Feb 17, 2019

Khái Hưng vs Vũ Đình Long

Các bài báo của Khái Hưng đoạn 1945-1946: tiếp tục ởkia (trong đó cũng đã mới thêm một bài).

Ở quãng 45-46 mà xảy ra chiến sự giữa Khái Hưng và Vũ Đình Long thì giống như là nối dài của cuộc đối đầu giữa Tự Lực văn đoàn và Tân Dân từng bùng nổ trước đó chừng mười năm.

Và đúng là có một sự nối dài như vậy, như ta thấy trong bài báo dưới đây, thuộc mục "Chuyện lẩn thẩn":



Sáng nay trở lại tòa soạn, chàng Lẩn thẩn đã nhận được cuốn sách “Hội nghị Cựu kim Sơn” của nhà xuất bản Tân Dân.

À thì ra thế, đây là cuốn Hiến chương Liên Hiệp Quốc của nhà Tân Dân. Buồn thật, không phải buồn vì chàng Lẩn thẩn không biết cuốn sách ấy đã xuất bản rồi, nhưng buồn vì cái số phận lu mờ của nó. Thì ra nó đã ra được hai tháng rồi, buồn quá nhỉ, lẩn tha lẩn thẩn như chàng Lẩn thẩn hay la cà là thế mà cũng chả thấy nó ở chỗ nào. Hay có lẽ cuốn sách ấy hay quá vừa mới ra một cái người ta đã mua mất cả rồi cho nên chàng Lẩn thẩn chả được hân hạnh biết tới cái mặt mũi của nó ra sao.

Chàng Lẩn thẩn lại xin đa tạ những người có nhã ý đem đến biếu cuốn sách này, nhưng mà làm gì mà cái người viết bức thư kia lại cáu kỉnh như thế, chàng Lẩn thẩn ngồi tưởng tượng thấy một cái mặt nhăn như bị của người viết thư mà phải phì cười. Tiếc quá, lâu ngày không được đi chiến khu chơi, giá chàng Lẩn thẩn được mục kích cái bộ mặt kia có phải là đỡ nhớ cảnh núi rừng một tý không chàng Lẩn thẩn thành ra tiếc cái hồi mà chuồng khỉ ở vườn bách thú còn thịnh vượng. Nhưng cái giống khỉ ấy còn hơn người viết thư ở chỗ không biết cáu. Nó có hay nhăn lại tại giời sinh ra thôi. Còn cái người viết thư này đã cáu đến mất cả lương tri đi nhắc lại chuyện đâu đâu: Chuyện cái sợ của nhà Tân Dân, chuyện cái anh chàng Hoàng Cừ nào đó mà chàng Lẩn thẩn không hề được biết mặt mũi. Thế là cái gì? Có muốn công kích chàng Lẩn thẩn thì cứ việc công kích, nhưng đừng làm cái điều dại dột nhắc lại những chuyện không hay ho gì ấy.

Cái cuốn sách của nhà Tân Dân mà chàng Lẩn thẩn không biết đến thật không phải lỗi ở chàng Lẩn thẩn đâu? Mà là tại ông Vũ-đình-Long không mượn người làm thơ mừng nó được ra đời. Người viết thư cho chàng Lẩn thẩn chắc không phải là ông Vũ-đình-Long nhưng sao lại biết là sách của ông chạy lắm mà sở dĩ còn một ít để ở nhà vì không mang lên vùng trên bán được. Ra bây giờ chàng Lẩn thẩn mới biết rằng quyển đó ông Vũ-đình-Long đã tính dân số Việt Nam mà in ra. Ông tin rằng mỗi người sẽ mua của ông một quyển, nên ông đã cho in hai mươi nhăm triệu cuốn người ở dưới xuôi ai cũng mua cả rồi, chỉ còn vùng trên nữa chưa ai mua được thế thì lại càng tội nghiệp cho ông lắm, vì ông phải tính cả người ở trong Nam bộ cũng không mua được vậy thì ông phải ế đi mất đến gần mười triệu cuốn đấy nhỉ. Cứ tính giá tám đồng một cuốn vậy ông thiệt mất tám mươi triệu đồng. Thật là một số vốn to, những nhà đại tư bản của nước Việt Nam có lẽ cũng chả có hơn là mấy. Mất số tiền to như thế làm gì mà ông chả già. Chàng Lẩn thẩn tin rằng cái anh viết bức thư kia đã nói điêu và bảo ông Long chả bạc một cái tóc nào chàng Lẩn thẩn tin thế được là vì người viết bức thư đã tin được rằng: tóc bạc của ông Vũ-đình-Long đã xanh lại rồi.

Thôi chàng Lẩn thẩn cũng lẩn thẩn mà làm cái tính trên kia, chứ ở hoàn cầu chưa có một cuốn sách ra lần đầu đã dám in tới mười triệu cuốn, nữa là ở đất Việt Nam này. Còn như sách của ông ế mà đổ tội cho tại không mang lên vùng trên bán được thì lẩn thẩn như chàng Lẩn thẩn cũng chả tin được, một người có tài kinh doanh như ông Long mà lại không biết rằng: Vùng trên chả ai thèm đọc sách của ông hay sao, đến cả những chuyện rẻ như bèo ngày xưa của ông cũng ít thấy mặt ở vùng trên nữa là bây giờ họ phải bỏ ra tám đồng bạc.

Dù sao chàng Lẩn thẩn cũng cám ơn vì đã được một quyển sách trị giá tám đồng trong khi túi anh ta không có một xu. Một nhân viên trong tòa soạn đã khen mỉa:

- À cái anh chàng Lẩn thẩn thế mà khôn, anh ta đã dùng cái tài bẻm mép để được sách không mất tiền.

Chàng Lẩn thẩn đã bí mật không trả lời câu ấy. Và sau cùng xin cám ơn người yêu chàng Lẩn thẩn đã lo cho chàng ta bạc tóc. Nhân tiện hôm nào ông bạn yêu quý ấy lại tòa báo chơi để chàng Lẩn thẩn tự giới thiệu, bây giờ xin nói để ông bạn biết chàng ta mới có hơn hai mươi tuổi và xuốt [sic] ngày cười. Một người vui như thế phải đến tám mươi tuổi họa may mới bạc tóc.


(Việt Nam số 153, 21/5/1946; trên số trước, Khái Hưng mỉa nhà Tân Dân từ lâu dọa in Hiến chương Liên Hợp Quốc, chính là cái mà tờ Việt Nam đã đăng từ nhiều chục số)




bonus 1 (đến tận chữ cuối cùng ta mới nhận ra đối tượng mà Khái Hưng muốn nhắm tới là ai: nhưng rõ ràng Khái Hưng đã nhìn nhận rất đúng, và từ rất sớm):

  
“Thời thế tạo anh hùng” người ta bảo thế rồi người ta lại cãi lại: “Anh hùng tạo thời thế”. Nhưng mà chàng Lẩn Thẩn thấy rằng chẳng có cái quái gì tạo ra cái gì cả, chỉ có lòng người tạo ra lòng người mà thôi. Ừ người ta bảo thời thế tạo nên anh hùng nhưng ta thử xem trong thời loạn lạc làm sao vẫn có người bình tĩnh vẫn muốn sống ẩn náu cho yên thân, chẳng ai nghe thấy một chút gì sôi nổi trong lòng người ta cả. Thí dụ như bây giờ chẳng hạn dù quân giặc có kéo ngay đến sau lưng thì những con cưng của ả phù dung vẫn yên lặng sung sướng bên chiếc bàn đèn như thường, và hơn nữa ta đã thấy trong thời xưa, trong khi đi trốn tránh các ông [t]hần đổ bác vẫn điềm nhiên say mê với cuộc đỏ đen.

Ừ thì người ta bảo: “Anh hùng tạo thời thế” nhưng ta thử xem biết bao nhiêu anh hùng mai một mà thời thế vẫn chẳng thay đổi. Rút cục lại anh hùng và thời thế chỉ là lại lòng người và lòng trời cả.

Mà đã là lòng người và lòng trời, thì thường thường hay sinh ra những sự tai quái, vì người ta đã có câu: “Trái tim có những lý mà lý cũng chả hiểu” (Le coeur a des raisons que la raison ne connaît pas). Sự đau khổ ai cũng ghê mà tại sao người ta vẫn cứ xông vào [tr.2] xứ của đau khổ. Nếu không thế thì người ta đã đi tu phật, tu tiên hết cả còn ai muốn sống nguây nguẩy ở chốn bụi trần làm gì nữa. Mà nếu lấy lý ra mà nói thì người ta ai còn dám làm điều gì trái pháp luật để đến nỗi bị tù tội giam cầm khổ sở mà có khi đem cả đời mình ra đổi lấy cái thỏa lòng trong chốc lát.

Chỉ vì cái kỳ quái của lòng người chúng ta mới thấy những cái cảnh trái ngược chẳng hạn như những người rất yếu mà thích làm ra khỏe mà có những người khỏe thì rát như cáy. Ấy thế cũng chưa trái ngược bằng những kẻ từ tâm theo đạo bác ái, đọc kinh bác ái mà lại cứ giết người. Chúng ta đã từng thấy những nhà y khoa bác sĩ đi đầu quân giết giặc, hay cả những kẻ mặc áo tu hành mà giết người, đã từ bỏ thiên đường mà bước xuống cõi trần ai rồi đưa cái triết lý của đức Chúa Trời: “Các con hãy yêu lẫn nhau” đến chỗ “hãy cố tàn sát lẫn nhau”. Trong thời xưa văn nhân đã quẳng bút lông để cầm kiếm kích, và bây giờ các nhà văn chúng ta có muốn bỏ bút sắt để cầm súng đạn chăng? Chàng Lẩn Thẩn chắc rằng: người nhà văn lúc này dù mềm yếu đến đâu, trái tim cũng không tránh được sự thúc dục [sic]: “Mau mau ra chốn sa trường chớ cây bút của các anh chẳng giết được ai đâu?”

Thế mới biết cái kỳ quặc của lòng người với cái kỳ quặc của lòng trời đã gặp nhau nhiều lắm, và những cái trái trứng [sic] trái thói của trời cũng chẳng kém gì cái trái trứng [sic] trái thói của lòng người. Chả có thế thì làm gì có ngày, có đêm, có mưa gió, có nắng ráo, có cái rét chết người và có cái nắng như thiêu. Viết đến đây chàng Lẩn Thẩn chợt cảm hứng lẩy lên mấy câu thơ mà ai cũng phải khen là tuyệt bút. Thơ rằng:

Cho hay muôn sự tại lòng trời
Cho hay muôn sự tại lòng người
Quả ớt chín ngọt rau hôi thơm lừng
Khuyên ai chớ có lừng khừng
Chớ có bịt mũi chớ bưng miệng cười.

Ấy đấy thơ như thế, ai mà không khen hay là không hiểu gì về thơ với phú cả. Khen đi, chàng Lẩn Thẩn sẽ đa tạ, ít ra cũng hay bằng thơ bà Hằng Phương.


(Việt Nam số 309, 30/11/1946




bonus 2 (chủ yếu để xem kiểm duyệt có thể lên tới mức độ nào, một số lúc):

  
Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân. Đây chỉ là hai câu hát, xong [sic] nó là tất cả cái nguyện vọng của các người bồng bột một lòng yêu nước (cả trai lẫn gái vì bây giờ nam nữ bình quyền rồi).

Chàng Lẩn Thẩn đã nhiều lần thắc mắc về vấn đề này. Ai mà không thắc mắc cho được? Đến ngay cái thời kỳ mà nước Pháp bị nạn, dân Việt Nam cũng có khối kẻ nô nức đem xương máu ra đền ơn cho mẫu quốc nữa là. Trừ một vài kẻ hoặc vì vong bản hoặc vì tình thâm nghĩa nặng thì mới không nghĩ đến việc đuổi kẻ thù hiện giờ là một bọn người của mẫu quốc, còn ngoài ra ai là không nô nức. Không phải bây giờ vì sợ 96 giáo viên đến chất vấn như anh chàng Cơm Bữa nói mà chàng Lẩn Thẩn mới có ý định này. Có lẽ từ những kiếp nào trước từ đời Lý, đời Trần, đời Lê, chàng ta đã có tấm lòng như thế. Nhưng vì sao tới bây giờ mà chàng Lẩn Thẩn vẫn còn luẩn quất ở tòa báo chưa xếp được bút sắt và lọ mực (chớ không phải xếp bút nghiên). Cái đời đi lính kể cũng sướng vì đã là một nghệ sĩ thì cũng cần phải nếm đủ mọi thứ. Tù tội, đói khát, rét mướt là những thứ muốn nếm lúc nào cũng được, chớ còn cái thú: “Đường vinh quang xây xác quân thù” hay cái thú “phanh thây uống máu quân thù” thì thật là hiếm có.

Nhưng phiền một nỗi nhìn đến cái thân mình, chàng Lẩn Thẩn nghĩ lại buồn tênh, cái giáng [sic] vóc thư sinh này chói [sic] gà cũng không nổi còn mong gì đánh đấm được ai. Rồi nghĩ đến những nỗi khổ ải ở chốn sa trường rồi đây liệu cái tấm thân mình ve vóc hạc này có chịu nổi không. Đến ở nhà bây giờ mới đầu đông mà đã cả ngày ngồi chùm [sic] chăn sù sù ra, cũng còn không chịu nổi nữa là mai đây ở những nơi đèo heo hút gió.

Hồn đã sẵn mang hình người chiến sĩ tự ngàn xưa, chàng Lẩn Thẩn tin chắc chắn là mình sẽ tòng quân được [báo viết rõ: “kiểm duyệt 42 giòng”].


(Việt Nam số 308, 29/11/1946)



last but not least: giai đoạn ấy có một thiết chế mà ngày nay người ta không còn thực sự nhớ nữa: "Liêm phóng" (rất liên quan đến câu chuyện ởkia)

những người như Khái Hưng có thể nhìn nhận Ty Liêm phóng như thế nào? dưới đây là một bài báo thuộc câu chuyện ấy:



yếu nhân của Ty Liêm phóng thời đó là Chu Đình Xương




NB. tiếp tục bài "Bắc (2) Mộ bò" về nhà văn Thụy Điển Ivar Lo-Johansson, bài "Julien Gracq" (nhớ chú ý phần comment), bài "Giữa 1& 2" về cuốn tiểu thuyết mới của Michel Houellebecq: tiếp theo và hết luôn




Khái Hưng Hà Nội
Biến mất, trở lại và ý nghĩa (1)
Trở lại với Khái Hưng
Khái Hưng Nguyễn Tuân
Đoạn cuối của Khái Hưng
Khái Hưng vs Phạm Quỳnh
Khái Hưng viết về Hồ Hữu Tường
Văn chương miền Nam: Hồ Hữu Tường (2) Hà Nội
Khái Hưng dịch thơ Victor Hugo
Ngày 19 tháng Chạp năm 1946
Nhượng Tống, Phan Du, Trương Chính
những trở lại
Khái Hưng ngoài Phong hóaNgày nay
Vòng tròn Dương Nghiễm Mậu
Lan Hữu trở lại
Tiểu luận thứ ba về Tự Lực văn đoàn
Tự Lực: một sự nghiệp tuyệt đẹp
Tiểu luận thứ hai về Tự Lực văn đoàn

Tiểu luận thứ nhất về Tự Lực văn đoàn
Đã
Lên, lên nữa, lên mãi
Vàng và máu: một vị trí
Phan Cự Đệ vs Khái Hưng
Khái Hưng vs Nguyễn Tuân
Khái Hưng
Những câu chuyện rất là khác


3 comments:

  1. Nghĩ lại buồn tênh

    ReplyDelete
  2. quê hương đất Khách từ đây nhé. nghìn vàng chuộc lấy giống bôi vôi. aka hờ.xuân hương

    ReplyDelete
  3. liêm phóng đoạn này là sự nối dài thời kỳ của những cái tên khét tiếng: Louis Marty, Paul Arnoux, Émile Grandjean

    ReplyDelete