Đi tìm thời gian đã mất không chỉ là một Đi tìm thời gian đã mất, mà có rất nhiều Đi tìm thời gian đã mất. Đó là bộ tiểu thuyết xứng đáng nhất để đọc thật nhiều lần. Đúng như nhà văn phát xít Robert Brasillach đã làm (xem thêm ở đây), tức là lâu lâu đọc lại toàn bộ Đi tìm thời gian đã mất, tôi lại mới đọc lại thêm một lần nữa bảy tập sách ấy: văn chương Marcel Proust còn huyền diệu thêm nhiều sau mỗi lần đọc lại.
Ta sẽ nói một cách thật tổng quát về bộ sách, mặc dù việc này không dễ. Cấu trúc của Đi tìm thời gian đã mất cụ thể như thế nào? Nói đúng hơn, cấu trúc của La Recherche đã được Proust tạo ra như thế nào?
Huyền thoại của lịch sử văn chương hay nói rằng Proust viết "Combray" (phần mở đầu của tập Bên phía nhà Swann) đầu tiên, rồi ngay sau đó viết đoạn cuối, tức là phần cuối của tập bảy, Thời gian tìm thấy lại; chính Proust là người nói điều này. Trong cuốn sách về Marcel Proust, Proust entre deux siècles (Proust giữa hai thế kỷ), Antoine Compagnon phân tích: điều Proust nói vừa đúng vừa sai.
Ở thời điểm ban đầu, Marcel Proust có một hình dung hoàn toàn khác về La Recherche, nhất là cái kết. Ta biết rằng La Recherche có một tiền thân, là Contre Sainte-Beuve (thật ra đây là một cuốn sách huyền hoặc, mang rất nhiều yếu tố tiên tri, tuy rằng hình thức của nó rất lỡ cỡ, chẳng hề có gì rõ ràng, và đó lại còn không hoàn toàn là một tác phẩm hư cấu; nó là một loạt tiểu luận không hoàn chỉnh mà Proust viết như trong những cơn lên đồng), và cái kết ban đầu mà Proust dự tính sẽ giống như những gì đã trình bày trong Chống Sainte-Beuve. Bộ sách hoàn chỉnh rất khác, chính vì vậy mà Compagnon rất hay nhấn mạnh vào sự kiện Proust đã tạo ra một thứ hoàn toàn không ăn khớp với dự đồ (xem thêm ở đây).
Ở thời điểm trước chiến tranh (Thế chiến thứ nhất), Proust nghĩ mình sẽ viết một bộ sách gồm ba tập, tức là Bên phía nhà Swann, Phía Guermantes và Thời gian tìm thấy lại. Chúng ta thật đen đủi: lẽ ra chúng ta đã có một bộ sách tương đối nhỏ gọn, và có tính chất triết học cao độ (ta có thể nghĩ Đi tìm thời gian đã mất là lời chỉ trích của Marcel Proust hướng vào sự vinh danh trí tuệ ở Sainte-Beuve; chỉ cần vậy thôi, bộ sách đã đủ "nghĩa" lắm rồi).
Xảy đến một sự kiện: Alfred Agostinelli, hành nghề tài xế, mà Proust làm quen ở Cabourg vào năm 1907 và đến 1913 thì cho làm thư ký riêng của mình, mục đích là gõ máy chữ lại mấy tập sau của La Recherche, cuối năm 1913 bỗng bỏ đi và lăn ra chết vào tháng Năm 1914. Ta cần biết rằng trong Sodome và Gomorrhe, tức là tập bốn, tập chính giữa, tập trung tâm, trong kỳ lưu trú thứ hai của Marcel tại Balbec, cũng xuất hiện một nhân vật tài xế, được Marcel thuê từ Paris để lái xe chở Marcel cùng Albertine đi chơi, một nhân vật phụ rất kỳ quặc. Agostinelli bỏ mạng khi học lái máy bay (dưới tên giả Marcel Swann - tên giả hay nhỉ). Ngay lập tức sau đó, Proust, như nhận được một cảm hứng to lớn, viết một mạch tập Albertine biến mất.
Từ đây, Đi tìm thời gian đã mất bắt đầu có cấu trúc mà ta biết hiện nay: thay vì chỉ có một "mạch", là tiểu thuyết triết học, thì giờ đây nó đã có hai: mạch triết lý và mạch tình yêu. Giới nghiên cứu gọi mạch thứ hai này là "cuốn tiểu thuyết về Albertine". Proust bắt tay viết Cô gái bị cầm tù, sửa chữa lại nhiều phần trước đó, để "nhét" Albertine vào những vị trí quan trọng hơn, chuẩn bị cho các phần kế tiếp.
Marcel Proust, cuối cùng, chỉ cần viết Sodome và Gomorrhe, cuốn tiểu thuyết về đồng tính nam và đồng tính nữ, là hoàn thành Đi tìm thời gian đã mất.
Chỉ cần lược lại một cách đơn giản như vậy thôi là đã thấy một bộ sách lớn chỉ có thể ra đời sau rất nhiều sửa chữa, thay đổi, thêm thắt. Cũng bởi vậy mà nó rất chênh vênh: Đi tìm thời gian đã mất không hề hoàn hảo trên rất nhiều phương diện. Nhưng nó rất lớn, có thể vì không hoàn chỉnh, không hoàn hảo, nên nó mới lớn.
Ta cũng đừng quá lo lắng: Pierre Bayard, trong cuốn sách của mình (xem thêm ở đây), ngay từ đầu đã nói rằng, vì mình làm việc trong giới giáo sư đại học văn khoa, nên có một trò chơi rất hấp dẫn là kiểm tra xem ai thực sự đọc Proust rồi. Tất cả đều nói đến Proust, nhưng thật ra rất ít người từng đọc. Chuyện là vậy đấy.
Giờ, ta đến cụ thể hơn với vài thứ. Đi tìm thời gian đã mất mang lại quá nhiều thứ. Ta có thể biết Debussy hồi ấy có danh tiếng thế nào tại các phòng khách thượng lưu hoặc tư sản, ta có thể biết người ta viết thư cho nhau nhiều như thế nào, ta có thể biết chân dung nhiều nhà quý tộc Đông Âu sống vất vưởng ở Paris ra sao. Đi tìm thời gian đã mất cũng có thể được tiếp cận từ rất nhiều khía cạnh.
Ví dụ, vô cùng đáng tiếc vì Visconti đã không hoàn thành được bộ phim chuyển thể La Recherche mà ông đã lên kế hoạch cẩn thận. Bộ phim ấy sẽ lấy nhân vật Charlus làm trung tâm. Ta có thể rùng mình tiếc nuối: Salò dựng theo truyện của Sade, còn Charlus chính là một hiện thân đầy vẻ biếm họa của Sade, một nam tước cực kỳ độc đáo, một nhân vật vô song mà tiểu thuyết từng tạo ra trong lịch sử. Charlus là một marquis de Sade mou, mềm oặt, lả lướt, nhưng cũng đầy tinh thần bạo dâm, khổ dâm.
Charlus trở thành alter ego thứ hai của Marcel (và do đó, Marcel Proust) khi Proust quyết định đưa thêm "tiểu thuyết về Albertine" vào bộ khung ban đầu; trước đó alter ego của Marcel chỉ có Swann. Charlus là một nhà quý tộc vô cùng tinh tế, ăn chơi, hiểu biết, và kỳ quặc, là một người lúc nào cũng tỏ ra rất nam tính nhưng thật ra là một người đàn bà trong lốt đàn ông (khi Brasillach nói đến những cảnh Dostoievski duy nhất trong văn chương Pháp mà Proust từng viết được trong tập cuối Thời gian tìm thấy lại, là muốn nhắc đến những cảnh, giữa khi Paris bị oanh tạc, Marcel nhòm trộm - suốt bộ sách lúc nào Marcel cũng nhòm trộm - thấy Charlus ở một khách sạn tồi tàn thuê lũ đàn ông tới để chúng trói mình lại mà quất, lúc ấy Charlus đã rất già). Charlus cũng thuộc dòng dõi vào hàng hiển hách nhất nước Pháp, trong số bà con tổ tiên có La Rochefoucauld. La Rochefoucauld nghĩa là như thế này:
Chỉ có thể tiếc là cuối cùng Visconti đã không làm bộ phim ấy. Điện ảnh liên quan đến La Recherche cũng nhiều chuyện quái dị: Harold Pinter từng viết kịch bản phim để chuyển thể cả bộ sách. Kịch bản ấy dày đến 200 trang, và đọc thì ta biết chẳng đạo diễn nào có thể làm nổi. Nó trở thành một tác phẩm của Pinter, một tác phẩm rất không tầm thường. Nhưng vẫn chẳng có bộ phim nào. Văn chương lớn phải đồng thời cưỡng lại được điện ảnh, nó phải có ma thuật mạnh hơn ma thuật của điện ảnh.
Ta cũng có thể tiếp cận La Recherche một cách trực diện vào "phần tình yêu" của nó. Như Marcel hôn Albertine như thế nào (xem thêm ở đây), hoặc lâu lâu rồi tôi từng viết về cái tâm lý "sợ tình yêu" (xem thêm ở đây), khi đặt La Recherche trong mối tương quan với một tác phẩm xuất hiện cùng thời điểm, Le Grand Meaulnes của Alain-Fournier, một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời khác.
Đặt Marcel Proust cạnh Alain-Fournier còn hữu lý ở thêm một khía cạnh nữa: lúc đầu, La Recherche bị giới phê bình Pháp phê bình thậm tệ, thì người bảo vệ nó mạnh mẽ nhất, người đầu tiên, lại chính là Jacques Rivière, người bạn vô cùng thân thiết của Alain-Fournier, khi đó đang là giám đốc NRF. Rivière khẳng định Marcel Proust mới mẻ và độc đáo, là người tái sinh và đổi mới truyền thống văn chương tâm lý (tức là Stendhal), tức là một nhân vật "tân cổ điển". Marcel Proust thắng lợi bước đầu trong dư luận văn chương nhờ danh hiệu "tân cổ điển" này.
Tới nay thì ta đã hiểu, Proust không hề "tân cổ điển", mà chỉ đơn giản là cổ điển: La Recherche là cổ điển ngay từ khi mới ra đời.
Ta cũng có thể "học lỏm" từ La Recherche những chiêu rất chi là hay. Trong Sodome và Gomorrhe, khi Marcel tới Balbec, lại ở khách sạn Grand-Hôtel, lại gặp Aimé trong đám nhân viên khách sạn giống như lần thứ nhất, rồi Albertine cũng tới (khi này người bà của Marcel đã chết nên việc tới đây khá là đau đớn, nhất là trong thời gian đầu tiên, mọi thứ đều gợi lên cảm giác tang thương, chết chóc), Marcel và Albertine bắt đầu hay đi chơi với nhau. Marcel ghen tuông khủng khiếp, lúc nào cũng sợ Albertine gặp người khác, một người đàn ông nào đó (nhất là một người đàn bà, một cô gái nào đó), nhưng mặt khác, Marcel cũng tranh thủ ve vãn các cô bạn gái của Albertine. Proust cho biết tổng cộng Marcel đã tỉn được hơn chục cô trong đợt này.
Câu chuyện về Albertine nhuốm mùi bi kịch: sau khi từ Balbec về Paris, Marcel gần như nhốt kín Albertine ở nhà mình (đây là nội dung toàn bộ tập Cô gái bị cầm tù), vì ghen tuông, và về cơ bản là lặp lại mối tình Swann-Odette. Sau khi Albertine bỏ đi, giống hệt anh lái xe Alfred (mở đầu tập Albertine biến mất), nhất là khi có tin Albertine đã chết, La Recherche bắt đầu thực sự trở thành một tiểu thuyết tâm lý: Proust khai thác lòng ghen tuông trong tình yêu một cách tinh tế rợn người (như ta đã thấy ở bài của Brasillach, phương diện này đã gây tác động rất mạnh lên Brasillach, kể cả khi đọc lại). Marcel nhờ người bạn Saint-Loup (ba người bạn rất quan trọng trong La Recherche: Bloch tay Do Thái, Morel tay vĩ cầm thủ, protégé và người tình của Charlus, và Saint-Loup sau này lấy Gilberte người yêu đầu đời của Marcel; cả ba đều đồng tính), nhất là thuê Aimé ở Balbec điều tra về quá khứ đồng tính của Albertine.
Rồi, Proust xây dựng cả một lý thuyết về "quên tình yêu". Đây là nội dung chương hai của Albertine biến mất:
Muốn quên được tình yêu, muốn sống tiếp được, thì phải đi qua bốn bước. Có bốn bước để quên đi tình yêu. Tới đây, ta thấy quả thật ở tinh thần của Proust có rất nhiều "hơi Stendhal". Stendhal thì chỉ ra bảy bước để hình thành tình yêu (xem thêm ở đây), còn Proust thì bốn bước để quên tình yêu. Từ Stendhal đến Proust, ta đi hết một vòng tròn.
Proust cũng chính là người từng có một nhận xét rất quái dị về Stendhal: theo Proust, Stendhal là một tiểu thuyết gia vĩ đại nhưng lại không tự biết điều đó. Tới lượt mình, bản thân Proust cũng lại là một tiểu thuyết gia vĩ đại nhưng lại không hoàn toàn tự biết điều đó (những người vĩ đại thường thấy sự vĩ đại là đương nhiên quá nên chẳng hề hay biết mình vĩ đại như thế nào).
Tính thuật lại cụ thể bốn bước này nhưng mỏi tay quá rồi :p
Một đoạn tổng quát ở ngay đầu chương thôi nhé:
"Và quả thật giờ đây tôi cảm thấy rất rõ rằng trước khi hoàn toàn quên đi được, giống như một lữ khách quay trở lại theo cùng con đường để về cái điểm từ đó anh ta đã xuất phát, hẳn tôi sẽ phải, trước khi đạt tới sự hờ hững ban đầu, đi theo hướng ngược lại mọi thứ tình cảm tôi đã trải qua trước khi tới được với tình yêu lớn của tôi."
Paul Valéry hạ sát Marcel Proust
Hồi trước phim này http://www.imdb.com/title/tt0189142/?ref_=nm_flmg_act_57 có chiếu ở Vn, nhưng lời dịch thì không thể hiểu nổi.
ReplyDeletephim làm dựa trên Đi tìm thì cũng không thiếu, nhưng cái chính là Visconti í chứ; Malkovich đóng Charlus, hehe, lại còn Deneuve đóng Odette nữa
ReplyDeletecái bộ Đi tìm... này chắc không bao giờ ra mắt tiếng Việt một cách đầy đủ cho người kém Pháp ngữ đọc nhỉ.
ReplyDeletecho mình hỏi bộ này đã chuyển ngữ và xuất bản tại việt nam trọn bộ chưa nhỉ
ReplyDeletehình như
ReplyDeletetừ giờ đi đâu cũng nhớ đem theo gì đó, hạt đậu hay lông ngỗng để rải đường
ReplyDelete