trước tiên, xem ởkia
Kể từ ngày viết về "sự khác", tôi nhận được không ít ý kiến (tôi nghĩ điều này dễ hiểu: sự giống không gây nhiều quan tâm, nhất là tò mò, so với sự khác: nếu không có những khác và những khác, về cơ bản tâm trí chẳng có việc gì để làm - tương lai sẽ vô cùng đen tối).
Đặc biệt, các chi tiết làm nên sự khác trong công cuộc cởi áo được rất nhiều phụ nữ bàn luận riêng với tôi. Có một điều bí mật: nếu chắc chắn được là những gì họ nói (và làm) sẽ được bí mật, phụ nữ có thể cởi mở đến mức đáng kinh ngạc. Điều bí mật sau đây còn lớn hơn nhiều: tôi không bao giờ thực sự hiểu được họ làm thế nào để biết rằng những bí mật của họ, nếu nói với tôi, sẽ vẫn là bí mật. Chắc nhờ một năng lực đặc biệt nào đó mà chỉ phụ nữ mới có: chắc chắn người ta đã đúng khi khẳng định phụ nữ là tương lai của nhân loại, và tất tật những gì mà vũ trụ có thể hứa hẹn đều chỉ có thể xuất phát từ phụ nữ mà thôi.
Tôi xin được nói thêm, những đề nghị trên phương diện thực hành (vì có những người muốn chỉ ra tôi đã không hoàn toàn chính xác ở chi tiết tỉ mỉ nào đó khi miêu tả sự cởi áo), tôi đều nhã nhặn từ chối. Nhiều khi, tốt hơn hết là nên giữ một số bí mật với nhau.
Tức là, có nhiều điều rất khác, mà mọi khẳng định về toàn cầu hóa đều không thể san bằng đi nổi. Càng ngày, sự khác càng biến đổi trên khía cạnh hiện diện.
Trong một hồi ký, Elias Canetti kể câu chuyện hồi còn học trung học, có một lần đi cùng cô bạn chung lớp bán mấy thứ đồ lặt vặt kiếm tiền quỹ gì đó. Hai người loanh quanh ngoài phố cả buổi và nhận ra họ không thành công lắm, người ngoài phố chẳng mấy ai chịu bỏ tiền mua mấy thứ đồ linh tinh, thậm chí còn chẳng buồn để ý đến họ. Cô bạn nảy ra một ý: cô dẫn Canetti đến một khu phố không đông người ngoài đường, rồi mở cửa bước vào một quán cà phê. Trong quán rất đông khách, và chỉ trong một thoáng cô học sinh đã bán hết sạch mọi thứ cần phải bán cho những người khách; hai người rời khỏi đó, công việc đã hoàn thành. Sự kiện ấy để lại cho Canetti một ấn tượng mạnh: đó là ấn tượng về sự xuất hiện của một phụ nữ duy nhất tại một nơi chỉ có toàn đàn ông. Tất cả đàn ông trong quán đều cư xử vô cùng lịch thiệp trước cô học sinh và tất cả đều móc tiền mua những thứ đồ vớ vẩn - vì tất cả đều chịu tác động của ma thuật sự hiện ra. Đấy là thời ở quán cà phê không bao giờ có phụ nữ đặt chân tới.
Quán cà phê Hà Nội cho đến tận rất gần đây vẫn là địa điểm của đàn ông với nhau. Tất nhiên, khi việc phụ nữ xuất hiện ở quán cà phê đã trở nên phổ biến (giờ đây, nhiều khi có cảm giác quán cà phê đã trở thành chốn dành riêng cho phụ nữ, nhất là một số dạng quán cà phê nhất định - nhất là kể từ khi phong trào trà chiều bùng phát), các cựu cư dân cảm thấy rất phấn khích. Dẫu sao, ở mãi một nơi chỉ có toàn đàn ông với nhau thì cũng đơn điệu và nhàm chán. Ở giữa sa mạc bỗng hoa nở: còn gì hấp dẫn hơn được nữa.
Nhưng chẳng phải là không giống câu chuyện của những bông hoa: ngắm hoa thì thấy đẹp, nhưng nếu bỗng nhiên đang ngắm mà bông hoa cất tiếng nói thì có khi đến phải lăn đùng ra bất tỉnh. Những hoa mà trông như có miệng (phải có miệng thì mới nói được), đích thị đó là hoa ăn thịt.
Phụ nữ ở quán cà phê không những nói, mà lại còn nói nhiều, không những nói và nói nhiều, mà lại còn nói to, thường xuyên rất to (để có một ví dụ, xem ởkia). Phụ nữ, theo định nghĩa, thích bí mật, nhưng phụ nữ ở quán cà phê phơi bày bí mật, thậm chí cả những bí mật rất đáng kinh ngạc, và chủ yếu là bí mật của người khác. Tôi đã thực hiện một điều tra xã hội nho nhỏ, kết quả có thể gây sửng sốt: gây rợn tóc gáy hơn cả trong số phụ nữ hay hiện diện ở quán cà phê là các cô giáo. Đến là phải nghĩ rằng thói quen nói bất kỳ điều gì cũng được coi như chân lý trước đám học sinh nhỏ (chưa kể còn là thần tượng để học tập của học sinh nữ và đối tượng ham muốn bí mật của học sinh nam) khiến họ có một năng lực rất đáng kể về phát ngôn rất tự tin (và luôn luôn cao giọng - kể cả trong lúc thì thầm).
Nhưng tôi không định nói xấu phụ nữ - nói vậy thôi, tôi nghĩ rất đáng mừng vì vậy là phong trào nữ quyền đã có những thành công lớn: phong trào nữ quyền đòi sự hiện diện, xóa bỏ tính cách vô hình của phụ nữ trong suốt một lịch sử dài. Tuy nhiều lúc sự hiện diện đã đoạt được ấy được thể hiện theo những đường lối éo le nhưng vốn dĩ là người chẳng bao giờ thấy cần phải phàn nàn về bất cứ điều gì, tôi cho là nên tiếp tục không phàn nàn gì hết. Vả lại, thoải mái được ngắm hoa thì cũng đâu có đáng phàn nàn - nhất là khi đã chấp nhận được rằng hoa có biết nói.
Sự hiện diện của phụ nữ chỉ là một trong những "khác". Điều khác thứ hai tại các quán cà phê là như sau: càng ngày càng có nhiều người miền Nam. Tôi nghĩ mức độ hiện nay đã là: cứ ba giọng nói bất kỳ cất lên tại một quán cà phê bất kỳ ở Hà Nội thì có một giọng miền Nam. Đây là một thay đổi rất lớn; trước đây không hề lâu, người miền Nam là cả một kỳ quan ở mọi khu phố Hà Nội. Vả lại, dường như người miền Nam, suốt một thời gian rất dài, rất ghét đặt chân đến Hà Nội, cái chốn hiểm hóc, đáng ghét, khó ưa (tôi công nhận luôn là đúng vậy). Nhưng cũng phải nói rằng, vậy thì có vẻ công việc làm ăn trong Nam dạo này không được khấm khá.
Điều khác nữa: người nước ngoài.
Mỗi khi nào nghe thấy ở sau lưng có tiếng hút (bằng ống hút) vét cho thật sạch nước trong cốc, không cần quay đầu lại tôi cũng biết, đó là một người nước ngoài. Tiếng hút nước "xụt xụt xụt xụt" đó, tôi cho chính là minh họa tuyệt vời cho miêu tả vĩ đại của Max Weber về "đạo đức tin lành".
(trên đây là một ít Max Weber; mới chỉ là một phần nhỏ, vì Weber là một sự mênh mông - đây cũng là cách để thông báo chuyên đề Max Weber sắp được mở)
Rất nhiều người có thể nói ngay, người nước ngoài (người phương Tây) khác người Việt Nam như thế nào: một đằng khi gọt vỏ táo (nhất là gọt khoai tây) thì hướng lưỡi dao (tức là sự nguy hiểm) vào phía trong, đằng kia, hướng lưỡi dao ra ngoài.
Điều sau đây thì ít được biết hơn: người phương Tây xì mũi thì rất to nhưng hắt hơi thì tìm mọi cách cho kêu nhỏ; người Việt Nam ngược lại, hắt hơi thì ầm ĩ nhưng hiếm khi xì mũi, cho nên rất hay khụt khịt. Người phương Tây rất sợ hắt xì hơi tạo ra tiếng động, chắc hẳn vì quan niệm hắt hơi đồng nghĩa với để cho linh hồn vọt ra ngoài mất, rất có khả năng bị quỷ bắt đi.
Tiếp nữa là một ngược chiều khác: người phương Tây khi ăn rất cố gắng (và tập luyện mãi, từ nhỏ, thì đến lúc thành cơ chế tự động) không (hoặc ít) tạo tiếng động (không bao giờ nhai tóp tép và không mở miệng nói trong lúc đang ăn), còn người Việt Nam thì (không cần nói thêm nữa); nhưng người Việt Nam uống nước bằng ống hút lại rất nhỏ nhẹ, trong khi người phương Tây tạo ra tiếng động giống như hút thuốc lào Tiên Lãng.
Nhiều khi tôi ước tôi có năng lực miêu tả giống một số người; tôi đặc biệt thấy ghen tị với vài nhà văn, chẳng hạn Carlo Emilio Gadda, ở riêng điểm này. Chẳng hạn, Gadda có thể tả một phụ nữ "bốn mươi chín tuổi, nhưng trông cứ như là một người năm mươi tuổi", hoặc tự miêu tả bản thân, "Tôi cảm thấy tôi chín muồi như một con lừa". Giá kể có năng lực miêu tả như vậy thì đã hết sức dễ dàng.
Có một lần, tôi cùng một người bạn nhà văn đi vào một cửa hàng. Lúc sau đi ra, người bạn hỏi tôi có để ý thấy chi tiết này không, tôi trả lời không, người bạn lại hỏi tôi có nhớ chi tiết kia không, tôi ngạc nhiên quá lại nói là không, và thêm vài điều nữa sau đó: té ra tôi đã hoàn toàn không quan sát thấy những điều mà người bạn thấy rất hiển nhiên. Đã rõ ràng quá mức, tôi hoàn toàn không có cái mà người ta gọi là "óc quan sát". Tôi muốn giật hết tóc trên đầu mỗi khi nào nghĩ đến điều này.
(còn nữa)
PS. định tiếp tục luôn Bataille nhưng buồn ngủ quá
nói xấu từng ấy phụ nữ rồi mà còn vờ à?
ReplyDeletetừ chối sự thực hành, dù một cách nhã nhặn, là rất ko cầu thị :P người miền Nam ra Hà Nội cũng phần lớn giống như người Chiêm xưa kia, giúp pha loãng chất BK vào lúc đã ko còn loãng hơn được nữa.
ReplyDeleteVụ hắt hơi không hẳn như NL nói.
ReplyDeleteCó lần tôi đang nói chuyện với một bạn ai cập (có thể ai cập không đúng tiêu chuẩn phương tây của NL) thì lên cơn hắt hơi, tôi cố nén để tiếng hắt hơi nhỏ nhất có thể. Bạn ai cập thấy thế bảo mày không nên kìm tiếng hắt hơi, như vậy phải nén lồng ngực lại, không tốt.
theo trải nghiệm cá nhân tôi thấy ông nào bị hôi miệng mà hắt hơi theo lối tự nhiên như vậy thì cả triệu vi khuẩn trong mồm đua nhau bắn ra, và người xung quanh ở phạm vi bốn năm mét lãnh đủ.
quán net cho đến khoảng 5 năm trước vẫn là nơi chỉ dành cho đàn ông :)) và chợt hiểu cái câu thằng Holden nói, đại để là nó thích ở một chỗ nào đó mà nó có thể thấy vài đứa con gái, dù là chúng nó gãi tay hay hỉ mũi cũng được :))
ReplyDelete