Feb 14, 2012

propos

thật là một con người thông thái, Jean-Jacques Rousseau, ông ấy viết trong Les Rêveries du promeneur solitaire (Những mơ mộng của người dạo chơi cô độc):

"tuổi trẻ là quãng thời gian học tập sự thông thái; tuổi già là quãng thời gian thực hành nó"

rồi:

"liệu có phải lúc phải chết là khi ta biết được lẽ ra mình đã phải sống như thế nào?"

cuốn sách đọc cách đây hai mươi năm này cứ như là mới tinh; hồi ấy đọc Rousseau là để học cách ve vuốt bản thân mình, tận hưởng sự độc nhất vô nhị của cái tôi, giờ đọc thấy còn mới mẻ toàn diện hơn cả văn chương đương đại, kể cả về mặt cú pháp, và sự ve vuốt kia vẫn là sự ve vuốt, nhưng ve vuốt sướng hơn nhiều :p

Rêveries được Rousseau hình dung như là phần phụ của Confessions (Tự thú) - các bạn há miệng mà chờ nhé, cô Lê Hồng Sâm đã dịch gần xong bộ sách này, chapeau!; trong Confessions Rousseau đã kể trải nghiệm Plutarque của mình hồi còn nhỏ, còn trong Rêveries đây Rousseau đi đến quyết định: Plutarque là nhà văn đầu tiên để đọc, và cũng là tác giả cuối cùng cần phải đọc; Rousseau cũng là nhà văn nên đọc đầu tiên và cuối cùng; Henri Guillemin từng nói, đọc mãi một ai đó, dần dà ta thấy họ rất đáng ghét, nhưng cũng có khi đọc mãi một ai đó lại thấy mỗi lúc một tuyệt diệu hơn, Rousseau là một người Guillemin xếp vào phạm trù thứ hai này

công cuộc tự giáo dục về cổ điển thời ấy, bên cạnh Jean-Jacques Rousseau còn là Fénélon của Les Aventures de Télémaque (Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch ra tiếng Việt, hình như nhan đề là Tê lê mặc du ký), giờ thì nhận ra mình thích các cô bé học lycée Fénélon ở Paris hơn là Fénélon (đọc nhiều bạn Beigbeder rồi nhiễm rồi hehe)

à, bạn Đào Bạch Liên có tặng kèm chữ ký cho mình một bộ Bộ bộ tâm kinh không?

2 comments:

  1. Tớ khóc bây giờ! Nó tên là "Bộ bộ kinh tâm". Tâm kinh tâm kinh cái gì!

    ReplyDelete
  2. ờ, xin lỗi, đeo nơ vào đâm khó nhìn quá :p

    ReplyDelete