Jun 10, 2015

Vàng và máu: một vị trí

Định mệnh trớ trêu, tôi lại trở thành người chiêu tuyết cho văn xuôi Thế Lữ.

Trong thơ, Thế Lữ như thế nào? Ta hãy nhớ rằng bài "Nhớ rừng" mà ta biết ngày nay, một kiệt tác không thể chối cãi, đã được sửa hoàn toàn: "Nhớ rừng" trong Mấy vần thơ 1941 không phải "Nhớ rừng" của Mấy vần thơ 1935. Thế Lữ đã sửa nó, hay ai đó sửa hộ? Theo tôi đây mới là một nghi án lớn.

Trong thơ, ta còn nên nhìn vào "Cây đàn muôn điệu", bài thơ tuyên ngôn của thơ Thế Lữ. Cứ đọc nó thật kỹ, toàn hình ảnh sáo mòn, vớ vẩn vô cùng. Tất cả những điều đó, Xuân Diệu, ở đỉnh cao thiên tài của mình, chỉ cần đến bốn câu thơ, bốn câu thơ đích thực, đầy chất siêu vượt, nhất là vượt cực xa thơ của Thế Lữ:

Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ
Mà vạn vật là muôn đá nam châm
Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm
Sao lại trách người thơ tình lơi lả



Vàng và máu: một vị trí

Chúng ta đang ở vào năm 1934, một năm hết sức đặc biệt của Tự Lực văn đoàn và của Thế Lữ.

Tờ Phong hóa đang trên đà phát triển vũ bão, và ta thấy rằng đà tiến ấy là không thể ngăn cản được nữa: Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, sau ba năm “như Tây du học” về nước, trở nên thân thiết với Khái Hưng Trần Khánh Giư dạy cùng tại trường tư thục Thăng Long, và ở Hà Nội, thử nghiệm thất bại với tờ Tiếng cười vừa xong, Nhất Linh tiếp quản tờ Phong hóa đã ra đến số 13 dưới sự điều hành của Phạm Hữu Ninh (cũng là một nhân vật của trường Thăng Long) và có sự cộng tác chặt chẽ của Khái Hưng. Từ số 14 (năm 1932) trở đi, tờ Phong hóa, mà linh hồn lúc này là Nhất Linh, với Khái Hưng bên cạnh, đã nhanh chóng khẳng định vị trí số một trong giới báo chí văn chương Việt Nam.

Năm 1932 không chỉ có tờ Phong hóa khởi động. Đây cũng chính là năm hai tờ tạp chí rất quan trọng ra số 1: Văn học tạp chí của anh em nhà họ Dương (Dương Bá Trạc, Dương Tụ Quán, Dương Tự Nguyên…) và tờ Đông Thanh tạp chí của Ngô Tử Hạ. Giới nhà nho vẫn muốn chứng tỏ sức mạnh của mình, và quả thật họ cũng có làm được điều đó, nhất là giúp tạo ra những nhân vật mới, mà trường hợp tiêu biểu là Lê Tràng Kiều, một nhà báo sau này sẽ hết sức quan trọng. Cùng quãng thời gian ấy, Phụ nữ tân văn trong Sài Gòn với hạt nhân Phan Khôi, Đào Trinh Nhất vẫn còn có thế lực dư luận rất đáng nể.

Nhưng Phong hóa thực sự mới mẻ, thực sự mạnh mẽ, và đã lấn lướt tất cả. Năm 1934, năm mà cuốn sách Vàng và máu xuất hiện, cũng chính là năm Tự Lực văn đoàn chính thức được thành lập, có tuyên bố một cách công khai. Cùng năm 1934 này, Tự Lực văn đoàn bắt đầu có những tác phẩm về sau sẽ chứng tỏ khả năng tồn tại lâu dài và ý nghĩa khai phá vô cùng to lớn. Dấu ấn sớm nhất của Tự Lực văn đoàn xuất hiện vào năm 1933: cuốn tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng. Năm 1934, An Nam xuất bản cục (ở thời điểm này, ta chưa thể nhắc đến danh xưng “nhà xuất bản Đời nay”) hào hứng với các ấn phẩm của ba nhân vật quan trọng nhất thời kỳ đầu của Tự Lực văn đoàn: Nhất Linh, Khái Hưng và Thế Lữ. Tất cả đều là văn xuôi.

Sau này, người ta ít nhớ rằng Vàng và máu được xuất bản cùng năm với Nửa chừng xuân (Khái Hưng) và Anh phải sống (tập truyện ngắn của Nhất Linh và Khái Hưng) rồi ngay sau đó là Đoạn tuyệt (Nhất Linh). Và, tất nhiên, ít người chịu nhìn nhận một cách thấu đáo vị trí của Vàng và máu, một vị trí cần được xem xét ở hai khía cạnh.

Thứ nhất là vị trí của Vàng và máu đối với bản thân Thế Lữ. Thế Lữ Nguyễn Thứ Lễ cùng thế hệ với Nhất Linh và Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, tức là cái thế hệ muộn tuổi hơn Khái Hưng, vốn dĩ sinh trước khoảng chục năm, vào khoảng kết thúc của thế kỷ 19. Khái Hưng trước giai đoạn Phong hóa đã lịch duyệt trên văn giới; thoạt tiên Khái Hưng nghĩ mình sẽ trở thành một cây bút chính luận, nhưng Tự Lực văn đoàn, nhất là Nhất Linh, đã khuyến khích ông trở thành nhà văn, và vậy là lịch sử văn chương Việt Nam sẽ có một nhà văn rất lớn, mà khởi đầu là cuốn tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên; cho đến cuốn tiểu thuyết cuối cùng, Băn khoăn (tên ban đầu là Thanh Đức) xuất bản chừng mười năm sau Hồn bướm mơ tiên (đấy là còn chưa kể rất nhiều truyện ngắn xuất sắc, vài vở kịch rất khá, cả đến bài thơ “Tình tuyệt vọng” dịch Félix Arvers vang bóng), Khái Hưng chính là nhà văn được hâm mộ nhất, đặc biệt được giới thanh niên Việt Nam say mê.

Ở phương diện biến chuyển này, Thế Lữ rất giống Khái Hưng. Khái Hưng thì trở thành tiểu thuyết gia thay vì một nhà tư tưởng, còn Thế Lữ lẽ ra đã là nhà thơ thì lại thành một nhà văn viết văn xuôi. Thật ra, việc Thế Lữ ngừng làm thơ để chuyên viết văn xuôi mang một ý nghĩa rất lớn, cho bản thân Thế Lữ và cho Tự Lực văn đoàn. Giờ đây đọc lại tập Mấy vần thơ (in lần đầu năm 1935, nghĩa là chỉ một năm sau Vàng và máu, và đặc biệt quan trọng ở lần tái bản năm 1941, nhất là với những chỉnh sửa đầy tài năng để biến bài thơ “Nhớ rừng” trở thành một kiệt tác), có thể bắt đầu thấy tương đối rõ thơ ca là lựa chọn sai lầm của Thế Lữ: ông chính là con người của văn xuôi đích thực, văn xuôi mới là mảnh đất của ông; Thơ Mới chỉ cần đến Thế Lữ ở bước đầu sơ khởi mà thôi. Hơn thế nữa, Thế Lữ của hồi 1934 đã giúp Nhất Linh và Khái Hưng tạo nên thế chân kiềng vững chắc cho văn xuôi của Tự Lực văn đoàn thuở ban đầu, mảng văn xuôi đáng nhớ mà không lâu sau đó sẽ có thêm sự góp mặt xuất sắc của Hoàng Đạo. Nhìn vào cuộc đời Thế Lữ một cách tổng thể, con người ngày nay hẳn phải rất kinh ngạc vì bước chuyển từ thơ sang văn xuôi không phải lần “chuyển hóa” duy nhất của Thế Lữ: chỉ đến cuối thập niên 30 của thế kỷ 20, Thế Lữ đã dần chuyển sang địa hạt kịch, và ông sẽ trở thành vị chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vào năm 1957, cái năm hình thành các hội đoàn quan trọng nhất của nền nghệ thuật miền Bắc Việt Nam (cũng là năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam), và giữ chức vụ này trong suốt hai mươi năm. Thế Lữ là một con người rất đáng kinh ngạc. Nhất là trong văn xuôi.

Vàng và máu in vào năm 1934 là tác phẩm khiến Thế Lữ tự tin vào tài viết văn xuôi của mình. Không lâu sau đó, năm 1936, Thế Lữ sẽ cho xuất bản tập truyện ngắn Bên đường thiên lôi; đây là một kiệt tác đích thực của văn chương Việt Nam, khi mà những gì là “mầm mống” ở Vàng và máu được phát triển lên theo một đường lối kiệt xuất, như trong “Một chuyện trên tầu thủy”, “Một chuyện ngoại tình”, “Hai lần chết” hay thiên truyện rất gần với phong vị của Vàng và máu: “Cái đầu lâu”. Lúc nào trong văn xuôi Thế Lữ cũng thể hiện được một cái nhìn vô cùng đặc biệt - có thể nói là kỳ dị và tinh quái - rất hiếm thấy trong lịch sử văn chương Việt Nam.

Giờ đây ta đã có thể đi vào khía cạnh thứ hai khi suy nghĩ về vị trí của tập truyện Vàng và máu. Trước hết, với bất kỳ ai đọc kỹ văn xuôi của Thế Lữ, Vàng và máu là một khẳng định cho lựa chọn rất riêng, ở mảng “truyện kinh dị”. Thế Lữ viết truyện ma quái, nhưng không chỉ có thế, những truyện trinh thám của Thế Lữ với nhân vật “Lê Phong phóng viên” hết sức xuất sắc, mà nổi bật là Những nét chữGói thuốc lá; thế giới trinh thám của Thế Lữ gần như sao phỏng toàn bộ Conan Doyle với Lê Phong là Sherlock Holmes và Văn Bình là bác sĩ Watson, nhưng có những ý vị riêng không thể nhầm lẫn. Sau này, ở Việt Nam đã có thêm không ít nhà văn viết truyện trinh thám, nhưng dường như chưa có một ai vượt được Thế Lữ.

Nhưng lựa chọn này lại khiến bộ môn văn học sử không mấy hiểu Thế Lữ: tuy ông cùng có tác phẩm đáng kể vào năm 1934 như Khái Hưng hay Nhất Linh, nhưng rất thường xuyên, người ta kể thành tựu ban đầu của Tự Lực văn đoàn là Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuânĐoạn tuyệt (thêm một ít Anh phải sống). Giờ đây, đã đến lúc có thể nhìn nhận lại công bằng hơn: ba chân kiềng Khái Hưng-Nhất Linh-Thế Lữ hồi ấy đã làm cho Tự Lực văn đoàn thực sự đứng vững được về giá trị văn chương, và sự vững chắc đầy tính chất bùng nổ ấy, rất nghịch lý, dựa rất nhiều vào lựa chọn của Thế Lữ khi viết bốn câu chuyện trong Vàng và máu.

Bởi vì, Nhất Linh, với nổi trội tinh thần cách mạng triệt để, phải viết những tiểu thuyết như Đoạn tuyệt hay Lạnh lùng, còn Khái Hưng, với sự dày dạn từng trải và một tính cách ôn hòa, mềm mại, như thể nằm ở lưng chừng giữa cũ và mới, điều mà ta thấy rõ ở Nửa chừng xuân và nhất là Hồn bướm mơ tiên. Cũng không lâu sau năm 1934 này còn xuất hiện một tác phẩm nữa của Khái Hưng: cuốn tiểu thuyết lịch sử Tiêu sơn tráng sĩ, dấu vết không thể rõ ràng hơn cho sự ngoái nhìn và ý hướng neo đậu của Khái Hưng vào lịch sử (và do đó, truyền thống); Tiêu sơn tráng sĩ sẽ không được hậu thế dành nhiều quan tâm, nhưng thật ra nó có ý nghĩa rất lớn, nó tạo ra sự cân bằng trong cái nhìn của Khái Hưng, bên dưới những tác phẩm văn chương vô cùng êm ả ấy. Ở riêng điểm này, Thế Lữ đặc biệt gần với Khái Hưng.

Nhưng Thế Lữ đẩy mọi thứ đi xa hơn nhiều. Nhất Linh tiến thẳng về phía trước, Khái Hưng ở đoạn giữa, còn Thế Lữ là một cuộc giao hảo đầy ngoạn mục giữa lứa nhà văn sinh đầu thế kỷ 20 và truyền thống nhiều thế kỷ. Viết lời tựa cho Vàng và máu (mà ta đọc được trong ấn bản lần này), Khái Hưng đã không hề nhầm lẫn: Thế Lữ đã đưa cả một quá khứ đậm hương vị Bồ Tùng Linh đến với hồi đầu thập niên 30 ở Việt Nam. Nhưng còn hơn thế nhiều: nếu trong thơ, Tản Đà là gạch nối giữa hiện tại và quá khứ (nên ông đương nhiên có vị trí thứ nhất trong Thi nhân Việt Nam: đây là sự thấu hiểu kỳ tài nhất của Hoài Thanh), thì ở văn xuôi, Thế Lữ nối truyền thống truyền kỳ Việt Nam vào với văn xuôi hiện đại. Ta không thể tưởng tượng được một nền văn chương đích thực hiện đại lại tách rời hoàn toàn khỏi quá khứ. Bởi thế vị trí của Thế Lữ cùng Vàng và máu chính là cái trung điểm vô hình nhưng tuyệt đối ý nghĩa này.

Cả bốn truyện trong tập Vàng và máu đều làm toát ra điều đó: “Vàng và máu” thì đã quá rõ ràng, nhưng ba truyện còn lại cũng rất đáng lưu ý. “Một đêm giăng” như báo trước cho cả một loạt “truyện đường rừng” sẽ ghi dấu ấn không phai mờ lên “văn chương tiền chiến”; “Con châu chấu tre”, mặc cho toàn bộ vẻ đơn giản và ngây thơ của nó, cắm rễ vào khung cảnh ma quái của nông thôn Việt Nam (sau này, Thế Lữ còn một truyện ngắn nữa cùng dạng, còn xuất sắc hơn nhiều, đó là truyện “Một người say rượu” trong tập Bên đường thiên lôi, lần này thì không phải một con châu chấu nữa, mà Thế Lữ dựng nên hình ảnh một con trâu đáng kinh hãi và không kém phần ma quái đuổi theo nhân vật chính, ông lý Thập). Truyện ngắn cuối tập, “Ma xuống thang gác”, rất ít được để ý, nhưng đó chính là lần Thế Lữ khám phá thế giới ma tại các ngôi nhà thành phố. Thế Lữ hết sức có ý thức trong cuộc khám phá “thế giới khác” của mình; trong mấy năm viết văn xuôi, ông đã thám hiểm rất nhiều ngóc ngách đặc biệt, ông đã làm mới mẻ hóa cả một truyền thống truyền kỳ Việt Nam, cái truyền thống đáng kể nhất của văn xuôi trong lịch sử văn chương trung đại. Bằng cách riêng của mình, được thúc đẩy bởi đà hứng khởi của một Tự Lực văn đoàn tươi trẻ đầy sức sống, Thế Lữ đã mang trả về vị trí xứng đáng tinh thần của những Lĩnh nam chích quái, Việt điện u linh hay Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả.

Con đường này, Thế Lữ còn tiếp tục một thời gian nữa. Trại Bồ Tùng Linh (1941) sẽ là lần nhà văn tuyệt diệu nhưng rất ít được hiểu ấy “trình bày” rất rõ, ông đã “ôm” trong mình một truyền thống huyền ảo như thế nào, và Trại Bồ Tùng Linh cũng sẽ khẳng định điều mà Khái Hưng đã nhìn thấy ngay từ đầu ở văn chương của Thế Lữ, như ông thể hiện trong lời tựa rất ngắn gọn và giản dị cho Vàng và máu.

-----------

Phụ lục: lời tựa của Khái Hưng cho tập Vàng và máu, An Nam xuất bản cục, 1934:


Tựa

Thuở nhỏ tôi theo học chữ nho. Thầy đồ tôi là một người yêu văn, nhất là yêu tiểu thuyết. Tối đến, khi bọn trò chúng tôi đã học thuộc bài, thầy lại đem các truyện tàu ra đọc và dịch sang quốc âm cho chúng tôi nghe.

Trong những truyện ấy, tôi thích nhất truyện Liễu trai. Thầy dịch bằng một lối văn vừa giản dị, vừa có thi vị, thỉnh thoảng lại chêm một câu bình phẩm khôi hài, khiến chúng tôi cười rộ, và khiến tôi, tuy thời ấy mới chín, mười tuổi, mà nghe những truyện thần tiên ma quỷ không chút sợ hãi. Tôi chỉ mơ màng yêu mến những nhân vật trong truyện. Tôi yên trí rằng yêu tinh là linh hồn hiện thành hình người để làm những điều thiện, để trị tội những kẻ ác, để trả ân trả oán trong nhân gian.

Mười mấy năm sau, quay học lại chữ nho, và đem bộ Liễu trai ra xem, tôi tuy không có những cảm giác ngây thơ thuở nhỏ, mà những thi hứng, những thi tứ, tôi vẫn cảm thấy đầy rẫy trong câu văn hay.

Song có một điều, tôi không được ưng ý, là lối kể chuyện của văn sĩ họ Bồ có phần dễ dãi quá: tác giả chỉ đem trí tưởng tượng ra mà bịa đặt, có khi không cần hợp lý chút nào. Cái đó, có lẽ ta cũng không nên trách tác giả: tác giả chỉ là một thi sĩ. Vả những câu chuyện đầy mộng mị, đầy ảo thuật kia chỉ để cho những thi liệu phong phú của tác giả có chỗ mà phô diễn ra được.

Tôi vẫn mong mỏi sẽ có nhà văn dung hợp được văn Thái Tây với văn Á Đông, để gây một lối văn viết theo óc khoa học mà vẫn giữ được thi vị của văn tàu.

Nhà văn đó ngay nay đã có: chính là bạn Nguyễn Thế Lữ, thi sĩ trong Tự Lực Văn Đoàn.

Thực vậy, tác giả những truyện VÀNG VÀ MÁU và MỘT ĐÊM GIĂNG đã tỏ ra có bộ óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh, hai nhà viết những truyện ghê gớm hay huyền hoặc, làm cho độc giả yếu bóng vía phải rùng mình lúc đêm khuya.

Ấy cũng nhờ có thi vị mà truyện Vàng và Máu không ghê gớm tuy vẫn làm cho ta phải rùng mình. Và nhờ có óc khoa học mà tác giả khiến truyện Vàng và Máu không huyền hoặc chút nào, tuy đọc nhiều đoạn ta vẫn có cái cảm giác như sống trong một thế giới thần tiên, ma quỷ.

Truyện chỉ là một truyện để vàng của người Tàu, xưa nay các cụ già thường kể cho ta nghe. Nhưng truyện Vàng và Máu gần sự thực biết bao. Trong truyện không sự gì xảy ra mà không hợp lẽ, không một cái kết quả nào là không có nguyên nhân chắc chắn vững vàng.

Tác giả lại khéo đặt cốt truyện vào giữa một nơi rừng rú sâu thẳm. Đọc truyện, ta tưởng tượng như đứng trước một cảnh vĩ đại, thâm u. Là vì những cảnh tả trong truyện toàn là những cảnh trong đó tác giả đã sống một quãng đời niên thiếu - tôi muốn nói tỉnh Lạng Sơn, nơi sinh quán của Thế Lữ.

Xin trích vài đoạn:

“Nước suối xanh đặc như rêu thẫm, đang lừ lừ đi vào một cái hốc tối dưới mấy cụm cây lá xòe ra và phủ xuống như cánh tàn…

“Gió bấc thổi bên tai vù vù từng trận. Trước mấy rặng rừng hay trước những khóm cây nặng nề ướt át, những làn mưa bụi trắng từng lớp bay qua…

Bấy giờ vào khoảng cuối giờ thân (4 giờ chiều), mưa đã gần tạnh hẳn. Bao nhiêu rừng núi đằng xa đều tan thành hơi trong đám sương dày trắng đục. Chân trời một mầu xám như bạc cũ, làm nổi bật những bụi rậm ở gần lên.”

Không là một nhà mỹ thuật kiêm thi sĩ thì không thể tả được những cảnh hệt sự thực và đầy thi vị đến như thế.

KHÁI HƯNG
20 Janvier 1934


2 comments:

  1. Công nhận yêu nhilinh ghê:) Anh làm việc quá khoa học luôn! Em kg phải dân chuyên văn, nên chỉ biết Thế Lữ nhà thơ & chỉ biết mỗi Nhớ rừng :") trg sách GK Văn12. Vậy mà nhờ anh viết, em mới bổ sung được những lỗ hổng về tác giả, về cách viết, & tác phẩm của họ. Cảm ơn anh nhiều!

    ReplyDelete
  2. Hôm bữa về nhà thăm ba má em sắp xếp lại sách vở mua rải rác hồi phổ thông em thấy có Bên đường thiên lôi, hồi xưa mua mà để đó không đọc, chắc mọi thứ đều có phải có thời điểm

    ReplyDelete