Céline (không đi ông, và cũng chẳng túi xách, giày dép, quần áo), dựng lên, trên con đường dẫn vào thế giới của mình, vô số chướng ngại vật: vô vàn dấu ba chấm khó chịu mới chỉ là một chuyện nho nhỏ, cái thứ ngôn ngữ tưởng chừng không thể đưa vào văn chương ấy, ngôn ngữ của ngoài chợ, trên những phố nhỏ nhếch nhác của những khu không đẹp; và nhất là, một chướng ngại vật khủng khiếp: sự đáng ghét; nhưng đó cũng chính là lòng nhân đạo của Céline, nếu như mà đối với Céline ta vẫn có thể nói đến lòng "nhân đạo"; những chướng ngại vật đó đã rất nhiều lần ngăn cản tôi, qua được cái này thì lại xuất hiện cái khác, nhiều vô kể, nhưng ý nghĩa của "đêm" có lẽ chính là như vậy, đi trong đêm, có bao giờ nhìn thấy cái gì đâu
"lòng nhân đạo" là ở chỗ: như thể Céline liên tục nói với người ta, rằng đừng dại đi vào đây, nếu chưa chuẩn bị kỹ thì đừng đi vào đây, không có gì tốt đẹp đâu, đi quá cái vạch kia là không chỉ phải bỏ lại bên ngoài tất tật hy vọng, mà còn là mọi ảo tưởng; hoặc giả, có lẽ còn đúng hơn: đừng dại đi vào đây, nếu mà chuẩn bị quá kỹ, đúng hơn phải không chuẩn bị gì hết, không "hành trang" ba lô túi xách, không cả một ngọn nến, không cả một tinh thần phiêu lưu
thế giới của Céline là một thế giới làm con người giập mặt liên tục
nhưng, tại sao lại như thế? tại sao đã có Rousseau rồi lại phải có Joseph de Maistre, đã có các nhà bách khoa toàn thư rồi lại phải có Louis Claude de Saint-Martin, biệt hiệu "Le Philosophe Inconnu", cái con người tự đặt ra sứ mệnh cuộc đời là phải đập phá hoàn toàn công trình của các nhân vật bách khoa? tại sao đã có phần sáng rồi lại phải có phần tối? đã có ánh sáng rực rỡ của Jean-Paul Sartre rồi mà vẫn phải có màn đêm đáng ghét của Céline? dường như câu hỏi này nếu cứ đẩy đi tiếp sẽ lại rơi vào tại sao Christ và Anti-Christ, và "bright side of life" mới chỉ là một phần, thậm chí một phần chưa đáng kể; thế giới vừa là cái này vừa là cái kia, thêm một lần nữa Schopenhauer không buông tha chúng ta
Sartre từng coi Céline là một bậc thầy; Simone de Beauvoir từng kể rất rõ trong hồi ký, năm 1932 ấy, Voyage au bout de la nuit (Đi đến cùng đêm) là một phát hiện lớn của họ, họ thấy được rằng chủ nghĩa hư vô có thể đạt tới mức độ nào, và cũng thấy người ta có thể viết văn không trong sự chỉn chu gọt giũa của Alain hay Valéry; và Buồn nôn của Sartre từng mang câu đề từ lấy từ Céline (các nhà văn trẻ, điều này là quy luật chung, luôn luôn tìm đến những nơi nào có mật độ hư vô chủ nghĩa lớn nhất: điều này thì Czeslaw Milosz đã nói rất rõ); cho đến khi Céline chuẩn bị phải nhận bản án, thì Sartre là người tấn công rất dữ dội; trong câu chuyện này, có rất nhiều mùi vị của câu chuyện chung liên quan đến "các ông thầy cũ", chủ đề cho một cuốn tiểu thuyết khủng khiếp của Thomas Bernhard; con người sống không trong sự xây dựng, bồi đắp, mà trong sự tiêu diệt và tàn phá dần dần
Sartre trở thành "Tartre", nhân vật bị chửi rủa trong D'un château l'autre (Lâu đài rồi lâu đài) của Céline; lần đi vào tiểu thuyết này của Sartre không dễ chịu như cái lần đi vào một cuốn tiểu thuyết của Boris Vian, trong đó Jean-Paul Sartre biến thành Jean-Sol Partre
liên quan đến những mối quan hệ trong văn giới đầy sấm sét của Céline, còn có một câu chuyện đặc biệt hơn nhiều, và gần với thế giới của Céline đến đáng ngạc nhiên, đến nỗi càng ngày tôi càng phải tự hỏi, hay là các nhà văn lớn, họ lớn một phần là bởi họ toàn viết từ trước những gì sẽ xảy ra, trong đó nhiều điều xảy ra với chính họ: năm 1957, thêm một lần nữa Céline trượt giải Goncourt, sau năm 1932 của Voyage au bout de la nuit, trước La Loi của đối thủ Roger Vaillant; điều trớ trêu là trong chiến tranh, chính Roger Vaillant từng có ý định lên kế hoạch ám sát Céline
còn trớ trêu hơn nữa, hồi chiến tranh ấy, Céline sống ở tầng trên một tòa nhà (hành nghề bác sĩ) thì Vaillant cùng các chiến sĩ kháng chiến của mình họp ở tầng dưới (về sau này, một người biết rõ giai đoạn này từng chứng nhận Céline hoàn toàn biết về những cuộc họp ấy), họ định bắn chết Céline như một kẻ phản bội nước Pháp
nhưng dẫu có nói thế nào thì nói, người ta vẫn chưa bao giờ chứng minh được là Céline hợp tác với quân Đức; chỉ có điều, Céline cực kỳ đáng ghét (Sartre tấn công Céline ở khía cạnh bài Do Thái; nhưng nếu vậy, còn phải tính Céline là người bài Da Trắng, bài Da Đen, bài Loài Người)
thật ra, tôi nghĩ các nhà văn thực sự lớn đều có khía cạnh nào đó vô cùng đáng ghét, điều này đóng góp vào hiện tượng phải rất lâu sau khi họ chết rồi, nghĩa là những người cùng thời với họ, thực sự biết họ cũng chết rồi, thì tầm vóc đích thực của họ mới dần dần được nhìn nhận đúng; Baudelaire là một người cực kỳ đáng ghét, Henri Michaux thì khỏi nói; tôi nghĩ rằng Nguyễn Du trong mắt người đương thời cũng không kém phần đáng ghét
đấy là bởi vì, ít nhất một phần, nhà văn lớn phá hoại rất nhiều thứ; trước hết, họ tàn phá - ở nhiều mức độ khác nhau - những gì đang tồn tại yên ổn cái đã; cái gì lớn thì cần nhiều chỗ, một cái xoay trở đơn giản của người khổng lồ cũng đã đủ gây vỡ nát cho bao nhiêu thứ: làm sao mà chịu đựng nổi
nhưng tôi tin Céline hoàn toàn thành thực khi, về cuối đời, nói rằng cuốn sách thực sự độc ác của mình chỉ duy nhất là Đi đến cùng đêm; cuốn sách đầu tay, và cũng là hành động phá hoại (để lấy chỗ)
điều này là chính xác: ngay từ Mort à crédit (cuốn tiểu thuyết này tuy chưa có bản dịch tiếng Việt nhưng đã được đồng loạt gọi là Chết chịu; tôi cũng thấy "Chết chịu" là rất hay, nhưng vẫn nghĩ Chết trả góp thì đúng với Céline hơn), năm 1936, tức là bốn năm sau Đi đến cùng đêm, sự đáng ghét đặc vị Céline vẫn phập phồng ở đó, nhưng đã không còn gì mang tính chất cá nhân nữa rồi; dường như đến đây, Céline đã vượt ra khỏi sự căm ghét, mà sự căm ghét chỉ còn là một vẻ bên ngoài: lấy một nhân vật có thực làm nguyên mẫu, nhưng nhà khoa học dở người Courtial des Pereires của Mort à crédit không dùng để công kích bất kỳ ai, mà dường như nhắm thẳng vào khoa học nói chung, vào sự ngớ ngẩn của khoa học; mà sự ngớ ngẩn của khoa học thì ai chẳng thấy?
nhất là, với cái vẻ đáng ghét ấy, Céline đặc biệt thoát được một điều thật ra vô cùng đáng ghê tởm: không giống rất nhiều người khác, Céline không tạo ra vẻ mình là nạn nhân; từ chối tự coi mình là nạn nhân là cách thức duy nhất để đồng thời từ chối trở thành đao phủ; bọn nghĩ mình là nạn nhân luôn luôn trở thành đao phủ hết, không có ngoại lệ
các nhà tâm lý học (môn khoa học dở hơi đỉnh cao) rất cố gắng phân tích khía cạnh Céline đứa trẻ trải qua tuổi thơ khó khăn, bị hành hạ để giải thích cho màu sắc đen tối của văn chương Céline, nhưng Mort à crédit, thật ra là một tự truyện, từ chối cách diễn giải đó ngay từ đầu: những tháng bị gửi sang Anh sau khi rơi vào sự câm lặng bắt nguồn từ vụ lừa đảo (và cả bị hiếp) của bà chủ trước đó là một đoạn tuyệt tác về cuộc chiến đấu thảm khốc của một thằng bé mười ba, mười bốn tuổi từ chối coi mình là một nạn nhân
vả lại, văn chương Céline, mặc dù có nhiều chướng ngại vật đến vậy, cộng tất cả những chướng ngại vật ấy lại, đâu có phải là sự đen tối? "đêm" của Céline lúc nào cũng cao hơn đêm tối ít nhất vài xăng ti mét
thêm nữa, khi tự biến mình trở nên tuyệt đối đáng ghét, phải tuyệt đối đáng ghét như một lời tương ứng của phải tuyệt đối hiện đại Rimbaud, thật ra, Céline đã làm một điều rất kỳ lạ: ném hết sự căm ghét cho những người khác
và quả thật, chuyện đã xảy ra đúng như thế; đó là một cách thoát khỏi căm ghét vô cùng khó, như một màn giả kim thuật đặc biệt phức tạp
"The infinity symbol is a mathematical symbol that represents an infinitely large number.
ReplyDeleteThe infinity symbol is written with the Lemniscate symbol: ∞
It represents an infinitely positive big number."
∞ + (-∞) = 0
Do you like the symbol of ∞?
-- GC
ồ ôi lâu lắm mới thấy
ReplyDeleteThêm nưã, zero là con số không, nhưng không hoàn toàn là rỗng không, hay không có gì cả. Ít nhất nó phải là một thứ gì đó, ví dụ một điểm, dot, phải không nhỉ?
ReplyDeletemột điểm, nhưng phải lộn ngược nó ra
ReplyDelete❤️
ReplyDeletenếu Celine viết Mort à crédit, bài Do Thái, bài da đen, bài loài người thì ở phía bên kia có Romain Gary viết La promesse de l'aube, yêu da đen, yêu da vàng, yêu loài người
ReplyDeleteTôi nói điều này có vẻ báng bổ, nhưng tiểu thuyết của Céline lớn và hay, điều đó không cần phải bàn cãi, nhưng nó không hề đẹp. Chết trả góp, người ta cứ ở với nhau thế 30-40 năm rồi chết. Thần học cho rằng: Thượng đế có quyền quyết định sự sống và cái chết, ma quỷ thì chẳng quyết định sự sống lẫn cái chết của ai, nhưng con người, hơn ma quỷ ở chỗ, con người không những sở hữu mà lại còn có quyền trên sự chết (Courtial tự sát). Ý tôi là, đã hẳn, là phải chết, thì với cái quyền ấy, phải chết cho bảnh, chết cho đẹp.
ReplyDelete