Mar 19, 2011

Borges: Galland rồi đến Lane

Galland rồi đến Lane (Lane là người mà Đại úy Burton muốn xử lý như ở đoạn đầu bài essay này).

Thẳng thừng mà nói, bản Galland có lối viết kém cỏi nhất trong tất cả, kém tin cậy nhất, và yếu nhất, nhưng nó lại là bản được đọc rộng rãi nhất. Những ai lớn lên trong sự gần gũi với nó đều từng trải nghiệm hạnh phúc và kinh ngạc. Thứ Đông phương chủ nghĩa của nó, giờ đây với chúng ta thật thanh đạm, gây thật nhiều choáng váng cho nhiều người, khiến họ phật ý và viết ra các vở bi kịch năm hồi. Mười hai tập sách tuyệt đẹp xuất hiện từ 1707 đến 1717, mười hai tập sách được đọc không biết bao nhiêu lần và được chuyển sang nhiều thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Hindi và tiếng Arập. Chúng ta, các độc giả lệch thời của chúng sống ở thế kỷ hai mươi, chỉ hình dung được hương vị ngọt ngào giả tạo của thế kỷ mười tám ở trong chúng chứ không phải thứ hương liệu bay hơi của phương Đông hai trăm năm trước đây từng làm nên sự mới mẻ và vinh quang cho chúng. Không thể phàn nàn bất kỳ ai về sự ngắt mạch này được, nhất là Galland thì lại càng không. Có lúc, những biến chuyển trong ngôn ngữ cũng chống lại ông. Trong lời giới thiệu viết cho bản dịch Nghìn lẻ một đêm sang tiếng Đức, Tiến sĩ Weil ghi nhận rằng các lái buôn của cái tay Galland không thể tha thứ này cứ mỗi khi bị câu chuyện buộc đi qua sa mạc là lại mang theo một “va li đầy chà là”. Có thể lập luận rằng vào năm 1710 chỉ việc nói đến quả chà là là đã đủ để xóa bỏ hình ảnh về một cái va li, nhưng điều đó là không cần thiết: thời ấy, va li là một tiểu loại của túi đeo.

Còn có những chỉ trích khác nữa. Trong một bài viết khó đoán định được đưa vào Morceaux choisis [Những trang viết chọn lọc] năm 1921, André Gide phỉ báng sự phóng túng của Antoine Galland, chăm chăm muốn xóa sổ (với một sự ngây thơ hoàn toàn vượt xa khỏi danh tiếng của ông) khái niệm nguyên nghĩa của Mardrus, người cũng có tính chất fin de siècle [cuối thế kỷ] ngang bằng với thế kỷ mười tám đối với Galland, và kém tin cậy hơn nhiều.

Những thận trọng của Galland mang tính thành thị, có cảm hứng từ sự lịch thiệp, chứ không phải luân lý. Tôi chép lại dưới đây vài dòng từ trang thứ ba bản Nghìn lẻ của ông: “Il alla droit à l’appartement de cette princesse, qui, ne s’attendant pas à le revoir, avait reçu dans son lit un des derniers officiers de la maison” [Chàng đi thẳng đến nơi ở của nàng công chúa ấy, còn nàng, không chờ đợi sẽ gặp lại chàng, đang đón tiếp ở giường mình một tên hầu hạng bét trong triều]. Burton cụ thể hóa cái tay hầu ám muội này như sau: “một tên đầu bếp da đen dáng vẻ đáng ghê tởm, nhờn mỡ và đầy bụi bẩn.” Mỗi người, theo cách của mình, đều làm biến dạng: bản gốc ít có tính nghi lễ trang trọng hơn Galland và ít trơn tru hơn Burton. (Các hiệu ứng của sự lịch thiệp: trong thứ văn xuôi chừng mực của Galland, “đón tiếp ở giường mình” có một tiếng chuông inh tai.)

Chín mươi năm sau cái chết của Galland, một dịch giả khác của Nghìn lẻ đã ra đời: Edward Lane. Mọi người viết tiểu sử ông đều nhất nhất nói ông là con trai của Tiến sĩ Theophilus Lane, một giáo sĩ Hereford. Chi tiết về dòng giống này (và cái Hình thức khủng khiếp của con bò thiêng mà nó gợi lên) có lẽ là tất cả những gì chúng ta cần biết. Lane, người bị Arập hóa đã sống năm năm đầy chuyên cần ở Cairo, “gần như tuyệt đối ở giữa những người Hồi giáo, nói và nghe ngôn ngữ của họ, vô cùng cẩn trọng mà làm theo đúng các tập quán của họ và được mọi người trong số họ coi là ngang hàng.” Thế nhưng cả những đêm Ai Cập rộn ràng cũng như thứ cà phê đen đặc với hạt cardamom, những cuộc thảo luận văn chương không ngớt với các Tiến sĩ Luật, cái khăn xếp đạo Hồi đáng kính, những bữa ăn bốc bằng tay, tất tật đều không làm cho ông quên đi được sự e dè kiểu Anh của mình, sự cô độc đầy tinh tế ở vị trí trung tâm của những ông chủ thế giới. Do vậy bản Nghìn lẻ thông thái quá mức của ông chỉ là (hoặc có vẻ chỉ là) một bách khoa toàn thư về né tránh. Bản gốc không dâm dục một cách chuyên nghiệp; Galland sửa chữa nhiều chỗ hơi thô thiển vì ông tin chúng thấp kém về gu thẩm mỹ. Lane thì truy tìm chúng và tiêu diệt chúng như một quan tòa dị giáo. Sự trung thực của ông không chịu ký hiệp ước với sự im lặng: ông thích tạo ra một dàn đồng ca đầy cảnh giác của những ghi chú trong một tập sách âm u, tập sách thì thầm những điều như: Tôi sẽ bỏ qua một đoạn vô cùng đáng chê trách; Tôi bỏ đi một lời giải thích đáng kinh tởm; Ở đây có một dòng rất thô lỗ, không thể dịch được; Tôi thấy cần thiết phải bỏ đi câu chuyện kia; Sau đây sẽ có một loạt loại bỏ; Ở đây là câu chuyện về người nô lệ Bujait, hoàn toàn không thích hợp để dịch. Sự cắt bỏ không loại trừ cái chết: một số truyện bị vứt bỏ hoàn toàn “vì không thể làm chúng trở nên thuần khiết mà không phá hủy chúng.” Với tôi sự cự tuyệt đầy trách nhiệm và toàn bị này không hề thiếu logic: điều tôi phàn nàn là sự lẩn tránh có tính chất Thanh giáo. Lane là một bậc thầy xảo diệu về lẩn tránh, một người báo trước không thể nghi ngờ của những e dè còn kỳ cục hơn của Hollywood. Những ghi chép riêng cung cấp cho tôi một số ví dụ. Vào đêm thứ 391, một người đánh cá tặng cho hoàng đế của các hoàng đế một con cá, ông vua muốn biết đây là cá đực hay cá cái, người đánh cá trả lời nó là lưỡng tính. Lane đã thành công trong việc thuần hóa sự thô tục không thể chấp nhận được này bằng cách dịch trại ra thành nhà vua hỏi đây là cá gì và người đánh cá mưu mẹo đáp nó là một giống cá lai. Truyện đêm 217 nói về một ông vua có hai vợ, đêm này ngủ với một bà thì đêm hôm sau ngủ với bà còn lại, thế là cả hai bà đều rất hạnh phúc. Lane chỉnh sửa danh tiếng tốt đẹp cho vị quân vương này bằng cách nói ông ta cư xử với mấy người vợ của mình “không chút thiên vị”… Một lý do cho điều này là ông hướng tác phẩm của mình tới lớp độc giả “ngồi quanh bàn phòng khách,” một trung tâm của sự đọc điềm tĩnh và trò chuyện đầy đức hạnh.

1 comment:

  1. Nghìn lẻ một đêm của Galland ở VN hồi xưa có mười tập, sao bản in lại bây giờ bỏ đi nhiều thế ạ? Có những truyện rất hay mà.

    ReplyDelete