Jan 18, 2013

Lựa chọn

lạ thật, nhiều lúc mình định khắm, thì lại thành ra thắm, nhiều lúc định thắm, thì lại thành ra khắm, kết luận tạm thời: đời thật là dơ dáy :p



Tôi từng nghe một người rất đáng nể về đầu óc nói rất chí lý rằng: “Phàm đã là người có đầu óc, kiểu gì cũng sẽ đi làm khoa học hoặc nghệ thuật”. 

Rất chí lý ở chỗ:
điều này cũng tương tnếu hồi nhỏ đá bóng đường phố rất giỏi, lớn lên tốt nhất hãy làm cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, dễ trở thành Christian Ronaldo được bao nhiêu người hâm mộ. Nếu đặc biệt đẹp trai hoặc đặc biệt xấu trai thì đi làm diễn viên điện ảnh, hát hay mê ly thì làm ca sĩ, phấn đấu trở thành Bằng Kiều thứ hai. Nhà có ba đời làm bác sĩ thì rất khó đời thứ tư tránh được con đường y khoa, cắt tiết lợn thần sầu thì rất không nên hành nghề bác sĩ thẩm mỹ.

Và té ra, càng hơn người, ta càng có ít lựa chọn. Đầu óc sắc sảo đanh đá mà không đi làm Lê Hoàng thì biết làm gì? Biết làm gì đây? Ngược lại, chính những ai không có khả năng vượt trội mới lại có nhiều lựa chọn trong đời, không làm thu ngân thì đi trông xe ngoài bãi, chán làm vệ sĩ cho người mẫu diễn viên thì có thể trở thành võ sĩ quyền Anh, vân vân và vân vân. 

Đó chính là một nghịch lý xương máu của cuộc đời. Nghịch lý là vì cuộc đời càng như thể được mở rộng thì lại càng thắt lại, và xương máu là vì thật đáng buồn khi một danh cầm hay một kỳ thủ, một tennisman hóa ra đã trở thành danh cầm, kỳ thủ hay tennisman lừng danh thế giới chỉ vì ngoài đó ra, họ không biết làm gì nữa cả.

Những đàn ông dung mạo khôi vĩ, tái trí hơn người, biết âm nhạc và sành đàn ca hay các bộ môn nghệ thuật khác, đến cuối năm thật ra ít có lựa chọn nào khác ngoài trở thành “Men of the Year” của một tờ tạp chí được rất nhiều khách uống cà phê trên khắp đất nước hâm mộ. Nếu không thành một “Funnyman” thì anh có thể trở thành “Snowman”, nhưng khó mà không cứ phát ngôn là phải mặt mũi đăm chiêu, cái nhìn xa xăm, đôi mắt mơ màng và mở miệng là “elite, elite”. Không có nhiều lựa chọn cho những quý ông khá khẩm ở Việt Nam: đã khá khẩm, những ông ấy buộc phải tự xếp mình vào hạng “elite” của xã hội, một giới tinh hoa rất khác người vì không nghĩ mình giống người khác, vượt trội đến nỗi mời phụ nữ uống cà phê cũng đương nhiên thanh thản nghĩ mình chẳng việc gì phải trả tiền.

Hiện thực cuộc sống lại thêm một lần nữa khẽ khàng nhưng dai dẳng phủ nhận giá trị của các luận thuyết triết học. Khái niệm “tự do” thần thánh được triết gia mọi thời nâng niu trau chuốt, đánh bóng hết lần này đến lần khác, từ trường phái tiền qua trường phái hậu, hình như chẳng mấy khi ăn nhập được vào cuộc sống thường ngày. Để được tự do, được có nhiều lựa chọn thì con người ta phải trau dồi kiến thức, phải có năng lực đỉnh cao, phải có một nhận thức hùng mạnh ư? Có vẻ như không hẳn là như vậy, vì lựa chọn thật ra không có nhiều đối với những con người hơn hẳn phần nhân loại còn lại. 

Thế mới phiền.

Nhìn chung, tình hình nhiều phiền phức cho những ai tự coi mình là “elite”, trong một cái xã hội chẳng có mấy ý thức về khác biệt, nơi minh tinh điện ảnh ngồi ăn ốc vỉa hè cạnh chị em tiểu thương, nhân sĩ trí thức thì mở miệng là nói bậy như các anh chuyên làm công việc tay chân nặng nhọc. Nhưng nếu không nhận mình là “elite” thì biết nhận là gì đây? Lựa chọn đâu có nhiều nhặn cho những ai lỡ hơn đời.

Thế cho nên ta hiểu được một điều khó hiểu: tại sao những nhân vật giàu có xa hoa, không thiếu thốn thứ gì, tưởng chừng đời rất sôi nổi phong phú, lại buồn bã đến thế, bế tắc đến vậy, triền miên ngập ngụa trong những bi phẫn nội tâm, của các nhà văn như Scott Fitzgerald (“Gatsby vĩ đại”) hay sau này là Bret Easton Ellis (“Như không hề có”).



Nhị Linh

11 comments:

  1. Còn một trường hợp anh chưa kể nữa: lỡ hơn người nhiều mặt quá :d

    Nếu ngon lành thì thành polymath. Ngược lại, khắm cả nút.

    ReplyDelete
  2. Những quan tâm của NHỊ LINH,theo tôi hiểu nhiều người cũng đã suy ngẫm nhưng có thể vẫn chưa tìm ra giải pháp nào đắc dụng. Đây là một việc cần nhiều người, không chỉ riêng nhà giáo hay nhà nghiên cứu văn học mà còn cần trí lực đóng góp của rất nhiều những tinh hoa trong xã hội dẫu sống ở trong nước hay sống ở hải ngoại.
    Tôi nhớ có dịp đọc một entry của Nhị Linh viết về việc cần làm trước / một cách thức chuẩn bị để thế hệ sau khỏi ngỡ ngàng trước hiện thực mỗi ngày một phức tạp. Đây là ý tưởng tốt và rất ít tìm thấy nơi nhiều lý thuyết gia 'tháp ngà'. Tôi nghĩ, các nhà xã hội học nên tìm hiểu thêm về entry Nhị Linh đã từng viết đến.
    Cám ơn những bài viết ngắn của Nhị Linh nơi đây.
    Vân Võ Hoài Phương

    ReplyDelete
  3. Thật ra, có lẽ vì những người lỡ hơn đời không cam lòng với những lựa chọn đơn giản hơn, thấp hơn; chứ không hẳn là họ không thể hay không được lựa chọn những điều đó :).

    Tình cờ đọc entry này của anh, và tình cờ nghĩ vậy thôi ạ!

    ReplyDelete
  4. Sặc mùi gato.

    ReplyDelete
  5. Đọc xong bài này mà nhức cả đầu luôn

    ReplyDelete
  6. anh nói sao chứ, em thấy anh thơm và có chút vị đắng ;p

    ReplyDelete
  7. chắc nhầm địa chỉ thế nào, tra phải danh bạ đểu rồi: cả Từ Thức lẫn Tú Uyên đều ở bên đối diện qua đường, dãy nhà số lẻ, chứ không phải bên này

    ReplyDelete
  8. em là Tiên, có phải bảo vệ hay nha sĩ đâu, sao cần phải tra, hic anh đã quên mùa thu :d

    ReplyDelete