(tiếp tục và kết thúc: "vẫn bẫy", "thời chúng ta (7) thái độ", "lại đệ" và "Trong lúc đọc Dilthey (1)" - riêng thái độ sẽ xong hoàn toàn trong hôm nay, ngày mai)
I saw the light
thế mà cũng tang thương
Khi (tự) đặt ra câu hỏi thân thiện thì nghĩa là như thế nào, một bàn tay thân thiện thì tức là ra sao, Wittgenstein thấy rằng một bàn tay thân thiện thì chắc không nắm lại, mà xòe (các ngón) ra.
Leibniz thì nhìn vào các tri nhận rất nhỏ, và trật tự của chúng, trong việc tạo ra sự sung sướng (tức là phải có cái đó thì mới có thể dẫn tới sung sướng, etc.).
(hình như cuối cùng thì tôi cũng đã viết được một mở đầu rất giống)
Ở quán cà phê, tôi gọi đồ rồi ra bên ngoài ngồi. Càng ngày càng có nhiều hơn, những quán cà phê cần phải gọi đồ trước, trả tiền luôn, như vậy thì cũng, càng ngày càng ít hơn các quán cà phê xong xuôi rồi mới trả tiền (tính tiền, hay, khác biệt theo vùng, thanh toán, những câu mệnh lệnh cách đó - cứ như là impératif kantien - không còn lý do để tồn tại nữa); ở rất nhiều quán, ở chỗ quầy nhân viên phục vụ sẽ lễ phép hỏi ngay có dùng thêm hạt hướng dương không: cứ nghe đến "hạt hướng dương" là tôi lại nhớ đến rạp chiếu phim Tháng Tám trên phố Hàng Bài ngày trước, ngồi xem phim trên mezzanine, chân sẽ phải sục vào một lớp vỏ hạt hướng dương không hề mỏng: bằng chứng cho thấy về mặt tập tính, con người gần hơn cả với loài gặm nhấm: con người là giống vật gặm nhấm có ăn thêm thịt. Tôi ra ngoài ngồi, trời lạnh làm tê buốt những đầu ngón tay (hình như tôi đang đạo văn chính tôi; cái câu này, nghe quen lắm). Nhưng chính những hôm trời lạnh thì lại rất thích hợp để ngồi bên ngoài: không hẳn là một hàng hiên, một terrasse, mà chỉ là trên vỉa hè; vì trời lạnh thì bên ngoài sẽ rất ít người, nhất là những khi nào hơi mưa lất phất: con người là giống vật gặm nhấm có ăn thêm thịt và sợ lạnh, ngại trời mưa lất phất. Nếu được cho thêm thời gian, chắc chắn tôi sẽ sản xuất được một định nghĩa về con người dài vài trang A4, thậm chí là dài bất tận. Nhưng (rất tiếc - tức là, rất may), người phục vụ đã mang cà phê ra cho tôi. Nhưng (lại nhưng), có gì đó không ổn lắm (something wrong): trước mặt tôi xuất hiện không phải một tách cà phê mà tận hai, một nhỏ, một to. Trước sự ngạc nhiên (to lớn) của tôi, người phục vụ (một cô gái, tôi chỉ biết đó là một cô gái có vòm lông mày mang một nét gì đó kỳ lạ, chắc vì nó ở cách xa mắt hơn thông thường) cũng ngạc nhiên, mà nói, tôi gọi hai cái này mà; trước đó, ở quầy, tôi cũng thấy hơi lạ, vì dường như phải trả nhiều tiền hơn bình thường, nhưng tôi lại nghĩ, chắc đã lên giá, vả lại, ở các quán cà phê, có những đợt thay đổi giá tiền, vậy thì cũng bình thường; thì ra cô gái phục vụ, khi tôi gọi đồ, đã nghe thấy tôi gọi hai món. Vậy thì tôi cũng chấp nhận, vì tôi đã quá quen với việc, phần lớn những người nói chuyện với tôi (không phải chỉ nói chuyện theo lối từ hai bên một công toa) chẳng hiểu tôi nói gì. Tôi nghĩ thế thì quá bình thường, vì chính tôi cũng chẳng mấy khi hiểu tôi nói gì, bởi vậy cho nên chẳng bao giờ tôi muốn nói gì: đằng nào cũng có ai hiểu đâu, kể cả tôi. Món thứ hai là một tách cappuccino. Trên bề mặt của nó có hình lá cây; tôi không bao giờ uống cappuccino nhưng tôi nghĩ là tôi đoán được, bề mặt của những tách cappuccino không nhất thiết có hình lá cây, mà phổ biến hơn là hình trái tim. Tôi uống cappuccino? chuyện cũng hơi giống như tôi gọt khoai tây. Tôi nhìn cái tách thừa một lúc, dường như nó cũng nhìn lại tôi, vẻ ngượng ngập nhưng lẫn vào đó có cả sự tinh quái. Cứ như thể tôi đến quán cà phê không chỉ một mình. Ngồi ở đó, rất có thể bỗng có người đi qua trước mặt, đi vào bên trong (vì phải đến quầy gọi đồ) rồi lại trở ra, và khi ấy mới ngồi xuống ghế, trước mặt tôi, hoặc cũng có thể không hoàn toàn là đối diện: cái bàn hình tròn, cho nên không nhất thiết là phải ngồi trước mặt. This happened once before. Cuối cùng, vì tách cappuccino kia nằm sẵn đó, trước mặt tôi, nên tôi cũng thử uống. Tất nhiên, chỉ vài ngụm. Hơi giống vị xà phòng.
Giờ, người ta không còn thực sự nhìn thấy mặt nhau nữa. Và vậy là, người Nhật lại giành thêm một thắng lợi. Người Nhật chỉ cần làm mỗi một việc: thật kiên trì, trong vòng rất nhiều năm, đeo khẩu trang. Thế rồi mọi sự được sắp xếp sao cho cả thế giới phải bắt chước họ, ở đúng cái việc ai cũng thấy ngay là vô cùng vô lý ấy. Người Nhật làm được mọi điều, kể cả những gì phi lý - nói đúng hơn, người Nhật chẳng làm gì khác ngoài những điều phi lý. Chừng nào Nhật Bản biến mất khỏi thế giới (này), hẳn cũng rất đáng buồn. Nhưng ít nhất, ta có thể (tự) an ủi, dẫu có thế thật, thì cũng sẽ còn lâu, rất lâu; đằng nào thì ta cũng không chứng kiến cái đó đâu.
Tách cà phê ranh mãnh: kể cả một tách cà phê (và kể cả khi nó là một tách cappuccino, cái thứ chẳng bao giờ tôi uống; thật ra chẳng cần thử nếm - vài ngụm - chỉ cần nhìn tôi cũng đã biết, thế nào nó cũng nhất định có vị xà phòng: nói đúng hơn, xút) cũng có thể nhạo báng. ("les cafés joyeux, même les trains de banlieue, se moquent de nous")
Tôi đang ngồi đó (một lần khác), thì đỗ xịch lại ngay trước mặt tôi một cái xe ô tô. Đằng sau tôi, có tiếng nói chuyện, tôi nghe lỏm được một câu: "Đây là mosaïque đấy"; mosaïque thì hay thấy ở bể bơi hơn, nhưng người ta cũng có thể khảm nó lên bất kỳ bức tường nào. Nhất là khi chỗ đó ở gần một mặt nước, thì lại càng có vẻ hợp lý hơn. Chiếc xe dừng trước mặt tôi, chỉ cách mũi chân của tôi chưa đầy nửa mét; giờ đây, thật khó xác định đó là loại xe gì: thời của chúng ta là một thời của sự mất quy ước, mọi thứ code không còn thực sự để làm gì nữa; điều này chắc hẳn là tất yếu, khi mà đến cả giới tính cũng không còn là căn cứ để phân biệt. Vì quá sợ phân biệt, người ta không còn biết cái gì là cái gì nữa; đã chuyển sang triền dốc bên kia; dẫu là bên kia thì một thứ không hề thay đổi: vẫn cứ là một triền dốc. Lại tiếp tục đi xuống, lại tiếp tục rơi. Làm sao mà khác được. Giá kể người ta nhầm nhưng không mang cho tôi thêm một cappuccino, mà là một cái gì đó ấm; dù sao thì trời cũng quá lạnh. Chiếc xe kia đỗ quá sát khiến tôi ngẩng lên nhìn: chắc chắn đây là một cái xe chở khách, nhưng không phải taxi; người phụ nữ nước ngoài cùng đứa bé gái đã mở cửa sau để lên xe, ánh mắt người lái xe không hề có vẻ gì là người quen biết với họ. Giờ đây, dường như có nhiều cái xe như thế: người ta mua xe ô tô trước tiên là để cho oai, rồi khi nhu cầu oai đã phai nhạt, thì họ trở thành tài xế tương tự taxi. Đứa bé con, trong lúc đợi xe, ngay trước mặt tôi, cúi người như một con tôm, tay cố sức với xuống chân: chắc hẳn cái quần tất nó mặc gây một số khó chịu. Trời lạnh khiến người ta mặc lên người lắm thứ kỳ quặc. Trên thùng xe (carrosserie) in hình quảng cáo cho một công ty, với dòng slogan: "Đi đường tắt đến nhan sắc". Tất nhiên, đó hẳn phải là một công ty chuyên về một cái gì đó liên quan tới làm đẹp (làm đẹp, nhưng đẹp thì làm sao mà làm được?); tuy đã hết sức cố gắng nhưng câu slogan có thể khiến khách hàng của công ty ấy ngay lập tức thấy điên tiết: nếu mà muốn vần với sắc, thì không thể là đường tắt, mà phải là đường tắc. Chắc do những cái tách ranh mãnh tại quán cà phê ấy, cho nên trong óc tôi mới nảy ra những suy nghĩ tương tự. Chứ bình thường, gần như tôi chẳng nghĩ gì bao giờ. John Locke phản đối bất kỳ ai khẳng định, con người lúc nào cũng suy nghĩ.
Nhưng đúng là, tôi thích nhất những ngày thật lạnh, những ngày rét mướt thì càng tốt: như vậy thì gần như có thể chắc chắn, ngồi bên ngoài quán cà phê đó sẽ không có ai. Giảm luôn cả khả năng có người quen đi qua nhìn thấy; dẫu đã cố tình chọn nơi không có mấy người qua lại, cũng như vốn dĩ chẳng có mấy người quen, chuyện đó, tôi vẫn cứ dính. Có lần tôi đi đường thì bỗng nghe tiếng người gọi tên tôi thật to. Nhưng cố nhân có biết không, tôi bị điếc, chẳng bao giờ nghe thấy gì.
c'est bien loin tout ça
I've lost her now for sure, I won't see here no more
I'll remember all the little things we've done
Một chỗ khác, mà khi hiểu ra không còn nữa, tôi đã ngẩn ra. Từ đó cũng nhìn ra cái hồ, rất gần, nhưng lợi thế diệu vợi của nó nằm ở chỗ, không cần phải ngồi ngoài vỉa hè (dẫu thế nào, những cái xe Đi đường tắt đến nhan sắc cũng quá nguy hiểm; thêm nữa dễ bị nhìn thấy), ở trên tầng, mà vẫn coi như ở bên ngoài; cửa sổ to, hình vuông không hề ngăn chặn gì, cho nên có một đợt dài mưa gió ngồi ở đó chốc chốc tôi lại phải dịch ghế vào, bằng không tuy ở trong nhà mà vẫn ướt hết. Và gần như lúc nào cũng được một mình, trong một căn phòng không dễ xác định là hình gì, mấy cạnh tất cả, hướng nào cũng trổ đầy cửa sổ. Ở đó, một hôm tôi đang ngồi, tất nhiên tại cái chỗ gần bên ngoài hơn cả, thì có tiếng sột soạt sau lưng tôi: không thể hiểu tại sao cửa vào căn phòng của tôi (vì gần như chẳng bao giờ có ai khác, ngoài tôi) lại gắn tấm màn làm bằng những miếng nhựa dài, nặng, đục, mỗi mảnh rộng khoảng mười xăng ti mét, tức là giống hệt loại rèm ở Tang Frères quận 13 Paris; vậy là tôi không còn một mình. Điều đáng kinh ngạc là người mới đến bước tới ngồi ngay cạnh tôi: tuy phòng rất nhỏ nhưng không phải là không có những chỗ ngồi khác. Thêm một người muốn ở ngay trước cái cửa sổ vuông rất to, lộng khung một khoảnh trời? Những lúc gió to, mặt nước dưới kia cuộn sóng, tức là không thích hợp để chơi trò ném thia lia, nhưng những ánh mắt cũng có thể nảy thia lia, và là trên mọi loại bề mặt; hình như các ý nghĩ cũng vậy. Người bên cạnh tôi là một cô gái, nghe tiếng kéo ghế ngồi là đã có thể đoán ra. Rồi đến một mùi hương, hơi gắt, nhưng nhờ ở sát bên ngoài cho nên dịu đi nhiều. Một động tác khiến tôi nhìn thấy một cái tay áo có diềm đăng ten: vậy thì sẽ mặc đồ lót màu hồng chăng? Lúc sau, tôi thấy đã đến lúc đi khỏi đó (đã đủ liều lượng). Đứng lên, tôi bảo cô gái giơ bìa quyển sách đang đọc cho tôi xem; đúng như tôi nghĩ từ trước, đó là một quyển sách của một trong những tác giả thuộc dạng Diệp Lạc Vô Tâm. Ngồi ở đó, đúng vào một đợt mưa gió bão bùng kéo dài, liên tục phải xích ghế lùi lại sau cho khỏi bị nước hắt, lúc nào thấy êm êm thì lại tiến lên, tôi hoàn thành cuộc đọc lại, và là énième fois những cuốn tiểu thuyết của Doistoievski. Tôi cũng biết, đã đến lúc, chủ yếu tôi chỉ còn đọc lại.
tháng ngắn ngày dài
Thêm một đoạn nói chuyện, mà tôi nghe được sau lưng tôi, ở quán cà phê: "Cái xe pick-up kia trông nhựa nhỉ." Những chiếc tommy car? Đấy có phải là một tentation? Những cô gái phục vụ ở quán cà phê giờ đeo khẩu trang, những ai có đôi mắt đẹp sẽ có lợi thế vô biên, những ai có cái mũi ngồi chồm chỗm trên mặt thấy mình rất may mắn. Việc làm cho đẹp giờ đây chỉ còn cần thiết ở khoảng trên: có phải bỗng nhiên con người trở nên hướng lên trên? Nước mắt thì chẳng bao giờ bị ngược đường. Đã đến kỳ giáng xuống một sự trừng phạt nhằm vào các quán cà phê. Bảy năm vừa rồi, ai cũng nghĩ (sự nghĩ của ảo tưởng) rằng quán cà phê là một cái gì vĩnh cửu. Nhưng không có vĩnh cửu. Những quán cà phê sản phẩm của mấy năm faste đang tan biến kia (thêm một bong bóng xà phòng - thứ không thể thích hợp hơn gần các mặt nước) bốc hơi dần, theo cùng đà với các tấm biển "Cho thuê nhà kèm số điện thoại" treo trước những gì tưởng chừng là pháo đài kiên cố của sự thịnh vượng (và vui tươi) - nhưng Machiavel đã hiểu, từ rất sớm, các pháo đài gây hại nhiều hơn là tạo lợi thế, trong chiến trận, và đến cả Dostoievski (tôi còn chưa tìm ra dấu vết cho thấy là độc giả của Machiavel) cũng hiểu điều đó. Quang cảnh đã trở nên rất chung: các quán cà phê giờ đây trở lại thành những ngôi nhà bình thường, hơi to hơn nhà khác, cửa đóng kín nhưng qua ô kính có thể thấy bên trong xếp các bao xi măng cùng những thứ vật liệu xây dựng: dấu hiệu của một sự xuống một bậc; cái đó, cùng với cảnh các cô phục vụ những quán nào còn chưa (mà chỉ sắp) rơi vào đó, đeo khẩu trang (chính vì vậy năng lực thính giác giảm, rất dễ dẫn tới mang ra thừa một cappuccino vị xà phòng - đấy là tôi lịch sự, chứ đích thị nó có vị của nước cống) - sắp tới, để tuyển nữ phục vụ quán, người ta sẽ chỉ còn duy nhất một tiêu chí: mắt đẹp. Mọi chute (bởi vì đây chính là một chute) đều có nguyên nhân. Mà trong thế giới của con người, sự rơi xuống nguồn gốc là do phụ nữ, phần lớn những sự rơi khác (về sau) đều mô phỏng theo như vậy. Các quán cà phê phải lĩnh sự trừng phạt giáng xuống, ngay lúc này (lúc này: tận thế của quán cà phê) là vì ở quán cà phê có quá nhiều phụ nữ. Phụ nữ biết (tự) đi ra quán cà phê đã nhiều hơn phụ nữ biết đan.
Aujourd'hui je suis tellement stérile que même un oeuf ne me dit rien. Nhưng nếu người ta tuyển (nữ) nhân viên phục vụ quán cà phê chỉ dựa trên tiêu chí: cặp mắt (và do đó, ánh mắt; có thể kèm thêm: một vòm cung lông mày không tệ) - những cô gái nào mắt hiếng (nếu không muốn lịch sự uyển ngữ: lé, lác; đến cả Saint-Augustin cũng phải dùng uyển ngữ: không gọi người La Mã là ngoại đạo, tà đạo, mà gọi bằng isti) thế là sẽ không bao giờ được chọn, cho dù vượt trội mọi cô gái khác ở vô vàn điểm. Người ta sẽ chỉ còn nhìn vào mắt nhau, vì không nhìn được gì khác nữa: cả một thế giới lý tưởng, thế giới của những cửa sổ tâm hồn, chỉ của các cửa sổ (và không có cửa ra vào), thế giới platonic, rất có thể đó chính là thế giới vĩnh cửu. "Đấy có phải là cám dỗ không? - Nhưng đấy chính là cám dỗ."
Cố nhân đi bao giờ mới về? Cố nhân ấy mà, cố nhân = no reply.
Tôi còn nhớ những ngày tháng Chín của một năm, những ngày tôi dùng để đọc Robert Walser. Thêm một thế giới thôi miên tôi. Cái bàn của quán cà phê tôi ngồi, được một lúc là phải chuyển chỗ: chạy vòng quanh bàn, để tránh nắng. Cả chỗ ấy cũng ngay sát mặt nước, thậm chí còn là nơi gần nước hơn cả. Cô gái chủ quán thỉnh thoảng ra ngồi với tôi, hay xin tôi một điếu thuốc; chúng tôi hút thuốc và im lặng. Khi không có gì để nói, thì im lặng (vậy là đã vòng trở về được với Wittgenstein: một vòng tròn không hẳn ngắn). Vì ở khoảng cách như vậy, có lúc trong óc tôi nảy ra một ý nghĩ: hay là sờ đùi?
Xây bao nhiêu mộng thế mà.
Nghe như là mỉa mai: thinking about all younger years we were young and wild and free; một thế giới nguy hiểm tức là thế nào? Là mắc vào những disaster etc.? không, thế giới chỉ thực sự là nguy hiểm khi nào nó không có chỗ cho irony. Và cuối cùng, thì có sờ đùi không?
Và thế nào thì mới đáng sợ? một thế giới không có sờ đùi, một thế giới lúc nào cũng sờ đùi, hay cái thế giới nơi biết là nên sờ đùi, nhưng cuối cùng thì lại ()?
Tôi đến một quán cà phê. Ai cũng thích ngồi sát dọc những ô kính lớn của nó, các baie vitrée lẽ ra không hề tệ hại - một dải dọc theo, trông như là coursive; thêm một ẩn dụ rất liên quan đến nước, và vẫn là mặt nước: nếu không phải mặt nước, thì sẽ phải là naufrage, hay ít nhất thì oeuvres vives. Giờ đây ai cũng có thể ngồi cạnh ô kính, vì quán gần như lúc nào cũng chẳng có ai: căn phòng rộng như sảnh khách sạn, hoặc salle des Pas-Perdus có được một người khách (gần như luôn luôn đoán được từ trước, nếu vậy thì người đó sẽ ngồi gần một trong những ô kính lớn) đã là may. Bên kia đường, một ngôi nhà treo biển cho thuê; trong lúc chưa cho ai thuê được (chắc còn lâu, rất lâu - kể cả khi nó nằm ở một chỗ mới cách đây không lâu người ta còn ao ước có được: thế giới sụp đổ trong nỗi hờ hững), nơi tầng trệt có một người đàn ông ngồi bán cái gì đó, như thể đó là một bazar - tôi thoáng nghĩ tới một cuốn sách của Franz Hessel, trong nhan đề của nó có từ "bazar", ngoài ra còn từ gì nữa nhỉ? hình như là "bonheur"; Hessel là một trong những nguyên mẫu cho Jules et Jim - khoảng cách không cho phép nhìn thấy rõ ông ta bán gì, rất có thể là những bắp ngô. Nơi ấy, hồi tôi chưa tròn hai mươi tuổi, nếu ngồi đó (lúc nào cũng đông chật, các bàn ăm ắp người, như một hộp cá xác đin; giờ thì đến nhân viên phục vụ chạy bàn cũng không có; vả lại, có gì đâu để trông chờ, mọi chỗ tuyển nhân viên phục vụ chỉ còn căn cứ vào mắt không lác; một bàn tay vuốt mái tóc thật đẹp chẳng còn ý nghĩa gì nữa) mà gọi espresso, thì sẽ có cả một máy pha mang ra, một hình xy lanh khá lớn, thấy rõ cả cái gì đó như là pít tông ở bên trong, để ép ra cà phê.
Il faut le taire.
rock in deep water (18/3/2022)
Quán cà phê của hồi tôi còn chưa tròn hai mươi tuổi ấy, giờ đã đến độ: xế chiều, người duy nhất ở đó, nhân viên phục vụ kiêm pha chế cộng tất tật các việc khác - mấy lần tôi thấy mở cửa đi ra ngoài để mua hoa người ta bán dạo rồi lại mở cửa đi vào, luôn luôn thông báo giá tiền những bông hoa vừa mua được - bảo tôi cứ ngồi nhưng trả tiền trước để đi về (chắc còn ghé qua chợ); nếu có người khách nào thì nhờ tôi nói với họ là quán đã đóng cửa. Đó là một cô gái, mà tôi chưa bao giờ biết mặt. Chắc sẽ vĩnh viễn không biết. Nhưng tôi muốn nhìn thấy mặt cô gái ấy, người đã nhờ tôi nói với những khách khác là quán đã đóng cửa. Tất nhiên, cho tới lúc tôi đi khỏi đó, chẳng có thêm người khách nào.
(toujours très stérile - mais pas constipé heureusement) Trong những ngày, khi đến cả bầu trời cũng không được phép nhăn mặt (tôi đọc thấy ở đâu đó, rằng biển sẽ trở nên hung hiểm nếu nó không còn biết cách phản chiếu bầu trời nữa), tôi thấy quanh tôi, ở quán cà phê (nào đó, cạnh mặt nước hay không) là các tí tách của dục vọng, tiếng gì đó như thể âm thanh của nhiễu sóng radio và tivi trước đây, mà một nhà văn khẳng định là tổng thể của những tiếng kêu cứu chẳng được ai nghe thấy nữa, bởi đã đánh mất đi khả năng tạo âm điệu, cho đến cả sự cấu âm, nỗi thờ ơ và cả những chính chuyên do chưa gặp cám dỗ.
Tôi được dẫn đến một quán cà phê nhỏ. Ở đó rồi, tôi mới ý thức được các rẽ nhánh vô biên của một thứ như quán cà phê: nhưng tạo sao người ta lại nghĩ là có thể tồn tại được những thứ như cà phê sách nhỉ? Những bất tương thích lại cứ không ngừng tua tủa trong một thế giới rất thích tỏ ra là nó hợp lý. Quán cà phê mà tôi được dẫn tới nằm trong một ngõ nhỏ, ngay giữa một xóm, cửa của quán sát cửa vào nhiều nhà khác. Dường như đó là bước phát triển cuối cùng của chuyển động các quán cà phê: mọc ra như nấm và chết đi như cá Hồ Lớn những ngày trở trời, phơi bụng trắng xóa. Mezzanine là một dạng cagibi mà không người nào mắc chứng claustrophobia có thể chịu được quá năm phút, các bức tường thì lambrissé. Đã đủ kinh nghiệm để có thể đoán trước, thấy một giá nhỏ đựng sách, chưa cần nhìn kỹ tôi đã biết toàn là những quyển sách không thể đọc. Đấy là bước phát triển tột độ: những quán cà phê có những thứ đồ uống không thể uống, chỗ không thể ngồi, và sách không thể đọc. Một thế giới đầy giễu cợt nhưng lại không tự biết là nó đang (tự giễu cợt).
Tôi ở đó, như thể ở thế giới tốt đẹp nhất trong số mọi thế giới; và cũng như là ở trong một monadologie (vậy là đã vòng được về Leibniz, thậm chí còn double). Các
(định viết gì quên mất rồi)
Ngoài dạng quán cà phê bé tin hin như vừa nói ở trên (luôn luôn thuộc về những người chủ tự khẳng định và được xác nhận là mình độc đáo: những người độc đáo AOC, không những thế lại còn độc lập, có gu, và đặc biệt hay là các chiến sĩ đấu tranh quyết liệt cho cà phê ngon, thật, và nhất là sạch), Hà Nội đoạn cuối của làn sóng ấy (cơn sóng lừng của hai trăm nghìn quán cà phê) còn dày đặc mật độ của những quán cà phê đi qua nhìn như trường mẫu giáo, nhiều nan gỗ thấp giống cũi nhốt trẻ con. Dạng quán này thì rộng, thường rất rộng, chứ không bé tí xíu, và như thể được bứng đến đây từ thành phố đáng sống.
Nhưng ở thời của chúng ta, những gì gọi là "đáng" thì lại chính xác là "không đáng". Điều này khiến tôi nhớ đến những thành phố gọi là "ville fleurie", thành phố nở hoa, thành phố trồng hoa: vài chỗ mà tôi từng ghé nói cho tôi biết rằng, các ville fleurie là các thành phố thảm hại, xấu xí - chính vì thế chúng cần được mang tên "ville fleurie".
Tôi càng có cảm giác rõ ràng hơn, là mình ở trong một monadologie, những lúc nào thấy, ở quán cà phê, cảnh tượng hai phụ nữ ngồi với nhau. Nếu không phải là họ liên tục chụp ảnh nhau thì tất nhiên họ nói chuyện với nhau. Nhất là những chuyện trò thầm thì giữa hai phụ nữ: có một mối liên kết nào đó, mảnh vô cùng, nhưng hết sức chắc chắn, nối hai phụ nữ nhỏ to không ngừng. Chẳng gì tạo nên rõ hơn hình ảnh về liên minh: con người là loài gặm nhấm có ăn thịt (và hoa quả - một số vùng gọi là trái cây), còn phụ nữ là sự liên kết vững vàng dẫu mới thoạt nhìn thì cứ như thể rất yếu đuối: không có gì hơn, so với bí mật, trong việc xây đắp mối liên minh. Liên minh của phụ nữ là liên minh nhằm tạo chỗ chứa cho bí mật. Bí mật về những người khác, nhưng cả bí mật của chính họ nữa. Cứ hễ có hai phụ nữ dính chặt vào nhau, thi đấy luôn luôn là sự cộng sức để mang vác những nỗi bí mật, cùng nhau. Vì bí mật thì nặng, vì bí mật thì cũng quyến rũ.
Nhìn vào một thứ, thì có thể thấy, giờ đây, đã có hai phía. Phía của nhạc jazz và phía của Vô Thường phiên bản mới.
Tôi đã định viết một tiện bút mới, tên là "April in Paris", nhưng rồi lại thôi. Cứ tiếp tục ở đây.
(April)
Dường như, phía của Hồ Nhỏ thiên về "Đời tôi cô đơn" (trong địa hạt không lời hóa này, bài hát nào là vơ đét? chắc hẳn, đó là "Tôi đưa em sang sông" - bằng xe hoa hay con thuyền; nhưng rốt cuộc thì xe hoa hay là thuyền?) and Co. còn phía của Hồ Lớn thiên về jazz. Ôi tám nốt nhạc jazz. (và chắc chắn, nhân vật ấy đã mất hút hoàn toàn - không sủi chút tăm nào - khỏi guồng máy rót lỗ tai tại các quán cà phê: một chuyện lạ: lạ mà không lạ - giống câu chuyện nổi tiếng hồi chúng ta còn nhỏ, Đẹp mà không đẹp).
Từ rất xa xưa trong quá khứ, hiện về một dạng quán cà phê
Nhưng trước khi quay trở lại với đó, tôi tiếp tục nán lại trong cảm giác mình đang ở một monadologie. Ở quán cà phê, ngoài những bông phèng và chơi game la hét, các bí mật giữ cho nhau của phụ nữ, chỉ còn hai dạng trò chuyện, thứ nhất là tìm cách lừa nhau, những lúc nào nghe thấy "nghìn tỉ, nghìn tỉ", giữa những đàn ông mặc sơ mi trắng xơ vin, chủ yếu còn trẻ và tương đối gầy (còn chưa thành công), giữa những đàn ông mặc áo Burberry, cũng lại xơ vin, tuổi sẽ đậm hơn và béo hơn, thông thường có cái cổ như cổ bò tót (nói đúng hơn: không cổ) - những người đã thành công; thế cho nên mặt tuy nhăn nheo nhưng lại nở nang và lắm xởi lởi. Giữa các đối tượng này sẽ là các mối quen biết (bác này ông kia, tỉnh ủy viên nọ), câu chuyện về tự tạo lập những người mua nhà để thổi phồng thị trường bất động sản, về chạy dự án, đấu thầu, quân xanh - bước phát triển mới là không chỉ chạy dự án, xin dự án nữa mà từ lâu đã bước sang hẳn xin cơ chế, thậm chí vẫn còn mơ hồ hơn được nữa: xin chủ trương. Dạng thứ hai là thương vay. Sự thương vay bốc lên như sương mù, nhưng là sương đậm mùi sình lầy, của thứ bùn đáy đầm ao.
Bỗng tôi muốn đọc lại Bleak House, và thế là tôi đọc lại Bleak House: ngay lập tức là sương mù, tỏa xuống từ Holborn. (còn gì nữa đâu) Dickens có một cuốn tiểu thuyết khác mở đầu cũng đặc biệt u ám, đi thuyền trên sông Thames để vớt xác người: Our Mutual Friend, một nhan đề ngay tắp lự khiến người ta thấy kinh ngạc: "mutual"? phải "common" chứ.
Before this dance is through,
Sau câu vừa xong thì không biết tiếp tục như thế nào; thôi đổi sang câu khác: Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng.
Trước khi đến được ngày hôm nay - cũng giống ruột thì có nhiều bộ phận cần đi qua - tức là ngày của những quán cà phê văn minh lịch sự chủ quán dí dỏm hay viết status chửi khách (cũng may là các cô phục vụ đã dần dần bỏ khẩu trang), có một đoạn có thể coi là đoạn giữa, một trung gian, một tầng bình lưu. Đấy là giai đoạn của thứ mốt cà phê ăn sáng hay nếu muốn đúng trình tự hơn, ăn sáng cà phê (tục gọi là "com lê"). Nhiều quán cà phê nằm cạnh quán phở quán bún thì cứ ngồi vào quán cà phê luôn, sẽ có nhân viên quán mang bát bún bát phở sang cho, ăn xong thì cứ ngồi yên mà uống cà phê. Những ngày ấy, các nouveau riche (bởi vì đó là trọng điểm của quá trình nouveau riche hóa) mặt mũi phởn lắm, đãi bạn đãi bè, rôm rả những niềm tin hấp háy.
Xa xưa hơn, có một dạng quán cà phê rất bốc lửa (phòng trà nghỉ chân nghe TT ca BL, anh ngước nhìn tôi qua khói hương). Lần ấy, tôi đi theo bọn bạn, được dẫn vào một chỗ vừa như thể Purgatoire trong thế giới Dante lại vừa giống một đoạn nào trong tiểu thuyết Rabelais. Nói tóm lại, bọn tôi không thể nín cười từ đầu đến cuối. Có một cái sân, vài cái cây, tứ phía viền sân quây cót ép thành các khoang, đôi này đôi kia chui vào đó rồi đóng cửa (cũng cót ép) lại. Có thể gọi đấy là quán cà phê-chuồng lợn. Lợn còn nuôi được tại các nhà sống ở khu tập thể, cho nên vậy thì cũng hiểu được.
Nhiều năm về sau (lại nhiều năm về sau - ai ra đi rồi quên ước hẹn ngày về) tôi được rủ đến một nơi. Muốn đến phải đi xuống một cái dốc gần như thẳng đứng (tất nhiên tôi đang nói quá lên, nhưng dốc sợ thật) rộng chỉ chừng một mét tất cả, vì chỗ đó nằm tụt xuống (en contrebas) so với đường: những đê và những đê; nhưng đây là một cái bờ thì đúng hơn (giờ đông đúc, xưa heo hút). Nó (chỗ đó) ngay lập tức gợi nhớ đến quang cảnh tôi vừa tả trên đây, chuồng & lợn etc. Vì cũng khá giống, nhưng đã qua mốt cót ép nên không còn quá mức bệ rạc nữa: tinh thần thì vẫn vương, nhưng vật chất thì cải tổ. Và khác hẳn ở chỗ: vô cùng vắng - hẳn đã đến cuối kỳ (mạt kỳ) của một hình thức (ta cứ mạnh dạn gọi là hình thức sinh hoạt). Tôi không dám nói gì, nhưng liếc sang người đưa tôi đến đó, một xế trưa mát trời nhưng nắng rám như thế, xem vẻ mặt của nữ cán bộ (bởi vì đấy là một nữ cán bộ) như thế nào: nhiều lúc cũng cần phải học theo, nhất là ở những chốn quái lạ như vậy (trời vào đông chưa em). Mặt nữ cán bộ vẫn như không. Chừng như đã quen. Một thằng bé phục vụ lao đến mang đồ uống rồi lại lao đi ngay, để lại chúng tôi giữa khung cảnh xét cho cùng thì cũng nên gọi là thơ mộng. Trước khi đi khỏi, nó chốt cánh cửa khoang của chúng tôi lại sau lưng.
Nhiều năm, tôi hay đi qua một đoạn dài san sát, phía bên trên - vì đấy cũng là chỗ có địa hình như nơi được nữ cán bộ dẫn đến, thậm chí còn khá gần - những quán cà phê trông rất khả nghi. Đấy là thời người ta còn gần như chưa thể nào ra được sát mép một số cái hồ. Buổi tối, từ dưới đó vẳng lên cho người đi ngang ngượng ngùng những âm thanh của lust. Chưa bao giờ tôi vào (xuống thì đúng hơn) quán nào trong số ấy, chủ yếu cũng vì không có người đưa đường: sông Styx có ý nghĩa là nhờ nhân vật đưa đò. Nhiều năm về sau, có một người từng đến đó, biết là tôi tò mò, kể cho tôi về dãy quán ấy. Vậy thì có khi còn tốt hơn so với tự đến.
Phố đêm đèn mờ giăng giăng: giống mọi bài hát vào thời toàn dân ở đây nghe nhạc vàng băng cát xét, bài ấy cũng có phiên bản lời khác; ngay sau câu mở đầu là đến thằng bố như thằng con etc. etc. Không chỉ những bài hát thuộc loại ấy mới có lời khác, nhìn chung bài nào cũng có, kể cả "Guantanamera": cảnh tượng những thằng nhãi bố láo rống lên lời khác của bài ấy, một phiên bản đặc biệt ai oán, thì hiểu được rất nhiều về phong vị một thời (có vẻ như là giờ đây "bố láo" đã hết thịnh hành, ít nhất thì kém xa so với "bố dường"). Nhưng khoái cảm không chỉ bắt nguồn từ sự chế lời, mà còn từ đặc điểm nhiều luyến của vô số bài hát: Thành phố nào vừa đi đã mỏi, một cú luyến vào đúng một từ có dấu hỏi, thật là ai oán (Lê Thị Hồng Luyến).
Nhưng một lần, không hề phố đêm, thế mà tôi được dẫn (ở một nơi khác, chứ không phải đây) vào một quán cà phê dày đặc bươm bướm đủ màu. Nhìn quanh xong tôi quay qua người đưa tôi đến đó (không phải nữ cán bộ: ta chuyển sang nam cán bộ), thì thào hỏi, Làm gì cũng được à? câu trả lời rất rõ ràng: Làm gì cũng được, và thấy rõ là đối tượng đã sẵn sàng làm đúng như vừa nói. Sung sướng quá, ngay giữa ban ngày ban mặt mà lại như thế được, niềm sung sướng đó tôi vẫn giữ cả khi đã ra khỏi cái nơi khó đâu khác sánh nổi ấy. Cũng vì thấy sướng quá nên tôi đã không làm gì.
(tiếp tục một phố)
Prelude
ReplyDeletevà tự hỏi làm thế nào các dấu hiệu đã điều hành các cảm giác của ta :)
ReplyDeletevà hai tách cà phê bèn gây một ấn tượng "l'Inquietude" :)
ReplyDeletegọi chưa đủ, người ấy làm một tràng từ họ đến tên mới dã man chứ, cái này thì chị NL quá biết rồi
ReplyDeletevừa cười vừa buồn
tiếp tục
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDeleteHồ Lớn nước đầy, nhiều sóng, hao hao biển
ReplyDeletequá dễ, chỉ chớp mi nhẹ khỏi mặt Hồ Lớn, nhìn thẳng phía trước, tức khắc không hao hao ngay
ReplyDeletecái gì đấy cái gì đấy
ReplyDeleteai đó đang đú
Deleteorizein
ReplyDeletecó quán cà phê, phải hôm mưa lớn đường ngập thì cũng coi như "gần mặt nước" vậy.
ReplyDeletenữ cán bộ là một thuật ngữ làm anh rất cửng
ReplyDeletechết bớt đi, sắp tiếp tục (luôn)
ReplyDeletesắp với chả luôn
ReplyDeleteơ gì đấy? thật kìa, luôn thật kìa
ReplyDeleteNgồi ở đó, rất có thể bỗng có người đi qua trước mặt, đi vào bên trong (vì phải đến quầy gọi đồ) rồi lại trở ra, và khi ấy mới ngồi xuống ghế, trước mặt tôi, hoặc cũng có thể không hoàn toàn là đối diện: cái bàn hình tròn, cho nên không nhất thiết là phải ngồi trước mặt.
ReplyDeleteNhưng đúng là, tôi thích nhất những ngày thật lạnh, những ngày rét mướt thì càng tốt: như vậy thì gần như có thể chắc chắn, ngồi bên ngoài quán cà phê đó sẽ không có ai.
ReplyDeleteKo hiểu rồi sẽ có hiểu đc ko anh
ReplyDeleteem mà vô tình nhìn thấy anh, thay vì gọi anh sẽ điếc thì ta làm paparazzi haha
ReplyDelete