Feb 1, 2023

Hy tuyệt

something new


"Có phải tôi thực sự tồn tại

Và đúng là cái chết sẽ tới?"

(hai câu thơ của Mandelstam được tù nhân viết trên bức tường một trại ở Liên Xô)




Đã có thể nhìn vào một câu chuyện cũ, với nhiều rõ ràng hơn. Bốn nhân vật ấy tạo thành hai cặp: Tsvetaieva và Pasternak, Akhmatova và Mandelstam. Người vợ của Mandelstam, Nadejda, tác giả bộ sách trên đây, hết sức thân thiết với Akhmatova.

"Nadejda" nghĩa là "hy vọng". Nhưng câu chuyện mà Nadejda Mandelstam, như ai cũng có thể trông chờ từ trước, có rất nhiều tuyệt vọng.

(hy vọng như một nguyên tắc)


Hai vợ chồng Mandelstam gặp nhau lần đầu tiên vào một ngày mồng Một tháng Năm, năm 1919. Mandelstam sẽ bị bắt vào một ngày mồng Một tháng Năm khác: năm 1938. Ngày chết chính thức của Mandelstam là 27 tháng Chạp cùng năm 1938, nhưng Nadejda nghĩ không thể chắc chắn được: Nadejda gửi một thùng đồ cho chồng, nhưng nó bị gửi trả lại, với ghi chú người nhận đã chết. Đi thu thập các lời chứng, sau này, Nadejda không tìm được bất kỳ ai có mặt vào thời điểm Mandelstam chết; thậm chí, có người kể vẫn gặp Mandelstam sau đó, trên đường đi hay thậm chí đến tận Kolyma (phiên bản phổ biến hơn cả là Mandelstam chết tại một trạm trung chuyển: cuộc đời Mandelstam toàn những transit).

Năm 1934, Mandelstam đã bị bắt một lần. Bài thơ về Mandelstam đã đến tai một số người. Nhưng hai vợ chồng đã đi qua được bốn năm từ 1934 tới 1938, thậm chí còn có một quãng thời gian như ở thiên đường, tại Voronej.

Nadejda than phiền về chuyện người ta kể chuyện (n'importe quoi, whatever) về Mandelstam, cho đến cả chỗ có người bảo mắt Mandelstam xanh. Tất nhiên, một người vợ của một nhân vật mắt không xanh không thể chịu được việc có người bảo chồng mình mắt xanh. Đặc biệt, Nadejda Mandelstam hiểu sâu sắc một điều, những người thoát thân được, đi đến một chỗ khác, dường như họ nghĩ chẳng có gì ngăn cản mình nói bất kỳ cái gì. Tự do thì nguy hiểm. Cho nên có vô vàn điều về Mandelstam được những ai ra đến nước ngoài kể. Điều này rất đúng, ở trong tâm thần của những người như vậy. Một nhà văn Việt Nam từng sửng sốt khi đọc một người kể từng gặp mình ngoài phố, đi xe đạp: nhưng cả đời, nhà văn ấy không biết đi bất kỳ loại xe nào. Cũng nhà văn ấy than phiền (chi tiết này chắc chắn không ít người biết) về chuyện có một nhân vật trở về, đến nhà chơi, sau đó quay lại nơi cư trú thì cảm khái miêu tả giá sách trống trơn của nhà văn. Nhưng chẳng có gì như thế hết. Cảm khái thì hay, nhưng chẳng mấy khi đúng.


Cuốn sách (bộ sách) về nhà thơ Nga lớn nhất nửa đầu thế kỷ 20 (Mandelstam sinh vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20; vào thời điểm Cách mạng 1917 thì đã là một người hoàn toàn trưởng thành) - do người vợ viết, trong mong muốn (và cả hy vọng) giữ lại một hình ảnh chân thực và chỉnh lại các câu chuyện lệch lạc - có lời tựa được viết bởi nhà thơ Nga lớn nhất nửa sau thế kỷ 20, Brodsky.

Chi tiết kỳ quặc (kể cả trong bi kịch cũng có những cái như thế, thậm chí đến mức gây cười): khi Mandelstam bị bắt lần thứ nhất (năm 1934) thì ở nhà Mandelstam đang có một người khách, tên đúng là Brodsky (tất nhiên là một người khác). Trong lúc các nhân viên Tchéka khám soát, nhất là lục trong một cái rương đựng bản thảo, thì người kia cứ ngồi đờ ra ở đó. Rồi đến khi người đó hỏi các nhân viên một điều, thì sếp mật vụ đầy vẻ mỉa mai bảo người đó có thể về nhà. Nadejda đoán đấy là người được cử đến nhằm giữ chân hai vợ chồng, nhằm chắc chắn được là khi các nhân viên đến Mandelstam không đi đâu.

Khi cuốn sách (bộ sách) của Nadejda Mandelstam xuất hiện, Brodsky (người viết lời tựa) nói rất nhiều người vội chạy về nhà để viết lời biện minh cho mình. Quả thật, trong sách xuất hiện vô số nhân vật: cả một xã hội văn chương Nga hiện ra, dưới cái nhìn của một bà góa. Brodsky từng gặp Nadejda rồi có đến nhà Nadejda giai đoạn về sau (căn bếp của Nadejda trở thành một dạng "phòng khách văn chương" - những phòng bếp Nga). Nadejda phải đợi 15 năm, kể từ khi Mandelstam chết thì mới dễ thở một chút (nếu ai không nhớ một trong các sự kiện lớn nhất của thế kỷ 20: năm 1953 Stalin chết).


Không chỉ những người như Mandelstam, Akhmatova (and Co.) xuất hiện trong câu chuyện của Nadejda. Có vô cùng nhiều nhân vật, cho đến cả chuyện Stalin gọi điện thoại cho Pasternak (Stalin gọi điện thoại: một người khác từng được Stalin gọi điện đến nhà, nhưng đúng lúc đấy lại đi vắng; suốt một tuần sau đó nhân vật đó ở lì nhà, phát ốm để đợi nhỡ ra có cuộc điện thoại mới - nhưng đã không có).

Chẳng hạn như Ehrenbourg. Nadejda quen Ehrenbourg từ trước. Đấy chính là người, lúc Mandelstam và Nadejda vừa gặp nhau (tháng Năm năm 1919) đã gọi riêng Nadejda ra một chỗ, và hết sức lúng túng vì khó xử, tìm cách thuyết phục Nadejda đừng yêu Mandelstam.


Một trong những miêu tả của người vợ Mandelstam hướng vào Andrei Bely. Và cũng có miêu tả Isaac Bebel. Tất nhiên, đó đều là những người rất lạ thường.

Nadejda bỗng nói một điều dị thường: những ai thích Mandelstam thì không thể thích Khlebnikov được: không thể có tương thích như vậy.

Tôi muốn kiểm tra điều này, nên đi tìm tập Khlebnikov của tôi. Nhưng nó đâu mất rồi?


Đây rồi, finally:


Nhờ các miêu tả của Nadejda, ta biết được một điều quan trọng vô biên ở Mandelstam: đó là một người mấp máy môi.


Còn đây là miêu tả Brodsky, Brodsky đọc thơ: "Mũi của anh tham gia rất tích cực việc tạo ra các âm thanh, và tôi chưa từng nhận thấy điều tương tự ở bất kỳ ai trên đời: hai lỗ mũi của anh thắt lại, phồng lên, lao vào cả một bài tập thể dục, và làm cho mỗi âm tiết được đệm bằng một đối âm thuộc mũi. Đó không phải là một người đàn ông mà là một dàn nhạc gồm toàn những nhạc cụ thuộc bộ hơi, và đó cũng là một chàng trai trung hậu, người, tôi e là vậy, rồi sẽ có kết cục tệ hại. Dẫu tốt hay xấu, thì người ta cũng không thể chối việc anh là nhà thơ, và vào thời của chúng ta, thật không nên là nhà thơ, thêm nữa lại còn là người Do Thái."

Nadejda khẳng định, khi Anna Akhmatova qua đời, Brodsky là người cảm thấy mồ côi hơn cả.

Giấy tờ của Mandelstam, như ta có thể hình dung với một cuộc đời như vậy, rất khó lưu giữ, và là cả một câu chuyện. Chẳng hạn, một text mà Mandelstam viết về Scriabin, về sau này không thể tìm nổi. Cứ tưởng là đã mất, thì đến lúc Nadejda tình cờ tìm ra một cuộn giấy, chính là nó - nhưng chỉ còn khoảng một nửa. Mandelstam bảo Nadejda giữ lấy. Và Nadejda cay đắng kể, đã có kẻ nào thuổng mất trang đầu tiên của bản thảo; vốn dĩ có hai trang đầu, mang hai cái tên khác nhau cho text ấy: "Pushkin và Scriabin" và "Scriabin và Ki-tô giáo". Tờ giấy bị ăn cắp mất là "Pushkin". Và Nadejda nói thêm, nhưng chắc sau này người ta sẽ tìm ra tờ giấy đó thôi: đấy là công việc của các nhà sưu tầm.




(tiếp tục BĐLVĐL)


7 comments:

  1. “hy tuyệt” muốn dùng có phải nghĩ đến © không ạ?

    ReplyDelete
  2. trong Việt ngữ (tạm gọi thế) hy vọng có vẻ cùng “ngữ cảnh” với những hy tế, hy lễ, hy sinh. Còn hy tuyệt?

    ReplyDelete
  3. you know, "Hy Mã Lạp Sơn" for example; nhưng đúng là chưa bao giờ thấy "hy tuyệt" - chắc là lân quốc của Hy Lạp

    ReplyDelete
    Replies
    1. thế thì Hy tuyệt, một lân quốc không theo (tức là không như) một nguyên tắc (quái nào)

      Delete
  4. cứ nghĩ là ghép hy vọng và tuyệt vọng vào với nhau

    ReplyDelete
  5. thật ra là hay tuyệt thiếu a

    ReplyDelete
  6. Eh, Ehrenbourg, eliminating brilliant minds in the humanities, why care about what did not happen

    ReplyDelete