Jun 21, 2015

Amerika. Chương năm: Khách sạn Phương Tây (1)

Đã đến chương năm. Từ đây cho tới cuối, Amerika sẽ thể hiện toàn bộ những gì trọng yếu nhất trong cái mà người ta gọi là "kafkaesque". Hành trình của Karl Roßmann đã đến chỗ không thể đảo ngược được nữa ("bước qua cánh cửa này...") Cũng từ đây, câu chuyện mang những sắc thái rất khác so với bốn chương trước.

Một lưu ý nhỏ: Kafka rất chú ý đến cầu thang máy, và những người trông coi thang máy. Đây là điểm tương đồng của Kafka với một nhà văn khác: Marcel Proust. Trong kỳ lưu trú thứ hai (và cũng là cuối cùng) của Marcel tại khách sạn Grand-Hôtel ở Balbec, những cái thang máy và những người coi thang máy có vị trí rất trọng tâm. Tôi luôn luôn cảm giác cần phải bắc được cây cầu giữa Kafka và Proust, hai con người hiểu rõ nhất thời đại của mình, tuy là theo hai hướng ngược nhau. Mặc cho mọi khác biệt bề ngoài, Kafka và Proust rất gần nhau, bắt đầu từ những chi tiết nho nhỏ như cái thang máy.

Ở đoạn dưới đây, ta thấy đặc biệt xuất hiện Therese Berchtold, một tạo tác nữa trong tập hợp những nhân vật nữ cực weird mà Kafka rất biết cách tạo ra trong cuộc đời ngắn ngủi của mình.


Chương năm: Khách sạn Phương Tây


Đến khách sạn, ngay lập tức Karl được đưa vào một văn phòng, ở đó bà bếp trưởng, tay cầm quyển sổ, đang đọc một bức thư cho cô nhân viên đánh máy chép lại. Giọng đọc vô cùng chuẩn xác của bà và những cú gõ phím nảy lên đầy dứt khoát chỉ đôi khi để cho người ta nghe tiếng tích tắc của cái đồng hồ treo tường đã chỉ mười một giờ rưỡi. “Đây rồi!” bà bếp trưởng nói, khép mạnh quyển sổ lại; cô đánh máy nhảy bật dậy và hạ cái nắp gỗ của máy chữ xuống, một cách máy móc, không rời mắt khỏi Karl. Cô ta vẫn còn dáng vẻ của một cô bé học sinh; chiếc áo bờ lu của cô ta được là rất cẩn thận, hơi rúm lại trên hai vai, tóc bới rất cao, và thật đáng kinh ngạc khi thấy rằng tuy có những đặc điểm này, cô ta lại mang một khuôn mặt hết sức nghiêm túc. Cô ta kính cẩn chào bà bếp trưởng, rồi chào Karl, sau đó bước ra xa trong khi Karl vô tình hướng về bà bếp trưởng một ánh mắt dò hỏi.

“Đây rồi! cuối cùng thì cậu cũng đã đến! Sớm sủa ghê!…” bà bếp trưởng nói. “Thế còn các bạn của cậu thì sao?”

“Tôi không dẫn họ theo,” Karl đáp.

“Chắc họ phải đi từ rất sớm,” bà bếp trưởng nói như để giải thích chuyện này.

“Không phải bà ấy nghĩ mình sẽ đi cùng họ đấy chứ?” Karl tự hỏi, vì thế anh nói để tránh mọi hiểu nhầm: “Chúng tôi đã cãi nhau và chia tay nhau.”

Vẻ như bà bếp trưởng coi câu nói này như một tin tức dễ chịu. “Tức là cậu được tự do rồi?” bà hỏi.

“Vâng, tôi được tự do rồi,” Karl nói, và với anh chẳng gì có thể nhỏ nhoi hơn thế.

“Cậu có muốn một chỗ làm trong khách sạn này không?” bà bếp trưởng hỏi.

“Rất sẵn lòng,” Karl nói, “nhưng tôi dốt khủng khiếp. Thậm chí tôi còn không biết gõ máy chữ.”

“Đó không phải điều cốt yếu,” bà bếp trưởng nói. “Thật ra chúng tôi sẽ chỉ cho cậu làm một việc rất nhỏ bé để khởi đầu thôi; sau đó cậu sẽ phải tự xoay xở để lên cấp và thăng hạng. Nhưng dẫu sao tôi tin sẽ là tốt hơn nhiều nếu cậu ổn định ở đâu đó thay vì lang thang trên đường. Có vẻ cậu không được sinh ra để làm việc ấy.”

“Đúng là lời lẽ của cậu mình đây rồi!” Karl tự nhủ, đồng thời gật đầu nhất trí. Cùng lúc, trong óc anh nảy ra ý nghĩ thậm chí mình còn chưa tự giới thiệu trước con người đã chăm lo ngần ấy cho mình. “Xin bà thứ lỗi,” anh nói, “vì tôi còn chưa tự giới thiệu, tôi tên là Karl Roßmann.”

“Cậu là người Đức, phải không?”

“Vâng,” Karl đáp, “tôi mới sang Mỹ chưa lâu.”

“Cậu từ đâu đến vậy?”

“Từ Praha, bên Bohemia,” Karl đáp.

“Xem nào!” bà bếp trưởng kêu lên bằng một thứ tiếng Đức mang nặng âm sắc tiếng Anh và gần như giơ hai tay lên. “Vậy thì chúng ta là đồng hương đấy! Tôi tên là Grete Mitzelbach và tôi từ Viên sang! Tôi biết Praha rõ như lòng bàn tay, tôi từng sống sáu tháng ở quán Con Ngỗng Vàng trên quảng trường Wenzelsplatz. Nhưng mà kìa!…”

“Lúc nào thế?” Karl hỏi.

“Cách đây nhiều năm lắm rồi.”

“Con Ngỗng Vàng hồi xưa,” Karl nói, “đã bị phá đi rồi, cách đây hai năm.”

“Đúng thế!” bà bếp trưởng nói, hoàn toàn đắm chìm vào những kỷ niệm xưa cũ.

Nhưng đột nhiên, đã tĩnh trí lại, bà nắm lấy hai tay Karl kêu lên: “Bây giờ đã biết chúng ta là đồng hương, bất kỳ giá nào cậu cũng không được đi nhé. Tôi sẽ không để cậu làm thế đâu. Cậu có muốn làm người trực cầu thang máy không? Cậu chỉ cần đồng ý thôi. Chừng nào quen thuộc hơn rồi, cậu sẽ thấy không dễ mà kiếm được những công việc như vậy đâu; chẳng có khởi đầu nào tốt hơn được nữa, cậu sẽ được giao du với mọi khách khứa, lúc nào người ta cũng nhìn thấy cậu, người ta sẽ giao cho cậu làm những việc nho nhỏ, nói tóm lại sẽ chẳng ngày nào cậu không tìm được cơ hội có điều gì đó tốt đẹp hơn xảy ra. Phần còn lại thì để tôi lo.”

“Tôi rất muốn được làm người trực cầu thang máy,” Karl nói sau một lúc im lặng. Chắc sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu lấy năm năm trung học ra mà phản đối công việc trực thang máy. Ở Mỹ, có lẽ người ta phải đỏ mặt xấu hổ vì năm năm trung học ấy. Vả lại Karl vẫn luôn luôn thích những người làm công việc trực cầu thang máy, lúc nào với anh họ cũng giống như món trang trí cho các khách sạn.

“Không đòi hỏi phải biết nhiều thứ tiếng đấy chứ?” anh hỏi thêm.

“Cậu nói tiếng Đức, và nói tiếng Anh rất giỏi, thế là rất đủ rồi.”

“Sang đến Mỹ tôi mới học tiếng Anh, trong vòng hai tháng rưỡi,” Karl nói. Anh nghĩ không được che giấu lợi thế duy nhất mà anh có.

“Thế là đủ cho cậu rồi,” bà bếp trưởng nói, “khi mà tôi nghĩ đến những khó khăn mà tôi từng cảm thấy với tiếng Anh!… Nói cho đúng thì đã ba mươi năm rồi. Cho đến hôm qua tôi vẫn nói đến chuyện đó đấy. Hôm qua là sinh nhật lần thứ năm mươi của tôi.” Và bà mỉm cười, tìm xem trên mặt Karl có xuất hiện ấn tượng mà sự đường bệ của một tuổi tác như vậy gây ra hay không.

“Tôi xin chúc bà thật nhiều hạnh phúc,” Karl nói.

“Cái đó lúc nào cũng dùng được,” bà nói và lắc lắc tay Karl rồi lại vì thế mà buồn trở lại, khi nghe câu nói cũ của đất nước mình vừa được phát ra bằng tiếng Đức.

“Nhưng sao tôi lại cứ giữ cậu lại đây mãi thế này,” sau đó bà kêu lên, “mà cậu thì chắc là mệt lắm rồi? Vả lại đây là những vấn đề mà chúng ta sẽ xử lý tốt hơn vào ban ngày. Niềm vui gặp được một người đồng hương khiến tôi đánh mất khả năng suy nghĩ đấy. Tôi sẽ dẫn cậu về phòng.”

“Tôi còn một điều muốn đề nghị với bà, thưa bà,” Karl nói khi nhìn thấy cái điện thoại trên bàn. “Có thể là ngày mai và thậm chí từ rất sớm, mấy người bạn cũ sẽ mang đến cho tôi một bức ảnh mà tôi rất cần. Bà có thể vui lòng gọi điện cho người gác cửa bảo để họ đến chỗ tôi hoặc gọi cho tôi không?”

“Chắc chắn rồi,” bà bếp trưởng đáp, “nhưng chỉ cần lấy bức ảnh thôi còn chưa đủ à? Thế đó là bức ảnh gì vậy, nếu tôi không tọc mạch quá?”

“Ảnh chụp bố mẹ tôi,” Karl nói, “không, tôi phải trực tiếp nói chuyện với họ.” Bà bếp trưởng không nói gì thêm và gọi điện cho người gác cửa để truyền lệnh, việc này khiến Karl biết được rằng phòng của mình sẽ là phòng số 536.

Họ đi ra bằng một cánh cửa đối diện với lối vào và tới một hành lang nhỏ nơi một thanh niên đang trực đứng dựa vào lưới sắt cầu thang máy mà ngủ.

“Chúng ta tự phục vụ vậy,” bà bếp trưởng hạ giọng nói, đưa Karl vào thang máy.

“Làm việc từ mười đến mười hai tiếng một ngày, như thế là hơi quá nặng nhọc đối với một chàng trai ở tuổi này,” bà nói thêm trong lúc họ đi lên.

“Nhưng đây là một điều đặc Mỹ đấy. Chẳng hạn như cậu bé kia, cậu ta là người Ý, mới cùng bố mẹ sang đây được mười tháng. Giờ thì có thể nói rằng cậu ta sẽ không thể chịu đựng công việc được nữa, má cậu ta hóp hẳn lại và lăn ra ngủ trong giờ làm, mặc dù bản chất cậu ta là một người rất xăng xái; nhưng chỉ cần cho cậu ta làm việc ở đây thêm sáu tháng nữa, hoặc bất kỳ đâu trên đất Mỹ, thế là cậu ta sẽ chịu đựng được mọi thứ một cách dễ dàng. Năm năm nữa thôi, cậu ta sẽ trở thành một người mạnh mẽ. Những ví dụ như thế, tôi có thể kể cho cậu cả đống. Vả lại tôi không nghĩ đến cậu khi kể những chuyện ấy, bởi vì cậu là một thanh niên cứng cáp. Cậu mười bảy tuổi, phải không?”

“Tháng tới đây tôi sẽ tròn mười sáu,” Karl đáp.

“Mới mười sáu!” bà bếp trưởng nói, “nhưng thế thì tuyệt quá rồi. Can đảm lên nhé.”

Lên đến trên, bà dẫn Karl vào một căn phòng áp mái có vách nghiêng nhưng, trong ánh sáng của hai ngọn đèn công suất mạnh, trông rất tiện nghi.

“Đừng hoảng sợ vì cách bố trí này”, bà bếp trưởng nói, “đây không phải là phòng cho lữ khách, mà là một phòng trong căn hộ của tôi, tổng cộng có ba phòng, thế nên cậu sẽ không hề làm phiền tôi. Tôi chỉ cần đóng cánh cửa thông này lại là cậu sẽ được cách biệt hoàn toàn. Ngày mai, với tư cách nhân viên, tất nhiên cậu cũng sẽ có một chỗ nho nhỏ cho riêng mình. Nếu cậu đến cùng các bạn thì tôi đã cho cậu ngủ ở phòng chung của nhân viên rồi, nhưng vì cậu chỉ có một mình nên tôi nghĩ cậu ở đây thì tốt hơn mặc dù cậu chỉ thấy có một cái sofa để ngủ. Còn bây giờ, ngủ ngon nhé, hãy lấy sức để còn làm việc. Vả lại mai vẫn còn chưa có gì là khủng khiếp đâu.”

“Tôi xin cám ơn bà nghìn lần vì đã rất tốt bụng với tôi.”

“Hượm đã,” bà nói lúc bước ra, “ở đây cậu sẽ được đánh thức rất mau chóng.” Rồi, tiến về một cánh cửa ngang, bà gõ và kêu lên: “Therese!”

“Vâng, thưa bà bếp trưởng,” vang lên giọng nói của cô nhân viên đánh máy nhỏ bé.

“Sáng mai khi nào đến đánh thức tôi thì cô nhớ đi qua hành lang nhé, ở đây tôi có một người khách đang ngủ đấy. Anh ta đang rất mệt.” Và, nói đoạn, bà mỉm cười với Karl: “Cậu có hiểu không?”

“Có, thưa bà bếp trưởng.”

“Vậy thì, chúc ngủ ngon.”

“Chúc ngủ ngon.”

“Đã nhiều năm rồi,” bà bếp trưởng giải thích, “tôi kém ngủ một cách tệ hại. Giờ thì công việc của tôi làm tôi hài lòng, tôi chẳng còn cần tự hành hạ mình nữa: chắc là những mối lo cũ khiến tôi bị mất ngủ. Ngủ được vào lúc ba giờ sáng đã là may mắn lắm rồi. Nhưng vì tôi phải đi làm vào lúc năm giờ, hoặc muộn nhất là năm giờ rưỡi, nên tôi buộc phải có người đánh thức dậy, và phải làm việc ấy cẩn thận hết mức để không làm cho tôi bị căng thẳng hơn. Thế nên Therese đánh thức tôi. Nhưng tôi nghĩ lúc này cậu không còn gì cần biết nữa đâu, thế mà tôi cứ nấn ná mãi trong phòng thế này. Chúc cậu ngủ ngon!” Và mặc cho trọng lượng của mình, như thể bà lướt đi khỏi đó.

Karl rất muốn ngủ bởi vì ngày hôm nay của anh thật nặng nề. Cho giấc ngủ thật dài mà anh tự hứa với mình, hẳn anh không thể tìm được nơi nào tiện nghi hơn được nữa. Nói đúng ra, đây không hẳn là một phòng ngủ, mà là một phòng khách nhỏ hoặc một phòng tiếp khách của bà bếp trưởng; thậm chí người ta đã kê vào đây một cái bàn đặc biệt để anh có thể vệ sinh thân thể, và tuy thế anh không hề cảm thấy mình giống một kẻ lén lút xâm nhập, mà ngược lại anh còn thấy như thế là mình được chăm sóc trìu mến hơn. Cái hòm của anh rất ổn, đã lâu rồi nó chưa tìm được một chỗ nào chắc chắn như thế này. Có một cái tủ nhiều ngăn phủ đăng ten len rộng lỗ, phía trên là nhiều bức ảnh lồng khung kính, trong lúc xem xét căn phòng, Karl dừng lại ở đây để nhìn chúng. Phần lớn là những bức ảnh cũ chụp những cô gái trẻ vận những thứ trang phục cổ lỗ sĩ và phiền nhiễu; họ đội những chiếc mũ nhỏ đặt nghiêng nghiêng trên đầu và nhô lên rất cao; họ đặt bàn tay phải lên một cái ô và quay đầu nhìn về phía người ngắm ảnh, tuy nhiên cách nào đó vẫn như né tránh ánh mắt của người khác. Trong số những bức chân dung đàn ông, bức gây ấn tượng mạnh nhất lên Karl là ảnh một người lính trẻ đặt cái mũ kê pi lên bàn và đứng đó, thẳng đuỗn, dưới một rừng tóc đen, cố nén một nụ cười kiêu hãnh. Những cái khuy trên bộ quân phục của anh ta được tô vàng sau đó trên ảnh. Hẳn tất cả những bức ảnh này đều được chụp ở châu Âu, ta có thể chắc chắn vào điều đó nếu đọc đằng sau những bức ảnh, nhưng Karl không muốn động vào chúng. Anh những muốn, trong căn phòng tương lai của mình, có hình ảnh bố mẹ anh trưng bày như những bức ảnh này.

Sau khi rửa ráy thật cẩn thận cả người, công việc mà anh gắng sức làm sao cho càng trật tự càng tốt để không đánh thức người hàng xóm, anh nằm duỗi người trên sofa và nhấm nháp vị của giấc ngủ đang tới dần thì chợt nghe thấy có tiếng gõ cửa rất nhẹ: cửa nào nhỉ? tức thời anh không thể biết rõ. Cũng có thể đó chỉ là một tiếng động bất kỳ; vả lại nó không lặp lại ngay lập tức và Karl đã gần như thiếp đi thì tiếng động lại vang lên. Lần này thì không có gì để nghi ngờ nữa, có người gõ cửa, và đó là cánh cửa phòng cô nhân viên đánh máy. Karl rón rén đi ra và hỏi, nhỏ đến mức anh sẽ chẳng thể nào đánh thức được người hàng xóm ngay cả khi bà đã ngủ: “Cô muốn gì?”

Câu trả lời xuất hiện ngay, cũng thì thào như thế: “Anh có thể mở cửa ra không? Chìa khóa ở bên phía anh.”

“Được thôi,” Karl nói, “nhưng đợi tôi mặc quần áo đã nhé.” Một lúc trôi qua, rồi giọng kia nói: “Thôi không cần đâu. Mở cửa ra rồi nằm lên giường, tôi sẽ đợi một lúc.”

“Được,” Karl nói và làm theo lời, chỉ trừ mỗi việc là anh đã bấm nút để bật đèn lên.

“Tôi ở trên giường rồi,” anh nói thêm, to giọng hơn một chút. Cô nhân viên đánh máy đã hiện ra từ bóng tối phòng mình, vẫn ăn mặc như lúc ở văn phòng; chắc suốt quãng thời gian ấy cô đã không nghĩ đến việc lên giường ngủ.


4 comments:

  1. My brother recommended I might like this website. He was entirely right.

    This post actually made my day. You can not
    imagine just how much time I had spent for this information! Thanks!

    ReplyDelete
  2. đọc miết xong hết chương 5 thì lại phải tìm một bản dịch khác cho các chương cuối :(

    ReplyDelete
  3. đành vậy thôi, phải vậy thôi, es musst sein, es ist Zeit

    đọc bản của vợ chồng Muir í

    ReplyDelete