Vì năm nay là năm kỷ niệm thứ một trăm ngày sinh Roland
Barthes, ta hãy thử làm một điều gì đó đặc biệt, chẳng hạn như tưởng tượng rằng
Roland Barthes chính là Josef K.
Điều này cũng không hẳn là quá phi lý: Roland Barthes có một
cuộc đời thực sự phi lý; không một ai khác ngoài Roland Barthes có thể tạo cho
phê bình văn học một không gian rộng và quái lạ như thế, kể từ Sainte-Beuve mới
lại có một gương mặt nhà phê bình giống
như một quái vật khổng lồ như thế, nhưng Sainte-Beuve vẫn cứ là nhà văn, dẫu chỉ
là một góc nhỏ trong toàn bộ sự nghiệp, còn Roland Barthes thì chưa bao giờ viết
một tác phẩm hư cấu nào. Sự phi lý của Roland Barthes, xét cho cùng, cũng có
chút tương tự với sự phi lý ở Kafka: Kafka chẳng bao giờ hoàn thành một tác phẩm
nào một cách trọn vẹn. Và với Roland Barthes, phê bình văn học trở thành một vụ án.
Roland Barthes, đến thập niên 50 và 60, bỗng trở thành khuôn
mặt trung tâm của một sự phi lý khác nữa: trung tâm của lý thuyết văn học; sự
phi lý xuất hiện ngay ở một câu hỏi đơn giản, rằng có thể lý thuyết hóa văn
chương hay không. Nhưng đỉnh cao của sự phi lý mà Roland Barthes là hiện thân lớn
nhất này nằm chính ở chỗ: là khuôn mặt trung tâm của lý thuyết văn học, nhưng
Roland Barthes lại đào thoát rất ngoạn mục khỏi tư cách lý thuyết gia văn học,
thậm chí giờ đây nhìn lại ta còn cần phải đặt câu hỏi Roland Barthes đã bao giờ
thực sự coi mình là lý thuyết gia hay không. Chẳng có nhiều người đào thoát được
khỏi lý thuyết văn học một cách ngoạn mục như vậy, ta chỉ mới thấy có Antoine
Compagnon hoặc David Lodge. Còn Umberto Eco? Không hẳn. Tzvetan Todorov lại là
một câu chuyện khác hẳn nữa.
Mọi sự phi lý của một thứ phi lý như phê bình văn học dồn tụ
hết vào một Roland Barthes, và tất yếu vụ án đã diễn ra: năm 1963, Barthes cho
xuất bản cuốn sách về Racine, Sur Racine,
và mọi chuyện bùng lên, trong một vụ việc mà hậu thế sẽ gọi là vụ tranh cãi của
phê bình mới, hay cuộc đối đầu giữa Roland Barthes và giáo sư Raymond Picard
(cho đến nay vẫn có không ít người chống Barthes khủng khiếp, ví dụ René
Pommier, có hẳn một cái blog chuyên dùng để chống Barthes).
Chỉ riêng “vụ Picard-Barthes” thôi biên bản đã nặng hàng tấn.
Vào thời điểm giữa thập niên 60 ấy, dĩ nhiên Raymond Picard rất có lý, có lý
hơn Roland Barthes nhiều. Nhưng rất phi lý, sự có lý ấy càng ngày càng mất giá.
Một cái gì thật to lớn, một sự thay đổi đến tận gốc rễ lúc xảy ra đều phải như
vậy: vô cùng phi lý, nhường phần có lý cho đối thủ, vì thật ra cái mới mẻ này
vô cùng chệch choạc, nhìn là thấy ngay bao nhiêu lỗ hổng, những sai lầm, thiếu
sót. Nhưng phi lý là càng ngày nó càng hiện ra to lớn hơn, vì kỳ thực lúc ban đầu
nó chỉ kịp chìa ra khía cạnh phi lý của mình, là thứ tấn công rất dễ, và cũng
thật lạ lùng vì những người có đầu óc hợp lý nhất thấy vô cùng căm ghét nó. Những
người có đầu óc hợp lý thì cũng nhạy bén với sự thay đổi gốc rễ mà cái mới xuất
hiện kia mang mầm mống. Trong Critique et
vérité viết ngay sau đó, Roland Barthes đã làm một cuộc kiểm kê một núi lời
lẽ hằn thù như chiến tranh ấy (xung quanh Trần Dần và một vài người khác nữa
cũng từng bùng lên cả một cuộc nhục mạ tập thể). Nhưng dẫu có viết Critique et vérité thì hình như Barthes
chẳng mấy để ý đến vụ việc, giống Josef K. thường xuyên chẳng mấy quan tâm đến
vụ án của mình. Cứ như là đã biết từ trước, rằng chuyện sẽ phải xảy ra, không
thể không xảy ra.
Ở đoạn cuối đời, câu chuyện của Roland Barthes cũng vẫn hao
hao câu chuyện của Josef K.: như thể Barthes cũng trải qua cuộc tuyên án trong
nhà thờ (một chương về cuối tiểu thuyết Vụ
án), đột nhiên Barthes chỉ còn muốn viết tiểu thuyết, mà lại là tiểu thuyết
rất tình cảm, như là gặp một khải ngộ kỳ cục đến cực điểm. Rốt cuộc, Josef K.
chẳng hiểu nổi cánh cửa dẫn vào Pháp Luật thật ra nghĩa là gì, còn Roland
Barthes cũng không viết nổi cuốn tiểu thuyết nào. Ngay sau đó là cái chết.
Nhưng Josef K. nhận về mình tủi nhục như thể gánh hộ những
người khác, còn Roland Barthes thì gánh chịu mọi thứ để trở thành người bảo trợ
cho cả một loạt nhân vật dưới đôi cánh của ông xây dựng những sự nghiệp lý thuyết
trọn vẹn: Gérard Genette, Jean Starobinski, Jean-Pierre Richard, đấy là chỉ kể
tên những người kiệt xuất hơn cả.
phi lý nhưng sáng, khó và hiếm.
ReplyDelete