Sep 16, 2012

Bộc bạch

Một mùa thu mà có đến hai lời bộc bạch khủng khiếp: sự kiện lớn cho độc giả Việt Nam.

Những lời bộc bạch của Jean-Jacques Rousseau, tức Les Confessions, NXB Tri thức vừa in, tác phẩm lớn vượt ra ngoài mọi khuôn khổ, công trình nội tâm độc đáo khiến hậu thế rất nhiều người noi gương: "Tôi trù tính một công việc không hề có kiểu mẫu, và sẽ chẳng ai bắt chước thực thi. Tôi muốn phô bày cùng đồng loại một con người hoàn toàn đúng với chân tướng; và con người ấy, sẽ là tôi đây". Ngả mũ kính phục cô Lê Hồng Sâm.


Chút kỷ niệm ngày xưa với Rousseau và Les Confessions:


"Tôi không biết mình đã làm gì cho đến tuổi lên năm hay sáu; tôi không biết mình đã học đọc thế nào; tôi chỉ còn nhớ những sách đầu tiên đã đọc và ấn tượng chúng gây ra cho tôi: đó là khoảng thời gian khi tôi bắt đầu nhận ra được, và sau đó sẽ không có chút gián đoạn nào, ý thức về bản thân tôi. Mẹ tôi để lại nhiều tiểu thuyết. Chúng tôi, tôi và cha, đọc sách sau khi ăn tối. Thoạt tiên chúng tôi chỉ muốn hoàn thiện kỹ năng đọc của tôi bằng những cuốn sách vui nhộn; nhưng rất nhanh chóng sự say mê [đọc sách] trở nên thôi thúc đến nỗi chúng tôi luân phiên đọc không ngừng nghỉ, hằng đêm hằng đêm. Chúng tôi chỉ có thể rời sách khi đã đọc cho đến hết. Nhiều lúc cha tôi, khi sáng ra nghe thấy tiếng hót chim én, ngượng ngùng nói với tôi: “Thôi đi ngủ; cha còn trẻ con hơn cả con.”

Trong một khoảng thời gian ngắn, bằng phương pháp nguy hiểm đó, tôi thu lượm được không chỉ một kỹ năng đọc và hiểu cực kỳ tốt, mà còn một tầm hiểu biết hiếm có ở độ tuổi của tôi về các cảm giác. Tôi không có chút ý tưởng nào về sự vật, thế mà tôi biết hết các loại tình cảm. Tôi không ý thức được gì hết, tất cả tôi đều chỉ cảm nhận. Những nỗi xúc động hỗn độn đó, mà tôi lần lượt thu hái được, không hề làm hỏng đi cái lý trí cho đến khi đó tôi còn chưa có; nhưng chúng rèn luyện tôi theo một kiểu khác, và trao cho tôi những khái niệm kỳ lạ và đầy tính tiểu thuyết về đời người, mà kinh nghiệm và suy tư sẽ không bao giờ xóa nhòa được khỏi đầu óc."



Bộc bạch thứ hai: Lời bộc bạch của một thị dân, tác phẩm tự thuật và cũng là tác phẩm lớn nhất của Márai Sándor, sẽ dày khoảng gần 500 trang khổ lớn (cỡ hai phần ba Những lời bộc bạch của Rousseau). Bìa bốn cuốn sách này:


"Lời bộc bạch của một thị dân, cũng như cuốn hồi ký nổi tiếng Thế giới những ngày qua của Stefan Zweig, miêu tả cho chúng ta cả bầu khí quyển của không gian văn hóa Áo-Hung vô cùng đặc thù vào thời điểm bước ngoặt đầu thế kỷ 20. Và nếu Zweig tự nhìn nhận mình như một “người châu Âu” thì Márai Sándor khẳng định mình là một đại diện cho tầng lớp thị dân đang hình thành; ông đã đi vào ngóc ngách đời sống tinh thần của một giai tầng, ca ngợi những phẩm chất nhưng không quên chế giễu những điều nực cười của môi trường sống quanh ông. Stefan Zweig cũng xuất hiện thoáng qua trong cuốn hồi ký sâu sắc và rất đặc biệt của Márai Sándor.

Không chỉ có thành phố nhỏ Kassa quê hương và thủ đô Budapest, Márai Sándor còn dẫn dắt chúng ta đi qua những đất nước ông từng có thời gian gắn bó: Đức, Pháp, Ý và Anh, với những nhận xét đằm thắm, sâu sắc nhưng cũng có lúc tinh quái đến gây sửng sốt. Chặng đời của ông cũng gắn liền với con đường trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Hungary. Đọc cuốn hồi ký này, ta càng hiểu rõ con đường ấy nhiều chông gai đến mức nào.


Lời bộc bạch của một thị dân đặc biệt hơn cả chính ở sự phô bày đầy chân thực và can đảm một tâm hồn phức tạp, không một chút toan tính giấu giếm hay “tô hồng” nào. Tính trung thực này khiến cuốn sách trở thành một hậu duệ xứng đáng của một dòng “bộc bạch” hay “tự thú” lừng danh trong lịch sử văn chương phương Tây, từ Thánh Augustin cho tới Jean-Jacques Rousseau, rồi Lev Tolstoy."

Có lẽ với một con người phức tạp đến như Márai, phải khi viết "bộc bạch" thì toàn bộ những gì tinh hoa nhất của nội tâm ông mới xuất hiện đầy đủ được.

(Tự thú của Tolstoy thì đã in ở Việt Nam cách đây vài năm)

3 comments:

  1. Có thể tính thêm cuốn "Tự truyện Gandhi" vào nhóm này ^^

    ReplyDelete