiểu thuyết của Khái Hưng bắt đầu bằng chính đoạn phố phường quanh đó) là cửa hàng nhỏ của hai vợ chồng, mà tôi từng kể đâu đó; tôi hay ghé đó một thời gian thì một trong hai người chết (tôi không nhớ rõ là người vợ hay người chồng, có vẻ là người vợ - vẫn còn khá trẻ). Cửa hàng rất nhỏ, thật ra chỉ là một ô cửa mở thẳng ra đường, có cửa sắt hoa xếp. Nhưng cuối phố về đoạn đã quá Thái Phiên sắp ra đến Đại Cồ Việt cũng hay thấy một ông già ngồi trước một cái cổng đổ nát, bày một vài chồng sách nhỏ, hẳn lấy từ trong nhà mang ra đó bán. Đôi khi tôi cũng vào đó xem, nếu không phải chẳng tìm được gì thì nếu có, cũng rất ít. Vả lại, ông già đơn độc ấy rõ ràng không hẳn là một người bán sách.

Chắc chắn tôi đã phát hiện hiệu sách 180 Bà Triệu hồi tôi 13 hay 14 tuổi - tôi đi xe đạp, cái xe hồi đó vẫn còn hơi quá cao so với tôi. Cái hiệu sách ấy đã quen thuộc với không biết bao nhiêu con người. Vậy là, bỗng nhiên, sau vài năm không còn đến Thư viện Hà Nội (cũng ở ngay trên phố Bà Triệu - nhưng bên số lẻ, đúng ngã tư với Trần Hưng Đạo, tức là không hề xa địa phận mà chúng ta đang nói), nói đúng hơn là phòng đọc cho trẻ con ở đó, tôi tìm được nguồn bổ sung mới, chỉ cách vài trăm mét. Phần lớn văn chương cổ điển tôi tìm được ở đó. Bản dịch tiếng Việt Hard Times của Dickens - nó khiến tôi sẽ không bao giờ còn nhầm lẫn về cái bìa đặc trưng của nhà xuất bản đã in nó. Với Dickens, tôi tìm ra những gì ngoài David CopperfieldOliver Twist đã đọc từ trước, như Hard Times, còn với Victor Hugo, Les Misérables tôi đã đọc (nhiều lần) trước đó được bổ sung Chín mươi ba, nhưng nhất là Bug-Jargal. Chắc chắn tôi đã tìm ra Bút ký người đi săn của Tourgueniev ở hiệu sách 180 Bà Triệu, cái cuốn sách kỳ lạ về nhân vật "sportsman" phát hiện cuộc sống của người nông dân Nga ấy. Từng nhiều lần tôi muốn làm nó quay trở lại ở Việt Nam.

Tất nhiên tôi sẽ không (chẳng dại) viết lại ở đây tên tất cả sách tôi từng thấy và lấy ở đó - tôi còn nhớ được không ít, chừng ấy thôi có lẽ đã khiến bộ nhớ của google không chứa nổi. Học kỳ đầu tiên cấp ba tôi được nhận tiền học bổng (cấp ba mà lại có học bổng: hiếm phết đấy) - nhưng thật ra đấy là vì tôi ăn may (có lẽ là lần ăn may duy nhất trong đời), tôi không thuộc vào số mấy người nghiễm nhiên được nhận học bổng và lẽ ra chẳng có gì nhưng bỗng dưng có một phụ huynh giàu có muốn thể hiện sự hào phóng đã double số lượng người được nhận tiền trong lớp, vậy thì tôi lại được (cũng không nên nghĩ xấu cho vị phụ huynh đó quá, bởi có nhân đôi lên thì con của ông ấy cũng không thuộc diện được học bổng), thế là lần đầu tiên tôi có thể mua ở chỗ hiệu sách 180 Bà Triệu nhiều hơn mức thông thường, có thể nói là hơn rất nhiều (vì tiền học bổng không ít lắm). Trước đó tôi đã thòm thèm nhiều thứ nhưng cầm lên rồi lại đặt xuống. Ngay từ ngày đó, tôi đã không bao giờ mặc cả. Có những quyển sách tôi thấy đúng là quá đắt, thế thì thôi không mua, nếu có những quyển quá thích nhưng không đủ tiền thì hoàn toàn có thể nhờ chủ hiệu để riêng một chỗ đừng bán cho ai vội, trong vòng vài ngày - tôi không nghĩ có chủ hiệu nào từ chối điều này, kể cả khi đó là Mister Dư lừng danh; tất nhiên đã không ít lần tôi làm thế, ở chỗ ông Dư. Khoảng thời gian đầu tiên, tôi một mực chủ yếu chỉ nhìn sang trái: những ai quen thuộc với nơi đó biết rõ cấu tạo của không gian, ngoài cùng là một khoảng không rộng, gần như không xoay xở được, ngay chỗ mấy bậc cầu thang, tổng cộng là ba mặt xếp đầy sách, chưa kể một số chồng xếp ngay từ mặt đất lên, bên trái bên phải và ngay trước mặt - đằng sau là chỗ chứa nhiều sách khác, nơi không nhiều người được vào, dẫn vào đằng sau là một cửa nhỏ nằm bên tay phải nếu nhìn từ bên ngoài. Bức tường bên trái tôi thanh toán trong vòng chắc vài tháng, sau đó rồi tôi mới bắt đầu xử lý mấy mặt còn lại (mà tôi sẽ kể sau). Những người sinh cuối thập niên 80, trong thập niên 90 chắc chắn không biết từng có lúc đoạn Lý Thường Kiệt giữa Quang Trung và Bà Triệu mới thực sự nhiều sách cũ, mấy cửa hàng nối đuôi nhau. Tất nhiên tôi biết hiệu sách nổi tiếng số 5 Bát Đàn, cũng như lịch sử lừng lẫy của nó (Minh Đức Trần Thiếu Bảo etc.) nhưng tôi đến đó đúng một lần. Nó không nói gì với tôi, dẫu đúng là vô cùng nhiều sách, suốt mấy tầng gác. Mãi về sau, tức là tương đối gần hiện tại, tôi mới đến đó thêm một lần. Lẽ ra đã có một cuộc đổi, vì thấy ở đó có một chồng tạp chí Đại học tôi muốn mua nhưng ông chủ lại ngỏ ý muốn đổi lấy các số của một tờ khác. Vụ ấy đã không thành chỉ vì một tai nạn, tai nạn thuộc loại không thể vãn hồi tuy hết sức đơn giản: cái quần tôi nhét vào túi tờ giấy viết danh sách các số tờ tạp chí cần phải kiếm để mang đổi Đại học, đã sơ ý bay vào máy giặt. Sau đó, tôi thấy đúng là đổi khó thật, tôi bèn nhờ người quen đến mua quách luôn - đó là lô Đại học đầu tiên của tôi, được cỡ một nửa trong toàn bộ - hiện nay nó lên được đến mức như đã thấy ởkia. Một hiệu sách khác, chắc hẳn rất nhiều người biết, ở Cầu Giấy, tôi ghé đúng một lần, và mua đúng một quyển (một bộ thì đúng hơn), chính vì thế tôi còn nhớ được toàn bộ lịch sử: đó là Những linh hồn chết, bản dịch Hoàng Thiếu Sơn. Mấy hiệu cũng lừng danh ở Nguyễn Trãi gần như tôi không biết, đường Láng cũng gần như không - tuy nhiên, chắc chắn rất ít người biết, quãng 1988-1989 ở góc ngã ba (hồi đó còn là ngã ba chứ chưa ngã tư như bây giờ - phố Láng Hạ tức Háng Lạ từng là phố cụt, rất lâu) Láng Hạ và Láng có một hiệu sách cũ thiên về hàng đồng nát nhiều hơn. Mấy ngõ nhỏ trên phố Thái Thịnh thì thẳng thắn là hàng đồng nát, có lần đi qua tôi bỗng rảnh rỗi ngồi lục một lúc, trong số kiếm được có một quyển Hoàng Cầm có chữ ký Hoàng Cầm: 500 đồng. Sài Gòn giữa thập niên 90 tôi cũng kiếm được một số thứ trên đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Lê Văn Sỹ - Trần Nhân Tôn thì mãi gần đây tôi mới biết; hôm đó, người chủ một hiệu trên Trần Nhân Tôn trang trọng lấy cho tôi xem Thầy Lazarô Phiền, được tận mắt xem một lúc, sau đó người chủ gói kín nó lại cất về chỗ (giấu thì đúng hơn).

Ông Dư ngày đó trẻ hơn bây giờ nhiều (tất nhiên, tôi vừa nói một điều rất thừa). Những năm ấy mà tìm được một bộ ria như bộ ria của ông Dư thì không hề đơn giản. Tôi hiếm thấy có người Hà Nội nào tốt bụng như ông Dư dữ tướng.

Tìm được một người đàn ông Hà Nội tốt cũng khó như tìm được một phụ nữ Hà Nội không đẹp (*nói thầm* sự thật không hẳn như vậy đâu, nhưng tốt nhất là cứ nói thế: Cioran bảo, người Pháp ai cũng bủn xỉn cho nên không thể không sâu sắc, tương tự phụ nữ Hà Nội đanh đá ghê gớm như thế thì không thể không đẹp được) - tôi từng miêu tả hết sức trọng điểm đàn ông Hà Nội ởkia, cái đó dẫn tôi đến với vô vàn mối nguy, nhưng không cần phải lo cho tôi lắm đâu.

Một cao bồi già nói với tôi: "Đm [tìm được một đàn ông Hà Nội không nói bậy cũng khó như -- tự điền vào chỗ trống nhé; nhất là đm và ml - tức là "mỹ linh"] nghĩ mình cũng tệ, mình đi đến chỗ nào bọn ở đấy cũng tiếp đón nhiệt tình trọng thể, đưa đi chơi khắp nơi, ấy thế mà khi nào bọn nó đến Hà Nội gọi điện cho mình là mình lảng ngay, hoặc không nghe hoặc có nghe thì bảo đang phải về quê bốc mộ ông cụ tiếc quá không gặp được lần này". Tôi lén nhìn cao bồi, thiếu điều thì tôi đã nức nở mà thú nhận, tôi cũng thế. Có những lúc tôi đi đâu đó, chủ nhà vợ chồng nhường cả giường cho tôi ngủ đêm, lại còn đưa đi ăn uống, lần nọ gặp đúng món gì của địa phương ngon quá, hết đĩa rồi tôi lại gọi thêm một đĩa ăn một mình, rồi vẫn thấy ngon quá, gọi thêm đĩa nữa, vẫn ăn một mình - trước ánh mắt không ngừng âu yếm của những người tiếp đãi, thế mà khi người ta ra Hà Nội thì tôi cũng cư xử giống hệt cao bồi kia, thậm chí mấy hôm áng chừng đối tượng đang ở đó còn không dám đi đâu vì sợ bị nhìn thấy. Ở Hà Nội khái niệm "lois de l'hospitalité" ấy mà, nó gần như là vô nghĩa (tôi chợt nghĩ đến cụm từ này, vì nó là nhan đề một cuốn sách của Pierre Klossowski).

Một sáng nọ, trong cơn lờ đờ thường quá trưa mới bắt đầu tan (đấy là trong những trường hợp tốt đẹp hơn cả, rất nhiều khi nó còn chẳng bao giờ chịu tan, như sương mù Hồ Tây vào một số ngày: nếu không có sương mù Hồ Tây, dẫu chỉ vài ngày trong năm, Hà Nội sẽ tuyệt đối là một nơi không đáng sống - sương mù làm người ta khó mà nhìn thấy nhau nữa), tôi ngu xuẩn nghe một cú điện thoại gọi đến; lẽ ra phải lờ đi chứ, phải lờ đi chứ. Đầu bên kia nói có một nhân vật ở bển đang ở Hà Nội, muốn gặp tôi. Tôi mau mắn nói đang ở hơi xa, sợ tới nơi thì còn lâu lắm; vừa dứt lời tôi đã muốn vừa đập đầu vào tường vừa kêu khổ (inh ỏi) trong bụng, tại sao mình không nói phứt là đang ở Thanh Hóa (tại sao Thanh Hóa? no idea), đi công tác hay thậm chí chỉ là đi tắm biển (dẫu đang là giữa mùa đông thì cũng kệ) vì bên kia đáp ngay, yên tâm bọn anh còn ngồi đây (Bờ Hồ, cái gì đó tương tự - tức là cách chỗ tôi đang ở vài trăm mét) cả ngày, lúc nào đến cũng được. Đã vậy thì rõ là không trốn được rồi. Tắm (kỹ hơn bình thường hai mươi lần), chỉ mong có bom nổ đâu đó trong thành phố để không thể đi lại gì được nữa, rốt cuộc gần trưa tôi vẫn phải đến điểm hẹn. Quả nhiên, ở đó phải chạm trán vài nhân vật mà nếu cứ để yên thì năng lực Lăng Ba Vi Bộ của tôi đủ giúp tôi khỏi phải nhìn thấy suốt nhiều năm dài. Và cũng quả nhiên, ngay sau đó đã có người thông báo, ảnh đã lên facebook (tất nhiên cùng nhân vật ở bển cùng mấy nội địa rất ớn). Không những thế, tin đồn gì đó về tôi ngay sau đó bay tận sang bển, loại tin đồn mà chính tôi khi lỡ nghe phải cũng thấy ngơ ngác, cứ nghĩ là chuyện của sad cowboy nào, một triste sire nào. Ở Hà Nội có vài nhân vật như ông tơ bà nguyệt, như mối lái băng nhân ("gần miền có một mụ nào"), nhà ngoại giao hụt, cán bộ Mặt trận tổ quốc (tiếng lóng, ý nói ai ai cũng quen), ngày ngày kết cái này nối cái kia, xó nào cũng thấy mặt, chuyện gì cũng nói, cứ chuyện ở chỗ này vác sang chỗ khác mà phệt. Trong Sài Gòn cũng có một nhân vật tương tự: Nguyễn Quốc Thái, trung gian của không biết bao nhiêu phi vụ loạn xạ cả trong lẫn ngoài nước. Những kỳ tài của tai họa.

Hết cả gập ghềnh và không còn hồ nghi gì nữa. Đâm vuông góc vào phố Bà Triệu là phố Trần Quốc Toản (tên như vậy thôi, nhưng ở đó không bán cam cho người ta bóp; tuy nhiên cũng có nhiều thứ khác để bóp, nếu muốn, và nếu trả tiền; từng một thời, đối diện báo Văn nghệ có cả một dãy - chị em rất nhiệt tình tuyên dương một họa sĩ đầu trọc làm bên đối diện hay sang, bo mỗi lần tận những ba, bốn trăm; vậy là rất phá giá), chạy suốt từ Yết Kiêu đến Phố Huế. Những ai thích tìm Đoàn Nhữ Hài từng hay xuất hiện trong sách Tô Hoài thì cứ tìm quanh đó; nhưng Trần Quốc Toản còn nhiều ngõ hay hơn, nhiều thứ hay hơn. Một quán ăn (giờ vẫn còn) nơi ai cũng gần như chắc chắn sẽ gặp người quen. Lần đầu tiên tôi đến đó đã có một cuộc gặp tình cờ, một nụ cười rất tươi chuyển dần từ thuần túy xã giao sang một chiều hướng khác và một phương vị khác; buổi xế trưa hôm ấy còn tiếp tục một đoạn sau, trên vỉa hè phố Ngô Quyền đoạn nhìn chéo sang đầu Đinh Lễ; ấy là một lần hiếm hoi tôi ngầm thấy biết ơn một nouveau riche: vì bận rộn business phải chạy đi gấp nên đã để lại cho tôi cả một trận địa, cũng như cả một khởi đầu. Quán Trâm Bầu xưa kia hình như cũng nằm trên phố Trần Quốc Toản nhỉ, bên hông Cung. Xa xôi hơn về thời gian, tại một ngôi nhà quanh góc đó, tôi được nghe kể về vụ giết người kinh thiên động địa Hà Nội dạo ấy, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng bị đập ghế vào đầu - người phụ nữ kể cho tôi, từng quen nhiếp ảnh gia, nghe kể lại từ ai đó nhận là mình chứng kiến tận mắt, rành rọt từng tình tiết, diễn biến và bước ngoặt. Chừng như câu chuyện kinh hãi quá, người phụ nữ kéo chăn lên quá cằm, thành ra bên phía tôi bị lạnh gió lùa: khi người này kéo chăn thì người kia mất nhiệt, rất có thể đó chính là suy nghĩ sâu sắc nhất mà tôi từng có trong suốt một khoảng thời gian không ngắn.

À quên, chủ đề là hiệu sách 180 Bà Triệu: tôi rất thích chứng kiến những dịp ông Dư nói chuyện với khách (tất nhiên không phải tôi). Ngay từ cách đây cả một phần tư thế kỷ, xem các cảnh ấy tôi đã biết ông Dư không thể được lòng nhiều người. Nhưng tôi nghĩ, ngay từ ngày đó, là cần phải thế. Nếu một người không biết mình tìm gì thì có thể tìm hiểu trước, hoặc đến những chỗ nào rộng hơn, có thể xem mọi mặt hàng một cách thoải mái. Nhưng ở hiệu sách 180, chỉ cần nói đúng tên quyển sách là sẽ có mọi thông tin cần thiết và có thể thấy nó ngay vì ông Dư biết đích xác phải lấy nó từ đâu. Phố Đinh Lễ đã sụp đổ vì những người bán sách ở đó không còn làm đúng công việc của mình nữa. Họ thích bán cà phê, tổ chức tô tượng hơn thì tất nhiên không thể là người bán sách được; nhất là, họ rất thích biến cửa hàng của mình trở thành điểm tụ hội, thì lại càng xa lạ với bán sách. Ta có thể thấy, những năm gần đây, các nouveau riche mấy thế hệ nối tiếp ngồi ký tặng sách ở Đinh Lễ: kể tên ngắn gọn, Nguyên Ngọc, Phan Cẩm Thượng, Đặng Hoàng Giang. Những chỗ bị ám mấy thứ tinh thần như vậy, thì không còn nói được gì đến sách vở nữa. Không làm đúng công việc của mình thì tức khắc biến thành mấy cái ổ buôn chuyện quàng quạc không ngớt.

Như trên đã nói, sau một thời gian thì bức tường dựa đầy sách (lên đến tận trần) của bên trái, tôi tiêu diệt gọn (đây chính là cơ sở để sau này tôi nhận ra, Aitmatov hay Pautovski sản xuất ra thứ văn chương phùng phình, thảm hại và kém cỏi đến mức nào). Tôi bắt đầu hướng ánh mắt ra khỏi cái chỗ xét cho cùng cũng hơi quá chật chội. Vả lại, như vậy thì mới đúng: ai biết tiểu sử của ông Dư thì biết, tuy thuộc lòng (tên) không biết bao nhiêu cuốn sách nhưng văn chương không phải sở trường của ông. Bắt đầu quan tâm đến một lĩnh vực khác, tôi bắt đầu tiến vào gần địa hạt chuyên môn (sâu) của người chủ hiệu sách. Tôi bắt đầu quan tâm đến một thứ: các ngôi sao, tức là thiên văn học.

Như ở trên cũng đã nói, đm (Đức Minh) và ml (Mỹ Linh) phổ biến bạt ngàn. Ngày nay, ngồi ở quán cà phê, người ta có thể (nghe) thấy hết sức rõ nét một thay đổi nào đó: Đm và ml rôm rả hùng tráng ở những bàn nào có nhiều trung niên còn những bàn lanh lảnh các giọng mới dậy thì hoặc chưa hẳn dậy thì xong thì lại rất nhiều vl (Vĩnh Lạc, hoặc cũng có thể là Vô Lý). Cuộc sống ở Hà Nội, có thể không nhiều nhà thơ nhưng chắc chắn rất nhiều con người chính là một bài thơ. Chúng ta có ví dụ ngay: dưới phần comment có hai bức ảnh tuyệt vời của Lu, rất có thể đó không phải một nhà thơ nhưng chắc chắn Lu là một bài thơ (hình như hơi nhiều tua tủa - nếu vậy thì đây chính là một bài thơ tu, hay "tu thi"; không biết dạo này bài thơ đã chuyển khu vực hoạt động khỏi vùng Hồ Đắc Di-Lương Định Của chưa, nhưng Nam Đồng thì gớm mặt lắm).

(tất nhiên [chắc] không ít người đã nhận ra - muốn nhận ra thì rất dễ, chỉ cần là một độc giả - là tôi đã thuổng cặp nhà thơ-bài thơ từ Chesterton, tức là cái điều, một ai đó có thể không phải là nhà thơ nhưng chắc chắn là một bài thơ)

Ở Hà Nội, một người làm đúng công việc của mình - điều này rất hài hước - thường sẽ không được ưa, thậm chí bị căm ghét (xem ngay dưới comment đã thấy ý đồ nói xấu Mister Dư). Nhưng cứ bẻo lẻo mồm miệng (trường phái bán sách Đinh Lễ, hai mươi năm vừa qua) thì lại rất được lòng thiên hạ - chắc hẳn là, không phụ một tấm lòng nào trong thiên hạ. Nhưng dại dột mà đi nghe dân Hà Nội (giai lẫn gái) thuốc thì đúng là đúng là (gì nhỉ, nhắc hộ cái), à đúng rồi, quá bằng đổ thóc giống ra mà ăn. Trên bất kỳ trăm mét vuông nào của cuộc sống Hà Nội cũng đều có ít nhất một (thường thì nhiều) nhân vật nói hay đến mức làm được những con gì ở trong hang cũng phải chui ra (mà nghe, mà hóng); vậy nên mới có câu "ăn như rồng cuốn nói như rồng leo làm như mèo mửa". Vô vàn trơn tru, trụi hết mọi gập ghềnh.

Phố Bà Triệu, người ta đi nó để từ một cái hồ (có những ngày nước xanh như rau muống luộc nhừ - Nguyễn Tuân) để đến một cái hồ khác, chỉ cần tới ngã tư với Nguyễn Du thì rẽ: hồ Thiền Quang, hay hồ Halais. Đoạn trước khi vào phố Bà Triệu, đâm từ Hàng Trống Jules Ferry vào, nhìn sang Hồ từng có một chốn lừng lẫy ăn chơi, Phú Gia (Nguyễn Tuân hay đến đó; cho tới cách đây khoảng hai mươi năm một trong những tột đỉnh đối với những người ở xa đến vẫn là thuê phòng khách sạn ở đây rồi bữa trưa bữa sáng ăn tại quán bên dưới); trước ngã tư với Nguyễn Du một đoạn, bên số lẻ, là bức tường của đại sứ quán Pháp (dẫu sao bức tường người Pháp, di tích của thời thuộc địa, ở Hà Nội, cũng vẫn đỡ bức bối hơn so với bức tường người Pháp Nam Kỳ Saigon, tức là đường Hai Bà Trưng, trụ sở lãnh sự quán), nếu tôi không nhầm thì đây là trụ sở cũ của hãng rượu Fontaine nhân vật từng thuộc hàng giàu nhất nước Pháp, cũng là người chủ trì và dự khánh thành Maison du Vietnam trong khu Cité Universitaire đại lộ Jourdan, Paris. Phố Bà Triệu chạy thẳng tắp như đường voi chạy ("ải Bắc quân thù etc./giáp vàng khăn trở etc."), những con voi không để bất kỳ cái gì ngáng đường ngăn chúng chạy. Vuông góc với nó là mấy phố hi-class Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng và nhất là Lý Thường Kiệt, mấy phố dài và lớn nối Hàng Cỏ lên cái phía mơ hồ từng có thời "Đồn Thủy". Nhưng phố Bà Triệu không chỉ nối hồ với hồ, ngoài các hiệu sách nằm trên nó, ngoài Thư viện Hà Nội ở chỗ ngã tư đối diện với cái nơi cứ 14 tháng Bảy là tiệc tùng (sau quãng tuổi nhỏ hay tới phòng đọc trẻ con ở đó - mà thầm hy vọng về sau sẽ được giống các anh chị lớn đi vào tòa nhà chính to để đọc sách người lớn, hồi mới vào đại học tôi từng có một lần duy nhất vào đó [tất nhiên ở phòng đọc của người lớn], dĩ nhiên cái lần đó, có một cô gái rủ tôi đi cùng; chẳng có chút hay ho nào, những gì chúng ta tưởng lúc còn bé, phần lớn chỉ là ảo và huyễn mà thôi), ở đầu phố mà rẽ ngay vào phố Tràng Thi thì sớm đến được Thư viện Quốc gia. Tôi bắt đầu đến đó từ năm mười bảy tuổi. Khi ấy, thư viện chắc vẫn còn giống hồi nhân vật trong Ung thư của Thanh Tâm Tuyền từng hay lai vãng, thập chí giống cái lúc nhân vật trong Quê hương của Nguyễn Tuân hay ghé. Nhiều bàn to đặt trong phòng lớn, nói chung nếu khôn ngoan thì nên đến sớm mà xí chỗ. Một lần, cô gái ngồi cùng bàn, rất gần và thơm ngào ngạt, nói giọng miền Nam cười với tôi và mời tôi kẹo. Về sau theo tin đồn nơi quán nước anh Hợi, tôi biết đó là con gái của một nhân vật sẽ trở thành một trong tứ trụ; hồi ấy, cô gái béo tốt nổi tiếng góc Tràng Thi vì mấy chiếc xe Spacy.

Những phố chạy ngang ấy (như Bà Triệu) cùng các phố chạy dọc: chúng làm nên khu phố Tây, mà ranh giới phân chia với khu phổ cổ chính là cái hồ trung tâm, Lục Thủy etc. và chúng cũng tạo nên vô cùng nhiều ngóc ngách, dẫu vẻ ngoài trông có thẳng thớm đến đâu. Không nhiều người biết phố Nguyễn Chế Nghĩa; gần đây nó mới trở nên đông đúc chứ hồi tôi còn hay đến đó thì gần như không bóng người. Cô bạn cùng trường nhưng không cùng lớp sống ở đó, trong một ngôi nhà rộng mênh mông. Tôi không còn nhớ ngoài cửa có cảnh vệ không, nhưng nhà một cô bạn khác (cùng lớp, celle-là) thì có cảnh vệ thật. Chúng tôi đến đó chơi, đang hò hét thì ông bố đi làm về, xách cặp nguyên tử lừ lừ bước vào. Nhưng không nói gì trước sự bát nháo, và biến mất ngay (điều này không khó, vì đó là một ngôi nhà vô cùng rộng). Đây không phải ai xa lạ, chính là người đã khiến tôi có tiền học bổng vào kỳ đầu tiên, như trên đã kể, dẫn đến chỗ mua được rất nhiều sách một lúc ở cửa hàng ông Dư. Năm ấy tất nhiên tôi không ngờ khu Vạn Bảo-Vạn Phúc (dãy parking Ngọc Khánh giờ đã hoàn toàn biến mất) rồi sẽ trở thành khung cảnh cho một mối tình khét tiếng (khét tiếng vì kín tiếng, thậm chí vô thanh) của tôi, về sau. À mà không phải chỉ một - nhưng thôi, j'en passe.

Không dễ định hướng trong khu vực phố nhỏ từ Bà Triệu hắt lên Lò Đúc: Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, những song song khoảng giữa Phố Huế và Bà Triệu, rồi Phù Đổng Thiên Vương, Thi Sách, Lê Ngọc Hân. Một lần tôi đứng ngẩn ra trước một số nhà Bùi Thị Xuân, vì thấy ngay đó không phải là nơi tôi được hẹn. Ngày đó, các nhầm lẫn tương tự không dễ giải quyết, phải đi tìm chỗ có điện thoại rồi lấy sổ ra tra số, hì hục gọi. Thì ra tôi nhầm Lê Ngọc Hân sang Bùi Thị Xuân: nhưng đúng là rất dễ nhầm - và lại, không thể khác, liên quan đến voi. Tôi cũng thấy hài hước, vì hậu duệ của Phan Khắc Khoan lại sống tại một nơi không xa phố Phùng Khắc Khoan. Hiệu cho thuê sách số 2 Thi Sách, nếu kể về nó, chắc chắn tôi sẽ thu hút được một lượng quan tâm đáng kể. Nhưng quang cảnh mà tôi rất nhớ là một buổi trưa hè nắng như boxing sắp k-o bơ vơ ngồi trên một bậc tam cấp phố Tăng Bạt Hổ, năm tôi chưa tròn mười tuổi: từ bể bơi ra, tôi không được đón như đã hẹn từ trước, phải ngồi đó mấy tiếng đồng hồ trong hoang mang. Trước đó, đã có một sự chờ đợi khác: buổi tối muộn (chắc mùa đông), ở trường mẫu giáo, không ai đến đón tôi, tôi phải vào phòng bảo vệ thẫn thờ ngồi nhìn ra cổng ngóng. Đó là trường mẫu giáo 8/3 - gần như tôi không có kỷ niệm gì về nhà trẻ và mẫu giáo, vì thời gian tôi ở đó rất ngắn. Chỉ là một sự lướt qua; rất nhiều người ở Hà Nội có bạn từ mẫu giáo, nhưng tôi thì không. Nhưng tôi vinh dự được cô giáo lớp một mời đến dự đám cưới của cô (rất tiếc tôi không nhớ mặt cả cô dâu lẫn chú rể); một đám cưới khác tôi dự hồi nhỏ, trên đường về nhà thì ngồi sau xe đạp tôi ngủ gật và làm rơi mất một cái dép dưới chân lúc nào không hay. Tôi vẫn mơ hồ cảm thấy hiện trường vụ việc là một ngã ba hoang vắng rợn người, buổi tối chẳng ai muốn phải đi qua.

Trong Hà Nội cũ, Sở Bảo Doãn Kế Thiện kể, Mã Mây từng là vùng hoang vu nhiều bãi cỏ sát mép nước, nơi quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc luyện ngựa. Cuốn sách của Doãn Kế Thiện cũng gây hãi hùng không ít ở đoạn về khu quanh Hàng Da-Ngõ Trạm kéo xuống Phùng Hưng (cái lần ngồi sau xe máy để đến cái chỗ ở Phùng Hưng mà không người Hà Nội nào không biết, cho đám tang người đêm hôm trước tôi ở trong phòng ngủ để thắp hương, vì người chở tôi đi theo một con đường tôi chưa hề biết, tôi nhận ra hóa ra có thể đi như thế, từ Cao Bá Quát vòng sang Trần Phú); một lần, sau khi *** tại một nơi trên phố Nguyễn Quang Bích thì tôi chột dạ hối hận quá chừng: không bao giờ được làm gì vì thấy tiện. Một quãng tôi ở Hà Nội lâu, cứ lần nào một cô gái từ xa đến đây là buổi sáng tôi sẽ đến phòng khách sạn của cô ấy - cô ấy muốn người đầu tiên mình nhìn thấy vào buổi sáng đầu tiên ở Hà Nội là tôi; tôi nói rất rõ nhìn thấy, nhưng tất nhiên muốn nghĩ thế nào thì nghĩ. Sáng sớm đến khách sạn rồi đòi lên phòng một cô gái, tất nhiên có lúc sẽ không dễ dàng. Lần cô gái ấy ở khách sạn Hà Nội (nhà 11 tầng nổi tiếng, cũng là nơi cứu rỗi những cái bụng đói về đêm gào réo đòi đồ ăn ngon và ấm) nhân viên tiếp tân định gây khó dễ. Tôi đứng đó nhìn người ấy một lúc thì lại ok: tốt nhất là nên như vậy, vì cô gái sẵn sàng đi xuống nhận tôi là "my fiancé", thậm chí "my husband" - ta không thể biết trước được hành tung cũng như hành xử của một số phụ nữ. Sau một thời gian thì cô gái không đến Hà Nội nữa, rất có thể đã chuyển sang một thành phố khác; tôi rất mong ở đó cô gái tìm được một người đến gõ cửa phòng khách sạn của cô ấy vào những buổi sáng đầu tiên. Một lần, cô gái ở khách sạn Daewoo, phòng suite có nhiều cửa sổ, trong đó có một cửa sổ nhìn xuống được đúng cái nơi tôi từng rất quen hồi còn nhỏ. Tôi cứ ngồi đó nhìn, đến nỗi cô gái phải tò mò xuống khỏi giường, khoác áo ra đứng cạnh tôi. Ở Daewoo có quán ăn Nhật Bản (Edo phải không nhỉ), nơi tôi có một cuộc gặp (một gặp lại) đầy choáng váng: đó là một trong những Shimamoto-san.

Những quán ăn Nhật ở Hà Nội: chẳng hạn trên phố Triệu Việt Vương: đỗ được xe trước cửa vào đầu giờ tối không hề đơn giản. Nhưng tất nhiên, phố Bà Triệu có một quán rất nổi tiếng, Asahi. Năm ấy, Jimmy gì đó vẫn còn ra ngoài biểu diễn làm cá cho thực khách xem. (ôi những đời nhiều lan nhiều huệ; ôi dĩ vãng chồn chân trong các quãng hẹp)

Nhưng cũng trên phố Bà Triệu, và cũng về phía cuối, từng tồn tại một quán Nhật Bản có đời dường như chớp nhoáng phù du: quán Chuồn Chuồn Đỏ (nếu tôi nhớ không nhầm), ở đoạn gần cái chùa, tức là đối diện bên kia đường với cái nhà to tướng kinh người. Một buổi trưa, tôi có cuộc hẹn ở đó. Không ngờ tôi lại là người đến sau, người phụ nữ đã đợi sẵn, ngồi đó ở ngay quầy, một đĩa edamame trước mặt để "amuse-bouche" trong lúc chờ tôi - điều này thì dễ hiểu, vì ginkgo còn chưa trở thành mốt như về sau này. Tóc ngắn và áo trắng - tôi đã suýt bước lui quay đi, coi như mình lỡ hẹn; chưa bao giờ tôi thấy một phụ nữ đẹp như thế, bàn tay bóc (nghịch thì đúng hơn) những hạt edamame ("bàn tay đưa anh đi gặp cuộc đời", "bàn tay nắng lóa ôi bàn tay"); tất nhiên tôi nhìn luôn xuống chân. Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ. Vì đã nghĩ vậy (tức là nghĩ trong đời, chưa bao giờ tôi gặp một phụ nữ nào đẹp như thế) nên tất nhiên tôi nói điều đó với người phụ nữ; nhưng tất nhiên tôi không nói ngay - vả lại, đó là một phụ nữ Hà Nội, nên có thể nói được một số điều.

Quanh đó, không xa, trên phố Tuệ Tĩnh, tôi không biết chính xác số nhà nào, tôi được nghe kể về một ngôi nhà chỉ cần đi qua vào buổi tối nhìn dép để bên ngoài là biết đang có những ai bên trong. Đối với tôi, đây là một trong những câu chuyện hay nhất và cũng nhiều tính cách - tính cách gì nhỉ, à đúng rồi - khuyến thiện hơn cả về đám chữ nghĩa bề bề. Cũng không xa là phố Đoàn Trần Nghiệp. Đám cưới dẫn đến vụ rơi dép được tổ chức trên phố Đoàn Trần Nghiệp ấy - giờ đây đã trở nên thật tội nghiệp, đánh mất đi bao nhiêu vẻ hoang vắng đặc biệt, sự kiêu kỳ của những cây lớn và vỉa hè khấp khểnh, cùng các ngôi nhà như thể nằm dưới đáy biển được bọc xung quanh rất nhiều rong rêu cùng bọt nước nghìn năm. Đám cưới diễn ra tại một trong những ngôi nhà đó. Nó rộng đến nỗi một phần tầng bên dưới được dùng làm nhà trẻ.

Ở Sài Gòn có đường Ký Con chứ không Đoàn Trần Nghiệp, cũng như có Tản Đà thay vì Nguyễn Khắc Hiếu và Tú Xương thay vì Trần Tế Xương. Nguyễn Khắc Hiếu và Trần Tế Xương của Hà Nội sát nhau, đều nằm trên một bán đảo - tôi từng chứng kiến có người thực sự bị lạc đúng như trong một mê cung, nơi cái vùng địa dư quái đản đó. Một cô bạn cùng lớp khác của tôi sống ở phố Nguyễn Khắc Hiếu, đó cũng là nơi tôi đến học vài buổi - thuở đó đã bắt đầu manh nha các lớp học tư chỉ vài học sinh. Ở Hà Nội không có nhiều phố mang tên địa danh khác: phố Tây Sơn, phố Vĩnh Phúc (à, nhưng có phố Huế, và cả Vạn Phúc chắc cũng nên coi là thuộc phạm trù này - té ra đâu có ít); phố Vĩnh Phúc: từ Hoàng Hoa Thám đi vào, tất nhiêu sau nhiều vòng vèo, thì sẽ đến một quán cà phê - thêm một nơi mà nhà thơ Lu rất không xa lạ. Hôm đó, ở kỳ đã suy tàn của cái quán rất rộng ấy, tôi đến cùng một cô gái rất trẻ, mặc váy và rất nhiều đăng ten. Chỉ cần liếc nhìn là tôi biết nên ngồi vào một chỗ có thể gọi là mezzanine nhưng không hẳn, vì lối vào từ bên trên chứ không có cầu thang dẫn lên - tức là giống lô ở nhà hát hơn (tuy không phải để xem biểu diễn gì mà rất có cơ may trở thành đối tượng được xem). Tất nhiên tôi rất biết nơi này từ trước khi nó biến thành quán cà phê. Tại gian chính bên cạnh cái trông như là mezzanine kia, rộng hơn nhiều, tất cả chúng tôi từng lăn ra cười khi một nhân vật xuất hiện, đai lưng đeo toòng teng đống bình sữa; đó là một trong những (nhiều lắm) nhân vật chóe của Hà Nội. Quay trở lại với váy và đăng ten. Đã là kỳ suy tàn, nên quán vô cùng vắng, thế cho nên. Cô gái rất thơm (*thì thào* nhầm lẫn kinh điển: phụ nữ nghĩ xức nước hoa thì thơm, cái đó dĩ nhiên đúng, nhưng họ lại còn nghĩ, nếu nhiều nước hoa thì sẽ rất thơm) và tôi hôn cô gái, nói cho đúng thì cũng hơn hôn một ít (cũng có thể nhiều - vì quán vắng) - mắt thỉnh thoảng đảo về phía một nhân vật tóc xù xa xa đang cắm cúi làm gì đó; tóc xù chừng như mê mải công việc lắm - có thể là bổ củi, hoặc tháo quạt máy ra lau - nên không hề ngẩng lên. Quá tốt, trong bụng tôi thầm cảm ơn lia lịa. Dẫu sao thì tôi cũng đã biết đó là lần cuối cùng tôi gặp cô gái ấy, dẫu mới chỉ là lần gặp thứ hai. Tôi không nghĩ là có lý do nào cả, nhưng chắc chính vì quá thơm.

Trở lại với bán đảo. (tôi cũng đang phải nghĩ, làm thế nào mà từ bán đảo vòng trở lại được phố Bà Triệu đây)

(có những lúc cũng cần sử dụng black magic, ở một liều lượng nhất định: chẳng hạn như khi ở vào hoàn cảnh như vừa tả phía trên, tức là đang lơ lửng tại một cái gì đó giống như mezzanine và rất ngại nhân vật tóc xù phía bên dưới ngẩng đầu lên bắt chợt cái gì đó, tốt nhất là nhủ thầm trong lòng, rằng tóc xù kia cứ cắm mặt xuống, tiếp tục bổ củi hay lau quạt đi, đừng có dại mà ngẩng đầu lên, không là dễ dính một bãi nước bọt từ trên cao phóng xuống đấy - tóc bình thường mà bị thế đã kinh, tóc xù thì còn khiếp đến mức nào: cf. Boris Vian, J'irai cracher sur vos tombes)

Đoàn Trần Nghiệp, không hiểu sao, được đặt tên cho một phố ở cách rất xa những người đồng chí, tận chỗ Mai Hắc Đế Bùi Thị Xuân và tất nhiên đâm vào Bà Triệu (một thời, cứ nhắc tên hai phố ấy, HắcBùi, là nhất định sẽ nhận về những nụ cười tủm tỉm đầy đồng lõa, như xửa xừa xưa, Khâm Thiên Ngã Tư Sở) - trong khi phải ở quanh bán đảo đã nói mới có nhiều phố thuộc về đó: Phó Đức Chính người duy nhất không xin ân xá và khi bị chém đòi nằm ngửa, Nguyễn Khắc Nhu tức "xứ Nhu" người đã hội quân có sẵn của mình từ Bắc Ninh; cũng có thể tính luôn vào đó Phạm Hồng Thái (xem thêm ởkia), nhân vật mà chắc hẳn những người Việt Nam Quốc dân đảng 1927 sẵn sàng nhận làm tiền bối trực tiếp. Một cô bạn cùng lớp của tôi sống ở phố Phạm Hồng Thái; đây là người duy nhất chưa bao giờ quên chúc mừng sinh nhật tôi (kể cả năm nay). Mốt của học sinh Hà Nội hồi tôi học sắp hết cấp ba là ra hồ Tây chèo thuyền hoặc đạp vịt trên hồ Trúc Bạch (cứ hai người một - you know what I mean; chèo thuyền thì ngồi đối diện, đạp vịt thì ngồi cạnh nhau) - ngày ấy gần như không chỗ nào ra được sát mép nước, những "ven hồ" rồi "vệ hồ" mãi gần đây mới có. Một hôm, trên bán đảo Ngũ Xã (hội làng vẫn còn được tổ chức đều đặn và tưng bừng lắm đấy, đá gà rất ác liệt), tôi bỗng trở thành người chứng kiến cảnh một người thợ xây rơi từ trên tầng thượng một ngôi nhà đang sửa sang xuống đường. Sau cơn đờ ra vì hoảng hốt chợt tôi có một ý nghĩ rất insolite: chắc người thợ xây tên là Chính hoặc có biệt danh nào đó có chữ "Chính" vì đó là Lạc Chính: Bàng Thống đang đi qua một nơi rất hiểm trở thì bỗng chột dạ hỏi quân lính, chỗ này là đâu, lính đáp, "gò Lạc Phượng", Bàng Thống vừa hét, "Thôi chết ta rồi" thì quân phục kích nhô lên từ sau các tảng đá bắn tên như mưa, biến Phượng Sồ thành một con nhím (cf. Tam quốc diễn nghĩa, cụ thể chương thứ bao nhiêu tôi quên mất rồi). Một trong những trung tâm (địa lý, kinh tế, chính trị, thương mại và văn hóa) của khu vực này là chợ Châu Long - chợ duy nhất của Hà Nội vẫn còn giống một cái chợ, ngày nay; ngay bên hông chợ là chùa Châu Long. Một cô bạn cùng lớp của tôi sống trong chùa, tôi muốn nói là chính xác trong chùa, nhà ở đó. Tại Hà Nội không khó tìm được những người sống như vậy, có khi cả đời. Phố Hàng Bè có một cái chùa, một ca sĩ nổi tiếng ("một ngọn lửa hồng" etc. "há hà ha" etc.) sống ở đó, sân thượng có vô số lồng chim; một bạn học khác của tôi thì ở ngay trong lăng Hoàng Cao Khải. Tôi hay đến nhà nó chơi, vì nhà nó rất mát, âm u thì đúng hơn, cho tới cái hôm nó lấy album ảnh ra khoe, nhất là ảnh chụp ông nó nằm trên giường hấp hối, ảnh không chụp ngang mà lại chụp đứng lên, những cây cột còn lại của cái lăng vây xung quanh. Rợn cả tóc gáy, nên tôi né luôn; vả lại muốn vào nhà nó phải đi trên bờ mấy đầm nước trồng toàn rau muống buồn thảm. Cuối phố Nguyễn Trường Tộ về phía Hòe Nhai-Phan Huy Ích có một cái trường. Năm 1954, trong khoảng thời gian chờ quân Việt Minh về tiếp quản, bọn trẻ con vào trong sân trường chơi thấy rất lạ vì có tiếng gì cứ ù ù, tìm hiểu mãi thì phát hiện, đấy là ruồi nhặng, chúng kéo đến hằng hà sa số bu lấy những xác chết trong mấy căn phòng khóa chặt, phần lớn bị treo lủng lẳng; trước khi rút đi, lính Pháp giết các tù binh đang giữ - đó là một trong những câu chuyện hay nhất tôi được nghe kể trong khi đi lượm lặt những gì có thể tìm thấy về cuộc sống Hà Nội quãng 47-54, do chính một trong số đám trẻ con ngày ấy kể lại. Cũng trên phố Nguyễn Trường Tộ nhưng về đầu phố bên kia lại có một trường khác. Cách đây mấy năm bà bán xôi trước cổng trường (bên kia đường) đã hoàn toàn biến mất; dường như cô con gái đã không nối nghiệp được. Từ đó ra Nguyễn Biểu rất gần; một cô bạn cùng lớp của tôi sống ở ngay đầu Nguyễn Biểu.

Tất nhiên, cần phải nhớ đến phố Nguyễn Thái Học. Tôi rất biết nó hồi còn chưa phải là phố một chiều, nhất là đoạn đầu Hoàng Diệu (tức là đầu mút bên kia so với Nguyễn Biểu). Từ đó có cái ngõ đi ngoằn ngoèo thì sang được mấy hướng, đại khái Nguyễn Khuyến Sinh Từ và hông Văn Miếu: Thanh Miến, tức là bước vào địa phận của những "Thanh": câu thơ "Ở lại vườn Thanh có một mình" không muốn nói đến Thanh Hóa mà là Thanh Giám, tức là Văn Miếu Hà Nội (vì băng Trần Huyền Trân từng hoạt động tại khu vực ấy). Hiệu sách Bookworm từng có thời gian ngắn ở trên phố Nguyễn Thái Học, ngõ Yên Thế, trước khi chuyển đến Châu Long. Tôi còn nhớ rõ vì từng ghé qua đó không định trước: trên đường đến cuộc hẹn với một người phụ nữ (tôi đã thấy trước, đó sẽ là cuộc hẹn định mệnh) thì tôi bỗng nghĩ cần phải tặng một quyển sách cho người phụ nữ ấy. Đó là 2666.

Khi đã vào đại học, một hôm chuẩn bị đi về thì thấy một cô bạn đứng bơ vơ chừng như đợi người đến đón nhưng người đón chẳng thấy đâu, sẵn đang rảnh tôi đề nghị chở cô ấy về nhà. Học cùng lớp từ tận cấp ba nhưng hôm đó tôi mới biết, cô bạn ở ngay trên phố Bà Triệu. (đấy, cuối cùng đã lượn về được với phố Bà Triệu; nhưng vì nói đến hơi quá nhiều nhà bạn gái học cùng, nên tôi thấy cần có một cải chính: chưa bao giờ trong đời tôi có quan hệ tình cảm với bất kỳ bạn học cùng lớp nào - cùng trường thì khác, nhưng chuyện đó không liên quan - tôi thấy như thế thì đâu có khác loạn luân là mấy; thêm nữa, không bao giờ tôi đi họp lớp)

Người đàn bà áo trắng để lại kỷ niệm tím.

Đi trên một phố thẳng và dài như Bà Triệu giống như đang mở về hai phía bằng một phéc-mơ-tuya chạy suốt: fermeture Éclair - mà cũng đúng, phải ở cái địa phận "phố Tây" ấy thì mới có thể có món đồ nhập ngoại, ceinture fermeture bretelle. Những vùng khác của Hà Nội, nhất là bán đảo Ngũ Xã và quanh đó (bãi Phúc Xá, An Dương rồi xa hơn lên Quảng Bá) thì giống cái áo cởi theo nguyên tắc mở các cúc (chuyện cởi áo: xem ởkia). Những phố chạy thẳng không phải nguyên tắc của Hà Nội - giống Rome, các phố vòng vèo chẳng buồn câu nệ lệ tục của chân trời; Rome cũng giống Hà Nội, một lần kia tôi đang cuốc bộ trong một cơn lạc đường kéo dài, ngẩng đầu lên thì thấy người ta phơi đầy quần áo trên đầu. Hàng Chiếu Hàng Buồm cong veo như dấu hỏi: căng buồm đi về đâu đây, thưa ông? le cap sur. Mã Mây cộng thêm Hàng Chĩnh suốn mình như dấu ngã. Đi ngả nào mắt cũng rơi vào nước. "Còn đó chân trời lỡ [chỉnh lại một tí] vàng phai não nề", nhưng "Biết đâu ngày ấy anh về", nhưng nữa: "Don't you come back no more no more no more" - "Oh Beth what can I do?". Những bẽn lẽn vỡ lẽ bỗng chốc.

Không gì làm tôi thấy trống trải hơn so với khi chợ Âm Phủ bị xóa sổ. Nhưng chỗ của nó là ở đấy, cái chốn của "19 tháng Chạp". Mấy tháng đầu cuộc chiến tranh bùng nổ vào mùa đông năm 1946, vắt sang mùa xuân năm sau đó, không ở đâu mật độ người chết lớn như khu chợ Đồng Xuân và chỗ này. Đây từng là cái chợ được bố trí để người ta có thể đi từ bên này sang bên kia, hoặc từ Hai Bà Trưng sang Lý Thường Kiệt hoặc ngược lại, là đã mua xong đồ cho một bữa cơm, trưa hay chiều. Chợ là nơi để người sống và người chết gặp được nhau: trống trải như một khởi đầu không muốn trước, và chật như một nồi canh rau ngót nấu đoảng. Một người bạn tôi kể bà mẹ đuổi thẳng cổ người giúp việc sau hôm đầu tiên, vì xào thịt bò mà lại cho nước mắm, luộc rau muống thì đậy nắp vung. Dân phố cổ ăn trứng vịt lộn thì nhểu vài giọt giấm. Nhưng ngày nay, người ta đi ăn phở toàn gọi thêm quả trứng.

Một địa phận như thế mà lại biến thành chỗ bán sách. Ơ mơ à? Tôi chưa bao giờ đặt chân đến đó, thấy bảo nó trở thành nơi tụ tập của lắm người nhiều chữ.

Sau đoạn đầu, phố Bà Triệu có một quãng (suốt mấy ngã tư) hai bên chẵn lẻ không đồng đều mà lệch. Một cơ sở của Đài Tiếng nói Việt Nam nằm bên số lẻ. Trông thế thôi, nhưng chỗ đó tôi mới chỉ có lần đi lên hết đoạn cầu thang ngoài cùng. Đoạn đầu của Bà Triệu (tính cho đến ngã tư Lý Thường Kiệt) dường cố gắng trở thành một trung tâm cà phê: nhưng có ai ở Hà Nội nghĩ đến chuyện đi uống cà phê trên phố Bà Triệu thật à? Cũng đoạn đầu này từng có quán phở 24 - yes that shit. VOV tôi chỉ biết trụ sở tại phố Quán Sứ, tất nhiên hồi nó còn chưa được sửa lại. Đó là địa phận tiếp giáp với khu bệnh viện - ngay đối diện bên kia đường là một nơi khủng khiếp (mà tôi còn chẳng dám gọi rõ tên). Hồi còn rất nhỏ, tôi có lần duy nhất trong đời bị đưa đi bệnh viện cấp cứu. Xe máy của chú hàng xóm chở tôi đằng sau chạy vào Quán Sứ rồi rẽ luôn Tràng Thi, bị cảnh sát giao thông chặn (vì đi ngược chiều) nhưng rồi lại cho đi ngay, chắc vì thấy thảm thương và cấp bách quá: cổng bệnh viện Việt Đức cách đó chỉ vài chục mét.

(chuyện bạn học cùng lớp và sự loạn luân: xét cho cùng, nếu như vậy không phải là loạn luân [tất nhiên là không phải, đừng lo] thì ít nhất thế thì cũng dễ quá; và sự họp lớp, bạn cũ: thế nào tầm 15-20 năm sau khi ra trường cũng sẽ là cao điểm của họp lớp, đúng không? đây là quãng lý tưởng, cho cả sự xa cách không gặp nhau, lại cũng chính là quãng thời gian vừa đủ cho một điều khác: cho sự chán chồng chê vợ, ở trong mỗi nội bộ tổ ấm, có phải không? trong một buổi họp lớp, thế nào chẳng có vài câu vu vơ dạng như "biết thế hồi ấy chúng mình thích nhau đi cho xong" - điều đáng kinh ngạc là chính những gì vô thưởng vô phạt và trông như là vô hại nhất lại rất hay dẫn đến hệ quả; trong các màn tán tỉnh trai gái, chẳng gì hiệu quả cho bằng những thứ rẻ tiền và sáo mòn hơn cả - chắc vì tình ái là một thứ có quá nhiều trông đợi sẵn; có những lứa học sinh Hà Nội tổ chức họp mặt trên diện rộng - ở mức độ toàn khóa, tất cả các trường - và các hoạt động diễn ra liên miên, thấy bảo nhiều vụ oánh ghen lắm; một cao điểm nữa của sự họp lớp cũ là cái kỳ khi các phụ nữ nạ dòng bắt đầu bước vào mùa xuân cuối; một trong những câu chuyện hay nhất mà tôi biết về các high-school sweetheart: hồi đó, ở trường tôi ai cũng biết một cặp, học cùng lớp suốt mấy năm, ngay từ đầu đã dính lấy nhau và dính chặt không rời, ai cũng quá quen với việc thấy anh thì tức là thấy chị, thậm chí quen quá đến mức dường như chưa từng có đứa nào nảy ra ý định xen vào giữa; ra trường được một thời gian, đang đi ngoài đường thì tôi nhìn thấy đương sự nam đang chở xe máy một nữ nhân - đó là nhân vật đối với tôi không thân tình gì nhưng cũng thuộc vào hạng mục lỡ thấy tình cờ thì cũng phải chào hỏi chiếu lệ, thế là tôi cũng chào, nói dăm ba câu chuyện xong thì nhớ ra cũng phải chào cô gái ngồi đằng sau, thế là tôi ngoảnh đầu định chào thì lúc ấy mới phát hiện, đó hoàn toàn không phải cô gái cũ; nhân vật ngồi đằng trước nhìn tôi, tôi nhìn lại, không nói được câu nào; hôm ấy thiếu điều vì sửng sốt quá tôi đã ngã lăn ra đường gây tai nạn giao thông thảm khốc ở đoạn một ngã tư trên phố Hàng Bài - đó là quãng trước sở hay vụ ngoại kiều)

Người Hà Nội rất buồn cười, vì hay ăn phở. Nhưng khó mà khác, vì từ bé đã quen cái thói ốm thì chắc chắn được ăn phở, thì mới được ăn phở. Không biết đã có bao nhiêu đứa trẻ con Hà Nội, nhất là thời đói kém, giả vờ ốm để được bưng một bát phở vào tận giường, buổi sáng, không nhịn được ngồi phắt ngay dậy ăn lấy ăn để, để lộ hết toàn bộ trò vòi vĩnh vớ vẩn. Phở và kem, kem thùng ("em mang trên vai thùng kem to tướng/năm hào một chiếc em bán đồng đôi/Hà Nội ơi kem của em ngon nhất/đồng xu đút túi mang về cho u mua rau") chở xe đạp có cái loa giống phễu gắn vào quả bóng cao su, bóp là kêu toáng. Nhưng tất nhiên kem Tràng Tiền, kem Thủy Tạ. Có ai ở mạn ấy biết rõ không nhỉ: trên phố Lê Quý Đôn, nghĩa là quãng Yersin Lê Thánh Tông sắp đâm ra đê từng có một hàng kem, mà người dân khu phố khẳng định ngon nhất Hà Nội, thậm chí ngon nhất thế giới; tôi từng ăn vài lần, nếu tôi nhớ không nhầm hiệu kem tên là Bang Kỳ Lân - có ai biết lịch sử của nó không? Về sau này, Zone 9 gì đó, tôi chưa từng đặt chân đến. Farewell party lớp cấp ba của tôi được tổ chức ở một chốn không thể truyền thống hơn: Bánh tôm Hồ Tây; tất nhiên vài đứa nhanh chân tót ngay ra bên cạnh mua kem ăn. Năm chúng tôi vào đại học, tôi phải dẫn hai bạn gái cùng lớp (một trong đó là cô sống ở phố Phạm Hồng Thái) vào một hàng kem ngày ấy rất hot: kem Fanny, chỗ nhìn ra Hồ Gươm, đoạn sắp bắt đầu phố Bà Triệu; ấy là vì tôi thua một món cá độ nên phải mời kem. Mấy năm về sau, kem NZ chua loét bắt đầu hoành hành. Sau một năm vài lần bất đắc dĩ phải ăn phở tại mấy quán trong quận 13, Paris (chịu không thấu, rau mùi tàu với cả húng lá to như rau mồng tơi), sang đến Đức, nơi một quán gì đó rất không hứa hẹn, Dresden, bỗng bát phở người ta mang ra để trước mặt tôi cất tiếng, nói lên toàn bộ một hương vị quá khứ. Tôi biết đầy người (trong đó không có tôi) suốt nhiều chục năm sáng nào cũng ăn phở, lần nào cũng húp đến giọt cuối cùng - chén rượu lễ, hãy uống cho hết cả cặn. Rợn cả tóc gáy.

Trông thế thôi, tôi từng là một thằng bé rất quặt quẹo, từng bị lôi đi đủ thứ phòng khám, thử rõ lắm loại therapy và năm nào cũng lên một cơn sốt cận kề biên giới của mê sảng: những cám dỗ của ốm. Nhìn chung là dặt dẹo, lại hay tự chuốc lấy tai họa. Đá bóng lòng đường một hôm tôi bị ngã, cú ngã thuộc loại gớm, lết được về nhà lục ra bao nhiêu bông tôi đắp hết lên, lau chùi các thứ. Lúc bị phát hiện thì tình trạng đã rất tệ, tôi bị đưa khẩn cấp đến bệnh viện để một bà rửa vết thương và gắp từng sợi bông ra (nhưng không gắp hết được), nước ô xi già kêu xèo xèo làm tôi suýt ngất xỉu mấy lần; mãi về sau này cái sẹo đầu gối vẫn hành hạ kinh khiếp, nhưng giống nhiều thứ mỹ linh khác, tôi kệ luôn. Đá bóng lòng đường vỉa hè, có một hôm tất cả bọn chúng tôi đứng như trời trồng lặng phắc nhìn quả bóng từ từ đi đến với số phận của nó dưới một trong khoảng hai chục cái bánh của chiếc xe container. Năm giờ sáng hôm ấy, người dân mấy phố đang ngủ giấc cuối tưởng có phát súng nổ, hoặc tưởng mình đang mơ thấy trận chiến Napoléon nào. Thẫn thờ hơn cả là tôi, vì đó là quả bóng của tôi, và hôm đó là hôm đầu tiên tôi mang nó ra khai trương, quả bóng đúng nghĩa đầu tiên trong đời tôi. Cả lũ xúm vào an ủi khuyên giải, một thằng nói ngay, chúng nó sẽ quyên góp tiền với nhau để mua một quả mới; lời nói của thằng ấy không làm dịu chút nào nỗi đau khổ của tôi, vì tôi đã biết thừa nó chỉ bốc phét. Nó là hàng xóm rất gần, bằng tuổi tôi nhưng học dưới tôi một lớp và ở trường khác, vì mẹ nó muốn nó học gần cơ quan cho tiện quản lý và đưa đón - rất khác với tôi, ngay từ đầu lúc nào cũng cuốc bộ tự đi học. Nó nói rất nhiều và nói rất hay; nhà nó chuyển đi khỏi sau đó vài năm, nhưng có một lần nó còn quay lại thăm tôi. Khi đã vào cấp ba, một hôm đạp xe ngang Văn Miếu thì tôi nhìn thấy nó ngồi ăn ốc luộc cùng mấy bạn gái; nó không nhìn thấy tôi; tôi không gọi, chỉ liếc nhìn tôi đã biết nó vẫn thế, vẫn tán hay như xưa; tóc nó ốp gôm bồng bềnh ác - Hà Nội đã bắt đầu bước vào thời của những quả tóc hai mái.

Đã dặt dẹo, suốt toàn bộ quãng thời gian đi học lúc nào tôi cũng bé nhất lớp. Tôi có rất ít kỷ niệm về trường mẫu giáo là vì tôi từ chối nó: đến một lúc tôi không còn chịu được bọn xung quanh, lũ thò lò mũi xanh không biết làm gì ngoài hét, đái dầm và ị đùn (đừng quá quan tâm - tôi đang lý tính hóa quá khứ đấy; chưa chắc mọi sự đã đúng như vậy đâu: dẫu sao thì những gì ở quá xa trong thời gian, người ta chỉ biết được rất mù mờ, nhưng tôi chắc chắn tôi có kỷ niệm đầu tiên trước tuổi lên ba nhiều). Tôi được dẫn đi học lớp một. Cô giáo ngại ngần (đoạn này tôi nghe kể lại) nhưng rồi cũng xiêu lòng nhận cho tôi học. Tôi còn nhớ buổi học đầu tiên, phụ huynh đứng lố nhố bên ngoài, giống như các cổ động viên đến sân vận động để ủng hộ và cổ vũ cho đội nhà. Tôi được nhận vào lớp nhưng với một điều kiện: vì thấy tôi bé quá, cô giáo chỉ cho học thử một tháng, nếu hết quãng thời gian đó mà tôi đuối quá không theo được thì trả về nhà. Kết quả là tôi đứng đầu lớp cái tháng đầy thử thách ấy. Từ đó mà có chuyện cô giáo mời tôi dự đám cưới (đã kể ở trên): tôi không nhớ mặt cô dâu chú rể nhưng còn nhớ để đến dự đám cưới ở nhà cô giáo thì phải từ trên đê (nào đó - Hà Nội nhiều đê lắm) đi vào một cái ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo một lúc thì tới nơi. Đây chính là vinh quang duy nhất (một tháng đầu tiên: kể cũng hơi ít, đức minh) trong đời đi học của tôi. Vả lại cũng chẳng vinh quang mấy - chẳng qua tôi đã biết đọc từ trước đó lâu rồi.

Trăm cái ngõ không làm nên một số nhà. Trăm voi không được bát nước sáo. Một trăm con gái đời nay ấy/Đừng nói ân tình với thủy chung. Ngõ Hội Vũ không chỉ từng là nơi cư ngụ của một nhân vật lừng danh, cô Tư Hồng, mà nó còn trình hiện ở dạng thu nhỏ tình trạng ngõ ở Hà Nội: có một ngã ba ngay trung tâm, từ đó tỏa đi ba hướng, như một chong chóng gió, đi ra được ba phố, Tràng Thi, Quán Sứ và Hàng Bông. Những trò rình đợi hay bị phá sản vì cứ tưởng đối tượng sẽ đi ra chỗ này thì hắn lại ung dung thò mặt ra từ nơi khác: những ngõ và những ngõ. Hồi tôi còn bé, mỗi lần sắp đi vào một ngõ nào đó là phải hết sức cẩn thận - rất có thể sẽ không yên lành mà ra khỏi đó; hoặc giả phải có thổ công dẫn đường. Những ngõ mang tên rất êm đềm lại có thể vô vàn cạm bẫy: Thịnh Quang, Thịnh Liệt, Thịnh Yên. Phố Hàng Bột (nghe "Tôn Đức Thắng" chẳng mấy ai quen, hơi tương tự, Nguyễn Lương Bằng nào? Xã Đàn chứ - đi qua một đoạn phố ấy tôi luôn luôn thấp thỏm, không biết cô bạn học cùng lớp có đang trông cửa hàng bán quạt máy giúp bố mẹ hay không) cứ Quan Thổ, Thổ Quan, rồi phía kia của ngõ Văn Chương. Còn rất nhỏ, tôi được đưa đến một ngõ trên phố Bạch Mai, tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất nhiều màu sắc khốc liệt của cuộc sống ngõ: ngõ Mai Hương hay ngõ Quỳnh, đừng dại mà để tên gọi yêu kiều của chúng đánh lừa.

Tên các phố. Kể cả những người sống tại Hà Nội từ lâu cũng dễ không biết nhiều phố. Phố Nguyễn Trung Trực chẳng hạn: khu Hồng Phúc-Hàng Đậu-Hàng Than. Phố Nguyễn Thiện Thuật: đoạn Bắc Qua, Thanh Hà - ngay từ khi các phố Hà Nội bắt đầu mang tên những nhân vật Việt Nam thì phố ấy đã tên như thế, nhưng ban đầu là "Tán Thuật". Một người bạn học của tôi sống ven hông chợ Đồng Xuân; tôi hay đến nhà nó chơi, ngồi ban công có thể nhìn thấy một cái chùa hay đình; trông nó rất vớ vẩn nhưng té ra lại là danh nhân khu phố, vì chính là người đầu tiên sau rất nhiều năm của mạn ấy thi đỗ đại học; tôi biết một nhân vật tương tự, ở phố Hàng Ngang; rồi lại một nhân vật nữa tương tự, phố Cầu Gỗ (Ôi đẹp nhất con đường/Cửa Đông về Cầu Gỗ). Hoặc, thêm một phố nữa: Nguyễn Như Đổ. Tất nhiên đây là đang nói những phố từ quãng hậu-1954 và của đoạn vài chục năm ngưng đọng tiếp theo đó, chứ cái lúc nghe có người nhắc đến phố Trần Kim Xuyến tôi đã ngơ ngẩn hỏi lại: Trần Kim Tuyến?

Trong đợt đặt tên phố tạo cấu hình (cơ bản) cho hiện tại, phố Bà Triệu là đối tượng của nhiều cân nhắc. Ấy là cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Quãng 1958, nếu muốn chính xác hơn. Người ta họp tại Ủy ban Thành phố. Xem tờ giấy mời họp ngày đó, điều làm cho tôi thấy đáng kinh ngạc hơn cả là chi tiết: các buổi họp bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng. Người ta từng dậy và bắt đầu một ngày vô cùng sớm. Người ta mời đại diện của một số nơi, như Bộ Nội vụ, ủy ban này viện kia, chỉ có hai nhân vật được mời đích danh, một là (Sở Bảo) Doãn Kế Thiện, hai là (Thúc Ngọc) Trần Văn Giáp.

Một phố nữa mang tên một người Việt Nam Quốc dân đảng mới đặt gần đây: Phạm Tuấn Tài. Nhân vật ấy văng hẳn ra xa, ở ngay gần phố Đặng Thùy Trâm.

Tôi đã nhắc đến bệnh viện Việt Đức, nhưng thật ra ngoài lần đi cấp cứu hồi bé tí tôi chỉ vào đó thêm một hai lần, và đều là từ cổng phố Phủ Doãn (dường như nhà "Lục sì" có tên như vậy đúng là xuất phát từ "look&see"). Giống nhiều người ở đây, bệnh viện quen thuộc nhất với tôi phải là Saint-Paul. Còn chùa? Cách đây trên dưới hai mươi năm tôi rất thích ngồi, nhiều buổi chiều dài, ở một quán cà phê nhìn thẳng được vào sân chùa Quán Thánh. Tên các chùa không hề cố định, với nhiều người là Quan Thánh, với nhiều người khác là Quán Thánh. Vũ Thạch và Vũ Thạnh (cho dù nhìn chữ Tàu viết ở cổng thì biết rành rành là "thạch"), Chấn Quốc và Trấn Quốc. Cũng tương tự việc thật dở hơi khi tưởng vào bệnh viện là để chữa trị, đến chùa mà nghĩ là để tìm sự bằng an cho tâm hồn thì quá là nhầm. Chùa hay nhà thờ, hay các trung tâm của cuộc sống tôn giáo, là những thách thức, cũng chính là địa điểm của giao tranh ác liệt nhất giữa hai bên. Người ta vào nhà tu kín là để chiến đấu, những ai sẵn sàng chiến đấu thì mới vào đó, chứ không phải để lánh xa cõi đời, hay để tĩnh tâm etc. Cuộc sống Hà Nội dính với nước, mẫu Thoải chủ trì cho nghi lễ chính. Mặc áo trắng, tóc phải vấn cao gọn gàng, vô cùng quan trọng sự trang nhã và ý tứ. Cứ thử lệch xem. Không xa Hà Nội cũng có một nơi, tại Hưng Yên, có cái cây to khủng khiếp, thờ một công chúa hay một nữ nhân hoàng tộc nào, dường như chết trôi từ Trung Quốc sang.

Từ Bà Triệu rẽ Nguyễn Du, vừa hết hồ (Thiền Quang) là một khối nhà bốn cạnh. Trên cạnh phố Nguyễn Du tôi đã có những ngày chơi trò PlayStation cuối cùng trong đời. Song song với nó là một phố nhỏ, phố Thiền Quang, một trong những phố ở Hà Nội rất khó đi qua nếu lái ô tô. Góc của nó giao với Yết Kiêu có một quán bánh mì - một quán bánh mì không chỉ nổi tiếng mà còn hết sức thuận tiện, cho những lúc trước khi làm gì đó, hoặc cũng có thể là sau. Tứ trụ, tứ trấn (cũng có thể là cả tứ chiếng), tứ diệu đế trong ăn uống của người Hà Nội là bún, miến, cháo, phở. Người Hà Nội là con người bún miến cháo phở - có thể thêm xôi và bánh mì. Phở chỉ đứng vị trí thứ tư (tuy trông như là nổi bật nhất). Ở Hà Nội có phố Hàng Bún, phố Hàng Cháo (chắc hẳn từng có lúc có cái gì đó tương đương với phố Hàng Miến), nhưng phố Hàng Phở thì không.

(chắc cũng phải viết một "Phố Hàng Pho" cũng như "Phố Hàng Lon")

(trong một cuộc bàn luận xem ngày nay [tức là ngay lúc này] như thế nào thì thấy rõ một người Hà Nội nhất, cuối cùng ý kiến ngớ ngẩn nhất đã thắng thế - nhưng thường thì vẫn vậy - theo đó thì, người Hà Nội là người đi xe Wave Alpha; nếu đi xe Dream II thì cũng được - loại xe ấy từng được dân Nam Định hào hùng dõng dạc gọi là Con Rem)

(những cái ngõ: mấy ngõ mang tên đanh thép một chữ tất nhiên rất nổi bật, Ngõ Quỳnh, Ngõ Trạm nhưng nhất là Ngõ Huyện, Ngõ Gạch, nhưng có một cái ngõ Hà Nội, một đầu đâm ra phố Hàng Bông, một đầu nhìn thẳng sang cổng chợ Hàng Da, ai nghe thấy một lần cũng sẽ nhớ mãi: Ngõ Tạm Thương

nhắc đến là có hình ảnh minh họa ngay:


với những người ham ăn vặt - mà dân Hà Nội, dẫu trai hay gái, đều ăn quà như mỏ khoét - thì ngõ Tạm Thương đồng nghĩa với món nem chua rán từng một thời rất mốt, sau một quãng quẩy nóng [phố Phan Bội Châu mạn gần Cửa Nam hay phố Cầu Gỗ]; một trung tâm khác là Ấu Triệu ven hông Nhà Thờ; nhưng ngõ Tạm Thương có nhiều cái hay hơn nhiều)

Sau baguette (với bức ảnh bất hủ thằng bé, của ai nhỉ? Henri Cartier-Bresson? Robert Doisneau?) của Pháp thì bánh mì Hà Nội (chắc hẳn cũng thoát thai từ đó) là vô đối. Phải từng có lúc chỉ có một cái bánh mì không ăn cầm hơi từng mẩu một thì mới thấy hết mức độ ngon của nó. Buổi sáng sớm mùa đông tôi đi học, ngày còn bé, trời chưa sáng hẳn, đi ngang qua lò bánh mì sinh khí duy nhất của một đoạn phố vắng, thì mới thực sự tỉnh. Những năm tôi học cấp hai, ngay trước khi trống đánh báo vào học, nhưng nhất là ra chơi tầm 9 giờ, là thời điểm của mua bánh mì (kẹp ba tê, xúc xích vân vân - phải có muối tiêu). Đơn vị tính là gì? Câu hỏi rất ngớ ngẩn, vì đơn vị của bánh mì là "một cái", "hai cái" etc. - nhưng trả lời như vậy là sai, vì đơn vị phổ biến hơn nhiều là nửa cái (cắt đôi): 400 đồng một nửa cái như thế, chỉ những đứa con nhà rất phong lưu mới có đặc quyền mua cả một cái. Nhưng bánh mì Hà Nội không có dưa chuột: ngày nay người ta ăn dưa chuột nhau nháu, chẳng khác gì đi ăn phở còn thêm quả trứng (lắm lúc còn hai quả).

Một lần, tại hàng bánh mì (không phải cái hàng trên phố Yết Kiêu) người phụ nữ đi cùng đang ngồi bỗng ghé sát sang tôi. Tôi hãi quá, giữa chỗ đông người lại định làm cái gì thế này (mà trời thì nực, mà người thì đang nóng), đã chực lấy tay đẩy bắn ra thì hiểu, cô ấy đang muốn nói với tôi điều gì đó. "Bà chủ - giọng thì thầm như hơi thở - có tí bạn học cùng lớp với em hồi xưa đấy" ("có tí", "làm tí": ta bắt đầu đi vào idiom đặc thù của phụ nữ Hà Nội). Vờ đưa tay với bát dưa chuột (yes) tôi quay sang bên để nhìn. Người phụ nữ thấy vẻ mặt tôi lúc đó suýt vục mặt thẳng vào bát tương ớt (vậy thì sẽ có món mascara trộn tương ớt: tuy không đến mức smoking eyes nhưng cũng không hề vừa) vì cố nín cười - thiếu điều tôi đã hét lên hãi hùng: bà chủ quán có quả bắp tay to đúng bằng đùi tôi, mà đấy là đùi tôi những lúc nào các loại cơ tứ đầu đùi, cơ đùi trước ở trạng thái khả quan hơn cả (dẫu thế nào thì tôi cũng không rơi vào category của đám mê phòng tập thể hình - ngu si tứ chi phát triển). Nghĩ đến tương phản giữa đống thịt kia và người bạn cùng lớp năm nào nhỏ nhắn ngọt ngào (và nhiều mascara) đang ngồi cạnh tôi, tôi thấy mình buộc phải tin rằng trên đời quả cũng có sự kỳ diệu - vả lại, tôi cũng đã nói, bánh mì ở Hà Nội vô cùng tốt đẹp cho trước (hoặc sau): trước và sau, trên và dưới, trong và ngoài. Có đi đâu mà thoát được.

Nhưng bún là đầu bảng. Thời đói kém, nền kinh tế Hà Nội tự động chuyển sang cơ chế hàng đổi hàng (troc). Ngoài rượu nếp (và bánh dày), mặt hàng được đổi nhiều nhất (bằng gạo) chắc chắn là bún. Khối người (chắc chẳng có ngoại lệ) từng ăn đòn vì bố mẹ đi làm về lấy gạo nấu cơm thì sinh nghi vì gạo trong thùng bị ngót đi đáng kể - bằng chứng cho thấy đã có trò gian; tôi từng nghe kể có những màn phạm tội tinh vi, mang gạo nhà đi đổi các thứ để ăn nhưng xúc cát rải xuống dưới rồi mới lại cho gạo lên để xóa dấu vết. Chắc cũng không một ai sống qua thời đó chưa từng ăn cơm rang vào buổi sáng. Đến nỗi mà hàng cơm rang nổi tiếng (vì "rang giống nhà") phố Nguyễn Du đoạn sắp đâm ra phố Huế từng đông nghịt suốt một thời gian dài, ngồi tràn ra vỉa hè (giờ hình như đã bị xóa sổ).

Cứ thẳng Nguyễn Du, qua phố Huế, thì đến Lê Văn Hưu. Lê Văn Hưu rẽ luôn khi tới Ngô Thì Nhậm, sẽ đến một cửa hàng nơi tất tật phụ nữ comme il faut một thời của Hà Nội mua xu chiêng. Đây là một trong những địa hạt thấy rõ phẩm trật: nếu không "comme il faut" thì có thể ra Gia Ngư. Tất nhiên mấy chỗ truyền thống như Hàng Trống thì khỏi phải kể. Phẩm trật ở đây có tính cách xã hội, chứ không liên quan gì đến kích thước. Những ai ti thì to nhưng tấm lòng chật chội hay không như vậy lắm thì cũng bất kể. Thời gian về sau, một quãng Đường Thành từ Hàng Bông đâm vào, sắp tới Hàng Da (rạp Hồng Hà thì đúng hơn) có một dãy cửa hàng: nhìn chung đi qua nhìn xe ô tô đỗ là biết những phụ nữ nào đang ở trong đó. Câu chuyện này (nhìn xe ô tô đỗ ngoài đường), tôi thấy hoàn toàn tương đương với câu chuyện đã kể ở trên, về một số nhà trên phố Tuệ Tĩnh chỉ cần đi qua nhìn dép để bên ngoài - chúng nói lên rất nhiều về đàn ông và phụ nữ Hà Nội. Xét cho cùng, xe ô tô thì cũng giống mấy đôi dép.

Từ Bà Triệu nếu không rẽ vào Nguyễn Du mà đi sượt qua trước cái nhà giờ đây hình như là một trung tâm văn hóa (của Hàn Quốc thì phải) - tức là rẽ chéo - là sẽ bắt đầu đi vào một khu địa dư kỳ thú. Trong đó có phố Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cách đây hơn mười năm, một lần (hồi còn chưa hiểu lắm) tôi bỗng thấy muốn sử dụng dịch vụ ở đó. Thế là tôi đến. Dịch vụ cũng tốt. Các loại kim châm vào người, gắn với một cái gì đó truyền được điện, rồi lại còn chiếu tia hồng ngoại nóng rực etc. Nhưng kim đã đầy trên người thì tôi bỗng hiểu ra mình đã tạch: cái giường ngay trước tôi xuất hiện một bệnh nhân mới, một phụ nữ còn trẻ (và ngon - tôi khẳng định; xinh hay không thì tôi không chắc vì không để ý ngay từ đầu nên khi thấy thì người ấy đã ở trên giường, lưng hơi chếch về phía tôi). Không khác gì tổ chức chiếu phim porn. Mà chạy thì không chạy được, nhúc nhích cũng không được, vớ vẩn chạm phải cái đèn chiếu hồng ngoại sau lưng là bỏng độ mấy ngay, chưa kể đống kim cắm trên người. Mấy y tá hộ lý ở đó lại còn vui miệng kể những câu chuyện rùng rợn, chẳng hạn như là có người một tháng sau quay lại điều trị tiếp mới phát hiện trên đầu vẫn còn dính mấy cây kim từ lần trước chưa tháo hết. Nóng như thế mà tôi toát mồ hôi lạnh, trước mặt thì màn strip-tease không thương xót cứ dần dần gỡ bỏ áo cộng thêm kéo cạp quần sâu xuống.

Nhưng đấy cũng là vì tôi được rèn luyện kém. Năm tôi học cấp hai, chúng tôi hay tụ tập ở nhà một thằng cùng lớp sống ở Ô Chợ Dừa, xuống dốc một phát là đến ngay. Một ngày nọ, ở lớp chúng nó thì thào với nhau tôi mới biết, hôm trước chúng nó tổ chức chiếu phim con heo ở nhà thằng Ô Chợ Dừa, nhưng đã không rủ tôi. Chúng nó còn tố cáo là có một thằng (chính là thằng ngồi cùng bàn với tôi - bàn chỉ có hai; hình thức "bàn năm chỗ" đã bắt đầu trở nên lỏng lẻo) sau đó bảo đứng lên thì nước mắt vòng quanh bảo tao không đứng lên được (thằng này ngọng, "lên" nói thành "nên" cho lên chuyện càng hay). Tôi thù bọn bạn tôi đến mức thù luôn cả hình thức tập luyện rất chi là vinh quang đó.

(a, tôi mới nhớ ra, ở Hà Nội còn có một phố mang tên địa danh: Bắc Sơn - "Bắc Sơn đây hố sâu mồ chôn"; "Bắc Sơn kia thời tung cánh, tới đây chim thấy lòng ngập ngừng, nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế" - Yên Thế thì đã nhắc, ở trên)

Trở lại với YK. Từ góc Yết Kiêu-Thiền Quang nhìn xéo qua đường là thấy nhà của Văn Cao - và tất nhiên cũng là nhà của một nhân vật vô cùng đặc sắc: Nghiêm Thúy Băng. Cũng thấy ngay đầu một phố: phố Vũ Lợi, phố nhà Trần Dần. "Nhà ta thuê mái gục tự mùa thu/Gác cô độc hướng về phường Dạ Lạc": cái nhà mà "ta thuê" có "mái gục" ấy, hồi 45, là nhà nằm ngay gần đó, trên phố Nguyễn Thượng Hiền (về "Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc": xem ởkia). Từng có quãng thời gian, phố Nguyễn Thượng Hiền ấy chừng như cũng gắng gượng trở thành một trung tâm cà phê của Hà Nội - nhưng đuối rất nhanh. Trong cùng một ngõ phố đó có nhà (hình như sát nhau luôn) của hai nhân vật: Lê Giản và Nguyễn Lân.

Cùng khu địa dư còn có một phố nữa, ít người biết hơn: Nguyễn Quyền (không giống cặp Yết Kiêu-Dã Tượng hay cặp Nguyễn Xí-Đinh Lễ gần và có lúc cạnh nhau, giống các nhân vật Việt Nam Quốc dân đảng, Nguyễn Quyền lại không ở gần Lương Văn Can). Toàn bộ khu này có rất nhiều chỗ ăn uống - tính cả Vũ Lợi, đoạn cuối Lê Duẩn etc. nhưng lúc nào cũng có vẻ gì đó hơi bê tha, nhộn nhạo. Chắc hẳn vì đây đã là cửa ngõ dẫn vào Khâm Thiên. Nghĩ đến chuyện mở quán thuộc dạng fine dining ở đây (cụ thể hơn, tính cho tới ngã tư Yết Kiêu-Nguyễn Du) thì đúng là bị hâm - hãm thì đúng hơn.

Ông tôi hay hát: "Hồng hồng tuyết tuyết". Hát nhiều lần (có khi đầy đủ cả bài) khiến tôi cũng sinh nghi, chắc cũng là đời nhiều hồng nhiều tuyết chi đây.

Tôi nhớ đến lần đầu tiên nghe chầu văn. Sự tình chắc hẳn bắt nguồn từ mấy mối quen biết tình cờ tại đền Bạch Mã phố Hàng Buồm. Bạch Mã có một vẻ riêng, Voi Phục ở công viên Thủ Lệ lại một vẻ riêng (có thể nói, một bên mềm, một bên cục cằn). Nhân vật ấy, trông bộ dạng như thể vừa lội mấy vòng qua địa ngục đã được miêu tả trong Phạm Công Cúc Hoa, lấy đàn ra, lên dây ("so tơ phím này") rồi ngừng tay nhìn quanh, tôi muốn nói là nhìn những người ở đó - hôm ấy nghệ sĩ ngũ cung chỉ đi một mình, không có ai phụ. Chỉ tay vào tôi, nghệ sĩ âm ti bảo, "Giữ phách nhé". Tất nhiên là tôi giãy nảy, vì tôi không biết đến a bê xê về việc đó. Nhưng Orphée của các buổi lên đồng ấy dĩ nhiên thuộc loại không dễ để ý kiến riêng bị lung lay. Hướng dẫn tôi sơ qua xong là bắt đầu luôn. Té ra tôi làm công việc lần đầu đó cũng không đến nỗi quá tệ; tôi nhớ đến câu chuyện tương tự mà một nhân vật văn chương Việt Nam từng gặp: oái oăm, đó lại không phải là một ai đó trong số những người khét tiếng ăn chơi, mà lại là Thạch Lam (yes), lần đầu đi ả đào, xuống xóm và được giao cầm trống giữ nhịp. Những tùng cắc, những tum chát: nhịp ngầm của cả một xứ sở. Bài hát hôm ấy mơ hồ kể về một ông hoàng, những chuyến đi, các sự kiện - tất thảy đều mờ ảo; có lẽ bản thân người hát cũng không hoàn toàn hiểu hết; đâu cần. Đền thờ một ông hoàng tại Bảo Hà, Lạng Sơn ở đúng vào vị trí trên bến dưới thuyền. Vòng tường bao là ranh giới, trong đó quy củ được giữ đại khái như sau: nếu ai đó tỏ ra bất kính, dưới mọi hình thức (và không có giảm án) tức thì có một tiểu âm binh nhảy ra, dang tay vạch cho hai đường chéo nhau lên mặt - đánh dấu đó đã, xử lý sau, chừng nào đã xong hội. Tất nhiên, mọi điều xảy ra trong vô hình. So you think you can laugh?

Hồi bé, rất bé, tôi học solfège trên các nhạc cụ thuộc ngũ cung. Tí chút vậy thôi cũng đủ để lúc nào tôi cũng được điểm tuyệt đối trong giờ học nhạc ở trường, nếu công việc phải làm là nhìn một tổng phổ và hiểu tường tận nó muốn nói gì, bằng ngôn ngữ riêng của nó. Tôi sẽ còn bị các bản nhạc hấp dẫn (theo lối ma thuật) rất lâu, cả cuộc đời: lần nào cũng như thể chúng muốn nói với tôi điều gì đó rất riêng, nhưng tất nhiên không phải bao giờ tôi cũng hiểu được. Ngọn nguồn lại là hàng xóm: tôi không còn nhớ được rành mạch, nhưng hẳn là tôi đã thập thò ngoài cửa một nhà hàng xóm có người đang chơi đàn và được gọi vào dạy cho mấy đường cơ bản. Đến một mùa hè nọ, tôi được đưa đến Cung (tất nhiên không phải Cung có một mặt là phố Yết Kiêu; đó là Nhà Đấu xảo xưa kia) - ca sĩ nhà có nhiều lồng chim sống trên phố Hàng Bè đã kể ở trên có thể đi sang bên Cung Thiếu nhi rất tiện (từng có thời ca sĩ ấy làm mưa làm gió với bài hát có câu "Xưa kia kinh đô Bát-đa có một etc."). Đó là mùa hè duy nhất tôi lai vãng chỗ đó (tổng cộng cũng chỉ vài buổi) - hàng kem bên hông Cung, mặt phố Lê Lai (tên Giang Sơn phải không nhỉ?) giờ đây đã biến mất; nó từng là điểm hẹn đầy kịch tính cho không biết bao nhiêu cặp trai gái Hà Nội mới lần đầu biết cầm tay người khác. Một trong những việc gái trai Hà Nội hay làm là so sánh khoảng thời gian mình từng lê la ở Cung, xem thử vì tình cờ mà nhiều năm về trước đã hụt mất nhau như thế nào. Công việc so sánh ấy, tốt nhất nên được thực hiện trên giường (trước, nhưng tốt nhất là sau); cũng trên giường, tôi phát hiện ra những dị bản (khu khác nói thế) của nhiều câu thông dụng một thời: về cơ bản, mấy câu như "Em ở nhà quê mới ra em nhìn ô tô nó đi em tưởng con trâu nó phi" hay "Cho anh phát súng tim anh nát" thì giống nhau đồng bộ nơi nơi, nhưng có lần tôi phát hiện có chỗ nói (tôi chưa từng nghe thấy) như sau: "Tao điên thì mày rồ, mày vồ bãi cứt, mày vứt vào mồm mày". Đứng trên hành lang tầng cao của Cung nhìn xuống sân hay thấy đám trẻ con tập nghi thức đội, đánh trống ếch etc. Ngay ngày đó tôi đã thấy đó là một cảnh tượng rất cuốn hút, nhất là các cô bé bỗng thoát khỏi sự ăn mặc quê mùa (và kín đáo) để vụt trở nên những sex-symbol một nửa. Cách đây chừng trên mười lăm năm, phụ nữ ở Hà Nội bỗng có mốt mặc quần đũi, đặc biệt cạp quần thường rất cao. Ấy là để bên ngoài đỡ thấy những bộ chân ngắn (và cong). Hết hè thì lớp học nhạc không tiếp tục, ông thầy (già, hom hem, nói đùa rất chát) bảo đứa nào thích thì đến nhà ông học tiếp; tôi còn đến nhà ông thầy, nằm trên một trong những phố nhỏ đâm vào phố Huế, một thời gian ngắn, rồi bỏ - dẫu sao thì cứ "Làng tôi xanh bóng tre" mãi cũng ngán.

(thêm một phố ở Hà Nội mang tên địa danh: phố Bắc Ninh; đó là tên cũ của phố ngày nay mang tên Nguyễn Hữu Huân; đây là một trong những thủ phủ của vô số quán cà phê, ngang tầm Triệu Việt Vương)

bunmienchaopho. Cũng như rất dễ nhầm về vị trí của món phở, người ta cũng hết sức hay nhầm lẫn trong nhìn nhận hàng quán (nhất là quán bán cháo, phải không nhỉ?). Những bà chủ quán nổi danh lừng lẫy thật ra đâu có đáng sợ: đó thuần túy là những người đồng bóng. Những người đồng bóng thì chẳng bao giờ đáng sợ - cái đáng sợ của phụ nữ Hà Nội nằm ở chỗ (ở một phân khu người) hoàn toàn khác.


(nhưng tôi muốn mở một ngoặc đơn trước đã - đây sẽ là một ngoặc to

Năm 1994, tôi vẫn còn nhớ rất rõ, khi ấy tôi đang đi chơi Tam Đảo thì thấy xung quanh tôi người ta nhốn nháo lên: ở Hà Nội, chợ Đồng Xuân bị cháy.

Khoảng nửa thế kỷ trước đó, chợ Đồng Xuân cũng đã đổ nát, trở thành chiến địa khốc liệt (đấy là khoảng nửa thế kỷ sau khi nó trở thành cái chợ như chúng ta biết). Câu chuyện xung quanh chợ Đồng Xuân của cuối 1946-1947, tôi đọc khi còn bé, nó là một trong những gì đầu tiên tôi đọc về chiến tranh mà không phải fiction (chẳng hạn trận Austerlitz trong Chiến tranh và Hòa bình, nhiều trận đánh khác của Napoléon, trận Stalingrad đã tiểu thuyết hóa, các chiến trận trong Tam quốc diễn nghĩa hay Sử ký cùng nhiều tương tự) - được người trong cuộc sống sót kể lại.

Nhân vật kể câu chuyện là chỉ huy (trung đội trưởng, nhưng lại cũng là tiểu đội trưởng - tại sao "trung đội" rồi lại "tiểu đội" thì ở dưới sẽ nói) đơn vị bảo vệ chợ Đồng Xuân, đóng quân ngay trong chợ. Đó là Vinh Đốp (tên là Vinh nhưng giấy khai sinh lý trưởng viết lại là Phạm Bá Đốp), khi kể câu chuyện được ghi lại (hơn 40 năm sau) thì đã trở thành đại tá. Đơn vị của Vinh Đốp thuộc quân số của tiểu đoàn 101, một trong ba tiểu đoàn làm nên lực lượng vũ trang của Liên khu 1. Đến đây, cần rõ ràng về hai danh xưng: "Thanh niên Hoàng Diệu" và "Trung đoàn Thủ đô": cái tên đầu tiên tồn tại từ trước, khi chiến tranh bùng nổ ngày 19 tháng Chạp năm 1946 thì không còn, trong khi đó "Trung đoàn Thủ đô" không tồn tại ngay từ đầu: sang đầu năm 1947 thì mới có tên ấy. Ai biết về lịch sử thì đều biết, Trung đoàn Thủ đô (những gì còn lại từ đó) về sau nhập với một số lực lượng khác để tạo nên sư đoàn 308 (có lúc gọi là đại đoàn) - đây là đơn vị (ở quy mô như vậy) thuộc vào hàng nhiều quân công nhất trong lịch sử chiến tranh.

Chiến tranh bùng nổ: mốc 19 tháng Chạp năm 1946 rất rõ ràng, nhưng vẫn có thể nói nó có tính cách quy ước, vì sự gây hấn lẫn nhau giữa quân Pháp và Việt Minh đã bắt đầu từ trước; tháng Chín năm 1945 quân Pháp đã nổ súng ở miền Nam etc. Đầu buổi tối ngày 19 tháng Chạp năm 1946, chiến tranh thực sự bùng nổ tại Hà Nội - bên nào bắn trước? bên Việt Minh, trong bối cảnh quân Pháp ra tối hậu thư đòi đối phương hạ vũ khí, hạn cuối là ngày 20. Trước đó mấy hôm đã diễn ra vụ quân Pháp thảm sát Hàng Bún-Yên Ninh - gần 50 người bị giết. Tất nhiên, nổ súng trước thì Việt Minh muốn tiêu hao lực lượng quân Pháp một cách tối đa, nhưng nhiều điều cho thấy tình báo Pháp đã biết nên ứng phó không tệ. Chỉ huy quân đội bên Pháp là Valluy và Morlière, ngoài ra tại Đông Dương còn có mặt một nhân vật thời điểm ấy đã bất lực, Sainteny (chức danh của Sainteny là "commissaire", hay được bên Việt Nam gọi là "Cao ủy" - cái tên này không khỏi gợi nhớ đến các "commissaire révolutionnaire" khét tiếng hồi Cách mạng 1789).

Trong bối cảnh như vậy, tối ngày 19 tháng Chạp chiến sự nổ ra nhiều nơi ở Hà Nội. Vinh Đốp thuộc về đơn vị "Ngô Quyền" (tên lúc đó của đường Yên Phụ - Vinh Đốp sống ở đây), nằm dưới sự quản lý của lực lượng Đồng Xuân. Lực lượng vũ trang tại Hà Nội của Việt Minh là sự ghép lại của nhiều bộ phận: công an, tự vệ, Vệ quốc đoàn; từ trước đã có tập luyện nhưng về cơ bản quân số của Việt Minh trong Hà Nội không thể coi là quân đội chính quy. Khu vực của Vinh Đốp hết sức trọng điểm: quân Pháp đóng trong thành (Cửa Bắc) tức là chỉ cần vài phút đi bộ chậm rãi là đến được nơi - vụ Hàng Bún-Yên Ninh cho thấy địa phận này nguy hiểm thế nào; đây cũng là nơi trước đó có nhiều hoạt động (liên kiểm), chẳng hạn Nhà máy Nước do cả bên Pháp và bên Việt Nam canh giữ; ở đây còn có bến xe ô tô (bến Đầu Cầu), ga tàu hỏa (ga Đầu Cầu, về sau là ga Long Biên, nhưng từ rất lâu đã không còn hoạt động) - đường tàu hỏa chạy trên cao, viaduc, cuối phố Phùng Hưng rẽ vòng vòng đi qua phía trên Hàng Cót, Hàng Giấy, rồi Sở Lục lộ etc. Và rất gần chợ Đồng Xuân.

Khi chiến sự bùng nổ, vì không biết phải làm gì nên Vinh Đốp dẫn đội của mình ra đê đào hố ngồi rình quân địch. Quân địch xuất hiện, có cả xe tăng: không biết làm thế nào, Vinh Đốp lẻn lại gần cái xe tăng, ném hai quả lựu đạn - tất nhiên xe tăng không hề hấn gì nhưng cũng sợ, quay đầu chạy. Sau đó thì quân Pháp đổ đến bắn rát, cả đội hình bên Việt Minh tan tác, ai chạy đi đâu thì chạy.

Vinh Đốp cũng đi ra khỏi thành phố, vì không biết làm gì, cũng không nhận được lệnh. Đến được trạm Nghi Tàm thì biết nếu muốn mình có thể quay trở lại. Trạm đón tiếp nếu thấy có người xuất hiện thì sẽ hỏi muốn quay trở lại hay muốn tản cư, nếu muốn tản cư mà có súng thì để súng lại rồi đi, ai muốn vòng lại Hà Nội thì cứ ở đó chờ, sẽ có giao liên (quân báo) dẫn. Như vậy, trong số lực lượng đánh nhau với Pháp hai tháng tiếp sau đó, đa phần là những người tự quyết định đi vào thành phố. Nhóm của Vinh Đốp được dẫn đi qua dưới cầu Doumer rồi vào thẳng chợ Đồng Xuân:


Tổng cộng có 17 người, nhưng chỉ có 6 khẩu súng. Về sau được cấp thêm một tiểu đội nên trở thành trung đội. Dưới đây là Đỗ Tần (một nhân vật nổi tiếng) tóm tắt tình hình ngay sau khi chiến tranh nổ ra:



Miêu tả chợ Đồng Xuân:


Thời đó người ta thích hút thuốc lào, ngoài cổng chợ Đồng Xuân có ít nhất hai hiệu bán thuốc lào, Đông Mỹ và Giang Ký.

"Tổn thất đầu tiên" là một người tên Nghĩa, bị phục kích:



"Chùa Huyền Thiên": đúng, cái chùa tôi kể (xem ở trên) hay nhìn thấy ngay trước mặt những lúc ngồi ban công nhà thằng bạn sống bên hông chợ Đồng Xuân chính là nó. Nóc chùa là điểm cao có thể nhìn xuống chợ, nên đã trở thành địa điểm phục kích ưa thích của quân Pháp. Đội viên Nghĩa bị bắn chết do một ổ phục kích như vậy; và cũng như vậy, dãy nhà chạy ven chùa Huyền Thiên ngày nay đông đúc (đầu ngõ bán rất nhiều bát đĩa ấm chén cùng đồ gia dụng nhỏ - hình như không có khoai) hồi 46-47 bị đục tường làm lối đi bên trong; dạng đường ấy vô cùng nguy hiểm cho những người sử dụng nó.

Cái chết của Nghĩa cũng đồng nghĩa với việc trung đội chợ Đồng Xuân thực sự biết thế nào là thương vong trong chiến đấu. Cái chết ấy cũng dẫn đến nhiều hành động trả thù từ phía Việt Minh, trong đó có vụ phục kích lính Pháp leo lên nóc chùa Huyền Thiên để phục kích, giết được một, hai tên. Ngoài ra là mấy trận đánh, không phải trận nào cũng thành công.

Trong trang ngay trên đây có chi tiết "Khách sạn Hoa Nam": đó là một khách sạn - dĩ nhiên, một ngôi nhà to hẳn lên so với xung quanh; nó có ba tầng - trên phố Hàng Giấy. Từ nhà này có thể bao quát được hướng tấn công từ phía bốt (bót/bóp) Hàng Đậu, cũng như có thể nhìn rất rõ và rất gần cây cầu cạn cho tàu hỏa chạy (nếu có tàu chạy). Đơn vị giữ chợ Đồng Xuân được giao cắt một phần quân số đến đó ém sẵn - Nghĩa là người phụ trách chính phân đội này, thời điểm bị bắn chết thì vị trí tiền tiêu đó vừa được bỏ.

Giữa quãng đánh nhau (tức là tổng cộng 60 ngày) thì có một vụ việc:


Ngày 15 tháng Giêng năm 1947, sau khi phía Trung Quốc thỏa thuận được với quân đội Pháp, là ngày để cho Hoa kiều bị kẹt ở Hà Nội rời khỏi đây. Trung đội giữ chợ Đồng Xuân được giao việc bảo vệ đoàn người, vì chợ Đồng Xuân nằm ở vị trí trọng yếu, chỉ vài bước chân nữa là ra đến ô Yên Phụ, tức là không còn ở trong thành phố.

Bên Việt Minh cho người của mình trà trộn vào với Hoa kiều để rút bớt đi, nhất là những ai ốm yếu, rồi phụ nữ etc. Đơn vị chợ Đồng Xuân cũng giảm quân số, chính vì vậy từ chỗ là trung đội, nó chỉ còn là tiểu đội.

Ở trên đã nói, phần lớn những người chiến đấu bên Việt Minh là những người tự nguyện quay trở vào thành phố; ở thời điểm bước ngoặt này (15 tháng Giêng năm 1947) rất nhiều người trong danh sách đi khỏi đã không chịu đi - tình hình chiến sự cho tới thời điểm này đã cho thấy, ai ở lại thì thực sự đã quyết chết.


Không lâu sau đó là Tết:


(Thành Trường là nhân vật được bổ sung quân số từ đầu, lúc này là tiểu đội phó)


Trên đây là miêu tả cái Tết Hà Nội được hậu phương chi viện, còn dưới đây là thời điểm mồng Một - đêm giao thừa, tiểu đội chợ Đồng Xuân đã đánh một trận lớn, vào ga Đầu Cầu:


Vài chi tiết cho thấy ở Liên khu 1 có những chuyện gì xảy ra trong dịp Tết:



Câu chuyện 60 ngày đã đi đến đoạn cuối, ngay dưới đây cho thấy tiểu đoàn (101) chỉ còn 150 người (đã tính cả tiểu đoàn bộ), tức là thực tế chỉ còn ở cỡ một đại đội:


Miêu tả kỹ lưỡng ngày đánh nhau ác liệt nhất, cũng là thời điểm rất sát của rút lui:


(tiểu đội Trần Gia Phỏng là lực lượng chi viện duy nhất cho tiểu đội Đồng Xuân - và chỉ để giữ một mặt, là mặt "sân bóng" tức là sân bóng Lepage; đây chính là nơi sẽ trở thành phố Nguyễn Thiện Thuật về sau); vì quân Pháp có cả xe tăng nên đơn vị được chi viện một chiến sĩ bom ba càng, nhưng chiến sĩ chưa kịp làm gì thì đã bị bắn chết:





Chú thích ở trang ngay trên đây hết sức quan trọng: tiểu đội chợ Đồng Xuân không thiệt hại nặng về quân số như chính những người đồng chí của họ tưởng; khi kết thúc ngày 14 tháng Hai tức là ngày giao tranh trọng điểm nhất (ba đợt tấn công lớn của Pháp, rất đông quân - đêm hôm đó cả hai bên đều không dám vào giữ chợ nên bỏ ngỏ) thì đội viên Bổng mới bị bắn chết, cái chết được thuật tường tận ngay ở trên - hai đội viên khác bị trinh sát địch giết từ trước khi các đợt tấn công bắt đầu; như vậy trong cả ngày, gần 10 người của tiểu đội chợ Đồng Xuân không có ai chết, người thực sự chết trong chiến đấu là một người được phái xuống chi viện (được giao chỉ huy thì đúng hơn - tức là chỉ được giao thêm duy nhất một người, nếu không kể chiến sĩ bom ba càng đã nói ở trên). Trong ngày hôm ấy cũng không có mặt Vinh Đốp tiểu đội trưởng (bị thương trước đó và đang nằm quân y): câu chuyện do Thành Trường kể lại. Bổng - người chết vào thời điểm các trận đánh đã kết thúc - từng là đầu bếp tại một quán ăn nổi tiếng, phố Hàng Buồm.

Nhân vật Hà Nhật (tên là Hà nhưng trông như người Nhật Bản nên gọi là "Hà Nhật", người phố Hàng Khoai, không chịu đi tản cư) không thuộc quân số của tiểu đội mà là người của tiểu đoàn bộ, nhưng là người yêu của một đội viên, Thọ Sten, và hay xuất hiện ở chợ Đồng Xuân. Chính Hà Nhật là người được tính cho chiến công đầu của cả đơn vị: sau khi tập bắn đạn thật một thời gian (ở đoạn đầu của cuộc giữ chợ), một hôm Hà Nhật đến khách sạn Hoa Nam; từ đó có thể nhìn thấy rất rõ cây cầu cạn trên cao như đã nói, đúng lúc đó có một toán lính Pháp, Hà Nhật xin được bắn và đã bắn hai phát, trong đó có một phát xuyên táo nên tổng cộng hạ được ba lính.

Ngay sau đó, lực lượng Việt Minh đã rơi vào sự kiệt quệ, cuộc rút lui nổi tiếng đã diễn ra (đêm 17 tháng Hai):



Hôm sau quân Pháp mới phát hiện Trung đoàn Thủ đô đã biến mất, cuộc truy đuổi liền được tổ chức và tiếp đến là câu chuyện Nguyễn Ngọc Nại nổi tiếng:


Gần 40 năm sau đó:



Sở dĩ có câu chuyện về cây đa là vì, hôm chiến tranh bùng nổ, 19 tháng Chạp năm 1946, đơn vị của Vinh Đốp được giao nhiệm vụ đốn cây đa to để nó đổ xuống chặn đường xe tăng, cùng một cây bàng. Kết quả là cả hai cây đều không đổ: người phụ trách châm lửa nổ mìn cây bàng đã chạy quá nhanh sau khi châm nên lửa tắt mất; cây đa thì Vinh Đốp phụ trách, nhưng vì không biết là phải đục thân cây thật sâu rồi nhét mìn vào thì may ra nó mới đổ, nên tuy mìn có nổ thật nhưng cây chỉ sứt một miếng.

Còn dưới đây là câu chuyện về một đội viên của đơn vị chợ Đồng Xuân đào ngũ, nhân dịp một đêm nọ được giao đi hái rau:



nguồn:


Người kể chuyện thì đã rõ, nhưng bản thân người ghi lại câu chuyện trong cuốn sách cũng không hề xa lạ với chợ Đồng Xuân: Lê Bầu từng biết rất rõ bãi Phúc Xá ngay gần đó; xem thêm về điều này ởkia


Gần ba mươi năm sau, Hà Nội lại thêm một lần rơi vào cảnh đổ nát (trong một kỳ "4754" tôi đã tìm được một mẩu báo cho biết cuối thập niên 40 người ta thống kê được, tổng cộng ở Hà Nội có khoảng 13.000 nhà đổ), dưới bom B52.

Ở trên đã nhắc bệnh viện Việt Đức và bệnh viện Saint-Paul, nhưng biểu tượng cho Hà Nội đổ nát của hồi 1972 phải là bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện lớn nhất; sẽ không ai quên được, nếu từng nhìn thấy, hình ảnh bệnh viện Bạch Mai đổ nát như thế nào vì dính bom - không hề là ngẫu nhiên, khi trong đợt dịch bệnh vừa rồi, thêm một lần nữa bệnh viện Bạch Mai trở thành địa điểm của chịu nạn.

Trong thế kỷ 19, mấy lần quân Pháp đánh thành - cuộc chiến chợ Đồng Xuân chính là câu trả lời cho việc tại sao gần một thế kỷ trước có những khi chỉ một nhúm quân Pháp cũng hạ được các thành, chẳng hạn Nam Định: chỉ chưa đầy chục con người đã làm một lực lượng quân sự lớn không thể chiếm nổi một cái chợ. Thế kỷ 18: thời điểm Quang Trung, tất nhiên.

Tôi nhớ đến Matxcơva khi đội quân khủng khiếp của Napoléon kéo đến. Người cuối cùng rời khỏi thành phố là viên thị trưởng: chỉ còn một việc để làm, là đốt thành phố sau lưng. "Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa" etc.

Hà Nội, đó là thành phố địa điểm của đau thương và sương mù.)


Hiệu sách ông Dư 180 Bà Triệu của quãng giữa thập niên 90 thế kỷ trước còn là nơi để tôi tìm các bản nhạc. Không nhiều nhưng không phải là không có.

Nếu âm nhạc không phải là một ngôn ngữ riêng hẳn, thì nó chẳng có ý nghĩa gì hết. Những quyển sách nhạc hồi ấy tôi tìm được, tuyệt đại đa số tôi không hiểu lấy một từ nào (ở phần text) vì phần lớn là sách tiếng Nga. Nhưng đâu cần: thậm chí như vậy thì càng may mắn hơn, vì đỡ phải để ý xem tác giả viết gì. Miễn sao trong quyển sách có in vào vài bản nhạc là được; khi ấy sẽ hiểu được ngay (hoặc là tưởng mình hiểu ngay). Rất nhiều bản nhạc mãi về sau tôi mới nghe lần đầu, trong đó kha khá làm tôi bất ngờ, vì cứ tưởng nó kêu thế này té ra phải kêu thế kia. Cũng có nhiều bản nhạc, đến tên tác giả tôi cũng không luận ra nổi. Nhưng có cần đâu, vì một khi tổng thể là một ngôn ngữ riêng biệt (và do đó, đầy đủ), thì mọi thứ khác chỉ còn là tiểu tiết. Vả lại, trên các bản nhạc, kể cả khi do Liên Xô in, nếu có chữ thì chữ cũng toàn bằng tiếng Ý; đối với các loại đàn dây, chỉ cần nhìn thấy viết "sul pont" (tức là viết tắt của sul ponticello) thì ai cũng hiểu là cần chạm vào dây ở gần cái chỗ buộc dây, tức là gần ngựa. Và vậy là đủ, không cần gì hơn. Trong ngành sư phạm của chơi đàn, người ta luôn luôn khuyến cáo là trước một tổng phổ cần phải xem xét kỹ lưỡng, biết được nó thuộc về thời nào (mỗi thời có đặc điểm riêng etc.), rồi cần phải có hình dung etc., rồi thì ai thấy bản nhạc thì lấy đàn mò mẫm ngay tức là kém cỏi và sai lầm - tôi nghĩ nói vậy là rất đúng, nhưng tôi cũng nghĩ, chính sự không biết gì (về lịch sử, văn hóa, baroque hay romantique, thậm chí có métronome hay không) mới đúng là cái nuôi dưỡng một niềm hào hứng (cái này thì chẳng ai dạy được), và cũng phải có một sự cứng đầu, một sự bướng bỉnh đặc biệt để mò mẫm, không cần biết Bach và Mendelssohn ai thuộc thời nào, thì mới thực sự đi vào được một bản nhạc - với nguy cơ lớn là đến ngưỡng đã bật ra; nhưng xét cho cùng, có sao đâu? Để có được các partitura, thời ấy rất thường phải chầu chực, năn nỉ, mượn được thì chạy ra hàng photocopy rồi mau chóng mang trả bản gốc cho chủ nhân; cũng rất nhiều khi phải tự chép - vậy thì phải nghĩ ra cách kẻ dòng nhạc (kiếm giấy kẻ sẵn rất khó), từ đó mà có tuyệt chiêu vót vỏ bao diêm rồi nhúng vào mực; có những bản nhạc dài, tôi nhớ đã ngồi chép cả đêm, sáng ra kiểm tra lại mới phát hiện nhiều chỗ do quá buồn ngủ viết lung tung hết cả.

Mãi rồi, sau đoạn của Cung Thiếu nhi và sau đó, tôi cũng tìm được một ông thầy. Nhà ông thầy thuộc một trong những khối nhà tiếp giáp với Bờ Hồ - nhưng như vậy hoàn toàn không đồng nghĩa với nhà cửa sang trọng, thậm chí còn ngược hẳn lại. Phải đi vào một cái ngõ sâu, hẹp, nó mở ra ở một bể nước chung, đi qua phải hết sức cẩn thận vì các bà các chị lúc nào cũng ngồi đó giặt quần áo, nước và xà phòng luôn luôn lênh láng - khó an toàn đi qua lắm, vì không những thế các phụ nữ giặt lại còn trưng bày hơi bị nhiều thứ, nếu nhìn từ trên cao. Đó là một ông thầy giỏi nên trong vòng nhiều năm tôi khốn khổ vì phải học cùng với không ít tương lai của âm nhạc nước nhà. Trớ trêu là, đầu một cái ngõ rất gần đó, chỉ cách vài chục mét, vào một tờ mờ sáng, tất cả thư của tôi viết cho tới thời điểm ấy đã bị mang ra đốt. Cũng không nhiều lắm, chừng nửa nghìn bức thư. J'en pleure encore.

Năm 1994 (hay 1995 nhỉ?) tôi đi xem buổi biểu diễn cover (hồi ấy khái niệm này chưa tồn tại thì phải) The Beatles: sân vận động trường Tổng hợp trong Thanh Xuân. Chắc chắn rất nhiều người biết vụ này. Dân Mễ Trì cao hứng đốt lửa nhảy múa ngay bên dưới sân khấu, thằng bạn đi cùng quay sang rỉ tai tôi: "Hát như cứt, nhỉ" (nó dùng từ bậy hơn nhưng tôi kiểm duyệt). Tôi thấy chẳng dại gì mà nói câu nào. Về sau, nghe nói cứ đầu tháng Chạp là thanh niên Hà Nội lai Tây lại tổ chức rước ảnh John etc. Nhân vật đeo kính cận hát rất bốc sau này hay đến trường đại học của tôi, dựng xe (một Con Rem huyền thoại) ngoài cổng chờ một cô gái học trên tôi một hay hai khóa, nổi tiếng vì hay được lớp cử đến nhà các thầy trước ngày thi để xin đề. Vài lần, tôi đi theo đám bạn say mê nhạc rock đến chỗ chúng nó tập. Nhưng tôi hay đi cùng một thằng bạn khác để xem biểu diễn ở Nhạc viện Hà Nội (dọc mương Hào Nam) hơn. Chúng tôi ngồi dưới, lúc nào tôi cũng phải hết sức đề phòng vì thằng bạn tôi, hễ nó thấy virtuoso trên sân khấu có bất kỳ biểu hiện gì như là nhăn mặt, nhắm mắt (hoặc còn tệ hơn nữa - nếu mà có thể) là sẽ quay sang tôi thì thào: "Lại ị đùn vào nghệ thuật rồi ông ạ"; nếu không đề phòng sẵn để những lúc như thế chúi đầu xuống mà cố nén cười thì rất dễ bị khán giả yêu âm nhạc thủ đô đánh cho. Thằng bạn tôi là giai Hà Nội đặc sệt, lúc nào cũng cười tít mắt, gặp ai cũng hồ hởi chào hỏi. Ông nó là diễn viên nổi tiếng, một người có danh hiệu "nghệ sĩ nhân dân" - tôi nghĩ nếu nó cũng đi làm diễn viên thì sẽ còn vượt xa ông nó, nhưng nó không thích thế. Đó là một thằng có phẩm chất đại ca, nó nhiều đàn em vô thiên lủng mọi nơi. Cũng giống phụ nữ đồng bóng như trên đã nói, chưa gì đã tốc váy chửi thì chẳng có gì đáng ngại, mấy quân khu dữ dằn lại chẳng mấy nguy hiểm. Đại ca lại thường là lũ gặp ai cũng ạ, tốt tính tốt nết vô cùng. Rất nhiều trông như là.

Những năm học cấp một, tôi cho thằng bạn cùng lớp mượn hai tập Tam quốc diễn nghĩa rồi không đòi được. Bộ sách thiếu mãi đến khi tôi biết hiệu sách 180 Bà Triệu thì mới tái lập được trạng thái đủ; nhiều lần, ông Dư gọi điện thoại cho tôi thông báo đã tìm được quyển này hay quyển kia, sau đó tôi chỉ việc tới vác về.

Hồi này tôi đã không còn thích đánh cờ lắm nhưng thấy ở hiệu sách có sách cờ thì cũng mua không ít. Tôi chỉ có tí đỉnh cao hồi học cấp hai, nếu không nhầm thì năm lớp bảy. Đang giờ ra chơi thì bỗng có loa nhà trường gọi đích danh tên tôi. Té ra ở trường vừa có một cái gì tương tự đại hội thể thao, nhưng tôi không biết gì (đừng quá để ý, tôi hay thế lắm); một thằng cùng lớp được giải, rồi khi thấy nhà trường đang tìm thêm một người để cho đi thi ở quận thì nó bảo ở lớp có tôi hay đánh cờ với nó, thế là tôi được đưa thẳng vào đội tuyển trường dẫu chẳng thi gì. Hiểu ra vấn đề xong thì tôi hỏi thằng bạn xem nó được giải mấy, nó bảo giải nhì, tôi hỏi thằng nhất là thằng nào, nó chỉ một thằng; thấy tình hình đang tốt đẹp tôi tranh thủ gạ thằng giải nhất đánh một ván. Lúc sau trên đường về, tôi mắng thằng bạn một trận vì để thua một thằng như thế kia. Nó chỉ gãi tai cười trừ; nó rất tốt tính. Những ai từng ăn ốc luộc tại Ngã Tư Sở hồi tám mấy chín mấy, gần như chắc chắn đã ăn hàng của mẹ nó.

(thêm một ít về câu chuyện giải cờ vua quận: trong trận quyết định ai vào vòng trong, tôi gặp một thằng; bỗng đang đánh cờ thì nó hát, cứ lẩm nhẩm nhưng nghe rất rõ, nó cứ "đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng" đến phát điên; kết quả đau thương như thế nào thì khỏi phải nói nữa; nhiều năm về sau, tình cờ tôi biết nó là người khu Thanh Xuân Bắc: thảo nào mà lại có mấy cái chiêu bẩn như thế, Cao Xà Lá etc; nhiều lần tôi được mời ăn món chả nhái đặc sản Khương Thượng, Khương Trung, nhưng tôi xin lấy danh dự để khẳng định cho đến giờ tôi chưa hề mắc phải tội ăn nhái)

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Tam quốc diễn nghĩa là trên tay một thằng lớn hơn tôi vài tuổi. Nó ngồi ở bậc tam cấp đọc rất chăm chú. Tôi rón rén lại gần rồi hỏi nó đang đọc cái gì; không hề mở miệng, cũng chẳng ngẩng đầu lên, nó giơ bìa quyển sách cao lên cho tôi nhìn, rồi cứ thế tiếp tục đọc mê mải. Lảng vảng một hồi, hiểu ra không có cửa xin ngó một tí, tôi rút, nhưng đã biết trên đời có một thứ gọi là Tam quốc diễn nghĩa.

Đó là một thằng thuộc vào giới chóp bu, chơi bi (tôi còn chưa đủ tuổi để vào cùng sới), riêng nó được dùng một viên bi sắt - nhiều lúc nó bắn vỡ bi của những thằng khác (về trò chơi bi, xem ởkia - tôi nhớ ra rồi, "thủ tương" là cách gọi của bọn trẻ con Hà Nội, còn "hòm thủ" là của Hải Phòng Phú Thọ; hồi bé tôi cũng từng rất kinh ngạc thi thấy những đứa không nói ném mà đáp hay chọi). Hồi ti vi chiếu phim Robin Hood, sau vài hôm nó thông báo sắp làm được thành công cung tên không khác gì các nhân vật Nottingham, rồi đến một hôm tất cả chúng tôi tụ tập lại để chứng kiến. Cây cung nhìn cũng ác liệt thật, nhưng lũ trẻ con nhao nhao bảo trông chỉ hao hao thôi, làm sao như thật được. Rồi tất cả lặng ngắt khi mũi tên bắn đi từ cây cung cắm phập vào cánh cửa cách đó rất xa, đuôi rung bần bật. Sự im lặng sâu thẳm của ghen tị.

Khi tìm ra hiệu sách 80B Bà Triệu của ông Dư thì tôi đã qua (từ lâu) giai đoạn của Những cậu con trai phố Pan (Pál), Những ngôi sao thành Ê-ghe hay Tô-mếch; cũng đã qua giai đoạn của những Oskeola thủ lĩnh da đỏ (trong đó tôi học dược một điều: buổi đêm đi trong rừng mà muốn tìm nước thì cứ thả dây cương mặc cho con ngựa đi đâu thì đi, thế nào nó cũng tới chỗ có nước) hay Người In-ca cuối cùng; mãi rất gần đây tôi mới biết cuốn sách vừa nhắc tên là của Karl May. Suốt một thời gian dài, tôi đinh ninh về sau mình chỉ có thể trở thành nhà hóa học - hiệu sách của ông Dư thì lại quá dồi dào những gì có thể giúp người ta trở thành một nhà hóa học, thậm chí một nhà giả kim thuật (tất nhiên, nếu biết cách).

Tôi được dẫn vào các bộ môn thần bí (nói nôm na là black magic) - tức là, được khai trí - từ rất sớm.  Một thằng hàng xóm học cùng tôi (nhưng hình như chưa bao giờ chung lớp - mẹ nó là một dạng danh nhân của khu phố) có hôm dạy tôi, nếu muốn thoát bị đòn, khỏi ăn mắng thì cần phải vuốt ngực ba cái rồi niệm chú; đấy là bà nó truyền cho nó. Câu thần chú giờ tôi quên mất rồi, chỉ còn loáng thoáng nhớ có từ "tam bảo", nhưng tôi vẫn còn nhớ, có lần nó rủ tôi vào nhà chơi, lần đầu tiên tôi thấy có một bể cá bẩn thỉu như thế, mấy con cá của nó rất giống mấy cục rác nổi lều bều ao hồ. Có một lần, chúng tôi đi câu cá ngoài ao. Bỗng nó giật lên một con cá quả to tướng; trước đó chúng tôi cũng đã thấy có nhiều cá con đỏ ối, nhưng không đứa nào nghĩ dưới đáy quả thật lại có con cá khủng thế kia. Thằng đó, mặt nó tái mét, nó vội chụp lấy con cá, chạy thẳng về nhà. Con cá ấy, nhà nó chắc phải ăn được vài ngày. Tới một hôm, tôi trốn đi chơi điện tử - tôi vừa biết tin một quán điện tử có trò chơi mới; đến đó thì phải đi qua mấy đoạn rất hiểm hóc (đại khái tương tự hẻm Hoa Dung), tương đối nhiều mối nguy, nhưng mê chơi thì còn quên quê hương được huống chi: tất nhiên tôi mải chơi quá, lúc về thì đã rất muộn. Đang chạy sấp ngửa, chợt nhớ đến món niệm chú thằng bạn dạy, tôi vội làm - để cho chắc, tôi còn làm tận mấy lần. Thật không sao tin nổi: nhà tôi hôm đó có khách, chẳng ai để ý tôi trốn đi chơi. Nhưng tôi với nó mau chóng không nhìn mặt nhau nữa. Trận đánh nhau hôm ấy giữa nó và tôi đúng nghĩa đen là chỉ dừng lại khi đôi bên thực sự không còn đủ sức giơ tay lên nữa; đứng dậy, phủi bụi trên người, mỗi thằng đi về một hướng - cả đời, không bao giờ chúng tôi nói chuyện với nhau nữa. Ấy thế nhưng, nó lại là một thằng rất hiền, không làm hại ai bao giờ. Thằng bạn lẻo mép mà tôi đã kể trong câu chuyện về quả bóng bị xe container chẹt mới hay gây tai họa cho tôi. Cái hồ gần nhà chúng tôi lấp - lấp hồ thì rất nhiều trò vui, nó và tôi đi ra đó; có một cái container để sát mép nước, tôi và nó trèo lên nóc, rồi từ trên đó, chúng tôi ném đá xuống hồ. Bỗng tôi thấy hoa hết cả mắt: thằng kia vừa tương cả một viên đá vào đầu tôi. Máu trên đầu tôi chảy ròng ròng, còn nó thì ra sức phân bua là chỉ nhỡ tay, chẳng may. Cũng có thể nó nói thật. Cũng vào một lần có hồ lấp, chúng tôi kéo nhau ra đó chơi, cả đám. Bỗng có mấy thằng đầu gấu ở đâu xuất hiện. Chúng nó bắt bọn tôi đứng thành hàng, rồi thằng thủ lĩnh biểu diễn mấy màn võ. Chắc nó mới xem Bruce Lee; tôi nghĩ nó chỉ định ra oai vậy thôi, nhưng phiền một cái là do tập chưa kỹ lắm nên nó vung chân đá thế nào trúng luôn mặt một thằng trong số bọn tôi. Thằng đó thì lại nổi tiếng lắm chuyện và tinh tướng, dính quả đòn cũng đau thật, nó quên cả sợ, khóc thét lên chạy vụt đi, nhanh đến nỗi bọn đầu gấu không kịp chặn. Trong giây lát, nó khua được anh em nhà nó, rồi bao nhiêu thanh niên khác chạy bổ ra. Thừa cơ hỗn loạn, tôi lẻn về nhà. Từ xa, tôi vẫn còn chứng kiến cảnh huyên náo trừng trị mấy thằng bố láo. Đại khái, một thời, tinh thần thượng võ của các khu phố Hà Nội là như vậy.

(Lại) trở lại YK. Hồi quán cà phê của anh Vũ còn mở, muốn đi vệ sinh thì phải từ bên đó băng qua quãng không gian dùng để triển lãm tranh. Cho nên đi đái thì giống như thưởng thức nghệ thuật. Cũng chính vì vậy mà, trong một lần tôi đđ, có một nhân vật bỗng từ đâu xồ ra làm quen với tôi. Sự bố trí nhà vệ sinh không hợp lý có thể dẫn đến tình trạng như thế đấy. Nhiều Bắc kỳ quên mất hết cả cách cư xử; muốn chơi với ai đó nhưng lại để cho vợ hoặc bồ (nhiều lúc cả hai) chơi xấu đối tượng.

Trước đó nhiều năm, sau một thời gian học với ông thầy ở trong cái ngõ có bể nước nhiều phụ nữ ngồi giặt, chuyện gì phải đến đã đến: ông thầy bảo sắp có buổi biểu diễn, tôi sẽ đi cùng, phụ trách một phần, tất nhiên có ông thầy, thêm một nhân vật học Nhạc viện Hà Nội và một nhân vật nữa, học Cao đẳng Nhạc họa Hà Nội. Dĩ nhiên tôi thấy rét, nhưng cũng tặc lưỡi. Bắt đầu quãng ngày điên rồ chạy theo métronome etc. Buổi biểu diễn được tổ chức tại thư viện của Alliance Française (yes), tất nhiên đó là nơi tôi đã quá quen. Sau đó, thủ thư (một ông già) cứ hay hỏi tôi về chuyện musique, nhưng lần nào tôi cũng cười cười tránh đi. Tôi không thực sự muốn trở thành một virtuoso, nhưng tôi không hề biết tôi muốn tìm điều gì. Rất có thể, điều khiến tôi bị kích thích là bí ẩn của việc tạo ra âm thanh - nhưng tất tật không ngăn cản về sau tôi sẽ có một mối quan hệ rất khó chịu với âm nhạc (xem thêm ởkia).

Quay trở lại với bunmienchaopho. Những phụ nữ Hà Nội ghê gớm (xoen xoét) không hề đáng sợ. Đáng sợ là những ngọt nhạt. Cũng như hồi bé, đáng ghét nhất không phải bọn gấu biển mà là lũ thầy dùi và mách lẻo, rợn tóc gáy nhất không phải bọn bố láo mà là đám sao đỏ và nhất là liên đội trưởng - mỗi khi nào thấy có phụ nữ bắt đầu nhạt nhạt ngọt ngọt (nôm na: thẽ thọt, ỏn thót), thì hãy rút phắt điện thoại ra, vờ như có ai gọi đến, vâng vâng dạ dạ một hồi rồi quay sang gãi đầu gãi tai bảo tiếc quá sếp gọi, anh phải đi. Còn như nếu không kịp, thấy cửa sổ đang mở thì nhảy ra luôn đi, gãy tay gãy chân còn đỡ hơn ngồi nghe. Thêm nữa, gãy tí chút thì có sao - giờ không biết thế nào, chứ mới cách đây vài năm, bệnh viện Saint-Paul vẫn phổ biến chuyện mấy ông bác sĩ già gàn dở hay bị đẩy xuống trực, toàn những ông rất giỏi chữa trật khớp, bó bột. À nhưng nếu đang ở tầng hai mươi thì đừng dại nhé.






(chú thích ảnh: nhìn đây, ai cũng có thể thấy cuộc sống ở Hà Nội khắc nghiệt đến mức nào - quá dễ nhận thấy, bên trong mẩu nước đá đã có sẵn một đầu mẩu thuốc lá; cộng thêm vào đó, bàn bên trái lố nhố Vĩnh Lạc, bàn bên phải thì không ngớt Mỹ Linh và Đức Minh)







Phần 2
(từ 27/1/2021)


Giai Hà Nội rất thích sờ ti mẹ. Hồi học đại học, tôi được nghe kể về một thằng cùng trường, cứ đúng giờ (hình như 10 giờ sáng) hằng ngày là mẹ nó gọi điện thoại (lúc ấy điện thoại di động rất hiếm - nhiều đứa bạn học của tôi sẽ rất giàu nhờ buôn điện thoại, áp dụng một cách rực rỡ môn kinh tế học vi mô) để nhắc nó uống sữa. Và thế là nó uống sữa thật. Có rất nhiều giai Hà Nội không bao giờ cai sữa.

(tết nhất nói chuyện sữa thì hơi ngán ngẩm, nên sẽ trở lại chủ đề này sau)

Nửa nghìn bức thư bị đốt mất trong một tờ mờ sáng đầu một cái ngõ còn chưa kịp nhộn nhịp như mọi lúc nào có ánh sáng, thậm chí chỉ le lói: tôi đã viết những gì ở trong đó? cũng có khi tôi muốn nhìn lại chúng, giống như là nhìn trộm vào cuộc đời của một người khác hẳn, mà mình hoàn toàn không quen biết, và rất có thể sẽ sửng sốt trước những khác, nhưng nhất là trước những giống. Sau rất nhiều năm, tôi mới đọc lại, lần đầu tiên, Julie của Rousseau, cuốn tiểu thuyết nói xấu tiểu thuyết, cuốn tiểu thuyết bằng thư. Những năm Hà Nội ở thời điểm lục lọi thư viện và hiệu sách cũ, tôi đã đọc hai cuốn tiểu thuyết bằng thư, Julie và Werther - hồi đó tôi còn chưa biết, lẽ ra cần phải thêm Pamela của Richardson. Héloïse mới của Rousseau mang hình ảnh mà người tình thấy không họa sĩ nào vẽ lại chính xác được. Héloïse viết thư cho Abélard, Julie viết thư cho Wolmar. Những tình thư, chúng nói về vính viến, về mái mái, for ever pour toujours hasta siempre thiên thu chi tình, và chúng rất hay bị đốt. Nếu không đốt, tổng số những bức thư từng được viết trong thời gian sẽ làm cho loài người không thở nổi.

Khi biết rằng Graham Greene từng viết cho một phụ nữ ba nghìn thư trong vòng hai mươi tháng (con số có thể không chuẩn lắm, nhưng cỡ đó), đầu tiên tôi thấy ái ngại, sao lại có người khổ thế, rồi tôi bất mãn, viết được nhiều như thế thì cũng không vừa. Rồi tôi muốn cười: hóa ra cũng có thằng ngu hơn mình.

Tình ái sẽ như thế nào nếu người ta không còn viết thư nữa? Thì kệ chúng nó thôi chứ.

Lúc ly dị với vợ, Greene, rất gentleman, thú nhận trong thời gian sống với nhau, mình đã ngủ với 32 phụ nữ khác (con số có thể không chuẩn lắm).

Vính viếnmái mái: Hà Nội là cái chốn của các từ uốn lượn. Một hôm, tôi hẹn cà phê với một người bạn họa sĩ. Người bạn đến nơi, nhưng chúng tôi không nói được chuyện gì, vì người bạn cười mãi không ngừng được. Có cái gì đó rất buồn cười, mà cười thì cũng như khóc, khi khóc và cười người ta không nói được (không thể vừa đánh răng vừa thổi saxophone: có giỏi đến mấy thì vẫn phải chấp nhận một số thứ). Cười cũng hay lây (hơn khóc) nên tôi cũng hơi cười theo. Cuối cùng thì qua những lời đứt quãng thoát ra được từ cơn hilarity đồ sộ kia tôi cũng hiểu, trên đường đến quán cà phê gặp tôi người bạn đi ngang một chỗ triển lãm và nhìn thấy tên một expo nhiếp ảnh sắp mở, nó làm người bạn rơi vào cuộc thả dốc không phanh hãm của nức nở cười. Nghe được cái tên ấy rồi thì tôi cũng thẳng thắn mà lăn ra cười: tên là Ứa.

Một ai đó đầu óc không được ngăn nắp cho lắm (tức là hơi đơ đơ) thì gọi là gì? là "dở", tất nhiên, nhưng vẫn còn hay hơn: "ngẫn"; và vẫn còn có thể hay hơn (và chính xác hơn) được nữa: người ngoại thành Hà Nội có từ ngớ.

Chỉ người Hải Phòng ngang cơ được với người Hà Nội về năng lực tạo từ. Từ lếch chỉ có thể là sản phẩm của Tam Bạc chợ Sắt. Thế cho nên mới có câu "Giai Hà Nội gái Hải Phòng gặp nhau". Ngày xưa có một nhà thơ hơi nhầm lẫn, lẽ ra phải nói thế thì gặp phải giây phút lẫn cẫn thế nào đó nó thành ra "Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau".

Có lần đi vào một cái sân, ngay lập tức trong bụng tôi kêu khổ (hồi nhỏ đọc Tam quốc và truyện Tàu, tôi thích nhất mấy cụm từ, "áp trại phu nhân" và nhất là "đánh nhầu một trận": vậy thì tức là không hẳn là một trận đánh, nhưng vẫn cứ là đánh nhau): từ đằng kia đang đi về phía tôi (tất nhiên là mới chuồng xí ra) một nhân vật. Tôi đã biết ngay nhân vật ấy sẽ thả một câu ra cái mùi chua chát, thậm chí khắm lặm nào đó. Quả nhiên. Nhưng, những thượng du Đông Đoài có sống ở Hà Nội lâu vẫn cứ không hiểu một điều: đừng bắt chước, đằng nào cũng chỉ hơi giống, mà hơi giống thì còn tệ hơn khác hẳn. Cái đó (cũng như nhiều cái khác), hoặc là có, hoặc không có - chẳng lưng chừng được đâu. Trộn lộn những lổn nhổn, mà vẫn không khấp khểnh khúc khuỷu cho nổi. Tốt nhất là cứ kiên định, thượng du thì cứ thượng du, đó chính là cách tốt nhất để không bị phân biệt: chỉ vì quá sợ bị phân biệt mà lại đâm thẳng vào sự phân biệt, ngập đến tận cổ. Người Nghệ An là vô địch: quay sang trái nói giọng Hà Nội fake, quay sang phải với đồng hương thì líu ríu trĩu trịt. Âm vực như hang sâu, trở mặt như bật tắt iPhone.

(những quán ăn Nhật Bản ở Hà Nội, mà ở trên đã nhắc đến không ít, vào đúng lúc này - ngay sau Tết 2021 - cho thấy chúng còn có nhiều ý nghĩa khác nữa)

Lần trước định kể một câu chuyện rồi nói sang cái khác và quên khuấy. Giờ kể vậy. Quang cảnh một quán ăn Hà Nội thì ai cũng biết rồi (nhưng không phải ai cũng biết quán nào thì mới ăn được: vật đổi sao dời và có thêm rất nhiều khu, nhưng vẫn cứ là chỉ có thể ăn trong phạm vi bán kính 500 mét tính từ Bờ Hồ; có hồi tôi ở cách Bờ Hồ tận 7 cây số nhưng sáng nào cũng vẫn phải lặn lội: à nhưng đó là thời tôi hơi tham ăn, giờ đỡ rồi). Dẫn một cô gái người nơi khác đi ăn, tôi dặn trước đừng mở miệng nói gì, để tôi bố trí, mọi chuyện đã êm đềm rồi thì đi qua chỗ người bán hàng đang múc múc chan chan cô gái bỗng nhớ ra, nói với lại, "không mì chính (bột ngọt) nhé". Thôi thế là xong đời bao nhiêu công lao sắp xếp (và cả cấu tứ). Ăn luôn một tràng mỉa mai, yến yến oanh oanh. Ngồi vào bàn rồi, cô gái thấy cần được giảng giải nên tôi bèn giảng giải: cái chính không phải là giọng nói của cô gái, mà là vì hành vi nói trong lúc đi ngang qua. Những người bán hàng cận kề vỉa hè ngày ngày, bản năng sinh tồn của họ mạnh như người nguyên thủy: bất kỳ hành động đột ngột nào cũng dễ dàng bị hiểu thành sự gây hấn, và phản ứng bao giờ cũng là tức thì (chưa kịp nháy mắt xong thì đã). Cần phải chậm lại khi deal với họ: lúc đó, chậm thì chính là nhanh, và quan trọng là đừng có vẻ vội. Vội thì không bao giờ đồng nghĩa với nhanh, mà thường ngược lại. Có lần ăn phở, tôi suýt sặc nước mà lăn ra chết vì anh giai ngồi cùng bàn, đối diện, gọi trứng chần, ăn phở mà gọi trứng thì tôi đã ấy lắm rồi, nhưng đã quá quen nên không sao, nhưng anh ấy đến lúc người phục vụ đang mang trứng ra cho anh rồi thì bỗng nhớ ra (vì thế thì mới sành điệu) và nói: "trứng chần se mặt nhé". Anh ấy có ăn nguyên một trứng chần không se mặt lắm vào mặt luôn thì tôi thấy cũng đáng (yên tâm, nếu có thế thật thì tuy ngồi gần nhưng tôi cũng sẽ kịp né để không dính tí nước bắn nào - sống ở Hà Nội thì thân thủ phải nhậm lẹ, nếu không chắc không tồn tại nổi quá ba ngày).

Quán ăn hôm ấy là một quán sát sạt Bờ Hồ, một trong những quán hiếm hoi giờ đây còn có thể ăn vài thứ. Thanh niên khách quen hay ra đứng gần bà chủ để chỉ đạo, chẳng hạn gí tay gần sát vào hiện vật mà nói, "miếng này lạc quá, đổi miếng khác đi". Một nữ nhân xuất hiện, muốn mua đồ ăn mang về. Chỉ cần nhân vật cất giọng là biết sắp có chuyện hay rồi. Chưa hết, từ ban công một căn phòng khách sạn đối diện lố nhố mấy mạng người hét lên nói chuyện với người phụ nữ, giọng trọ trẹ vang lừng bày tỏ ham muốn ăn gì, nóng nguội ra sao, mềm rắn thế nào etc. Đoạn sau tôi không dám kể, quá sợ - nhưng có thể tin một điều, những người bán quán ở Hà Nội có thể lập trận rất mau chóng và chu đáo để xử lý mấy vụ như thế. Vừa được ăn (ngon) vừa được xem màn kịch vỉa hè-ban công cùng các đặc tính dân tộc, còn có gì hơn được nữa đây?

Phố Bà Triệu một đầu là cái hồ (cái hồ rất lắm chuyện, một cái hồ rách việc), cuối là một tòa nhà to tướng, nghe đâu các căn hộ ở đó hay được dùng làm chứng nhận cho mối giao hảo tài phiệt-nouveauriche khoa học, nghệ thuật. Nhưng vẫn còn một mẩu cuối đường: đoạn phố ấy, những năm cuối chín mấy đầu hai nghìn, là nơi tôi đã học mọi thứ gì cần phải học về việc làm thế nào để từ tờ giấy A4 trắng tinh có thể biến thành bất cứ cái gì mình muốn.

Đầu bên kia, tôi quen thuộc hơn nhiều. Từng có một đoạn thời gian, tôi gần như sống ở một nơi chỉ cần đi hai chục bước chân là ra đến phố Bà Triệu, rẽ phải đi một đoạn là ra đến Bờ Hồ (à đấy là tính theo bước chân của tôi, cũng hơi dài hơn so với thông thường), còn nếu đi theo chiều ngược lại thì sẽ sớm thấy chỗ ngay trước đó là nhà Bách hóa Tràng Tiền.

Sống một cách nomade ở Hà Nội là chuyện không mấy đơn giản, nhưng vẫn có thể (nếu sử chiêu Lăng Ba Vi Bộ). Nomade mà lại không Bohême. No mắt mà lại không bụng to.

Sau hồi bé dặt dẹo (và luôn luôn bé nhất lớp - mãi tận khi vào lớp mười tôi mới lần đầu tiên có một bạn học cùng lớp sinh sau tôi, sau tận gần hai mươi ngày), đến một ngày tôi quyết định (tất nhiên, nói đúng ra, tôi chẳng quyết định gì, vì làm sao mà biết được đây) không như vậy nữa. Rất có thể dấu mốc cho điều đó là một buổi, ngày Tết, đã sau mấy ngày trọng điểm (và trọng thể), bọn bạn đạp xe qua nhà tôi í ới gọi tôi đi chơi: thoát khỏi mấy hôm phải ở nhà rồi theo bố mẹ đi thăm họ hàng, đứa nào mà chẳng muốn phới, và cũng cần tiêu tiền mừng tuổi nữa. Tôi đứng trên ban công phòng tôi, nhìn đám bạn ở dưới, tôi đã định mặc quần áo xuống để đi chơi cùng chúng nó, nhưng rốt cuộc tôi lại nói, tôi không đi được (hình ảnh của thời ấy là những đám học sinh lốc nhốc đạp xe đi khắp nơi, Hồ Tây, nhưng cũng có khi đi ra khỏi Hà Nội, đạp xe suốt cả ngày để đi Chùa Thầy hoặc mấy nơi tại Bắc Ninh; gần như lần nào đi ra phố cũng gặp người quen; có một lần đi chơi với một bạn gái, đến một đoạn cô ấy cứ nằng nặc đòi tôi trèo lên hàng rào hái mấy cành hoa ti-gôn, thế là tôi trèo, đang với tay hái thì bỗng chột dạ nghĩ chỗ này lắm người quen qua lại, rất dễ bị trông thấy, quả nhiên sau đó bị bêu riếu vì leo trèo hái hoa, đến nhục). Bọn bạn đi khỏi, tôi quay vào trong phòng: trong đó đã có sẵn một người tình đợi sẵn tôi. Ngày đó, tôi có (cho riêng tôi) một căn phòng gác xép quét vôi màu xanh, nhỏ xíu, giơ tay là chạm trần, để lên cái mansarde ấy cần leo một cái thang gỗ dốc đứng, rồi qua lỗ hở (đúng nghĩa là chui). Ai vào phòng tôi thì trước hết tôi sẽ nhìn thấy tóc, rồi cái đầu. Rất giống chui vào tàu ngầm Nautilus, chỉ có điều ngược lại, chui lên chứ không phải chui xuống. Nó nóng như cái lò vào mùa hè và rất lạnh vào mùa đông, nhưng tôi thỏa mãn và thoải mái hết sức với nó. Ngay sát cái lỗ dùng để chui lên chui xuống, tôi kê cái bàn, áp vào tường. Cao cao trước mặt là bốn viên gạch thủng xếp hàng ngang, nhìn được ra ngoài trời, những lần hút trộm thuốc lá đầu tiên trong đời, tôi ném mẩu thuốc qua mấy cái khe đó. Cũng có cửa sổ, ngay chỗ cái lỗ. Có lần vì vội, xuống cầu thang tôi trượt chân, thâm tím hết người, tưởng chết.

Tương phản giữa dặt dẹo và hết dặt dẹo ở tôi hẳn lớn quá, nên tôi nghĩ không bao giờ mẹ tôi thực sự chấp nhận nổi. Điều này gây cho tôi rất nhiều khốn khổ. Nhưng biết làm thế nào đây. Một trong những khủng hoảng lớn là lần mẹ tôi moi được trong phòng tôi một đống đầu mẩu thuốc lá mà tôi tưởng đã giấu kín được không ai biết. Bước ngoặt xảy đến hồi hàng xóm (ở nơi khác đến mua nhà) sát vách xây nhà mới. Như thế nào đó mà quả vợ bên nhà kia cứ đứng trước nhà tôi mà chửi, ròng rã nhiều tiếng đồng hồ. Tôi cứ ở trên phòng tôi, thỉnh thoảng nghe thấy loáng thoáng lóe xóe, nhưng tôi chẳng quan tâm. Sốt ruột quá không chịu nổi nữa, mẹ tôi lên phòng tôi, ngập ngừng nói, hay tôi làm gì cho  im mồm đi. Tôi liếc nhìn mẹ tôi, rồi tôi đứng lên, đi xuống dưới nhà. Tôi mở cửa, đến trước mặt nhân vật kia, tôi nói, "Im mồm", rồi tôi quay vào nhà, đóng cửa lại, và lên trên phòng. Chính tôi cũng không ngờ, chị phụ nữ im mồm thật, suốt mấy chục năm trời.

Trước đó chừng chục năm, có một vụ cháy nhà, vụ cháy nhà lớn nhất của cả khu vực trong vòng nhiều năm. Tôi lên bảy hoặc lên tám, tôi đứng dựa lưng vào tường một ngôi nhà dưới đất, vì nếu không thì sẽ ngã, tôi ngẩng đầu nhìn khói cuồn cuộn phụt ra từ ô cửa sổ phía tít trên cao. Xung quanh người ta rầm rập chạy và hò hét gọi nhau cố chữa cháy; một cái nhà bị cháy thì cũng không khác gì cả một vũ trụ sụp đổ.

Một phụ nữ từng kể cho tôi, tức là có một phụ nữ ngồi bên cạnh tôi và kể chuyện cho tôi. Không hẳn là tôi thích nghe kể chuyện, nhưng cũng có lúc (vài khi) tôi được kể chuyện cho nghe. Thế thì tôi sẽ trật tự nghe. Tức là, một phụ nữ ngồi cạnh tôi, rất gần, có thể nói là sát (nhưng không sát lắm - nếu sát quá thì người ta lại không kể chuyện cho nhau được, mà sẽ, nhưng mà sẽ gì nhỉ?), và kể chuyện cho tôi, còn tôi, còn tôi thì nhìn ra trước mặt. Đằng kia, không quá xa, mọi thứ vẫn gần như cũ. Bên trong hàng rào, bọn trẻ con chúng tôi, mấy chục năm về trước (bọn trẻ con ấy, giờ chắc phần lớn bụng phệ, đầu hói, nếu không thì độn cằm, tiêm filler, mắt cắt mí; một số đã chết) chơi đủ mọi trò mà chúng tôi nghĩ ra được, toàn trò ngu xuẩn và ồn ào. Nhưng những thằng dữ tính nhất cũng không dám trèo lên phía trên vào buổi chiều tà. Thê lương lắm. Cái gờ thấp chạy vòng quanh cao cao kia, chúng tôi từng ngồi đó nhìn xuống phố trong giờ học vẽ, phải lấy dây buộc con dọi giơ ra trước mắt đo tỉ lệ rồi vẽ lên tờ giấy kê trên đùi nhà, cây, đường, nhất là cái cổng trông như cổng chùa, nhưng cũng có thể là cổng làng, đằng kia. Giờ thể dục chúng tôi chạy trong cái sân lớn; có một lần học ném xa, quả bóng cao su tôi hứng chí ném thật lực, bỗng từ đầu sân bên kia kêu óe lên một cái, một lão già người nhỏ xíu như ba quả táo sang sảng chửi, vì bị tôi ném trúng vào chân, chửi rất ác liệt, kể vanh vách cả lịch trình cuộc đời, quân nhân, thương binh etc. và khập khiễng đi về phía chúng tôi, nhất quyết tìm ra thủ phạm để trừng trị; tôi vội chuồn. Cái tượng to làm xong một thời gian thì chúng tôi trèo lên chơi phát hiện đã vỡ thủng bao nhiêu chỗ. Đánh cho để, rồi thì chi hữu chủ. Cách đây vài năm, có một sự vụ cần vào đó, tôi đang đứng thì nghe tiếng gọi giật từ đằng sau, đầy đủ cả họ tên tôi, nghe gai cả người - đúng đường lối gọi nhau của bạn học cùng lớp. Người đàn bà tôi nhìn thấy hôm đó ngay lập tức làm tôi nhớ đến madame Thénardier, mặc đồ ngủ (đoạn cùi chỏ đầu gối như lò xo), bế (cắp thì đúng hơn) một đứa bé. Tôi nhận ngay ra, cả tên họ đầy đủ (nhưng tôi không gọi lên) người bạn học cùng lớp ấy. Bên kia đường (cái phố hồi đó hoang vắng, đầy bụi, chúng tôi hay hẹn đánh nhau để thanh toán vụ nào đó, cũng là nơi một thằng cùng lớp lôi cả lũ ra làm khán giả cho nó biểu diễn đi con xe đạp kỳ quan, một chiếc xe mini thuộc loại đạp ngược lại là phanh kít, lại còn có thể tháo ra gập lại được; thằng nào cũng xin đi thử một lúc, phần lớn bị ngã dập mặt) là mấy hàng bánh mì (400 đồng nửa cái, như đã nói ở trên) trong đó chỉ một rất hot, đứa nào không kịp mua ở đó hoặc không chờ được vì đông quá sợ muộn học thì mới sang mấy hàng còn lại. Bao giờ cũng thế, hồi đó, quán ăn lúc nào cũng là mấy quán giống hệt nhau xếp hàng nối đuôi, nhưng chỉ một vô cùng đông, số khác thì giống hệt chùa bà Đanh. Nhìn rõ nhất là ở Đê La Thành, từng có thời, đoạn gần Giảng Võ, là một khu ăn uống lớn. Hồi tôi còn nhỏ tí, chúng tôi cuốc bộ mấy cây số từ nhà để đi xem Triển lãm Giảng Võ. Nhiều phố còn chưa có, nên phải tương đối lặn lội. Tiền được cho để ăn trưa, thằng lớn nhất trong đám nướng hết vào trò quay số có thưởng (nguyên tắc rất đơn giản: một cái đĩa sắt tây có gờ hơi giống đồ nghề bán kẹo kéo khoét thủng 5 chỗ, 5 người đặt cược, mỗi người đặt 200 đồng, rồi quay, trúng vào số nào thì người thắng được 800 đồng - như vậy ở mỗi vòng nhà cái ăn 200 đồng, vô cùng yên ổn và cũng đậm đặc bầu không khí của fête foraine nơi một thị trấn tỉnh lẻ hay miền núi nào đó; một sáng sớm ở Mù Căng Chải tôi đi ra chợ, cảnh tượng đại khái tương tự). Nhìn những vòng quay của cái đĩa tròn nuốt mất bữa trưa thật là một cảm giác đau đớn. Người phụ nữ ngồi bên cạnh tôi vẫn kể chuyện. Nghe một ai đó kể chuyện, có thể không biết kỹ càng tình tiết câu chuyện, nhưng rất dễ biết nhiều hơn thế (rất nhiều), về người kể chuyện. Người ta hay tô hồng cho cuộc đời mình, nhưng người ta cũng thường bôi đen (đây lại cũng là một dạng tô hồng) nó. Nếu như mà, nếu như mục đích là làm sao trông cho nó hay. Người ta tìm sự hấp dẫn (kéo chăn về mình) trong mọi sự, vào mọi lúc. Sornettes, balivernes. You lie. Nhưng cũng như gần như mọi cái biết, có ích gì đâu, kể cả những gì nghe từ một phụ nữ, trên một cái ban công trước mặt chằng chịt dây điện.

Hà Nội là thành phố của sụp đổ: sụp đổ nối tiếp sụp đổ. Nhưng đó chính là ý nghĩa của tồn tại - tồn tại là để sụp đổ. Xem mấy người hô hào kêu gọi bảo vệ lịch sử của một thành phố (một thành phố không hề có lịch sử: còn chưa kịp có lịch sử), tôi chỉ muốn nhếch mép cười (tất nhiên là tôi đã không làm thế).

Georges Perros (à, hay là Louis-René des Forêts nhỉ) miêu tả lịch sử ở Mỹ: có một cối xay gió (Moulins de mon coeur, Michel Legrand) tuổi đời ba bốn năm mươi năm gì đó bị đổ, người ta giữ lại một bức tường của nó, dựng hàng rào xung quanh và treo biển "đây là lịch sử". Nhưng những ai không dám ngã thì sẽ không biết chạy (thậm chí không biết đi), những nơi nào không dám tàn tạ thì sẽ ở mãi lại trong một thứ đèm đẹp đáng kinh tởm. Không dám có lịch sử, xong rồi lại đòi bảo vệ cái đã không dám có. Hãy cứ sụp đổ.

Keep collapsing, keep dying. Cứ phế tích đi - biết đâu, từ đấy sẽ có hoa.

Những chốn nào nhờ nhợ (và đèm đẹp) rất thường là địa điểm ưa thích cho những người tưởng đến đó nghĩa là về với thiên nhiên, đặc biệt những thối rữa rất hay tìm đến đó, mua đất xây nhà (cộng chụp ảnh post lên facebook). Để thối rữa nốt. Tương tự, là ý niệm "thành phố đáng sống". Nhưng, đáng sống thật à? à nếu như đáng sống đồng nghĩa với nhốt sự bần cùng vào trong cũi, hay mạ vàng ra ngoài sự bần cùng để trông như là lung linh, thì cũng đúng đấy.

Vậy là, chúng ta trở lại Lâm Viên.

Tôi đi vòng vòng, khát khô cả cổ - ấy là một thành phố nhiều lên xuống ("Người khách lạ x lên x xuống" etc., "Trên dốc đá tôi tình cờ" etc.). Tôi muốn tìm một quán cà phê, nhưng nhanh chóng nhận ra một quán cà phê (hình như nổi tiếng) cheo leo có cầu thang đi lên rất hẹp và rất dốc, bắt đầu ngay từ vỉa hè phố - dốc, tất nhiên - bên dưới, đã trở thành một nơi không thể ngồi nổi. Tới một ngã ba quặt quẹo có một quán cà phê trông rất bề thế mang một cái tên khá kỳ cục, nhưng vắng hoe, tôi vào ngồi xuống một cái bàn, đợi mãi không thấy ai, tôi lại đi vòng vòng tiếp. Cơn khát ở thành phố ấy thật là rực rỡ.

Vì muốn nhìn lại những gì tôi từng thấy hơn hai mươi năm về trước, nên tôi quay lại đó. Tôi cũng muốn xem người ta muốn bảo vệ cái gì ở nơi ấy. Tôi thích những cô gái Đà Lạt không che giấu sự không dịu dàng của họ (nhưng tại sao lại phải che giấu?); dẫu tôi cũng biết, tôi quá ironique so với họ (Nicolas Bouvier phát biểu, mình rất sẵn lòng - và vui sướng - nếu có một phụ nữ Nhật Bản nào chịu lấy mình làm chồng; nhưng khó khăn nảy sinh ngay tắp lự: dẫu có tắm nhiều đến thế nào thì người ta vẫn có cảm giác mình quá bẩn so với phụ nữ Nhật). Tôi cũng thích đang đi trong rừng bỗng nhìn thấy một người đàn ông chẳng biết từ đâu ra ngồi dưới gốc cây, như là mọc lên từ đất (đùn lên thì đúng hơn): cả một phong cảnh - chẳng có gì đẹp (và đúng) hơn phong cảnh tạo nên từ các sản phẩm của chính phong cảnh.

(điều này tôi chỉ nói riêng với một người - không cần phải để ý: I like every word from you, however cruel it can be)

Cuối cùng thì tôi cũng tìm được một quán cà phê: chỉ là một căn phòng hẹp, ba mặt xếp ghế (không tựa, nếu cần thì cứ dựa thẳng lưng vào tường, mặt nhìn ra phố thì không phải tường mà là vách kính), sát vào nhau. Các ông bác bản địa nói chuyện với nhau (de tout et de rien), tivi bật oang oang, đặt trên mặt công toa. Chủ quán là một người đàn ông trung niên, liếc qua là biết không phải hậu duệ những người kinh tế mới.

Tôi ngồi trong quán (tức là trong căn phòng hình vuông) rất lâu (khát quá); bên ngoài trời đã nhập nhoạng tối và những người khách đã đi cả. Chừng như chủ quán quên mất là còn có tôi, vừa rửa rửa lau lau cốc chén anh ấy vừa huýt sáo. Bài "Cô gái mở đường" (cái gì mà "phải chăng em cô gái" rồi "chưa rõ mặt người đã" etc.).

Đêm cuối cùng ở đó (lần thứ hai tôi đến cách lần thứ nhất hơn hai mươi năm, tôi nghĩ rất có thể sẽ không có lần thứ ba), khắp vùng hồ trung tâm, lướt đi trên mặt nước hồ, tràn cả lên cái đồi mà lần trước tới tôi vẫn còn lờ mờ đoán được dáng vẻ xưa cũ, là tiếng hát karaoke. Bài "Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây". Nghe giọng là biết, đấy là người bản địa, không hề Bắc kỳ một li nào. Vậy là rời khỏi đó thôi, cái nơi "ngồi bên nhau, cầm tay nhau, rồi sờ chân nhau".

Hà Nội: một cười hơi nhạt, một nắng hơi vàng, một hàng cây hơi tím. Ấy là chốn người ta phải lo sao để sống sót được, sau tình yêu, khi không tình yêu, và cả trong tình yêu.


nhắc đến là có hình ảnh minh họa ngay:



(Rê thứ nhé, tức là Dm aka Duy Mạnh)

chưa hết:


và nữa (vẫn cùng một người, chính là nhân vật đã gây ra một số nhầm lẫn ởkia):



(Mi trưởng chuyển Mi thứ)


Một hôm, năm tôi học cấp ba, đang yên đang lành, bỗng cả trường nhốn nháo lên, học sinh các lớp chạy bổ xuống cầu thang. Từ trên cửa sổ lớp học, nhìn xuống cổng, thì thấy một nhóm người đang đi vào, dễ dàng nhận ra nhân vật trung tâm là một người vóc dáng nho nhỏ, đội mũ bê-rê.

(mũ bê-rê, mũ nồi: không bao giờ tôi có thể nhìn thấy những người đội mũ nồi - nhất là đội lệch - mà không ngay lập tức liên tưởng đến một vở kịch nào đó, một trong số những gì hay được diễn tại các rạp Hà Nội trước đây; nhất là, nếu nghe ai đó nói "thôi được rồi" là có cố đến mấy tôi cũng chẳng thể nào không nghĩ, lại là một khán giả từng đi xem Trần Vân and Co. rồi - Tôi và chúng ta etcetera; mũ nồi và thôi được rồi đối với tôi là biểu hiện tột đỉnh của sự diễn kịch, của sân khấu kitsch; và pathetic)

Nhân vật hôm ấy là Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn ngồi trong cái phòng to dưới tầng, học sinh trường tôi vây xung quanh, để xin chữ ký. Tôi không biết ngoài tôi ra còn có những ai không chạy xuống đó nữa hay không.

Một câu chuyện chẳng phải là không tương tự: Phạm Huy Thông kể, hồi mình còn trẻ, một hôm Bảo Đại đến (vì đó là một nhà buôn bán lớn) nhưng Phạm Huy Thông không xuống, cứ ở trên phòng riêng. Nếu tôi nhớ không nhầm, Phạm Huy Thông còn viết tiếp gì đó cho thấy bản lĩnh kiên cường, có là hoàng đế (có ông vua trẻ) đến nhà thì cũng không màng quan tâm.

I'm not that pretentious. Tôi không còn nhớ rõ tại sao ngày hôm đó tôi lại không cùng lũ bạn xuống chỗ Trịnh Công Sơn ngồi. Tôi không hề ghét nhạc của Trịnh Công Sơn ("một thời khuấy động hàng triệu con tim"... "những nhạc phẩm đầy phẫn nộ khát khao cho một niềm hy vọng"... "nhưng lần này"... "Khánh Ly với nhạc Trịnh Công Sơn trở lại"... "ca khúc trữ tình làm dậy lửa yêu đương"... "những khung trời hoa bướm ngày xưa" etc.: mãi về sau này tôi mới biết là không chỉ có "Sơn Ca 7" mà còn nhiều sơn ca nữa). Nếu như là Bảo Đại, tôi cũng sẽ không hề muốn gặp, nhưng đấy chỉ là vì, chỉ là vì ông vua có một cái mặt nạc quá ("lạc": dân Hà Nội sẽ nói), mà tôi không thích nhìn thấy những người mặt nạc. Chắc hẳn tôi đã không xuống cầu thang chỉ bởi hôm ấy tôi bị đau chân.

(nhưng mà - dẫu có thế - cây cơm nguội nào? và tôi nghĩ là tôi không pretentious, nhưng ai bảo tôi peremptory thì tôi sẵn sàng nhận ngay: "péremptoire? oui je le suis")

("Em sẽ là đầu trâu mặt ngựa, em sẽ là đầu gấu mặt voi"... "Trời âm u đất tù mù bàn chân em bước đi giật lùi, đưa em vào nhà tù Sơn La"... "Cây có cành đem dao chặt ngọn, sông có nguồn lấy đá chặn ngang")

Quay lại đầu phố Bà Triệu (phía Đại Cồ Việt - hồi chưa có cái hầm thỉnh thoảng ngập nước, suốt dọc từ phố Huế cho đến tận chỗ rẽ vào Trung Tự-Kim Liên, buổi đêm rất *hoang vắng* [nhưng hồi đó nói chung vắng vẻ, những khi nào có tắc đường cả phố kéo ra xem cảnh lạ mắt], nói cho đúng thì còn khá là nguy hiểm; quãng thời gian cái đường đã làm - nhưng chưa thông, giống tình cảnh rất nhiều phố mới ở Hà Nội, chẳng hạn phố Nguyễn Văn Huyên, chúng tôi ra đá bóng ở đó suốt vì không ai đi - nhưng chưa hẳn giống bây giờ, đi quá đường tàu có một cái khách sạn tên rất sang trọng, HI VỌNG; tôi hay đi chơi đêm nên nhanh chóng nhận ra hàng chữ tên khách sạn bị rụng mất [hoặc cũng có thể bị cháy đèn bên trong nên không nhìn thấy nữa, vào buổi tối; ban ngày thì chẳng biết, vì ai mà để ý] một nửa, còn lại đúng "HIV" và cứ giữ nguyên như thế một thời gian không ngắn: khách sạn HIV, cả một landmark] - bên kia là một cái trường, hình như là trường Tô Hoàng: chính đoạn phố này là một dạng trường dạy nghề mà tôi theo học. Học cách làm thế nào để biến một tờ giấy trắng thành một tờ giấy không trắng nữa. Hồi đó, giả sử ngành in vẫn sử dụng công nghệ sắp chữ truyền thống thì chắc tôi cũng trở thành công nhân nhà in. Đoạn cuối của in lưới, các cơ sở in thuộc dạng ấy ở Hà Nội nhìn chung tiêu điều, xập xệ, nhưng vẫn chạy. Nhà in Tiến Bộ phố Nguyễn Thái Học nổi tiếng vì có thể in rất đẹp. Muốn in trên giấy couché thì cần có bản phim. Tôi hay đến chỗ bộ phận kỹ thuật của báo Lao động, nằm ở tầng trên cùng của tòa soạn, đầu ngõ vào trường Công đoàn, không xa trường Thủy lợi, tức là ngay trước mặt, bên kia đường, gò Đống Đa. Cái máy in phim (ra phim) to bằng đúng cái phòng, đợi nó chạy thì mất cả buổi chiều. Có lần xong xuôi, trả tiền xong rồi mang về, tôi làm rơi thành phẩm thẳng xuống vũng bùn, lấm bẩn và xước xát hết, cho nên sản phẩm cuối cùng trông hơi ngộ nghĩnh. Nhưng cũng chẳng sao. Đó cũng là thời người ta dễ phát điên vì font chữ: chúng cứ nhảy lung tung.

Tôi đi ngửa cổ trên hè vắng/Xem những cành cây nó cưới nhau. Không dễ xác định một số thứ: chẳng hạn như, chuyện chẳng hề đơn giản nếu muốn tìm ra linh hồn. Linh hồn của một phố nằm ở đâu? Điều ngộ nghĩnh của cái phố chúng ta đang nhìn vào ở đây là, tuy trên phố ấy có cả một cái thư viện, lại là thư viện không hề nhỏ: thư viện của cả thành phố, nhưng linh hồn của phố đó lại là một hiệu bán sách cũ có mặt tiền nhỏ hẹp, gần như ai cũng đi qua mà không hề để ý thấy (nhưng vậy thì lại đúng: linh hồn thì vô hình, hoặc gần như vô hình). Giờ đây (năm 2021) này, dường như đã đến lúc cần có một linh hồn mới. Hoặc giả, cũng có thể, sẽ chẳng có linh hồn nào hết.


Ôi khoái lạc những giờ trốn học
Những bình minh xuân đẹp những chiều thu
Bao cảnh nước mây đằm thắm hẹn hò
Khi biếng gặp nhớ nhung pha màu áo

Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo
Còn nhớ ta chăng tuổi trẻ tóc bay
Làm học trò nhưng không sách cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ


Nếu làm một thống kê xem trong vòng hai mươi, ba mươi năm vừa rồi những loại cây nào đã biến mất khỏi Hà Nội, hẳn người ta sẽ tức khắc rơi vào một cơn nostalgia sâu hút không đáy (Hà Nội, đó là vực thẳm - Mai Thảo).

Nhưng thống kê, liệt kê bao giờ cũng rất nản: khác gì máy tuốt hạt. Hãy cứ rối tung.

Một cười hơi nhạt một thở hơi dài. Ngồi từ một quán cà phê nào đó ở trên cao nhìn xuống, quang cảnh trông như - một người phương Tây sẽ nói, nhà cửa trông như một đàn cừu; nhưng cũng có thể trông như một tổ ong. Quanh Bờ Hồ có không ít nơi như vậy, có thể nhìn từ trên cao xuống - ấy là trong vòng trên dưới mười năm trở lại đây. Trước kia hẳn, ta đi vào một cái ngõ rất nhỏ không hề có gì hứa hẹn cũng chẳng thông báo, thậm chí ta đi thẳng vào một cửa hiệu - nhất là hiệu bán túi xách, hoặc giày dép (đểu), sẽ có cầu thang dẫn lên một căn phòng mù mịt khói thuốc và lổn nhổn dày đặc vỏ các loại hạt và nhất là những khuôn mặt đang cố tỏ ra một cái gì đó. (mười tám tuổi, chính trong lúc tỏ ra mình người lớn thì người ta lại cho thấy họ trẻ con đến mức nào - Paul Auster; mười bảy tuổi ai mà không hồi hộp/khi ngồi trong rạp hát đợi màn lên - Lưu Quang Vũ) Chẳng ai còn lạ một cái quán như vừa miêu tả, có cái ban công rất được tranh giành (cũng giống lô nhà hát) nhìn xuống hồ (đúng cái đoạn xưa kia bến tàu điện to, gần đây thành bãi đỗ xe ô tô thu tiền và xi-nhan rất mả). Tôi đến đó lần đầu tiên năm học lớp mười; về sau (gần như) không bao giờ tôi còn quay trở lại nữa. Cơ hội (duy nhất) liếc nhìn vào thế giới ấy, cái thế giới của những posing, mụn trứng cá và chua chát giả đò, cũng chính là lần cuối cùng. Thế cho nên, những nơi nào, như cái thành phố nhiều dốc ở trên đã nhắc, nơi mà toàn dân đều là nghệ sĩ, không cả gia đình chơi nhạc thì thế nào cũng vẽ tranh - nơi ấy khó thở lắm. Vẫn còn những tàn dư (không nhiều) nhưng những quán trên cao quanh hồ giờ đây, để đi lên, đã thường phải cần đến thang máy. Cửa thang máy có thể nằm trong góc một cửa hiệu dưới đất. Các terrasse đủ mọi thể loại, các mối tình đủ mọi kiểu. Đầu năm 2021, đã có thể thấy rõ, toàn bộ khu vực Bờ Hồ về mạn Đồng Xuân tiêu điều chưa từng có. Lại thêm một lần suy sụp.

Còn sót lại trên bàn bông cúc tím. (viết tiếp ngày 20/4/2021)

Bờ Hồ tiêu điều dẫu trông thì vẫn có vẻ nhộp nhịp. Mọi thứ gì hướng ra ngoài đều đã lộ rõ thuộc tính ảo tưởng của chúng. Tố Tịch (a, hay là Tô Tịch nhỉ) là nơi hồi bé tôi mua quay (tức là con vụ ấy); cho đến một lần cách đây chừng mười lăm năm, một phụ nữ nhờ tôi đưa ra đó để mua mấy thứ đồ làm quà tặng gửi đi đâu đó nước ngoài. Phố ấy đã trở thành một dạng tổ hợp bán cốc chén ấm tích đủ kiểu. Nhưng chẳng gì sống bằng những người từ xa đến còn trụ được nữa. Chưa bao giờ trong đời tôi thấy nhiều nhà ở Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Ngang đóng kín cửa như bây giờ. Từ hồi "chu đáo tin cậy 77 Hàng Đào" làm gì bao giờ có cảnh hàng đóng cửa nối hàng đóng cửa như thế.

Nhưng dẫu có thế thì đúng là vẫn cứ có vẻ nhộn nhịp. Các cô phục vụ quán ăn hiện nay vô cùng tích cực tuyên truyền cho Pháp Luân Công. Người khách ăn nào tỏ vẻ quan tâm là ngay tức thì sẽ có tài liệu đưa tận tay, "chín chữ vàng", "chuyển pháp luân" etc. không biết rút từ ngóc ngách nào ra. Nhìn quang cảnh đó có thể đoán xưa kia hoạt động của biệt động, của các chiến sĩ hoạt động trong lòng địch, đã diễn ra hết sức đơn giản và tự nhiên.

Ấm chén: tôi nhớ đến một lần, ở Đức, người bạn dẫn tôi vào nhà một người quen. Đó là thời người Việt Nam tại các thành phố Đông Đức hay bán Imbiss, nơi ta có thể ăn mì xào bò đại khái không mấy khác ở Nguyễn Siêu, Bắc Qua back to Hanoi. Người Việt Nam ở Đức, nhất là Berlin, kể từ những ngày ấy, đi qua nhiều biến thiên. Khi đồ ăn Thái trở thành mốt thì nhiều người mở quán Thái; cộng với không ít hàng shushi. Hình như ở Dresden có Chợ Đồng Xuân ngay sát Chợ Bến Thành. Nhưng tất nhiên, ai đã đặt chân đến (vào thì đúng hơn) khu Sapa, ngoại ô Praha, thì sẽ không bao giờ có thể quên. Người quen không có nhà, cô con gái tiếp chúng tôi. Tôi bỡ ngỡ, xen lẫn cả ngần ngại, nhìn đồ uống nước trên bàn: có cả ấm tích. Cô gái đôi tám, mới dậy thì, sự khéo léo đảm đang tấm mẳn vẫn còn trộn rất nhiều bắt chước động tác người lớn. Và ăn mặc: lúc cô gái vừa đon đả nói chuyện vừa cúi người xuống rót nước (không ngồi mà vẫn đứng: còn chưa học được là châm trà thì tốt nhất nên ngồi xuống ghế rồi hẵng), tôi đưa mắt liếc nhìn người bạn ngồi ghế bên cạnh; thiếu điều tôi đã buột miệng hỏi, có cần giấy ăn lau miệng không, nước bọt sắp nhểu rồi kìa. Ra khỏi đó, người bạn nhìn trước nhìn sau rồi bảo tôi, ấm chén ngon quá nhỉ. Chúng tôi suýt vì trận cười cố nén giờ bùng nổ mà ngã lăn xuống những đống tuyết trộn bùn của mùa xuân đang bắt đầu. Hình ảnh ấm chén xếp đầy ven hông chợ Đồng Xuân quả là ám ảnh; đi qua chỉ sợ đụng vào vỡ một cái gì thì biết ngay thế nào là lôi thôi lộn xộn.

Năm tôi còn bé tí, tròn năm tuổi, có một cuộc diễu binh lớn ngày mồng 2 tháng Chín. Nếu tôi nhớ không nhầm, đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời tôi đi xem duyệt binh. Được đưa đi, chở xe đạp: mọi thứ hồi ấy nhìn thấy, tôi đều nhìn từ đằng sau xe đạp. Những xe đạp có thể buộc thêm miếng gỗ nếu muốn chở hai đứa trẻ cùng một lúc. Vì hôm đó đi ngoài đường lâu nên tất nhiên tôi ngủ gật (nhưng chắc không làm rơi cái dép nào). Tôi chỉ còn nhớ vài hình ảnh, nhưng nhất là tôi nhớ ấy là một ngày buồn bã, chốc chốc lại mưa, phố xá đẫm nước, thỉnh thoảng phải dừng đâu đó để trú. Còn lưu lại lâu dài nhất trong trí nhớ tôi là một ngôi nhà có cái cây lớn mọc xuyên qua mái ngói; về sau này còn có vài lần tôi nhìn thấy ngôi nhà ấy và cái cây ấy, nhưng dường như giờ đây chúng đã hoàn toàn biến mất, cả nhà lẫn cây. Trên phố Lý Thường Kiệt, hoặc cũng có thể là phố Hai Bà Trưng, thì đúng hơn. Hẳn không xa Bà Triệu.

Cùng năm có duyệt binh - cùng lắm thì sang đến đầu năm sau đó - có một vụ lụt rất lớn, chắc phải ngang cỡ với hồi cuối năm 2008 (post tôi kể về lụt lội 08 ở đâu ấy nhỉ?), và thêm một vụ việc rất nổi tiếng, và cả tai tiếng: đổi tiền. Tôi còn nhớ được vì trường nơi tôi học lớp một (mãi rồi vẫn chưa thoát được năm lớp một) bị trưng dụng để làm địa điểm cho người ta làm cái việc ấy. Trường nằm không xa một lô cốt có lỗ châu mai (trên Lầu Ông Hoàng ở ngoại ô Phan Thiết cũng có lô cốt tương tự), đi qua ai cũng sợ. Tôi còn nhớ những người lớn đạp xe, vẻ mắt hốt hoảng và nhớn nhác, túi áo (túi ngực) nhét đầy tiền, cài cúc rất cẩn thận, chốc chốc lại có hai xe dừng lại, người ta chụm đầu vào nhau để thì thụt, rất giống lũ kiến chạm ăng ten truyền thông tin cho nhau. Đó là thời điểm tôi có một trong những cái nhìn đầu tiên vào thế giới của người lớn, thuộc dạng cái nhìn toàn cảnh, thờ ơ nhưng nắm bắt được không ít điều; cái thế giới ấy, toàn là chicanes, élucubrations.











Phần 3
(từ 1/8/2021)


người lái xe chợt kêu lên: "Trời ơi, vừa mới nhìn thấy một giai nhân ở một cái ban công"; không ai trên ca bin hiểu anh ta muốn nói gì, cũng không ai nhìn thấy cái dường như anh ta vừa thấy - trừ phi đó là một ảo giác; tất nhiên, càng không ai biết, câu nói ấy là một lời tiên tri; người lái chiếc xe tải chở đồ đạc trong chuyến chuyển nhà này bị tật hở hàm ếch, câu nói vì thế lại càng âm hiểm hơn bởi tạp âm phều phào đi kèm, những lời sấm chắc cũng đều phều phào; khu vực nơi xe dừng lại giống như một vùng trũng, lơ lửng không thực sự thuộc về đâu, không cần người tài xế bec-de-lièvre nói cái câu đáng sợ thì cũng đã rất dễ, khi ở đó, có cảm giác như vừa bị thụt chân vào một ân sủng; rất nhiều cửa sổ như thể được bố trí theo một sơ đồ nhưng không thể thực sự hiểu cơ chế là thế nào, sự sắp đặt của chúng khiến từ một chỗ có thể nhìn thấy, xuyên vào bên trong nhiều nhà, vô số cảnh tượng - những cảnh tượng của sinh hoạt; không khác mấy so với trong bộ phim Rear Window của Alfred Hitchcock; từng có một phụ nữ bước ra từ phòng tắm, hoàn toàn trần truồng, chậm rãi (đủng đỉnh thì đúng hơn) đi đến trước cửa sổ, ánh sáng bên ngoài khiến phải mất một lúc nàng mới nhìn thấy từ cửa sổ một nhà đối diện một thanh niên đang đứng sững nhìn mình, một ánh mắt như kim châm nhưng thoát được khỏi vẻ sỗ sàng của những cái nhìn tìm cách lột quần áo người khác, vì chẳng có gì để lột nữa, nàng và anh ta cứ thế nhìn nhau một lúc, rồi, vẫn rất chậm chạp (trễ nải thì đúng hơn), nàng quay lưng đi vào trong phòng, biết rằng ánh mắt kia vẫn tiếp tục đậu trên lưng mình - nhưng ấy là một cảnh tượng đã được thấy từ rất lâu về trước, vả lại chuyện xảy ra ở một nơi khác, có thể cũng là một vùng trũng, nhưng điều đó thì làm sao mà biết chắc được; cuộc chuyển nhà (vội vã - nếu như mà có những chuyển nhà thong thả) được thực hiện chỉ trong một ngày, bằng một chuyến xe, người tài xế có cái miệng bị hở hàm ếch hóa ra đồng thời cũng là một phu khuân vác không tồi và rất biết chỉ đạo mấy người đi cùng, mà chắc hẳn anh ta thuê để làm một vụ trọn gói: toàn bộ công việc xong xuôi khi ngày còn chưa tàn, bên ngoài thì mưa cứ rả rích cuối một mùa lầy lội và buồn thảm; không phải ai cũng làm được như thế, vì cần phải khuân đồ (rất nhiều chuyến, tưởng như vô tận) lên những đợt cầu thang như thể kéo dài vô tận và nhiều chỗ tạo cảm giác giống như trong tranh của Piranèse - rất kỳ lạ, một cái nhà to bất thường như vậy mà lại không có thang máy; một cái nhà hoàn toàn có thể trở nên một thách thức rất lớn, kể cả đối với Hercule; Hercule hở hàm ếch, cho đến khi xong việc và nhận tiền (lộ rõ vẻ thỏa mãn vì được thưởng thêm so với món thỏa thuận ban đầu, xét cho cùng anh ta xứng đáng được hưởng điều đó: trời còn chưa tối, lợi thế vô biên đối với những người vừa chuyển vào nhà mới, như vậy thì nghĩa là đã chiến thắng được một ngày có đêm xuống rất sớm; nếu như mà người ta thực sự đoán ra được vẻ thỏa mãn trên một khuôn mặt như thế), không lần nào nhắc lại câu nói mà anh ta đã buông vào đúng giây phút đi vào địa phận của khu vực, lái chiếc xe với cái thùng đằng sau không khác gì hộp Pandore khổng lồ; lời sấm thì chỉ được nói một lần, những lời sấm được nói ra là để bị quên đi, nhất là phương tiện phát ra chúng sẽ quên đầu tiên; người đàn ông và người phụ nữ chủ của cái hộp Pandore và bắt đầu là chủ căn hộ mới - ít nhất là trong một khoảng thời gian - còn nhiều việc phải làm sau khi mọi thứ đồ của họ đã được vác lên, thì mới có thể bắt đầu sống ở đó; nhưng dẫu nhiều việc nằm đó trước mặt đến đâu, dẫu bên ngoài trời vẫn tiếp tục mưa rả rích, thì họ, ngay khi chiếc xe rỗng dạ dày đi khỏi, cởi quần áo làm tình với nhau, trên cái giường, một cái giường mới, nhưng cũng không hẳn thực sự mới, như một cách thức xác nhận quyền sở hữu không gian - các cặp tình nhân không có cách thức nào khác để thực hiện một số điều, ngoài đó; họ như thể đã nhiễm luôn, dẫu chỉ mới đến đây, ân sủng thấm đẫm nơi này; họ đã tìm được chỗ ở mới nhờ nằm mơ, cụ thể hơn là nhờ một giấc mơ của người phụ nữ; họ cần phải chuyển từ nơi ở cũ sang nơi ở mới, nếu muốn tiếp tục giấc mơ chung; trong hai người, chỉ cô có năng lực mơ, ở cô phần mơ bao giờ cũng lấn át phần thức, đã là như vậy ngay từ đầu, còn anh, gần như anh không bao giờ nhớ được các giấc mơ, anh thoát khỏi vòng tay ôm những giấc mơ dễ dàng như Gulliver cựa mình khỏi dây trói của người Lilliput, anh rất tò mò vì cô cứ hết đi từ giấc mơ này sang giấc mơ khác, trôi chảy một cách tuyệt diệu; "chắc phải nhiều uốn lượn lắm", anh hay nghĩ; sống với nhau một thời gian, cô làm được một việc là khiến anh không vùng dậy khỏi giường ngay lập tức những lúc tỉnh ngủ buổi sáng nữa, cô bảo anh, "đúng là anh có việc phải làm, nhưng anh có biết là ngay cả nếu anh làm được hết những việc đó, nhưng với không biết bao nhiêu quay ngoắt, bao nhiêu cử động đột ngột như thế, thì cuối cùng những việc đúng thật đã làm xong lại không còn là chúng nữa, đã chuyển thành những gì khác hẳn, chẳng mấy ý nghĩa?" anh biết cô nói đúng, cô vẫn luôn luôn nói đúng, vả lại ngủ và mơ là những quyền năng của cô, chứ không phải của anh; dần dà anh cũng tự bắt được mình nằm nán lại trên giường mỗi khi nào mở mắt ra, cũng nhờ vậy một số mảnh mơ vẫn còn lại, với anh; vậy thì hết sức quan trọng, dẫu các mảnh ấy có thể đáng sợ, mà thường thì đúng là chúng rất đáng sợ, vả lại nếu không như thế, thì người ta mơ để làm gì; bên ngoài không ngừng mưa rả rích, loại mưa thối đất thối cát, nó tạo ra cảm giác về đắng như khi phải uống một lọ mực học trò, có thể gia giảm vị nồng hoặc tanh; từng có lần anh hỏi cô, lúc họ nằm cùng nhau trên giường, trước đây, khi chưa có anh, những lúc trời mưa như thế này, cái thời tiết mà anh biết tác động rất mạnh lên cô, thì cô hay làm gì, câu trả lời của cô làm anh im lặng một lúc rất lâu, rồi anh chuyển sang chuyện khác; câu trả lời đó rất độc ác, anh biết cô có thể rất độc ác, và sau đó sẽ không hối hận; trước khi chuyển sang nhà mới không lâu, họ trở về nơi này đúng vào ngày trời đột ngột trở lạnh, mưa phùn lâm thâm - trước đó đã tưởng chừng sẽ có một năm không mùa đông, bởi nó đến quá muộn, như thể quên mất nơi nó cần đến; anh và cô trở về một thành phố ẩm ướt và rét mướt, thành phố của họ, âm u ủ dột trừ những khi nào vì độc địa mà bỗng tươi đẹp, chỉ cốt để tống cho những người ở đây một liều thuốc ảo tưởng; trên máy bay, họ cãi nhau, không ngừng một lúc nào kể từ khi máy bay còn chưa cất cánh và kéo dài mãi đến lúc đã xong màn taxiing mệt mỏi va đập vào sự thay đổi không thể tưởng tượng của không khí bên dưới; về sau họ mới biết, để đi chuyến ấy - để có thể đi cùng nhau - cả hai đều đã phải đi vay tiền; vốn dĩ họ đều là những người không bao giờ vay nợ, cô từng kể với anh, lần kiệt quệ hơn cả, cô đi taxi về nhà, đến giữa một cây cầu thì thấy đồng hồ tính tiền đã đến đúng số tiền cuối cùng mà cô có, cô bảo taxi dừng lại, trả tiền rồi xuống đi bộ; họ cãi nhau nhưng ngay những người chỉ ngồi cách một aisle hay nhân viên phục vụ cũng không thể nghe thấy gì, chẳng ai có thể đoán họ đang cãi nhau, ngồi cạnh nhau và cãi nhau, không hề lên giọng, nhỏ a xít vào nhau, bắn những thuốc độc, tiêm trợ tịch; xuống máy bay rồi, vẫn còn một quãng đường cần phải đi; trên xe ô tô, họ không nói gì; anh đưa cô về đến đầu ngõ nhà cô, dẫu vậy thì anh sẽ phải vòng trở lại, gần như gấp đôi quãng đường lên, khi đã quá nửa đêm lạnh giá; anh xuống lấy đồ từ trên xe cho cô, im lặng đặt chúng trước mặt cô, anh định lên xe trở lại thì cô nói, rất khẽ, "trả em chìa khóa nhà"; anh rút chìa khóa ra trả cô rồi lên xe, không nói không rằng; về sau, những khi nào đùa nhau đến mức độc ác với nhau, họ sẽ nhắc đến chìa khóa, nó là một trong những từ thần chú trong cuộc sống chung của họ, một trong những gì gây tê tái truyền tới từ cái đêm hãi hùng đó; khi đã sang nhà mới, họ cũng sẽ nhiều lần gặp vấn đề về chìa khóa; khi đã sang nhà mới, anh hay ra ban công đằng sau, còn cô, cô sợ ban công, gần như chẳng bao giờ cô ra đó; có lần từ đó quay vào phòng, anh bảo cô, "tại sao những người tập đàn piano cứ nhất định phải đánh Jingle Bells nhỉ"; cô sẽ không nói với anh, rằng anh đừng ra ngoài đó nữa thì sẽ khỏi phải nghe thấy cái thứ ấy, một trong những điều anh thích nhất ở cô là anh biết không bao giờ cô nói một số thứ, một số mẫu câu; how is your psyche today?; cô thì sợ ban công, một nỗi sợ bí hiểm mà anh chỉ lờ mờ đoán được lý do - anh cũng không muốn đoán, cứ cho là, với cấu tạo của chúng ngày nay, nếu sống ở thành phố người ta sẽ rơi vào một sự phơi mình những lúc nào đứng ngoài ban công: nó không còn điểm gì chung với véranda hay terrasse trước kia; cần nhất là phải biết vô hình; một lần, vào lúc sáng sớm, từ ban công anh chạy vội vào trong phòng, hốt hoảng nói với cô điều anh vừa nhìn thấy; về sau này, cô sẽ kể, "mặt anh lúc đó xanh mét"; với cô, anh có thể xanh mét mặt, và cả lần đó nữa, cô cũng không bảo anh đừng ra ngoài đó nữa; cô kể với anh có người đàn bà ra ban công để giặt giũ phơi quần áo, rất hay nghe thấy một giọng nói rất êm ái rủ cô ta lấy dây tự treo cổ, để được đến một nơi khác đẹp hơn nhiều, vui hơn nhiều - "dụ đấy", cô nói; một thời gian sau sự kiện sáng sớm, anh lại tiếp tục ra ban công hằng ngày, xét cho cùng ngoài ban công cũng có nhiều không khí, miễn là đừng sợ; ban công, với Baudelaire, đồng nghĩa với parfum, còn anh đứng ngoài ban công để tham gia những trò chơi của cửa sổ, ban công, của sáng và tối, mưa và nắng - ô cửa sổ đằng kia có người phụ nữ luôn luôn hớ hênh, thay quần áo để lộ không ít khiếm khuyết về anatomy, một cửa sổ khác, to hơn nhiều, là nhà một phụ nữ thọt chân nhưng có rất nhiều tình nhân khác nhau; cả một khung cảnh rộn ràng và khiến người ta có thể đoán thêm nhiều điều, toàn những điều vô nghĩa; anh thích nhất những hôm trời mưa, dưới đường có nhiều vũng nước: cả chúng cũng là các ô cửa sổ - nhưng để nhìn vào đâu? để thấy những cảnh sinh hoạt nào, của các sinh thể như thế nào? tất nhiên anh không biết, nhưng cảm thấy dường như chúng hấp dẫn hơn cả; những cửa sổ mà anh có thể nhìn thấy từ ban công của anh, chúng thay đổi liên tục về sự sáng-tối, có chỗ tối tăm suốt một thời gian dài rồi chợt bừng sáng lên trở lại, vài chỗ rất đúng giờ, những chỗ khác chẳng theo quy luật nào; anh cũng thấy, ban công của anh không phải nơi tốt đẹp để trồng cây, mấy cái cây nhỏ mà họ, anh và cô, đi mua lúc mới chuyển đến, không lớn lên mà cứ thế cằn cỗi đi, trông thật đáng buồn; thế mà anh từng, khi còn nhỏ đọc truyện, nghĩ thằng bé Tistou (và ngón tay cái của nó) là một alter ego của anh: năng lực trồng cây của anh luôn luôn rất rõ, nổi trội, từ hồi anh còn nhỏ tí; chắc cái ban công này không cho cây cối sinh sôi, vì phải hứng chịu quá nhiều ánh mắt, nhất là khi người ta cứ muốn được vô hình; sau người lái xe chuyến chuyển nhà chớp nhoáng, vài hôm sau họ cần tới dịch vụ của một nhân vật mới: một người thợ mộc; anh ta lành lặn, không khuyết tật gì, nhưng nói ln lẫn lộn, khinh khỉnh nhìn nhưng đủ ý nhị để không nêu nhận xét về mọi sản phẩm của các thợ mộc khác - một Héphaistos đúng nghĩa; gọi là Héphaistos thì thích (và dường như cũng đúng) hơn gọi là Vulcain, cũng như Poséidon chứ không phải Neptune, Aphrodite chứ không phải Vénus; "đúng là anh có việc để làm", cô nói với anh, còn anh kể với cô, rằng, những ngày ấy, có lần anh thấy như thể đất hẫng đi dưới chân mình, không còn giẫm vào đâu được nữa, toàn là bông, tuy anh vẫn biết mình đang ở trên một bề mặt không chỉ vững chắc mà còn bằng phẳng, không hề có hố, gần như không sỏi đá; thêm một lần khác, đứng trên tầng nhà anh nhìn ra ngoài trời qua tấm rào sắt tạo hình thành những ô vuông sơn màu xanh thành từng khúc dài mười xăng ti mét, rộng khoảng một đốt ngón tay, trong một đêm anh muốn đến với cô nhưng không rời đi được, anh bỗng thấy như thể mình bị nhúng vào một cơn rùng mình rộng lớn, cơn xoắn vặn của một dạ dày hay lòng ruột nào ngoài kia của không gian tóm luôn anh vào, anh cười như một quả táo để trong bếp vài năm, nói với cô: "không ngờ cả anh cũng biết đến nỗi hãi hùng pascalien ấy"; hồi còn chưa lớn hẳn, từng có lần, ở ngôi nhà đó, anh trèo lên mái, nằm trên bể nước rồi ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy người anh như đông cứng lại dẫu đang là một đêm hè, lạnh buốt thấu xương; anh rất muốn cô dạy cho anh cách nhìn thấy ma, vì tuy vậy, chẳng bao giờ anh thấy chúng, cho dù trong các ác mộng nhiều lần anh lờ mờ thấy những bóng dáng kỳ khôi và ghê gớm, còn cô, cô thấy ma rất dễ dàng, "kia kìa", cô đưa tay chỉ, vào một chỗ ngay gần cuối cái giường mới của họ, "mới lúc nãy, anh còn chưa về, em đã nhìn thấy"; không ngờ cô suy nghĩ thật lâu, rồi cuối cùng trả lời anh: "chỉ cho anh cách nhìn thấy chúng thì dễ, vấn đề chỉ là đúng thời điểm, nhưng thôi, anh đừng học, đừng nhìn thấy chúng, anh không liên quan, anh có việc phải làm"; sáng sớm là anh đi, còn cô ở lại nhà; đoạn cuối hồi họ ở nhà cũ, cô đã bắt đầu nấu cơm, mỗi tối; sang đến nhà mới, cô tiếp tục, thậm chí buổi chiều còn đi bộ ra chợ, nơi cô nhanh chóng được những người bán hàng mong ngóng và tới tấp chào mời; cô bảo anh, nếu không làm việc nhà, nếu không nấu cơm, thì sẽ không còn là con người nữa, người ta cứ dần dần tách đi khỏi dẫu chẳng hề hay biết; trước đó, chưa bao giờ cô nấu cho người đàn ông nào; cô cũng bảo anh, cô thích cảm giác, lúc chập choạng tối, nói với anh là anh ra ngoài đường kiếm quán cà phê đi, rồi lúc cơm nước sắp xong xuôi, thì cô nhắn tin gọi anh về ăn; cái nhà cũ, nếu chẳng phải họ không thể không bỏ đi, thì họ rất sẵn lòng ở lại đó thật lâu, nó là nơi đầu tiên họ thực sự có thể sống với nhau, cái ngôi nhà có chìa khóa cổng từng có lần cô đòi anh trả cô vào đêm gió rét họ vừa từ một nơi xa về; chưa bao giờ cô đưa chìa khóa nhà mình cho một người đàn ông nào, ngoài anh - cô không sẵn sàng để cho mình bị bắt chợt; họ phải chuyển từ đó sang đây, cho nên mới có Hercule hở hàm ếch và Héphaistos lẫn lộn l với n; vì nhà mới đã có sẵn giường nên họ tiếc đứt ruột mà để lại cái giường cũ; cái giường cũ ấy kê sát vào bức tường chung với một nhà hàng xóm; cho đến lúc họ bỗng nhận ra, lão chủ nhà bên có ánh mắt thật kỳ dị mỗi khi họ bắt gặp; chắc hẳn từ phòng của lão (ít có khả năng đó là phòng ngủ của vợ chồng lão; người vợ trông như một bà già đã sống qua bảy kiếp, gần đến mức của một quả mướp có thể dùng làm giẻ lau) đêm đêm lão rình mò tiếng động của họ; cả một sực tỉnh bất ngờ khiến họ trở nên lo lắng, lão hàng xóm đích xác thuộc dạng người sẵn sàng đánh mất mọi thứ ngoại trừ những ý nghĩ xấu xa và đê tiện; ánh mắt kia chẳng thông báo điều gì tốt lành, nó là một dấu hiệu của địa ngục; cho tới ngày con mèo con đẹp tuyệt lông xù trắng muốt của họ bỗng biến mất, thì họ hiểu không thể tiếp tục ở đó được nữa; cần phải tìm cái nhà nào không có hàng xóm sát vách, hoặc tường đặc biệt dày; ngoài đó ra họ không thấy có giải pháp nào khác; khi người thợ mộc trông xấu xí như Héphaistos nhưng cũng thạo việc y như Héphaistos đã bắt tay vào việc, công việc rất cần thiết để họ có thể sống ở nhà mới, một lần từ nhà đi xuống cầu thang, anh thấy mũi khoan đâm thủng cả bức tường chui ra ngoài, nhìn thấy rõ ở khoảng không phía trên, cách đầu anh vài bước; không ở đâu có tường đủ dày, và thế giới thì thuộc về các vị thần chứ đâu phải của con người; một lần khác nữa, anh hỏi cô, trước khi gặp anh thì cô làm gì, và cô đáp (lần này cô không hề độc ác, rất ít khi cô độc ác, gần như không bao giờ, đặc biệt là với anh), "em không làm gì, em chỉ chờ anh, em biết là anh sẽ đến, nên em không làm gì, chỉ chờ anh", anh hỏi, - "em chờ có lâu không?" - "đó là một sự chờ đợi bên ngoài thời gian, ở đó không có lâu hay nhanh, chỉ có đau đớn"; cô không thích nấu cơm, cô cũng tự biết mình không phải là một người nấu ăn đặc biệt ngon, thêm nữa đi chợ, nấu nướng có thể khiến cô gặp không ít phiền toái; đường từ nhà đến chợ mà cô đi mỗi chiều có những đoạn vắng vẻ, và quả thật đã có hôm đang qua chỗ cái cầu nhỏ thì cô bị hai thằng đèo nhau vụt qua định giật túi xách của cô, bị bất ngờ nhưng không hiểu sao cô giữ cái túi chặt đến nỗi chúng không giật được, cũng không dám vòng lại; rồi lại còn phải đi xuống cầu thang nhiều tầng, sau đó đi lên, cầu thang thì dốc, lần nào cô cũng phải thở hổn hển một lúc mới lấy lại được hơi, lúc này cô đã thở dễ dàng hơn trước, từng có hồi chỉ cần hít được ô xy đầy buồng phổi thôi đối với cô đã là cả một chiến tích; ở trong bếp, cô hay nghĩ về quá khứ, nhưng cũng có cảm giác rất rõ, rằng quá khứ đang - cuối cùng thì nó cũng chịu như vậy - loãng dần, như thể rốt cuộc thì cũng chịu đầu hàng, trật ra khỏi cái khung rắn chắc, cái khung kim cương của ký ức; cuộc sống lúc này của anh và cô, cô nghĩ, dường như được treo lên, bên dưới rất có thể là vực thẳm, nhưng họ ở đó, miễn sao đừng rơi xuống; được treo lên, tức là lỏng đi khỏi những dây buộc, "ce monstre bicéphale de damnation et de salut qu'est le Temps"; cô không sợ chờ đợi, thậm chí còn thấy ở trong sự chờ đợi có rất nhiều ý nghĩa; trước đó, nhiều tháng liền, cô chỉ đợi anh đến, anh đã có chìa khóa cổng, nên nhiều khi anh đẩy cửa phòng ngủ của cô bước vào thì cô mới biết anh tới, anh cũng thích làm cô bất ngờ, tất nhiên không phải hòng rình đúng lúc cô đang làm một điều gì nên che giấu; giữa anh và cô không có gì như thế, cô đã thấy, toàn bộ ý nghĩa của tồn tại nằm chính xác ở chỗ, cứ nằm đó, trên giường của cô, đợi anh đến, anh sẽ đến những lúc cô biết trước và cả những lúc cô không biết trước, nhưng quan trọng là anh sẽ đến, cái giường của cô, mà họ phải để lại ở nhà cũ - nếu có thể mang theo tất tật những gì ta muốn, cuộc sống sẽ trở nên hơi dễ dàng quá mức; cô nhớ (rất sắc nét, như thể sự sắc nét ấy được đẩy lên hết mức để rồi sẽ dần dà tan đi) có lần bỗng anh đột ngột hỏi cô, "em có sex-toy không?" cô biết, những khi anh như vậy, tốt hơn hết là nói thật, nên cô ngập ngừng và ngượng ngùng đáp là có; anh lại nói (cô hãi nhất cái vẻ tỉnh bơ của anh lúc nói một số câu, cứ như thể anh không còn thực sự ở đó nữa, chỉ có một thế thân nán lại thực thi một chỉ thị), thế thì cô phải vứt nó đi, trước đây thì không sao, nhưng giờ cô có anh rồi, anh muốn cô vứt đi; trong lúc vừa nấu cơm vừa đợi anh về, mỗi buổi chiều muộn, cô cũng nghĩ đến thói quen của anh, mà anh kể với cô, thói quen rất xấu, anh nhận ngay, những lần anh sống chung với một người phụ nữ nào đó, trong quá khứ: kể cả nếu có thể về nhà sớm thì anh cũng sẽ nấn ná sao cho thật muộn, ít nhất thì cũng đúng giờ hằng ngày, dẫu có thể về sớm hơn giờ quy định cả mấy tiếng đồng hồ thì anh cũng sẵn sàng vạ vật chờ, trong nỗi khiếp sợ ngày một tăng việc mình sắp phải quay về đó, tiếp tục một cái gì ngày càng trở nên phi thực hơn; cô biết là sống với anh, thì anh không như vậy nữa, anh bỏ được cái thói quen từng gặm nhấm anh, làm con người bên trong của anh mòn đi, xơ xác, thảm thương; đó cũng chính là điều cô muốn làm cho anh; những tình ái trước đây của họ, với anh thì trống rỗng, với cô thì buồn nôn; điều mà cô muốn làm cho anh là lấp đầy sự trống rỗng ở anh, cô cũng hơi lo lắng không biết mình có làm nổi không, nó rộng lớn, nó mênh mông và không tuân theo mệnh lệnh nào; cô không dạy cho anh cách nhìn thấy ma, nhưng bảo anh làm thế nào để nhận ra những người bị quỷ ám, tức là những kẻ ký hợp đồng với quỷ; việc này thật ra rất dễ, gần như có thể luôn luôn thấy được chỉ bằng cách nhìn vẻ bên ngoài, "nhung nhúc ấy mà", cô bảo; đúng thế thật, có rất nhiều người bị quỷ ám; cái chìa khóa cổng nhà cũ, cô đã hết sức dễ dàng đòi nó lại từ anh, nhưng sau đó để làm cho anh cầm lấy nó lại, thì vô cùng khó; để cho anh chuyển sang trạng thái giễu cợt, thì mọi thứ đều sẽ vô phương: lúc nào cô cũng yêu quý, thích ở gần những người hài hước (bị quỷ ám thì đông đặc nhưng hài hước thì lại rất hiếm); cô sẽ đọc thấy một nhà văn nói rằng, thiếu vắng hài hước ở một mức độ nào đó cho thấy sự thấp kém của một người bất kỳ; sự hài hước của anh có lẽ cũng rộng bằng nỗi trống rỗng trước đây của anh; cô từng nói với anh: "từ ngày yêu anh, em ít khóc hẳn, lúc đầu thì em vẫn khóc rất nhiều, nhưng càng ngày càng ít đi, vì không hiểu anh làm thế nào mà mỗi khi thấy em khóc anh đều làm được em bật cười giữa lúc vẫn đang khóc, vừa khóc vừa cười, thật không ra thể thống gì", khóc là việc cô thích nhất trên đời, cô có thể khóc suốt, rồi ngủ thiếp đi, tỉnh dậy lại tiếp tục khóc: khóc, ngủ và đợi, nhất là đợi anh, đó là những gì cô giỏi hơn cả, chứ không phải là nấu ăn, càng không phải là làm lành; trở về thành phố của họ trong đêm trời trở lạnh, đến hôm sau cô nhắn tin điện thoại cho anh, bảo mình bị ốm, căn bệnh cũ tái phát trầm trọng; đúng là chuyện đã xảy ra như vậy - cô biết là không có cách nào khác ngoài nói thật (câu ưa thích của anh: lợi thế của nói thật là trông nó thật giống sự thật), như vậy thì mới hòng làm cho anh trả lời; anh có trả lời, nhưng đầy xa xôi; cô nói thêm, lúc này cô không có tiền, một lúc sau thì cô nhận được tin nhắn của anh, nói lát nữa, trong buổi chiều, anh sẽ qua nhà cô đưa tạm cho cô một ít tiền; cô biết là anh sẽ đến, nên dẫu đang ốm (vì cô ốm thật, và trầm trọng thật, đúng như trong tin nhắn nói) cô vẫn muốn sửa soạn để trông mình đừng bết bát quá, trong niềm hồi hộp đợi anh đến mà cô vẫn luôn luôn cảm thấy, cho dù họ đã yêu nhau từ lâu; tới lúc nghĩ ra, rất có thể anh sẽ đứng ngoài cổng, thò tay vào để tiền ở một góc khuất, rồi quay lưng đi, vừa đi vừa nhắn tin cho cô là anh đã để tiền ở đó, thì cô nhận được tin nhắn điện thoại của anh, nó nói đúng những gì cô vừa đoán ra; cô cuống cuồng chạy xuống mấy tầng gác (về sau, cô sẽ bảo anh, "em không thể hiểu tại sao lúc đó em chạy được như thế, vừa mới xong đến đi thôi em cũng không đi nổi"); tất nhiên anh đã đi khỏi, cô vội nhắn tin gọi anh quay lại, mãi một lúc sau mới có trả lời: anh đang đi có việc, anh đã đi xa rồi, không quay lại được; cô chạy vội lên lấy thêm cái chìa khóa đêm hôm trước anh trả cô, khoác áo rồi mở cổng; đúng lúc đó mẹ cô đến, hốt hoảng trước vẻ hốt hoảng ("như bị điên") của cô, cô chỉ kịp nói, "mẹ ở nhà đợi con", rồi đi ra ngoài đường, vừa đi vừa nhắn tin nói rằng mình nhất định sẽ gặp anh bằng được, rằng mặc dù đang ốm, cô đã ở ngoài đường, anh ở đâu cô sẽ đi taxi đến; rốt cuộc thì anh cũng chịu thua (không lần nào cô nằn nì mà anh cưỡng lại được, tất nhiên là như vậy, và cũng bởi thế cho nên cô yêu anh), anh nói mình sẽ ở một quán cà phê, chứ nhà cô thì anh không quay lại; về sau này, anh sẽ nói với cô, anh đã mềm lòng vì khi có việc phải đi ra rồi quay vào (tại quán cà phê, cô không dám lao vào ôm lấy anh, họ ngồi hai bên cái bàn như những người quen biết bình thường, như một cặp tình nhân đã nói xong lời chia tay) thì anh thấy cô, lợi dụng lúc anh ra ngoài, với tay lấy cái áo khoác anh để lại trên ghế, và cứ thế ngồi ôm nó; vì mềm lòng nên anh vờ như không để ý thấy cô lén nhét cái chìa khóa vào túi anh; chuyện của mình, em thấy không, có thể rất buồn, buồn như đứa trẻ con đánh mất món đồ chơi yêu quý, như một đồng xu thật đẹp, thật mới bị bỏ quên, chẳng được dùng để mua gì, như con chim sẻ chui vào một cái xô vì tưởng trong đó có gì ăn rồi bị kẹt chân vào đáy xô, tuyệt vọng giãy giụa, nhìn lên những con chim sẻ khác cùng đàn đang bay qua trên đầu; ở nhà mới được một thời gian - đúng vào lúc kịch tính nhất - một hôm, không hề báo trước, anh bảo cô, "đưa anh về bên nhà em, anh muốn gặp bố em"; cô không hỏi gì - tốt nhất là không nên hỏi, đưa anh về nhà; cả cô lẫn anh đều không thuộc vào số những người có thể nói những điều như you and I against the world; đây không phải là lần đầu tiên anh đến đó, nhưng những lần trước, chưa bao giờ anh vào - anh không thực sự thích vào những ngôi nhà, mỗi ngôi nhà có những thói quen riêng và những nghi thức chỉ riêng nó mới có; hôm ấy là một ngày sầm sì, tai tái chẳng phải là không tương hợp với nét mặt anh, cô nhận xét như vậy khi họ từ đó ra về, nghe cô nói anh gượng cười; cô nói tiếp: "may mà anh không lên giọng, em quên mất không bảo anh trước, bố em bị bệnh tim đấy, nhỡ làm sao lăn ra đó thì đúng là chẳng biết làm thế nào"; cuộc gặp không dài, chỉ có ông bố và anh ngồi bên cái bàn kê ở đoạn sàn nhà trũng xuống, gần cửa ra vào, cô và mẹ cô thì ngồi xa xa, chỗ một cái bàn khác trên một giật cấp, gần cầu thang mà anh thấy là khổng lồ, uốn cong chứ không chạy thẳng, cả hai không nói gì, chừng như vừa tỏ ra lơ đãng vừa cố lắng nghe cuộc trò chuyện đằng kia, nhất là mẹ cô, chốc chốc lại nóng ruột mang ấm nước đến rót thêm vào tích trà, chắc hẳn rất muốn nói xen vào điều gì đó, nhưng rốt cuộc không dám; về sau này, có lần nhắc lại buổi chiều hôm đó, cô phá lên cười, "em nhớ mãi lúc cuối, anh nói là anh không cần được chấp nhận, nhưng anh muốn mọi chuyện được nói trực tiếp, để không có những đồn thổi nào xen vào, rằng anh thông báo, chứ không có ý định nào khác; bố em không hiểu đâu, nhưng may mà anh không hề lên giọng, chứ không cụ lăn ra đó thì chết"; về sau này, bố cô lại phải phẫu thuật và sẽ được cô đón về ở cùng cô và anh một thời gian; anh ngần ngừ rồi nói với cô, "đấy không phải là lần duy nhất anh làm như vậy, tất nhiên chuyện rất khác, nhưng xét cho cùng cũng vẫn thế"; trước đó rất lâu, lần đầu tiên đưa một cô gái đi chơi khuya, đưa cô về gần đến nhà thì họ nhìn thấy một bóng người đứng ở cổng ngóng, và khi nhận ra họ từ xa thì vội vã đi vào, đó là ông bố của cô gái; hôm sau, anh đến nhà, bảo với cô gái ra mở cửa cho anh, là anh muốn gặp bố cô; anh nói: "về sau này, chính đó là người mang tất cả thư của anh ra đúng chỗ đầu ngõ để đốt"; cô lại phá lên cười, gần như muốn vỗ tay - nhiều lúc, cô có những cử chỉ của một bé gái: "anh may mắn quá còn gì, thế là phi tang được hết"; anh cũng nghĩ thế, hồi đầu, còn chưa nuốt trôi được điều đó, anh thấy rất khó ở mỗi khi nào nghĩ đến, nhưng dần dần đúng là anh thấy, tốt hơn hết là như vậy; cũng khi đã có thể sáng suốt hơn, không còn tức tối nữa - thật ra, ngay khi sự đổ vỡ xảy tới, anh đã không hề tức tối - anh mới thấy cô gái ngày nào thật khôn ngoan, khôn ngoan hơn anh rất nhiều; cũng phải lúc đó, anh mới nhìn nhận lại được câu chuyện - anh không học được cách giữ khoảng cách ngay từ đầu, vả lại đó là một điều thực sự khó - và thấy rằng từ đầu đến cuối, cô gái rất khôn ngoan, chủ động làm quen với anh, nói theo ngôn ngữ ngày nay là xen vào giữa mối tình giữa anh và bạn gái thân của cô; nhưng hồi đó anh mới 15 tuổi, các cô gái bao giờ chẳng khôn ngoan hơn, ở đoạn tuổi tác ấy; anh bật cười nhớ lại, vì tình cờ mà anh biết từng có một người miêu tả cô gái ấy, vào thời đó, y hệt một bông hoa ăn thịt người; các nhà văn lớn tồn tại ở mọi nơi, thật đáng tiếc vì họ không viết tác phẩm nào; ở nhà mới được một thời gian, những Hercule và Héphaistos đã xong công việc của họ từ lâu (nhưng Hermès và Hera thì chưa, một hôm đi về, anh thông báo với cô là vừa tình cờ (một trong những sự tình cờ tai hại nhất) chạm trán ngay trước cửa nhà, dưới đường, một người quen đi ngang qua, anh nói, "mai là cả thế giới biết nhiều thứ lắm đây"; chuyện xảy ra đúng như thế, và anh bình luận: "trước đây anh cứ tưởng đó là một con lợn, hóa ra đó đúng là một con lợn"; một lần, cô hỏi anh, "anh có biết tại sao em thích anh không, từ lúc mình mới gặp nhau?"; họ gặp nhau trong một tình cờ hoàn toàn; thế giới của những tình cờ: đẹp hơn nhiều, vui hơn nhiều; "- cuối cùng con chim sẻ có thoát khỏi cái xô không? - có, nó thoát được; - may nhỉ; - vâng; - sau đó nó thế nào? - nó bình thường, nhưng tất nhiên là trở thành một con chim sẻ què chân, chân dị dạng thì đúng hơn, nhưng dẫu sao nó cũng là chim, cánh quan trọng hơn chân nhiều; - đúng rồi"; hồi họ mới yêu nhau, cô đòi anh dạy cô đủ mọi thứ, lần nào cũng rất sung sướng, "mọi điều khiến em nghĩ chuyện sẽ kéo dài, vì cần thời gian để học cái này hay cái kia, em đều rất thích"; nhưng chính cô mới dạy cho anh nhiều điều, chẳng hạn một hôm anh bỗng phát hiện cô hiểu con mèo của Schrödinger, và cô có cố giảng giải đến đâu thì anh cũng chỉ hiểu được lờ mờ, rồi chán nản buông một câu: "đúng là có những thứ không dành cho anh"; cô hỏi anh: "đố anh biết, các loài vật không phải người, chúng nó có mơ không?", rồi, thấy anh ngơ ngác, cô tiếp luôn: "chúng có mơ, nhưng khác với người, chúng mơ giống nhau; chính vì thế, nói "đồng sàng dị mộng" thì không phải là chê trách hai người sống với nhau, nằm ngủ bên cạnh nhau mà chẳng hiểu gì nhau, bởi vì phải như thế, "đồng sàng dị mộng" chỉ nói lên một sự thật, nó hiển nhiên"; moi non plus; "em thích anh ngay từ lúc mình mới gặp nhau là vì em nhận ra, anh là một nhà ảo thuật"; điều mà cô vừa nói thuộc vào những gì gây nhiều sửng sốt nhất cho anh, vì chính anh cũng không biết; cũng trên đường về sau khi họ từ nhà bố mẹ cô ra, cô còn nói với anh, sau một thoáng chần chừ: "anh là người duy nhất em thấy sợ, nếu không tính bố em; em từng sợ bố lắm, không ngờ em cũng lại rất sợ cả anh nữa, xét cho cùng, nếu một người không làm cho mình khóc và cười, lại còn vừa khóc vừa cười, nếu người đó không làm cho mình sợ, thì chẳng có ý nghĩa gì mấy đâu"; vậy thì, anh là nhà ảo thuật à son insu, malgré lui: câu nói của cô khiến anh - trong một lóe chớp, hiểu ra nhiều điều, như thể bỗng anh có thể đặt toàn bộ cuộc đời mình vào một cái nhìn mới, nhờ có phối cảnh khác hẳn; đến lúc đó, anh đã kịp hiểu, các trật tự cũ vẫn luôn luôn ở đó, cho dù những trật tự mới đã xuất hiện, mọi sự chỉ làm ra vẻ cái này thế chỗ cho cái kia, nhưng chẳng có gì như vậy hết; thế giới hiện đại vẫn cứ là thế giới của phép mầu, vẫn tiếp tục là một thế giới giữa những thế giới khác; là một Shaman, hay nói đúng hơn, một Mage, một Roi Mage: thật là không thể tin nổi; anh biết về một nhân vật, nghề chính là bán bánh mì ở cổng trường học, nhưng còn làm (thật ra đây mới là nghề chính) pháp sư, mỗi lần nghĩ đến anh lại muốn cười, nhưng anh cười vào đủ mọi thứ, cho nên chuyện cũng không có gì đáng nói; pháp sư chôn dưới đất quanh nhà mình rất nhiều chai, bên trong đựng những thứ tất nhiên đáng sợ, nhưng chẳng ai biết là gì, và hay sử dụng lũ mèo, chẳng hạn nhét vào mồm mèo một số thứ, để cho mèo giữ lấy; "black magic, cô nói với anh, là một sự bần tiện, nếu nhìn từ một trật tự bên trên; vẫn không có gì khác, ngoài sự chi phối của dục vọng con người; người ta muốn quá nhiều điều, và luôn luôn phủ lên cái muốn đó đủ thứ quần áo, đồ trang sức, thậm chí còn thắt cả nơ hay đeo bờm tóc, xịt nước hoa, nhất là những lời đẹp đẽ; nhưng cái đó, black magic ấy, không có ý nghĩa gì, thậm chí các tác dụng trông thì cứ như là tồn tại cũng không hoàn toàn như vậy: anh cứ tưởng tượng nhé, cơ chế của nó rất đơn giản, bằng một số phương tiện - và cả phương vị - người ta chuyển chỗ các yếu tố, nương theo dục vọng của ai đó, thành ra có thể khiến những cơ may dồn lại, tạo cảm giác về một may mắn rất lớn, chẳng hạn thế; nhưng hậu quả là sẽ không còn cơ may nữa, chúng đã bị lấy hết đi, mà người ta không biết; xâm phạm vào tương lai là tội lỗi rất lớn, vả lại cũng có xâm phạm được đâu, gây ra một số méo mó tí hon và thảm hại thôi; các nhóm đông người thuộc một dòng phái nào đó còn có thể mượn sức lẫn nhau, khi ấy mỗi người ở trong đó biến thành một dạng trạm thu-phát; nhưng kinh lắm, chủ yếu là bần tiện lắm"; một con chim lợn thì không bao giờ đọc hết nổi một tin nhắn - điều khủng khiếp nhất của một đám cưới là cô dâu quá đẹp; một lần, cô bảo anh, khi họ đang nằm cùng nhau trên giường: "em kể cho anh chuyện này nhé" - lúc nào anh cũng muốn nghe cô kể chuyện, cô biết kể những câu chuyện anh thích nghe, cô là người duy nhất làm được điều đó, nhưng không phải lúc nào cô cũng sẵn lòng kể - cô nói thêm, "nhưng anh phải hứa là không được mắng em đấy"; vậy thì sẽ là một câu chuyện thuộc loại khác, nhưng tất nhiên chúng thì anh cũng muốn nghe, dẫu biết trước là có thể sẽ chẳng hề dễ chịu; anh đáp: "mắng em thì có được gì đâu, em cứ nhơn nhơn"; cô bảo: "anh nói y hệt bà em"; bà ngoại cô sống cạnh nhà cô, cô học được từ bà vô số câu chuyện, nhất là những cách nói, "bà em ghê gớm lắm, bà lại còn biết dùng cả iPhone đấy", cô thích nhất là những câu bà cô dùng để miêu tả đàn ông: "mặt như cái tĩn gà" hoặc "đít rúm như đít chó rồ"; khi bà cô mất, anh đến viếng, đi lẫn vào một đám đông, ở chỗ nhà tang lễ thành phố, cô là người duy nhất nhìn thấy anh, khi anh đi qua trước dãy dài gia quyến để ra ngoài; anh gặp bà cô một lần duy nhất, khi họ rời khỏi cái nhà thấm đẫm ân sủng ấy - cả nó nữa, rồi cũng đến lúc phải từ bỏ; nhưng không nên đẩy câu chuyện lên trước quá nhanh; "les dieux se sont indignés de voir la terre abandonnée à des monstres difformes, produits impurs du limon; ils se sont armés comme Apollon: Minerve, Mercure s'élancent pour les exterminer en attendant que la Sagesse éternelle repeuple la solitude de l'univers; Hercule les écrase de sa massue; Vulcain, le dieu du feu, chasse devant lui la nuit et les vapeurs impures, tandis que Borée et les Zéphyrs sèchent les eaux de leur souffle et achèvent de dissiper les nuages; les nymphes des fleuves et des rivières ont retrouvé leur lit de roseaux et leur urne encore souillée par la fange et par les débris; des divinités plus timides contemplent à l'écart ce combat des dieux et des élément; cependant du haut des cieux la Victoire descend pour couronner Apollon vainqueur, et Iris, la messagère des dieux, déploie dans les airs son écharpe"; cô rất gắn bó với cây khế mọc trong khu vườn nhỏ ngôi nhà của cô, những đêm nhiều gió cô hay lắng nghe tiếng lá của nó xì xào, như thể nói cho cô những điều gì mơ hồ; họ yêu nhau được một thời gian ngắn, chắc chỉ trên dưới một tháng, thì cô chuyển khỏi đó, nhưng chỉ để sang một chỗ cách đó mấy nhà - chìa khóa cổng của nơi này, cô sẽ sớm đưa cho anh - cùng trong một cái ngõ: nhà trước đó nằm gần tận cùng ngõ, còn nhà mới thì ra đến giữa ngõ; như là một đoạn tuyệt; cô kể với anh, ở nhà cũ, có lần khách khứa bị mất xe, thế mà cô bị tổ dân phố phê bình vì trông coi tài sản không cẩn thận, khiến cho tổ dân phố trở thành nơi xảy ra một vụ trộm; nhà mới không có cây khế nữa, nhưng sáng sủa hơn nhiều, dẫu vẫn nán lại trong vòng kiềm tỏa của một cái ngõ chẳng phải là không nhiều bí hiểm và bất an; cả nhà cũ lẫn nhà mới đều nhiều tầng và rất rộng, chưa bao giờ anh - và cả cô nữa - thực sự biết hết ngóc ngách của chúng; một đêm nọ (ấy là một đêm lão hàng xóm liền vách chưng hửng vì không nghe được gì, những âm thanh mà lão hau háu rình đợi) họ cãi nhau; thêm một lần cãi nhau mà ngay cả nếu có ai đó nghe trộm cũng sẽ không nghe được gì: những cuộc cãi nhau của họ có rất nhiều tính cách sourd; anh định bỏ đi, thói quen và cũng là sở trường của anh là bỏ đi, nhưng rồi anh quyết định đi tìm trong ngôi nhà một chỗ nào để chui vào; ở tầng dưới cùng có một căn phòng nhỏ chưa bao giờ anh vào, nó nằm kề sát đoạn dưới cùng của cầu thang; chỉ một thoáng sau, anh quay trở lên, hỏi cô, "em có biết trong phòng dưới tầng có người không?" phát hiện ấy (bỗng có người lạ trong một căn phòng ngôi nhà của họ) khiến họ mau chóng thoát được khỏi bầu không khí của cãi cọ; quả thật trong căn phòng kín, một dạng nhà kho, phòng để đồ, có một người đang nằm thu lu cạnh cây cột lớn, trên một tấm nệm sơ sài; trước khi tìm cách xử lý vụ việc vừa có vẻ đáng kinh hãi vừa kỳ quặc và thậm chí buồn cười ấy, trước cả khi tìm hiểu tại sao lại có thể như vậy được, cô thì thầm hỏi anh, "thế tức là vừa nãy  đã thấy hết à?" anh nhăn mặt gật đầu, cả anh cũng không muốn nghĩ đến khả năng đó; không nhìn thấy thì ít nhất cũng nghe thấy, cái kẻ ở trong căn phòng kia, chắc hẳn đã từ lâu, muộn thì cũng phải từ buổi chiều, trước khi trời tối; hôm ấy, họ ra ngoài ăn tối, lúc về đến nhà, ở chân cầu thang, cô đang đi lên mấy bậc đầu tiên thì anh kéo tay cô lại, anh muốn làm tình với cô ở ngay đó; anh cởi quần áo của cô không hề vội vã - giờ này trong nhà rất vắng, không lo bị bắt gặp, tuy bất tiện vì ở đó chỉ có một cái bàn thuộc dạng sơ sài tuy chắc chắn, nhưng sự mới mẻ của quang cảnh tất nhiên gây nhiều kích thích; cửa căn phòng để đồ chỉ cách chỗ họ miệt mài làm tình chưa đầy hai mét; thế mà sau đó họ lại cãi nhau, cũng chẳng hiểu là tại sao nữa - những cuộc cãi nhau giữa tình nhân thường khởi đầu từ chỗ chẳng có gì; với phụ nữ, gần như cứ hễ cãi nhau là anh bỏ đi, nhiều khi anh bỏ đi, tính đến lúc đã qua cơn thì quay về; dường như đó là điều tốt đẹp nhất mà anh có thể làm, và không chỉ là cho một mình anh; vài lần, bỏ đi rồi, anh không quay về nữa; một hôm, đã ở cái nhà có ban công không mấy giàu sức sinh nở, anh nhận được một cú điện thoại: một phụ nữ khóc lóc kể với anh mình vừa đi đường thì bị hai thằng đèo nhau giật đồ, đổ cả xe, chân bê bết máu, vì một chi tiết mà anh muốn nghe lại để kiểm tra: đấy là chỗ nào? đúng là chỗ rẽ xuống một cái phủ thờ một người phụ nữ toàn mặc đồ trắng có phải không? ngôi nhà nào cũng có một con trăn sống trong tường, màu của nó trùng vào với màu tường nên không thể nhìn thấy; điều này thì anh biết, cô ngạc nhiên nhìn anh vào cái lần đầu tiên nghe anh nhắc tới con trăn; ngôi nhà họ chuyển vào trong vòng một ngày mưa có một bên tường đặc biệt dài, dài đến khó tưởng tượng (và không hề có cửa sổ: mọi cửa sổ đều được trổ ở tường đối diện, cũng như phía trước và phía sau; cho tới lúc này, mới chỉ hoàn toàn có phần sau của căn hộ: ban công mà anh hay ra đứng chỉ là một trong hai ban công, đó là ban công nhỏ, vì phía trước và phía sau không đều nhau: tòa nhà càng về cuối càng thót nhỏ lại), cho nên tương ứng với nó là một con trăn khổng lồ; những ngôi nhà không có trăn trong tường đều không thực sự là nhà, chưa đến mức trở thành nhà; từng có quãng thời gian kéo dài, anh sống ở những nơi quá chật chội, có khi chỉ một căn phòng, ngày ngày cứ sau bữa tối là lần lượt hai người ở đó phải xuống đường đi dạo nửa tiếng: bất tiện của sống chung và chật, de l'inconvénient de vivre à deux; cho nên, ngay sau một lần bỏ đi và không quay lại, anh tìm một ngôi nhà thật lớn, để sống một mình, nó đủ lớn để có cả đống không gian chẳng bao giờ dùng đến, có như vậy anh mới bắt đầu thoải mái ngủ, nhưng nhất là thoải mái thức (đó là trước khi anh và cô yêu nhau, anh vẫn còn ở hẳn bên của sự thức); nhưng chưa bao giờ có ngôi nhà nào to như nơi anh và cô chuyển vào với sự giúp đỡ, đúng hơn là nhờ dịch vụ, của Hercule hở hàm ếch; con trăn ở đây chắc đặc biệt khổng lồ, nhất là khi có cả một bức tường không cửa sổ chạy dài như sân vận động; rất hiếm khi họ ra ban công phía trước, mặc dù nó rất rộng và nhìn ra một quang cảnh mà bất cứ ai sống ở thành phố này cũng ao ước; tuy sống trong một cái nhà rộng như vậy, nhưng cũng giống hồi ở mấy nhà trước đó, lúc nào họ cũng ở trên giường với nhau; thật ra họ chỉ cần mỗi cái giường, mọi thứ khác chỉ là phụ; nằm cạnh nhau, anh kể cho cô về những chỗ chật hẹp anh từng ở, về cảm giác khó ở mỗi buổi chiều, nó ngăn cản anh, khiến anh lần lữa không muốn quay về ngay cái nơi anh đang sống cùng một ai đó; anh gọi cô là người phụ nữ nằm trên giường, chưa bao giờ trong đời, anh ở trên giường nhiều thời gian đến thế; cái giường quyết định rằng, họ không có bí mật nào với nhau;"le voeu de briser l'aiguillon torturant de la nostalgie"; "j'allais justement dérouler devant toi, en périodes claires et véridiques, l'histoire rigoureusement exacte de notre légèreté et de ma lourdeur; j'allais développer peu à peu, selon des lois naturelles, le malentendu qui porte atteinte au point le plus caché de l'existence la plus subtile"; "ce beau chaos d'harmonies sublimes"; một lần, họ về đến nhà từ một nơi xa thì đã quá nửa đêm, leo nhiều tầng gác, đứng trước cửa thì anh tìm mãi mà không thấy chìa khóa đâu; có lần hết túi quần túi áo, lục cả trong túi xách, va li thì vẫn không thấy chùm chìa khóa: thế mà anh luôn luôn là người giữ những gì quan trọng nhất, không bao giờ anh để mất trật tự và mất hút các đồ vật - không hẳn anh là một người cẩn thận, chỉ đơn giản là anh biết cách; sau một hồi lâu vô vọng và đã ở trước nguy cơ cả đêm phải ở bên ngoài - vốn dĩ họ đã quá mức nóng lòng gặp lại cái giường; lần nào đi đâu về họ cũng sung sướng được nằm lại lên cái giường của họ, những cái giường ngày một đơn giản hơn theo chiều dài mối tình của họ, vì sẽ đến lúc dần dần chẳng còn thực sự cần gì nữa, đến lúc mọi đồ vật và đồ đạc chỉ cần là đúng như chúng vốn dĩ, cần phải gỡ đi các hoa lá rườm rà, sau một hồi lâu, cô bảo anh, "để em xem nào", dường như vừa nói cô vừa thoáng có nét cười, anh có cảm giác như vậy nhưng không thể biết là có đúng thế thật hay không; cô mở lại cái va li anh vừa lục tung lên: chùm chìa khóa nằm ngay đó, trên mọi thứ quần áo; con trăn lớn trong bức tường như thể thở một hơi dài, cả nó có lẽ đôi khi cũng thích đùa; sự mất trật tự, thậm chí hỗn loạn của cô, mà anh vẫn hay mang ra để mắng, có lúc tốt hơn nhiều so với ngăn nắp và trật tự; miễn sao đúng thời điểm là được; họ hay đi xa với nhau, bất kỳ đâu


"thực tại, cô nói với anh, nếu mà có thực tại thật, thì đó không thể là gì khác ngoài đau đớn, ở ngoài đau đớn thì không có thực tại nào", cô nói với anh nhiều lần, rất nhiều lần, như muốn anh không được quên: nếu chỉ có duy nhất một điều anh nhớ được, sau khi đi qua mọi sa mạc mà anh phải đi qua, thì phải là điều đó; để nhớ được, cần phải nhắc đi nhắc lại, bao nhiêu lần? ba lần, bảy lần, mười sáu lần, một trăm tám mươi chín lần, hay vô số lần? nhớ đến một mức độ, thì ấy chính là hiểu; cô cũng hay nói: "what's the big deal?" cô cũng có idiom riêng, ai cũng có (thậm chí anh từng biết một người cứ mở miệng là nói, "you know": cả đời mang vác một idiom như "you know", nghĩ đến là lạnh cả sống lưng; hồi anh còn đi học, một cô giáo dạy môn Giáo dục công dân hay nói "coi như là" đến nỗi nhiều đứa trong bọn anh gọi cô là "cô Giáo dục coi như là"; đã có lần bọn anh tổ chức đếm thử xem trong một tiết học cô giáo nói "coi như là" bao nhiêu lần, kết quả là đếm được ba mươi bảy, chắc chắn đó vẫn còn chưa là kỷ lục cá nhân, PR, của cô); trò chơi ưa thích giữa họ là nhận biết các cách nói như vậy ở người khác - một đôi, tức là một cái tổ của sự đồng lõa; nếu không đồng lõa được với nhau, hai cá thể vĩnh viễn vẫn cứ là hai cá thể vờ vĩnh chơi trò sống cùng: anh và cô có thể mặc quần áo của nhau, cô rất thích mặc đồ của anh, và cả anh, những lúc đặc biệt không béo, cũng mặc được đồ của cô, nhưng dẫu béo hay gầy thì anh toàn lấy khăn của cô để quàng - "nhựng cánh đồng muối trặng", "gừng cay mà muối mặng", nhưng nhất là "làm cái rầm"; đối với họ, không gì kỳ thú hơn những gì có xuất xứ kịch nói trên sân khấu một thời (cũng như từ phim truyền hình nhiều tập): họ gắng hết sức nín cười để sau đó tha hồ cười riêng với nhau, mỗi khi nào nghe thấy ai nói "không thể nào": ba chữ như ba tiếng trống, như cây kim đan liên tục chúi đầu xuống trong các mũi của nó để làm sản phẩm rộng lớn của sự lố bịch; có lần anh vội chìa cho cô xem một cái tin nhắn điện thoại vừa nhận được, nó được bắt đầu bằng "hãy nhớ": hàm ý đe dọa của cái tin nhắn bỗng trở nên đặc biệt vô hại, thậm chí còn tốt tính một cách mơn trớn, hai từ đó gợi ngay lên một ông Di Lặc giả dạng Dạ Xoa; bất hạnh là không cười được cùng nhau, khóc cùng thì rất dễ, nhưng cười cùng thì lại rất khó, và rất hiếm; ở cái nhà tường dài có lần một trong những cánh cửa bị hóc khóa, trời đã tối nhưng anh vẫn phải lao ra đường tìm bằng được một ông thợ khóa dẫn về: cánh cửa nằm ở vị trí quan trọng, nếu không muốn nói là xung yếu, trong trận đồ bát quái mà cái nhà bày ra - mặc dù sống ở đó không ít thời gian, chắc chắn họ chưa biết hết ngóc ngách trong nhà, vả lại ngôi nhà trước đó, nơi có lần họ phát hiện có người lạ nằm ngủ trong một căn phòng, cũng là nhà có cái chìa khóa thiếu điều đã quyết định mối quan hệ giữa họ, họ cũng đâu biết nhiều lắm; họ chẳng nhìn thấy gì khác ngoài nhìn thấy nhau, nhưng đó không phải là một cuộc si mê, hoàn toàn khác; thêm một hiện thân nữa của Héphaistos xuất hiện tại nơi ở của họ, một Héphaistos thích hí hoáy tay chân; nhưng cái nhà ấy nằm dưới sự chủ trì chính yếu của thần Minerve, nói đúng hơn là con chim của nữ thần ấy: những buổi hoàng hôn ập xuống nhà của họ như một cuộc tấn công tổng lực, bắn tung tóe ra những tia tím ngắt, những hoàng hôn đẹp lạnh lẽo đến đông cứng cả người, thật là cả một phép mầu, khi họ sống sót được, sau đó; vẫn những chìa khóa và ổ khóa: một lần họ đi cùng nhau tới một thành phố khác, một thành phố nhiệt đới, quá mức nhiệt đới; họ được mời đến ở nhà một người quen; anh vào toa lét và cửa bị hóc khóa, không mở ra được nữa; cả nhà xúm vào hì hục nhưng mãi mà không mở nổi, còn anh, ở bên trong, nóng quá mồ hôi đầm đìa nhưng cũng đã kịp nhận ra, mấy ngày đó cô thấy anh đáng ghét, vì cô thấy như thế cho nên ổ khóa hóc; người ta đã định phá cửa để anh ra thì bỗng nhiên cửa lại mở, như bình thường - cô đã hết ghét anh; đấy cũng là cái lần khiến họ hiểu ra một điều rất đơn giản: không bao giờ nên đến nhà ai ở, xáo trộn sẽ là quá lớn; cô nói với anh: "hai người sống cùng nhau, đó là việc đơn giản nhất, nhưng lại rất khó, nó khó vì quá đơn giản, chính vì thế người ta mới tổ chức đám cưới sao cho nhộn nhịp hết sức, sự nhộn nhịp vui tươi nhằm đè nén nỗi sợ; một mình thì người ta sợ, nhưng không một mình nữa, thì người ta lại càng sợ"; anh nói cho cô về đoạn cuối đời của Dostoievski, lúc Dostoievski đã nhận ra nỗi sợ ở con người ghê gớm đến thế nào, và không làm gì khác ngoài miêu tả nó, cứ nghĩ đến Kirilov là có thể hiểu rất nhiều điều; và anh hỏi cô: "mình có cưới nhau không?", những chuyện như vậy, cô mới là người quyết định, chứ không phải anh; "nếu mình có con gái, cô bảo anh, em có thể tưởng tượng anh sẽ chiều nó khủng khiếp"; cô là người duy nhất anh có thể kể được về ba lần đã chết của anh, lửa và nước, nước và lửa, nhưng nhất là anh kể cho cô về ba lần anh rơi vào những tòa nhà bỏ không, hoang vắng, bị nhốt lại ở đó; nghe anh kể chuyện, cô nói: "mỗi người có mê cung riêng, ai cũng phải trải qua, ai cũng phải từ đó đi ra, dẫu phần lớn con người không hề ý thức được điều đó", và cô nói tiếp: "nhưng khi là hai người, thì mê cung dựng ra trước họ mới thực sự khủng khiếp"; thế giới là tổng thể của những ổ khóa và chìa khóa, trong đó phần lớn là ổ khóa hóc, những ổ khóa không có chìa và những chìa khóa chẳng biết mở được ổ nào; hồi sống tại nơi mà mỗi hoàng hôn đều đẹp như một cuộc tấn công đẫm máu, một trận công thành, một a la xô pháo đài, họ hay đi xem phim, những suất chiếu cuối cùng, muộn, khuya khoắt; rạp chiếu phim nằm ở trên cùng một tòa nhà đậm hơn cả màu sắc nouveau riche giờ đây đã phủ đầy lên thành phố tưởng chừng chỉ lưu cữu sự phủ lên của sương mù, có một phố chéo chạy qua một bên hông, hông phía bên đối diện là một phố đã đánh mất đi dáng vẻ đáy biển lặng lẽ xưa kia của nó, nhưng mặt chính là một phố vang dội của thành phố; họ đi xem phim ở đó nhiều lần, toàn những phim blockbuster nhảm nhí, đã đến lúc không còn tin vào phim ảnh được nữa, chúng ở đó để nhắc cho chúng ta về ảo tưởng, chẳng có gì khác; họ thoát ra khỏi các bộ phim bằng cách xem những bộ phim nhảm nhí, trước khi không còn xem phim gì nữa; chính ở cái tòa nhà ngớ ngẩn ấy họ đã gặp nhau lần đầu tiên, một cách tình cờ, tất nhiên không phải ở trên cao, tầng trên cùng, mà bên dưới, tầng thấp nhất; trong quãng thời gian dằng dặc cô đợi anh mà không biết lúc nào anh sẽ đến, không lâu, không nhanh, chỉ toàn là đau đớn, ti vi trong phòng ngủ của cô lúc nào cũng bật; bất hạnh là đi thật sát vào tường, bất hạnh là để ti vi luôn luôn phát ra tiếng, bất hạnh là không ngủ được; kể từ khi họ sống với nhau, trong nhà họ không có ti vi nữa; họ hay từ nhà đi đến rạp chiếu phim ấy khi đã muộn, một lần xem xong phim thì đã quá nửa đêm lâu, họ đi về trong một cơn mưa mùa đông dữ dội, phố phường hoang vu không một bóng người, tất tật chìm trong sự trắng lóa của mưa như trút các dòng thác xuống phản chiếu ánh đèn đường hiu hắt; lần cuối cùng đi xem phim, họ đã không đến được rạp; chỉ đi một đoạn thì họ nhận ra xe của họ không đi được, anh hì hục cố sửa nhưng không nổi - thật ra ngay từ đầu anh đã biết mình không sửa được, vốn dĩ anh chẳng biết làm gì; bộ phim hôm ấy họ định xem và đã mua vé là một tập về cậu bé phù thủy trên trán mang dấu hiệu được lựa chọn, đến tập ấy thì đã lớn; cuối cùng họ đã không bao giờ xem tập phim đó; cái xe bị hỏng đêm hôm ấy nằm ngay ở một đoạn đường bên cạnh có cầu thang dẫn xuống một phố thấp, một khung cảnh lẽ ra có thể thơ mộng; nhưng khi đã ở trong mê cung, thì làm gì có gì thơ mộng được nữa; mùa đông của những bộ phim và cả phim xem hụt ấy là mùa đông thứ hai của họ; mùa đông đầu tiên chứng kiến họ đi đến một thành phố khác và trở về trên một chuyến máy bay mà suốt hai tiếng họ không ngừng cãi nhau: không biết về sau này người ta có còn sử dụng các máy bay loại nhỏ như thế, hai bên cánh là các dãy chỉ có hai ghế; ghế ngồi trên máy bay thì cũng hơi tương tự ghế trong rạp chiếu phim, sự êm ái nhìn chung chỉ dùng để đánh lừa, và đó là loại ghế người ta phải cố mà chịu đựng ngồi đó đợi cho hết vài tiếng đồng hồ; đêm hôm trước đêm của chuyến bay là một trong những khủng hoảng lớn hơn cả trong một quan hệ của họ, thuộc vào số những đêm khiến người trải qua có thể bạc trắng hết tóc vào sáng hôm sau, nhưng không lâu trước đó đã có một đêm khác, anh quyết định đến nhà cô vì đoán được rằng cô đang rơi vào một sự suy sụp mênh mông; cái cầu thang vào ban đêm gây nản chí hơn mọi thứ gì trên đời, về sau anh sẽ kể với cô, đêm hôm ấy anh cứ có cảm giác, lúc bước lên các bậc cầu thang, là mình đang đi xuyên qua một cái gì đó cứ không ngừng đi lên đi xuống; "anh có biết X không?" tất nhiên là anh biết, anh hơi nhếch mép, biết loáng thoáng, anh không thích giao du với những nhân vật tưởng chừng như thuộc một trong những giới của anh, nói đúng hơn, anh không có giới nào, không có tầng cầu nào khiến anh sẵn sàng chui vào: việc của anh là đi ra; "em cũng nghĩ là anh biết, một dạng rich kid thuộc thế hệ ấy, học hành không tệ, nhiều đặc quyền bày sẵn, nhìn chung là sẵn nong sẵn né hết cả; cuộc đời cứ trơn tuột mà thun thút đi theo một hướng có sẵn"; "phải - anh nghĩ - lạc đà chui qua lỗ trôn kim"; "một lần, đang chán nản quá, được rủ đến một bữa tiệc của một đám, em cũng đi, thì tất nhiên ở đó toàn cùng một kiểu với nhau; hôm đó là lần đầu tiên em gặp X; X cứ nhìn em suốt cả buổi; đến lúc em đi về - trước, tất nhiên, cả đám còn ngồi lại - thì X đi theo em, em đi bộ, còn X thì đi xe đằng sau, xe Vespa, tất nhiên; cứ rồng rắn như vậy, em cũng kệ, gần như không đáp lại X; về đến cửa nhà, em mở cửa đi vào thì X hét lên với em một câu, bằng tiếng nước ngoài, một câu nói lên rất nhiều điều về việc những người như vậy nhìn em như thế nào, toàn là stereotype"; anh nghĩ, cũng không thể khác được; "chắc chắn là anh nhớ hôm đó, hồi mình mới yêu nhau, cũng chính vì nhớ anh quá nên em mới nhận lời đến chỗ kia; ngồi đó rồi, giữa cả đám, em toàn nhắn tin cho anh, rồi em bắt đầu lảm nhảm, anh nói qua tin nhắn điện thoại bảo em đi về đi, em định khiêu khích và thách thức anh, vì có những lúc em như thế, anh nhớ anh đã nói gì với em không? nguyên văn câu của anh lúc ấy là, "em có nghe lời anh không?" đấy chính là lần đầu tiên em nhận ra là em sợ anh như thế nào, một câu tin nhắn điện thoại mà làm em bỏ về giữa một bữa tiệc"; quẫn là một trong những từ hay nhất: nó dài dằng dặc, nó lanh lảnh nhưng đồng thời cũng như thể chìm xuống, ấn vào giống sắt nung, và nó quẫy đạp, trong cơn tuyệt vọng; nhiều lần họ vòng trở về với quãng thời gian trước đó, cô hỏi anh, "nhưng tại sao đã gặp nhau rồi mà mãi anh không nói gì với em? anh để bẵng đi bao nhiêu thời gian, mặc dù chắc chắn anh biết, ở lần gặp đầu, là em sẵn sàng nói chuyện với anh, thậm chí em thích gặp anh, tại sao anh lại biến mất?" giữa lần gặp đầu tiên và lần gặp thứ hai của họ là một quãng rất dài, nhiều năm; điều đáng mỉa mai là thời điểm họ gặp nhau lần đầu, cả hai đều vừa thoát ra khỏi những gì ràng buộc trước đó, available, như báo lá cải và phụ nữ bourgeois hay nói - chắc hẳn cũng chính vì thế mà họ đã gặp nhau, phải gặp nhau, giống như là cả một cơ hội lớn mở ra trước họ; nhưng cuộc đời chỉ gồm toàn những ligne de fuite; anh cũng không chắc chắn lắm tại sao mình lại im lặng, không gọi điện thoại cho cô, không hề tìm cách gặp lại cô sau lần đầu tiên họ tình cờ gặp nhau tại một nơi nằm ở tầng trệt cái tòa nhà tại một phố ấy; vì một đôi thì nhất định phải tìm ra lời giải thích cho một số điều quan trọng giữa họ, trong câu chuyện chung của họ, cô và anh đã tìm ra một lời đáp: nếu mọi việc diễn ra bình thường, sau một cuộc gặp đầu tiên giữa hai người nơi người nào cũng thấy rất thích người kia, lại còn ở trong hoàn cảnh đặc biệt thuận lợi, mà tiếp tục ngay, thì mọi sự sẽ dễ quá; nhưng làm sao mà từ chối mê cung được? thậm chí, còn phải tự tạo ra mê cung; ngay sau đó, cả cô lẫn anh đều sẽ lại chui vào những ràng buộc mới, những điều trở nên khó thoát ra hơn nhiều; nhưng, nếu phải như vậy thì phải như vậy; một nhà văn nói, trong một cuốn tiểu thuyết mỏng, rằng cuộc gặp đầu tiên giữa hai người là một vết thương, cho cả hai; anh đã không nói chuyện với cô để tiếp tục câu chuyện ngày hôm đó, suốt mấy năm trời, là vì anh cần hồi phục sau vết thương chăng? nhưng anh biết, một lý do quan trọng là anh không bao giờ là người đi bước trước, trong mọi mối quan hệ; anh chẳng làm gì khác, ngoài ở đó; thêm nữa, kể từ khi cô nói cho anh biết, rằng anh là một nhà ảo thuật (sans le savoir) thì anh còn nhìn ra được một điều (thậm chí là một chiều) mới để giải thích cho sự biến mất và sự vô hình đặc biệt phi lý của anh; một nhà ảo thuật thấy được thỏa mãn (thậm chí, rơi vào euphoria) sau khi đã diễn numéro của mình, chỉ cần diễn xong là đã đầy đủ, đã là chẳng cần gì nữa; dẫu có thế nào, mọi chuyện đã thật kỳ lạ, một câu chuyện của từ chối phép mầu; vả lại, ngoài đau đớn, còn có gì khác nữa đâu; đêm đầu tiên họ ở với nhau là khi cô vẫn còn sống tại ngôi nhà trong ngõ (nhà đầu tiên); đêm đầu tiên tất nhiên làm sao mà ngủ được: gần như không thể ngủ; nhưng sự không ngủ không hẳn là vì những điều ai cũng nghĩ đến; nằm trong vòng tay anh, trên tấm đệm (sang đến ngôi nhà cùng ngõ, sau đó, cô mới lấy về một cái giường: lúc ấy, đã có anh, cô mới bắt đầu thấy thực sự cần có giường), cô nói, "em kể cho anh nhé, chưa bao giờ em kể với ai, không một ai trên đời biết những điều em sắp nói"; anh biết như vậy nghĩa là thế nào, rằng cô đã phải vượt qua những gì để có thể làm được như vậy, và nhất là cô đã thấy ở anh những điều chưa từng có một người nào biết cách nhìn thấy; rất lâu, anh im lặng nằm nghe cô kể chuyện, có những lúc người anh lạnh toát, khi lại chực nhỏm dậy, thế mà anh tự biết mình là người máu lạnh đến mức nào; một đêm khác, họ quyết định từ nhà đi bộ ra ngoài đường: đi ăn đêm (những bữa souper ngon tuyệt sẽ trở thành một dạng nghi thức của họ, trong những năm về sau; họ ăn mọi thứ trên đời, gần như thấy mọi thứ đều ngon - chỉ sau vài tháng, cô bảo anh, "chưa bao giờ em ăn nhiều như thế này"; thời điểm họ bắt đầu yêu nhau, cô trở nên xanh lướt và trong suốt vì không ngủ và không ăn được nữa); đêm hôm ấy trời mưa, một cơn mưa rào mùa hè; mưa trong ngõ ở thành phố là cả một bản nhạc tuyệt diệu, rất nhiều bè, với không biết bao nhiêu modulation; nước rơi xuống các vũng đã hình thành, bắn lên chân họ; anh cầm ô, cô nép sát vào anh, rất may trời mưa đêm khuya ngõ vắng, không ai nhìn thấy khuôn mặt họ lúc ấy - chắc hẳn đó là hai khuôn mặt Shiva; đừng nhìn; nếu mà có thể, cần phải đi vào được các point d'orgue; giống như là đi ở trong khu rừng rậm, đi mãi đi mãi chẳng thấy gì khác ngoài sự bịt bùng hung hiểm, bỗng bước vào một khoảnh rừng thưa, một quãng trống hân hoan; ngồi cạnh cô - tất nhiên, ở trên giường - anh đọc một cái email mới được gửi đến, trong đó có chi tiết làm anh thấy buồn cười, anh đưa cho cô đọc; không ngờ, cô đọc đi đọc lại nó, một email rất ngắn, cuối cùng cô ngẩng đầu lên nhìn anh, mắt cô lấp lánh tinh quái, và hỏi anh: "anh không biết là  muốn ngủ với anh à?"; đó là điều chưa bao giờ anh từng nghĩ đến, nhưng câu nói của cô như thể rọi một luồng ánh sáng rất mạnh khiến trong phút chốc anh nhìn ra rất nhiều điều; luôn luôn là như vậy, lúc nào ta cũng nhìn thấy mọi điều nhưng lại không hề nhìn thấy, chẳng có điều gì buồn nhọc sức tự che giấu đi, mọi sự đều phơi bày, thế nhưng đó lại chính là sa mạc, sa mạc nằm ngay ở những chỗ nào phong phú nhất, ngồn ngộn nhất; chắc hẳn đó chính là nguyên nhân làm cho người ta cảm thấy trống rỗng: không phải vì không có, mà vì có quá nhiều; cô là người nhìn thấy mọi thứ, không sót gì bao giờ; những ngày mới chuyển sang nhà mới nhưng vẫn ở trong cái ngõ nơi đứng ở ban công không nhìn thấy gì ngoài cây leo chằng chịt, nếu không phải là lũ chuột chạy trên dây điện, cô có một trợ lý, cô gái ấy lấy của cô một cái áo, anh sẽ không bao giờ hiểu tại sao một cái áo giữa vô vàn quần áo của cô biến mất mà cô lại biết được ngay; anh không biết phụ nữ nào nhiều quần áo như cô, lần đầu tiên trông thấy chúng anh choáng váng, nhưng cũng hiểu, cô từng cô đơn đến thế nào; "anh cứ thấy - cô nói với anh - em nhìn được nhiều thứ như thế, nhưng thật ra là ngược lại với anh nghĩ, nhìn thấy quá nhiều tức là chịu một lời nguyền rất lớn, nhiều khi em chỉ mong mình đừng nhìn thấy nhiều như thế; và cũng ngược lại với anh nghĩ, không phải là em chỉ đường cho anh vì em biết nhìn đâu, chính anh mới là người mở lối cho em, nếu không có anh, em sẽ không thể làm nổi"; họ có cái Tết đầu tiên thực sự cùng nhau khi đã chuyển sang cái nhà bức tường dài, năm trước đó, vẫn ở cái nhà (nhà thứ hai) trong ngõ, chiều 30 anh đợi cô, cô từ một chuyến đi miền núi về, nhìn thấy cô là anh đã biết cô không khỏe, cô phải nằm một lúc, nhưng sau đó thì như không có chuyện gì xảy ra; họ đã bắt đầu hiểu, chỉ cần anh không ở bên cạnh cô vài hôm, cô sẽ yếu đi trông thấy, như thể sinh khí cứ dần dà tan biến đi đâu mất; chuyến sau đó, anh sẽ đi cùng cô, họ sẽ bắt đầu những chuyến đi dài cùng nhau, rất nhiều chuyến đi, lắm lúc có cảm giác lúc nào họ cũng đang ở trên đường; về nhà buổi chiều 30 Tết ấy, cô mang theo một cái bồn tắm hình tròn bằng gỗ, kiểu miền núi; khi nó đã được đặt vào phòng tắm, cả anh và cô đều hiểu, nó sẽ có vai trò gì, đối với họ; Tết đầu tiên cùng nhau, những ngày ấy: họ không biết rằng như vậy cũng tức là, mê cung đã thực sự mở ra, và phải cùng nhau đi trong đó, tìm cách mà thoát ra; anh kể cho cô về một ngày giao thừa khác, trước đó vài năm - chỉ sau đó một thời gian rất ngắn, họ sẽ gặp nhau lần đầu tiên, cuộc gặp vừa mở ra vừa đóng lại, trông như thể là một điều đáng tiếc; năm đó, anh sống một mình ở một cái nhà lớn; chập tối hôm 30, mưa phùn gió bấc ảm đạm, một người phụ nữ đến, trốn chồng đến, mang cho anh vàng mã, và khi thấy anh có vẻ không thực sự biết phải làm thế nào thì còn tự tay châm lửa ngồi đốt từng tờ giấy với anh; vàng mã và tàn tro; "J'aime à me retourner vers le printemps de notre amour; je vois les changements, les transformations; je les revis une fois encore et je voudrais saisir quelques contours légers de la vie fugace et leur donner la forme d'une image inaltérable, pendant qu'il y a encore en moi un plein été. Oui, avant que cela aussi ne soit évanoui et qu'il soit trop tard! Nous, mortels, nous ne sommes ici-bas que les plus nobles plantes de cette belle terre. Les humains oublient cela facilement"; "- tất cả chim đều sắp đẻ - thật à? - vâng - đấy có phải là lời của thiên thần không? - vâng, đúng rồi"; đủng đỉnh, lững thững và lừ lừ; cơm không ăn gạo còn đó; ở cuộc gặp đầu tiên giữa họ, đến giây phút cuối, khi từ cái ghế bên cạnh anh, cô đứng lên để đi về trước - ngay sau đó cô có hẹn, và đúng là có hẹn thật - anh mới chợt thấy; tận lúc ấy anh mới thấy; câu chuyện giữa họ, trước đó khiến không chỉ bỗng họ tạo thành một khối tách khỏi những người có mặt quanh cái bàn (một bữa trưa rất đậm mùi nouveau riche; cả cô lẫn anh về sau đều nói lẽ ra mình đã không đến đó, vì thấy viễn cảnh quá đáng ngán ngẩm, nhưng rồi họ lại đến, cô vì ngay sau sẽ có cuộc hẹn khác, rất tiện đường, anh thì vì bỗng có một buổi trưa không biết làm gì, một buổi trưa bơ vơ và chơ vơ, như anh vẫn hay trải qua - cũng chính vì thế, anh đến rất muộn, người cuối cùng, lúc tới nơi anh thấy ghế cạnh cô còn trống nên ngồi luôn xuống đó: cô bảo, đã không ai dám ngồi vào nó; sợ mất lòng những người mời chỉ là lý do rất phụ, đối với họ) mà còn chẳng hề thấy áy náy hay ái ngại vì từ tư cách khách mời râu ria lại trở thành một cái gì đó khác hẳn; những người khác, về sau này họ mới nghĩ, chắc hẳn cảm thấy cả bị cho ra rìa lẫn một cái gì đó lo ngại; vài câu xã giao ban đầu khiến những sợi dây nối không ngờ xuất hiện; phòng làm việc của anh (một trong những phòng làm việc của anh) lúc đó từng là phòng làm việc của bố cô; đó là một căn phòng có cửa sổ nhìn thẳng xuống một phố rất đông đúc, mà cô từng rất biết; sau này, khi anh đã rời khỏi phòng ấy - sau một thời gian dài gắn bó với nó; anh hay đến đó những lúc biết chắc chắn sẽ không có ai khác; ít nhất thì nếu vậy, vào mùa hè anh cũng không phải bật điều hòa nhiệt độ, mà mở cửa sổ thật rộng; bàn của anh kê ngay sát cửa sổ - chỉ được một thời gian ngắn, anh được kể cho là một cái cây rất lớn rất liên quan đến căn phòng, một cây cổ thụ rất lâu năm, bỗng chết; anh kể cho cô chuyện ấy, cô nói: "cái chỗ đó xong rồi đấy"; một trong những hệ quả là anh phải nhận một biệt hiệu: Tử Mộc; một trong những lần họ nhắc lại cuộc gặp đầu tiên ấy, anh nhớ ra một chi tiết và hỏi cô, "em còn nhớ hôm đó có một quả ngồi ở bàn khác cứ liên tục sai nhân viên phục vụ mời em sang ngồi cùng không?" - "có chứ,  nhận ra em" - "anh đã hỏi em là em có quen nhân vật ấy không" - "vâng, em chẳng biết đấy là ai, và em bảo anh, kệ thôi, nhưng anh lại hỏi tiếp, có cần anh xử lý không, em vội bảo là không cần, đằng nào thì cũng sẽ chẳng có chuyện gì đâu" - "anh để mắt đến quả đó suốt, đúng một dạng tay chơi nhưng là tay chơi lúc nào cũng ngồi ghế vì nếu đứng dậy thì sẽ thấy ngay là lùn xủn, cái gì cũng bóng mượt; nhưng rồi mải nói chuyện với em, về sau anh cũng không biết  biến đi từ lúc nào nữa"; cô còn cho anh biết một điều, cái điều đã khiến anh cười không ít; mời họ đến bữa trưa hôm đó là một cặp, không biết có đúng là một cặp hay không nhưng mỗi người trong hai mời anh và cô, một cách riêng rẽ - chừng như người này muốn gây ấn tượng với người kia bằng cách, người này mời cô, người kia mời anh; buổi hôm đó không chỉ có cặp ấy, anh và cô - tất nhiên không phải là một cặp, ít nhất là chưa, còn lâu; cô bảo anh, người đã mời anh (và thiếu điều anh đã không đến, dẫu đã nhận lời - từng nhiều lần anh làm như vậy và chưa bao giờ thấy cắn rứt lương tâm; cô cũng thế) bảo là thân thiết với anh như Bá Nha Tử Kỳ; điều này làm cho anh cười rất nhiều: nếu mọi mối quan hệ xã giao đều là Bá Nha Tử Kỳ thì thời nào cũng Nghiêu Thuấn hết, nhất là khi với nhân vật đó, anh không có gì khác ngoài vài lần nói chuyện lớt phớt và gần như chẳng gặp bao giờ; trong chuyến đi kết thúc bằng cuộc cãi nhau trên máy bay và cái chìa khóa nhà đầy oan ức của họ, ở đoạn cuối cùng xuất hiện một nhân vật; lúc ấy anh thấy vậy thì tự nhiên, nhưng về sau mới nghĩ ra, điều đó chẳng hề có chút tự nhiên nào; nói ngắn gọn, nhân vật ấy, lúc trước anh cứ tưởng không phải là một con lợn, nhưng hóa ra lại cũng là một con lợn; chuyến đi đó, đêm đầu tiên là cả một thiên đường, nhưng đêm thứ hai, đêm cuối cùng họ ở thành phố lạ nhưng đã bắt đầu trở thành quen với họ, nơi họ có thể đứng hôn nhau trên hè phố, tại các khách sạn họ từng ở, về sau họ mới hú hồn nói với nhau, may mà hồi đó chưa có nhiều camera ở hành lang, cầu thang, cái đêm ấy, gần như cả cô lẫn anh đều không dám nhớ lại; hình ảnh cuối cùng, ít nhất đó là hình ảnh anh muốn giữ trong tâm trí, là cô ngồi trang điểm trước gương, hoàn toàn khỏa thân - họ chuẩn bị ra ngoài đi ăn tối; anh đứng tựa vào khung cửa căn phòng khách sạn, ngắm cô, sự lộng lẫy ngay trước mặt vẫn làm len lỏi vào trí tưởng tượng của anh một cái gì đen tối và mờ ám; người ta không có dự cảm về những điều tươi sáng, mà chỉ biết trước được những tàn khốc, chúng giống như hàng nghìn mũi kim vô hình bắn tới, đồng loạt; một buổi tối bắt đầu như thế, vậy mà nó lại kết thúc - chẳng phải là không có một phảng phất của hài kịch; bi kịch nào cũng cần có liều lượng hài kịch nhất định, bi kịch càng lớn thì hài kịch đi kèm càng lớn, hơi giống chuyện, bất kỳ giọng trưởng nào cũng vương vấn một giọng thứ, dẫu thường chỉ là vô hình - với cảnh anh mở mắt vào tờ mờ sáng hôm sau trên một cái giường, với bên cạnh một người đàn ông to béo cởi trần ngáy rất to; trong cơn váng vất, anh lần được về khách sạn của họ, mà đã đoán được từ trước là sẽ không thấy cô nữa, rất có thể sẽ chẳng bao giờ thấy cô nữa: hình ảnh của tối trước đó, cô khỏa thân ngồi trước gương trang điểm để đi ra phố cùng anh, vậy thì quả thật sẽ là hình ảnh cuối cùng; hồi họ mới yêu nhau, cô hay hỏi anh xem mình ăn mặc như thế này đã được chưa, và sau đó thường lẩm bẩm, nhưng tại sao lại đi hỏi anh nhỉ, anh làm gì có chút uy tín hay bảo chứng nào cho những điều như thế, nhưng rồi cô sẽ vẫn hỏi anh; trong ngày hôm ấy, anh không biết phải làm gì, mọi thứ đều vỡ vụn và sụp đổ; cũng tại chỗ ấy, thành phố đó, trong một chuyến đi của họ, lúc chập tối, anh đánh thức cô dậy để đi tìm cái ăn, vẻ mặt cô khi tỉnh là vẻ mặt của toàn bộ một vũ trụ lạ thường; mất một lúc, cô nhìn anh đăm đăm, như đang cố nhận ra anh, như thể cô vừa từ một nơi nào rất xa quay trở lại, mọi thứ vẫn còn chưa khớp, chưa thực sự về đúng chỗ của chúng: một trật tự khác, một tầng khác; rồi cô mỉm cười, cô ôm lấy cổ anh, anh có cảm giác cô bật khóc đến nơi, và cô nói: "anh có biết em vừa nhìn thấy gì không, khi em mở mắt và nhìn thấy khuôn mặt anh, gần sát em, anh có biết em vừa nhìn thấy gì không?" đấy là giây phút của sự hiểu, khoảnh khắc của nhận ra; nếu không có cô, làm sao anh biết được; nếu họ không có nhau, làm sao mà lại như vậy được; rồi nhân vật mà anh cứ tưởng là một người bạn, chợt xuất hiện, tự đề nghị đưa anh ra sân bay; anh phải cố giữ một vẻ mặt không thiểu não quá mức; trên đường người kia đưa anh đi thì cô nhắn tin điện thoại; cô không chịu được nữa, sự vắng mặt của cô đối với anh như thế nào thì sự vắng mặt của anh đối với cô cũng giống y: điều đơn giản ấy, mãi mà họ mới hiểu được; cuối cùng, họ đi ra sân bay cùng nhau, nhân vật vừa xuất hiện đã tan biến; cơn ác mộng tất nhiên chưa kết thúc ngay - làm gì có mê cung nào đơn giản thế - còn mấy tiếng trên máy bay, đợt lạnh đầu tiên đợi sẵn họ, như đón lõng, ở thành phố của họ, nơi họ quay về; mùa đông năm ấy ngắn nhưng rất lạnh, cái rét thốc lên không ngừng; khi câu chuyện về cái chìa khóa đã trôi qua, cái mảnh nhỏ kim loại đó, cô đã nhét vào được túi anh, sẽ có một hôm anh dẫn cô đi mua máy sưởi; một buổi sáng mùa đông họ rất vui, như thể mọi điều đã được bù lại cho họ; đã sắp Tết đầu tiên; cái Tết thứ hai của họ, lần đầu tiên họ thực sự có một cái Tết cùng nhau, là tại ngôi nhà bức tường dài vô tận: đêm giao thừa năm ấy, con trăn ẩn trong tường chắc hẳn cười khẩy: tưởng đã xong rồi à? cũng tại cái nhà ấy, một đêm anh lên cơn sốt cao, mà sáng hôm sau anh vẫn phải làm những việc ngày ngày anh phải làm: anh có việc phải làm; cả đêm, cô nằm thu lu sau lưng anh, áp chặt vào người anh; sáng hôm sau, anh hết sốt; đó là lần cuối cùng anh ốm: ốm là một cám dỗ, chứ không phải là một trạng thái; dường như, ngay lúc ấy, anh đã lờ mờ cảm thấy thế, cô đã chuyển hết sang cho anh; "có chứ, cô trả lời, mình sẽ làm đám cưới chứ; đêm hôm ấy, em sẽ chơi đùa thỏa thích, em muốn làm gì anh cũng phải chiều em đấy, em muốn đi chân đất, anh phải cởi giày, cởi tất cho em" - "lúc nào, mình sẽ làm đám cưới lúc nào?" - "khi nào tròn" - "tròn tức là mười năm à?" - "không, mười năm thì vẫn chưa tròn; khi nào tròn mười hai năm, mình sẽ làm đám cưới; anh sẽ phải cởi tất cho em đấy"


"em biết, cô nói với anh, em biết là anh giết mất, nếu khi chuyện xảy ra, anh ở đấy, hoặc biết ngay; em phải đợi một chút thì mới nói với anh"; nếu không phải là đã quyết định không bao giờ thở dài, không đóng góp vào cho sự não nuột chung, thì anh đã thở dài, thật dài; đó là chuyện khiến cô và anh rời khỏi chỗ có bức tường dài vô tận, nơi gây hoảng sợ rất nhiều nhưng cũng đựng bao nhiêu hạnh phúc của họ, nhất là hạnh phúc của sự tàn phá ("mình sẽ chỉ có thể tàn phá nhau mà thôi": họ đã hiểu điều này, ngay từ đầu, không vương chút hồ nghi nào, và chấp nhận, không chút chần chừ; hạnh phúc là ham muốn sự lặp lại); anh muốn thở dài không chỉ vì vậy - dẫu có thế nào, thì họ cũng chịu đựng được, dẫu có thế nào, chỉ cần được nhìn thấy nhau - mà còn bởi, anh chỉ có cảm giác ấy với hai người, mẹ anh và cô; những ngày anh ở bệnh viện trông mẹ anh sau ca phẫu thuật, những lúc có thể, cô vào cùng anh; đêm giao thừa năm ấy, phải luồn lách rất lâu cô mới thoát được đám đông đi chơi, "em phải phóng cả vào đường một chiều đấy", cô nói và đưa anh hộp đựng đồ ăn; anh đi xuống chỗ cái ghế đá nhìn qua hàng rào bệnh viện ra ngoài đường, một đoạn anh từng rất biết trước đó đã nhiều năm, tất nhiên đã thay đổi quá nhiều; ngồi đó, anh ăn những miếng giò mà cô mang cho, đã quá nửa đêm, đèn đường vẫn sáng nhưng chỉ còn lại các khoảng loáng nước cùng rác rưởi sau náo nhiệt; những ngày trong bệnh viện ấy, anh mang theo để đọc trong những phút trống trải The Enigma of the Arrival, một cuốn tiểu thuyết chứ không phải bức tranh; về sau, cứ có cơ hội gặp ai biết cuốn sách đó, anh lại muốn biết người ấy có thấy đó là một cuốn sách rất buồn không; chẳng ai thấy nó đặc biệt buồn, nhưng đối với anh đó là sự kết tinh, là hiện thân của nỗi buồn nguyên khối; hình ảnh mẹ anh mà anh lưu giữ chặt hơn cả, như một kho báu chỉ của riêng anh, là lần mẹ anh đi xa về, hôm ấy, còn rất nhỏ, ở trên nhà đợi lâu quá, anh đi xuống tầng gác, giữa chừng thì gặp mẹ anh đang đi lên, mẹ anh vứt mọi thứ đang cầm trên tay, ôm chầm lấy anh mà khóc, lúc đó anh thấy rất ngượng, bao nhiêu người xung quanh và những người khác đi qua cứ nhìn; hồi anh và cô hay đưa mẹ anh đi chữa bệnh, một lần đi ra, cô thì thào với anh, "mẹ anh đẹp thế, đẹp kinh khủng"; một hình ảnh khác, mẹ anh cũng khóc, hồi ấy anh đã lớn hơn nhiều: mẹ anh đi từ ngoài ngõ về nhà, vừa đi vừa khóc; mẹ anh vừa được tin bà ngoại mới mất; trong suốt buổi sáng cuối cùng, một hình ảnh không biết len lỏi từ đâu quay lại chiếm giữ tâm trí anh mãi không thôi, một hình ảnh không phải của sự khóc, mà thậm chí còn rạng rỡ: một hình ảnh trên xe đạp; cô kể với anh hồi bé, một lần bỗng cô nghĩ cô là một con chim, cô bèn chụm hai chân nhảy lên gờ lan can, hai tay để sát hai bên, vì chim thì phải đậu như vậy; trong giây phút cô đung đưa chuẩn bị nhào xuống khoảng không ấy, ông nội cô chợt nhìn thấy và từ trong nhà vội nhảy phắt ra túm lấy cô lôi xuống: "em đã không thể biến thành chim"; vô số chuyện đã xảy đến với họ, nhiều trong số ấy chắc chắn còn kỳ lạ hơn so với biến thành chim; anh biết là cô đã tha thứ cho nhiều điều, nên anh không bao giờ nhắc đến nữa: il faut le taire; "anh không tin vào sự tha thứ, anh không tin là có tha thứ, nhất là anh luôn luôn thấy đê tiện, mấy mẫu câu như forgive but not forget, etc."; khi một trong những chuyện ấy xảy đến với anh, kể cho cô nghe, anh thấy mắt cô sáng bừng lên, "anh đã làm như thế à?" ánh mắt của sự thích thú và cũng của chuyển hóa (khoảnh khắc của biến thành chim), nhưng đồng thời cũng muốn nói, tất nhiên rồi, phải như vậy, anh phải làm thế chứ - dẫu cho việc anh đã làm có kỳ quái đến đâu; chưa bao giờ cô nghĩ đến một giây những lúc anh bảo cô làm gì đó; một buổi ngồi gần nhau trong căn phòng lớn, cô dưới đất còn anh ngồi trên ghế, anh bảo cô là cần phải cho cái xe ô tô đi, cho không, và nói với cô là anh muốn cho ai cái xe ấy; ngay trong ngày hôm đó cô đã làm xong việc, mà không thắc mắc hỏi lại anh nửa lời; đâu có gì hơn được nữa, những lúc họ ở gần nhau, chỉ cách một cánh cửa - từng có lần, từ phòng trong, cô bước ra, bảo anh, "chẳng thể nào hơn được nữa, như thế này, anh ở ngoài, em ở trong này, em nghe thấy tiếng anh, em ở bên trong, trọn vẹn ở trong đó; không có gì hơn đâu"










[…]


Phần 4
(từ 1/8/2023)

Tôi đã định sẽ có một phần (ít nhất, một đoạn) về


(tiếp, từ 7/11/2023)

về những năm tôi học tiếng Tàu ở Hà Nội, hồi tôi sắp hai mươi tuổi. Đấy là vì bỗng một hôm tôi tìm lại được những quyển vở thời đó.

Nhưng tôi quyết định thôi, không viết nữa. Vả lại, đống giấy và vở viết chữ Tàu ấy giờ lại biến mất, không tìm được. Chúng đã không muốn xuất hiện (trở lại, thêm một lần nữa) thì thôi. Dưới đây sẽ là "Đoạn cuối", chung cho cả "một phố", post mà tôi viết trong thời gian dài nhất. Dẫu dài đến đâu, thì cũng phải đến lúc hết.






Đoạn cuối

Tôi nhận được một bó hoa, thêm một lần nữa. Đây không phải là lần đầu tiên như vậy. Thấy nó, tôi đoán ra nó từ đâu đến, cho dù không thể biết được là nó từ đâu đến.

Ông tôi, người hay hát "Hồng hồng tuyết tuyết" chính là người kể cho tôi câu chuyện hay nhất về thời thuộc địa. Hồi đó, ông tôi còn rất trẻ, học ở Hà Nội (ông tôi đỗ tú tài, tôi cũng không rõ tú tài bản xứ hay tú tài Tây, chưa bao giờ tôi hỏi; vì vậy, suốt đời, trong tên ông tôi có từ "Tú" - tất nhiên không phải là tú tài của kỳ thi hương), có một lần ông tôi đi qua đoạn Cột Cờ, trời tối, đường rất vắng. Có một thằng Tây nhìn thấy ông tôi, chắc trông xinh xẻo nên gạ gẫm, bảo chơi trò "đút đít" (nguyên văn từ ông tôi dùng - tôi nghe chuyện khi còn rất nhỏ, không hoàn toàn hiểu đấy là gì, nhưng cũng mường tượng là một chuyện rất ghê gớm). "Tao giả vờ đồng ý, tao bảo nó mày cởi quần áo trước đi, rồi tao cởi sau. Thế là nó cởi. Tao đợi nó cởi xong, tao bèn ôm đống quần áo của nó chạy luôn một mạch." Ở nhà ông bà tôi, có mấy thứ đồ vật đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ: một cái đài radio có chân, rất to, như một cái tủ, có cửa kéo để mở ra, rất nhiều núm vặn kim loại; một cái đồng hồ quả lắc; và nhất là bức ảnh chụp ông tôi cưỡi voi ở bên Lào. Đến giờ thì tôi đã có thể chắc chắn, sẽ chẳng bao giờ tôi làm được như ông, là trèo lên cổ voi mà ngồi, trong trang phục thuộc địa, toàn kaki, cho người ta chụp ảnh.

Một năm, quanh quãng Tết, trời ẩm ướt, mưa phùn suốt, mẹ tôi đưa tôi về nhà ông bà. Sáng sớm hôm ấy, bà tôi chuẩn bị đi lễ cùng một bà bạn. Bỗng bà bảo mẹ tôi, là để tôi đi cùng bà. Mẹ tôi ngần ngừ (điều này thì bây giờ tôi đoán, chứ không nhớ rõ, nhưng chắc là đúng), nhưng cũng đồng ý. Một lát sau, tôi đã ngồi trên xích lô cùng hai bà ăn mặc trịnh trọng. Chắc tôi cũng mặc diện. Tôi vừa hơi e dè vì không biết "đi lễ" nghĩa là thế nào, phải làm gì, vừa háo hức với cả một chuyến đi dài bằng xích lô. Về sau này, đến mấy nơi có thể liên quan, tôi hay tự hỏi, chẳng biết hôm ấy bà tôi có đưa tôi đến đó không. Tôi còn nhớ, trời cứ không ngừng mưa bụi, một thứ mưa xuân không hề nặng hạt, nhưng cũng đủ khiến các khu hàng quán những chỗ đền chùa trông lam lũ, khói hương mù mịt, và tôi không hề thấy sợ; tôi không hề nhớ được cảnh tượng bà tôi khấn vái; chắc chắn bà tôi cho tôi ăn, có thể vào một hàng bún nào, và chắc cũng mua kẹo cho tôi. Bà tôi là một người rất dữ, khó tính vô cùng, ai cũng sợ; tôi cũng không rõ bà có nhớ kỹ từng đứa cháu hay không, vì bà tôi có vô cùng nhiều cháu, trong đó một số, như tôi, chỉ thỉnh thoảng mới gặp bà; đấy là những lúc bình thường, còn hôm đi chùa, chắc chắn bà tôi rất chiều chuộng tôi. Chừng như chuyến đi nằm trong một buổi sáng, quá trưa thì lại đi xích lô về. Về đến nhà, bà tôi rất khen ngợi (với mẹ tôi, tất nhiên) vì tôi đã đi theo rất ngoan ngoãn và không gây sự cố gì.

Một ngày nọ, chắc năm tôi lên sáu hay lên bảy, tôi cầm một cái que chui vào bụi cây găng. Tôi phát hiện ở phía trong có một tổ ong. Tổ còn chưa to lắm, toàn ong màu vàng bay vo ve, càng bay dữ hơn lúc tôi tiến lại gần. Tôi thử lấy cái que chọc xem cái tổ có rụng không, tuy tôi cũng chẳng biết nếu nó rụng thật thì phải làm gì với nó. Tất nhiên, làm như vậy thì rất sợ; lúc đó, tôi từng nhìn thấy người ta mặc áo mưa kín mít và chìa thanh củi cháy gí vào tổ ong, nếu muốn lấy tổ. Điều cần phải xảy ra đã xảy ra, rất chóng vánh: một con ong vàng bay thẳng vào mặt tôi, tôi thấy đau nhói ở chính giữa cằm. Tôi vứt vội cái que, chạy thẳng về nhà. Tôi lên giường, trùm chăn kín mít. Tôi đợi chết. Tôi chắc chắn mình sẽ chết. Đợi mãi không thấy có gì xảy ra, vết ong đốt cũng dần bớt đau, tôi mở hé mắt và phát hiện mọi sự vẫn vậy, không có thay đổi nào. Mãi về sau tôi mới hiểu ra, là mình đã hiểu nhầm về chuyện ong đốt: tôi đã không nhớ, rằng ong đốt xong thì chính nó chết, mà lại cứ tưởng người nào bị ong đốt thì chết luôn. Dẫu vậy, tôi cũng không quay lại chỗ cái tổ ong trong bụi găng nữa.

128 comments:

  1. hẳn là đúng thế. cả hai anh em cái bác có nhiều hơn cần đó đều rất bảnh; mấy chồng tạp chí trông ra gì hơn Ngoại văn Tràng Tiền.

    ReplyDelete
  2. Bà Triệu từ ngã tư Trần Hưng Đạo kéo xuống Tuệ Tĩnh là đoạn rất đặc sắc, có phải trước 54 là phố Gia Long không nhỉ?

    ReplyDelete
  3. đúng là Gia Long mà nửa sau là Lê Lợi. Thuật là hàng sách em được mua cuốn từ điển của mình đầu tiên trong đời (Oxford Collocations something something).

    thế anh chưa viết tiếp về phố Chân Cầm ạ? :P:P

    ReplyDelete
  4. ơ định viết thì có béng luôn một bài thơ rồi còn gì, một hai ba bốn năm sáu bảy

    hiệu "Trang" thì ở số bao nhiêu nhỉ?

    ReplyDelete
  5. thơ đấy dạy trẻ con tập đếm thôi anh cứ cấu em
    mãi.

    Trang hình như 40B.

    ReplyDelete
  6. bị cướp trên giàn mướp mà vẫn phải chấp nhận

    ngay chỗ ngã ba Ngô Văn Sở vẫn còn cái hiệu bán sách y học phải không nhỉ

    chắc nhiều người giờ không biết Bookworm hồi đầu tiên nằm ở NVS, không xa Trương Hán Siêu

    ReplyDelete
  7. đoạn Bà Triệu mà NL nói có Thành Đoàn, khoảng 10 năm trước có hiệu sách Kim Đồng, một hiệu sách Kim Đồng nữa gần đấy nhìn ra hồ Thiền Quang, giờ cả hai đều không còn

    ReplyDelete
  8. "màu luôn luôn làm băng hoại hình họa" - Alain, vì nhân thấy có sách Kim Đồng. phân vân quá.

    ReplyDelete
  9. chỗ Thiền Quang góc Hồ Xuân Hương mấy năm đóng vì làm lại trụ sở thôi, sắp hoặc thậm chí đã mở lại rồi

    ReplyDelete
  10. Ông Dư, là chuyên gia, úp mở, tỏ ra nguy hiểm, để làm màu.

    ReplyDelete
  11. nhưng không bao giờ anonymous nói xấu sau lưng người khác

    ReplyDelete
  12. Ông ấy, nói xấu sau lưng cái bến xe buýt (chiếu tướng nồi cơm của ổng) thì sao. chưởi cái bus stop, ko tiếc lời

    ReplyDelete
  13. well, nhưng không anonymous

    ông Dư có lẽ là người ít úp mở nhất Hà Nội - nhưng quá dễ thấy, người ta hay thấy ở người khác cái mà người khác không hề có nhưng lại rất nhiều ở chính mình

    có gì lạ đâu

    ReplyDelete
  14. Khó rep quá, thôi kệ

    ReplyDelete
  15. no no, làm sao mà xong được

    mối ác cảm nhằm vào ông Dư luôn luôn là vì ông ấy toàn nói toẹt những điều người khác chỉ nghĩ trong đầu

    bọn lươn lẹo đi nói xấu sau lưng, theo một cơ chế tâm lý rẻ tiền, xoay ngược điều đó đi (ngụ ý: đó là một người nham hiểm - trong khi đó tất nhiên là người ngược lại)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đọc lại bài viết của anh, em thấy, ko còn ghét ông Dư như cmt trước. Sorry anh!

      Delete
  16. Trong bức thư của Tam Ích gửi cho Vũ Bằng có nhắc đến “cái nhà Hạ Thượng Chu”. Chú cho cháu hỏi đó là nhà gì, ở HN ạ, bây giờ có đổi tên không ạ?

    ReplyDelete
  17. chính xác là người vợ, NL kể về chỗ đó nhiều lần, một hàng cho thuê sách phải không?

    ReplyDelete
  18. không phải cho thuê, chủ yếu bán tạp chí nước ngoài, thuê thì phải sang bên Thi Sách

    ReplyDelete
  19. tôi gặp thằng bạn trĩ mũi ở dốc phố Hàng Kèn
    tôi mua bông lay ơn tôi cho nó ngửi
    nó mua tàu lá chuối nó cho tôi xem
    hai đứa èng èng chia tay cuối phố

    :)

    trong Sợi tóc tìm thấy cũng có con dốc Hà Nội thân yêu

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn viết bình luận giống thơ hay.

      Delete
  20. đây có phải là hàng sách gần Bờ Hồ anh nói tới không? :)

    https://ibb.co/7QjQqXv
    https://ibb.co/Cm27bzt

    ReplyDelete
  21. đúng rồi, nhận ra được mặt hai vợ chồng, đúng là nhìn thấy cửa sắt hoa xếp

    ReplyDelete
  22. Nhà số 2 bà Triệu đâu có bậc cao vậy nhỉ(?)

    Nhà đó hồi 198x dường như đi thông cả 2 mặt, mặt Bà Triệu và mặt Hàng Khay. Bán cả giấy màu cuộn, kim châm cứu các cái. Nhiều sách cũ độc phết, và Tây cũng hay ghé xem.

    Nhà 40B và 80 lúc sau này thì lừng tiếng sách tiếng Anh các loại.

    ReplyDelete
  23. những câu chuyện nhỏ “trên phố Bà Triệu, thập niên 90” có thể giúp hoà giải Vincom với Bà Triệu hiện nay không

    ReplyDelete
  24. Chúng ta cần huyền thoại (source: http://nhilinhblog.blogspot.com/2014/01/chung-ta-can-huyen-thoai.html?m=0 : ))

    Không có huyền thoại Hà Nội không có Hồ Gươm, không có Nhị Linh; Sài Gòn không có Hồ Con Rùa, không có Ngọc Sơn ;p

    ReplyDelete
  25. tiếp tục (hot kinh lắm)

    (không ai nói "Ngọc Sơn" không như vậy: thế thì quá bằng ca sĩ à?)

    ReplyDelete
  26. Rất xin lỗi đã nói bừa nhưng chắc ở Sài Gòn không “kiếm” ra một tương đương huyền thoại Nhị Linh.

    ReplyDelete
  27. : ) “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”

    (source: gúc)

    ReplyDelete
  28. tình cờ

    "Cú đổi truyện ấy cũng là một đóng góp cho sự hé mở vào thế giới người lớn. Cặp vợ chồng trẻ, người chồng rất cao lớn râu quai nón, cởi trần ra mở cửa, mắt tôi hút vào cái giá sách để hàng Thủy hử nhưng còn bị hút hơn về phía cái giường, nơi người vợ nhỏ nhắn xinh đẹp tuyệt vời tóc rối trễ nải chỉ hiện ra từ phần vai trở lên bên trên cái chăn miệng hơi mỉm cười bối rối trước sự xâm nhập đúng vào một thời khắc riêng tư của một thằng bé chạy nhanh nhưng không nhanh mồm nhanh miệng. Sau đó mấy năm, cô vợ chết vì một chứng bệnh nan y."

    ReplyDelete
  29. well con đường chúng ta đi được làm nên từ vô số cái chết, cái chết nào cũng giống cái chết nào nhưng chẳng cái chết nào giống nhau

    ReplyDelete
  30. bài thơ giờ lên mạn Xuân Diệu rồi anh ạ. Oh the irony.

    ReplyDelete
  31. mít đặc và quan tâm đến “các ngôi sao, tức là thiên văn học” thì chuyện tình ái, ngoài “lois de l’hospitalité”, sous-sol, ít nhiều trường đoạn kinh điển phải ở trên balcon, toit, hay chỗ của anh em nhà Montgolfier chứ NL ơi :)

    ReplyDelete
  32. miễn sao khỏi dính những con rồ là được

    ReplyDelete
  33. Nhà văn Uông Triều viết về HN thế nào hả chú Nhị Linh? Cháu thấy người ta khen suốt từ Đinh Lễ đến Lý Nam Đế.

    ReplyDelete
  34. hơn bốn năm em sống ở Nguyễn Quang Bích, ngay chỗ cột điện khúc quanh của phố. Thỉnh thoảng lên sân thượng phơi quần áo sẽ thấy nhiều người và mình tự nhiên cứ nhìn nhau. Một số người cười và tất cả rồi đều biến mất.

    ReplyDelete
  35. «Sống là làm sao đi cho hết một kỷ niệm» so I think it’s quite likely that she’ll come back to Hanoi

    ReplyDelete
  36. mà, tội tình chi hỡi... những M&M phụ nữ theo chân Jesus of Nazareth, những đời nhiều lan nhiều huệ (lại chỉ nhất Linh)

    Giờ đã biết lan huệ sầu ai lan huệ héo.

    ReplyDelete
  37. em nhớ là em đều từng cả bổ củi lẫn lau quạt ở cái chốn ấy.

    ReplyDelete
  38. Tây Sơn đâu thể tính là địa danh, phải là Sơn Tây

    ReplyDelete
  39. Mách #Vietravel: Sổ tay cẩm nang du lịch khám phá Hà Nội.

    ReplyDelete
  40. ơ, Sơn Tây với Tây Sơn, một đằng tên tỉnh, một đằng tên huyện, thì khác gì nhau? Sơn Tây là vì đó là đường lộ đi ST, cửa ô Thanh Bảo

    ReplyDelete
  41. chậc, cứ nói một câu sai một câu, nên tốt nhất là im, yêm, stfu, vả lại vừa hay lúc im đi thì NL lại viết đến mấy thứ có chút quan tâm

    ReplyDelete

  42. Đôi mắt người Sơn Tây
    U uẩn chiều lưu lạc
    Buồn viễn xứ khôn khuây
    Buồn viễn xứ khôn khuây

    ReplyDelete
  43. nên mỹ linh hoặc đức minh thì hơn, cần phải lịch sự

    (anw sẽ có chú thích ảnh cẩn thận)

    ReplyDelete
  44. ‘Bút ký người đi săn’ (dịch giả Phạm Mạnh Hùng) không phải sách xưa in lại ạ?

    ReplyDelete
  45. nếu mà đã có, thì đó là do tôi (nhưng sao lại "sách xưa"?)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, trong đó truyện Rừng và Thảo Nguyên có ‘trích một bài thơ đã đốt’

      Delete
  46. uầy sao dở hơi cám lợn thế nhỉ. kinh hãi quá ai lại kéo chăn lên quá cằm nhất lại bên cạnh có người đàn ông😊

    ReplyDelete
  47. Nhiều người không tin là phố Bà Triệu có dốc Bà Triệu như tôi vẫn kể :)

    ReplyDelete
  48. hồi toàn xe đạp thì lại nhiều dốc

    tiếp tục

    ReplyDelete
  49. ‘điều đáng kinh ngạc..’ Quá đúng ‘trên diện rộng’ ^^

    ReplyDelete
  50. Một thấp điểm nữa của sự họp lớp cũ là cái “nguyên uỷ” hehe ấy là vương vấn tiểu thuyết Vĩnh biệt mùa hè kèm thêm phim bộ 12a4h tẩm hương Mùa hè đã qua mong ước kỷ niệm xưa với cả tình thơ, khộ :D

    ReplyDelete
  51. hâm à?

    phải nói đúng giọng Hà Nội Bắc kỳ: "hãm"

    ReplyDelete
  52. ờ hãm đủ thứ :D bắc trung nam

    ReplyDelete
  53. Phố Nguyễn Lương Bằng tên cũ là Nam Đồng bác ạ. Xã Đàn là ngõ vuông góc với phố này.

    ReplyDelete
  54. tôi muốn nói, cả khu đó - hay đúng hơn, "gần Ô Chợ Dừa"

    ReplyDelete
  55. đúng rồi, quãng đó tầm mới chục năm trước có vụ tranh chấp đất ghê lắm, ầm ĩ cả lên, làm gì có chuyện bình an cho tâm hồn

    ReplyDelete
  56. ngoài những "láo nháo" phố, ngõ, quân khu... Hà nội còn ngân nga giai điệu lúc 6.00 am từ Bưu điện. Tiểng rú giữa trưa từ nóc nhà Hát lớn hay tiếng rao "quất đê" kéo dài trên phố đêm....

    ReplyDelete
  57. Hà Nội- Việt Nam ta có to lắm đâu sao chẳng ai bắt được anh? (có phải do họ mải ăn bún miến cháo phở?)

    ReplyDelete
  58. tiếp tục - đang xử lý cái ngoặc to

    ReplyDelete
  59. Thật tử tế, mấy trang sách, gần đây cũng ngẫm nghĩ chuyện “bẻ đũa từng chiếc” (hay chuyện về đoàn kết, “đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết”) hoài thôi

    ReplyDelete
  60. . Phố Hàng Bột (nghe "Tôn Đức Thắng" chẳng mấy ai quen, hơi tương tự, Nguyễn Lương Bằng nào? Xã Đàn chứ - đi qua một đoạn phố ấy tôi luôn luôn thấp thỏm, không biết cô bạn học cùng lớp có đang trông cửa hàng bán quạt máy giúp bố mẹ hay không) -------đoạn này nhầm nhẹ, Nguyễn Lương Bằng trước là Nam Đồng chứ ko phải Xã Đàn

    ReplyDelete
  61. Tiện bút, theo tôi, rất khó viết. Nó ở giữa truyện và thật vì tuy viết về sự kiện thật nhưng phải có tính văn chương của truyện để chuyên chở sức nặng và không biến sự kiện thành một thứ tabloid. Tôi cũng đọc để học những điều cần biết. Ngoài thể văn, còn vấn đề tác giả. Thời này, quá hiếm người viết được. Tôi chưa bao giờ (và có lẽ sẽ không bao giờ có cơ hội) tới Hà Nội, nhưng đọc những loạt này, có thể hình dung một thành phố với tiệm sách và cả thời sinh hoạt, như trên một con tàu từ từ đã và đang rời hiện tại. Là một người quen biết với những công tử Hà Thành (hay những 'cao bồi già') đến nay nếu còn sống cũng đã gần trăm, tôi có dịp hiểu hơn kinh thành của họ và kinh thành ngày nay. Nhiều lần tôi đã định ngồi xuống vẽ một bản đồ Hà Nội, theo lời Nhị Linh, để theo dõi cho dễ mỗi lần cập nhật nhắm so sánh với kinh thành của những người bạn trăm tuổi kia và các sự kiện lịch sử qua tác phẩm trong đời họ. Con tàu của họ đã là những con tàu ma nhưng một con tàu khác, không tiếp tục, đã lên đường. -Nguyễn Tà Cúc

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng vậy, mình cũng thích đọc «tiện bút» của NL và cả mục «đọc sách». NL viết không cầu kỳ nhưng dẫn vào ngay những điểm cốt yếu mà người đọc cần biết để hiểu quyển sách, không cần từ ngữ kêu rủng roẻng cũng rất hay, chỉ tiếc là dạo gần đây mục í bị bỏ bê, không được cập nhật (cũng có thể đã có nhiều «truyền nhân» cập nhật, viết tiếp trên trang khác mà ta chưa đọc, chưa đến)

      Delete
  62. đi chỗ khác mà đọc, ở đây chỉ có toàn những bỏ bê thôi, không cập nhật gì hết, và cũng không liên quan trò chạy tiếp sức

    ReplyDelete
  63. Chronique, chronique HN... reminds me of Phố- Chu Lai, Người Hà Nội- Lê Khanh- Thế là chị ơi rụng bông hoa gạo, ô hay trời không nín gió cho ngày chị sinh...

    ReplyDelete
  64. đúng tiểu thuyết dở nhất và nữ diễn viên hời hợt nhất, cộng thêm nhạc sĩ fake vô đối - tài năng đấy

    ReplyDelete
  65. "không hề là ngẫu nhiên", không lẽ Bạch Mai bị "ám quẻ"gì, ạ?

    ReplyDelete
  66. Mr.Dư thanh lý cả nhà kìa anh ơi. 😁

    ReplyDelete
  67. thời điểm có vẻ không tốt lắm nhỉ

    (sắp tiếp tục)

    ReplyDelete
  68. Băng kỳ lâm = bingjilin = ice cream, giờ ở phố Lê Quý Đôn vẫn còn

    ReplyDelete
  69. hồi đó tôi bé nên chỉ nhớ mang máng

    tiếp tục

    ReplyDelete
  70. “Em cười phong kín hai hàng lệ
    Em biết tim em đã nát rồi”

    (DD/M/YYYY- Lễ Tình Nhơn buồn nhứt)

    ReplyDelete
  71. thế là nát hẳn rồi à? - tiếp tục

    ReplyDelete
  72. Hóa ra chú cũng biết Origami ạ? có đợt cháu cũng mua sách, xem yt tự học. Nhưng cháu không phải người kiên nhẫn trong mấy trò hobby kiểu thế thành thử cuối cùng cháu bỏ. Giờ đưa cháu tờ giấy A4 cháu biến được mỗi thành máy bay với thuyền mời bạn lại đây ngắt lá xếp thuyền :D

    ReplyDelete
  73. Chị pn quả kia lucky ghê, số hên lắm mới nhận được koan của anh. Chị ấy cũng mạnh mẽ, chứ như rơi vào em thì không những im mồm mà còn chết luôn.

    Lúc nào đó anh viết thêm thơ Haiku nhé, đọc haiku tiểu cảnh bonsai sương rơi mây rụng trăng soi đảo nở chim hót hoài, ếch nằm trên đá mênh mang nhìn trời nhớ haiku thơ anh.




    ReplyDelete
  74. May cai quan Nhat do de lam gi vay? Va NL con quay lai cho cai tuong vua trang vua to k

    ReplyDelete
  75. Tả cảnh thì "Nước khe cạn bướm bay lèn đá" trông đẹp thôi chứ Hang cắc cớ của HXH ở http://nhilinhblog.blogspot.com/2020/10/doan-thi-diem-and-ho-xuan-huong.html hay hơn nhiều:
    Trời đất sinh ra đá một chòm
    Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom
    Kẽ hầm rêu mốc trơ hoen hoẻn
    Luồng gió thông reo vỗ phập phòm

    ReplyDelete
  76. Theo dõi đọc chuyện của anh kinh tế phết, tiết kiệm biết bao tiền đi uống rượu :p

    ReplyDelete
  77. Bàn học của cháu có cái hồ cá nhỏ, mấy cây xương rồng cũng nhỏ, cháu đang muốn có thêm cái lồng chim nhỏ nhưng đang phân vân, không biết nên nuôi sơn ca hay vành khuyên ạ.

    ReplyDelete
  78. Replies
    1. Thích hay không thích một người nào đó thì cũng là chuyện bình thường thôi, nhưng đợi đến ngày giỗ của người đó để nói đôi lời man mác thì có phải đó là... “time mark”?? :-)

      Delete
  79. nghe đau đáu quá, mỗi tội mấy cái liên quan nói từ trước rồi, không phải hôm nay (hôm nay bắt đầu từ chỗ "quay lại đầu phố BT")

    ReplyDelete
  80. Xin cho tôi là kiếp của mây

    ReplyDelete
  81. and bird on a stone ^^

    ReplyDelete
  82. Ai mang bụi đỏ đi rồi

    ReplyDelete
  83. Ở đây, hình ảnh ấm tích có phải là một ẩn dụ không ạ: bên án thư/ tay mở ấm tích/ gió lùa ba gian etc :p

    (Hình như ở Việt- Đức còn có câu chuyện “truyền thống thợ giày”, không biết nếu qua tay anh (kể) thì sẽ nhiều hay ít í hơn câu chuyện ấm chén)

    ReplyDelete
  84. thiên cơ bất khả lậu, sorry

    ReplyDelete
  85. Phần 3 này hay quá ạ

    ReplyDelete
  86. chơ vơ chới với chơi vơi ((-;

    ReplyDelete
  87. không biết nói gì thì cũng không cần nói gì đâu, không nhất thiết phải thể hiện cái sự bị ám như thế

    ReplyDelete
  88. Một tình huống đủ sức làm metaphor cho cả cuộc đời: chờ đợi, là, phá hủy. But it is not ideal, it's real. It's real and yet everything is clear in the mind: the sign and the meaning coincide.

    ReplyDelete
  89. Tôi thắc mắc cái Phần 3 (từ 1/8 ấy), đọc phần 1 & 2 ở đâu vậy?

    ReplyDelete
  90. Bởi vì cái phần 3 này nó có vẻ không liên quan phần 2 ở trên, cũng như ông Dư quạu và Trung đoàn Thủ Đô (phần 1?)

    ReplyDelete
  91. NL biet phan 3 nay giong gi khong? giong nhu dang nghe Amy Winehouse.

    ReplyDelete
  92. "Usant à l'envi leurs chaleurs dernières,
    Nos deux coeurs seront deux vastes flambeaux,
    Qui réfléchiront leurs doubles lumières
    Dans nos deux esprits, ces miroirs jumeaux."

    ReplyDelete
  93. Sinh dữ tử lành

    ReplyDelete
  94. "Sẽ có" luôn đi

    ReplyDelete
  95. bỗng giật mình thấy khắp nơi hoa ti-gôn, thì ra thì ra là từ đây

    ReplyDelete
  96. à mà quên, mây đen nữa chứ

    ReplyDelete
  97. NL viết chữ Tàu chắc cũng đẹp lắm, mấy mẩu giấy từng làm tôi xao xuyến.

    ReplyDelete
  98. «vốn từ nhỏ Ông đã khôn ngoan»

    ReplyDelete
  99. 13, 14 tuổi người ta đạp xe đi mua sách về đọc, còn tôi đạp xe đến phố Nguyễn Thái Học mua poster với decal của idol về dán khắp phòng :)).

    ReplyDelete
    Replies
    1. tôi đọc bài này cũng thấy xấu hổ

      Delete
  100. một bài mà em không muốn nó kết thúc

    ReplyDelete
  101. cứ đọc những viết lách của NL là bị mặc cảm cắn rất đau, khó lắm mới đọc hết được một bài, NL đã sống một cuộc đời quá đẹp quá trọn vẹn, Hà Nội cũng có một khoảng nhỏ rất đẹp nhưng chỉ dành riêng cho NL

    ReplyDelete
  102. giá mà được ngồi nghe NL nói chuyện

    ReplyDelete