tôi đã ở rất xa
nơi ấy thật quê nhà
ở Hà Nội, nếu đứng trên vỉa hè đủ lâu, chắc chắn sẽ bị xe đi qua bắn nước bẩn lên người, bị xe đi dưới đường lao lên đâm từ chết tới bị thương, hoặc bị đẩy xuống đường, ở Paris, nếu đứng trên vỉa hè đủ lâu, chắc chắn sẽ có người tới hỏi xin một điếu thuốc lá; có một câu rất nhàm chán, nói rằng nếu đứng trên vỉa hè đủ lâu, ta sẽ nhìn thấy kẻ thù đi qua, trong một cỗ quan tài tiều tụy; lại có một câu khác, còn nhàm chán hơn, nói rằng nếu đứng trên vỉa hè đủ lâu, ta sẽ thấy chính mình đi ngang qua; đứng đủ lâu, rất có thể ta sẽ trở thành một hóa thạch, khi ấy, hãy cố mà hy vọng về một tương lai hổ phách: không gì tạo ra cảm giác tinh khiết mê hoặc như hổ phách, hổ phách đẹp mê hồn, hổ phách là một vật chất có quyền năng thôi miên
tôi ngồi ở một quán cà phê, được một lúc thì hiểu được mình thật sai lầm khi chọn ngồi bên ngoài, gió thổi lạnh buốt khiến những ngón tay tôi tê dại, cho dù nắng vẫn đổ đầy trên mọi nóc nhà, trên phố đang vắng quãng thời gian hoang vu của buổi chiều; tôi không vội đổi chỗ vào bên trong, phía sau những ô cửa sổ gắn kính, tôi chấp nhận sự tê cóng của bàn tay, vì từ đây, tôi có thể nhìn thấy những đoàn tàu chạy qua phía trên; đại lộ lớn này, thêm một đoạn nữa sẽ tới cầu bắc qua sông, một trong gần bốn mươi cây cầu mà trước kia tôi thuộc lòng tất cả, không chỉ tên mà cả vị trí và thứ tự; nơi đây không có nhiều tuyến tàu điện ngầm chạy trên mặt đất (tất nhiên là trên cầu, những cây cầu cạn như viaduc đặt giữa đường); nếu đang ở boulevard de l'Hôpital (bệnh viện trên đại lộ này là Piété-Salpêtrière, vừa là bệnh viện vừa là một trường đại học) thì tôi đã biết chắc đó phải là tàu điện ngầm ligne 5, tuyến đường ấy phải chạy qua cầu, có đoạn lộ thiên đâu đó giữa Bastille, Quai de la Rapée, gare d'Austerlitz rồi Saint-Marcel; tôi từng có thời gian rất quen thuộc với địa dư khu quanh Saint-Marcel và Piété-Salpêtrière, thời ấy lẽ ra việc đi lại phải rất dễ dàng, nhưng đen đủi là toàn bộ quãng thời gian tôi ở đó, bến tàu điện ngầm Campo-Fermio (tức là bến ngay trước khi tới bến cuối cùng của ligne 5, Place d'Italie) đóng cửa sửa chữa, suốt mấy tháng ròng, thành ra đi lại còn trở nên khó khăn chật vật hơn nhiều; ở Paris, luôn luôn có vài bến tàu điện ngầm đóng cửa sửa chữa, đợt này là bến Louvre-Rivoli trên ligne 1, tuyến tàu đi qua toàn những địa danh mỹ miều, nên để đến một cuộc hẹn tại quán cà phê tuyệt đẹp trên phố Amiral de Coligny (nhân vật có số phận thật thảm khốc), kế bên nhà thờ cũng tuyệt đẹp Saint-Germain l'Auxerrois tức là đối diện với cung điện Louvre, tôi phải xuống tàu trước bến Louvre-Rivoli rồi đi bộ; cũng không thành vấn đề mấy, vì có những khoảng Paris các bến tàu điện ngầm đặc biệt gần nhau
Paris có một quyền năng thật đặc biệt, là làm cho người ta lúc nào cũng muốn gọi thật rõ ra các địa danh; đọc cuốn sách Une question de discipline của Antoine Compagnon tôi mới biết hóa ra cả Compagnon cũng có thói quen ấy (vùng địa dư Paris đặc biệt xuất hiện nhiều tên phố trong đó là quanh khu trường đại học Jussieu; cũng kỳ lạ, vì trường mà Compagnon gắn bó lâu năm là Paris IV tức là đoạn kẹp giữa boulevard Saint-Michel, rue des Écoles và rue Saint-Jacques, ngay đối diện với Collège de France qua bên kia phố Saint-Jacques (một phố thật dốc, mà ta sẽ cảm nhận độ dốc tức thở một cách hết sức dễ dàng nếu đi xe đạp theo đúng chiều xe chạy, vì đó là phố một chiều), tức là cách Jussieu, trường Paris VI và Paris VII, một thôi dài đi bộ trên rue des Écoles); nhưng dĩ nhiên quán quân trong bộ môn điểm danh tên phố Paris phải là Patrick Modiano, không ai kể nhiều tên phố như ông ấy, và tôi luôn luôn ái ngại, vì những tên tuổi ấy đâu có nghĩa gì đối với những ai không thực sự biết Paris, họ làm sao hiểu được "Mabillon" trong tiểu thuyết của Modiano có thể gợi lên một bầu không khí như thế nào; Mabillon là rất gần Saint-Germain-des-Prés nhưng cứ như không hề thuộc về chốn ấy, mà lựa chọn ngả sang bên nhà thờ Saint-Sulpice; đợt này, có một đêm tôi thuê khách sạn ở gần bến tàu điện ngầm Picpus (lại là một bến ngay trước khi tới bến cuối một tuyến tàu: lần này là ligne 6, chỉ một đoạn nữa là tới Nation, một nơi tôi hoàn toàn không thích, nhưng Picpus thì không hề có chút không khí nào của Nation), chỉ cần nhìn thấy "Picpus" là tôi đã thấy thích khu vực này, một khu mang tên Bel-Air mà trước đây tôi hoàn toàn không rành, nhìn chung tôi không rành khu Hữu Ngạn, cũng giống các nhân vật của Modiano, tôi nghi kỵ bờ phía trên của sông Seine; tôi cũng nghĩ ngay đến Modiano, trong một cuốn tiểu thuyết mà tôi đã quên mất tên nhưng không có ham muốn đi kiểm tra xem thực sự thì là quyển nào, Modiano cũng để nhân vật của mình tới khu vực này, và ngay lập tức cái tên "Picpus" làm nhân vật ấy nghĩ đến Victor Hugo và một đoạn trong Les Misérables; đúng, tôi cũng nhớ ngay đến đoạn ấy trong Les Misérables, tôi còn biết rằng thật ra tu viện mà Hugo miêu tả trong đó chỉ là tưởng tượng, không hề tồn tại trong đời thực; nhưng đời thực nhiều lúc có ý nghĩa gì đâu, với tôi Hữu Ngạn là một thế giới khác, vừa nhiều hiểm nguy vừa lạ lẫm lại vừa cuốn hút; với tôi, có một tôi đâu đó ở một thế giới khác, trong một cuộc đời khác
Picpus và Bel-Air phả ngay vào tôi một bầu không khí thật đàng điếm và trụy lạc; tôi quen với Tả Ngạn hơn, hơn rất nhiều, ở đó khi loanh quanh tôi biết ngay là đã sắp tới nhà của Valery Larbaud trên phố Cardinal Lemoine, cũng dốc không kém bên Saint-Jacques (điều này không có gì lạ, vì ta đang quanh quẩn ở khu đồi Sainte-Geneviève - tôi không chắc tất cả những ai từng học tiếng Pháp nhiều năm có thể phát âm đúng tên ngọn đồi này, à la parisienne), hoặc đây, đối diện với nhà hát Odéon, ta đang đi qua bên dưới một ngôi nhà, trên tầng 6 ấy là nơi Cioran từng sống rất nhiều năm; trường cũ của tôi, hơi lệch khỏi trung tâm quartier latin một chút, trên cái phố hẹp mang cái tên rất kỳ quặc gồm ba chữ cái, mới hôm trước tôi còn ra vào thoải mái, đến đúng cái toilette ngày xưa tè một bãi thật sảng khoái, thế mà lần đến gặp một giáo sư sau đó chỉ vài hôm, gác cửa đã chặn từng người kiểm tra xem trong túi xách có đựng quả bom nào hay không
Paris thất thường và đỏng đảnh như một giai nhân; ngồi bên ngoài quán cà phê hứng gió lạnh, tôi cố nghĩ xem tàu đang chạy phía trên kia, thảng hoặc mới có một "rame de métro" chạy qua, vì đang là quãng hoang vu của buổi chiều, là ligne số mấy; thật kỳ quặc vì tôi không thể chắc đó là tuyến số 6, số 10 hay số 8; cũng thật kỳ quặc vì đời tôi lúc nào cũng gắn bó với những đoàn tàu (các bác chịu khó bấm vào đường link vừa xong đi, nó đang trên đà vươn tới một kỷ lục khủng khiếp về pageview đấy); nhưng rõ là tôi đang bấn loạn lắm, vì ligne 10 thì tôi đâu có lạ gì, nó chẳng có lúc nào chạy lên trên mặt đất hết, làm sao có thể chạy qua trên đại lộ Grenelle được
vô số lần tôi đã ngồi trên một chuyến tàu của ligne 10, thường là để xuống bến Cluny-La Sorbonne; về tuyến tàu ấy, tôi còn biết những chi tiết vặt vãnh rất ít người biết, ví dụ như nó là một trong những ligne tàu điện ngầm ít hành khách nhất của Paris (thật là tiện cho tôi khi ngày ngày phải sử dụng nó trong suốt một quãng thời gian không ngắn, tuy rằng chẳng có đoạn nào chui lên khỏi mặt đất), tổng cộng nó có hơn hai mươi bến (tôi căm ghét ligne 9, tuyến tàu có tới gần bốn mươi bến, dằng dặc bất tận), nhưng phải tính thêm một "bến tàu ma" tên là Croix-Rouge (Hồng Thập Tự) hồi đầu có nhưng sau đã bị bỏ đi (những bến tàu ma bên Berlin nổi trội hơn nhiều, khi mà các chuyến tàu của phía Đông không dừng ở một số ga nhất định); ligne 10 là nơi đã bắt tôi xử lý cả trăm cả nghìn cuốn sách, cứ lên đến tàu là tôi đọc sách, đằng nào thì cũng không cách gì ngắm nhìn phong cảnh bên ngoài, nó có chịu ngoi lên khỏi mặt đất đâu
tôi chỉ thực sự nhận ra Paris mà tôi từng quen biết (một cách trịnh trọng, nhiều xa cách) khi tìm lại được cái mùi ấy, trên ligne 10; giờ thì tôi không muốn đọc sách trên tuyến đường này nữa, tôi suy nghĩ "một cách meta", tôi từng nói đọc là một việc khó nhất trên đời, nói như thể phóng chiếu trước, để đến giờ, khi gặp lại một bầu không khí thật ra tôi đã không hề quên, thì tôi mới nhận ra quả đúng là như thế; nhưng tất nhiên, viết cũng khó không kém và nó khó chính là bởi một điều hết sức đơn giản nhưng chẳng mấy ai nghĩ đến bao giờ: muốn viết được thì phải được nâng đỡ về mặt tinh thần, Sebald đâu có thể trở thành nhà văn đích thực nếu không được Robert Walser nâng đỡ, hay António Lobo Antunes, một trong những nhà văn lớn nhất thế giới hiện nay, đâu có thể là gì nếu không tìm ra được sự nâng đỡ Faulkner; và bất hạnh nhất là những trường hợp đã tìm được sự nâng đỡ rồi nhưng lại để mất, để cho người nâng đỡ mình, người mà mình cần sự nâng đỡ, ngoảnh mặt đi
mà trong những trường hợp của văn chương, ngoảnh mặt tức là ngoảnh mặt, đừng bao giờ nghĩ là thay đổi được; văn chương là một sự vô tình, không có động lòng động tâm, không thương xót; đang ở thấp cũng cần nâng đỡ, lên cao rồi lại càng cần hơn, khi đã lên cao rồi, cơ hội chỉ còn rất ít, vô cùng ít, bỏ lỡ là buộc phải rơi thôi (giống như trong truyện Thủy hử, các đầu lĩnh thích thịt người làm nhân bánh bao hay cho nạn nhân tiềm năng uống rượu pha thuốc ngủ, rồi đến chừng thuốc đã ngấm, bèn vỗ tay kêu "ngã này, ngã này", và thế là nạn nhân ngã lăn ra, chuẩn bị thơm tho vào nằm trong những cái bánh bao)
tất nhiên những chuyến tàu chạy qua phía trên đầu tôi kia là ligne 6, không thể khác, chạy phía trên đại lộ Grenelle rồi, nó sẽ tới sông Seine, qua cầu Bir-Hakeim để tới một bến tàu điện ngầm đẹp kinh dị, Passy (Từ thăm thẳm lãng quên của Modiano rất vương vấn với Passy này); ở phía bên kia của tuyến đường, tất nhiên rồi, qua Place d'Italie là tới bến Corvisart, cái tên mà độc giả đã đọc Từ thăm thẳm lãng quên nhất định sẽ nhận ra, khi sau một quãng mười lăm năm, anh ấy đã nhìn thấy cô ấy xách một cái túi đi chợ, một cuộc đời khác bỗng nhợt nhạt quay trở về; quá Corvisart là tới bến Saint-Jacques, rồi Denfert-Rochereau quảng trường có con sư tử
còn ligne 10 của tôi, rất nhanh chóng, tôi thuộc lại được tên tất cả các bến, theo đúng thứ tự; khởi đầu là bến Boulogne-Pont de Saint-Cloud, ngay phía trên là bảo tàng Albert Kahn và trung tâm Landowski, không xa một cây cầu khác, Pont de Sèvres, tiếp đến là Boulogne-Jean-Jaurès, bến tàu rất tiện để đi vào rừng Boulogne, bến tàu thân thiết và đau đớn của một quãng đời tôi, tiếp sau đó là một vòng tròn quanh khu Auteuil, đại lộ Versailles, đại lộ Victor Hugo của quận 16, qua vòng tròn rồi là tiếp tục mấy bến liền mà tôi rất không thích, chỉ mong tàu chạy nhanh cho qua khỏi, trong số đó có bến Javel-André Citroën, lên là tới ngay một công viên đặc biệt hiện đại, mà tôi rất ghét, nhưng cũng là nơi tôi từng để một cô gái nằm lên người, ligne 10 với tôi chỉ thực sự có sinh khí bắt đầu từ bến La Motte-Picquet-Grenelle, tiếp sau là hai đợt ba bến, đợt thứ nhất gồm Ségur, Duroc và Vaneau, tức là tương ứng trên mặt đất của khu vực giáp ranh quận 7 và quận 6, đợt thứ hai gồm Sèvres-Babylone, Mabillon và Odéon, trước khi tới bến Cluny-La Sorbonne của một quãng đời tôi, sau đó rồi thêm ba bến nữa, Maubert-Mutualité, Cardinal Lemoine và Jussieu, là tới bến cuối, gare d'Austerlitz
suy nghĩ một lúc, tôi quyết định rời khỏi chỗ tê buốt những đầu ngón tay này, tôi nhảy lên ligne 10, tôi muốn đến uống cà phê ở quán Tabac de la Sorbonne
Đoạn đầu rất Modiano
ReplyDeleteHôm nọ đọc một bài của Phan Ngọc,có ý là tương lai của tiếng Việt nằm ở việc nên học tập theo tiếng Đức,đặc biệt cách sử dụng dấu phẩy và chấm phẩy,để tạo nên những trường cú nguy nga.Em thấy thấm thía điều đó khi đọc tiện bút này
ReplyDeleteđã chú ý đến dấu phẩy như thế thì sau dấu phẩy để một space hộ cái, nhức mắt quá
ReplyDeletecảm ơn anh,từ giờ e sẽ cẩn thận.
DeleteĐẹp và Buồn (đương nhiên là không liên quan gì với Kawabata ở đây cả). "Muốn viết được thì phải được nâng đỡ về mặt tinh thần" tuyệt đối đúng, chỉ có điều đoạn so sánh với "Thuỷ hử" quả là hơi...Nhị Linh :p
ReplyDeleteToday, I went to the beach with my children. I found a sea shell and gave it to my 4 year old daughter and said "You can hear the ocean if you put this to your ear." She
ReplyDeleteplaced the shell to her ear and screamed. There was a hermit crab inside and it pinched
her ear. She never wants to go back! LoL I know this is entirely off topic but
I had to tell someone!
Here is my website: illuminated marketing
lol, quả spam này xuất sắc quá nên thôi cho hiện :p
ReplyDeletechết mất ;) em cũng spam để được hiện hình.
ReplyDeleteđừng cố, tụi spam chuyên nghiệp kia mấy chục nghìn mới chọn được một nháy đấy, không đua nổi đâu :p
ReplyDeleteXin lỗi vì đề nghị đường đột, nhưng em muốn có cuộc hẹn cafe với anh!
Delete*cảm thấy lòng đầy lo lắng*
Deleteviết hay thế, nhưng trên này kg có khoản check-in nhể:) 25 ngày mai cũng ở paris, nếu khéo lang thang đứng vỉa hè biết đâu sẽ chẳng gặp bác như một tình cờ (chỗ này nhại Mai Thảo:))
ReplyDeleteJoyeux Noël!
sous le pont de Bercy p-ê? :p
ReplyDeleteAh ah, si j'avais bien compris, tu es à Paris en ce moment ! J'espère que tu es en train de préparer une thèse :-) (tu auras sûrement besoin de moi, on prendra un café un de ces jours ?)
ReplyDeleteoui, certainement, Madame, à un de ces jours, avec un grand plaisir ;)
ReplyDeleteHello to all, because I am truly keen of reading this blog's post to be updated regularly.
ReplyDeleteIt contains fastidious data.
❤️
ReplyDelete"Should mankind return to me it would be vain, I am no longer to be found."
ReplyDelete