May 3, 2013

Hiểu đám đông


Suốt một thời gian rất dài, ở Việt Nam dường như người ta quá yên tâm là đã hiểu “đám đông” và “quần chúng” nghĩa là gì, nắm vai trò (tuyệt đối quan trọng) ra sao, và cũng suốt một thời tiếng nói của quần chúng hướng lối cho cuộc sống, kể cả ở những phương diện rất riêng tư. Rồi lại đến thời bùng nổ của cái nhìn cá nhân, cá nhân trở thành “ngôi sao” trong suy tư của xã hội. Mấy năm trở lại đây, “đám đông” bỗng lại trở thành đối tượng được săn đón và đầu tư trí tuệ của giới trí thức, mà kết quả trước tiên có lẽ là: người ta nhận ra mình không hiểu nổi đám đông. Trước khi đà xoay của lịch sử hướng tinh thần quay lại với cá nhân (biết đâu đấy), đã có thể làm một tổng kết nho nhỏ về đối tượng đám đông thông qua một số cuốn sách được xuất bản gần đây.

Nhiều nhà tư tưởng lớn trong lịch sử đã tìm cách cắt nghĩa cái đối tượng kỳ cục là đám đông này, trong số những cắt nghĩa nổi tiếng (tức là có nhiều ảnh hưởng về sau chứ không hẳn là vì hoàn toàn đúng đắn, vì thật khó nói đến “đúng đắn” khi nghiêm túc bàn về “đám đông”), xếp bên cạnh Tâm lý đám đông của Gustave Le Bon hay Crowds and Power (Đám đông và quyền lực) của Elias Canetti, từ hơn nửa thế kỷ nay luôn luôn có mặt Đám đông cô đơn (Thiên Nga dịch từ nguyên bản tiếng Anh The Lonely Crowd, Nhã Nam & NXB Tri thức, 2012). Đấy là còn chưa nói đến hai bộ sách mới xuất bản ở Việt Nam nhưng đã được bàn đến rất nhiều, có chủ đề tương đối gần (“polis”), là Cộng hòa của Plato và Chính trị luận của Aristotle.

Đám đông cô đơn “đặc Mỹ” và được coi là tác phẩm quan trọng nhất về xã hội Mỹ kể từ Thorstein Veblen của tác phẩm The Theory of the Leisure Class (Lý thuyết về tầng lớp nhàn rỗi), là tác phẩm kinh điển đầu tiên ở hai phương diện: thứ nhất là nhấn mạnh vào một sự thay đổi trong xã hội hiện đại, từ một nền văn hóa thiên về sản xuất chuyển sang một nền văn hóa ngả hẳn sang tiêu dùng, và thứ hai là tác phẩm đi sâu phân tích các vấn đề thuộc chủ đề “tuân phục” và “tính chất cá nhân” ở xã hội hiện đại.

Lịch sử xã hội học Mỹ hiện đại sẽ rất khó hình dung nếu không có Đám đông cô đơn, cuốn sách xã hội học bán chạy nhất lịch sử nước Mỹ kể từ khi nó được ấn hành lần đầu vào năm 1950, tác giả (vốn dĩ không phải một nhà xã hội học) thì trở nên vô cùng thời thượng, và cũng thời thượng không kém là những khái niệm then chốt mà ông đưa ra: những “truyền thống định hướng”, “nội tại định hướng”, “ngoại tại định hướng”, “ăng ten”, “ra đa”, “người thích nghi”, “người độc lập”, “bàn tay niềm nở”, “người hướng dẫn tiêu thụ”… xuất hiện cả trong những đối thoại hằng ngày ngoài đời thường chứ không chỉ trong sách vở tạp chí chuyên ngành.

Nhưng ta phải đề phòng: những cuốn sách lớn viết về đề tài rất lớn thường rất khó nắm bắt. Trong mảng sách bàn về “đám đông” này, Masse und Macht của Elias Canetti, nhà văn đoạt giải Nobel, vô cùng hấp dẫn nhưng hậu thế sẽ đánh giá nó giống một bài thơ dài (thậm chí còn dở) hơn là một khảo cứu nghiêm túc. Canetti nhấn mạnh vào khao khát sống còn của nhà cai trị, khao khát ấy mãnh liệt đến gần như một căn bệnh tâm thần, dẫn người ta đến với những hành vi trấn áp người khác, và ông đưa ra ví dụ về đám tinh trùng đông đúc, trong đó chỉ một con sống sót để “làm nên chuyện”.

Đám đông cô đơn thì đi đúng theo quy chuẩn nghiên cứu hơn, có những đoạn hết sức hấp dẫn chỉ ra xã hội chúng ta học được rất nhiều điều từ lối sống của người thổ dân, nhất là Pueblo thuần hậu và Kwakiutl ác độc (chương XI), và tuy xuất phát từ một khái niệm biểu đồ dân số rất khô cứng nhưng nó lại đi đến được những khái quát rất tinh tế, ví dụ như về con người “ngoại tại định hướng” là loại người rất giống chúng ta hiện nay, ở đâu họ cũng cảm thấy là nhà mình nhưng lại không cảm thấy ở nhà mình tại bất kỳ đâu (nghĩ là con người rất hoang mang), với sự xóa mờ ranh giới giữa công việc và vui chơi, giữa công cộng và riêng tư.

Và, thêm nhiều thời gian cộng vào sự tồn tại của nó, Đám đông cô đơn, đến lượt mình, lại cũng giống một bài thơ (nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra tác phẩm chính là một dạng hồi ký của tác giả David Riesman), nhưng là một bài thơ khúc chiết, có tầm phổ quát. Thật mừng vì tuy cổ xúy cho “tính cách xã hội” nhưng đến cuối sách, tác giả đã rất nhân ái cho biết rằng sống trong xã hội, tuy “tính cách chung” là cần nhưng độc lập cá nhân mới là nền tảng: “con người sinh ra đã khác nhau; họ đánh mất tự do xã hội và độc lập cá nhân của mình trong khi tìm cách trở thành giống nhau” (tr. 508).

Con người cá nhân độc lập thì phải cô đơn, nó đối mặt với “con quái vật đám đông” để cố mà hiểu, dù biết đó là một việc quá sức.


Hình ảnh minh họa :p




Vì một số lý do, chuyên đề George Orwell bị bỏ dở; sắp tới đây nó sẽ được tiếp tục: Simon Leys viết về 1984 đúng vào năm 1984 như thế nào, Jean-Pierre Martin đã viết gì về những ngày cuối đời Orwell, thực tế thì bên Trung Quốc, Orwell xuất hiện theo cách thức nào, nên đánh giá những người diễn giải Orwell như Christopher Hitchens ra sao...


- Chuyện ở nông trại nhìn từ mặt đất

4 comments:

  1. Còn đoạn Fromm đâu anh? :p

    ReplyDelete
  2. bài hay, cơ mờ hơi ngắn. Xin phần 2 nhé :)

    ReplyDelete
  3. à quên có đặc Mỹ nữa. Đúng là nó đặc Mỹ.

    ReplyDelete