còn dưới đây là một truyện lấy từ quyển bên tay phải trong bức ảnh đầu tiên ở đường link trên
Trong tay thợ cạo
Xác định rõ mức độ của cú đánh cần giáng xuống - vì dẫu có
thế nào thì cũng không thể coi hắn là dân chuyên nghiệp - rồi ước lượng lực của
phát đập cần thiết để khỏi phải làm đến lần thứ hai, và sau đó, ở thời điểm quyết
định, vượt qua cám dỗ đột nhiên thật mạnh mẽ được buông xuôi theo nỗi hãi hùng
bản năng hoặc sự thất bại thô thiển, chừng ấy thứ có vẻ khó khăn hơn tất tật những
gì còn lại, thành thử thay vì phải nghiên cứu địa hình và trù tính mọi chi tiết
cốt tử, những ngày cuối cùng hắn lại sử dụng thời gian để hình dung sức bật cần
thiết để hành động của hắn có thể thành công, trong một trạng thái ngây độn
hoàn toàn đến nỗi dường như thời gian bị ngưng lại, trong đó, liên tục vấp phải
những cú nhảy dựng vô thức của nỗi sợ, vai và cánh tay trái hắn có những đợt
run rẩy ngắt quãng, những run rẩy khiến hắn phải đối diện với nguy cơ có một bợm
nhậu ngồi cùng nào đó, mặc dù chẳng hề ngờ vực - tất nhiên rồi - tới một điều cụ
thể nào, vẫn có thể nghi ngờ gì đó. Dẫu vậy, hắn cảm thấy không thể thực hiện
ngần ấy đề phòng; còn tệ hơn nữa: càng tiến lại gần thêm cái đêm mà thời hạn ấn
định chẳng vì một lý do cụ thể nào đã bị lùi lại hai lần vì các chầu nhậu bất
chợt (kể từ khi “nhờ một căn hộ bốn mươi mét vuông cho thuê theo hình thức trọn
đời”, ông già Csonka, hay như vẫn thường gọi lũ trẻ con, đám bồi bàn và những
ông già khoái nhậu xỉn khác, “lão Béla”, đã “vợt được một món lớn”, lão không
ngừng lải nhải ở quán Cái Trống: “Tám
mươi lăm ngàn tiền mặt, với một mớ như vậy ở tuổi tôi, nghe thì cũng lố bịch
nhưng các vị cứ tin rằng tôi nhét nó dưới gối rồi ngủ ở trên, và một mắt vẫn…”,
hắn biết chắc cú rằng chẳng việc gì phải vội, rằng thời gian đứng về phía hắn,
bởi xét cho cùng đâu có quan trọng là hôm nay, ngày mai hay ngày kia), Simon
ngày một thêm thiếu cẩn trọng, đến mức dần dà trở nên yếu oặt như một chú nai
gãy lưng: không chỉ ám quán Cái Trống
từ lúc mở cửa cho tới khi đóng cửa, ngay khi nào nhìn thấy lão Csonka bước qua
cửa, là hắn liền ngồi dịch ngay vào nhường chỗ cho lão và, với những đồng xu cuối
cùng, trả tiền những cốc fröcc rồi đặt
chúng trước mặt lão mà chẳng nói thêm lấy một lời, thái độ hiển nhiên là quá mức
kỳ quặc tại cái nơi mà ngay “lão Béla, dẫu sao cũng đã chứng kiến nhiều chuyện
trên đời”, cũng im lặng, đấy là để đè nén nỗi kinh ngạc, hướng đến hắn một cái
gật đầu trang trọng, nghiêm nghị. Như thể được bảo vệ bởi sự yếu oặt gần như hỗn
xược ấy, dẫu hắn có không ngớt để lộ và tự thông báo với mọi người khác sự thiếu
khả năng rành rành trong việc tách rời khỏi nạn nhân tương lai của mình, thì cứ
như thể là trong một vương quốc của người mù, chứ không phải của những người
nhìn, bản thân hắn cũng mù, hắn buông mình trôi thẳng về phía cái đêm đang tiến
lại, không thể tránh, với chỉ độc một nguồn ánh sáng, trong màn tối bưng đè áp
lên hắn khủng khiếp, tia sáng thôi miên phát ra từ những tờ giấy bạc. Sự mù và cái
lực vừa bảo vệ vừa khuấy động Simon ấy lại kiếm ngay được chính Csonka làm nạn
nhân đầu tiên và chủ yếu: chẳng biết phải làm sao để thể hiện lòng biết ơn trước
những cốc fröcc được mời không ngày
qua ngày, một tối thứ Năm, sau khi quán đóng cửa, lão chủ động mời hắn lên nhà,
và vừa chế giễu “rượu của nợ” bán ở quán, lão già vừa liến thoắng ca ngợi món
rượu Badacsony do lão tự mua lấy (“Cậu sẽ nói cho tôi hay nhé, con trai, đến phải
tự hỏi thế giới sẽ đi về đâu!…), Simon, đi theo sau lão trong cầu thang, với một
vẻ bối rối có chút ít giả dối, mỗi lúc một bồn chồn siết chặt hơn - làm như muốn
vuốt cho phẳng ngực áo bằng vải gabađin màu hạt dẻ - thanh sắt ngắn nhưng dày
cui. Về chuyện “thế giới đi về đâu” hắn đã không - ít nhất là ở lần này - có cơ
hội biết được gì, vì vừa vào đến trong bếp, trong lúc Csonka quay lưng về phía
hắn để rót hai cốc rượu vang nhỏ, Simon nhón bước tiến lại và không một chút chần
chừ vụt xuống. Như là có một ý chí riêng, cú đánh - mà vẻ táo bạo khốc liệt
trái ngược hẳn với lòng cả quyết trộn lẫn với sự yếu ớt đờ đẫn - xuất phát dữ dội
khủng khiếp để rồi giảm mức độ ở cuối đường, vừa đủ mạnh để thỏa mãn dự đồ giết
chóc. Cái xác - thứ duy nhất mà Csonka còn sở hữu trong những khoảnh khắc cuối
cùng này - run lên một chút, gáy mượt lông ngay lập tức phủ máu, hai bàn tay cuống
cuồng vẫn còn cố quờ quạng tìm chỗ níu trong khoảng không, một tiếng rên kinh
hoàng buồn vô tận thoát ra từ dưới bụng, từ cổ họng, từ miệng (“Hả…?! Cái
gì…?!”), và trong khoảng thời gian tiếng vọng những rơi vỡ của mấy cái cốc cùng
chai rượu xuống sàn đá hoa của bếp ngừng, lão cũng sụp xuống, chỉ hơi ồn hơn so
với tiếng đập cánh của một con chim bay lạc vào phòng ngủ của chúng ta vào thời
điểm tìm lại được không khí tự do qua cửa sổ mở. Tiếng cái đầu vỡ rạn - thứ duy nhất khiến hắn
kinh hãi, vì hắn chẳng hề ngán cả cái xác của Csonka lẫn một đợt thương hại bất
chợt ào tới - rốt cuộc đối với hắn cũng chẳng đến nỗi không thể chịu nổi (có lẽ
điều duy nhất gây áp chế lên hắn là cơn đau nhói xoáy vào gáy ở cùng thời điểm);
thế nên, lúc hiểu ra rằng nạn nhân sẽ không cựa quậy nữa trong vũng máu trộn rượu
kia, hắn chầm chậm hạ cánh tay vẫn lơ lửng không trung xuống, bước giật lùi ra
khỏi bếp và, dựa lưng vào cánh cửa, tống khí trong hai buồng phổi đang chực nổ
tung ra, chút ít không khí mà một lúc trước hẳn Csonka đã muốn quờ lấy. Vì có đủ
mọi lý do, trong màn im lặng nhức nhối này, để nghĩ rằng món tiền nằm nơi cái
giường của lão già, sự rối trí của hắn lên đến cực điểm vào lúc, sau khi đã bước
qua, tim đập thình thịch, chướng ngại vật kinh tởm, rồi xới tung, mỗi lúc một
thêm sốt ruột và điên giận, đám gối, chăn và đệm của chốn nhơ nhớp tối tăm
trông giống một cái ổ hơn là căn phòng ấy, hắn nhận ra mình đã nhầm. Người hắn
chợt nóng rực lên, còn cơn đau vẫn nhói lên ở gáy, thay vì dịu đi, thiếu điều cắt
đứt luôn đầu hắn ra, trong một lúc, hắn cảm thấy nếu ba chân bốn cẳng bỏ chạy -
xa khỏi căn phòng! khỏi cái bếp! khỏi tòa nhà! - thì hắn vẫn còn có cơ thoát khỏi
câu chuyện này. Thế nhưng tất tật những điều ấy lại chỉ dẫn hắn đến chỗ một cái
tủ, hắn lục lọi từ trên xuống dưới, nhưng cả ở đó cũng chỉ xôi hỏng bỏng không;
hắn moi móc tủ khác, chẳng tìm được gì ngoài một cái hộp nhỏ đựng cúc măng sét
giữa hàng chồng áo sơ mi, gi lê cùng quần áo lót tơi tả; thật là quá mức rồi: vấp
phải trò lừa, đột nhiên hắn mất trí và, cáu điên, phá tung căn phòng; hắn giật
những tấm ri đô, thanh mắc, đổ ập xuống sàn chút ít đồ lổn nhổn đựng trong các
ngăn kéo bàn, kéo những cái tủ dịch khỏi tường rồi, hết cả hơi, thấy lo lắng về
những tàn phá và tiếng ồn hắn vừa gây ra, đứng sững lại, nín hơi thở và dỏng
tai lên: có phải hắn đang nghe thấy, ở bên ngoài, những bước chân? Tự khích lệ
mình hướng tới sự chừng mực - “Cái đó thì không, mình không được… nhất định
không…” - hắn tự nhắc lại câu này hai lần, cái câu như thể mang chức năng tái lập
trật tự to lớn - ở giữa sự hỗn loạn thuần túy ấy - giúp hắn bình tâm một chút.
Hắn châm một điếu thuốc lá, lấy tay dụi cặp mắt nóng rực, và mãi tới lúc ấy mới
nhận thức được sự phi lý trong các hành động của mình. Làm sao mà hắn lại có thể
đánh mất sự tự chủ đến mức đó, và món tiền, xét cho cùng, tại sao hắn cứ đi tìm
nó giữa đống chăn đệm? Vài câu nói hiển ngôn hoặc vài mẩu đoạn rời rạc của
Csonka chẳng phải đã lôi kéo đến chỗ cái giường sự chú tâm lộn xộn cực điểm của
hắn ư? Tuy nhiên hắn có biết rằng tự thân cú giết người là không thể tránh khỏi,
bởi lão già, theo chính những lời lặp đi lặp lại không ngừng của lão, hẳn chẳng
bao giờ để tiền của lão rời khỏi mình, ngay cả khi ở trên giường… Dễ chịu và thật
nhẹ, một tia sáng giải cứu êm ả chui vào trong hắn, việc nhận ra sai lầm tạo ra
ở hắn một sự nhẹ nhõm sâu xa, và ngay khi ấy hắn không còn điên rồ nữa, không vội
vã nữa, hắn thấy mình có thời gian, thậm chí hắn còn trông thấy - hoặc gần như
vậy - một chỗ phồng lên trong túi áo Csonka, và chuyện ngay lập tức tìm thấy,
ngay ở lần thử tiếp theo, những tờ tiền hẳn được bọc trong giấy bản cũng chẳng
còn là điều không thể nữa, và vậy là sau đó hắn chỉ còn phải khéo léo tổ chức
cuộc bỏ chạy và thật tỉ mỉ, hợp lý và cẩn trọng, quyết định xem, cân nhắc mọi
chi tiết, rời khỏi thành phố vào lúc nào và bằng cách nào. Dựa lưng vào cánh cửa,
hắn dừng một lúc trên ngưỡng bếp, và lần đầu tiên kể từ lúc đập vỡ cái đầu kia,
hắn liếc nhìn cái xác ì đọng; hắn khoan khoái nhận ra mình đang đứng đây lạnh
lùng biết bao nhiêu, bản thân hắn cũng phải kinh ngạc vì đã không cảm thấy cả
xót thương lẫn sợ hãi trước khả năng bất kỳ lúc nào cũng có thể bị bắt quả tang
tại trận. Hắn không muốn dối trá với chính mình: không, việc
vừa giết người vài phút trước đối với hắn chẳng khủng khiếp mấy, vì theo hắn -
vượt quá sức hút tự nhiên về phía mọi thứ gì người ta vẫn cho là cứu rỗi và
lành mạnh - hành động ấy chỉ có vẻ hãi hùng trong lý thuyết, còn trong thực tế
thì đỡ hơn nhiều. Những e sợ lúc trước gây ra ở hắn một nỗi ngượng ngùng nhất định
vì giờ đây Csonka đã không còn là Csonka mà chỉ đơn thuần là một cái măng tô nhồi
trên sàn bếp, một đống thảm hại, một đụn bất hạnh đáng ghê tởm bốc mùi rượu từ
bên trong cũng như từ bên ngoài, và vậy là một vực thẳm sâu hoắm, không thể vượt
qua kể từ nay ngăn cách lão với con người sống trước kia, cái con người mà ngay
trong cơn tưởng tượng mê sảng nhất Simon cũng chẳng chạm tới nổi, từ đó mà hiện
lên thật rành rọt cảm giác của hắn: hoàn toàn không phải hắn đã nện chết một
người sống, mà hắn chỉ đập sụm cái thứ đang nằm đây. Mãi lúc ấy hắn mới nhận ra
điều này, nhưng sự đờ đẫn tê liệt chiếm lĩnh hắn những ngày vừa qua vừa tan biến
một lần là xong luôn, ở bên trong hắn, tay trái hắn không còn lẩy bẩy và hắn đã
hiểu được mình đang ở đâu, chuyện gì vừa xảy ra và hắn sẽ phải làm gì; thế nên
hắn dụi điếu thuốc, bước thật rón rén, vì sợ bị mảnh thủy tinh vỡ đâm xuyên đế
giày mỏng cắm vào gan bàn chân, hắn tiến lại gần người chết. Chủ yếu vì một sự
tỉ mẩn đầy đề phòng chứ không phải bởi ham muốn hướng tới một khám phá chắc chắn,
trước tiên hắn lục thật kỹ các túi bên ngoài, rồi tiếp đến là các túi trong.
“Trong áo vest, chắc chắn.” Thế nên hắn cởi cúc cái áo măng tô, nhưng ngoài giấy
tờ cá nhân, một túi đựng xu, một túi thuốc lá, vài cái vé cá ngựa và xổ số, hắn
chẳng tìm được gì thêm. “Thế thì trong túi sau rồi.” Hắn lật cái xác ngoan
ngoãn nằm sấp xuống, nhưng ngoài một cái ví màu lục, hắn vẫn không thấy gì nữa.
“Này, lão già! hắn lầm bầm, lão cất vào đâu thế hả? Lỗ đít à?!” Thế nhưng hắn
có lục đi lục lại mấy cái túi (“Thêm một lần nữa! Một lần nữa!”), có rờ rẫm nạn
nhân từ đầu xuống chân, thậm chí còn cởi bít tất, thì vẫn chẳng thấy tiền đâu.
Hắn đứng đó, mặt xanh mét, trong làn ánh sáng ủ dột; tiếng bước chân nện mạnh
tiến lại gần rồi lại đi xa khỏi vọng đến từ cầu thang. Những bức tường lục nhớt
lốm đốm vết bẩn như thể đang ép vào hắn. Cửa dưới tầng trệt sập mạnh. “Một công
nhân. Làm ca ban ngày. Chắc mình phải hét lên mất thôi.” Không thể chấp nhận là
không có tiền, chẳng có gì khác ngoài một hiểu nhầm tàn tệ, nhưng dẫu có thế
thì hắn vẫn không sao nghi ngờ nổi về sự tồn tại của món tiền - thế mà chỉ cần
làm mỗi một việc là tin vào cái điều mà hắn đã biết - thế nên hai tay hắn lại
khởi sự, gần như theo cách thức không thể kiểm soát, lục soát thật kỹ càng cái
túi đựng xu (“Ba trăm hai mươi và…”), thêm một lần nữa mở túi đựng thuốc lá ra,
để rốt cuộc tìm được trong ví cái thứ mà Simon - làm sao hắn có thể đoán được
những gì phải tìm nằm trong đó? - tuyệt đối không muốn tìm. Hắn không đọc văn bản,
nhưng tuy vậy trí óc hắn vẫn chụp lại hình ảnh (“Chỉ là viết lên giấy… Dẫu sao
thì lão cũng đã không nói dối… Không thể nào… Không thể nào… dẫu thế… thì…”), rồi,
chầm chậm, hắn thõng tay, để rơi tờ giấy, rùng mình và sau đó, bị một nỗi mệt mỏi
ập tới thiếu điều thì quật ngã, hắn loạng choạng quay trở lại khoảng tối lờ mờ
của phòng ngủ - chỉ có độc một mảnh ánh sáng luồn từ bếp sang - và ngồi chớm
mông lên thành giường, như thể hắn thấy thật chẳng ra sao nếu chiếm nhiều chỗ
hơn. Hắn thấy thật nặng nhọc vì phải ngồi, thật nặng nhọc vì phải cong lưng, thật
nặng nhọc vì phải vươn người lên; hít thở, im lặng, bị ngứa mặt: mọi thứ đều
đánh mất ý nghĩa; chẳng gì còn dùng để làm gì nữa, tính cả việc thu lu người lại
hay đứng dậy đi ra ngoài không khí tự do, vì dẫu chỉ cần ba bước chân thôi, hắn
vẫn thấy việc tìm lối ra là không thể, vì hắn chẳng biết phải chọn hướng nào, không
có khả năng định hướng trong khoảng không gian hũ nút chẳng có lấy một lối
thoát này, bởi là đường một chiều, cứ như thể hắn không thể nào đi trở ngược
con đường đã dẫn hắn từ phòng ngoài cùng vào phòng ngủ qua cái bếp. Phải làm gì nữa đây? Hắn cứ ngồi, hai tay khoanh lại,
nhưng lúc hắn đưa ánh mắt u ám về phía ánh sáng gần như chói mắt của căn bếp, rồi
trông thấy Csonka, sau khi đã bị vần vò và lật úp xuống, mang dáng vẻ của một
con mèo nằm ép người xuống đất chuẩn bị nhảy bật lên (cái măng tô nhàu nhĩ của
lão làm thành một cái bướu trên lưng; hai bàn tay xòe ra như cẳng thú cứng đơ và
hai chân giạng rộng - cứ như là lão định chống xuống sàn đá hoa để lấy sức nhỏm
dậy), Simon quay trở lại bếp và, hấp háy mắt vì luồng ánh sáng dữ dội và những
đau thắt khoan vào sau gáy, cũng chẳng biết vì sao nữa, thử vần cái xác về tư
thế ban đầu. Nhưng hắn có kéo hai cánh tay chẹt bên dưới cổ họng ra, có lật cái
xác nằm ngửa lên, thì hình ảnh khuôn mặt tơi tả, cố định lại trong một sự nhăn
nhó nhìn mà đông cứng máu lại, đột nhiên khiến hắn thấy thật không sao chịu nổi,
đến nỗi ngay tắp lự hắn phải, bằng bất kỳ giá nào, làm gì đó để thoát khỏi nó.
Hắn bèn thòng tay xuống dưới nách xốc lão lên dựa vào chân bàn, cố sức làm cho
nó ngồi, cái xác nặng đến đáng kinh ngạc ấy, nhưng thân người kia cứ không ngừng
lúc lắc sang hai bên; đổi ý, hắn kéo lão ra chỗ cửa, quẳng lão nằm bên dưới giá
mắc áo và phủ lên lão một đống áo; tuy nhiên hắn lại bỏ ý định, vì như vậy
“cũng không được”, cái đống này chiếm hết khoảng không gian nhỏ xíu, chặn mất cửa,
“nếu có người muốn vào”. Một lần nữa, hắn lại kéo nó đi, vào phòng ngủ qua bếp,
dừng một lần, bối rối, ở cạnh giường, rồi rốt cuộc quyết định - với cảm giác rằng
ngần ấy nỗ lực làm hai tay hắn mỏi dừ - đặt nó ngồi lên cái ghế phô tơi xơ xác ở
góc nhà tối nhất. Hắn đặt lên hai tay dựa, thật chắc, hai bàn tay đã hơi cứng lại,
vuốt cho phẳng cái áo măng tô nhàu ở đoạn bụng và, chẳng phải không khó nhọc, vắt
hai chân chéo vào nhau, như thể Csonka đang thảnh thơi ngồi đó, rồi hắn quay lại
bếp, tắt đèn và ngồi lên một cái ghế. Tuy nhiên, kết quả không làm hắn thấy
thích hợp, trong chừng mực cùng một lúc thỏa mãn hai yêu cầu - sửa chữa lỗi lầm
của hắn bằng một cách nào đó nhưng đồng thời cũng phải chối bay là đã phạm lỗi
- chắc chắn chẳng phải việc dễ - đó là còn chưa nói đến chuyện ở tận sâu tất tật
những thứ đó đang hoạt tác, sượng đục, một xung động không thể kiểm soát mà cái
đích ngoài tầm với cứ tuột đi mãi, và nó mang hình dạng một sự nổi loạn sơ khởi
chống lại cái địa ngục của sự bất lực nơi hắn, giờ đây khi hắn đã trở nên hoàn
toàn trơ trụi như vậy trước tất cả những gì vừa gây ra. Không có cách nào để
thoát ra, như thể bị trói chặt từ bên trong, hắn cảm thấy bị đè nát dưới trọng
lượng cái xác, hắn không sao thoát được ra khỏi, đặt nó xuống đất cũng chẳng
khá gì hơn, và trong lúc hắn buông hai tay cho chúng thõng xuống, trong khoảng
không, cái xác nặng trịch của Csonka kéo lấy chúng với cùng lực vào khi, đan
vào nhau vòng dưới nách người chết, chúng đã tìm cho nó một chỗ trong mê cung địa
ngục này. Theo gương Simon, Csonka chẳng còn gì cũng như bất kỳ ai ở bên ngoài
lão: cú rơi, giống còng tay, buộc chặt họ vào với nhau, cũng giống như cành cây
gãy không thoát khỏi bàn tay túm lấy nó, bởi ở mãi phía bên dưới - vực thẳm sâu
lắm - ào tuôn thung lũng nước mắt. “Nhưng sao lại thối hoắc lên thế này nhỉ?” Hắn
bật đèn, hít ngửi không khí xung quanh, và vì mùi thối dường như bay từ phòng
ngủ ra, hắn mau chóng tìm thấy dưới gầm giường một cái bô sắt tây đầy lưng chừng
nước đái. “Ít nhất thì mình cũng sẽ không có kết cục giống như thế này”, hắn
thoáng nghĩ. Rất mau chóng, hắn đổ cái bô vào bồn rửa trong bếp, nhưng vì sợ ai
đó bên ngoài nhìn thấy hắn trong này, nếu mở cửa sổ rồi đóng lại, hắn không dám
thông khí, nhưng mùi hôi thối, mà cho tới lúc ấy hắn không hề để ý, khiến hắn
khó chịu, kinh tởm quá, càng lúc càng thêm khó chịu. Hắn thấy xấu hổ cho
Csonka; hắn những muốn lão già - chừng nào cảnh sát đến khám căn hộ - tạo ấn tượng
tốt đẹp cho bọn họ, thế nên hắn nảy ra ý định dọn dẹp và rửa đống bát đĩa cáu bẩn
rải rác đây đó. Nhưng vì thấy không đủ sức để đảm đương việc này, hắn chỉ châm
thêm một điếu thuốc lá rồi ngồi lại xuống ghế sau khi đã tắt đèn. Ánh mắt trống
vắng, hắn nhìn chằm chằm vào bóng tối thêm một lúc nữa, chỉ chú tâm đến cơn đau
đầu cứ thắt lại mãi, nhưng không lâu sau đó, đúng lúc đột nhiên hiểu ra tại sao
mọi thứ chốn này đối với hắn lại thân thuộc đến thế - cái bàn kênh, cái ghế, những
cặn cháy đen trên cái bếp cũ sì, cái giá mắc áo, cái giường cứ liên tục bừa bộn,
ghế phô tơi, thảm lót rẻ tiền - hắn cảm thấy đã nhiều tuần nay, nhiều tháng và
thậm chí nhiều năm, kể từ khi mặt đất hẫng đi dưới chân hắn lần đầu tiên, hắn
đã chăm chăm hướng đến, đúng, chăm chăm hướng đến cái sự ở đây, lỗ ổ chuột thảm
hại này, bởi vì - cũng giống như con người đang thất thoát của hắn cố công níu
giữ logic tạm bợ của chính nó - hắn nghĩ mình cứ thun thút mà tới đây chắc chắn
không phải vì tình cờ, như thể hắn đã theo một con đường vạch sẵn. Không hề tự
nhủ chỉ vì yếu đuối và lười nhác nên hắn mới bị lôi kéo đến cái điểm kịch tính
này của tồn tại hoặc, ai biết được, nỗi giằng xé khủng khiếp khi nhận ra - có lẽ
là do cảm giác lo lắng tăng dần - mọi thứ gì là lành mạnh và đẹp đẽ của cuộc đời
đang tan vỡ, liên hồi rã ra trong lòng bàn tay, thay vì thế hắn ngờ là có tồn tại
một vị Chúa thù địch hoặc thờ ơ chỉ chăm chăm tạo hình cho những gì là không động
tâm, không thể cứu chữa trên thế giới mà ông ta sinh ra, thành thử hắn không sợ
cái việc sớm muộn rồi cũng phải chết ngạt dưới sức nặng của cảm giác tội lỗi, của
những hối hận hay của nỗi đau nhức nhối trước sự hãi hùng, thậm chí, cứ rên rỉ
mãi, thảm hại, cảm thấy tội lỗi nhiều đến vậy, vì những gì hắn đã làm không thể
nào đảo ngược - đấy là còn chưa nói đến thất bại được thông báo từ trước của mọi
sự kháng cự, vì đâu có gì chiến thắng nổi cái không thể hiểu. Quan trọng gì, hắn
nghĩ trong một cơn lốc những ý nghĩ rối bời, khi mà mi phải lãnh trách lời quyết
định không được phản đối của số phận, cho dù mi có làm gì đi nữa - vì chút tàn
thuốc lá rơi xuống đất vẻ như vì tình cờ hoặc chỉ là do bất cẩn, mà đốt mất nhà
của mi cùng những người ở trong đó, thậm chí giết tất cả họ bằng chính bàn tay
mi, con của mi, vợ của mi, bạn của mi, mẹ của mi… - dẫu sao thì đằng nào Csonka
cũng sẽ chết thôi, còn mi thì phát điên, mất trí - mặc dù, xét cho cùng, mi đâu
có được lựa chọn - nếu mi tự buộc tội mình đến mức rồ dại, bởi nỗi kinh hoàng
thông qua cánh tay mi mù quáng giáng xuống bất kỳ ai, chẳng có gì chung hoặc mối
liên quan nào với những dự đồ quỷ quái của mi. Và giờ đây vào lúc đối với hắn mọi
thứ đã xảy ra theo lối không thể đảo ngược, [bỏ vài chữ chẳng hiểu định nói gì]
hắn chẳng còn biết rõ nữa tại sao mà vài tiếng trước hắn lại có thể tưởng tám mươi
lăm tờ tiền một nghìn sẽ là cơ may giải thoát cho hắn, và lại còn nữa: tại sao
mà hắn lại có thể, hắn ấy, trở thành một kẻ sát nhân, thế mà hắn còn chưa bao
giờ giơ tay lên trước bất kỳ ai và mọi lần thấy là không thể thoát khỏi những
cuộc ẩu đả ở quán rượu, hắn đều thích nhận các cú đánh hơn là tạo ra chúng.
“Nhưng, mấy giờ rồi nhỉ?” Vì hắn đã, từ rất lâu rồi, uống hết số tiền có được
do đem cầm cái đồng hồ đeo tay, hắn chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài quay trở
vào phòng ngủ để xem đồng hồ của Csonka. Hắn bật đèn, tiến lại gần người quá cố
đang cứng lại trong một tư thế nhìn mà lạnh cả sống lưng, nhấc tay lão già lên
vì không nhìn rõ mấy cái kim (“Còn chưa đến mười một giờ.”), và mãi tới lúc ngồi
lại xuống bên cái bàn bếp ý thức về thời gian đã trôi qua mới ào lên hắn. Nỗi sợ
đột nhiên xâm chiếm khiến hắn thấy hãi đến nỗi ra đến ngoài phố vắng mới hồi
tâm được, thậm chí còn chẳng biết - không sao mà nhớ nổi - làm thế nào mà mình
lại ra được đây. “Mình đã để lại dấu vân tay ở mọi nơi. Dẫu có thế nào, mình
cũng sẽ bị tóm thôi.” Trời mưa lất phất, gió tháng Tư quất lên mặt hắn,
ấm nồng nhưng dữ dội, và từ cả hai bên đường, từ tận sâu vườn và sân, vang lên,
u hoài, đau đớn, những tiếng mèo con kêu khiến hắn thấy kinh hãi. Hắn đi từ
quán rượu này sang quán rượu khác, nhưng vì ngay quán cuối cùng cũng đã đóng cửa,
hắn quay lại quán đầu tiên và bắt đầu trở lại cuộc vòng vèo của mình: suốt đêm
hắn quay vòng vòng như một con sư tử trong chuồng, vì chỉ việc bước đi mới làm
giảm nhẹ chút ít nỗi sợ giờ không buông tha hắn nữa. Vả lại hắn chẳng có nơi
nào để đi, biết rất rõ rằng trước hết người ta sẽ đến tìm hắn ở căn hộ của người
bạn nơi hắn tá túc từ gần hai tháng nay, thành thử hắn chỉ nằm xuống một cái ghế
trong khu vườn nhà thờ lúc cảm thấy hai bàn chân lạnh thấu đến xương trong đôi
giày tennis ướt nhẹp. Ngay lập tức, hắn thiếp đi trong giấc ngủ nặng nhọc, và
tuy cũng ngủ được ít nhất hai tiếng, hắn có cảm giác mình chỉ vừa chợp mắt đúng
cái khi, chập chờn mở hai mí mắt trĩu nặng, trong làn ánh sáng thù địch của sớm
mai, tiếng còi của một chiếc xe ô tô đột ngột kéo phăng hắn khỏi giấc ngủ. Người
cứng ngắc, hắn không cảm thấy hai bàn chân nữa, răng thì va lập cập và một đợt
chuột rút vặn xoắn vùng ngang thắt lưng nhạy cảm. Dẫu vậy, cơn đau đầu đã không
còn lồng lộn nữa, đỡ mức không thể chịu đựng; trì trệ và sường sượng, nỗi đau
không còn tóe sáng về phía mắt. Vì sợ bị nhìn thấy bởi ông mục sư mà hắn có biết
loáng thoáng hoặc bởi ai đó trong nhà thờ, hắn vội vã chuồn đi theo cánh cửa
khu vườn lúc nào cũng để mở rồi hòa mình vào đợt sóng ám muội của những người
đang đi làm, và hắn vẫn còn đủ tỉnh táo đáp lại lời chào sắc lẻm của tay giao sữa
ngồi sau vô lăng chiếc xe tải, cùng kẻ ấy hắn rất thường tu rượu trong góc một
cái quán bệu rệu chưa bao giờ tỏ ra không hợp với cái tên của nó: Thò Lò Mũi Xanh. Tuy vẫn tiếp tục nghĩ,
trong làn hơi ấm dễ chịu của ánh sáng ban ngày, rằng mình chẳng có lấy một cơ
may thoát thân, nhưng hắn cũng không thể tự ngăn mình tự hỏi nên đi đường nào để
rời khỏi thành phố. Và vì việc tìm thấy trong túi áo cái túi đựng xu của Csonka
làm hắn nghĩ mình gặp điềm tốt, phản ứng đầu tiên của hắn là bước vào quán đầu
tiên mở cửa trên quảng trường chợ nốc vài cốc rhum để tay chân được rã đông. Thật
may - bởi hẳn là hắn sẽ chẳng biết phải nói gì với họ - vì hắn không gặp phải
người quen nào, cả ở đó cũng như trong lúc trên đường đi ra nhà ga, thế nên hắn
có thể lên chuyến xe bus đầu tiên đi về nông thôn mà không bị ai để ý, hắn cứ
ngồi lì trên đó tận cho tới bến cuối. Ngôi làng, hắn cũng chẳng biết tên là gì,
là một trấn nhỏ xíu thiu thiu ngủ, im lìm, trong khoảng lõm một thung lũng;
sương mù gần như vẫn phủ đầy những ngọn đồi lân cận. Náo nhiệt vui tươi, một toán
trẻ con vây lấy chiếc xe bus hắn vừa bước xuống rồi, trong lúc Simon đi ngược
trở lại theo hướng thành phố, một sự tĩnh lặng khổng lồ trùm lên hắn từ mọi
phía. Do dự, hắn nhìn ra xung quanh, và đối diện bến xe bus hắn phát hiện một bảng
hiệu quán rượu; hắn quyết định chừng nào còn chưa say hẳn, sẵn sàng để quay cuồng,
hắn sẽ không nhúc nhích, không suy nghĩ gì hết. Nhưng ngay sau cốc rhum đầu
tiên - nặng hơn rượu người ta vẫn phục vụ ở thành phố - câu hỏi chuyện gì đã xảy
đến với Csonka bắt đầu quấy nhiễu hắn, và chỉ riêng ý nghĩ thoáng qua rằng kể từ
khi hắn để lão lại một mình, lão có thể bị ngã khỏi ghế phô tơi, đã đủ gây ra một
luồng khí nóng ào vào hắn. Dẫu chẳng hề muốn, vì đối với hắn vấn đề chẳng có
chút ý nghĩa nào, mọi thứ đều thúc đẩy hắn phải xem xét bằng cách nào, dù sao,
thoát khỏi chuyện này, thành ra, không đủ sức cưỡng lại cám dỗ, hắn không thể tự
ngăn mình bồn chồn bám lấy cái ý nghĩ bất khả thi là người ta chẳng hề nghi ngờ
hắn, mà chẳng hạn lại nghi ngờ những kẻ ký hợp đồng với Csonka, dẫu rằng những
giả định nghiêm trọng - hắn cảm thấy quá rõ điều này - đều giáng lên hắn. Người
ta sẽ tìm thấy các dấu vân tay ở khắp nơi, và tại quán Cái Trống cũng như những nơi khác, sẽ có nhiều người xác nhận
Csonka có quen biết hắn, đấy là còn chưa nói đến chuyện bất kỳ ai cũng có thể
đã nhìn thấy Simon khi lão dẫn hắn về nhà, hoặc khi hắn chạy khỏi tòa nhà. Trước
tình hình rối beng của mình, hắn quyết định ngừng nghĩ đến bất cứ điều gì (“Chỉ
uống thôi, cho đến lúc nôn mửa…!”), nhưng rất sớm, hắn thấy mình lại đang ngẫm
nghĩ: hắn phải thay hình đổi dạng và tìm việc làm ở một xó hẻo lánh, hoặc trốn
hẳn khỏi đất nước và bắt đầu lại mọi thứ từ con số không. Quay trở lại quầy để
gọi những cốc rhum mới, hắn trụ được trước ánh mắt nghi ngại của mụ chủ, cái
ánh mắt cũng có thể ít hướng đến hắn hơn là đến kẻ lạ mà mụ nhìn thấy bên trong
hắn, nhưng có nốc một hơi hết luôn tất cả những cốc rượu kia thì hắn cũng cảm
thấy mình sẽ không sao mà say nổi. “Ở đây, phải tìm thợ cắt tóc chỗ nào?”, hắn
hỏi - nhưng thấy là mụ kia lờ mình đi, cao giọng nhắc lại. “Thợ cắt tóc? Đễn chỗ
rẽ đầu tiên, bên phải”, mụ chủ trả lời, mặt đanh lại. Rồi sau khi liếc nhìn với
vẻ thông đồng người khách duy nhất, một lão già mặt đầy sẹo, mụ nói thêm:
“Nhưng anh phải khẩn trương lên. - Tại sao? Simon hỏi, ngoảnh đầu về phía mụ, vẻ
thăm dò. - Vì tụi cảnh sát lính lác sắp đến tóm anh đấy”, mụ phá lên cười, giọng
the thé.
[còn nữa]
[từ bản tiếng Pháp của Marc Martin]
sắp hết rồi đấy
ReplyDeleteVăn như này thì đọc từ chỗ nào đi cũng có ý nghĩa. Ngay cả đọc xéo, đọc từ phải qua, đọc ngược, hay lộn ra nhìn mặt sau để đọc mặt trước. Nhẽ hay nhất là không nên đọc và thú nhận là không thích, và không hiểu tí gì.
ReplyDeletebiết "phê bình câm và mù" của Roland Barthes không?
ReplyDeleteĐọc truyện cứ nghĩ đến Tội ác & trừng phạt của Đốt. Đoạn cuối giật hết cả mình. Chúc mừng NN làm được quả CT&CT quá oách nhé :v
ReplyDelete