Một số nhân vật, khi đọc họ ta thấy, rằng trước hết ta thấy tính khí, khí chất, hay tính cách, gọi là gì cũng được, nhưng kiểu gì cũng thấy ngay, trước mọi thứ khác. Nguyễn Tuân là như thế. Bernhard cũng thế. Đưa cái đó ra trước ngay đảm bảo làm được một điều, người ta không thể trung lập trước họ. Chỉ có thể yêu hoặc ghét, gần như ngay lập tức.
(Cháu trai Wittgenstein, tức Wittgensteins Neffe. Eine Freundschaft: dịch từ tiếng Đức, cũng giống)
Bối cảnh của câu chuyện: bệnh viện - điều (tức là môi trường) - rất quen thuộc đối với Bernhard. Cũng ở phương diện môi trường, thêm một yếu tố nữa: sự điên. Thêm một điều rất quen thuộc với văn chương Bernhard. Nhiều khi ta cần tự hỏi, hay văn chương chỉ có thể tồn tại trong tương quan với sự điên? Rất có thể là như vậy. Tại sao lại không phải là như vậy?
Câu chuyện ngay trong đường link cũng xuất hiện trong Cháu trai Wittgenstein: Bernhard đã viết (ít nhất) hai version cho cái lần đi nhận giải thưởng mang tên Grillparzer ấy. Paul Wittgenstein có mặt cả ở lần nhận giải ấy lẫn một lần nhận giải thưởng khác, giải nhà nước. Những miêu tả như vậy cho thấy Bernhard bị căm ghét đến mức nào, nhưng chúng còn cho thấy thêm một điều nữa: Bernhard nhìn những gì xảy đến với mình bằng sự hài hước lớn ra sao.
Quẳng lên trước (và là ngay lập tức, trước mọi điều khác) khí chất của riêng mình, như đã nói, là một cách thức rất hữu hiệu cho một sự: làm cho người ta đỡ đọc mình đi. Viết là để thu hút? tất nhiên, nhưng cũng là để đẩy ra xa. Đẩy đi khỏi. Chẳng phải là, cần cảm thấy bất hạnh, nếu biết x hay y hoặc z té ra lại là độc giả của ta à? Cả một chết điếng, một bất hạnh kinh người.
Nhưng Cháu trai Wittgenstein là câu chuyện về một tình bạn, với một trong những người bạn (hết sức hiếm hoi) mà Bernhard cảm thấy thân thiết, và coi trọng. Người cháu của triết gia Wittgenstein, theo Bernhard, cùng ông chú triết gia của mình, là những gì đẹp nhất mà gia tộc Wittgenstein từng sinh ra được. Gia tộc giàu có lâu đời như vậy sở hữu những gì đẹp nhất của nó chính ở hai nhân vật bị nó khinh bỉ và vứt bỏ. Paul Wittgenstein cũng là một người suốt ngày ở bệnh viện: và thế là, vào một thời điểm (câu chuyện được khởi đầu như vậy), cả Thomas Bernhard lẫn người bạn Paul Wittgenstein của mình đều nằm viện, chỉ cách nhau vài trăm mét. Bernhard thì ở bên khu bệnh nhân phổi, như bất kỳ ai biết về Bernhard đều có thể dễ dàng đoán được, còn Paul thì bên Am Steinhof. Điều kỳ cục là khu mà Paul nằm lại mang tên Ludwig, tên của ông chú, Ludwig Wittgenstein.
Một Onkel thì như vậy, một Onkel khác của Paul lại là bác sĩ phổi vô cùng nổi tiếng, người lẽ ra đã phẫu thuật cho Bernhard. (các Onkel)
Paul cũng giúp "tôi" thoát khỏi một mối nguy lớn: các quán cà phê văn chương, vì các quán cà phê văn chương là một mối nguy rất lớn, một điều khủng khiếp. Từ khi quen Paul, "tôi" hay đến những quán khác. (nhân tiện, quán cà phê)
Nhất lại là, quán cà phê ở Wien.
Ngồi ở quán cà phê, Bernhard hay đọc báo, báo tiếng Anh và tiếng Pháp. Bernhard coi việc mình đọc được tiếng Anh và tiếng Pháp là một may mắn lớn: bởi nếu không thì không thể sống nổi. Bernhard là một người Áo rất Pháp: trong Cháu trai Wittgenstein, Bernhard nhắc thoáng qua về ông ngoại. Đó là người truyền sang cho Bernhard hồi nhỏ gu đối với Montaigne. Bernhard đặc biệt thích Voltaire và nhất là Diderot.
Chính Cháu trai Wittgenstein tự nối mình vào truyền thống (vì có một truyền thống như vậy) của các câu chuyện về đứa cháu và các uncle, cụ thể hơn, mẫu (một trong những) của nó chính là cuốn sách của Diderot trong nhan đề có "Rameau": cháu của Rameau. Xét cho cùng, Rameau vào thời của mình cũng có vai trò tương tự Wittgenstein trong thời của mình: một người ở địa hạt âm nhạc còn người kia, triết học.
"Tờ Frankfurter Allgemeine, tôi đã và vẫn không ngừng tự nhủ, là gì đây nếu so với tờ Times, tờ Süddeutsche Zeitung là gì đây nếu so với tờ Le Monde!" (Cháu trai Wittgenstein). Áo - cũng như Bỉ hay Thụy Sĩ - tạo ra đặc biệt nhiều nhân vật căm ghét đất nước của mình, trong số đó không ít bỏ chạy đi khỏi, trong số đó (một lần nữa) không ít chẳng bao giờ quay lại. Thường thì - cũng như Paul và Ludwig trong tương quan với gia đình Wittgenstein - đấy là các sản phẩm tốt nhất mà những đất nước ấy tạo ra. Ở một mức khác, ta luôn luôn tìm được những abc rất xyz: chẳng hạn một người Pháp rất Đức, như Lucien Herr, một người Anh rất Đức như Coleridge, một người Pháp rất Anh như Marcel Schwob hay nhất là Stéphane Mallarmé, một người Áo rất Anh như Ludwig Wittgenstein, một người Ý rất Pháp như Giorgio Agamben, hay một người Áo rất Pháp, như Thomas Bernhard. Vô cùng cần, cái việc không ở đúng chỗ của mình. Trong Cháu trai Wittgenstein, Bernhard cũng miêu tả mình là một người đến nơi rất bất hạnh: cứ đến nơi định đến là bất hạnh, đến kia thì lại muốn ở đúng cái nơi vừa đi khỏi, etc. Sự quay đi quay lại giữa Wien và Nathal được miêu tả liên tục trong cuốn sách. Hai tuần ở đây, hai tuần ở kia. Và rốt cuộc, chẳng bao giờ ở đâu.
Một câu, trong Cháu trai Wittgenstein, mà tôi rất muốn chép (theo đúng nghĩa đen) ra đây:
"Trong khi ông, tôi nghĩ khi ngồi trên băng ghế ở công viên thành phố, như ông luôn luôn khẳng định, do những cái ghế êm hơn, nhưng cũng do những bức tranh đẹp hơn nhiều được dùng để trang trí các bức tường, mà ông thích, trong số hai salon của quán cà phê Sacher, đến salon bên phải hơn, thì tôi lại, do các tờ báo nước ngoài, nhất là tiếng Anh và tiếng Pháp, lúc nào cũng được để sẵn đó phục vụ khách, và do không khí trội hơn hẳn, lẽ dĩ nhiên tôi thích salon bên trái hơn, và chính vì thế, khi tôi ở Wien và, những năm đó, phần lớn thời gian tôi ở Wien, những lúc chúng tôi đến Sacher, và Sacher là nơi chúng tôi sẵn lòng đến hơn cả, một lần này chúng tôi vào salon bên trái, một lần khác vào salon bên phải của quán cà phê Sacher, thực sự nó được tạo ra, hơn mọi thứ khác, cho các suy tính của chúng tôi, và như vậy, là lý tưởng."
ai rồi cũng điên anh ạ :P
ReplyDeleteT.B ist immer noch in Bewegung
ReplyDelete