-----------
Trình diễn thời
trang không phô bày, mà trộn lẫn; nó bị buộc phải ở vào trong một số mâu thuẫn
rất khó giải quyết ở mức độ bản chất: làm thế nào để kết hợp được tính chất thiết
yếu và thực tiễn của vải vóc trong lịch sử cuộc sống con người (tính chất thiết
yếu của chất liệu và thực tiễn về sử dụng) với tính chất phù phiếm (mẫu mốt, haute
couture, fashion, catwalk) thực chất đạt đến giới hạn trên
cùng của tất cả những sự phù phiếm có thể liệt kê ra được (điều tương tự sẽ xảy
ra với đồ ăn trong trường hợp các món ăn được làm ra chỉ để nhìn; nhưng ở
trường hợp đồ ăn mức độ phù phiếm cực đỉnh không bao giờ có thể toàn vẹn: đồ ăn
dù làm ra chỉ để nhìn vẫn phải là ăn được, trong khi thời trang không tồn tại ở
đâu khác bên ngoài căn phòng). Mâu thuẫn thứ hai là sự khó tương thích giữa khả
năng về tính nghiêm túc và chiều hướng khiêu dâm của phần lớn các trang
phục.
Trang bìa tạp
chí Thể thao & Văn hóa Đàn ông số mới nhất đăng ảnh người mẫu (nam,
đáng chú ý!) Tiến Đoàn trong bộ dạng của một con cừu. Tính biểu nghĩa của bức ảnh
(chiếc áo màu hồng rực không vai gồm các dây vải lưới khâu túm đặt chồng lên
nhau, một áo sơ mi bóng mặc bên trong, quần màu xanh cơ bản không pha) càng được
nhấn mạnh thêm với một mái tóc lởm chởm có phần dựng lên và hai bàn tay nắm lấy
hai sợi dây giống như cách điệu của một cái đuôi. Bức ảnh muốn nói: hãy nhìn
tôi, nhưng đừng mặc tôi. Bởi vì người mẫu là một đặc tuyển, dù có là đặc tuyển
cho sự phù phiếm hoặc nhiều khi lố bịch thì vẫn là đặc tuyển; các cá nhân đặc
tuyển tạo thành một tập thể với đặc trưng là khép kín. Một đàn cừu không chấp
nhận một con cừu lạc của đàn khác, dù cho đàn cừu chỉ lọt thỏm giữa một thế giới
có phẩm chất kép là hữu hình (căn phòng) và vô hình (những cái nhìn). Những con
cừu không ngừng tìm cơ hội để thể hiện sự kiêu hãnh về sự đặc tuyển.
Sự kiêu hãnh
là một trong các yếu tố nền tảng tạo nên nhóm người-cừu ấy. Như trên đã nói,
trình diễn thời trang không phô bày, mà trộn lẫn: một cuộc trình diễn thời
trang không có lý do tồn tại nếu không có một nhóm (không có chỗ đứng cho cá
nhân; thậm chí quy phạm của nó còn không cho phép cá nhân nào thực sự trở thành
ngôi sao của một buổi diễn): một con cừu cộng với một con cừu cộng với một con
cừu nữa và cứ thế… cuối cùng tổng số sẽ không phải là tổng số học các cá thể,
mà là một cái gì đó vừa nhiều hơn vừa ít hơn (sự lưỡng đôi này có được chính là
nhờ tính trộn lẫn: về màu sắc, về đường đi, về kiểu dáng…). Sự trộn lẫn có thể
rất đa dạng, nhưng sẽ có một điều bất biến: một cuộc trình diễn thời trang đúng
nghĩa không chấp nhận nụ cười; nó cũng sẽ không chấp nhận dáng đi bình thường
và không chấp nhận lời nói.
Buổi trình diễn
thời trang là một vở kịch câm với một nét mặt duy nhất và các vai giống hệt
nhau về động tác: nét mặt của pho tượng đá. Khi tất cả các yêu cầu vừa nêu được
tuân thủ, tức khắc buổi trình diễn mang tính chất nghệ thuật, tính chất
ma thuật, và tính chất thôi miên (sự lặp đi lặp lại các động tác với một nhịp
điệu không đổi có mục đích nào khác ngoài thôi miên?). Cách bước đi cũng có một
yêu cầu khắt khe: không được đi giống “bình thường”. Người mẫu cần phải đảm bảo
tính uốn lượn và sự cân bằng trên thế chênh vênh, do đó sàn catwalk không có chỗ
cho những người quá thấp (không đủ độ cao, thực chất là độ dài,
cho sự uốn lượn) và những người bước đi như ở ngoài phố. Các tính chất này ngay
lập tức sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu xảy ra một trong số các biến cố-thảm họa đối với
một cuộc trình diễn thời trang: một “diễn viên” cười, một diễn viên bị vấp hoặc
một diễn viên bị tụt đồ đang mặc trên người. Như vậy là vở kịch ở đây không chấp
nhận yếu tố hài: cái hài không những làm giảm chất lượng buổi diễn, mà còn tàn
phá từ sâu xa tất cả các nỗ lực hướng đến sự kiêu hãnh, và vẻ nghiêm túc.
Roland Barthes
khi phân tích về thoát y vũ (“Strip-tease” trong Mythologies) đã chỉ ra
cơ chế đánh đuổi sự khiêu dâm ở các buổi diễn thoát y: các động tác theo nghi
thức, cái khí hậu từa tựa nghệ thuật không cởi quần áo người diễn viên, mà ngược
lại còn khoác thêm quần áo lên cho họ. Ở trình diễn thời trang, các mẫu trang
phục hở hang (thường xuyên nhất là hở ngực, lưng và đùi) cũng được hưởng cùng một
cơ chế. Cùng một động tác phá hỏng yếu tố ma thuật như nêu ở trên cũng sẽ đẩy yếu
tố khiêu dâm vào một buổi trình diễn thời trang, dấu hiệu của thất bại (vì vi
phạm nghi lễ).
Như vậy là
trình diễn thời trang được dựa trên một huyền thoại mang tính cộng đồng: điều
gì nhiều người làm (tuy rằng chỉ ở một không gian hẹp và trong một khoảng thời
gian ngắn) là hợp lý và có thể tồn tại; huyền thoại ấy được trang trí bằng các
yếu tố nghệ thuật, và những con cừu vẫn có thể trong một đêm được những con người
vinh danh bằng hình thức vỗ tay, những tiếng vỗ tay thường bị tiếng nhạc rất lớn
át bớt đi phần nào.
NB. đã có đầy đủ phần "introduction" cuốn sách Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ của Albert Béguin, và cũng đã viết xong bài tập làm văn phân tích "chương Judith Altmann"
hic người vừa có cả độ cao lẫn độ dài lại thừa kiêu hãnh mà không nằm trong nhóm người-cừu (hay ít ra cũng là kẻ săn cừu) kể cũng tiếc cho đàn cừu đặc tuyển nhỉ;)
ReplyDeletevào chọc anh chút trước khi metro dừng ở trạm odéon:)
ba hôm nữa hẹn cùng chỗ, cùng giờ nhé, hoặc leo lên trên mặt đất cũng được, trước tượng anh Danton, nếu không đi bộ tí ra chỗ librairie polonaise đại lộ Saint-Germain sẽ yên tĩnh hơn :p
Deleteok, nhưng hứa cafe nhẹ nhàng thôi, đừng thử kiểu này kiểu nọ, nhất là phải hứa không được quay em, một vòng cũng không, nhé!
Deletesao hồi í ko so nó vs. "Tuổi Trẻ Cười" nhỉ, bởi sự "nghiêm túc" của chúng là "một huyền thoại mang tính cộng đồng" mấy lâu nay.
ReplyDeletephải chi lúc còn làm báo NL mở hẳn một mục "petite mythologie du mois"
ReplyDeleteở vn chỉ thấy mỗi NL đi vào được cơ chế của những huyền thoại, mà chỉ có 2 bài là bài này và bài chụp hình cưới, mong viết thêm
ReplyDeletecó Nguyễn Trương Quý cũng cố trong mấy khảo cứu về tân nhạc nhưng chưa thật sự vào được, chỉ dừng lại mức liệt kê thông tin
Deletecả loạt "thời chúng ta" và loạt "consâu" (như "nú vồ rịt", "bạ zì cũng bụp") đấy
ReplyDelete