May 19, 2023

Tây ở Hà Nội

"Bốp" - một giai Tây đi xe máy ở con đường nhỏ thụt xuống so với mặt đường chính, ở gần Hồ Tây, đâm phải một người từ trên đi xuống, tại một ngã tư tương đối hiểm hóc.

đấy là vì, đấy là vì

Tôi nghĩ đến những con ngựa của người Ả rập: đối với người Ả rập, lũ ngựa lúc nào cũng ở sát sạt, nếu không phải là dưới đít thì cũng ngay bên cạnh, trong tầm mắt và trong tầm tay.

Xe máy đối với người Hà Nội cũng không (mấy) khác: xe máy đối với người Hà Nội thì cũng hơi tương tự ngựa đối với người Ả rập. Họ (tức là cả hai bên) có thể làm được rất nhiều điều với chúng (con ngựa, cái xe máy).

Điều đó cần rất nhiều thời gian.

Tôi có thể chứng nhận, hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ở Hà Nội lần nào ra đường tôi cũng gặp tai nạn xe máy. Đúng, không đọc nhầm đâu: lần nào cũng - không có ngoại lệ. Mà hồi ấy tôi đi ra đường cũng nhiều. Có thể nói, lúc quái nào tôi cũng ở ngoài đường.


Tức là, cần phải đoán: cần phải đoán rất nhiều. Giai đoạn đầu của nhiều ô tô lặp lại thời kỳ đầu của nhiều xe máy. Cần phải đoán xem cái thằng đi trước mặt mình nó có thực sự biết lái xe hay không. Phần lớn người Hà Nội của đầu thập kỷ 90 không biết đi xe máy, nhưng vẫn đi xe máy ra đường. Mấy chục năm về sau, cùng điều đó lại xảy ra, lần này là với xe ô tô.

Xe ô tô nào nói lên sự nouveau riche rõ nhất? xe Honda Civic, rồi xe Hyundai Sonata và đến xe Vinfast. Nhất là nhìn từ đít.

Đấy là vì, sự đi lại liên quan rất nhiều đến cách nói năng. Mà dân Hà Nội thì bốc phét rất nhiều, có thể nói là lúc nào cũng bốc phét. Cuộc sống ở Hà Nội là một cuộc bốc phét perpetual.


Cưỡi ngựa, nhưng cũng cả cưỡi lạc đà nữa: nhìn những người leo lên lưng lạc đà nhưng lại không ngồi, mà quỳ, ta biết ngay là mình sẽ không thể làm được như thế. Quỳ trên lưng lạc đà, rất lâu, suốt nhiều tiếng đồng hồ, hàng ngày trời, hàng tuần, suốt cả đời. Dáng ngồi của phụ nữ, xổm dưới đất, mà băm băm chặt chặt trên cái thớt, cũng là một điều rất khó bắt chước - rất nhiều khả năng, chỉ ngồi như thế một lúc, đứng lên là sẽ ngã lăn quay ra luôn. Romain Gary từng miêu tả người ta quỳ trên lưng lạc đà, khi đi viết phóng sự tại vùng Biển Đỏ, nhất là khi sang Yemen, hồi cách đây khoảng nửa thế kỷ. Đấy là quãng thời gian Romain Gary cứ lâu lâu lại gọi điện thoại cho người đại diện, bảo tìm cho mình một chuyến đi viết phóng sự, làm sao để có tờ báo nào thuê mình: vấn đề của Romain Gary lúc đó là phải liên tục chạy trốn khỏi Mỹ.

Khi nói đến sự nói, thì điều tôi muốn nói không phải là bốc phét, mà tương đồng giữa đi lại (bằng phương tiện) với nói năng nằm ở chỗ, người Hà Nội nói thì sẽ nói hết âm lượng. Cũng vậy, khi đi xe (xe đạp, xe máy, ô tô, công nông, bất kể): tức là đi cho hết. Không phải là đi thật nhanh (đằng nào thì cũng không đi nhanh được: chẳng ai để cho người khác đi nhanh, cũng như không thằng điên nào dừng lại khi có ai đó đang đi bộ qua đường), mà là cứ thế lao vào. Tức là, gí thật sát vào, trông như là đâm thẳng đối tượng trước mặt. Nếu đối tượng nhường đường thì tốt, nếu không thì đúng vào giây cuối cùng sẽ phanh lại (thời điểm của những quắc mắt, nhìn đểu, etc., và cũng hay là múc nhau luôn). Nhìn chung đều nhường hết.


5 comments:

  1. người đọc hiểu chữ được đi trên phố Hà Nội của anh thời bình về lại Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng thời chiến. “Xe díp đuổi tới, sắp đè lên xe đạp. Dân nhảy ra, thét:
    - Nhảy lên hè!
    … Gió lạnh thổi mạnh như cơn lốc. Lá bay chung quanh hai người. Phía trên Tràng Thi lại một đoàn xe đang ầm ầm tới, làm mờ cả những hàng cây hai bên đường. Nhân dắt xe xuống đường Bà Triệu, chị lại nói với Dân:
    - Áo binh sĩ mùa đông thế là chúng em lại không may kịp cho các anh.
    Bờ Hồ càng vắng. Gió vẫn thổi. Lá vẫn bay.”

    ReplyDelete
  2. Dth còn kể mỗi ngày 2 người bị tầu điện chẹt

    ReplyDelete
  3. ok ok, cuộc sống thảm khốc lắm, cứ xem cả "Tang thương ngẫu lục" và "Hoàng Lê nhất thống chí", thêm luôn Trung Bắc tân văn và Hà Nội mới

    ReplyDelete
  4. con người thích nghi tốt với tốc độ, đàn ông thì đúng hơn nên thằng nào lại cái mới dị ứng với tốc độ - ý là chạy bằng chân mới là đàn ông

    ReplyDelete