Aug 22, 2012

hiện đại và hậu hiện đại

người Pháp luận giải về "hậu hiện đại" rất khác người Mỹ, mặc dù Lyotard có một vị trí lớn trong lịch sử tư duy hậu hiện đại; dưới đây là một đoạn cho thấy sự hoài nghi đối với hậu hiện đại từ một chuyên gia văn học người Pháp:


Khoảng cuối những năm 70 của thế kỷ XX, thuật ngữ này [tức “hậu hiện đại”] nhập cư vào châu Âu, đáng chú ý nhất là trong tác phẩm của Jean-François Lyotard, Hoàn cảnh hậu hiện đại. Cùng lúc ấy, ở Mỹ, sức hút của các thực hành mang tên hậu hiện đại và của các lý thuyết Pháp mang tên “hậu cấu trúc” - Lacan, Barthes, Derrida - bắt đầu rõ rệt. Rồi trong những năm 80, khái niệm ấy được mở rộng hẳn ra ngoài sự định danh của một phong cách mới mẻ; nó thực sự trở thành thứ cái gì cũng nhét vào được. Theo Jürgen Habermas, người phê phán hậu hiện đại rất nghiêm khắc và do vậy là người bảo vệ cho chủ nghĩa hiện đại, hiệu lệnh của tính hậu hiện đại, với tư cách lời chối bỏ lý tính hiện đại bắt nguồn từ thời Khai sáng, được đồng hóa với một thứ chủ nghĩa tân bảo thủ chính trị và xã hội. Nhưng làm thế nào mà nhập chung cái nghĩa này với cách dùng từ từng xuất hiện trong kiến trúc, nhằm trỏ tới một phản ứng trước chủ nghĩa chức năng?

Ở “hậu hiện đại” có một nghịch lý lồ lộ, nó làm ra vẻ chấm dứt hiện đại nhưng khi đoạn tuyệt với hiện đại thì nó lặp lại đúng cái thao tác có tính chất hiện đại hiển nhiên nhất, thao tác ấy là đoạn tuyệt. Gianni Vattimo đã miêu tả rất khéo léo nghịch lý này:

“Việc khẳng định rằng chúng ta đang ở vào một thời điểm nằm sau tính hiện đại và cấp cho sự kiện này một ý nghĩa mang tính chất quyết định nào đó, việc ấy đặt ra giả định rằng ta chấp nhận điều đặc trưng nhất của chính quan điểm hiện đại, tức là ý niệm về lịch sử và những hệ lụy của nó: khái niệm tiến bộ và khái niệm vượt trội.”

Hậu hiện đại, với việc bày ra một mâu thuẫn trong các từ [cấu thành nên nó], liệu có phải là “avatar” mới nhất của tính hiện đại? Hay nó đại diện cho một bước ngoặt đích thực, sự thoát khỏi hiện đại? Liệu có phải nó chỉ là một điều mới mẻ so với hiện đại, như vẫn luôn luôn được hiểu như vậy trong logic của sự đổi mới? Hay nó đã thành công được trong “sự xóa bỏ phạm trù cái mới”? Nó có đặt dấu chấm hết cho học thuyết về tiến bộ và học thuyết về phát triển không? Như vậy là đòi hỏi quá nhiều, và hậu hiện đại càng gây ra nhiều hoài nghi ở Pháp hơn nữa bởi chúng ta đã không tạo ra nó, trong khi chúng ta tự cho mình là cha đẻ của tính hiện đại và “tiền phong”, cũng như quyền con người.

(trích từ chương V cuốn sách Les cinq paradoxes de la modernité - Năm nghịch lý của tính hiện đại, Antoine Compagnon, Seuil, 1990)

6 comments:

  1. Tự bác ý luận giải hậu hiện đại như thế thì mới có cái mà phê phán. Bác ý nghĩ về hậu hiện đại với tư duy hiện đại. Hậu hiện đại không nằm ở các đặc tính, mà nằm ở cách người ta nghĩ về các đặc tính đó. Một tác phẩm viết cực kỳ logic, chặt chẽ, thì vẫn có thể là hậu hiện đại. Vấn đề là các giả định tác giả và và người đọc. Hậu hiện đại cũng không phải là một thời điểm sau hiện đại. Nó là một cách nghĩ mà có thể tồn tại ở bất cứ một thời gian nào.

    ReplyDelete
  2. lyotard của la postmoderne condition được đẩy lên rất cao vì đầy phản kháng, nhưng lyotard của des dispositifs pulsionnels và của économie libidinale (1973 và 1974) mới thật sự lớn

    ReplyDelete
  3. đã từng có lúc người ta mở mồm ra là "hậu hiện đại", chỉ có NL không sa vào thứ thời thượng ấy

    ReplyDelete
    Replies
    1. đang mốt là "giới" và "sinh thái" hehe

      Delete
    2. hhđ là kim bài miễn tội, thỏa sức nói bừa nhưng không ai bắt tội được vì chẳng có đúng và sai, nghe có vẻ rất cấp tiến rất bao dung. các nhà nghiên cứu hhđ nhảy thẳng vào diễn giải chứ không làm các bước cơ bản xác định thời điểm ra đời hay lập danh mục tác phẩm.

      ngoài hhđ, các giảng viên sinh viên văn cũng ưa "dòng ý thức" lắm. "giới" có lẽ bùng nổ nhờ mấy bản dịch Butler.


      Delete
  4. http://nhilinhblog.blogspot.com/2018/05/chu-nghia-hau-hien-dai-chinh-la-chu-nghia-hien-thuc-xa-hoi-chu-nghia.html

    ReplyDelete