Sau những cái tên riêng luôn luôn có ý nghĩa, nhiều khi có ý nghĩa lớn, như đã thấy, ta chuyển đến khái niệm "ở giữa", khái niệm hết sức quen thuộc ở Salman Rushdie (Rushdie đã bắt đầu bài tiểu luận danh tiếng "Imaginary Homelands" với một đoạn văn có trích dẫn câu mở đầu của tiểu thuyết The Go-Between của Hartley).
Ở giữa quá khứ và hiện tại, ở giữa Ấn Độ và nước Anh, ở giữa man rợ và văn minh, ở giữa tự do và áp chế.
Bài tiểu luận này, đặt ở đầu tập tiểu luận cùng tên Imaginary Homelands - thực sự là một tác phẩm quan trọng trong văn nghiệp Salman Rushdie (kiểu như Crowds and Power đối với Canetti, Inner Workings đối với Coetzee hay The Captive Mind đối với Milosz) - được Salman Rushdie trình bày năm 1982 tại London, Festival of India. (tức là không lâu sau khi Những đứa con của nửa đêm được ấn hành)
Câu trích dẫn cuốn tiểu thuyết của L. P. Hartley: "The past is a foreign country", quá khứ là một đất nước xa lạ. Một đất nước xa là mà ta phải tìm về, trong toàn bộ sự bất toàn của thời gian và ký ức lộn xộn như một tấm gương vỡ.
Shame là cuốn tiểu thuyết ở giữa, nối liền hai tác phẩm nổi tiếng nhất của Salman Rushdie, Những đứa con của nửa đêm và The Satanic Verses.
Trên thực tế, Những đứa con của nửa đêm, Shame và The Satanic Verses được Rushdie hình dung như là trilogy (ở Rushdie dường như có sự mê tín nhất định với con số 3), tập trung vào nguồn gốc xuất thân của ông.
Như thể viết xong Những đứa con của nửa đêm, Rushdie vẫn còn sôi trào cảm hứng và niềm hăng say, cảm hứng ấy lớn đến mức nó đậu xuống thành thêm một cuốn sách nữa cộng vào Những đứa con của nửa đêm: nếu Những đứa con của nửa đêm viết về Ấn Độ và có một phần về Pakistan, thì Shame viết về Pakistan và có một phần về Ấn Độ. Hai cuốn sách này bổ khuyết cho nhau một cách tương đối.
Như sau này trong hồi ký Joseph Anton sẽ nói, Salman Rushdie rất ác cảm với Pakistan, nỗi ác cảm này thể hiện trên từng câu chữ trong Shame, và rất nhiều lần từ "shame" được lặp lại. Thế nhưng, trong đời thực cũng như trong Những đứa con của nửa đêm, cha mẹ Rushdie (và cha mẹ nhân vật Saleem Sinai) chuyển từ Ấn Độ sang sống ở Pakistan.
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là Omar Khayyam - lại thêm một lần nữa trong thế giới văn chương của Salman Rushdie một cái tên vang bóng của truyền thống đạo Hồi được huy động, như từng đã vậy với Averroës và Avicenna, như tôi đã nói ở phần trước.
Omar Khayyam sống ở một địa danh tên Q (mà tác giả phủ nhận ngay trong truyện, không phải Quetta), sinh ra từ ba bà mẹ là ba chị em ruột sống biệt lập xa cách với toàn bộ cuộc đời (vụ sinh nở này cũng kỳ bí như vụ sinh ra Saleem Sinai ở Những đứa con của nửa đêm: cùng một lúc ba chị em ruột cùng chửa, rồi sinh ra đứa con trai, đến cả đứa con cũng không biết ai thực sự là mẹ mình), một dạng King Lear lộn ngược.
Những đứa con của nửa đêm và The Satanic Verses là những đợt sôi trào đáng ngưỡng mộ của cảm hứng, tài năng và hiểu biết, còn Shame thì đúng như là một phần đầu thừa đuôi thẹo của cảm hứng lớn nhét vào.
"The country in this story is not Pakistan, or not quite. There are two countries, real and fictionnal, occupying the same space, or almost the same place"
Đại khái cuốn tiểu thuyết nó cứ lùng nhùng như thế suốt.
Salman Rushdie (1): Những tên riêng
No comments:
Post a Comment