Dec 1, 2013

tình yêu thì giống măng tây

Hồi tôi hay ra rạp xem phim nhất là hồi làn sóng phim Hàn Quốc đang cực thịnh. Xem đủ loại phim (trừ Kim Di Duk hehe). Đó là sau làn sóng Iran.

Nhìn chung tôi rất không ưa cái thói cứ tóm gọn mọi thứ vào một essentiel nào đó, một cái nhìn hình như là giả tạo muốn tỏ ra mình thật sâu sắc nhìn ngay ra bản chất vấn đề. Hình như người ta luôn luôn như thế đối với các đối tượng mà mình không thực sự rành, không thể có bao giờ thực sự rành. Nhưng xem phim Hàn Quốc mãi, rốt cuộc tôi cũng đi theo xu hướng ấy, tôi coi chất weird của chúng tụ hết vào hình ảnh này mà tôi thấy trong rất nhiều bộ phim: hình ảnh một anh giai trong căn phòng bẩn thỉu, bừa bộn bựa kinh lên được, sau một bữa tiệc đêm hay sau một màn giết người, hay đơn giản là sau một quãng thời gian tự nhốt mình trong u uất, anh giai ấy mở mắt tỉnh dậy, mặt nhàu như giấy bạc bọc đồ ăn, anh ấy lừ lừ tiến tới lavabo và vạch chim tè vào đó.

Không thể hiểu rõ một nền điện ảnh nếu không biết đến văn chương đằng sau điện ảnh đó. Sự weird Hàn Quốc mà tôi từng bảo mình được "xóa mù" ở đây, dần dần bắt đầu rõ ràng hơn ở các biểu hiện. Nhìn qua nó có thể na ná Nhật Bản, nhưng dường như rất khác, có thể là khác hẳn.

Giờ đến một cuốn tiểu thuyết khác.

Lưỡi của Jo Kyung Ran, nhà văn nữ sinh năm 1969, viết về một cô đầu bếp. Nó tránh được hoàn toàn sự thi vị hóa thế giới của vị giác và khứu giác, ngửi và nếm, hương thơm và sự ngon lành. Nhân vật "tôi" hồi nhỏ được chăm sóc bởi một người bà vô cùng sành sỏi bếp núc, nhưng cuốn tiểu thuyết tránh được màn giới thiệu nhân vật quyết định theo sự nghiệp đầu bếp như một cách tiếp nối thế hệ: quyết định ấy có được sau một miêu tả huy hoàng về nhận thức và cảm giác, khi cô sinh viên hai mươi tuổi đang buồn chán ngồi trong lớp học thì bỗng một con chim trĩ bay vào gây náo loạn, con chim trĩ đó làm cô gái hiểu mình muốn làm gì trong đời.

Nó cũng tránh được con đường của Jean-Baptiste Grenouille trong Das Parfum, mặc dù cũng đặc biệt nhấn mạnh vào chức năng của mùi. Phụ nữ có thể quyến rũ người tình của mình bằng một cách thức như sau: gọt vỏ một quả táo, kẹp nó vào dưới nách rồi cho anh kia ngửi. hehe

Các nhà văn châu Á ở trình độ cao nhất luôn luôn rất giỏi chuyển cảnh, dám đặt cạnh nhau những trường đoạn mà các nhà văn phương Tây khó mà nghĩ đến. Người phương Tây biết là nên ăn foie gras với măng tây, nhưng măng tây trong mắt một nhà văn nữ châu Á chính là tình yêu: tình yêu là măng tây, và phải cắt lấy nó vào mùa xuân, trước khi nó kịp trở thành một thứ to đùng kỳ dị xấu xí không thể ăn được. Nhưng foie gras có thể gây buồn nôn khủng khiếp nếu biết ngày nay người ta nuôi ngỗng như thế nào. Còn người đàn bà đang phấn hứng thì được tác giả tả là giống như quả vả bung nở hết cỡ :p

Những miêu tả quán xá lạnh lùng, sâu sắc nhưng dửng dưng của Jo Kyung Ran, sẽ được trung hòa (vì weird quá cũng đắng hết cả miệng) với nỗi hoài cảm những quán cà phê trong văn chương của Patrick Modiano.

3 comments:

  1. Oa, biết thế nào cũng có giờ phút này nên canh suốt từ 48 tiếng nay :))

    ReplyDelete
  2. Kim Ki Duk. Cái này thì không cần approve :p

    ReplyDelete