Tôi mới được tin Gérard Genette qua đời tuần trước.
Cuốn sách Palimpsestes của Genette, tôi đã dịch từ lâu và để đó cũng từ lâu, lẽ ra tôi nên nghĩ đến việc in nó sớm.
Đối với tôi, Genette có tầm quan trọng vô biên. Những ai khiến được tôi đọc thêm ít nhất ba người khác, đối với tôi đều hết sức quan trọng. Genette là một trong số những người ấy (một trong các nhân vật mà Genette làm tôi đọc là Ambrose Bierce). Một trong hai luận án mà tôi từng làm chính là, ở một phương diện không nhỏ, lần theo dấu vết của Genette: hồi ấy, tôi muốn trả lời câu hỏi, tại sao lại lý thuyết? và Genette gây cho tôi một niềm kinh ngạc rất lớn, trong địa hạt ấy. Không chỉ vậy, chính cái hồi làm luận án, tôi bắt đầu thấy các tờ báo và tạp chí có tầm quan trọng như thế nào - kể từ đó, các tờ tạp chí mới là mối quan tâm chính yếu của tôi; tờ Poétique (hiện nay chắc hẳn vẫn tồn tại: cho đến cách đây chừng mười năm, nó vẫn còn) bắt đầu ra vào năm 1970 (song song với tủ sách cùng tên bên nhà xuất bản Seuil) trở thành nguồn cảm hứng lớn của tôi; hai yếu nhân của tờ tạp chí lý thuyết này là cặp bạn thân Gérard Genette và Tzvetan Todorov (Todorov đã qua đời cách đây chưa lâu: Todorov ít tuổi hơn Genette nhiều nhưng lại qua đời trước), họ cũng sẽ sớm từ bỏ lý thuyết (theo kiểu thiết chế) sau chỉ vài năm, đấy là vì họ đã thấy những con đường khác (không hẳn là quá xa so với lý thuyết).
Genette là một người đọc vô biên, và rất nhiều lần, khi đọc Genette, nhất là những cuốn sách cuối cùng, tôi bắt gặp cái mà tôi sẽ gọi là sự thông thái của đọc. Đó là một nguồn cảm hứng rất lớn (và lâu dài) của riêng tôi.
Cách đây chừng chục năm (xem ở kia) là Lévi-Strauss.
Một nhân vật cũng rất có ý nghĩa đối với tôi qua đời cách đây không lâu, chắc khoảng hai tháng: Clément Rosset. Rosset là tác giả cuốn sách dưới đây:
Chắc tôi sẽ đọc lại cuốn sách của Rosset. Ai đọc Schopenhauer bằng tiếng Pháp có khả năng lớn là sẽ có Clément Rosset là người ở bên cạnh, một người hướng dẫn vô hình. Chọn được người đi cùng trong các cuộc đọc là rất quan trọng; chẳng hạn đối với tôi, cùng Kant và Hegel là Éric Weil, cùng Malebranche là Merleau-Ponty, cùng Martin Heidegger là Lukács, cùng Pascal và Leibniz là Jean Guitton. Ta sẽ mang ơn một số người, ta sẽ hiểu nếu không có họ, rất có khả năng ta còn chẳng thực sự bắt đầu nổi một số sự đọc.
Thêm một người khác nữa qua đời gần đây: Bernard de Fallois. Đó là một nhà xuất bản, một nhân vật mà tất tật proustien trên đời đều phải nhờ cậy, vì nếu không có de Fallois thì đã không có Contre Sainte-Beuve và Jean Santeuil. Về sau này de Fallois in rất lắm sách dở, nhưng thôi, kệ. De Fallois cũng sống lâu ngang mức với một editor huyền hoặc: José Corti.
Về Gérard Genette:
Postscript
Màu mắt
Foucault, Barthes, Genette: một câu chuyện Pháp
Antoine Compagnon nói về Roland Barthes
Stendhal viết tiểu thuyết (trích từ Palimpsestes)
Hai người trò chuyện (Genette và Compagnon)
"Genette người ưa bi ca" (bài của Antoine Compagnon)
(Lại) nhìn lại lý thuyết
Nhìn lại lý thuyết
Genette trả lời phỏng vấn về lý thuyết văn học (rất gay cấn)
Bác ơi hôm nào bác nói về các nhà xuất bản ở Pháp đi, tôi chỉ biết hình như gallimard là nổi nhất, thấy bác mua khá nhiều từ nhà này thì phải
ReplyDeleteTrần Bình
Gallimard in rất nhiều tác giả cho nên phải mua thôi
ReplyDeletechứ từ nhiều chục năm nay Gallimard in nhiều sách dở ghê rợn, lắm tác giả tệ lắm, về cơ bản tôi kiếm sách của các nhà khác
Nhắc mới nhớ, bác nợ tôi vụ nói về ENS, bác trả từ đây đến cuối năm nhé, bác hứa rồi chứ không phải tôi vu khống, hehe
DeleteTrần Bình
ngay lúc này, ENS phố Ulm đang có vụ rất lớn, học sinh chiếm trường, đại khái là một vụ nổi loạn mà tôi cũng không thực sự biết nguyên nhân
ReplyDeleteENS thì có gì đâu, nó là một trường Sư phạm thành lập ngay sau Cách mạng 1789, chuyên đào tạo giáo viên, vì mỗi khoá lấy rất ít người và có thi concours đầu vào nên vào hơi mệt, đó là một "trường lớn" (grande école) kiểu đặc trưng của Pháp, hệ thống này tách biệt với hệ thống đại học (nổi tiếng hơn cả là Sorbonne - chính bên đó mới có lắm vụ sinh viên nổi loạn, năm 2006 tôi ở đó là năm rất ác, đại lộ Saint-Michel tanh bành sau các đụng độ giữa cảnh sát và sinh viên, cũng có cảnh sinh viên chiếm trường)
Có lần bác nói bác sẽ không đi dạy, tôi thấy cũng phí (bác được đào tạo để dạy mà phải không) nhưng sau thấy bác bắt đầu xuất hiện như mấy buổi vừa rồi và có lẽ còn tiếp tục tôi cũng mừng. Buổi trước tôi thú thật là trình độ tôi chả đủ để tới, ngồi cũng chả hiểu gì. Cái gì tôi thấy mình không bao giờ hiểu được tôi chẳng cố.
ReplyDeleteTrần Bình
Genette là học sinh ENS, Foucault, Derrida, Simone Weil cũng thế, ít người không đặt chân qua ENS lắm (trong đó, Roland Barthes, Antoine Compagnon)
ReplyDeletenhưng nói vậy thôi, ENS không nhất thiết đào tạo giáo viên, có vẻ lúc này mô hình ENS đang rơi vào một khủng hoảng trầm trọng, không biết có tiếp tục tồn tại được hay không (nó bị chỉ trích từ rất lâu là quá mức "tinh hoa chủ nghĩa" hay "ưu tú luận", rất lạc thời trong một xã hội dân chủ theo hướng liberal)
Tôi không hiểu lắm tinh hao chủ nghĩa hay ưu tú luận là gì, ý bác có phải là nó hướng nhiều đến elite hay cái gì đó cao cấp hơn so với mặt bằng chung không?
DeleteTrần Bình
RIP. Love Gérard Genette - God (signed)
ReplyDelete