May 2, 2014

Tác phẩm thứ hai của Nguyễn Dương Quỳnh


Tác phẩm thứ hai của Nguyễn Dương Quỳnh, Thị trấn của chúng ta.


Khi in "debut" cho Nguyễn Dương Quỳnh, tôi đã thực sự phải suy nghĩ, một cách rất cẩn thận.

Quyển Đỏ sẽ không thể trở thành một cuốn sách bán chạy, nhưng chắc chắn nó sẽ có một số lượng độc giả riêng, một số lượng cũng không hẳn là nhỏ - một nhà văn tuổi đôi mươi viết văn thực sự hay kiểu gì cũng có cho riêng mình một "khối độc giả".

Quỳnh Anh viết rất nhiều, thực sự nhiều, đọc một lượt thì tôi biết chắc chắn sẽ phải in truyện "Đỏ", và đến đây câu chuyện mới bắt đầu khó.

Rất nhiều người đã hỏi tôi, tại sao trong Đỏ lại có "Đỏ" và "Nước Xốt Cà Chua", hầu hết mọi lần tôi đều cười trừ, hoặc trả lời rất vớ vẩn là để cho nó cùng "tông màu"; đến lúc bản thân tác giả cũng hỏi thì tôi quyết định dẫu sao cũng phải trả lời, nghĩa là trả lời không vớ vẩn :p

Tôi rất rành, nếu không muốn nói là quá rành, giới viết book review ở Việt Nam, tôi biết rất nhiều người sẽ viết về Đỏ (tác phẩm đầu tay của một tác giả đôi mươi, văn chương chất lượng cao, câu chuyện đặc biệt, etc), nhưng tôi muốn kích thích thêm nhiều người "ở dạng tiềm năng" viết về nó nữa. Những người viết review sẽ thấy ngay Đỏ có điều gì đó để viết, nhưng không rõ ràng, thế nên tôi "mồi" ngay từ đầu một ý mà rất nhiều người sẽ sử dụng ngay, và quả thật sau đó rất nhiều người đã sử dụng ngay: họ sẽ khen "Đỏ" và chê "Nước Xốt Cà Chua" không bằng "Đỏ", vậy là có ngay một cái mở bài, sau đó thì dễ thôi.
 Tuy nhiên, vẫn còn một điều nữa: "Nước Xốt Cà Chua" không hề kém, tuy đúng là đặt cạnh "Đỏ" quá đặc biệt nó sẽ lép vế; nhưng nếu chỉ có "Đỏ" thì mọi thứ sẽ khép kín, còn "Nước Xốt Cà Chua" thuộc loại truyện cho thấy tác giả sẽ còn mở được một con đường khác sau này.

Mình xin lỗi vì đã có ý định lỡm giới viết book review, nhưng cũng vô hại thôi, phải không :p

Trong thời gian chuẩn bị xuất bản Đỏ, tôi chỉ sửa chữa rất lặt vặt, vì những gì có sẵn đã đủ cho một cuốn sách; điều duy nhất tôi đề nghị Quỳnh Anh là: tên dài quá, bỏ một chữ trong tên (tức là tên riêng ấy) đi, chữ nào cũng được, và thế là ta đã có nhà văn Nguyễn Dương Quỳnh; ở Việt Nam không nên làm nhà văn tên có bốn chữ hoặc một chữ. Tên bốn chữ giống như một họa tiết gô-tic rườm rà uốn éo, làm tôi hình dung đến một bức hoành phi chữ Tàu, kiểu "King bang tế thế", "Kế thế đăng khoa" vân vân và vân vân. Còn tên chỉ một chữ? Đó là một dấu hiệu cho thấy tác giả thực sự chỉ biết mỗi một điều: bản thân con người mình.

Sau này, tôi gặp Quỳnh Anh một lần trong Sài Gòn, lỡ dại chọn một quán cà phê đông hơn tưởng tượng lúc trước, nên Quỳnh Anh có vẻ không thoải mái lắm. Nhưng dẫu sao, đến khi ấy tôi đã thấy đây đúng là Nguyễn Dương Quỳnh rồi.


đọc thêm ở
đây
đây
đây

3 comments:

  1. tháng rồi không có mục sách trong tháng hả bác

    ReplyDelete
  2. đọc bài này mà mình nhớ lại 1 kỹ niệm xưa
    làm huy hiệu

    ReplyDelete