Không dễ tìm một cuốn sách thực sự buồn. Không phải ai cũng
biết buồn, thậm chí buồn còn là một năng lực hiếm thấy. Một cuốn tiểu thuyết buồn:
phải kể đến The Enigma of Arrival của
Naipaul.
Naipaul là hậu duệ của những người Ấn Độ di cư sang Trinidad
vào thế kỷ 19. Năm Naipaul mười tám tuổi, tức là 1950, ông nhận học bổng để đi
từ Trinidad sang London học trường Oxford. Câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp văn
chương của Naipaul bắt đầu hấp dẫn từ đây. Đặc biệt hấp dẫn. The Enigma of Arrival (ai rành chút ít hội
họa sẽ biết ngay đây là tên một bức tranh rất kỳ quặc của De Chirico) in năm
1987 kể lại chuyến đi này: trước tiên phải đến New York rồi mới lên tàu thủy đi
sang Anh. Salman Rushdie, một người Ấn Độ khác, sinh sau Naipaul mười lăm năm,
cũng sẽ tới London để học Cambridge.
Một người từ thế giới xa xôi (Ấn Độ, Trinidad rồi các nơi
khác nữa mang những cái tên sặc mùi quá khứ thuộc địa) đến London: thật ra đây
là một câu chuyện cực kỳ quái đản, đã được Naipaul miêu tả đầy buồn bã nhưng rất
sáng suốt ở chương thứ hai của The Enigma
of Arrival. Naipaul đặc biệt nhấn mạnh vào đặc điểm: những người như
Naipaul khi đến London (hay những địa điểm hiện thân của “mẫu quốc” khác) chợt
nhận ra mọi thứ gì mà mình (vốn dĩ mặc định là người có hiểu biết vượt bậc và
năng lực trí tuệ vượt trội: trong A Way
in the World Naipaul từng viết rằng ở xứ thuộc địa Trinidad, những người được
nhận học bổng sang Anh được đặc biệt kính trọng; ngày xưa tờ Nam phong cũng từng chào mừng Nguyễn Mạnh
Tường trở về một cách náo nhiệt) biết từ trước hóa ra vô cùng trừu tượng, tất cả
những gì đã biết chẳng dùng để làm gì hết.
Nỗi khó ở bắt đầu từ đó.
Với tôi, ấn tượng lớn đầu tiên về “London” là một cuốn sách:
Thấy Luân Đôn rồi chết, một cuốn tiểu
thuyết rất ngớ ngẩn in ở Việt Nam trong thập niên 80. Cái tên rất ấn tượng này
có thể là một “chuyển thể” từ một câu ngạn ngữ Ý có nguồn gốc rất mù mờ, “Vedi
Napoli e poi muori” (Đến Napoli rồi chết). Tôi không nhớ gì về nội dung cuốn
sách ấy nữa, nhưng điều Naipaul nói là đúng, tuyệt đối đúng. Lần ấy, sau khi lấy
được visa tại tòa lãnh sự Anh ở Paris, đâu đó gần nhà thờ Madeleine, rue
d’Argentine hoặc rue d’Argenteuil rồi đi tàu Eurostar từ Gare du Nord xuyên đường
hầm tới ga Waterloo (hồi đó vẫn là ga Waterloo chứ chưa chuyển sang ga St
Pancras như hiện nay), sau khi ngờ ngợ nhận ra sự hài hước đen tối của người
Anh đặt tên nhà ga đầu tiên mà người đi từ Pháp sang phải dừng là Waterloo và
sau những hào hứng đầu tiên, tôi nhận ra tôi tưởng biết rất nhiều thứ về
London, nhưng thật ra tôi không biết gì. Tôi không ngờ Big Ben lại nằm gần sông
Thames đến thế, cũng như không thể tưởng tượng Piccadilly Circus lại như vậy,
Trafalgar Square lại thế kia. Những người từ thế giới khác đến thế giới này cảm
thấy rất khó ở.
Chỉ cần một so sánh là thấy ngay: có hai cuốn tiểu thuyết rất
đáng nhớ ở chi tiết “đến London”: ngoài The
Enigma of Arrival của Naipaul còn có Du
plus loin de l’oubli (Từ thăm thẳm lãng quên) của Patrick Modiano.
Nhân vật “tôi” của Naipaul thì choáng váng sầu muộn vì nỗi
khó ở khi nhận ra mọi thứ gì mình tưởng đã biết đều là sai lệch, thậm chí còn
có thể nói là chưa biết gì, thì “tôi” của Modiano sau khi bỏ chạy khỏi Paris,
đi tàu từ Gare du Nord sang London, chỉ lo ngại mỗi một điều là làm thế nào để
các khách sạn ở đây chịu chứa chấp mình và cô người yêu Jacqueline.
Nhân vật từ Trinidad hay bất kỳ đâu thuộc “thế giới thuộc địa”
tới London nhanh chóng nhận ra mình rơi vào một trạng thái cực kỳ uể oải, không
neo bám được vào đâu, nhưng đồng thời cũng bị tách hẳn khỏi “thế giới cũ”: về
cơ bản người ta sẽ không nhớ nhà. Còn nhân vật chạy trốn từ Paris sang London
nhanh chóng thấy nhớ Paris. Nỗi nhớ nảy sinh từ những so sánh gần giống; khi mọi
thứ thay đổi đến tận gốc rễ, đến nhớ nhung cũng là bất khả.
Phải mất rất nhiều năm Naipaul mới nhận ra mấy điều kể trên.
Những điều này không dễ nhận ra. Năm viết The
Enigma of Arrival, Naipaul đã in nhiều sách và đã sống nhiều năm ở Anh, ở một
vùng nông thôn, và không phải một vùng nông thôn bất kỳ nào: từ nhà, Naipaul chỉ
cần đi bộ một chốc là có thể ngắm nhìn Stonehenge (trong thực tế, Naipaul sống ở
vùng Wiltshire). Đến lúc này, dường như Naipaul (đã nhận giải Man Booker và chỉ
còn đợi nhận nốt Nobel Văn chương) mới nhận ra bản lai diện mục của mình: một sự
bồng bềnh của hòn đảo, sự bất trắc của đất liền, và một điều gì đó rất buồn ở
giữa quãng đường đời (lại thêm một lần nữa Dante lại đúng: rất nhiều điều xảy
ra, một cách sâu kín, ở giữa quãng đường đời).
Naipaul quay lại với những ngày đầu tiên đặt chân tới
London. Những người ở các xứ thuộc địa sang châu Âu học thấy mọi thứ thật phi
lý, mọi thứ cứ phi lý mãi lên. Nhất là lại còn học ở những trường danh tiếng: cả
Naipaul lẫn Rushdie đều không hề sung sướng khi học ở Anh (Naipaul là Oxford còn
Rushdie là Cambridge; cả hai đều nuôi dưỡng những kỷ niệm tệ hại về thời học đại
học; sau này một giáo sư ở Oxford có thổ lộ rằng hình như Naipaul không bao giờ
tha thứ cho Oxford vì từng có lần giáo sư nào đó ở trường chấm điểm thấp cho
Naipaul). Thả những cậu bé xuất thân thuộc địa ở tuổi đôi mươi mang đầu óc xuất
chúng và nhạy cảm vào những ngôi trường âm u lâu đời (thật ra các hành lang
toàn ma là ma) thật là một điều khủng khiếp. Rất nhiều người không sống sót nổi,
và nếu có sống sót sau này rất thường kín tiếng về quãng đời đã qua ấy, giống
như giữ khư khư một vết thương không bao giờ lành. Trường càng danh tiếng thì sự
phi lý càng lớn, cảm giác mọi thứ đều quá mức trừu tượng càng sâu sắc hơn.
Naipaul khởi đầu sự nghiệp văn chương bằng những gì kính
coong đầy ý vị hài hước, Miguel Street,
một “chuyển hóa” của quãng đời tuổi nhỏ của Naipaul ở Port of Spain bên
Trinidad, rồi A House for Mr Biswas,
cuốn tiểu thuyết đầy hào hứng. Nhưng mọi thứ không giữ nguyên mãi như vậy, càng
ngày trong tiểu thuyết của Naipaul càng xuất hiện nhiều hơn cái từ “thay đổi”:
thế giới này thay đổi, thay đổi rất khủng khiếp - Naipaul từng nói rằng đọc các
tác giả như Agatha Christie hay Graham Greene xong thì thế giới vẫn y nguyên
như thế, nhưng thật ra thế giới này thay đổi, lúc nào cũng thay đổi.
Và Naipaul cũng thay đổi: những cuốn sách của Naipaul càng về
sau càng sáng suốt, nhưng buồn khủng khiếp. Bộ đôi tiểu thuyết có lẽ sau cùng của
Naipaul, Half a Life và Magic Seeds (kể về cuộc đời của Willie
Chandran, một người Ấn Độ, Half a Life
về quãng Chandran từ Ấn Độ sang Anh học rồi lấy vợ và theo vợ sang châu Phi sống,
còn Magic Seeds về quãng Chandran rời
châu Phi ở tuổi bốn mươi, sang Berlin rồi quyết định về Ấn Độ làm cách mạng) buồn
sũng. Thế giới thay đổi nhanh hơn bước chân con người: Willie Chandran về Ấn Độ
gia nhập quân du kích chỉ để nhận ra chủ yếu người ta đi làm cách mạng là vì buồn
chán.
Tiểu thuyết của Naipaul chắc chắn có rất ít độc giả, nhất là
cực ít độc giả thực sự đọc cho đến cùng. Có những tác giả chính là thử thách
trong công cuộc đọc, Naipaul là một người như thế. Tác phẩm văn chương lớn, ta
nhận ra chúng ở sự “nhúc nhích” của chúng. Đến một lúc nào đó cuốn sách bỗng
nhúc nhích, các câu và các đoạn bỗng dẫn dắt ta đi vào những ngõ ngách rất đặc
biệt. Tiểu thuyết của Naipaul nhúc nhích rất mãnh liệt, nhưng lại rất chậm; nhiều
tác giả biết cách làm tác phẩm của mình chuyển động ngay từ những dòng đầu
tiên, một cách cuồn cuộn (ví dụ xuất sắc nhất là García Márquez) còn Naipaul
thì không, phải chấp nhận đi rất lâu, giống những người xưa kia từng đi tìm
châu Mỹ (Columbus rồi Sir Raleigh chẳng hạn, từng được Naipaul kể lại trong A Way in the World, bên cạnh câu chuyện
về nhà cách mạng dở người Miranda, “tiền nhân” của Bolívar).
Cũng may là cao điểm của phong trào “hậu thuộc địa” đã qua,
ta đã bớt bị ảnh hưởng bởi những người đọc tiểu thuyết mà chăm chăm tìm, nhặt
các vấn đề của thuộc địa, những nền độc lập lảo đảo, sự va chạm giữa thuộc địa
và đế chế, vân vân và vân vân. Năm xưa, khi The
Enigma of Arrival xuất hiện, một nhà phê bình rất danh tiếng, Frank
Kermode, viết một bài review đầy thông thái chỉ ra hàng loạt vấn đề. Cùng thời
điểm, một nhà văn, Salman Rushdie, khi ấy còn rất trẻ, bằng sự nhạy cảm riêng
có của mình, đã viết một bài review dài nhưng chỉ để nói rằng cuốn sách này buồn
quá, buồn không chịu nổi. Nỗi buồn không hẳn là dễ nhận ra, nhất là không dễ được
nhận dạng là một vấn đề.
Mình phục bạn Nhị Linh quá chừng đã từng "sống sót ở Sorbonne", có ma ở các tầng hầm hay hành lang không nhỉ?
ReplyDeleteÔi, nếu "tất cả những gì đã biết chẳng dùng để làm gì hết." thì thà ở với ma bên Sorbonne còn thú vị hơn, "về" làm cái mẹ gì chứ? :-)
Nói vui thế thôi chứ, "may mà có em NL đời còn dễ thương..." Chúc may mắn.
Gió Gì Chẳng Biết Gió Gì.
hehe Sorbonne thì có ma quái đâu
DeleteLần trước lâu lâu lắm rồi, em đọc ebook Khúc quanh, chao ôi là buồn ngủ. Sao mà nhịp điệu chậm thế này
ReplyDeleteCách đây 1 tháng em đọc lại quyển này, sách giấy, thì lại chao ôi là buồn. Mà không hiểu sao nó cứ buồn. Lúc ấy chỉ muốn gào lên là ai giúp với, chỉ ra cho với, là phải nắm bắt Naipaul ở điểm nào. Và giờ, vẫn chả nắm được gì, mà đã tới lần thứ 3. Lần này chơi kiểu đánh tỉa, mỗi hôm vài trang :((
tưởng tượng thế này nhé: cái nhìn của Naipaul giống như cái nhìn từ hòn đảo ngoài biển, rất khiếp sợ nhưng cũng cực kỳ khoái chí với những gì xảy ra trên đất liền, và cũng chính vì cái nhìn hòn đảo ấy nên lúc nào cũng nhìn thấy thế giới chỉ chực thay đổi (và thường là theo hướng xấu đi)
DeleteVưng, để em thử xem sao. Chứ hôm trước tắc tị quá, càng cố tóm được cái gì thì lại càng trôi đi đâu í, cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Vào blog của anh tìm đọc nhãn naipaul mà cũng không thấy đường :((
DeleteĐể em thử cách tưởng tượng kia hihi
Muốn đọc Naipaul mà thấy vui thì đọc Miguel Street
ReplyDeleteVậy là lại sắp có một cuốn nữa của Naipaul được dịch?
ReplyDeletehehe chả có quyển nào cả
Deletefull of despair
ReplyDeletenăm 1987, từ một nơi xa xôi, cũng có một 'nỗi buồn' nữa cất lên
ReplyDeletegiờ mới để ý: án fatwa (từ phạt vạ có khi nào chui ra từ từ fatwa)
ReplyDelete