Nov 20, 2012

Một thế giới đực

Cũng như trong thế giới Anh-Mỹ, thêm một bản dịch văn học Mỹ Latinh sang tiếng Việt là một chiến công. Bên đó, New Directions và New Letters đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa các nhà văn như Cesar Aira, Roberto Bolaño đến tay độc giả. Ở Việt Nam, không có nhiều tác phẩm văn chương Mỹ Latinh được dịch từ nguyên ngữ.

Thành phố và lũ chó (Mario Vargas Llosa) được dịch từ tiếng Tây Ban Nha và là một cuốn tiểu thuyết đậm đặc "đực tính". Thế giới Latinh, kể cả Mỹ Latinh, luôn luôn nặng tính đực, nhưng hiếm khi nào cái đực tính ấy rõ ràng, đặc quánh, tràn trề như ở một số tiểu thuyết, trong đó có Thành phố và lũ chó. Tác phẩm đầu tay của Vargas Llosa là nơi ông phô bày đặc tính này một cách hào phóng hơn hết, nhưng lại đậm màu khắc kỷ của một môi trường kỷ luật nghiêm ngặt (một trường thiếu sinh quân toàn nam sinh, nghiệt ngã đến từng chi tiết ngủ dậy đánh răng xếp hàng).

Trong Thành phố và lũ chó đã có đầy đủ các yếu tố kỹ thuật viết văn sau này sẽ đưa Vargas Llosa lên hàng bậc thầy văn chương thế giới. Cho đến gần cuối cùng, tôi vẫn bị tác giả đánh lừa ở một vài chi tiết, mặc dù đã hết sức cẩn thận và ý thức rất rõ về cách bài binh bố trận chữ nghĩa và phương thức trần thuật ở văn chương Vargas Llosa.

Và nhất là đực tính trong cuốn tiểu thuyết, nhiều lúc đến mức gây khó thở, hơn nhiều so với Dì Hulia và nhà văn quèn, hơn nhiều cả so với Trò chuyện trong quán Catedral.

Và cũng đặc biệt gần với Jean-Paul Sartre. Nhờ đọc Thành phố và lũ chó tôi mới biết câu "Tôi sẽ đập vỡ mặt kẻ nào bảo tuổi hai mươi là cái tuổi đẹp nhất" là của Paul Nizan chứ không phải của Robert Brasillach như xưa nay vẫn nghĩ. Nizan là bạn thân của Sartre từ bé, trông rất giống nhau, cũng bé nhỏ gầy gò, nhưng chết sớm, đặc biệt giống Sartre ở khuôn mặt, và giống hơn nữa là cũng lác (có điều Sartre và Nizan lác ngược bên nhau).

Cũng như dịch giả Nguyễn Khánh Long, dịch giả Lê Xuân Quỳnh cũng mới qua đời. Bản dịch Thành phố và lũ chó này tuy đã xong xuôi nhưng chưa hẳn là đã hoàn chỉnh. Anh Cao Đăng và tôi đã cố gắng chu toàn việc sửa chữa cho bản dịch.

Đây là bài viết về một bản dịch khác của Lê Xuân Quỳnh.

8 comments:

  1. Toi nam nay 20 tuoi, va khong cho phep ai duoc noi, do la tuoi dep nhat trong mot doi nguoi
    Cau nay, trong Aden... duoc Sartre trich, trong bai viet ve Nizan

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn bác rất nhiều. Nhờ thông tin của bác tôi đã tìm hiểu thêm: câu đó là mở đầu tác phẩm đầu tay của Paul Nizan, "Aden Arabie", in lần đầu năm 1931: "J'avais vingt ans. Je ne laisserai personne dire que c'est le plus bel âge de la vie".

      Năm 1960, tác phẩm này được tái bản lần đầu, có lời giới thiệu dài của Jean-Paul Sartre, chắc hẳn trong đó trích lại câu này.

      Trích từ lời giới thiệu ấy:

      "Nizan, c'était un trouble fête. Il appelait aux armes, à la haine: classe contre classe; avec un ennemi patient et mortel, il n'y a pas d'accompagnements; tuer ou se faire tuer: pas de milieu. Et ne jamais dormir."

      Delete
    2. Hì, hóa ra giai thoại là đây.

      Delete
  2. làm tiếp Chết trên dãy Andes đê:)

    ReplyDelete
  3. Chú Nhị Linh cho cháu hỏi, rút cục có phải Báo Đen giết Ricardo hay ko, nếu phải thì vì lí do gì?
    Mặc dù biết là vô lí, nhưng cháu ko tài nào dẹp được mối nghi ngờ rằng, chính Alberto mới là người giết Ricardo, hic.
    Anw, những đoạn nhân vật lèm bèm độc thoại một mình quả là cực kì :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Gay quá nhỉ, nói rõ ra thì để lộ mất cốt truyện, mà cái cực kỳ của truyện lại chính là những thứ rất là mù mờ :p

      Thôi, cứ tin vào điều mình tin. Nhà Thơ và Báo Đen và Nô Lệ và Trăn và Xoăn, rốt cuộc chúng đều phơi bày nhưng đều bí ẩn. Và nhất là rất đực :pp

      Delete
  4. bạn ơi bán lại cho mình cuốn này dc ko?

    ReplyDelete