Mar 25, 2013

Philip Roth: Nghiêm chỉnh nhìn cuộc đời

(post lại để chúc mừng Quang Hải, một người bạn qua mạng)

Nếu như quả thực có tồn tại một late style như Edward Said từng chỉ ra, nghĩa là một phong cách ở cuối đời của những nhà sáng tạo, một phong cách gây nhiều kinh ngạc và mở rộng thêm trường sáng tạo cá nhân, thì ở Philip Roth ta thấy “phong cách muộn” của ông là một cái nhìn thấu triệt vào cuộc đời, một giọng văn đột nhiên hết sức tiết chế và trộn lẫn với một mức độ nghiêm túc rất cao khi đối mặt với những gì đúng là ta buộc phải coi là quan trọng trong đời.

Ở đây tôi đang đề cập tới bốn cuốn tiểu thuyết gần đây của Philip Roth, cả bốn cuốn đều rất ngắn và một trong số đó, Everyman (in năm 2006), đã có bản dịch tiếng Việt tên là Người phàm. Nếu Người phàm là một cuộc nhìn lại toàn diện cuộc đời một con người bình thường, một sự sám hối bình dị nhưng sâu thẳm, thì Indignation (2008) miêu tả sự lớn lên của một cậu bé ở trong một xã hội biến động kinh khủng, và The Humbling(2009) bước sâu vào thế giới sân khấu, đưa lên sàn diễn một diễn viên kịch về già (Simon Axler) chợt thấy mình đối mặt với sự tan biến của tài năng và thêm vào đó là chứng tâm thần hủy hoại cuộc đời ông. Cuốn mới hơn cả trong “bộ tứ” này mở rộng thêm một chút nữa tầm quan sát của Roth về cuộc đời, và càng làm ta hiểu những ghi nhận của ông về cuộc đời nói chung trầm trọng và nghiêm chỉnh tới mức nào.

Nemesis (2010) lấy bối cảnh một trận dịch bại liệt (chính xác là “polio”) ở Newark, năm 1944; trận dịch đã nhấn cả một vùng đất vào sợ hãi, tang tóc, và nhấn chìm một chàng thanh niên mang tên “Bucky” Cantor vào một cuộc phiêu lưu quái gở của một “chủ nghĩa anh hùng hụt” và của những mất mát không thể ngờ tới.

Bối cảnh truyện như vậy tất nhiên buộc một độc giả văn học nhiều kinh nghiệm liên tưởng ngay tới Dịch hạch của Albert Camus, nhưng như thể trong Nemesis (nhan đề này trỏ tới một nữ thần trong thần thoại Hy Lạp, tượng trưng cho công lý sắt đá) Roth đã đi theo một con đường cheo leo và quanh co hơn nhiều, để đặt ra vấn đề: khi có khả năng trở thành một người anh hùng, khi toàn bộ hoàn cảnh đã bày ra để một con người trở thành anh hùng, mà con người ấy lại từ chối (không hẳn vì hèn nhát, mà vì một cái gì đó nên coi là luôn luôn nằm đâu đó trong hệ thống thần kinh phức tạp của con người), thì anh ta sẽ phải trả những cái giá nào.

Cantor điều hành một sân chơi dành cho các cậu bé, cô bé ở Weequahic, anh là một mẫu mực về rèn luyện sức khỏe và ý chí, một con người liêm chính và can đảm. Cantor chứng kiến những bệnh nhân đầu tiên của chứng bại liệt trong vùng, là những đứa trẻ mà anh yêu quý và rất ngưỡng mộ anh. Anh quyết định ở lại đây và coi đó là một hành động đương nhiên trong tình thế này, nhưng rồi cô người yêu Marcia của anh thuyết phục được anh đến một nơi an toàn là trại hè Indian Hill. Tưởng chừng như ở đây anh thoát khỏi mọi nguy hiểm, nhưng đó mới thực là nơi thảm họa xảy ra, dẫn cuộc đời anh vào cuộc trầm luân không lối thoát.

Nemesis cũng là dịp để Philip Roth đưa ra một truy vấn lớn: một người Do Thái nghi ngờ về Chúa nghĩa là như thế nào. Cantor nhiều lần đặt câu hỏi tại sao Chúa Trời lại gây ra tất cả những “chuyện ấy” và rồi vĩnh viễn quẩn quanh trong sự nghi ngờ to lớn mà chỉ những đầu óc đặc biệt đơn giản mới có khả năng rơi vào. Trong Indignation, Philip Roth từng để cho nhân vật của mình dẫn lời triết gia Bertrand Russell để hỏi: “Tại sao tôi không phải là một người Thiên chúa giáo?” Ở cuối đời mình, dường như giữa những khẳng định của con người từng trải, sự nghi vấn cuộc đời đã trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất của Philip Roth.

5/2012


Đọc cả chuyên đề của riêng tôi về Philip Roth ở đây.

À quên, lại còn có cả một vệt Philip Roth nối dài ở đây nữa :p

2 comments:

  1. Quang Hải dịch/viết cuốn nào trong mấy cuốn trên hở NL? GMS.

    ReplyDelete