Aug 15, 2018

Một lời từ biệt

trước tiên, xem ởkia

Điểm mốc là ngày 6 tháng Tám. Có vẻ như, cuộc đời của chúng ta chẳng là gì khác ngoài tình trạng của "turning sour", của cái sự "the spell has been broken" - mà ta chẳng bao giờ biết được trước khi "broken" thì có gì, hay trước khi "sour", vị của mọi sự có thể ra sao. Ngày 6 tháng Tám năm 2018.

Đó là ngày ghi trên phiếu mượn mấy quyển sách của tôi: cần phải trả, muộn nhất là ngày ghi trên phiếu dán vào bên trong, mấy quyển sách ấy về cho thư viện của chúng, thư viện mà tôi hay gọi là "bibliothèque fr.", nhưng đúng hơn đó là thư viện của trung tâm trước đây tên là Alliance Fr., giờ hay gọi là "L'Espace" phố Tràng Tiền, nhưng đúng ra phải gọi là Institut Fr.

Đó là những quyển sách cuối cùng. Tôi trả lại bốn quyển sách ấy, kết thúc hơn hai mươi tháng mà tôi bỏ ra để đọc hết cái thư viện. Không, tôi vừa nói nhầm, không phải để đọc hết, mà là để cứu những quyển sách bị nhốt trong cái thư viện ấy.

Tôi lướt đi qua bên cạnh những vinh quang, cố sao để chúng không lấm vào người. Nhưng có một vinh quang tôi nhất quyết giành lấy cho tôi, vinh quang của sự - nhiều thời kỳ dài, rất dài - chỉ có trong tầm tay những thư viện rất kém. Thư viện Trung ương trên phố Tràng Thi là vô số bộ sách thiếu, có vài tập này nhưng thiếu nhiều tập khác, lại là cái thư viện nhìn chung không thể khai thác được. Thư viện của Institut Fr. không có cả đến những gì mà tôi cứ nghĩ nó phải có, nó lại giống Thư viện Trung ương Việt Nam ở đặc điểm, rất nhiều bộ thiếu: bộ "cahiers" Antonin Artaud có một hoặc hai tập gì đó, en tout cas lèo tèo như mớ rau mua ngoài chợ mùa lụt lội. Pierre Michon: một quyển duy nhất; không thể đếm xuể số lượng các bộ La Pléiade chỉ có một hoặc vài tập. Tôi đã không thể đọc toàn bộ Saint-Simon hay Michelet ở đó. Nhiều lúc tôi thấy Thomas de Quincey có lý: bởi vì không có thư viện tốt, Thomas de Quincey bịa luôn ra các trích dẫn, cho nó nhanh. Ở các thư viện quá tồi tệ, người ta không nhìn vào những gì có ở đó, mà người ta mơ đến những gì bị thiếu. Một quyền năng nào đó nhất định chỉ chăm chăm giấu biến những quyển sách đi, kích thích năng lực ngược lại của sự đọc. Tất nhiên bên kia của sự đọc thì vẫn cứ là đọc. Vả lại, Paul Valéry nói, với mỗi quyển sách chỉ nên dành tối đa 8 phút. Tôi không bao giờ ưa cái trò khái quát hóa, nhưng tôi sẽ khái quát hóa: ở Việt Nam không có thủ thư, năng lực làm quản thủ thư viện chưa bao giờ xuất hiện dưới bất kỳ hình thức nào tại bất kỳ nơi nào có dính dáng đến Việt Nam. Vinh quang của tôi nằm chính ở chỗ không có thư viện.

Tôi nhớ đến Paul Boudet của một thời đã rất xa xưa.

Trong số các tập thuộc bộ La Pléiade Paul Valéry, tại chỗ đó chỉ có nhõn một "tome". Ấy, nhưng nếu muốn xiển dương tinh thần Pháp, thì làm sao lại có thể có chuyện ở một thư viện nơi một tòa nhà to lớn nằm ngay giữa trung tâm thủ đô của một cái xứ từng có lắm duyên nợ với nước Pháp (không xa nơi từng mang tên "Louis Finot", lại cũng không xa cái Opéra bắt chước Opéra Garnier, rồi cây cầu xưa kia Đù Mẹ và cả cái Thư viện, đúng, chính Thư viện Trung ương mãi gần đây trên fronton vẫn còn đọc được dòng chữ lờ mờ "Pierre Pasquier"), người ta không thể thực sự đọc Valéry, có chuyện ấy thật hả? Mais quelle farce. (về các "tome" vừa nói ở trên, xem ởkia). Henri Michaux khá hơn, có hai tome La Pléiade, nhưng vậy vẫn chưa đủ, vẫn là một bộ thiếu.

Tôi đang có vẻ chỉ suốt ngày đọc La Pléiade, thật ra phải là ngược lại: đó là loại sách tôi gọi là "phi nhân tính", là lựa chọn cuối cùng của tôi, nếu không có giải pháp nào khác. Michaux, nếu muốn đọc Michaux, gần như vô vọng chuyện tìm được hết những gì Michaux từng cho in lúc còn sống. Mà Michaux thì tuyệt đối phải đọc hết sạch. Đó là một người của phía dire non, nhất là và kể cả trong in sách: vinh quang của Michaux là vinh quang của sự chối từ. Việc thơ của Michaux ngày nay đọc được tương đối dễ dàng (rơi vào La Pléiade là thôi xong rồi: nhưng, ngược lại, Céline thì luôn luôn biểu lộ mong muốn tột bậc được in vào bộ này; tại bibliothèque fr. Hà Nội, chính Céline lại tương đối đủ, trừ phần các "cahier") chính là đi ngược lại ý nguyện của Michaux (nối dài thêm câu chuyện của những di chúc bị phản bội), và có vai trò của người vợ sau của Michaux, một phụ nữ có dòng máu Việt Nam (có bố là một ông quan triều Nguyễn; chính vì thế, Michaux từng đi nghe Trần Văn Khê thuyết trình về âm nhạc Việt Nam).

Tôi tìm được trên giá một tập (lẻ, tất nhiên) Pléiade, các "essais critiques" của André Gide. Tôi đọc nó và đó chính là nguồn cơn cho cuộc hòa giải giữa Gide và tôi: chính vì một tập lẻ tình cờ đọc mà bỗng, sau rất nhiều năm, tôi thấy Gide đâu có quá tệ.

Trong quãng hơn hai mươi tháng vừa qua ấy, có thời điểm diễn ra cuộc xem xét gay go: tôi thấy cần tự trả lời câu hỏi, Julien Gracq có còn mang ý nghĩa, đối với tôi, giống như xưa kia không. Đó là một cuộc xét hỏi khốc liệt, dường như tôi rơi vào loại tình cảm mà người ta gọi là "mitigé": nhất quyết, tôi không còn thấy Gracq lung linh như cũ nữa, như cái thời mỗi câu của Gracq đối với tôi giống như một khải ngộ. Thậm chí tôi còn sợ đọc lại Un balcon en forêt. Và cuối cùng đã không đọc: nhưng tôi đọc hết những cuốn tiểu thuyết Raymond Queneau trước đây tôi còn chưa đọc (không phải La Pléiade mà - rất may - ở đó toàn quyển lẻ, thuộc tủ folio). Nhưng để bù lại, thư viện chợt có một quyển của Gracq mà tôi còn chưa bao giờ đọc, La Forme d'une ville. Đó là một cuốn sách tuyệt đẹp. Âu cũng là quá tốt, giữ ở mức "mitigé" có lẽ cũng tốt. Cuốn sách của Gracq, Angers, Nantes, Paris, nhất là mấy thành phố vùng Bretagne. Vùng Bretagne đối với tôi là thành phố Rennes, và cũng Nantes (tôi còn nhớ câu nói đùa "les nantis nantais"), cái nơi tôi từng đến hơn một lần (Angers thì tôi chưa bao giờ đi). Một trong mấy lần ấy, cô gái cho tôi ở nhờ một đêm bật nhạc và nói, "c'est mon compositeur préféré, Rachmaninov". Tôi không chịu nổi Rachmaninov hay Sibelius, và rất nhiều âm nhạc khác, nhưng tất nhiên cái đêm đó ở Nantes, tôi không nói vậy. Vả lại, chắc cũng là chuyện thời điểm nữa: có lúc, tôi chợt nghe thấy một đoạn Schubert, và trước nỗi sửng sốt của chính tôi, tôi thấy như thể một phần nào đó của tôi sẵn sàng khóc. Đêm ở Nantes năm ấy diễn ra một trong những giấc mơ kỳ bí nhất trong đời tôi. Cho đến tận hôm nay tôi vẫn chưa thực sự hiểu rõ mọi sự. Cách đây vài năm, rất tình cờ, tôi gặp lại cô gái chủ nhà năm đó. Chúng tôi ngồi ở quán cà phê, nói chuyện, rất nhiều lần tôi muốn hỏi cô gái về cái đêm năm ấy. Lời nói đã ra đến miệng rất nhiều lần, rồi cuối cùng tôi lại thôi. Sẽ rất dã man nếu cô gái ấy không nhớ gì, và sẽ còn hơn thế nữa, nếu mà cô gái ấy khẳng định một số điều mà tôi ngờ vực suốt nhiều năm.

Paul Boudet, cùng những người làm dưới quyền, tại Đông Dương thuở ấy, Simone de Saint-Exupéry hay Ngô Đình Nhu. Louis Malleret nữa, chừng hơn chục năm Malleret làm thủ thư cho một nơi ngày nay chắc chẳng mấy ai còn hiểu là gì, Société des Études Indochinoises.

Những ngày đọc Queneau với cường độ rất lớn ấy đã phản chiếu ởkia; Queneau: que... eau.

Thư viện là chốn lý tưởng của sự tắt đi mọi xăng xái, bởi vì chẳng chộn rộn nào còn ý nghĩa nữa: ở thư viện, chỉ còn một năng lực thực sự có ý nghĩa, đó là năng lực của lười biếng; có như vậy, có buông trôi cho sự lười biếng, thì mới có thể hiểu được Francis Ponge muốn nói gì khi bảo nếu mình có được điều gì đó, thì đều chỉ nhờ vào sự lười biếng. Đó cũng là nơi để ta hiểu tại sao Sandburg có thể nói, từ một con người còn lại gì? chẳng gì ngoài chút phốt pho đủ để làm một bao diêm, thêm chút sắt đủ làm một cây đinh cho một ai đó dùng để treo cổ tự sát. Thư viện là chốn, rất dễ, của tự sát. Những cuốn sách, sự tự sát, và cả sự đi khỏi.

Sự đi khỏi, bởi vì thư viện chính xác là một heterotopia. Tương quan rất chặt chẽ với nhau: Thư viện, cơ thể, cái chết.

Julien Gracq "của tôi":


Cuốn sách của tôi bên trong có chữ ký, và chưa hề rọc.

Tôi "kiểm tra" về Gracq, nói đúng hơn, tôi tự kiểm tra chính tôi trong tương quan với Gracq. Không thực sự có ý nghĩa - nhưng thư viện chính là nơi để sự không có ý nghĩa thoải mái tồn tại: tại sao người ta đến thư viện? những ai muốn tìm một ý nghĩa nào đó mà lại hay quanh quẩn thư viện, tôi chắc chắn họ nhầm chỗ. Tôi tình cờ nhìn thấy, trước nỗi sửng sốt to lớn, hai tập dày Chroniques de la Montagne. Không thể ngờ, ở đây mà cũng có bộ sách ấy của Alexandre Vialatte. Tôi vội vã, hôm ấy, mang volume thứ nhất đi khỏi đó, kiếm một quán cà phê không xa, và bắt đầu đọc. Vì cần phải đọc ngay. Nhưng tôi đã dại dột: lẽ ra nên bỏ qua lời tựa, đọc thẳng vào nội dung, thay vì thế, ngày hôm đó, tôi đọc lời tựa trước. Nó làm tôi đánh mất toàn bộ ý muốn đọc bộ sách, thế mà vốn dĩ nó là một trong những gì từ lâu tôi muốn đọc. Dường như vậy cũng tương đương với miếng ăn vào đến miệng rồi còn để mất, lên giường rồi còn bị đối phương cào mặt. Bởi vì, sau khi đọc vài trang (tất nhiên là không đọc hết) của cái lời tựa kia, tôi biết là sẽ còn rất lâu (nếu chẳng phải, thậm chí, không bao giờ) tôi còn đọc Chroniques de la Montagne nữa. Tác giả lời tựa là Charles Dantzig. Tôi bỗng nhớ ra, trong cuốn sách tôi đã nhắc đến ởkia, Guy Debord có nhắc tới nhân vật ấy, trong danh mục (không hề ngắn) bọn mà Debord lôi ra để tính sổ. Tôi nhớ là có Charles Dantzig, tôi cũng nhớ trong cuốn sách ấy, có lúc Debord dùng từ "imbécile"; tôi không còn nhớ chính xác có phải cái mỹ từ ấy ứng vào với nhân vật đó hay không, nhưng chắc chắn là có cái tên kia, cùng cái mỹ từ nọ. Xét cho cùng, Debord hoàn toàn đúng, dẫu có phải "imbécile" được dùng cho đích danh quả tác giả cái lời tựa đó hay không.

Tôi cũng có cơ hội để kiểm tra: nhờ Notre besoin de Rimbaud, mà thư viện ấy có, tôi xác nhận được cảm giác trước đây của tôi là đúng, Yves Bonnefoy không phải nhà thơ lớn đến mức như người ta hay tưởng; nhưng ngược lại, cũng chính nhờ vài quyển sách mà thư viện ấy có, của Michel Deguy, tôi lại xác định được điều ngược lại. Nhất là, tôi nhận ra, khi bỗng tình cờ thấy có một cuốn sách viết về Ramuz (xem ởkia), tôi nhặt nó lên, tôi đọc nó, và nó làm cho tôi quyết định phải đọc tiếp, phải đọc tiếp nữa; đọc sách dở chính là cả một nghệ thuật, cái nghệ thuật nhiều lúc tôi thấy còn quan trọng hơn so với nghệ thuật đọc sách hay (để đọc một cuốn sách hay, đâu cần phải có nghệ thuật). Một cuốn sách dở chắc chắn cho chúng ta thấy rất nhiều điều hơn so với một cuốn sách hay. Thỉnh thoảng cần phải đọc sách dở, và đọc cho đến cùng. Nhất là khi nào bỗng có diễm phúc bắt gặp một cuốn sách dở vô vàn. Joyce quá nhảm nhí khi nói cái gì đời quá ngắn không thể đi đọc sách dở. Và lũ không biết đọc bèn ào theo.

Cuốn sách viết về Ramuz có tác giả là một đệ tử thuần thành của Pierre Bourdieu. Lý thuyết của Bourdieu tệ hại (à nhầm, tuyệt vời) đến mức những ai áp dụng (đây là một trong những từ nực cười nhất) Bourdieu tạo ra những cuốn sách cỡ dở đến mức tôi quyết đọc cho đến cùng. Những ai tin tưởng vào Bourdieu dường như đều có đầu óc của những người đóng đinh vào tường nhưng lại giáng búa vào ngón tay.

Thư viện mà tôi bỏ hơn hai mươi tháng vừa rồi để đến (rất thường xuyên, hệ thống máy móc ở đó còn ghi lại những pha mượn sách của tôi rất rõ ràng, chi tiết đấy), còn khiến tôi hiểu, nó chính là một thứ thuộc vào chủ nghĩa thực dân nối dài. Phố Tràng Tiền vẫn cứ là một phố thuộc địa.

August Strindberg, trong Inferno: "Tôi đọc một cuốn sách mỏng tuyệt diệu, Niềm vui được chết, nó mang tới cho tôi ham muốn rời bỏ cái thế giới này". Thư viện, cũng như những chốn heterotopia - khu vườn chẳng hạn, nhất là một số khu vườn, chẳng hạn khu vườn trong Les Secrets de la Princesse de Cadignan của Balzac - nhưng heterotopia rõ nét nhất phải là nghĩa địa, đó là các nơi của cân bằng giữa sống và chết. Trong thư viện, người ta dễ hoảng sợ trước sống hơn là trước chết; và như vậy mới đúng.

Strindberg, điều này thường xuyên bị bỏ qua, từng là một thủ thư. Hồi còn rất trẻ, Strindberg làm thủ thư, và chính điều đó khiến Strindberg sẽ có người vợ đầu, một mệnh phụ nam tước phu nhân, bỏ chồng để lấy Strindberg (đó là Strindberg của đoạn trước những vở kịch và các cuốn tiểu thuyết, trước khi được bất kỳ ai biết đến). Những quyển sách ở thư viện đã nói gì với Strindberg? Để mà người điên rực rỡ ấy có thể nhìn thấy rõ mọi điều tới vậy? Nhưng đúng là tại sao phải có gì chung với những gì hữu lý?

Để đi đến chỗ thư viện của Institut Fr., suốt một thời gian dài, tôi đi bộ. Tôi đi qua Cung Thiếu nhi - xưa kia tôi có vài tuần học một cái gì đó ở đó - một hôm (lúc đó nó đang là công trường xây dựng) tôi đi qua nó đúng lúc nó đang cháy, người ta bu đầy quanh tường, nhấp nhổm quay phim chụp ảnh. Tôi đi qua vườn hoa, bên này là phía sau cái tượng đài mới, có nhà kèn, phía bên kia, qua một khoảng quảng trường rộng mênh mông là nhà ngân hàng khổng lồ; Patrice Morlat hồi năm ngoái cho in quyển từ ba trong loạt sách dự kiến bốn cuốn về Đông Dương, chính là về Banque de l'Indochine. Đi tiếp thì sẽ qua, xa xa, vườn hoa Con Cóc, đoạn đầu của phố Đinh Lễ. Thư viện nằm trên tầng, cần phải đi qua, trước hết, cái sảnh lớn, bên dưới (au rez-de-chaussée). Lần nào đi qua sảnh, tôi cũng phải cố gắng hết sức để khỏi nhìn những gì để ở đó, vì nó đã trở thành nơi trưng bày nghệ thuật cho các nhân vật Việt Nam thích thú giao du với đám người Pháp thực dân mới. Gần đây, có một quãng thời gian, trong sảnh bày đầy những cái gì như là bia mộ, rất nhiều bia mộ, phải rất cẩn thận không thì sẽ bị vấp chân vào. Như thế nào nhỉ? cái giới thuộc về "visuel" dường như đã trở thành vừa trò lừa vừa trò lố của thời chúng ta.

Để đến chỗ cái thư viện, tôi phải vượt nhiều vòng thành, vòng hào, chẳng mấy vô hình. Lần nào tôi cũng phải vượt qua nỗi khó ở, nỗi khó ở trước sự lừa dối, và trước bầu không khí nhung nhúc sự tầm thường. Nhưng tôi có việc phải làm ở đó. Phải chấp nhận thôi, nhiều khi, dẫu cái thư viện ấy không bằng một góc sách của tôi - kể từ ngày (rất rất lâu rồi) tôi hiểu ra ở đây thư viện, mọi thư viện, không thực sự dùng để chứa sách, cũng không phải là nơi để đọc, tôi đã làm cho sách của tôi vượt hết mọi thể loại thư viện. Xét cho cùng, tại sao lại không? Chẳng hạn, ở thư viện của Institut Fr., làm gì có quyển nào của Thibaudet, Gourmont hay Charles du Bos. Que dalle.

Ở đầu của quãng hai mươi tháng vừa rồi, có lần tình cờ tôi ghé chỗ đó. Rất lâu, tôi không thấy có việc gì phải lai vãng cái nơi chứa đựng tinh thần thực dân ải mục, mốc thếch và bốc mùi (dân ngoại thành Hà Nội gọi là "mùi nhặng nhặng") ấy: xét cho cùng, Tạ Chí Đại Trường lại đúng: người Trung Hoa sẽ giành được chiến thắng và vinh quang trong nghịch lý khi mà đã thua trận rút đi rồi, vài yếu tố Trung Quốc sẽ trở thành thiêng trên dải đất máu me Việt Nam, và cũng thế, người Pháp sau khi thất trận Điện Biên Phủ (tôi đọc về các đợt trao đổi tù binh hồi giữa tháng Năm và tháng Mười năm 1954 và thấy lạnh sống lưng) thì lại chiến thắng: con đường tôi đi đến cái thư viện ấy là con đường Pháp. Une voie royale, ironiquement. Chủ nghĩa thực dân Pháp kết thúc vào năm 1954? Không, nó chỉ co lại, để tiếp tục bùng dậy, nửa thế kỷ sau đó, với những hạt mầm mang những cái tên như Métropole, Banque de l'Indochine, hay Paul Bert.

Đây là Be:


Cuốn sách này có một bản dịch tiếng Việt, của Đông Lĩnh Dương Phượng Dực, in trong tủ sách Âu Tây tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh.

Nhưng tôi có việc cần phải làm ở đó.

Simone Weil: cần phải thấy rằng nỗi khó nhọc rơi xuống đầu chúng ta là một ân sủng; không được phép tìm cách đuổi sự khó nhọc ấy đi, khó nhọc càng lớn càng tốt - mà hãy nhận lấy chúng, nhận toàn bộ, không loại bỏ gì hết. Ở đó, Simone Weil có một tập Quarto in vào nhiều thứ. Đối với một số nhân vật, đọc bằng ấn bản Quarto đơn giản là không thể chịu nổi, trong đó có Simone Weil. Một ví dụ về sách Quarto, xem ởkia.

Tôi nhìn thấy bộ Histoire de la sexualité ở đó (ba tập của bộ sách không nằm cùng một chỗ, nó nằm ở hai chỗ khác nhau, hoặc cũng có thể là ba chỗ: hệ thống Dewey mà thư viện áp dụng chắc gặp trục trặc gì đó khi ghi nhận nó). Ở đó có bộ sách này là do tôi. Nhiều năm về trước, người phụ trách thư viện lúc đó hỏi tôi, nên bổ sung những sách gì, tôi nói đến vài thứ, trong đó có bộ sách của Foucault, và về sau nó xuất hiện thật. Ở đầu quãng hai mươi tháng vừa rồi, người phụ trách thư viện hiện nay nói chuyện với tôi, vì ở đó muốn tổ chức các cuộc nói chuyện, đọc sách. Đó là những thứ tôi tránh bằng mọi giá nên tất nhiên lờ tịt đi, nhưng tôi tranh thủ nêu nhận xét là ở đó rất nên có một quyển sách. Người phụ trách tra các thông tin về nó và công nhận rất nên có nó; cho đến giờ - tôi đã kiểm tra cách đây vài tháng - vẫn chưa thấy nó đâu. Lần ấy, tôi cũng nêu thêm một nhận xét khác, là Jean Giono thì có rất nhiều, nhưng Jean Giraudoux thì chẳng có quyển nào (ngoài một tập kịch) - điều này đập ngay vào mắt, vì Giono và Giraudoux nằm rất gần nhau (không có tác phẩm Giraudoux nhưng thư viện Institut Fr. lại có một sách tiểu sử, "biographie" về Giraudoux, tôi đọc cái đó khoảng chục trang thì vứt đi ngay: ở thư viện Institut Fr. có cả một giá cho "biographie", gần một trăm phần trăm trong số đó là rác); nhận xét của tôi, lần này, gây tự ái sâu sắc. Vậy nên tôi không nói nữa. Về sau tôi biết, người phụ trách thư viện là một nhân vật của giới "visuel", chứ không phải thủ thư "chuyên nghiệp".

Ở Việt Nam, thư viện là nơi đi đày, là chỗ trừng phạt. Huyền thoại của biết bao nhiêu cơ sở dính dáng đến nghiên cứu hay dạy dỗ còn lưu giữ câu chuyện về các nhân vật bị đì, không được làm công việc chính nữa mà phải đi trông thư viện. Huyền thoại ấy lẫn với, lấn vào, huyền thoại về một nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung, nhân vật quét dọn lao công trông coi Tàng Kinh Các chùa Thiếu Lâm. Và tạo ra một độ chênh gây cười cao độ. Trên một phương diện khác, rất nhiều nhân vật không biết làm gì sẽ được cho trông coi thư viện. Trông coi thư viện ở Việt Nam về cơ bản là những người kiểu như vậy. Thậm chí, càng dốt thì càng có nhiều khả năng làm công việc liên quan đến thư viện, ví dụ rực rỡ là Nguyễn Xuân Diện ở Viện Hán Nôm. Nguyễn Xuân Diện thuộc một khóa học ở trường Tổng hợp Hà Nội (tôi quen gọi như vậy), ai học khá thì học ngữ văn, ai dốt quá thì sang học Hán-Nôm. Điều này tôi biết do tình cờ, vì một người bạn học cùng Nguyễn Xuân Diện nói với tôi và còn đề nghị gửi bảng điểm lớp cho tôi xem. Tôi từ chối phắt, ai lại đi dây với mấy cái chuyện bạn cũ phản phúc. Nhân vật kia, dĩ nhiên, là một nhà báo nữ.

Georges Bataille, Borges là các nhân vật của thư viện; tôi cũng nhớ đến Lucien Herr, thiên thần hộ mệnh của cả mấy thế hệ học sinh tuyệt vọng trong sự phản kháng.

Hơn hai mươi tháng vừa rồi, tôi xử lý thư viện của Institut Fr. Hà Nội theo hình thức mà người ta gọi là passer au peigne fin, không để sót bất kỳ cái gì. "Peigne fin" giống như là cái lược bí (bây giờ còn có ai dùng nữa không nhỉ: xưa kia, hình ảnh quen thuộc mà ta bắt gặp ở khắp mọi nơi là các bà già ngồi ở bậu cửa dùng lược bí chải tóc).

Đó là công việc của một sự, trước hết, ghi nhận địa ngục. La Géhenne. Le Purgatoire.

Địa ngục là sự tầm thường (Swedenborg), chứ địa ngục không phải kẻ khác.

Bầu không khí và màu sắc của những chốn có rất nhiều sách tập hợp lại với nhau được miêu tả thần kỳ nhất bởi rất ít người: Borges, Canetti, nhưng cả Maupassant nữa - đây là một bất ngờ (tôi rất ngờ vực cái thế giới tạo ra bởi một nhân vật rất hot trong thế giới chúng ta, Alberto Manguel, tôi vẫn ngờ rằng Manguel không tới được trung tâm của mê cung). Nhưng còn có những người nữa, không hẳn được biết đến. Đó là Walter Mehring, người miêu tả một thư viện biến mất, Danilo Kiš người kể câu chuyện về "bách khoa thư người chết" tìm thấy trong một thư viện. Và nhất là Bohumil Hrabal: một nỗi cô đơn quá ồn ào, đó là cụm từ của Hrabal.

Thư viện quá mức ồn ào, thế cho nên sẽ là không thể chịu đựng nổi ở những chỗ nào, người đến đó lại còn gây ồn ào nữa. Nhưng thư viện Institut Fr., tôi không bao giờ ngồi ở đó, vì ấy là nơi con người quá ồn ào: sự ồn ào của con người trong thư viện là bộ kích âm khiến sự ồn ào cố hữu (sự ồn ào mà những con người ồn ào kia không bao giờ nghe thấy) lên đến mức không thể chịu đựng nổi. Có một màng nhĩ vô hình. Tôi phì cười vì có lần bắt gặp một nhân vật thuộc giới nouveau riche Việt Nam, reading circle gì đó, ngồi trong thư viện Institut Fr., chắc hẳn để cho tương hợp với "reading circle". Nhưng người ta không giả vờ được - posing chỉ là chuyện vô nghĩa - ở một số nơi. Hai mươi tháng vừa rồi (và nhiều quãng thời gian trước đó nữa), thư viện phố Tràng Tiền, không lần nào tôi ở lại đó quá mười lăm phút, nhiều lúc còn chưa đầy một phút, nếu trước đó tôi biết đích xác mình sẽ mượn (những) sách gì. Có những thư viện hoàn toàn không thể dùng để ngồi đọc sách được. Bởi vì ở đó ngự trị một sự ồn ào đê tiện, sự ồn ào gây tác hại cho một mối thông giao - những quyển sách bị đặt vào hoàn cảnh ấy trở nên tuyệt vọng.

Tôi bắt đầu công cuộc lục sách tại thư viện (trước đây là Alliance Fr. phố Yết Kiêu) từ hồi mười bốn, mười lăm tuổi. Tôi còn nhớ quãng đầu thời gian vào đại học, đi đâu trong cặp của tôi cũng có Siêu hình học của Aristote, nếu tôi không nhớ nhầm thì đó là bản dịch tiếng Pháp của Duminil. Đó cũng là đoạn thời gian tôi có những khám phá lớn, rất quan trọng đối với tôi: Georg Simmel, Paul Ricoeur; Jean Starobinski hồi đó hấp dẫn tôi ngay lập tức vì một cái họ đặc biệt dài. Tôi vẫn tiếp tục đọc Lucky Luke, nhưng càng ngày càng đọc nhiều Durkheim hơn. Dù sao thì hồi ấy, cách đây hơn hai mươi năm, cũng có những buổi chiều tôi ngồi ở thư viện ấy, nhất là lúc nào có một bài báo cần hoàn thành, mấy thứ từ điển hay sách thuộc dạng phổ biến kiến thức rất hữu dụng, quơ tay là lấy được.

Đầu quãng hai mươi tháng vừa rồi, tôi bắt đầu quay trở lại thư viện Institut Fr. (bắt đầu cuộc "peigne fin") và tôi nói với người phụ trách thư viện, chỉ cho mượn hai quyển sách trong vòng hai tuần thì quá ít. Đây là quy định (mượn hai quyển, trong vòng hai tuần) đã có từ ngay đầu tiên, hồi vẫn Alliance Fr. phố Yết Kiêu. Người phụ trách nghĩ một lúc rồi quyết định đặc cách cho tôi mượn bốn quyển, thời hạn ba tuần.

Vài tuần sau đó, quy định mới (bốn quyển, ba tuần) được thông báo chính thức thay thế cho quy định cũ (hai quyển, hai tuần). Tôi chính là người làm thay đổi quy chế mượn sách tại chỗ đó. Và nhất quyết, chẳng bao giờ tôi có đặc quyền nào. Trong nỗi cô đơn quá mức ồn ào, tôi nhận ra đặc cách, đặc quyền, vinh quang, tất tật đều không thuộc về thế giới của tôi.

Hrabal cũng vậy. Thế giới của Hrabal tràn ngập bia. Bohême của Hrabal là nơi thời gian ngừng lại ("Nỗi cô đơn quá ồn ào" là nhan đề một tiểu thuyết của Hrabal, "thời gian ngừng lại" cũng thuộc một nhan đề tiểu thuyết Hrabal: Thành phố nhỏ nơi thời gian ngừng lại; ấy chính là một thành phố Bohême mà Hrabal sống hồi nhỏ). Nỗi cô đơn quá ồn ào là cảm giác của Hrabal khi sống giữa rất nhiều sách. Nhưng đó không phải thư viện đúng nghĩa: Hrabal từng sống giữa rất nhiều quyển sách là vì Hrabal làm công việc nghiền sách, người ta chở sách tới và Hrabal nghiền chúng thành bột.

Trong quãng hơn hai mươi tháng vừa rồi, tôi có những khám phá mới nào không? Tất nhiên là có, nhưng ngay từ đầu tôi đã trông đợi sẽ rất ít. Dẫu sao, sắp tới trong tiếng Việt sẽ xuất hiện một nhân vật: Pierre Sansot. Đó là nhân vật tôi tình cờ nhìn thấy trong công cuộc "peigne" fin.

Đường đi của tôi tới thư viện qua cái vườn hoa toàn được gọi là "Con Cóc". Người ta không mấy biết tên chính thức hiện nay của nó (Diên Hồng), và lại càng ít biết tên trước kia của nó: nó là quảng trường (place, nhưng square thì đúng hơn) Chavassieux.

Một kiểm kê nhỏ: tôi tìm được, trong vòng hơn hai mươi tháng vừa rồi, một Tourgueniev mà tôi chưa bao giờ đọc, tập sách in châm ngôn của Goethe (bibliothèque fr. của Hà Nội giờ đây còn rất ít sách của mảng văn chương Đức, có đúng một Robert Walser, một Thomas Bernhard, không quyển Ingeborg Bachmann nào, thế mà tôi nhớ trước đây tại đó tôi từng phát hiện rất nhiều nhà văn Đức - có vẻ như là trong vòng nhiều năm, những đợt bán thanh lý sách nhằm rất nhiều vào mảng này), hai tập dày in các tác phẩm ngắn của Stevenson, một tiểu thuyết Antonio Tabucchi trước đây tôi còn chưa đọc, vài Maurice Blanchot tôi còn chưa sờ tới. Tôi trở nên dubitatif trước hai quyển Gilles Lipovetsky và quyết định để sau mới tìm hiểu kỹ hơn. Cuốn sách của Mathieu Lindon kể về mối tình với Michel Foucault (Mathieu Lindon là con trai của editor danh tiếng Jérôme Lindon), nó lại làm tôi muốn đọc Willa Cather.

Hơn hai mươi tháng ấy là dịp cho những nhìn nhận lại: không chỉ Julien Gracq như trên đã kể, mà còn vài cuộc khác nữa, trong đó có một nhìn nhận lại nhân vật chính xác là đối cực của Gracq: Jean-Paul Sartre. Cảm hứng cho tôi trong công cuộc này là Mario Vargas Llosa: Vargas Llosa khi đọc Flaubert cũng đã kiểm tra Sartre. Tôi quyết định làm điều tương tự (để vinh danh Vargas Llosa: tất cả con người trên đời đều ngờ rằng cũng giống mình, chưa một ai thực sự đọc bộ sách về Flaubert của Sartre; Vargas Llosa, khi quyết định đọc nó, đã giải tỏa cho rất nhiều con người), nhưng là Sartre trong tương quan với Jean Genet. Và vậy là tôi nhảy xuống nước, đọc cuốn sách (dày không thể tưởng tượng nổi) của Sartre, về Genet.

Tôi tìm thấy Histoire de Lynx của Claude Lévi-Strauss tại một góc heo hút trong bibliothèque fr., tình trạng (vật lý) tương đối thảm hại. Tôi nghĩ rằng nó nằm ở đó từ hàng chục năm nhưng chưa bao giờ được đọc.

Cioran là con người cả đời đi tìm gì đó trong các thư viện: lúc nào cũng tìm, không hẳn là để đọc - hoặc cũng có thể, để đọc trên một mức khác; tôi nghĩ miêu tả ấy về Cioran (của Nicolas Cavaillès) thuộc vào những miêu tả chuẩn xác nhất. Cần phải đi tìm: các giá thư viện là những bình diện, là các vùng, các khoảng, là sự mở rộng (Spinoza). Một thư viện đúng nghĩa có vô cùng nhiều bình diện: nhiều như một thế giới. Cần phải xử lý nó, cần phải xử lý thế giới. Cần phải sắp xếp: thế giới con người có không chỉ một công lý mà (ít nhất) hai (Balzac), thế giới của những quyển sách trong thư viện không chỉ có một cách sắp xếp (hệ thống Dewey không bao giờ giải quyết được hết mọi vấn đề của xếp: một cú tung xúc xắc không hủy bỏ được sự tình cờ). Mọi cách sắp xếp đều làm vi phạm trật tự. Cần phải điều chỉnh.

Và cần phải nghe thấy: nghe thấy những tiếng van vỉ, những cầu xin (Thomas Bernhard từng miêu tả điều này, tại một thư viện, trong một cuốn tiểu thuyết mà mãi vẫn tôi chưa nhớ ra cụ thể là cuốn nào). Cần phải nói rõ hơn: nếu muốn quy đổi, những tiếng có thể nghe thấy ở nhiều thư viện là tiếng của sự hấp hối. Một sự im lặng quá ồn ào, nhưng là ồn ào theo hướng của thảm thương. Rất nhiều thư viện đã trở thành địa ngục. Những quyển sách sống trong sự hấp hối của chúng tại những nơi nào tinh thần con người không còn sáng nữa. Sự tối xỉn là địa ngục của cùng một lúc thế giới con người và thế giới của những quyển sách.

Đi qua giữa các dãy giá đựng sách, nhiều lúc, giống như đi qua giữa những dãy giường bệnh nhân, trong một bệnh viện.

Histoire de Lynx:


Kể từ ngày tôi tình cờ bắt gặp cuốn sách của Lévi-Strauss tại thư viện của Institut Fr. (trong tình trạng hấp hối), tôi đã khiến được một người đọc nó, tôi cũng kể cho một người khác, cuốn sách của Lévi-Strauss nói những gì. Đó là một cuốn sách vĩ đại. Đọc nó, tôi cũng quyết định có cuộc quay trở lại với Lévi-Strauss, sau đã rất nhiều năm. (quyển trong bức ảnh trên đây tất nhiên không phải quyển nằm ở thư viện)

Quyển dưới đây (bên trái) thì đúng là từng nằm ở thư viện ấy:


Tôi vẫn giữ, trên bìa, miếng dán hình tròn màu đỏ, nó muốn nói đây là sách thanh lý: trong vòng hơn hai mươi tháng vừa rồi tôi đến bibliothèque fr., người ta tổ chức một đợt bán thanh lý (đây là lần đầu tiên tôi rơi trúng một đợt bán thanh lý sách ở đây: về sau tôi mới biết có một loạt sách bị một nhà sưu tầm mua mất: Tiếc thay một đóa trà mi). Tôi chỉ đến được một lần trong vòng một tuần diễn ra cuộc thanh lý, và lại còn không phải ngày đầu tiên, nhưng Léviathan vẫn có người mua hộ tôi, chỉ vì đoán tôi muốn có nó.

Tất nhiên là tôi muốn có nó; quyển sách bên trong còn chưa bỏ đi "phiếu mượn sách" như dưới đây:


Quyển sách của Thomas Hobbes đã nằm ở thư viện trên đất Hà Nội này ít nhất chừng hai mươi năm. Trong vòng hai mươi năm ấy nó mới chỉ được mượn đúng một lần, hồi năm 2007. Cho tới năm 2018, người ta cho nó vào một đợt bán sách thanh lý. Nó to, nặng, trông cục mịch, lại chẳng có ai buồn để tâm đến, cho nên đương nhiên phải bị đẩy đi.

Người duy nhất từng mượn Léviathan, hồi tháng Hai năm 2007, là tôi.

Quay trở lại với André Gide:




Cuộc hòa giải với Gide gây bối rối cho chính cả tôi.

Nhưng cũng cần quay trở lại với Sartre: Saint Genet comédien et martyr có bối cảnh ra đời như sau (câu chuyện rất nổi tiếng): nhà xuất bản Gallimard muốn in toàn tập Jean Genet, mời Sartre (bạn của Genet) viết lời tựa.

Lời tựa của Sartre dài cỡ gần nghìn trang, về sau được coi như tập đầu của bộ sách Genet luôn. Người bực bội vì điều này nhiều nhất dường như chính là Genet.

Một thời, người ta đọc Sartre khủng khiếp. Như có thể thấy trong đường link phía trên liên quan tới Mario Vargas Llosa. Nhưng nếu thực sự muốn biết người ta từng đọc Sartre như thế nào, tốt nhất là đọc Michel Butor. Cuốn sách (đây cũng là một quyển tôi tình cờ bắt gặp tại bibliothèque fr. trong đoạn hơn hai mươi tháng vừa rồi) Improvisations sur Michel Butor nói lên điều này theo cách thức hết sức chu đáo. Butor cũng là một nhân vật, đối với tôi, cần nhìn nhận. Giờ đây, tôi chỉ còn giữ rất ít sách của Butor.

Sau những năm chỉ có thể coi như mình đã thực sự đặt chân tới một thành phố nào đó chừng nào nhìn thấy, tốt hơn hết là đi luôn vào, nhà bưu điện sở tại (dẫu sao, đó cũng là thời sẽ hoàn toàn không lố bịch nếu vào bưu điện, mua tem và gửi bưu ảnh cho ai đó, hoặc là những ai đó), tôi bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới: một thành phố, một thị trấn - nói tóm lại, một địa điểm - sẽ đặt ấn tượng của nó vào tinh thần tôi sau khi tôi đã tìm được ở đó (ít nhất) một quyển sách. Hiệu sách gần nhà ga trung tâm thành phố Rome là nơi tôi tìm được một d'Annunzio rất dày. Ở Wien, Vienna, Vienne, Viên (thành phố đặc biệt đáng thất vọng về phương diện hiệu sách) là - tất nhiên, không thể khác - một Grass. Ngay cả tại thành phố heo hút Darmstadt (từ Frankfurt, phải đi tàu - express, tôi không nhớ chính xác đó có phải là tàu ICE hay không nhưng chắc chắn đó không phải loại tàu hỏa kẽo kẹt đi lại giữa mấy trấn nhỏ ngoại ô, loại tàu "Balbec" trong À la recherche du temps perdu, tàu mà những người cùng thời với Marcel Proust gọi là "tortillart", trên đó một lần Marcel thấy một bà già đọc Revue des Deux Mondes và chắc mẩm đó là một mụ chủ nhà thổ, nhưng té ra đó lại là một "princesse" khách quý của nhà Verdurin, phải đi tàu từ Frankfurt mất chừng nửa tiếng mới đến Darmstadt được; một trong những gì rất hiếm hoi Paul Celan từng viết bằng văn xuôi mang tên "diễn văn Darmstadt": ở thư viện của Institut Fr., rất đáng kinh ngạc, có không chỉ một quyển Celan; điều này cứu vãn được không ít cho khung cảnh chung, khung cảnh của désolation) tôi cũng kiếm được một quyển. Tuy vậy, dẫu đã nhiều lần đến Bỉ, tôi nhất định không mua quyển Maurice Maeterlinck nào.

Tôi đến Lille vào một sáng mùa đông rất lạnh. Tôi rất muốn gặp cô gái trước đó từng hay cắt tóc cho tôi - sau một thời gian ở Paris, cô gái chuyển đến Lille học tiếp - tất nhiên không phải để cắt tóc, dẫu sao tôi cũng chỉ ở Lille đúng một ngày; nhưng cũng như gần hết mọi điều tôi muốn làm, cuối cùng tôi đã không làm; cô gái ấy sẽ không bao giờ biết tôi từng đặt chân tới Lille. Lille là một thành phố, trong mắt tôi, buồn thảm, nó gợi nhớ tới Cologne là thành phố tôi biết tương đối rõ hơn; Lille, thành phố lại càng không đáng quan tâm hơn, bởi vì đó dường như là thành phố của Charles de Gaulle (dường như "de Gaulle" là cách gọi kiểu Pháp, chứ đúng ra theo tiếng Flamand thì phải là "de Walle" hay cái gì đó tương tự - ít nhất là theo những gì Marguerite từng viết trong bộ hồi ký ba tập; nếu tôi không nhầm, ở thư viện của Institut Fr. Hà Nội có rất nhiều de Gaulle nhưng không thể đọc toàn tập Yourcenar, đó là một lựa chọn ngớ ngẩn, nhưng cũng không hẳn ngớ ngẩn hơn so với rất nhiều lựa chọn khác). Điều duy nhất cứu vãn Lille để nó khỏi rơi vào nhà kho chứa những kỷ niệm tồi tệ của tôi là một phiên chợ sách cũ, được tổ chức trong sân một tòa nhà to lớn rất cổ, chừng như nhà của một gia đình quý tộc miền Bắc nào đó xa xưa: tôi chỉ tình cờ - do sự chán nản thúc đẩy, kèm với đó là những giọt mưa bụi rất khó chịu - mà bước chân vào đó. Bỗng, chẳng hề định trước, tôi nghĩ là tôi muốn đọc quyển sách tương đối rách rưới mà tôi nhìn thấy trong cả một đống, đó là Les Nourritures terrestres của André Gide.

Suốt nhiều năm, Gide đối với tôi luôn luôn có một dáng vẻ gì đó hết sức khó chịu. Rất có thể là do ấn tượng của tôi về chuyện Gide rất được trí thức Việt Nam hâm mộ, suốt từ thời thuộc địa. Pierre Đỗ Đình từng tự tán dương vì đã đến gặp Gide (hoặc cũng có thể là viết thư trao đổi với Gide: đó là thời của thư từ, và đó cũng là thời các nhà văn Pháp đặc biệt thích viết thư, nhất là với những người không quen biết; Nguyễn Văn Huyên có thể làm điều tương tự như Pierre Đỗ Đình, nhưng là với Paul Valéry; Valéry, trong một bài về sau được cho vào quyển sách đầu tiên ởkia viết về một nhà thơ người Trung Quốc tự tìm đến gặp Valéry, kết quả của câu chuyện ấy là một chùm thơ Đào Uyên Minh đăng trên một số của tờ tạp chí Commerce).

Một nhân vật tương tự Gide: Paul Bourget (tôi chưa kiểm tra, nhưng dường như ở bibliothèque fr. ở Hà Nội không thể tìm được quyển Bourget nào).

[tôi mới nhận được thông tin, cho biết ở bibliothèque fr. Hà Nội hiện nay đã quay trở lại giống như xưa, tức là chỉ cho mượn hai quyển, trong vòng hai tuần - nếu đúng là vậy thì nội quy cho mượn bốn quyển trong vòng ba tuần bắt nguồn từ tôi, như đã nói ở trên, được áp dụng một thời gian rồi lại thôi]

Phát hiện trọn vẹn nhất của tôi trong quãng thời gian cuối cùng ở thư viện ấy là Jacques Chardonne. Không phải vì ở đó có đủ hết Chardonne - đúng ra, có mỗi một quyển, Le Ciel dans la fenêtre - mà vì trước đây tôi chưa từng biết Jacques Chardonne (thêm một nhân vật bị lãng quên, kể cả ở Pháp), vì tình cờ rơi trúng Le Ciel dans la fenêtre mà tôi đã tìm ra - coi như cho riêng tôi, vì ngày nay dường như chẳng ai đọc Chardonne nữa - kể từ đó, cả một dây tác phẩm Chardonne. Tôi nghĩ (tôi hy vọng) kể từ khi tôi viết bài này, quyển sách của Chardonne tại cái thư viện Hà Nội ấy sẽ có (những) người khác đọc. Đừng bỏ qua nó.

Đó là một thư viện đáng buồn. Một thư viện buồn bã (mặc dù ngày ngày có không ít người qua lại - phần lớn nói nhiều và nói to, lại thêm một số nhân vật tận dụng bối cánh để posing tạo dáng, như đã nói ở trên) và là một thư viện rơi vào tình trạng hấp hối: thư viện nào cũng sẽ như vậy, nếu người ta không hay biết về những gì tinh túy nhất mà nó chứa đựng; những gì rất đẹp có ngay ở đó, nhưng chẳng ai sờ vào. Một lần tôi mượn sách, người thủ thư đóng dấu vào mấy quyển tôi đặt trên mặt bàn thủ thư, giở chúng ra, người đó tần ngần nói, một câu gì đó có từ "heureux" (reusement: cái từ kỳ quái mà bất kỳ độc giả nào của Michel Leiris cũng biết; ở bibliothèque fr. của Hà Nội gần như không thể đọc Leiris). Tôi hiểu người ấy muốn nói gì: những quyển sách rất không nên bị lãng quên, một thư viện ở đó là để được đọc - tuy vậy, tôi không nhận cái điều mà người kia muốn nói, rằng thật may vì có tôi, etc: không, không phải thật may vì đã có tôi, mà thật không may vì chính các vị, vous-mêmes; vả lại, việc của tôi thì tôi làm, tôi không có ý định kết tội ai, cũng chẳng muốn được ai cảm ơn. Nhưng tại thư viện Institut Fr., sách được mượn nhiều toàn sách dở; rất nhiều quyển thuộc hàng hay nhất suốt mấy chục năm chưa từng có ai sờ vào. Đó chính là việc của tôi, mà tôi đã làm, trong vòng khoảng hai mươi tháng, lắng nghe những tiếng gọi vô hình, phát ra từ các ngóc ngách. Cần từng ấy thời gian thì mới xử lý xong được cho một thư viện chưa phải ở mức lớn. Một thư viện là một thế giới, có cả một thế giới trong một thư viện, nhưng cái thế giới ấy hoàn toàn có thể bị ốm, thậm chí ốm nặng. Đó là một nơi (Institut Fr.) có các chức danh liên quan chặt chẽ đến sách, những công việc về sách, nhưng thư viện của chính nơi ấy thì hấp hối; một số nhân vật làm các công việc liên quan đến sách, thật ra họ đã chọn nhầm nghề, lẽ ra họ nên đi làm thu ngân siêu thị, caissière, etc. C'est trop nul, en somme.

Một quyển nữa mà tôi rất muốn những người khác sẽ tìm được ở đó (rất dễ thấy, vì nó có khổ rất lớn), nó là cả một bất ngờ: Leçons sur la langue française của Pierre Guyotat. Tôi đã tình cờ tìm được nó (nó cũng thuộc vào số những quyển sách mà nếu không có hai mươi tháng của tôi, rất có khả năng sẽ không bao giờ được đọc) và nó là niềm vui lớn lao của tôi trong vòng suốt mấy tuần. Guyotat giảng cho sinh viên nghe một loạt bài, chúng được in vào cuốn sách nói trên; nhờ đọc nó, tôi phát hiện ra một loạt tác giả khác, tôi tìm lại được hứng thú với một số nhân vật tưởng chừng đã nguội lạnh từ lâu - đó là ý nghĩa của một số cuốn sách, của một số nhân vật, chúng (họ) bỗng làm ta có một cái nhìn khác hẳn, vào một số điều. Cái đó rất gần với tự do.

Để hoàn toàn kết thúc công việc (lúc mà tôi đã kiểm tra đi kiểm tra lại để chắc chắn không còn những tiếng van vỉ vô hình phát ra nữa), tôi quyết định đọc À la recherche du temps perdu: tôi đọc lại bộ sách của Marcel Proust, không biết đã là lần thứ bao nhiêu, tôi quyết định đọc nó bằng bộ La Pléiade của bibliothèque fr. Hà Nội. Tổng cộng có bốn quyển.

Tôi quyết định đọc Tìm thời gian mất đúng theo kiểu Robert Brasillach khi Brasillach đọc lại bộ sách vào "hai mươi năm sau"; tôi cũng muốn xem có thể đọc xong cả bộ trong khoảng thời gian giống như Brasillach năm xưa hay không, nhưng phải đọc từ đầu đến cuối, không được nhảy cóc (những khi đọc lại một cái gì đó, có một điều rất dở, nằm ở chỗ ham muốn rất lớn nhảy qua hoặc lướt qua nhiều chỗ, vì thấy mình vẫn còn nhớ rất rõ, từ lần đọc trước, lại có những khi chỉ muốn trùng trình thật lâu ở các nơi nào đã biết trước là sẽ tạo cho ta cảm giác đặc biệt - cả hai điều ấy đều phải tính là ăn gian). Tôi nhanh chóng nhận ra là không thể đọc xong trong cùng khoảng thời gian với Brasillach (kết quả cụ thể, tôi mất chừng gấp ba "thời gian tuyệt đối" so với Brasillach để đọc từ đầu đến cuối À la recherche du temps perdu); Brasillach đọc thực sự nhanh - tôi phải thừa nhận là đọc nhanh như vậy không hề dễ; nhưng công nhận đã thua trong cuộc chạy đua lệch thời vì hai cuộc đọc cách nhau đến ba phần tư thế kỷ, tôi bỗng nghĩ ra, Brasillach có thể đọc nhanh như vậy là vì đã chấp nhận bỏ mọi việc khác, chỉ ngồi đọc Marcel Proust. Tôi đã không nghĩ tới yếu tố này ngay từ đầu (vả lại, quyết định đọc Tìm thời gian mất nảy ra theo cách thức rất bộc phát, ở tôi); rất có thể, rồi sẽ có lần nào đó, tôi sẽ còn đọc lại bộ tiểu thuyết của Proust, và theo đúng cách Brasillach từng đọc - ít nhất là những gì tôi nghĩ là tôi có thể hình dung.

Thế cho nên, trong số bốn quyển sách cuối cùng tôi mang trả cho bibliothèque fr. Hà Nội, kết thúc khoảng hai mươi tháng của công việc mà tôi đã miêu tả từ đầu tới giờ, có ba quyển La Pléiade bộ Tìm thời gian mất. Quyển thứ tư, dày không kém, chính là quyển sách về Jean Genet của Sartre.

Cứ mỗi khi nào bộ tiểu thuyết của Proust được đọc từ đầu đến cuối, thế giới lại thay đổi.

Cũng đến lúc cần rendre justice cho thư viện ấy. Cái thư viện sách tiếng Pháp ở Hà Nội về cơ bản có thể so sánh ngang cỡ một thư viện thuộc hệ thống "bibliothèque municipale" ở Paris (có tổng cộng trên ba mươi, hoặc cũng có thể trên bốn mươi thư viện như vậy); một thời, tôi đặc biệt quen thuộc với thư viện trên phố Mouffetard, nó nằm gần một cái siêu thị nhỏ, nhưng tôi cũng biết rất rõ thư viện bên chỗ Port-Royal, hay nói đúng hơn, gần Observatoire, rồi thư viện mang tên Jean-Pierre Melville phố Tolbiac, một thư viện nữa (tương đối xập xệ) tại place d'Italie, nhưng tôi cũng biết thư viện ở Trocadéro, rồi một thư viện gần bến tàu điện ngầm Voltaire. Thư viện của Institut Fr. Hà Nội có phần sách triết học và phần thơ không tầm thường. Có thể tìm được ở đó không ít sách của các triết gia như Emmanuel Levinas hay Vladimir Jankélévitch, thậm chí có cả sách của Malebranche hay Baumgarten (nhưng Kierkegaard thì đáng thất vọng, và không có quyển nào của Eugen Fink), đặc biệt chắc chắn từng có ai đó phụ trách mua sách cho thư viện rất mê Deleuze và Merleau-Ponty, có cả đến Deux régimes de fous của nhân vật thứ nhất và Parcours của nhân vật thứ hai; đó là phần triết học, còn trong số các tập thơ có ở đó, Georges Limbour cũng không vắng mặt. Tất nhiên, so với thư viện của Goethe Institut, nó vượt xa, còn British Council thì khỏi cần phải so, vì British Council làm gì có thư viện: đã giải tán vào năm 2010, tôi chính là một trong số những người tới đó (cụ thể là tòa nhà trên phố Thụy Khuê) để xem "lấy được gì thì lấy". Đó là một câu chuyện rất nhiều kịch tính, dưới đây tôi sẽ kể (giờ, chỉ cần biết rằng ở Hà Nội, thực sự tiêu điều thư viện).




(còn nữa)



NB. đã tiếp tục "Những số 1" về các tờ tạp chí và cũng tiếp tục bài "Mặt của nhà thơ"

25 comments:

  1. Đôi khi em đọc blog này, có cái hiểu có cái không hiểu, nhưng nhìn chung cảm giác là nói với ta về cái lý tưởng nhưng lại phù du

    ReplyDelete
  2. "Một quyền năng nào đó nhất định chỉ chăm chăm giấu biến những quyển sách đi" :)

    ReplyDelete
  3. There is certainly a lot to learn about this topic.
    I like all of the points you made.

    ReplyDelete
  4. các trích dẫn từ nguồn Atlantis

    ReplyDelete
  5. Aw, this was an incredibly good post. Finding the time and actual effort to generate a really good article… but what can I say… I procrastinate a whole lot and
    never seem to get nearly anything done.

    ReplyDelete
  6. My brother suggested I might like this website. He was entirely right.
    This put up truly made my day. You cann't believe simply how much time I had spent for this
    information! Thank you!

    ReplyDelete
  7. thực ra thì đi lối vào chỗ gửi xe rồi vào cửa bên hông để xông thẳng lên cầu thang cũng được :D

    ReplyDelete
  8. nếu đi bộ thì phải ngẫn lắm mới đi đường đó chung với đám xe máy

    ReplyDelete
  9. "Ở Việt Nam, thư viện là nơi đi đày, là chỗ trừng phạt."
    Chuẩn đét :v Hoặc là bị đi trông xe, hoặc trông cửa hàng, hoặc giữ kho, hoặc làm hành chính.

    Cái thư viện đầu tiên được vào (bị bọn con gái dụ, nếu không chắc không lên thư viện bao giờ vì toàn la cà ngoài hàng Play Station với hàng thuê truyện, chả ra sao) là cái thư viện trường c2. Thủ thư là cô dạy Văn, mới về trường, chắc bị trù nên cho lên đấy. Cũng từng nghe bọn con gái kể chuyện các giáo viên cùng trường nói xấu cô ấy nhiều. Cháu mượn được ở đấy mấy cuốn Tam Quốc khổ nhỏ, nhờ thế dụ được gái đọc Tam Quốc ha ha Vầ còn một cuốn nữa mượn vẫn chưa trả. Đến tận khi ra trường vẫn không biết có nên trả lại sách cho trường hay không ha ha

    VVD

    ReplyDelete
  10. đêm đông
    có một người
    lữ khách
    nếu một

    ReplyDelete
  11. Lý do mải mê đọc những bài tiện bút nằm ở đây- “Ngay sau đó tôi hiểu ra là chẳng thể nào trông chờ gì ở thế giới bên ngoài, thế giới ấy còn nghèo nàn hơn thế giới bên trong của tôi, dẫu cái thế giới kia có màu mè đến như thế nào đi nữa”- chỉ cần một hai thao tác đơn giản rồi ngồi yên là có thể đi vào lắng nghe, chiêm ngưỡng cả một thế giới phong phú vừa phải :D

    ReplyDelete
  12. thế nhưng lại sắp có một tiện bút dùng để ca ngợi chính sự màu mè của thế giới

    ReplyDelete
  13. Sự ngợi ca thế giới của người “thực sự thoải mái được và, đôi khi, hạnh phúc, ở những nơi nào có rất nhiều bóng tối thân thuộc” chắc chắn sẽ khác màu la vie en rose ;-)

    ReplyDelete
  14. Đi vào “Sẽ có” Lời Khác xui ra Một lời từ biệt mới đúng hoàn thành

    ReplyDelete
  15. dài bất tận

    ReplyDelete
  16. còn casa ttalia và japan foundation thì thư viện như nào

    ReplyDelete