Dec 1, 2017

Le Spleen de Paris

Đã có cái mốc năm mươi năm, rồi lại đã có cái mốc một trăm năm, nhưng năm nay không thể kết thúc trước khi đến với một cái mốc nữa: mốc một trăm năm mươi năm, bởi vì Baudelaire chết năm 1867, tức là cách đây tròn một trăm năm mươi năm.

Vả lại, đang trong cùng lúc bồng bềnh ở một thành phố tên là Paris, không thể không nhớ đến ông hoàng của toàn bộ nỗi buồn chán và bất hạnh của cả một thành phố. Không thể không nhớ đến Le Spleen de Paris của Baudelaire.

Le Spleen de Paris là những bài thơ văn xuôi của Baudelaire, đó cũng là một khoảnh khắc lớn trong sự hình thành một ý thức, ý thức của "hiện đại", tức là ý thức về bất hạnh. Voltaire đã là nhà văn hạnh phúc cuối cùng (Roland Barthes), nhưng bởi vì ý thức thì chậm, cho nên phải là Baudelaire, rồi cả Flaubert và Dostoievski, thì mọi sự mới hình thành.

Baudelaire không tự biết là mình đúng đến thế nào, trong mọi thứ, nhưng nhất là khi viết "Horrible vie! Horrible ville!" trong "Vào lúc một giờ sáng". Đúng một cách khủng khiếp.




V

Căn phòng kép


Một căn phòng giống với một mộng tưởng, một căn phòng thực sự là tinh thần, nơi bầu không khí đọng quánh điểm chút hồng và xanh.

Ở đó tâm hồn tắm trong lười biếng, tẩm thơm nhờ nuối tiếc và ham muốn. - Đó là một thứ gì nhuốm hoàng hôn, xanh lợt và hồng nhạt; một giấc mơ khoái lạc trong một khuất thực.

Các thứ đồ có những hình thù thuôn dài, buông lả, uể oải. Các thứ đồ như thể đang mơ; hẳn có thể nói chúng được thiên bẩm một cuộc sống mộng du, giống thực vật và khoáng chất. Những thứ vải nói một ngôn ngữ câm lặng, giống lũ hoa, giống những trời, giống những mặt trời đang lặn.

Trên các bức tường không có lấy một thứ đồ nghệ thuật đáng tởm. Trong tương quan với cơn mơ thuần túy, với ấn tượng không được phân tích, nghệ thuật được xác định, nghệ thuật xác thực là một báng bổ. Ở đây, mọi thứ đều có sự sáng sủa đầy đủ và sự tối tuyệt diệu của hòa hợp.

Một thoáng hương cực nhỏ của lựa chọn vi diệu nhất, trộn vào đó là một mức độ ẩm rất nhẹ, bơi trong bầu không khí này, nơi tinh thần thiu thiu ngủ được ru êm bởi những cảm giác của nhà kính nóng sực.

Mút-xơ-lin khóc ròng trước các cửa sổ và trước giường; nó giãi bày bằng những dòng thác tuyết. Trên cái giường ấy nằm Thần Tượng, bà hoàng của những giấc mơ. Nhưng bằng cách nào nàng ở đây? Kẻ nào đã mang nàng đến? quyền lực ma thuật nào đã đặt nàng lên cái ngai mộng tưởng và khoái lạc kia? Quan trọng gì đâu? nàng ở đây! tôi nhận ra nàng.

Đó chính là cặp mắt, mà lửa xuyên qua hoàng hôn; đôi mắt tuyệt diệu huyền ảo và khủng khiếp kia, mà tôi nhận ra nhờ vẻ hiểm độc đáng sợ của chúng! Chúng thu hút, chúng nhấn chìm, chúng ngốn ngấu cái nhìn của kẻ thiếu thận trọng đang chiêm ngưỡng chúng. Tôi vẫn hay nghiên cứu chúng, hai ngôi sao đen quy định hiếu kỳ và ngưỡng mộ.

Nhờ con quỷ tốt lành nào đây mà tôi được quấn quanh bởi bí ẩn, lặng im, yên bình, cùng những hương thơm như vậy? Ôi ân phúc! cái mà chúng ta thường đặt tên là cuộc đời, ngay cả trong mở rộng sung sướng nhất của nó, chẳng hề có gì chung với cuộc đời tối cao này mà giờ đây tôi biết đến và nếm trải từ phút này qua phút kia, từ giây này qua giây kia!

Không! không có các phút, không có những giây! Thời gian đã biến mất; chính Vĩnh Cửu đang ngự trị, một vĩnh cửu của các tuyệt thú!

Nhưng một tiếng đập khủng khiếp, nặng nề, đã vang lên nơi cửa và, như trong những giấc mơ địa ngục, tôi đã thấy như thể mình phải lĩnh một cú bổ cuốc vào bụng.

Và rồi một Bóng Ma bước vào. Đó là một viên mõ tòa tới để róc xương tôi nhân danh luật pháp; một gái bao nhơ nhớp đến than khổ và nhồi những lặt vặt đời nàng thêm vào những đau khổ đời tôi; hoặc giả viên chạy giấy của một ông giám đốc báo đòi phần tiếp theo của bản thảo.

Căn phòng thiên đường, thần tượng, bà hoàng của những giấc mơ, Sylphide, như René vĩ đại nói, toàn bộ ma thuật ấy đã biến mất trước cú đập mạnh tay của Bóng Ma.

Kinh hãi! tôi còn nhớ! tôi còn nhớ! Đúng! cái ổ chuột này, cuộc lưu trú của nỗi buồn chán vĩnh cửu này, chính là của tôi. Đây các thứ đồ xuẩn ngốc, phủ bụi, sứt góc; lò sưởi không lửa và không than, sùi bẩn những cú nhổ; những cửa sổ buồn thiu nơi mưa đã vạch ngoằn ngoèo trên lớp bụi; các bản thảo, gạch xóa hoặc chưa xong; quyển almanach nơi cây bút đánh dấu những ngày tháng hãi hùng!

Và cái mùi của một thế giới khác kia, mà tôi lấy làm ngây ngất với một sự nhạy cảm đã được hoàn chỉnh, hỡi ôi! nó đã bị thế chỗ bởi mùi hôi thuốc lá trộn với một ẩm mốc khó xác định. Ở đây lúc này chỉ còn đặc mùi ôi của thê thảm.

Trong cái thế giới chật này, nhưng lại đầy chặt ghê tởm, độc một thứ đồ vật quen mỉm cười với tôi: bình thuốc phiện; một người bạn gái già và khủng khiếp; cũng như tất tật bạn gái, hỡi ôi! sao mà dồi dào những ve vuốt và các phản trắc.

Ồ! đúng! Thời Gian đã xuất hiện trở lại; Thời Gian ngự trị như chúa tể lúc này; và với lão già tởm lợm đã quay trở lại toàn bộ đoàn hộ tống ma quỷ của lão, gồm những Kỷ Niệm, Hối Tiếc, Quặn Thắt, Sợ Hãi, Lo Âu, Ác Mộng, Giận Dữ và Điên Rồ.

Tôi đảm bảo với bạn rằng các giây lúc này được nhấn mạnh đầy sức lực và trang trọng, và mỗi giây, khi trào ra từ đồng hồ treo tường, đều nói: - “Ta là Cuộc Đời, Cuộc Đời không thể chịu đựng, không chút xót thương!”

Chỉ có duy nhất một Giây trong đời con người mang sứ mệnh thông báo một điều tốt đẹp, điều tốt đẹp gây cho bất kỳ ai một nỗi sợ không thể nào giải thích.

Đúng! Thời Gian ngự trị; nó đã đoạt lại ách độc tài tàn khốc. Và đẩy tôi, như thể tôi là một con bò, bằng cây kim kép của nó. “Họ! đồ ngu! Tuôn mồ hôi đi, tên nô lệ! Sống đi, kẻ đọa đày!”






X

Vào lúc một giờ sáng


Rốt cuộc! một mình! Chỉ còn nghe tiếng bánh lăn vài xe ngựa thuê bị muộn màng và bị hối thúc. Được vài tiếng nữa, chúng ta sẽ được sở hữu sự im lặng, nếu không phải là ngơi nghỉ. Rốt cuộc! ách bạo chúa của khuôn mặt con người đã biến đi, và tôi sẽ chỉ còn chỉ phải chịu đau đớn bởi chính tôi.

Rốt cuộc! vậy là tôi đã được phép thoải người vào một cuộc tắm bóng tối! Trước hết, khóa cửa hai vòng cho chặt đã. Cứ như thể vòng xoay chìa khóa ấy sẽ làm tăng thêm cho tôi niềm cô độc và củng cố các chiến lũy giờ đây ngăn cách tôi với thế giới.

Cuộc sống khiếp hãi! Thành phố khiếp hãi! Ta hãy tóm tắt lại ngày: đã gặp nhiều văn nhân, trong đó một người hỏi tôi có thể nào đi đến nước Nga bằng đường bộ hay không (chắc hẳn anh ta nghĩ nước Nga là một hòn đảo); đã cãi nhau tơi bời với một giám đốc tạp chí, người đáp lại mọi lời phản đối như sau: “- Ở đây chỉ toàn là người trung thực”, điều này hàm ý tất cả những tờ báo khác đều do bọn khốn viết; đã chào chừng hai chục người, trong số đó mười lăm tôi không quen; đã phân phát những cú bắt tay ở cùng mức, và làm việc ấy mà không đề phòng từ trước, là mua găng tay; đã, nhằm giết thời gian, trong khi trời đổ mưa lớn, lên nhà một cô thợ nhảy, cô nhờ tôi vẽ cho cô một bộ trang phục Vénustre; đã tán tỉnh một giám đốc nhà hát, khi tiễn tôi về ông nói: “- Có lẽ sẽ rất tốt nếu ông nói chuyện với Z…; đó là người ngu nhất, xuẩn nhất và nổi tiếng nhất trong số tất tật tác giả của tôi, có lẽ với ông ấy ông sẽ đi đến được điều gì đó. Gặp ông ấy đi, và rồi chúng ta sẽ gặp”, đã tự tán dương (tại sao?) về nhiều hành động xấu xa mà tôi chưa từng bao giờ làm, và đã hèn nhát chối vài việc xấu khác mà tôi đã thực hiện với niềm vui, tội thùng rỗng kêu to, lỗi tôn trọng con người; đã từ chối một người bạn một việc rất dễ, và đồng ý viết lời tiến cử cho một thằng rồ chính hiệu; chậc! đã hết chưa?

Phẫn với tất cả và phẫn với tôi, tôi những muốn cứu chuộc mình và hửng lên một chút trong im lặng và niềm cô độc của đêm. Tâm hồn của những ai tôi từng yêu, tâm hồn của những ai tôi từng ngợi ca, hãy tiếp sức cho tôi, nâng đỡ tôi, đẩy xa khỏi tôi lời dối trá và những mây khói băng hoại của thế giới, và Người, thưa Đức Chúa! hãy trao tôi ân huệ tạo ra được vài câu thơ hay, chúng sẽ chứng tỏ cho bản thân tôi rằng tôi không phải kẻ hèn kém nhất trong con người, rằng tôi không thấp hạ hơn những kẻ mà tôi khinh bỉ!







XII

Đám đông


Chẳng phải bất kỳ ai cũng được tắm trong sự đông: hưởng thụ đám đông là một nghệ thuật; và chỉ người đó mới có thể, thây kệ cái loài người, ngất ngưởng thưởng chất sống, kẻ ấy được một bà tiên truyền cho, khi còn nằm trong nôi, sở thích đóng giả và đeo mặt nạ, nỗi căm ghét nhà và ham mê đi xa.

Nhiều, cô đơn: hai vế bằng nhau và hoán đổi được cho nhau đối với nhà thơ tích cực và dồi dào. Kẻ nào không biết phủ đầy cư dân vào nỗi cô độc của hắn, thì cũng sẽ không biết một mình giữa đám đông nhộn nhàng.

Nhà thơ được hưởng ưu tiên không gì sánh nổi, tùy ý mình mà anh ta là chính anh ta hoặc người khác. Giống các linh hồn phiêu bạt tìm một cơ thể, anh ta bước vào, những khi muốn, bất kỳ nhân vật nào. Đối với riêng mình anh ta, mọi thứ đều trống; và nếu một số chỗ như thể đóng lại trước anh ta, thì đó là bởi trong mắt anh ta chúng không đáng được ghé thăm.

Người dạo chơi đơn độc và tư lự lấy được một sự say đặc biệt từ cuộc hội họp phổ quát ấy. Kẻ dễ dàng cưới lấy đám đông biết tới những hân hưởng bừng sốt, thứ sẽ vĩnh viễn vuột mất khỏi tay kẻ ích kỷ, đóng kín như một cái hòm, và kẻ lười, bị nhốt lại như một động vật nhuyễn thể. Anh ta chọn lấy tất tật mọi thứ nghề làm nghề riêng, rồi thì mọi niềm vui và nỗi khốn cùng mà hoàn cảnh bày ra.

Thứ mà con người gọi là tình yêu thì nhỏ mọn, hẹp hòi và yếu làm sao, nếu so với trận truy hoan không thể nói ra lời kia, với cuộc làm điếm thánh thiện của tâm hồn dâng đi toàn bộ, thơ và thương, cho cái bất ngờ hiện ra, cho cái không biết đi ngang.

Rất tốt nếu đôi khi dạy cho đám người hạnh phúc trên đời này, dẫu chỉ nhằm làm nhục trong phút giây niềm kiêu hãnh ngu độn của chúng, rằng có những hạnh phúc cao hơn hạnh phúc của chúng, rộng lớn hơn và tinh ròng hơn. Những ai đi lập ra các thuộc địa, các mục sư trong dân chúng, những giáo sĩ thừa sai ở chốn lưu đày nơi tận cùng thế giới, chắc hẳn biết điều gì đó về những cơn say bí hiểm ấy; và, ở trong cái gia đình rộng lớn mà thiên tài của họ tự lập ra, chắc đôi khi họ cười những kẻ thương cho họ vì số mệnh quá mức sóng gió, vì cuộc đời quá mức trong ngần của họ.







XIII

Các bà góa


Vauvenargues nói rằng tại các công viên có những lối đi bị ám chủ yếu bởi tham vọng  không thành, bởi những nhà sáng chế bất hạnh, bởi những vinh quang bị thui chột, bởi những trái tim tan vỡ, bởi tất tật những tâm hồn ầm ào và đóng kín, trong đó vẫn còn gầm lên những tiếng thở dài sau cuối một cơn giông, và chúng bước lui lại tránh xa khỏi ánh mắt hỗn xược của những kẻ vui và những kẻ nhác. Các ổ tối tăm ấy là những điểm hẹn cho các đui què mẻ sứt của cuộc đời.

Chủ yếu về phía những chốn đó nhà thơ và triết gia thích điều động các phỏng đoán háu đói của họ. Ở đó có đồ ăn chắc chắn. Bởi nếu có một địa điểm mà họ chẳng chịu hạ cố ghé thăm, như tôi vừa bóng gió, thì chủ yếu đó là niềm vui lũ người giàu. Sự náo loạn trong trống rỗng ấy chẳng có gì để thu hút họ. Ngược lại, họ cảm thấy bị lôi kéo khôn cưỡng về phía mọi thứ gì yếu, suy sụp, thảm sầu, mồ côi.

Một con mắt nhiều kinh nghiệm không bao giờ nhầm lẫn ở đó. Nơi các đường nét cứng đơ hay nhàu nát kia, trong những con mắt trống hoác và xỉn tối kia, hoặc giả đang bừng lên những tia chớp cuối cùng của cuộc tranh đấu, nơi những nếp nhăn hằn sâu và đông đảo kia, trong các dáng điệu chậm hoặc giật cục vô cùng kia, anh ta giải mã được ngay tắp lự vô số truyền thuyết về tình yêu bị lừa gạt, về lòng tận tụy không mấy được hay biết, về những nỗ lực không được tưởng thưởng, về cái đói và cái lạnh được chịu đựng một cách khiêm cung, một cách im lìm.

Bạn có từng đôi khi trông thấy các bà góa trên những ghế băng đơn côi đó, các bà góa nghèo? Dẫu họ đang để tang hay là không, thì cũng thật dễ nhận ra họ. Vả lại luôn luôn trong cuộc tang tóc của người nghèo một cái gì đó bị thiếu đi, một sự vắng mặt của hài hòa khiến cho nó càng trở nên đáng ngao ngán. Nó buộc lòng phải keo cú về nỗi đau của mình. Kẻ giàu thì mang nỗi đau của bọn họ rất mực đầy đủ.

Đâu là bà góa buồn nhất và gây nhiều buồn bã nhất, người dắt theo một đứa bé, với nó bà ta chẳng thể nào chia sớt cơn mộng tưởng, hoặc giả chỉ có độc một mình? Tôi đâu biết… Từng có lần tôi đi theo suốt nhiều tiếng đồng hồ một bà già buồn trĩu thuộc kiểu đó; người đàn bà ấy cứng queo, người thẳng tắp, quàng một cái khăn san nhỏ cũ kỹ, cả thân mình mang một niềm kiêu hãnh của khắc kỷ.

Lẽ dĩ nhiên bà ta bị kết án, bởi một nỗi cô độc tuyệt đối, cho những thói quen của anh già độc thân, và tính cách nhiều chất đàn ông trong phong hóa của bà ta nhồi thêm một duyên thầm bí ẩn vào cho vẻ khổ hạnh của chúng. Tôi chẳng biết bà ta ăn tại quán cà phê thảm hại nào, theo cách thức như thế nào. Tôi đi theo bà ta tới phòng đọc sách; và tôi rình đợi bà ta thật lâu trong lúc bà ta tìm kiếm trên các tờ báo chuyên tin tức, với cặp mắt đầy hoạt động, xưa kia từng bừng cháy những giọt lệ, những tin chiếm mối quan tâm lớn lao và có tính chất cá nhân.

Rốt cuộc, trong buổi chiều, dưới một bầu trời mùa thu quyến rũ, một loại bầu trời từ đó hạ xuống thành đoàn lũ những nuối tiếc và kỷ niệm, bà ta ngồi khuất nẻo trong một công viên, để nghe, xa rời đám đông, một công xe, loại nhạc mà các trung đoàn tặng cho dân chúng Paris.

Chắc hẳn đó là trò trụy lạc nho nhỏ của cái bà già trong trắng kia (hoặc là của cái bà già đã được thanh tẩy kia), niềm an ủi đoạt lấy thật khéo từ một trong những ngày nặng nề không bạn bè, không trò chuyện, không niềm vui, không người tâm phúc, mà Chúa đã để cho rơi ụp xuống bà ta, có lẽ kể từ nhiều năm! ba trăm sáu mươi lăm lần mỗi năm.

Một người nữa:

Tôi không bao giờ có thể tự ngăn mình liếc nhìn, nếu không phải với niềm thông cảm phổ quát thì ít nhất cũng là đầy tò mò, đám đông những kẻ cùng khốn chen chúc nhau quanh vòng ngoài một buổi công xe công cộng. Dàn nhạc ném xuyên qua đêm những khúc ca tiệc tùng, khải hoàn hay khoái lạc. Những cái rốp lướt thướt và lấp lánh; những ánh mắt giao nhau; lũ lười, mệt mỏi vì đã không làm gì, lắc lư người, vờ như đang nếm thưởng âm nhạc một cách biếng nhác. Nơi đây chỉ có kẻ giàu, kẻ sung sướng; chẳng gì không bốc ra và truyền đi sự vô tư lự và khoái thú vì được buông mình mà sống; chẳng gì hết, ngoài dáng vẻ của mớ lố nhố dựa vào thanh chắn bên ngoài đằng kia, vợt lấy, miễn phí, nương theo gió thổi, một mẩu âm nhạc, và ngắm nhìn lò lửa lấp lánh bên trong.

Luôn luôn thật thú vị, cái ánh phản chiếu ấy của niềm vui kẻ giàu nơi tận sâu con mắt kẻ nghèo. Nhưng ngày hôm đó, xuyên qua dân chúng vận bờ lu và váy sặc sỡ, tôi trông thấy một người mà vẻ cao quý tạo ra một tương phản chói ngời với toàn bộ sự lặt vặt vớ vẩn vây quanh.

Đó là một phụ nữ cao lớn, uy nghi, và cao quý trong toàn bộ dáng dấp đến nỗi từ kỷ niệm tôi còn chưa từng nhìn thấy người giống với nàng trong bộ sưu tập những giai nhân quý tộc của quá khứ. Một mùi hương của phẩm hạnh cao ngạo tỏa ra từ toàn bộ con người nàng. Khuôn mặt nàng, buồn và gầy, ăn nhập hoàn hảo với trang phục đại tang mà nàng mang trên mình. Cả nàng nữa, giống đám tiện dân nàng đang hòa mình vào nhưng không hề nhìn thấy, nàng nhìn thế giới sáng lung linh với một con mắt sâu sắc, và vừa lắng nghe nàng vừa khẽ lắc lư đầu.

Hình ảnh kỳ tuyệt! “Chắc chắn, tôi tự nhủ, sự nghèo khó ấy, nếu quả là có nghèo khó, hẳn không chấp nhận thứ căn cơ nhơ nhớp; một khuôn mặt cao quý đến thế kia cho mình thấy điều đó. Vậy thì tại sao nàng lại chủ tâm nán lại đây, tại cái nơi mà nàng tạo ra một vệt chói đến thế?”

Nhưng trong lúc vì hiếu kỳ mà đi lướt qua sát bên nàng, tôi nghĩ là mình đã đoán được nguyên do. Người phụ nữ góa bụa cao lớn dắt theo một đứa bé cũng vận đồ đen giống như nàng; dẫu vé vào cửa có rẻ đến đâu, thì cái giá đó có lẽ cũng đủ để chi dùng cho một nhu cầu của đứa trẻ, còn hơn thế nữa, một thứ phù phiếm, một món đồ chơi.

Và nàng sẽ đi bộ ra về, suy tư và mơ mộng, một mình, lúc nào cũng một mình; bởi vì đứa bé thật lộn xộn, ích kỷ, không chút dịu dàng và không chút kiên nhẫn; và thậm chí nó còn không thể, giống như con thú thuần túy, như con chó và con mèo, trở thành tâm phúc cho những đau đớn cô độc.







XVI

Đồng hồ


Người Trung Hoa xem giờ trong mắt mèo.

Có hôm, một thừa sai, lững thững dạo chơi nơi ngoại ô Nam Kinh, nhận ra mình để quên đồng hồ đeo tay, và hỏi một thằng bé con mấy giờ rồi.

Thoạt tiên đứa bé của Đế Chế thiên triều ngập ngừng; rồi, nghĩ một hồi, nó đáp: “Tôi sẽ nói cho ông.” Giây lát sau, nó xuất hiện trở lại, bế trên tay một con mèo to tướng, và nhìn, như người ta vẫn hay nói, vào lòng trắng mắt con vật, nó khẳng định không chút ngập ngừng: “Còn chưa đến giữa trưa hẳn.” Điều đó đúng.

Đối với tôi, nếu tôi nghiêng mình về phía nàng Miêu Nữ xinh đẹp, tên đến là chuẩn, vừa là vinh dự cho giống của nàng, lại vừa là niềm kiêu ngạo của trái tim tôi và nước thơm cho tinh thần tôi, dẫu đó là đêm, hay là ngày, trong ánh sáng tràn ngập hay trong bóng tối ám mờ, thì tận sâu cặp mắt đáng yêu của nàng tôi luôn luôn trông thấy giờ, thật rõ, lúc nào cũng thế, một giờ rộng, trang trọng, lớn như không gian, không chia thành phút hay giây - một giờ bất động không được ghi trên các đồng hồ treo tường, và tuy nhiên nhẹ như một hơi thở dài, mau như một ánh mắt.

Và nếu kẻ quấy rối nào đó tới làm phiền tôi trong lúc ánh mắt tôi đang đặt lên mặt đồng hồ tuyệt diệu kia, nếu một Thiên Tài bất lương và không biết khoan dung nào đó, một Quỷ của bất trắc tới nói với tôi: “Anh đang nhìn gì mà mải mê thế? Anh tìm gì trong cặp mắt sinh vật này? Anh có nhìn thấy giờ không, hỡi kẻ phàm tục hoang đàng và biếng nhác?” thì tôi sẽ đáp không chút ngập ngừng: “Có, tôi thấy giờ; đó là Vĩnh Cửu!”

Chẳng phải ư, thưa bà, đây, một tình thơ hết sức xứng danh, và cũng khoa trương ngang mức với chính bản thân bà? Tình thực, tôi đã có biết bao khoái lạc khi thêu dệt lời tán tỉnh đầy ham hố này, đến mức tôi sẽ chẳng đòi bà bất kỳ điều gì đổi lại.







XVII

Bán cầu lẩn trong một mái tóc


Để cho tôi hít lâu, thật lâu mùi tóc em, nhúng vào đó cả khuôn mặt tôi, giống một người đang khát nhúng vào nước dòng suối, và làm náo động chúng bằng bàn tay tôi giống như một cái khăn mùi soa thơm hương, để lay động những kỷ niệm trong không khí.

Nếu em biết tất tật những gì tôi nhìn thấy! tất tật những gì tôi cảm thấy! tất tật những gì tôi nghe thấy trong tóc em! Tâm hồn tôi đi trên hương thơm giống tâm hồn những người đàn ông khác trên âm nhạc.

Tóc em chứa cả một giấc mơ, đầy những lớp buồm và dãy cột; chúng chứa những biển lớn mà gió mùa đưa tôi về phía các khí hậu duyên dáng, nơi không gian xanh hơn và sâu hơn, nơi bầu không khí ngát hương những quả, những lá và làn da con người.

Trong đại dương mái tóc em, tôi thoáng trông thấy một bến cảng chì chịt những khúc ca sầu muộn, những người đàn ông sung mãn từ mọi quốc gia và những con tàu đủ mọi hình dáng dùng kiến trúc tinh xảo và phức tạp của chúng in vạch lên một bầu trời mênh mông nơi thong dong sự nồng ấm vĩnh cửu.

Trong những vuốt tóc em, tôi tìm thấy lại những uể oải của các giờ dài dặc trôi đi trên một cái đi văng, trong căn phòng một con tàu đẹp, được ru êm bởi cái tròng trành mơ hồ của bến, giữa những bồn hoa và tơ nước mỏng phun mát rượi.

Trong lò ấm sực mái tóc em, tôi hít lấy mùi thuốc lá trộn với nha phiến và đường; trong màn đêm mái tóc em, tôi nhìn thấy bừng lên lung linh sự vô tận của trời nhiệt đới; trên các bờ phủ tơ mái tóc em tôi lên cơn say những mùi trộn nhộn nhạo nhựa đường, xạ hương và dầu dừa.

Để cho tôi cắn thật lâu những dải tóc bện nặng và đen của em. Trong lúc nhay những sợi tóc biết nhún và nổi loạn của em, tôi thấy như thể mình đang ăn các kỷ niệm.





nhân tiện: đã tiếp tục "Michelet, Lịch Sử và Chết" của Roland Barthes

17 comments:

  1. nhà thơ là một bà góa. những người không góa thì giả vờ góa hoặc giả vờ thơ, và thường thì cả hai.

    nỗi u sầu là một bà góa ko có dimension of Tái giá.

    ReplyDelete
  2. goá cái sự goá :p

    thơ văn xuôi Baudelaire chắc chắn là một nguồn cho Rimbaud, chắc hẳn là một nguồn cho Lautréamont

    ReplyDelete
  3. "trở thành tâm phúc cho những đau đớn cô độc. " - mệnh đề hay nhất cho một ngày.

    ReplyDelete
  4. "Ở đây lúc này chỉ còn đặc mùi ôi của thê thảm." và hình thù của các thứ Mới bần tiện.

    ReplyDelete
  5. một đôi giày hoài cổ cười toét miệng đỏ choét: ngày xưa ở Hanoi cũng nhập về mấy "Căn phòng kép" nhưng lại ko biết là "kép" nên sửa làm gác xép. nhạt toẹt.
    hehe đọc cái này lại thấy bớt phần xấu hổ.

    ReplyDelete
  6. và "quên đồng hồ đeo tay" Rolex nữa chứ :p

    ReplyDelete
  7. khi cái Tự nhiên mất đi chính là lúc nó trở lại bằng một Tự nhiên giả tạo: như "đồng hồ đeo tay".
    ",một giờ rộng," là cái không gian của thân thể. và toàn là cảm giác của sự nghĩ, cái "khoái lạc khi thêu dệt lời tán tỉnh đầy ham hố", cái dẻo mềm mại uể oải.

    ReplyDelete
  8. em yêu đoạn viết về “các bà goá” nhất :)

    ReplyDelete
  9. nói chung, các bà goá thì ai cũng yêu

    ReplyDelete
  10. nếu "bất hạnh" cũng chính là "tóc em" thì muốn "cắn" và "ăn" quá đi!
    bài này có lẽ tả mái tóc của nàng Tiên Nâu, vì nó mộng mị thật bất thường. nhưng, dĩ nhiên, là Nâu, đọc sướng.

    ReplyDelete
  11. đấy, rất chính xác: sau "spleen" là sẽ đến một tập khác của Baudelaire, và tập í mang tên "thiên đường nhân tạo", chính là Nâu :p haschisch Baudelaire oách đến nỗi Benjamin còn pastiche luôn, nhưng đặc biệt hơn cả có lẽ lại vẫn là Barthes: phân tích tác phẩm của Ignace Loyola, Barthes thấy ngay liên hệ với Nâu Baudelaire

    ReplyDelete
  12. anh có buồn chán bao giờ ❤️

    ReplyDelete
  13. spleen của một nhân vật sinh cùng năm với B: nỗi ghê tởm còn lại sau khi đọc Tocqueville

    "Sep 2, 1851: [...] the era of mediocrity in everything is beginning, and mediocrity freezes all desire. Equality engenders uniformity, and it is by sacrificing what is excellent, remarkable, and extraordinary that we get rid of what is bad. The whole becomes less barbarous, and at the same time more vulgar. The age of great men is going; the epoch of the ant-hill, of life in multiplicity, is beginning. The century of individualism, if abstract equality triumphs, runs a great risk of seeing no more true individuals. By continual leveling and division of labor, society will become everything and man nothing. As the floor of valleys is raised by the denudation and washing down of the mountains, what is average will rise at the expense of what is great. The exceptional will disappear. A plateau with fewer and fewer undulations, without contrasts and without oppositions, such will be the aspect of human society. The statistician will register a growing progress, and the moralist a gradual decline: on the one hand, a progress of things; on the other, a decline of souls. The useful will take the place of the beautiful, industry of art, political economy of religion, and arithmetic of poetry. The spleen will become the malady of a leveling age."

    ReplyDelete
  14. thơ văn xuôi nước ta có bài nào lớn không bác?

    ReplyDelete
    Replies
    1. tiêu biểu là những bài của Thanh Thảo, Thu Bồn, Nguyễn Đình Thi, gần đây thì có "Hoa Sữa" của le violeur Lương Ngọc An

      Delete
  15. nếu hỏi như thế, thì có thể bắt đầu nhìn từ "Chơi giữa mùa trăng" của Hàn Mặc Tử ấy

    ReplyDelete
  16. tôi thấy như thể mình đang ăn các kỷ niệm

    ReplyDelete