Oct 27, 2016

Thơ: René Char về nhà thơ

Những nhà văn nào gần với thơ đều tạo cảm giác rất đặc biệt: ta còn nhớ, Patrick Modiano từng lấy một câu thơ của René Char làm đề từ cho một cuốn tiểu thuyết (chưa dịch sang tiếng Việt): "Sống, là làm sao đi cho hết một kỷ niệm" (xem thêm ở kia). Bản thân cái nhan đề Từ thăm thẳm lãng quên cũng chính là một câu thơ.

Dưới đây là trích tác phẩm của René Char, tập trung vào những gì Char bàn trực tiếp về thơ, bài thơ và nhà thơ: "Partage formel", nằm ở cuối phần mang tên "Seuls demeurent", thuộc tác phẩm nổi tiếng nhất của Char, Fureur et mystère (Thịnh nộ và bí ẩn, in năm 1962). "Partage formel", trong bố cục của Thịnh nộ và bí ẩn, nằm ngay trước phần "Feuillets d'Hypnos" lừng danh được Char viết vào quãng thời gian 1943-1944, khi tham gia Kháng chiến Pháp.



I

Trí tưởng tượng nghĩa là đẩy bắn ra khỏi thực tại nhiều người còn chưa đầy đủ, để, nhờ vào đóng góp của các tiềm năng ma thuật và lật nhào từ ham muốn, có được sự trở về của họ dưới hình thức một hiện diện hoàn toàn thỏa mãn. […]


II

Điều mà nhà thơ phải chịu đựng nhiều nhất trong các liên hệ với thế giới là sự thiếu công lý bên trong. […]


III

Nhà thơ, một cách thờ ơ, biến thất bại thành chiến thắng, chiến thắng thành thất bại, vị hoàng đế từ trước khi sinh ra chỉ chăm lo đón nhận bầu trời.


IV

Đôi khi thực tại của nhà thơ chẳng có ý nghĩa gì với anh ta, nếu anh ta không ngấm ngầm gây ảnh hưởng lên câu chuyện các chiến công trong thực tại của những người khác.


V

Là ảo thuật gia của sự bất an, nhà thơ chỉ sở hữu các thỏa mãn mượn tạm. Thứ tro luôn luôn cháy dở.



VII

Nhà thơ phải giữ cho cân bằng cán cân giữa thế giới vật lý của thức và sự trôi chảy dễ dàng đáng lo ngại của ngủ, [...]



X

Là hợp lẽ khi thơ gắn chặt không rời với đoán trước, nhưng là đoán trước chưa thành hình.



XVI

Bài thơ luôn luôn cưới một ai đó.



XIX

Hỡi người đàn ông của mưa và đứa trẻ của đẹp trời, bàn tay thất bại và tiến bộ của cả hai cần thiết với tôi như nhau.



XX

Từ cửa sổ rực cháy của ngươi, hãy cố mà nhận ra trong các đường nét của giàn hỏa thiêu tinh tế kia nhà thơ, xe kéo chở sậy cháy, được kẻ tuyệt vọng đi hộ tống.


XXI

Trong thơ chỉ khởi đầu từ sự thông giao và vận dụng tự do tổng thể mọi vật giữa chúng thông qua chúng ta mà chúng ta mới được gia nhập và được định ra, mới có thể tới được hình thức nguyên ủy của chúng ta và các thuộc tính đúng đắn của chúng ta.



XXIII

Tôi là nhà thơ, người coi giữ cái giếng cạn, được những xa xôi của em, ôi tình yêu, cấp nước cho.



XXVIII

Nhà thơ là người có sự ổn định quan phương.


XXIX

Bài thơ sinh ra từ một sự áp đặt chủ quan và một lựa chọn khách quan.

Bài thơ là một tập hợp chuyển động các giá trị nguyên ủy có năng lực quyết định trong mối quan hệ đồng thời với một ai đó mà tình huống này biến thành người đầu tiên.


XXX

Bài thơ là tình yêu được hiện thực hóa từ ham muốn vẫn cứ là ham muốn.



XXXII

Nhà thơ không giận dữ trước lụi tàn xấu xa của cái chết, nhưng đầy tin tưởng bằng cú chạm đặc biệt của mình biến mọi thứ thành những sợi len dài.



XXXIX

Ở ngưỡng của trọng lực, nhà thơ cũng như con nhện dựng con đường lên trời cho mình. Một phần trốn đi trước chính mình, anh ta hiện ra trước người khác, trong những tia sáng mưu mẹo tuyệt cùng của anh ta, rõ ràng đến chết người.



XLIV

Nhà thơ hành hạ, với sự giúp sức của những bí mật không thể đánh giá, hình thức và giọng những vòi nước của mình.


XLV

Nhà thơ là sự khởi sinh một người phóng ra và một người giữ lại. Ở người tình nhân anh ta mượn sự rỗng, ở người phụ nữ được yêu, ánh sáng. Cặp đôi hình thức này, bộ đôi lính gác này, đầy thống thiết, đưa cho anh ta giọng nói của anh ta.



XLVIII

Nhà thơ khuyến dụ: “Cúi xuống, cúi xuống thêm nữa đi.” Không phải lúc nào anh ta cũng còn lành lặn thoát ra ngoài trang giấy của mình, nhưng cũng giống người nghèo khổ anh ta biết hút lấy vĩnh cửu từ một quả ô liu.


XLIX

Trước mỗi sụp đổ của các bằng chứng nhà thơ lại trả lời bằng một tràng tương lai.



Còn dưới đây là trích từ Moulin premier, những bài thơ làm ở giai đoạn sớm, 1935-1936; ở ấn bản chung quyết ngày nay ta vẫn hay đọc, "Moulin premier" trở thành phần cuối cho tập thơ Le Marteau sans maître (Cây búa không chủ - một nhan đề lấy cảm hứng trực tiếp từ Nietzsche), thường được coi là tập thơ sớm nhất của René Char, mặc dù trên thực tế thì không hoàn toàn như vậy.



VII

Trước các trách nhiệm của bài thơ, không thề đùa vui, tôi thích nghĩ nhà thơ có khả năng ban bố tình trạng thiết quân luật nhằm cung cấp dưỡng chất cho cảm hứng của mình. […]

  
X

Tôi công nhận trực giác có suy lý và ra các mệnh lệnh ngay khi nào, vốn dĩ nắm giữ các chìa khóa, nó không quên làm rung lên chùm hình thức phôi thai của thơ bằng cách băng ngang những cái lồng trên cao trong đó các vọng âm nằm ngủ […]


XV

Tôi không đùa với lũ lợn.


XXII

Nhà thơ đi trước con người hành động, rồi khi gặp anh ta, khai chiến với anh ta. […]


XXV

Hãy nhường bước trước giấc ngủ, sự sản sinh cao vời vào buổi sáng của vải. Chuyển động của những sáng sủa tựu thành trong khoái cảm.


XXX

Trí tưởng tượng chủ yếu tận hưởng những gì không được dành cho nó, bởi chỉ mình nó sở hữu sự phù du trong tổng thể. Sự phù du này: cỗ xe ngựa của vĩnh cửu.


XXXII

Nhà thơ cần được “đốt nóng” nhiều hơn được dạy dỗ. […]


XXXIII

Sự chao đảo của một tác giả đằng sau tác phẩm của anh ta, đó là sự trang điểm vật chất chủ nghĩa thuần túy.


XXXVII

Hay xảy tới với nhà thơ chuyện anh ta, trong những cuộc tìm kiếm, dạt vào một bờ biển nơi anh ta chỉ được chờ đợi mãi sau này, chừng nào đã hư vô hóa. […]


XXXVIII

Ở nơi đây hình ảnh đực không biết mệt mỏi theo đuổi hình ảnh cái, hoặc ngược lại. Khi chúng đến được với nhau, chính tại đó xảy ra cái chết của người sáng tạo và sự ra đời của nhà thơ.


XXXIX

Nhà thơ, biết được về ý tưởng cái chết, lưu giữ trong mình toàn bộ sức nặng của cái chết này. Nếu anh ta không tố cáo điều đó thì là bởi có một người khác gánh lấy nó hộ anh ta. […]


XLI

Hãy khởi sự tin rằng lúc nào đêm cũng đợi mi.


LVII

Thông thường đám hót rác thơ không có cảm giác gì về thơ; không đủ khả năng vạch các con đường cho hành động của nó.

Phải là người đàn ông của mưa và đứa trẻ của đẹp trời.


LVIII

Từ quả bí trở đi chân trời rộng mở.


LIX

Chó lạc không nhất thiết đến được rừng.


LXV

Việc trước mọi sự trưng tập một bài thơ có thể, một cách hiệu quả, ở tổng thể cũng như theo các mảnh, các đoạn, tự xác nhận, nghĩa là làm bật ra các thói quen, mang đến cho tôi bằng chứng về thực tế không thể nói ra của nó. […]


LXIX

Ý nghĩ cái chết trong lúc buộc chúng ta ước lượng tốc độ của mình lại gây dễ dàng và làm mềm mại cho các dịch chuyển của chúng ta.



Thơ: chẳng ai là ai
Thơ: tiểu sử
Thơ: bi ca và trí tuệ

3 comments:

  1. Xin lỗi cho cháu hỏi:
    Câu I: "Trí tưởng tượng nghĩa là đẩy bắn ra khỏi thực tại nhiều người còn chưa đầy đủ..". Ở đây "đẩy đủ" có lẽ đúng hơn chăng? Xin lỗi vì cháu không đọc được bản gốc.

    ReplyDelete
  2. "Những vọng âm nằm ngủ", tựa của một quyển tiểu thuyết vừa ra, chẳng biết có phải cóp nhặt từ entry này không

    ReplyDelete