Aug 16, 2010

Kẹp ba huềnh tráng :)

Đã mang tiếng là dài (có chứng nhận oách :d) thì dài luôn một thể cho xong.

----------

Dịch thuật văn học trên Nam Phong, Tri Tân, Thanh Nghị

Nam Phong, Tri Tân và Thanh Nghị giữ địa vị quan trọng nổi trội trong báo chí Việt Nam trước 1945 ở khía cạnh trí thức. Ba tờ tạp chí này khác với hệ tạp chí tin tức thuần túy và cũng khác với các tạp chí văn chương thông thường; có thể nói rằng xét về mức độ “nghiêm túc” và đóng góp cho nền quốc học Việt Nam, Nam Phong, Tri Tân và Thanh Nghị là những cái tên nhất thiết phải nhắc tới ở giai đoạn định hình của lịch sử quốc ngữ, báo chí và khoa học này.

Bởi tính chất đa dạng, cả ba tờ tạp chí đã trải qua nhiều “đợt khai thác” quan trọng: Nam Phong được nhìn nhận dưới khía cạnh hợp tác với chính quyền thuộc địa, khía cạnh đóng góp cho một nền văn xuôi tuy còn mang nhiều tính chất biền ngẫu nhưng đã chứng tỏ một khả năng chưa từng có của tiếng Việt trong diễn đạt và chuyên chở văn chương, triết học, hoặc người ta có thể khai thác Nam Phong ở nhiều phương diện khác, chẳng hạn phương diện các bài viết du ký, phương diện thơ ca cổ điển Việt Nam ở giai đoạn mạt kỳ. Với cụm từ “en-tête” “L’Information française”, Nam Phong đã chịu nhiều búa rìu của dư luận sau này, nhất là từ phía các phát ngôn viên của chủ nghĩa quốc gia. (Tham khảo thêm về Nam Phong: Tìm hiểu tạp chí Nam Phong 1917-1934, luận án tiến sĩ của Phạm Thị Ngoạn, bản Pháp văn in trong Kỷ yếu đệ nhị và đệ tam cá nguyệt 1973 của Bulletin de la Société des Études Indochinoises, bản dịch tiếng Việt của Phạm Trọng Nhân do Ý Việt ấn hành, Paris, 1993).

Tri Tân và Thanh Nghị cùng ra số đầu tiên vào tháng Sáu năm 1941, nghĩa là bảy năm sau khi Nam Phong đình bản, theo một cách nào đó chính là một sự tiếp nối hùng hậu hơn, hiện đại hơn và đa dạng hơn cái công trình tri thức mà Nam Phong đã đặt nền móng. Đây cũng là thời kỳ sự chỉ trích mạnh mẽ từ các tờ báo và tạp chí từ đầu cho đến giữa những năm 1930 (Phong Hóa, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ bảy) nhằm vào Nam Phong và các nhân vật của Nam Phong đã lắng dịu, báo chí Việt Nam bước vào một “pha” mới về truyền bá, phổ biến kiến thức. Tuy bắt đầu xuất hiện cùng lúc và có nhiều mối quan hệ mật thiết (chẳng hạn Thanh Nghị ra mắt được là nhờ mối quan hệ anh em giữa Hoàng Thúc Tấn và Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm của Tri Tân), cũng như đều đặc biệt quan trọng đối với lịch sử phê bình văn học Việt Nam (Phạm Mạnh Phan, Lê Thanh và Kiều Thanh Quế ở Tri Tân, Đinh Gia Trinh và Diệu Anh của Thanh Nghị) nhưng hai tờ tạp chí này có những điểm khác nhau căn bản. Tri Tân có lực lượng người viết (người của báo cũng như các bỉnh bút) đông đảo và thiên hẳn về khảo cứu, lịch sử, tập trung vào các vấn đề Việt Nam, dựa chủ yếu vào tài năng và sức làm việc của hai nhân vật quan trọng: Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm và Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, còn Thanh Nghị là một nhóm trí thức thế hệ sau, có trình độ và rất nhiều quan tâm ra thế giới, các nhân vật của Thanh Nghị cũng sẽ nhờ vào tờ tạp chí mà dần dần có tên tuổi: Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Đinh Gia Trinh… Ngoài ra, Tri Tân và Thanh Nghị đều có đóng góp quan trọng về nhân lực cho nền chính trị và nền học vấn sau 1945 của miền Bắc Việt Nam (trên thực tế hai nhóm này điển hình cho các nhóm trí thức ở lại miền Bắc vào thời điểm 1954), nhưng trong khi Tri Tân đóng góp chủ yếu về mặt học vấn, nghiên cứu, thì Thanh Nghị lại có vai trò vô cùng lớn về mặt chính trị, nhất là vào thời điểm trước và sau ngày 19/8 (tham khảo: Vũ Tường viết về chủ nghĩa quốc gia); nhiều nhân vật của Thanh Nghị sẽ trở thành chính trị gia, nổi bật là Phan Anh, Vũ Đình Hòe, và cả những người như Trọng Đức Đỗ Đức Dục hay kể cả Đặng Thai Mai; Thanh Nghị cung cấp nhiều nhân vật quan trọng cho các đảng chính trị tồn tại bên cạnh Đảng Cộng sản: Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội. (Tham khảo về Tri Tân: Sưu tập Tri Tân và tuyển tập các bài viết của Lê Thanh; tham khảo về Thanh Nghị: các hồi ký của Vũ Đình Hòe và tuyển tập các bài viết của Đinh Gia Trinh, Hoài vọng của lý trí).

Nam Phong: 218 số, chủ trương: Văn học khoa học tạp chí
Tri Tân: 212 số, chủ trương: Tạp chí văn hóa ra hằng tuần
Thanh Nghị: 120 số (kèm với 19 số Thanh Nghị trẻ em), chủ trương: Nghị luận, văn chương, khảo cứu

Ở đây chỉ bàn về vấn đề dịch thuật: Dịch thuật ở thời kỳ Nam Phong mang một tính chất cổ điển rõ rệt, với sự tham gia của không nhiều người. Mảng dịch thuật từ Trung Hoa đa dạng, còn dịch thuật từ Pháp văn chủ yếu tập trung ở một người, là Phạm Quỳnh. Sau đây là danh sách tác phẩm Pháp văn được chuyển ngữ đăng trên Nam Phong:

1. Ái tình, Hồng Nhân d., 118
2. Bà Hoàng phi nước Belgique, Thượng Chi d., 19
3. Cổ liên nữ sĩ, Vũ Công Nghi, 61 (MLTG)
4. Cái mũ phục thù, Nguyễn Văn Ngọc, 20
5. Cái vinh cái nhục của nhà quân, Phạm Quỳnh, 1
6. Chàng Ba-búc xét chuyện đời thế nào, Hồng Nhân, 98
7. Chàng ngốc hóa khôn vì tình, P.T.C., 45
8. Chú lái buôn thành Venise, Nguyễn Háo Vĩnh, 21
9. Chuyện trên xe lửa, Thượng Chi, 158
10. Đời súng đạn, Tùng Toàn, 197 (MLTG)
11. Lê Công vị hiếu nữ, Vũ Công Nghi, 57 (MLTG)
12. Một cái bi kịch ngoài bể, Biển xa, 43
13. Ngày sinh nhật, Hồng Nhân, 53
14. Người đàn bà điên, Bùi Huy Cường, 51
15. Người hủi ở thành A-ốc, P.T.C., 37
16. Ôi thiếu niên, Hồng Nhân, 52
17. Tình duyên với lại tình cờ, P.T.C., 54
18. Tự nguyện hóa chồng, Phạm Quỳnh, 5
19. Truyện người lính băng tuyết, Phạm Quỳnh, 5
20. Truyện cái gậy song, Phạm Quỳnh, 7
21. Truyện chàng Man-nông, T.C., 44
22. Truyện một thày bà-la-môn, P.T.C., 46
23. Truyện anh chàng đi khắp thiên hạ để học… run, Hồng Nhân, 50
24. Truyện con yêu được vợ, Lê Tường, 54
25. Truyện A-lí-bế, Nguyễn Văn Khai, 78
26. Thi chạy với hổ, P.T.C., 46

(Theo L. M. Nguyễn Khắc Xuyên. Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong 1917-1934, Trung tâm học liệu ban hành với sự hợp tác của Viện khảo cổ, Sài Gòn, 1968; Ở “Mục lục theo bộ môn”: XII. Văn học; “Chuyện dịch Pháp văn”; “Chuyện dịch Pháp văn” có 26 đề mục còn “Chuyện dịch Trung hoa” có 24 đề mục).

Trong tổng số 26 tác phẩm này (một số trong đó là tác phẩm dài kỳ, đăng nhiều số), Phạm Quỳnh và các bút danh của ông (Thượng Chi, Hồng Nhân, T.C., P.T.C.) đã chiếm tới con số 16. Có thể nói rằng phần dịch tác phẩm văn học từ tiếng Pháp của Nam Phong gần như dựa hoàn toàn lên cá nhân Phạm Quỳnh.

Xin nhận xét qua về các tác phẩm dịch đăng trên Nam Phong để chuyển sang phần được quan tâm nhiều nhất ở bản tham luận này, là phân tích và đối chiếu dịch thuật văn học trên Tri Tân và Thanh Nghị. Phạm Quỳnh luôn luôn có xu hướng lựa chọn các tác phẩm cổ điển, của các nhà văn như Alfred de Vigny và Courteline. Xen kẽ với sở thích văn học cổ điển là những tác phẩm dịch có tính chất nhẹ nhõm, vui cười, hài hước.

Tri Tân và Thanh Nghị và công việc xác định một mô hình diễn ngôn dịch thuật

Khảo sát hai tờ tạp chí, ta có thể rút ngay ra một nhận xét khu biệt cách thức tiến hành và đăng tải dịch thuật: Tri Tân ít tác phẩm dịch nhưng lại bàn nhiều về dịch thuật, với vai trò quan trọng của Hoa Bằng và Kiều Thanh Quế; trong khi đó Thanh Nghị nhiều tác phẩm dịch nhưng lại ít bàn về dịch thuật nói chung. Trên Tri Tân tuy có mục “Dịch văn Pháp”, “Dịch thơ Tây” nhưng số lượng rất nhỏ, gần như là không đáng kể, có vẻ như là những người điều hành tờ tạp chí không thực sự quan tâm đến phát triển và xiển dương dịch thuật với tư cách một hoạt động thực tiễn. Trong khi đó, Thanh Nghị lại gần như không có tiểu luận thực thụ bàn về vấn đề dịch thuật nào, nhưng các quan điểm về dịch thuật (có thể hiểu là quan điểm chung và nhất quán của tờ tạp chí, vì nhiều lần được lặp đi lặp lại) xuất hiện ở các “lời tòa soạn”, “lời nói đầu” đặt trước các bản dịch.

Bài quan trọng đầu tiên ở lĩnh vực này trên Tri Tân là “Ảnh hưởng văn chương Pháp trong văn chương Việt Nam” (Lê Thanh) (Tri Tân số 27, 12/1941), trong đó Lê Thanh chỉ ra mấy điểm quan trọng: “Cũng như văn tàu, cái tinh thần đặc dị của văn ta là cái tinh thần chính thống” và “Dưới ảnh hưởng của văn Pháp, ta đã thêm được lối văn tả chân” trước khi kết luận: “Nếu có một điểm nhỏ đáng tiếc là trước kia ta đã bắt chước Tàu nhiều quá, hình như ngày nay ta lại bắt chước Tây nhiều quá”. Bài viết này chuẩn bị cho sự xuất hiện của bài báo-tuyên ngôn của Tri Tân: trên số 43, 4/1942, Hoa Bằng cho đăng bài “Vấn đề dịch sách. Cần phải dịch nhiều những sách hay của cổ, kim, đông, tây để cống hiến cho đồng bào”. Ông khẳng định: “Để giới thiệu tư tưởng và để làm giàu thêm cho kho văn hóa nước nhà, không gì bằng phiên dịch sách vở ngoại quốc ra tiếng mẹ đẻ”. Cách nhìn nhận của Hoa Bằng rất quyết liệt: “Ta cũng đừng nên tự cao, tự đại, tự mãn, tự túc mà lầm nghĩ rằng, ngày nay, chỉ riêng trông vào những tác phẩm bằng quốc văn của các nhà cầm bút trong nước mà đủ cung cho người mình hết mọi món, mọi vị về thức ăn thiêng liêng để bổ trí, ích thần đâu. Không, trong bãi sa mạc mông mênh vắng vẻ này, một hai cái tiểu thụ lâm đã lấy gì làm thỏa mãn cho khách bộ hành đòi gọi!” Cuối cùng, Hoa Bằng đưa ra hai giải pháp cho vấn đề dịch thuật tại Việt Nam vào thời điểm đó: “việc cần bây giờ là, trong trường doanh tác “văn hóa”, ta phải có những tay thợ chuyên môn: những nhà tân học uyên bác không nên “chôn chữ” mà không cống hiến cho đồng bào bằng cách thực hành những điều sở học”, và “ai không đủ tư cách một nhà phiên dịch thì đừng háo cái hư danh, tham cái cận lợi mà phạm vào tội gạt mình lừa người” (trước đó ông đã dẫn Stefan Zweig). Bài báo này lại gợi lên một sự bàn luận rất đáng chú ý nữa của cây bút Nam Kỳ Kiều Thanh Quế: trên số 49, 6/1942, Kiều Thanh Quế đăng bài “Phiên dịch cũng là một cách đào luyện văn chương” với các tiểu mục: “Nhìn qua sự nghiệp dịch thuật ở nước ta”, “Phương pháp dịch sách của người Tàu”, “Sách dịch rất cần ích cho việc trứ thuật” và nói rõ bài viết là một cách hưởng ứng các ý kiến của Hoa Bằng trước đó. Trong bài viết của Kiều Thanh Quế, ta có được một bảng liệt kê tác phẩm dịch quan trọng tính đến thời điểm đó, một sự đánh giá chất lượng dịch thuật của các dịch giả quan trọng (như Phan Kế Bính thì nhất về đằng dịch sách Tàu còn Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh thì đứng hàng đầu về dịch sách Pháp, Đào Hùng và Nguyễn Đỗ Mục ở Vô gia đình “cũng có được một nghệ thuật dịch văn đáng để ý”; ông kết thúc bài viết rất hào hùng: “Nhà dịch sách Nguyễn Văn Vĩnh lúc sanh tiền thường bảo: “Nước ta sau này hay dở đều nhờ ở chữ quốc ngữ”. Chúng tôi lấy làm lạ sao dịch giả ấy lại không bảo: “Nước ta sau này hay dở thế nào đều nhờ ở sách dịch; và sự phiên dịch nó là võng cốt khả dĩ đưa văn học quốc ngữ đến cõi hoàn mỹ” hoặc tuyên bố to lên rằng: Sách dịch muôn năm! Sự phiên dịch muôn năm! Văn học quốc ngữ muôn năm!”

Tuy nhiên, điều lạ là hô hào và quan tâm mạnh mẽ như vậy tới dịch thuật, nhưng các nhân vật của Tri Tân, những người có thực tài, lại không có ai nổi bật ở phương diện dịch thuật.

Điều cần chỉ ra ở đây là: cách thức phát ngôn của Tri Tân sẽ gộp chung với cách thức phát ngôn của Thanh Nghị như sẽ thấy sau đây để tạo thành một dạng diễn ngôn về dịch thuật sẽ hiện diện rất lâu dài trong lịch sử Việt Nam, ta có thể nói đến một “mô hình về phát ngôn” gần như không suy suyển gì trong suốt bảy mươi năm; ngày nay, năm 2010, khi bàn về dịch thuật, hầu như người ta vẫn chỉ quanh quẩn trong những gì các nhân vật của Tri Tân và Thanh Nghị đã nói.

Ở hai bài đã dẫn của Hoa Bằng và Kiều Thanh Quế, đều có những đoạn dài nhắc tới công trình dịch thuật to lớn của Trung Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là vai trò của Thương vụ ấn quán Bắc Kinh và sự cầu thị của người Nhật. Hoa Bằng hay Kiều Thanh Quế, cũng như đại đa số người bàn về dịch thuật sau này, đều mặc định lấy Trung Quốc và Nhật Bản làm các tấm gương cần phải noi theo, thành ra các khái niệm như “Tân Thư” và thậm chí “Tân Tân Thư” luôn luôn xuất hiện tràn lan trong các phát ngôn về dịch thuật. Sau bảy mươi năm, Việt Nam vẫn nhìn Trung Quốc và Nhật Bản như hai hình mẫu to lớn về cách tiến hành và trình độ dịch thuật; rất có thể khoảng cách giữa Việt Nam và hai nước đó vào thời điểm hiện nay còn lớn hơn nhiều so với thời điểm 1941-1942, mặc dù những lời của Hoa Bằng và Kiều Thanh Quế trong những bài báo kinh điển của mình được lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần.

Trong bài “Phiên dịch cũng là một cách đào luyện văn chương”, Kiều Thanh Quế còn đề ra một khía cạnh nữa của mô hình phát ngôn về dịch thuật, cũng sẽ là một “ngôi sao sáng mãi” về sau này, là ba yếu tố “tín”, “đạt”, “nhã” học tập từ người Trung Hoa.

Chuyển sang Thanh Nghị: tờ tạp chí này đóng góp thêm cho mô hình phát ngôn về dịch thuật bằng một khía cạnh nữa: khái niệm “dịch là phản”. Có thể nói rằng chưa bao giờ ở Việt Nam khi bàn về dịch thuật người ta thoát ra được khỏi mô hình do Tri Tân và Thanh Nghị hợp sức tạo ra này, cái mô hình vạn năng gồm ba thành tố, Nhật Bản và Trung Quốc là hình mẫu; tín đạt nhã; dịch là phản.

Như đã nói ở trên, Thanh Nghị có rất ít bài báo quan trọng về vấn đề dịch thuật, nhưng mệnh đề “dịch là phản” gần như đã trở thành châm ngôn, câu thần chú, tinh chất của quan điểm dịch thuật của Thanh Nghị. Trên số 6, 11/1941, khi đăng bản dịch đầu tiên trong lịch sử Thanh Nghị - bài thơ “Trường hận ca” do Vũ Đình Liên chuyển ngữ - trước bản dịch xuất hiện đoạn văn sau: ““Dịch là phản”, người dịch văn, nhất là dịch thơ không thể nào tránh khỏi được cái lỗi ấy. Nhưng bổn phận của một dịch giả biết tự trọng và trọng tác giả bài văn mình dịch, là phải tránh hết sức cái lỗi ấy. Trong bài dịch Trường hận ca, chúng tôi đã giữ cái thể thơ của bản chính, thể cổ phong, số câu, và số chữ từng câu. Chúng tôi tưởng như thế sẽ giữ được một phần lớn tinh thần của bài ca ấy. Vì thơ là âm điệu mà điều cần nhất khi dịch một bài thơ là diễn lại cái âm điệu ấy bằng một thứ tiếng khác.” Trên số 23, 10/1942, ở mục Danh văn ngoại quốc, khi dịch “Một bài thơ Lỗ Tấn”, Đặng Thai Mai viết một “lời nói đầu như sau: “Nếu như “dịch” tức là “phản”, nếu như thơ không phải là một câu chuyện “hiểu” mà chỉ là một câu chuyện “cảm”, thì có lẽ ta cũng nên bỏ hẳn cái ý muốn phiên dịch và diệu giảng thi ca ngoại quốc. Viết bằng tiếng nói của một dân tộc, một bài thơ lúc dịch ra tiếng nước khác, đành phải trút hết bao nhiêu thi vị về mặt hình thức: âm hưởng và tiết điệu về nội dung, ý tứ và tính tình một nhà thi sĩ có những nét tinh vi, mù mịt thiệt khó thể lấy lý trí mà lĩnh hội được. Nhất là từ lúc trong làng thơ đã có những ngòi bút chỉ quyết viết cho tối tăm, cho bí hiểm, viết thế nào cho… không ai hiểu được mình cả. Tuy vậy, một điều an ủi cho chúng ta là tính tình tất cả loài người vẫn có chỗ đại đồng. Vậy nên đặc tính một áng danh văn vẫn là cái tính cách phổ biến (universel). Và cũng may cho chúng ta là bao nhiêu thi sĩ trên thế giới ngày nay không phải tất cả đều… đã uống phải bùa, ngải phái Dadaïsme. Lỗ Tấn (1880-193…?) là một nhà nghệ thuật tân tiến của nước Tàu vừa mới tạ thế mấy năm nay. Thơ văn của Lỗ được phiên dịch ra ngoại quốc rất nhiều. Đặc sắc của Lỗ là lấy những lời nói bình dị để phu diện những ý nghĩ sâu xa. Bộ tiểu thuyết Ả Q. của Lỗ mà báo Thanh Nghị sẽ có dịp giới thiệu cùng bạn đọc là một bộ sách đã dịch ra bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Nhật, tiếng Nga… Tư tưởng và nghệ thuật của Lỗ không phải là một sản phẩm độc quyền của nước Tàu mà cũng là của chung trong kho danh văn toàn thế giới. Chúng tôi cũng dịch, và giảng văn, thơ Lỗ Tấn. Không chắc rằng đã phu diện được hết cả tư tưởng của nhà văn hào Trung quốc. Cũng gọi là cố gắng để mà hiểu. Hiểu cũng là một cuộc gặp gỡ. Cố công đi tới, có lẽ ta sẽ có thể hiểu, có thể “gặp” chăng?” Ở số 69, 6/1944, khi viết bài đọc sách mới: Ly tao của Khuất Nguyên, Nhượng Tống dịch, Thế Thụy vào đề ngay bằng nhận định: “Dịch là phản là một nhận xét đúng hơn hết cả ở địa hạt thi ca”.

Mô hình này hoàn chỉnh này sẽ được nhắc lại, coi như khuôn mẫu chính thức của dịch thuật trong suốt một thời gian rất dài.

Bây giờ, chúng ta sẽ chuyển sang phân tích về dịch thuật trên tạp chí Thanh Nghị, tờ tạp chí duy trì được mục dịch thuật khá bền bỉ và cũng là nơi đăng tải được một số bản dịch quan trọng, cũng như “nhập khẩu” được một vài nhà văn nước ngoài có sức sống lâu dài ở Việt Nam, trong đó quan trọng hơn cả là Lỗ Tấn, Tào Ngu và Somerset Maugham.

Dịch thuật văn học trên Thanh Nghị

Với các thành viên thuộc một thế hệ mới hơn hẳn không những so với Nam Phong mà cả so với Tri Tân, Thanh Nghị mang đến cho độc giả thời ấy những nhà văn tương đối đương thời hơn. Đặng Thai Mai bắt đầu công trình dịch thuật Lỗ Tấn của mình bằng một bài trong mục “Danh văn ngoại quốc” trên số 23, 10/1942, dịch bài thơ “Người với thời gian” của Lỗ Tấn. Đến số 28, 1/1943 Đặng Thai Mai lại dịch “Khổng Ất Dĩ”, từ số Tết 1943 Đặng Thai Mai khởi đăng bản dịch “Ả Q chính truyện” trên nhiều số, số 33, 3/1943 Đặng Thai Mai dịch thêm một bài thơ, số 45 là bài “Lỗ Tấn (1881-1936)” đăng mấy kỳ, rồi từ số 48, 11/1943 là loạt bài dịch “Tại sao tôi viết bộ Ả Q chính truyện”. Ngoài Đặng Thai Mai, Lỗ Tấn còn được một dịch giả khác của Thanh Nghị là Vô Tâm (có khả năng chính là Đặng Thai Mai) dịch. Đặng Thai Mai trở thành một dịch giả quan trọng của Thanh Nghị với Lỗ Tấn và ngoài đó ra là Tào Ngu, với trọn vở kịch Lôi vũ, bắt đầu từ số 77, 8/1944, đăng trên nhiều số, và cho đến số 120 (tức số cuối cùng) của Thanh Nghị vở kịch Nhật xuất (Tào Ngu, Đặng Thai Mai dịch) vẫn chưa đăng hết.

Tuy nhiên, ở những số đầu không phải Thanh Nghị đã có ngay một mục dịch thuật phong phú. Thậm chí có thể nói rằng biên tập bộ của Thanh Nghị giai đoạn đầu không mấy đầu tư cho dịch thuật, và cách làm phải nói là rất thiếu chuyên nghiệp và gần như không có định hướng rõ rệt.

Ở số 9, 2/1942, bài “Một quyển tiểu thuyết Pháp” của Lê Huy Vân khá hùng hồn: “Muốn cho độc giả hiểu rõ ảnh hướng đó xâu xa đến bực nào, tưởng có một cách dản dị là đem giới thiệu những áng tiểu thuyết trứ danh của phương Tây nhất là của Pháp. Ai dám bảo rằng một quyển “Những người khốn nạn” (Les misérables) của Victor Hugo, một quyển “Mai Nương Lệ Cốt” (Manon Lescault) của Abbé Prévost, một quyển “Ba người ngự lâm pháo thủ” (Les trois mousquetaires) của Alexandre Dumas, là có thể tiêu biểu cho cả văn học Pháp? Vì vậy chúng tôi muốn dần dần, tóm tắt những quyển tiểu thuyết trứ danh của phương Tây để giới thiệu với công chúng Việt Nam”. Số này Thanh Nghị giới thiệu “Ông des Lourdines” của Alphonse de Châteaubriant (Goncourt 1911), thuộc loại truyện “mà nhân vật có những tính tình mà người Việt Nam ta có thể quan niệm được”. Cùng số 9, có mục mới (sẽ không duy trì được) mang tên “Gió phương xa: Văn chương nước ngoài” với Phạm Chí Lương [người được Hồ Dzếnh tặng truyện “Em Dìn”]: “Chiếc đồng hồ đứng lúc bẩy giờ” (L’horloge arrêté à sept heures). Lời giới thiệu viết: “Những tác phẩm văn chương đương thời nước ngoài không mấy người thưởng thức đến bởi những bản dịch ít. Những sách ấy lại còn hiếm nữa nên những trào lưu về tư tưởng ở ngoại quốc chúng ta không biết tường tận để tìm những con đường mới, đích đáng cho văn nghệ Việt Nam. Dưới đây xin giới thiệu một biệt tài của Tây Phương, ở thế kỷ 20 này, Giovanni PAPINI, một nhà văn Ý. Những cuốn ông viết như Le Démon m’a dit, Le crépuscule des Philosophes, Histoire du Christ, Un homme fini v.v. là một loại sách trong đó người đọc sẽ nhận thấy đầy đủ và rõ ràng một lý thuyết đặc biệt gọi là tiêu biểu cho nước Ý ngày nay: sự ca tụng sức mạnh của bản năng, của tinh thần. Trong lúc thanh niên chúng ta, kẻ ngơ ngác đi tìm chân lý, người xa ngỡ vì thiếu bản lĩnh, tưởng không một phương thuốc nào công hiệu hơn để hàn lại những vết thương của linh hồn, là tìm thấy một nhà viết tiểu thuyết, lấy một nghệ thuật phóng khoáng để diễn một lý thuyết trọng tinh thần, lấy mục đích phụng sự quốc gia và học vấn làm gốc”. Bản dịch này, cũng như đại đa số bản dịch tác phẩm ngoài tiếng Pháp của Thanh Nghị, được lược dịch theo bản tiếng Pháp.

Sự thiếu chuyên nghiệp thể hiện chẳng hạn như: số 13, 5/1942, Truyện dịch: “Bóng người trong gương nước” do Phạm Chí Lương thực hiện không ghi tên tác giả. Truyện “Nhát dao” do Lê Huy Vân dịch đăng nhiều kỳ từ số 19, 8/1942 cũng không ghi tên tác giả. Ngoài ra, tờ tạp chí cũng không có một chiến lược đồng nhất, cho phép tồn tại cả hai cách dịch: cách giữ nguyên tên nhân vật, địa danh trong ngoại ngữ ở phần lớn trường hợp và cách Việt hóa cao độ, chẳng hạn như trong “Nhát dao”, tên nhân vật trở thành Cúc, Mai…

Sang đến số 16, 7/1942, Thanh Nghị bắt đầu có mục mới sẽ còn tồn tại lâu, dung lượng nhỏ nhưng bắt đầu có được bản sắc, tập trung vào các nhà văn mới hơn, và trong rất nhiều trường hợp, mang nhiều tính chất chính trị (Tagore, Tôn Dật Tiên, Maurice Barrès, André Gide, Lương Khải Siêu). Ở số 16 này là “Nghệ thuật và kinh nghiệm (Nhà văn hào Prémery khuyên một đệ tử)” của Edmond Jaloux, Diệu Anh dịch. Cũng như mọi khi, các dịch giả của Thanh Nghị rất nhiều lời (trong nhiều trường hợp, bài dịch còn ngắn hơn lời giới thiệu của dịch giả): “Dịch các tác phẩm văn chương, khoa học nước ngoài là một điều cần thiết, ai cũng công nhận như vậy. Báo Thanh Nghị sẽ cùng các bạn trí thức trong nước cố gắng đảm đương công cuộc ấy. Bắt đầu làm việc, Thanh Nghị xin hiến độc giả những đoạn văn hay, có giá trị về tư tưởng hoặc nghệ thuật, trích dịch trong các tác giả có tiếng ở ngoại quốc, nhất là ở Tây Phương, mong để các bạn yêu học thuật và văn nghệ thưởng thức đôi chút cái đẹp của nền văn minh tinh thần ở những phương giời xa.”

Một số bài tiêu biểu của mục “Danh văn ngoại quốc”:
Số 17, 7/1942: Thẩm mỹ (Ta có thể biết tư cách của các danh nhân qua những cái gì mà họ không thưởng thức)” của André Gide (Prétextes)
Số 18, 8/1942: “Lìa quê hương hay là bị nhổ rễ”. Dịch bài Gide phê Maurice Barrès trên Ermitage số tháng 2 năm 1898
Số 25, 11/1942: “Tư tưởng về nghệ thuật” Oscar Wilde
Số 27, 12/1942: “Chim yến” (Katherine Mansfield)
Số 42, 8/1943: “Phương pháp và kỹ thuật” (Valéry) L.H.V.
Số 49, 11/1943: Alain. Hoài Anh
Số 56, 3/1944: “Ngồi trong cửa sổ” (Giraudoux). Lê Huy Vân
Số 68, 6/1944: “Khói thuốc lá” (Nguyên Anh văn của William Faulkner, bản dịch Pháp văn của Pierre Dutray), Như Hà
Số 74, 7/1944: Tâm sự một nhà văn (nhật ký Julien Green). Nguyễn Quý Bình
Số 81, 9/1944: “Kẻ thù của tư sản” (Chesterton) Thái Mạc
Số 90, 11/1944: “Tu viện” (Anatole France). Cẩm-thạch Lê Doãn Vỹ

Số 65, 5/1944 thì bắt đầu xuất hiện một nhà văn sau này sẽ có sự hiện diện lớn ở Việt Nam: Somerset Maugham. Chắc chắc là Thanh Nghị đóng một vai trò không nhỏ trong việc đưa Maugham đến với độc giả, bằng một công việc dịch thuật lâu dài, liên tục. Ở số 65 này là khởi đầu với “Trôi rạt”, truyện ngắn, Hồ Mai dịch, đăng liền mấy kỳ

Sau một vài truyện ngắn nữa, bắt đầu từ số 94, 1944, cuốn tiểu thuyết Một tâm hồn nghệ sĩ của Somerset Maugham được khởi đăng trên Thanh Nghị, bản dịch của Lê Đình Chân. Thực chất đây chính là tiểu thuyết The Moon and Sixpence (Mặt trăng và đồng sáu xu) rất nổi tiếng. Nó được đăng liên tục ở 21 trên 22 số cuối cùng của Thanh Nghị, cho tới tận số cuối cùng là số 120 (khi ấy vẫn chưa hết).

Đối chiếu một vài đoạn bản dịch Một tâm hồn nghệ sĩ [trên báo không thấy ghi dịch từ nguyên bản tiếng Anh hay từ một bản tiếng Pháp]:

[số 94]

I confess that when first I made acquaintance with Charles Strickland I never for a moment discerned that there was in him anything out of the ordinary.

Tôi xin thú thực rằng lần đầu tiên gặp Charles Strickland tôi thấy hắn chẳng có gì là khác thường cả.

Yet now few will be found to deny his greatness.

Ấy thế mà bây giờ ai ai cũng công nhận là hắn có thiên tài.

I do not speak of that greatness which is achieved by the fortunate politician or the successful soldier; that is a quality which belongs to the place he occupies rather than to the man; and a change of circumstances reduces it to very discreet proportions.

Không phải là thiên tài của một nhà chính trị may mắn hay là của một võ quan thắng trận, vì tài này thuộc địa vị hơn là thuộc về cá nhân, và sự thay đổi của tình thế có thể làm cho ta nhận rõ chân tướng cái tài ấy.

The Prime Minister out of office is seen, too often, to have been but a pompous rhetorician, and the General without an army is but the tame hero of a market town.

Một ông tổng trưởng nội các ngoài chức phận ra thì chỉ là một nhà diễn thuyết huênh hoang và lém lỉnh, còn như ông Đại tướng không quân đội thì chỉ được người ta coi như một vị anh hùng rơm của một tỉnh nhỏ miền quê.

The greatness of Charles Strickland was authentic.

Nhưng thiên tài của Charles Strickland thì thực là chân tài!

It may be that you do not like his art, but at all events you can hardly refuse it the tribute of your interest.

Có nhẽ ông không thích nghệ thuật của hắn lắm nhưng ông không thể không để ý đến nghệ thuật đó được.

He disturbs and arrests.

Một nghệ thuật lôi kéo ta, làm cho ta phải bàng hoàng suy nghĩ.

The time has passed when he was an object of ridicule, and it is no longer a mark of eccentricity to defend or of perversity to extol him.

Bây giờ thì người ta không coi Strickland là một trò hề nữa - và khen ngợi hắn cũng không bị người ta cho là mình có ý khác người.

His faults are accepted as the necessary complement to his merits.

[thiếu]

It is still possible to discuss his place in art, and the adulation of his admirers is perhaps no less capricious than the disparagement of his detractors; but one thing can never be doubtful, and that is that he had genius.

Người ta còn có thể tranh luận về địa vị của Strickland trong lịch sử mỹ thuật, kẻ khen cũng lắm người chê cũng nhiều, nhưng có một điều mà người ta không còn nghi ngờ được nữa; Strickland là một kỳ tài.

To my mind the most interesting thing in art is the personality of the artist; and if that is singular, I am willing to excuse a thousand faults.

Đối với tôi, sự đáng để ý nhất trong nghệ thuật là bản ngã của nghệ sĩ và nếu bản ngã đó khác thường thì tôi sẵn lòng nhắm mắt tha thứ cho hết tất cả các tội lỗi.

I suppose Velasquez was a better painter than El Greco, but custom stales one's admiration for him: the Cretan, sensual and tragic, proffers the mystery of his soul like a standing sacrifice. The artist, painter, poet, or musician, by his decoration, sublime or beautiful, satisfies the aesthetic sense; but that is akin to the sexual instinct, and shares its barbarity: he lays before you also the greater gift of himself. To pursue his secret has something of the fascination of a detective story. It is a riddle which shares with the universe the merit of having no answer.

[thiếu]

The most insignificant of Strickland's works suggests a personality which is strange, tormented, and complex; and it is this surely which prevents even those who do not like his pictures from being indifferent to them; it is this which has excited so curious an interest in his life and character.

Tác phẩm tầm thường nhất của Strickland cũng làm cho ta cảm thấy rằng nhà danh họa này thực là một tâm hồn lạ lùng, đau khổ và phức tạp - và đó là lẽ làm cho những người tuy không thích nghệ thuật của hắn vẫn không hề lãnh đạm với nghệ thuật đó được - và đó cũng là lẽ làm cho người tò mò biết rõ về thân thế của Strickland.

[sau đó bỏ đi 6 đoạn rất dài]

----------

Xem thêm ở đây.

13 comments:

  1. đoạn nào? phần tiếng Việt này là toàn bộ bản dịch chương I rồi đấy, tức là cắt đi cỡ 70%

    ReplyDelete
  2. kinh dị, dài quá cỡ thợ mộc :D Hôm rồi em đọc quyển Hà Nội cũ nằm đây của bác Ngọc Giao, thấy kể chuyện văn chương báo chí, dịch thuật, NXB thời tiền chiến, hay phết. Hôm nào anh làm cái note dài ngoằng về chuyện các NXB tư nhân VN xưa nay đi! (Z)

    ReplyDelete
  3. vụ này thật ra cực khó đấy, ít thông tin lắm, ngay ba đại gia tuyệt đỉnh của lịch sử xuất bản Việt Nam là Vũ Đình Long Tân Dân, Trần Thiếu Bảo Minh Đức và Nguyễn Hùng Trương Khai Trí đã khó rồi, nhiều nhà thậm chí bây giờ còn không biết tên giám đốc

    nhưng anh có thể viết tiểu sử tiền bối B. :ddd

    ReplyDelete
  4. cụ Giao có viết một số bài về cá nhân ông Long và về Tân Dân còn 2 nhà kia hầu như không có thông tin. Anh viết tiểu sử cũng được, viết đi, cái này hay mà :D (Z)

    ReplyDelete
  5. Trong " hồi ký của một thằng hèn" , NS Tô Hải có nhắc đến Trần Thiếu Bảo Minh Đức , ko biết bác Nhị đã đọc chưa ?

    http://langdu126.multiply.com/journal/item/74

    ReplyDelete
  6. Cảm ơn Cậu Ấm Ngây Thơ đã chỉ cho đọc cái link về Trần Thiếu Bảo. Thật là tội nghiệp cho ông Minh Đức, bị người ta ăn hiếp quá mà.

    ReplyDelete
  7. Em chỉ có bản Đời nghệ sĩ do Hoài Khanh dịch vừa được in lại. Bản dịch này cũng thiếu mấy chương hic hic.

    ReplyDelete
  8. nè:

    http://thuvienbinhdinh.com/tayson/uniisis.asp?SearchKeyword=Nguy%E1%BB%85n%20Vi%E1%BB%87t%20Long&SearchIn=A_Author&act=QuickSearch

    ReplyDelete
  9. ai có bản đầy đủ chỉ minh với, những link trên mình không vào được! thanhk mọi người nhìu!

    ReplyDelete
  10. Xin hỏi từ "phu diện" trong câu "Đặc sắc của Lỗ là lấy những lời nói bình dị để phu diện những ý nghĩ sâu xa" có nghĩa là gì?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chữ đó phải là "phu diễn" mới đúng. 敷衍 : nghĩa là trần thuật đồng thời phát huy cái gì đó..Theo suy đoán của tôi thì đó là lối thường mắc trong phát âm của người miền Trung. Cụ Trần Đình Hượu khi viết bài "Nho Pháp tịnh dụng" cũng nhầm "tĩnh" với "tịnh", tương tự như "phu diện" với "phu diễn" ở trên.

      Delete