Đã 49, và như vậy thì, đã sắp 50.
Dường như chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện đó, nhưng đã đủ kỳ hạn cho một điều: sự minh bạch hóa tài liệu giai đoạn Sài Gòn.
Thư viện và cả Lưu trữ cần phải làm một số việc (mà chắc chắn không ai thực sự nghĩ tới).
Nhưng - cũng rất liên quan - còn có một việc khác: Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque Nationale de France) cần phải trả lại cho Việt Nam những gì mà họ đang có xuất phát từ công việc lưu chiểu (nạp bản, dépôt légal) - do Paul Boudet tổ chức - thời thuộc địa, cụ thể là sách và các tài liệu khác. Những gì mà nước Pháp có thông qua hoạt động của một số nhân vật như Napoléon Bonaparte, ta có thể hiểu được tại sao người Pháp cố giữ làm tài sản: những cái đó có thể trở thành đồ vật trưng bày bảo tàng, mở cửa bán vé thu tiền. Nhưng sách của thời Đông Dương thì chẳng có ý nghĩa gì đối với người Pháp (có đọc được đâu: thực tế là khi Gallica số hóa, ta thấy rõ toàn sách chưa bao giờ được đụng đến), nhưng chúng lại có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam. Một hành động như vậy (trả lại kho Đông Dương của BNF) mới đúng là một sự hợp tác. Cuộc chiến tranh do người Pháp gây ra đã khiến sách vở báo chí ở Việt Nam mất mát rất nhiều: giờ đây đã có cơ hội để người Pháp hiện nay cho thấy mình không liên quan gì đến chế độ thực dân.
Chứ không phải là giữ lấy, rồi thuê dăm ba người Việt Nam chủ trì việc khai thác (nghe như một biến thể của exploitation). Những người Việt Nam được thuê đó trình độ kém, hiểu biết đúng bằng nul, việc mà họ làm là tổ chức ra ban này hội nọ, lại gồm toàn các nhân vật cũng cùng cỡ trình độ và hiểu biết. Cuối cùng chẳng được tích sự gì.
Sự trả lại cần không được hướng vào các thiết chế nhà nước ở Việt Nam: Thư viện Quốc gia Việt Nam về cơ bản cũng chẳng để làm gì. Đã đến lúc, hoạt động thư viện-lưu trữ (sau xuất bản) cũng bắt đầu không được thuộc về nhà nước nữa.
(đã tiếp tục các post gần đây - cả loạt)
No comments:
Post a Comment