Mar 12, 2013

Những mối quan hệ nguy hiểm - Choderlos de Laclos (XVII-XVIII)

(I-II) (III-IV) (V-VI) (VII-VIII) (IX-X) (XI-XII) (XIII-XIV) (XV-XVI) (XVII-XVIII) (XIX-XX) (XXI-XXII) (XXIII-XXIV)

Cuốn sách phong tình này lúc mới ra đời là một quả bom, quả bom ấy sau hơn hai trăm năm không hẳn là còn quá nguy hiểm nữa.

Nhưng nó vẫn là quả bom, và có lẽ vẫn nguy hiểm với một số người. Một số người nên chọn bỏ qua nó mà không đọc:


- Những người mặc định rằng văn chương phong tình là xấu xa, những người bẩm sinh đã tin như vậy hoặc được dạy như vậy và không có ý định thay đổi.

- Những người nghĩ văn chương là một thứ gì khác hẳn.

- Những người quá nghiêm túc hoặc tin quá nhiều thứ, hoặc không tin quá nhiều thứ.

- Những người không biết đọc.







Thư XVII

HIỆP SĨ DANCENY GỬI CÉCILE VOLANGES

Thưa Tiểu Thư, trước khi buông mình vào niềm sung sướng hay sự cấp bách phải viết thư cho cô, tôi xin được cầu xin cô lắng nghe tôi. Tôi cảm thấy là để có thể cả gan trút nỗi lòng của mình cho cô, tôi cần tới lòng bao dung; với tôi lòng bao dung ấy sẽ không ích gì mấy nếu tôi chỉ muốn thanh minh cho nỗi lòng tôi. Tôi sẽ làm gì đây ngoài việc trưng ra cho cô thấy tác phẩm của chính cô? Và tôi có gì để nói với cô đây, nếu không phải những gì ánh mắt tôi, sự bối rối của tôi, cách cư xử của tôi và ngay sự im lặng của tôi đã nói với cô trước cả rồi? À nhưng! tại sao cô lại có thể phật ý trước khối tình cảm mà chính cô đã làm nảy sinh? Tỏa ra từ cô, hẳn nó xứng đáng được trao gửi cho cô; nó cháy bỏng như tâm hồn tôi đây, nhưng nó cũng thuần khiết như tâm hồn cô. Liệu có phải là một tội lỗi không khi đã biết trân trọng khuôn mặt xinh đẹp của cô, cái tài cuốn hút của cô, những nét duyên mê hoặc của cô, và rồi sự ngay thẳng gây cảm động còn thêm một phần thưởng vô giá vào cho những phẩm chất vốn dĩ đã rất quý giá rồi? không, hẳn rồi; nhưng, dẫu không phải là thủ phạm thì con người ta lại có thể bất hạnh; và số phận đã chờ sẵn tôi, nếu cô từ chối nhận lời xưng tụng của tôi. Đây là lời xưng tụng đầu tiên mà trái tim tôi từng trao tặng. Nếu không có cô tôi sẽ vẫn bình lặng, dẫu không phải là hạnh phúc. Tôi đã gặp cô; sự thư thái đã cao chạy xa bay khỏi tôi, và niềm hạnh phúc của tôi thật là bất định. Tuy nhiên cô lại kinh ngạc trước vẻ buồn bã của tôi; cô hỏi tôi nguyên do của nó: thậm chí đôi khi tôi còn dám tin mình thấy nó làm cô khổ tâm. A! hãy nói một lời, phúc lành của tôi sẽ nằm trong bàn tay cô. Nhưng, trước khi lên tiếng, cô hãy biết rằng một lời của cô cũng có thể làm nỗi bất hạnh tràn đầy trong tôi. Vậy nên hãy làm người phân xử cho số mệnh tôi. Nhờ cô tôi sẽ vĩnh viễn được hạnh phúc hoặc vĩnh viễn bất hạnh. Tôi còn có thể đặt một lợi ích lớn đến vậy vào những bàn tay thân yêu nào hơn đây?

Tôi xin kết thúc, cũng như đã bắt đầu, bằng cách van xin ở cô sự bao dung. Tôi đã yêu cầu cô lắng nghe tôi; tôi còn cả gan hơn thế, tôi xin cô hãy trả lời thư tôi. Nếu cô từ chối làm như vậy thì cũng có nghĩa cô muốn làm cho tôi nghĩ cô cảm thấy bị xúc phạm, và trái tim tôi đảm bảo với tôi rằng sự tôn trọng của tôi cũng ngang bằng với tình yêu của tôi.

T.B. - Để trả lời tôi, cô có thể dùng đúng cách thức tôi đang sử dụng đây để gửi tới cô Bức Thư này; tôi thấy cách ấy vừa chắc chắn vừa thuận tiện.

Từ… 18 tháng Tám 17**




Thư XVIII

CÉCILE VOLANGES GỬI SOPHIE CARNAY

Gì thế! Chị Sophie ơi, chị phê phán từ trước những gì em còn chưa làm! Em thì đã phải trĩu nặng lo âu như thế rồi; thế mà chị lại còn làm tăng chúng thêm nữa. Chị bảo rằng rành rành em không được trả lời thư. Sao mà chị nói điều đó thoải mái vậy; vả lại, nói cho đúng chị đâu có biết chuyện là như thế nào: chị đâu có ở đây mà chứng kiến. Em chắc chắn rằng nếu ở vào địa vị của em, chị cũng sẽ làm giống như em thôi. Chắc rồi, thông thường thì ta không được trả lời; và chị đã nhìn nhận rất đúng, thông qua Bức Thư hôm qua của em, rằng em cũng không muốn làm thế: nhưng ấy là vì em tin chắc chưa từng có ai rơi vào trường hợp của em đây.

Và rồi lại em lại còn phải tự quyết định một mình nữa chứ! Bà de Merteuil, người mà em nghĩ tối hôm qua sẽ gặp được, đã không thấy tới. Mọi thứ đều bày ra chống lại em: chính bà ấy là nguyên do khiến em quen biết ông ấy. Gần như lần nào em gặp ông ấy, nói chuyện với ông ấy, cũng có mặt bà ấy cả. Không phải là em định nói điều gì xấu về bà ấy đâu: nhưng bà ấy đã bỏ mặc em vào đúng lúc em thật bối rối. Ôi! em có thật nhiều điều để mà phàn nàn đây!

Chị cứ hình dung là hôm qua ông ấy đã đến đây như thường lệ. Em đã rối trí đến mức không dám nhìn ông ấy. Ông ấy không thể nói chuyện với em, vì có Mẹ ở đó. Em rất sợ là ông ấy đã phật ý, khi thấy rằng em đã không viết thư phúc đáp. Em chẳng biết mình phải tỏ ra như thế nào nữa. Một lúc sau ông ấy hỏi em có muốn ông ấy đi lấy hộ cây đàn thụ cầm không. Tim em đập thình thịch, đến nỗi tất cả những gì em đã có thể làm là đồng ý. Khi ông ấy quay trở lại, mọi chuyện còn tệ hơn nhiều. Em chỉ nhìn thoáng ông ấy một cái. Còn ông ấy thì chẳng hề nhìn em; nhưng ông ấy có một dáng vẻ như thể là đang bị bệnh vậy. Em thấy đau lòng khủng khiếp. Ông ấy bắt đầu lên dây đàn, rồi sau đó, lúc mang nó lại cho em, ông ấy nói: “A! Thưa Cô!…” Ông ấy chỉ nói với em có hai từ ấy thôi; nhưng là nói bằng một cái giọng khiến cả người em chao đảo ghê gớm. Em dạo qua đàn, không còn biết mình đang làm gì. Mẹ hỏi ông ấy và em không hát à. Ông ấy cáo lỗi, bảo là mình hơi ốm; còn em, vì không có cái cớ nào, em buộc phải hát. Em những muốn mình chưa từng bao giờ biết hát. Em cố tình chọn một bản mà em không biết; bởi vì em chắc chắn đằng nào mình cũng chẳng thể hát nổi bài nào hết, và mọi người sẽ phát hiện điều gì đó. Thật may, đúng lúc ấy có khách; và, ngay khi nghe tiếng một cỗ xe ngựa đi vào, em ngừng luôn, và em xin ông ấy mang cái đàn đi. Em đã rất sợ ông ấy đi khỏi luôn; nhưng ông ấy đã quay lại.

Trong lúc Mẹ và cái Bà vừa đến nói chuyện với nhau, em muốn nhìn ông ấy thêm một chút nữa. Em bắt gặp ánh mắt của ông ấy, và em không sao quay mắt mình đi chỗ khác được. Một lúc sau em thấy ông ấy chảy nước mắt, và ông ấy buộc phải quay mặt đi để khỏi bị để ý. Đến nước này thì em không sao chịu nổi nữa; em cảm thấy mình cũng sắp khóc đến nơi. Em đi ra, và ngay lập tức em lấy một cây bút chì viết lên một mẩu giấy: “Đừng buồn bã như vậy, em xin ông ấy; em hứa sẽ viết thư trả lời ông.” Chắc chắn, chị không thể bảo trong chuyện này có chút gì xấu xa; và rồi điều đó mạnh hơn bản thân em. Em gài mẩu giấy vào dây đàn, giống như Bức Thư của ông ấy lúc trước, rồi quay trở lại phòng khách. Em cảm thấy mình yên ổn hơn hẳn. Mãi rồi cái Bà kia mới chịu đi. Thật may là bà ấy chỉ ghé qua thăm thôi; sau một lúc thì bà ấy cáo từ. Ngay khi bà ấy đi ra, em nói rằng em lại muốn chơi đàn, và em nhờ ông ấy đi lấy hộ. Căn cứ vào dáng vẻ của ông ấy, em có thể thấy rõ là ông ấy không hề nghi ngờ điều gì. Nhưng khi quay trở lại, ồ! trông ông ấy sao mà sung sướng thế! Đặt cây đàn xuống trước mặt em, ông ấy cố tình đứng sao để Mẹ không nhìn thấy, và ông ấy cầm lấy tay em siết chặt… nhưng mà cái cách siết chặt ấy!… chỉ một thoáng chốc thôi: nhưng em không sao mà tả nổi cho chị mình đã thấy sướng lịm đi như thế nào. Tuy nhiên em đã rút tay về; vậy nên em chẳng có gì để tự trách cứ hết cả.

Lúc này, bạn tốt của em ơi, chị đã thấy rằng em không thể không viết thư cho ông ấy, bởi vì em đã hứa mất rồi; và nữa, em sẽ không gây phiền não cho ông ấy nữa; bởi em đau khổ vì điều đó còn hơn cả ông ấy. Nếu là vì một điều gì đó xấu xa, chắc chắn em đã không làm. Nhưng có thể có gì xấu khi viết thư cơ chứ, nhất là mục đích là để ngăn một ai đó khỏi cảm thấy bất hạnh? Điều khiến em thấy bối rối là em không biết phải viết Thư thế nào cho hay: nhưng ông ấy sẽ cảm thấy rõ rằng đó không phải lỗi ở em; và rồi em cũng chắc rằng chỉ riêng việc nó là của em đã khiến ông ấy vui sướng rồi.

Tạm biệt, chị yêu quý của em. Nếu chị thấy rằng em đã nhầm lẫn thì hãy nói cho em biết; nhưng em không nghĩ thế đâu. Thời điểm phải viết thư cho ông ấy càng gần, tim em càng thổn thức dữ dội vì chỉ sợ không sao viết nổi. Thế nhưng em phải làm thôi, vì em đã hứa mất rồi. Tạm biệt.


Từ… 20 tháng Tám 17**



Xung quanh tác phẩm:

No comments:

Post a Comment