Trong tập đoàn người bực mình với thế giới, nhiều người đã
nuôi lòng cay đắng mà trở thành nhà văn. Một số người bực mình đến nỗi miêu tả
thế giới đúng như nó vốn có, để chọc quê thế giới (cứ nhìn chăm chăm vào một
cái gì đó mãi thì cái thứ ấy rồi sẽ trở thành rất xấu, hình như Flaubert từng
nói thế). Nhưng những người bực mình nhất thì bịa luôn ra một thế giới khác và
bằng cách đó làm một cử chỉ rất quyết liệt và khá “theo kiểu Effenberg” về phía
thế giới nằm sẵn đó kia.
Lẽ dĩ nhiên, cũng có những nhà văn phởn phơ và nhẹ nhõm lắm,
chẳng nuôi dưỡng mấy bực bội trong lòng, những gì họ viết ra nhiều khi cũng
được đón nhận rộn ràng từ các tâm hồn ngấm ngầm thèm khát sự ve vuốt êm ái.
Nghịch lý (hay đúng hơn, sự tất yếu) nằm ở chỗ dễ nhớ thì dễ quên, dễ nồng đượm
thì dễ chia phôi, dễ trôi vào miệng thì dễ tiêu, đúng như tinh thần của cái câu
quái ác này: “Easy come, easy go”. Tuy nhiên, nếu đẩy tiếp nghịch lý trên con
đường oái oăm và chỉ chăm chăm chơi xỏ của nó, thì lại còn có điều sau đây nữa:
mức độ đau khổ, dù có là tột cùng, không đương nhiên đảm bảo một văn chương lớn
lao.
Trong cái thế giới văn chương nhìn chung chẳng có gì dễ dàng
và đảm bảo này, thời gian vừa rồi người ta bất chợt rất quan tâm đến một món
vốn tồn tại xưa nay nhưng là tồn tại theo một lối khó hình dung tròn trịa sắc
nét: món ấy là “tiểu thuyết lịch sử”. Ở Việt Nam thì có hẳn một cuộc hội thảo
đầy uy tín và một cuốn sách viết về tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh,
tác giả bộ ba tiểu thuyết dày tổng cộng đến ngót hai nghìn trang: “Hồ Quý Ly”,
“Mẫu Thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa”. Còn ở thế giới bên ngoài, giải Man
Booker thuộc hàng uy tín hàng đầu năm châu bốn bể trong vòng ba năm trao tới
hai giải cho Hilary Mantel, tác giả hai cuốn tiểu thuyết lịch sử về một nhân
vật Cromwell danh tiếng (giải thưởng này không được trao chỉ vì Cromwell là một
con người kiệt xuất của lịch sử nước Anh). Hai tiểu thuyết đó lần lượt mang tên
“Wolf Hall” và “Bring Up the Bodies”.
Cả Nguyễn Xuân Khánh lẫn Hilary Mantel đều từng viết tiểu
thuyết không lịch sử nhưng đều thực sự thành danh nhờ tiểu thuyết lịch sử. Căn
cứ vào những gì họ từng viết trước đây thì cả hai đều thuộc vào nhóm người nuôi
nhiều bực mình với thế giới (Nguyễn Xuân Khánh từng viết “Trư cuồng” rất giận
dữ còn Hilary Mantel hồi nhỏ từng có lần đối mặt với quỷ rồi sau này trường kỳ
chống chọi những căn bệnh tâm thần), vậy cơn cớ gì khiến họ không bằng lòng với
với việc “bịa ra một thế giới” để chống lại thế giới sẵn có một cách thoải mái
mà lại buộc mình vào một thể loại rất xa cách với “bịa”, vì Hồ Quý Ly không thể
sống ở thế kỷ XIX và Cromwell khó lòng được mang sang bên kia biển Manche?
Trong bài báo quan trọng mang tên “The Dead Are Real, Hilary
Mantel’s Imagination” (Những người chết đều có thực, trí tưởng tượng của Hilary
Mantel) trên tờ “The New Yorker” số 15/10/2012, Larissa MacFarquhar cho rằng
Hilary Mantel, hay người viết tiểu thuyết lịch sử nói chung, tự “làm khó” mình
ở chỗ họ viết những gì mình tưởng tượng nhưng lại phải dẫn tới một kết cục biết
trước: toàn truyện người ta biết rồi nhưng nhà văn phải tự buộc mình thực sự
cảm nhận rằng nhân vật dưới ngòi bút của họ kia đang hành động một cách mù
quáng, không biết gì hoặc gần như không hay biết hành động của mình sẽ dẫn tới
kết cục ra sao, phải thực sự hình dung được cái dẫn dắt sự kiện là lịch sử hay
câu chuyện, chứ không phải định mệnh. Thoát khỏi “định mệnh thuyết” trong viết
lịch sử là một việc rất khó nhưng là cốt tử để tiểu thuyết lịch sử đúng là tiểu
thuyết lịch sử; điều này Hilary Mantel đã làm được một cách tuyệt vời, còn
Nguyễn Xuân Khánh làm được đến chừng nào thì phải bàn - điều này hình như đã
không được bàn đến trong kỳ hội thảo và in ấn liên quan đến mấy bộ tiểu thuyết
của ông vừa rồi.
Và tại sao nhà văn lại thôi tra tấn thế giới bằng cách dùng một
cái nhìn khác, ở một nơi mọi điều là có thể, tha hồ cho nhân vật lên rừng xuống
biển hoặc làm những chuyện điên rồ, để mà chuyển sang tra tấn lịch sử, đụng vào
cái thứ tưởng chừng như trăm nghìn pho sách sử đã trình bày cho người ta đầy đủ
lắm rồi? Câu trả lời có thể là: giống như thế giới, lịch sử có thể cũng rất
thiếu sót, và hơn thế nữa, cũng như thế giới, lịch sử cũng có thể chán ngắt.
Nhị Linh
Bác NCH có nói một cái ý về "cốt truyện bị lỗi" mà tớ vô cùng tâm đắc. Nhưng vụ đó bàn sau đi. Thực ra chỉ cần so với tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật thì có thể thấy ngay tiểu thuyết lịch sử của NXK dừng lại ở mức độ nào.
ReplyDeleteTư Mã Thiên đã từng nói: "Phát phẫn trứ thư". Và vì ông ấy phát phẫn nên bây giờ mới có Sử ký mà đọc...
Hải ngoại có Nam Dao với tt Đất trời và Gió lửa, Nguyễn Mộng Giác với Sông côn mùa lũ... cũng nhạt
ReplyDelete