Jan 17, 2020

[tiện bút] Les Feuillantines (tiếp tiếp)

"Lire, c'est relire. Écrire, c'est réécrire. Vivre, c'est revivre."

(NL)


Có bao nhiêu bức tượng trong khu vườn vuông? Tôi chưa bao giờ đếm.

Tôi đã không bao giờ biết điều đó (bao nhiêu tượng đầu người bố trí vòng quanh, từ trên cao, tất cả đều ngoảnh mặt xuống vườn, như thể đang canh gác, trông coi thì đúng hơn - đó là cả một sự nghiêm khắc, nhưng cũng có thể trộn lẫn vào đó là sự chế giễu).

Cho đến ngày tôi đọc một hồi ký.

Tôi đã không bao giờ làm cái việc ấy, tức là đếm tượng. Đôi khi, về sau, tôi cũng thấy tiếc vì đã không đếm. Lẽ ra phải đếm chứ. Khu vườn ấy quen thuộc với tôi đến thế. Kể cả về sau, có lần quay trở lại đó, vẫn những cái ghế cũ, loại ghế chỉ cho phép một người ngồi (nhưng chúng tôi hay ngồi ở bệ đá bên dưới các cửa sổ hơn, có rất nhiều bệ như vậy khắp bốn bức tường của khu vườn vuông, bệ rộng có thể nằm luôn được), kể cả lúc đó tôi cũng đã không đếm, tôi còn mải để ý một thay đổi không nhỏ: có cả loạt gạt tàn trông rất tối tân được lắp vào tường, đây đó - dĩ nhiên là nên có gạt tàn, vì tại khu vườn ấy rất nhiều thuốc lá đã được đốt.

Cho đến khi đọc hồi ký của một trong hai nhân vật sau đây (nhân vật nào tôi cũng không nhớ rõ) thì tôi biết con số chính xác, rằng có bao nhiêu bức tượng đầu người trong khu vườn đó (gần như không bao giờ tôi cảnh báo nhưng với hai nhân vật tôi sắp nhắc tên dưới đây, cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đọc): Robert Brasillach hoặc Lucien Rebatet. Tới giờ tôi cũng không thực sự nhớ con số nữa, nhưng tôi biết chắc chắn là 40 hoặc 60, một số chẵn.

Còn có một hồi ký miêu tả rất kỹ cuộc sống ở đó nữa, nhưng tôi còn chưa đọc: hồi ký của Queffélec, nhưng không phải Yann Queffélec từng nổi tiếng ở Việt Nam (vì từng được giải Goncourt), mà là ông bố Henri Queffélec. Đó là một nhà văn người Bretagne chuyên viết về biển.

Ở một chỗ nào, về khu vườn, tôi từng kể, một buổi chiều ngồi đó tôi đã đếm được - ở xung quanh - tổng cộng ba mươi bảy khải thị. Nhưng vậy thì có phải là quá nhiều không? Và những khải thị, biết đâu, chúng chẳng quan trọng đến thế. Nhưng đếm số lượng thì có lẽ lại là việc nên làm. Nhất là dưới những ánh mắt nghiêm khắc - hoặc cũng có thể, chế giễu thì nhiều hơn.

Người ta cũng hay trầm trọng quá mức một thứ: siêu vượt. Nhưng, có siêu vượt và chỉ có nó bởi vì nội tại ở đó.

Những ngày ấy, những người tôi hay gặp về cơ bản đều đang làm cái gì đó, hoặc ít nhất thì cũng muốn làm một cái gì đó. Một người kể mình nghiên cứu về các propos của Alain, chắc là để, pour une fois et une fois pour toutes, xác định rõ về thể loại "propos". Tôi rùng mình khi nghĩ đến việc người ấy sẽ phải đọc tới cả chục nghìn "propos". Nhưng chúng ta toàn nhầm lẫn: làm gì hay thậm chí làm thế nào thì có là gì, mà chỉ duy nhất một điều có ý nghĩa: là gì.

Có một hiểu nhầm rất lớn, hay nói đúng hơn một chấp nhận quá dễ. Vấn đề của con người đã bao giờ nằm ở chỗ người xấu đâu. Vấn đề của con người luôn luôn là người tốt. Điều này tương tự với một điều Roland Dyens từng nói, trước đây có đàn dở và đàn tốt, nhưng giờ chẳng còn đàn dở nữa, đàn nào cũng tốt hết. Vấn đề đàn dở luôn luôn chỉ là để chuẩn bị cho vấn đề thực: vấn đề của cái gì cũng tốt. Chưa bao giờ người xấu (nếu như mà có phạm trù này thật) làm được gì có ý nghĩa lớn, toàn do tay người tốt hết đấy chứ: cả Socrate lẫn Jesus Christ đều do những người tốt (nếu không phải là những người tốt nhất) ở thời của họ xử lý. Sự tốt chỉ sợ sự tốt hơn, tự hiểu quá rõ rằng chẳng có sự xấu nào là đáng sợ. Bởi vì làm gì có gì xấu, nhất là không có người xấu. Chính đó là xung động khiến cho con người luôn tìm cách tỏ ra mình tốt (và luôn luôn tốt hơn). Chúng ta bị kết án phải ở giữa (chính giữa) lòng tốt. Chẳng làm gì được, chẳng làm gì được đâu.


Sau chuyến đi dài lang thang trên biển vắng
Anh trở về mang bão tố cho em
Đêm nhiều sao là đêm rất êm đềm
Anh chọn bữa trăng sao đều khép cửa
Đến gõ cửa phòng em, đốt trong đêm ngọn lửa
Anh là vậy, không khi nào khác được đâu em ơi
Dẫu mưa rơi ướt đẫm lưng trời
Dẫu anh đã có bao nhiêu điều hạnh phúc
Với em
Nhưng em thì không
Và em hối tiếc
Biết làm sao, hoa cúc lại sắp vàng
Anh là nửa vầng trăng, em vì sao bé nhỏ
Khoảng khuất của hồn anh chỉ riêng mình em biết



Tôi đã định bắt đầu câu chuyện Charles Péguy, như ở kỳ trước đã chớm, nhưng rồi đột nhiên một nhân vật bỗng xen vào: Bruce Chatwin.

Trên bìa cả hai quyển sách trên đây (bản gốc tiếng Anh và bản dịch tiếng Pháp) đều có ảnh Bruce Chatwin - một trong số rất hiếm hoi người đương thời mà Sebald thực sự ngưỡng mộ - đều có ảnh chân dung Chatwin. Ngoài chuyện là người kể câu chuyện hay nhất về những quyển sổ Moleskine, như đã nói (ở đâu ấy nhỉ?) Bruce Chatwin còn có khuôn mặt của một người mới bị triệu đến phiên Phán Xử Cuối Cùng, và bản án nhận được chắc không mấy khả quan. Nhưng "phán xử cuối cùng" diễn ra vào mọi khoảnh khắc - vả lại, khoảnh khắc (hay "giây phút") là để làm gì đây, nếu không phải là để chứa đựng một thứ: vĩnh cửu; và trong vĩnh cửu thì người ta có thể làm gì đây ngoài xử án? Người miêu tả  chuẩn xác nhất là Kafka, tất nhiên, nhưng không phải trong Der Prozess (đó là "phiên tòa" chứ đâu phải "vụ án") mà là trong Amerika - cái tiếng kèn trom pét ấy (Jericho etc.). Bruce Chatwin có tồn tại bị kẹp vào giữa hai Shakespeare: William Shakespeare (tất nhiên) và Nicholas Shakespeare. Như một sự tình cờ, Chatwin sinh ra và lớn lên tại một nơi có cái tên hết sức vớ vẩn: Stratford-upon-Avon.

Trong tiếng Anh có những từ tuyệt đẹp, một trong số ấy là "restlessness", như nằm trong nhan đề cuốn sách của Bruce Chatwin; dường như chỉ Beckett (chứ đâu phải Joyce) mới bịa ra được một từ không hề kém: lessness, nhưng có lẽ trong nhan đề đó từ còn hay hơn nữa chính là "Anatomy" (ngay lập tức chúng ta nghĩ đến cuốn sách đã nhắc ởkia).


Chuyến đi quá dài, mọi chân trời cạn kiệt
Tuyệt vọng rồi,
Em có thể nào hy vọng giùm anh không?


Trong vòng một năm, tôi có ở rue d'Ulm (số 45 - cần phải nói rõ, vì ký túc xá của ENS còn gồm cả khu đối diện bên kia đường, số 46 - và cũng không chỉ vậy) một căn phòng thuộc hạng nhất (có mezzanine, nhưng nói vậy thôi, tầng lửng ấy gần như không dùng làm một căn phòng đúng nghĩa được). Couloir saumon và couloir rouge là nơi có những căn phòng thuộc dạng cũ ấy - từ rất nhiều năm, mỗi phòng cứ lần lượt là nơi tá túc của hết người này đến người kia, là nơi chứa (và cũng ướp) những vui buồn, tuyệt vọng, chắc chắn có cả những cú tự sát (hụt cũng như thành công). Mấy năm tôi ở đó, tôi biết ít nhất ba vụ tự sát (chỉ kể những thành công, hụt thì chắc là vô số). Phòng của tôi ở tầng hai (số 2 trăm bao nhiêu đó) - tức là tầng ba. Để đi lên có thể theo một trong những cầu thang chính, hoặc - những lúc nào nó mở cửa - đi lên bằng cầu thang của một cái gì trông giống một donjon (hoặc cũng có thể là campanile) phía góc ngoài cùng giáp đoạn rue d'Ulm giao với rue d'Érasme, tức là chỗ nhìn thẳng được sang bên kia rue d'Érasme, có một tòa nhà to trang trí gì đó giống như "art décoratif", mà "art déco" thì cũng có lý lắm, bởi vì chỉ cần đi qua bên kia một đoạn (trên rue d'Ulm, về phía Panthéon) là đến ngay một ngôi trường danh giá, chính là trường "Art Déco".

Như vậy là đã xa hẳn năm thứ nhất của khu Rataud toàn phỏng nhỏ xíu (cả mùa hè không thể ở vào buổi chiều, đối với dãy phòng nhìn xuống cái sân phía sau, nơi có bức tượng Louis Pasteur - tôi hay ngồi đó nhìn lũ chim ỉa lên đầu tượng). Phòng (thurne) là một vấn đề lớn của học sinh ENS, hằng năm có cuộc bỏ phiếu (nhằm đảm bảo công bằng) để mỗi người chọn phòng cho năm học sắp tới. Cả mấy lần ấy tôi đều miss. Tức là tôi đều không tham gia vì quên mất - ngày ấy tôi hay làm những gì, tôi cũng chẳng nhớ, chỉ chắc chắn một điều là tôi vẫn tiếp tục truyền thống riêng, không bao giờ biết có những gì xảy ra ở đó, nhìn chung khi xong xuôi hết rồi thì tôi mới biết, hoặc thậm chí nhiều lúc cũng hoàn toàn không biết luôn) - vả lại bỏ phiếu chọn phòng chỉ có ý nghĩa khi mà trước đó đã đi thám thính để tăm tia những phòng nào hay ho nhất, việc mà tôi chưa bao giờ làm. Không tham gia thì mất cơ hội vợt những phòng ngon hơn cả. Nhưng dẫu sao thì cái phòng (có mezzanine) mà tôi nhận cho một năm, cái mà tất cả những ai tham gia bỏ phiếu chọn phòng - trước đó - đều đã không chọn, nên còn lại - căn phòng ấy hết sức thích hợp với tôi, tôi nhận ra điều này ngay khi đến nhận phòng. Chắc chẳng ai muốn có nó vì cửa vào của nó nằm sau một chỗ ngoặt, nó nằm ở đoạn hành lang đầu thừa đuôi thẹo hẻo lánh.


(a, lẽ ra tôi phải nói "bắt thăm" thay vì "bỏ phiếu" như trên, thì mới chính xác)




Utz là cuốn tiểu thuyết khiến tôi khám phá Bruce Chatwin. Le Chant des pistes là bản dịch tiếng Pháp của Songlines (ơ, quyển sách tiếng Anh của tôi đâu rồi nhỉ?) - một cuốn sách tuyệt đẹp, nó miêu tả những con đường được làm nên từ tiếng hát.


Đi lên theo lối donjon, trước khi tới cánh cửa dẫn vào hành lang có căn phòng (kèm mezzanine) của tôi, phải đi qua một đoạn mái nhà. Chỗ này là ngay trên nhà ăn (réfectoire) của học sinh. Nó là nhà ăn cũ, năm tôi ở căn phòng có mezzanine thì nhà ăn mới đã làm xong, hơi lệch đi một chút (từ cửa sổ phòng tôi có thể nhìn thấy một ít; đấy là nếu nhìn xuống, còn nếu nhìn thẳng sang khối nhà trước mặt thì sẽ thấy ngay bếp của khu couloir saumon, hay rouge nhỉ? dẫu thế nào thì nó cũng là một trong những cái bếp của khu ký túc xá, nghĩa là mang ý nghĩa sống còn đối với bọn học sinh) - theo mốt campus, đó là nhà ăn kiểu CROUS, tức là "self-service" tôi gần như không bao giờ vào đó ăn nữa; nhà ăn cũ hoạt động theo hình thức cổ lỗ sĩ, sáu người một bàn, và nhân viên phục vụ đẩy xe mang đồ cho mỗi chỗ; bữa sáng (mua phiếu chỉ mất 1 euro, nếu tôi nhớ không nhầm) thì tha hồ ăn bao nhiêu cũng được. Cái mái nhà ấy, không thể khác, khiến tôi nghĩ đến khung cảnh ban nhạc The Beatles hát bài "Don't let me down".

Sống một năm tại căn phòng ấy, tôi có một người hàng xóm. Nếu tôi nhớ không nhầm, đoạn hành lang heo hút chỉ có đúng hai phòng sát nhau, đối diện, nhưng lệch đi một chút, là khu toilettes và douches. Phòng tôi trước, rồi đến phòng người hàng xóm kia - a, hình như vẫn còn một phòng nữa, ở ngoài cùng, nhưng về (các) chủ nhân của nó tôi gần như không nhớ gì. Như vậy là tổng cộng ba phòng trên đoạn hành lang thông thẳng ra cửa mái nhà: những hôm gió to cần phải đóng cái cửa kia lại không thì giống typhoon lắm. Đức tính của người hàng xóm là sự ít lời (Bảo Ninh, đại ý).


(những gì tôi kể ngay dưới đây, có một người biết rõ)

Nobody ever loved me like she does
oh she does
yes she does

Người hàng xóm là một sinh viên đã lớn, râu xồm, chuyên ngành toán, tin học hay đại loại, và là người Thụy Sĩ - nếu tôi nhớ không nhầm. Đó là một người hàng xóm lý tưởng, nếu gặp ngoài hành lang thì rất hồ hởi và thân ái chào hỏi. Thỉnh thoảng sang bên phòng tôi gõ cửa mượn một cái gì đó. Thường xuyên nhất là mượn cái mở nút chai, gọi là "rút nút" thì đúng hơn, tire-bouchon. Giữa các phòng của ký túc xá, hay được mượn (và xin) nhau qua lại nhất là rút nút chai và condom (préservatif) - dépannage, you know. Phải tha thứ cho tuổi trẻ của chúng tôi thôi. Nhưng thuốc lá thì thông thường là không - xin thuốc chỉ là hoạt động của ngoài đường.

Đó là một người hàng xóm tuyệt vời (rất sorry vì lôi vào đây), không những thế còn ngăn nắp. Cứ ba hay bốn hôm, buổi tối, tầm chín rưỡi hay mười giờ, là đến lúc tình ái - như hygiène. Cô người yêu của người hàng xóm thế nào cũng kêu hổn hển (mọi lần đều giống nhau) ở khoảng mười giây cuối. Những lúc như vậy, mọi việc đang làm dở bên phòng tôi đều phải ngừng lại. Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy cô gái (tên là C.), không xinh nhưng cũng không xấu (tuy nhiên đùi rất to).





(còn nữa)




(đã tiếp tục "thời chúng ta (4) Một nền tài lẻ")





Les Feuillantines (2)
Les Feuillantines (1)

12 comments:

  1. Người phụ nữ tội lỗi đến gặp Jesus, quỳ xuống khóc ướt chân Ngài, dùng tóc mình lau khô, rồi hôn và đổ dầu thơm lên, ngoài lòng yêu mến chân thành chắc hẳn người đàn bà đó đâu có ý định dùng hành động của mình để hạ những cánh tay đưa lên “đóng đinh nó đi” hay ngăn cản những người công chính xử lý, treo Jesus Christ trên thập tự.

    ReplyDelete
  2. Đọc giống thơ của Czeslaw Milosz khi được dịch bởi Tạ Minh Châu.

    ReplyDelete
  3. The Lonely Crowd (Đám đông cô đơn) cũng là một nhan đề hay không kém chứ. Phát hiện ra nhờ đọc Another chứ ngày trước chỉ ngó qua sơ sơ. Nguyên cái nhan đề thôi đã ăn đứt Gustave Le Bon rồi.

    ReplyDelete
  4. chỉ cần ba năm nữa thôi xem lại là thấy nó dở như hạch ấy mà, không hoàn toàn thoát được formula kiểu sách best-seller Mỹ

    ReplyDelete
  5. ờ thì vẫn hơn Le Bon :(

    ReplyDelete
  6. trong bài này có một gợi ý đấy, thử tìm xem có thấy không

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2013/05/hieu-dam-dong.html

    ReplyDelete
  7. Quyển sách tiếng Anh The Songlines của anh ở kia kìa, đứng cạnh quyển Oeuvres vives của Linda Lê í ^^

    ReplyDelete
  8. Anh đã vướng vào lưới tình
    Thật chua xót ngu ngốc
    Anh đã vướng vào đôi mắt
    Chịu án lưu đày
    Thế gian cay đắng
    Giọt mật nào còn sót trên môi em
    Giọt muối nào còn sót trên môi em
    Một cơn mộng mi kéo dài cả trăm năm
    Một giấc mơ dài cả đời anh

    ReplyDelete