Những quyển sách không có giá trị bằng nhau đồng loạt (cũng giống như mọi thứ), nên cách ứng xử với mỗi cá thể trong biển sách mênh mông mà người xưa rồi người nay bày ra trước chúng ta đương nhiên cũng cần phải khác. Nếu ghép lý thuyết của hai chuyên gia đáng tin cậy (cũng như mọi lĩnh vực, ở lĩnh vực đọc sách cũng có các mức độ tin cậy không giống nhau) là Italo Calvino và Pierre Bayard lại, ta sẽ rút ra được một chiến lược ngõ hầu thoải mái và tự tin hơn trong quá trình đọc cá nhân. Chiến lược này không hẳn là thích hợp với bất kỳ ai, nhưng cũng là thêm một gợi ý cho những ai thực sự coi đọc sách là một công việc quan trọng ở đời.
Trước tiên, Calvino, trong Nếu một đêm đông có người lữ khách (1979), thực hiện công việc phân chia, xếp loại “sách bạn chưa bao giờ đọc” rất hữu dụng. Sách chưa đọc cũng có vô số loại, chỉ cần thông qua ấn tượng thị giác ban đầu cũng đã loại trừ được vô số quyển sách chẳng mấy có ích. Những cái nhãn mà Calvino đặt ra: “sách bạn không cần đọc”, “sách làm ra cho những mục đích khác ngoài đọc”, “sách bạn chưa mở ra thì cũng đã đọc rồi bởi vì chúng thuộc loại sách chưa viết ra thì người ta đã đọc rồi”, “sách bạn cũng có ý đọc nhưng có những sách khác bạn phải đọc trước đã”, “sách hiện giờ quá đắt nên bạn sẽ chờ đến khi nào chúng được bán hạ giá”, v.v…
Những chỉ dẫn không có gì khó hiểu này thật ra chỉ cụ thể hóa những gì loang loáng chạy qua đầu óc chúng ta mỗi khi ra đến hiệu sách, bởi dù cho có nhìn từ góc độ nào đi nữa thì tuyệt đại đa số sách được in ra là không có giá trị đối với bất kỳ ai trong chúng ta. Tác giả Nam tước trên cây hay Palomar, bằng cái giọng hài hước nhưng cũng lại rất nghiêm túc đó, đã ý nhị mà đưa ra luận đề: sách thì nhiều mà đời thì ngắn (gần giống câu ngạn ngữ Latinh “ars longa, vita brevis” - nguyên nghĩa là “nghệ thuật thì dài mà đời thì ngắn”). Và sau khi thực hiện bước loại trừ, đội quân sách vở hỗn loạn đông nghịt và có phần ô hợp đã bắt đầu tự sắp xếp thành hàng ngũ nghiêm chỉnh với những phiên hiệu như “sách bạn lên kế hoạch đọc đã nhiều năm nay”, “sách bạn đã săn lùng suốt bao năm mà không thấy”, “sách bạn muốn là của mình để nếu cần là có trong tay”, “sách bạn cần xếp cạnh những sách khác trên giá sách của mình”…
Nhưng phải điều binh khiển tướng cái đội quân rất có thể vẫn còn đông đảo như thế nào? Pierre Bayard, một giáo sư văn chương người Pháp, tác giả nhiều khảo luận độc đáo về Balzac, về lý thuyết văn học hay văn chương trinh thám trình bày một loạt kinh nghiệm “từ phía âm bản” trong Làm thế nào để nói về những cuốn sách chưa đọc? (2007) - một nhan đề sách gợi ngay ý vị bông đùa (còn nhiều hài hước hơn cả ở cuốn sách của Calvino), nhưng lại cũng hết sức nghiêm túc. Tác phẩm này hướng dẫn chúng ta ứng xử khôn ngoan với sách. Những lời khuyên ở đây rất xa với quy chuẩn thông thường, nhưng chắc chắn là có ích hơn nhiều so với đa phần sách dạy đọc sách, nơi sách vở luôn luôn được thần thánh hóa dưới những tấm áo choàng của “văn hóa” hay “nghệ thuật”. Pierre Bayard đồng thời cũng là một chuyên gia tâm phân học, ở ông những lý giải về cơ chế tâm lý của độc giả thường xuyên hết sức chi tiết và thuyết phục.
Dùng lời đề từ trích từ Oscar Wilde: “Tôi không bao giờ đọc một cuốn sách mà mình phải viết bài phê bình để không bị mang định kiến sẵn”, Làm thế nào để nói về những cuốn sách chưa đọc? báo trước là cuốn sách sẽ nói về sự đọc từ “sự không đọc”. Tất nhiên, không phải Bayard khuyên người ta không đọc sách, mà ở đây là những bài học về ứng xử rút ra từ các tác phẩm văn chương với mục đích giảm trừ nỗi sợ sách vở rất phổ biến ở người bình thường, mở rộng tự do cho phía tiếp nhận, tức độc giả, qua đó mà cung cấp niềm tin cho các chủ thể sáng tạo.
Lấy ví dụ từ các nhà văn như Musil, Valéry, Eco, Balzac…, Bayard lần lượt “hạ sát” những khẳng định quyền uy của sự đọc nhồi nhét, trịnh trọng, ông khuyên người ta nắm lấy cái nhìn toàn thể thay vì ra công miệt mài, khuyên khôn ngoan thay vì thật thà, và cả một lời tuyên bố lấy lại từ Oscar Wilde, theo đó thời lượng tốt cho một cuốn sách là sáu phút.
No comments:
Post a Comment