Feb 21, 2013

Trưng bày sách (1) Thi sĩ Vũ Hoàng Chương

Mở một mục mới trưng bày sách, cho nó có chủ đề chủ điểm tập trung, chứ không như loạt "Sách" trước đây nữa. Vả lại, loạt kia đánh số La Mã, đến những số lớn thì giỏi toán như tôi cũng bắt đầu thấy loạn :p

Mục đích chính của mục này là soi lại những khoảng nhất định trong văn học sử, bổ khuyết vài chỗ trống, hoặc nếu lực bất tòng tâm thì coi như là bày ra một chỗ trống.

Trước tiên là Vũ Hoàng Chương, mà tôi coi là nhà thơ lớn của dân tộc, nhưng sau này, gần đây, ngoài Mây và Say người ta đâu có biết gì nữa. Thêm chút Ta đã làm chi đời ta, hồi ký không mấy cặn kẽ. Thế nhưng Vũ Hoàng Chương có sự nghiệp đồ sộ khủng khiếp, có một thi giới bát ngát tuyệt mỹ, những ngôn từ xiển dương cho cả một lịch sử tiếng Việt.

Năm 2006, tôi đi tra ở kho tư liệu của Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam, không thấy có cái gì về Vũ Hoàng Chương hết. Chưa yên tâm, tôi hỏi vài người trong giới nghiên cứu, họ cũng khẳng định là chẳng có gì đâu.

Sau MâySay của một thời Vũ Hoàng Chương "Phương xa", của "Mười hai tháng Sáu" và những câu thơ "hề" danh tiếng, tên tuổi Vũ Hoàng Chương bặt đi ở miền Bắc, chỉ xuất hiện trở lại trong những lời chỉ trích, có những chỉ trích cực kỳ nặng nề của một thi hữu của ông, nổi tiếng và "triệt để" hơn cả, là Chế Lan Viên.

Ở giai đoạn "miền Nam sớm" này, Vũ Hoàng Chương đã có ba tập thơ rất quan trọng:


Tập Rừng Phong do Phạm Văn Tươi xuất bản vào năm 1954:


In trong tủ sách mang tên "Loại Giai Phẩm".


Tập thơ này gồm những bài rất lạ lùng, đậm đặc một cảm hứng siêu thoát, tôn giáo, buồn bã bi thương, nhớ tiếc quá khứ.

Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc, ta cầu đó thôi
Đêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian
(Nguyện cầu)

Lửa khóa mây then bốn vách trời
Về đâu mộng cũng chẳng đành nơi
Vẫn chưa ý gửi vào thơ được
Mà đã dâu toan hóa biển rồi
Ngọn gió nghe chừng xoay mãi hướng
Vầng trăng ai nỡ xẻ làm đôi
Tin xuân lạnh lắm rồng ao cạn
Há chỉ phòng thu lệ nến rơi
(Ngẫu cảm)

Cũng trong tập Rừng Phong oanh liệt này có những bài vô cùng nổi tiếng như "Nhớ cố nhân" có đoạn:

Hà-nội đèn treo đỏ phố phường
Sóng hồ trăng giãi bập bềnh sương
Một trời thu ngủ men hoàng cúc
Đôi bạn tình say mộng viễn phương
Kìa ý đàn trao mười nẻo gió
Đây lòng hoa mở bốn mùa hương
Ôi thôi, khoảnh khắc dâu thành bể
Gươm báu rùa thiêng cũng đoạn trường

Hay những bài: "Bài ca sông Dịch", "Chờ đợi hoài công" tức bài có câu "Ta đợi em từ ba mươi năm", "Bài ca hoài Tố", "Bài ca thời loạn"...

Tập thơ này đơn giản là một kiệt tác.

Năm 1959, Vũ Hoàng Chương in Hoa Đăng, "Văn hữu Á Châu xuất bản":


Tập thơ này chính là đối tượng công kích của Chế Lan Viên trong đường link phía trên.

Rừng PhongHoa Đăng đều hết sức rực rỡ, và như vậy đã đủ để khẳng định rằng Vũ Hoàng Chương không chỉ có SayMây.

Giai đoạn chín năm này của Vũ Hoàng Chương còn một cột mốc nữa, tương đối chìm hơn hai tập trên đây, nhưng không thể bỏ qua khi nói tới thi nghiệp của ông, một thi nghiệp còn thoải mái huy hoàng kéo mãi đến năm 1974 ở tập Chúng ta mất hết chỉ còn nhau in năm 1974 ở Paris ("Ba kiếp lang thang ngồi chụm lại/Chúng ta mất hết chỉ còn nhau"): đó là tập Trời Một Phương do tác giả tự xuất bản vào năm 1962:


Kiểu bìa trông khá khác với bìa hai tập trước, dùng một bức tranh của Hoàng Lập Ngôn. Và cả lần này, cũng như Rừng PhongHoa Đăng, thi sĩ Đinh Hùng vẫn là người làm bìa, trình bày, làm cả hình nền rất cầu kỳ. Nền Trời Một Phương cũng trầm hẳn đi so với hai tập trước:


Tập thơ này "chìm" hơn so với hai tập kia, nhưng cũng có những bài hết sức nổi tiếng, như "Đêm vàng thủy tạ". Còn đây là bài "Nhớ Bắc":

Phách dựng hồn lên đỉnh nhịp ba
Đàn chìm sâu tận đáy xương da
Chĩu mười năm mộng khoang thuyền khói
Nghiêng trái tim đèn nửa mặt hoa
Bến cát đìu hiu - nghe gió lọt
Mảnh thưa - nghẹn lệ vỡ hơi ca
Một cung bùn ngập tràn phương Bắc
Lửa quỷ ai thiêu rụng ngón ngà

Sự nghiệp thi ca của Vũ Hoàng Chương sau đây còn không ít tác phẩm, nhưng chín năm của ba tập thơ này thực sự có thể gây hoảng loạn cho những người nghĩ rằng chỉ SayMây là Vũ Hoàng Chương đã dốc xong hết tài năng của mình rồi chìm vào làn khói thuốc phiện.

Và nữa, Vũ Hoàng Chương mới có thể gọi là một nhà duy mỹ chân chính:


(thủ bút để ở đầu tập Rừng Phong)

Bài thơ "Ba kiếp lang thang" của tập Chúng ta mất hết chỉ còn nhau toàn văn như sau:

Chúng ta đánh mất cả rồi sao
Cả đến âm thanh một thuở nào
Da trống, tơ đàn, ôi trúc phách
Đều khô như tiếng hát gầy hao

Đàn mang tên Đáy mà không đáy
Rút hết rồi chăng sợi nhớ thương
Hay phách, từ lâu rồi lạc phách
Không còn dựng nổi bến Tầm Dương

Hơi ca hồng đã tan thành huyết
Để tiếp vào cho má đỡ xanh
Bạc mệnh hỡi ơi hoàn mệnh bạc
Đâu còn ấm nữa rượu tàn canh

Hay là đêm ấy Ngưu lìa Chức
Xé nát da mình lau mắt ai
Còn được gì đâu cho mặt trống
Đập lên hoang vắng đến ghê người

Âm thanh trống rỗng còn chi nữa
Gắng gượng chi cho hồn nhạc đau
Ba kiếp lang thang ngồi chụm lại
Chúng ta mất hết chỉ còn nhau

Ảnh chụp phần phiên âm và dịch bài thơ chữ Hán của Vũ Hoàng Chương trên tờ tạp chí mang tên Nhà Văn xuất bản tại Sài Gòn năm 1975, đây là một tài liệu rất hiếm (courtesy Vũ Hà Tuệ :p)


16 comments:

  1. "Ở giai đoạn "miền Nam sớm" này, Chế Lan Viên đã có ba tập thơ rất quan trọng"

    Hình như chú NL nhầm thì phải, cháu thấy trong hình là Vũ Hoàng Chương mà.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hình như gì nữa, rõ là nhầm ông này sang ông kia rồi :) tks.

      Delete
  2. viết thiếu chữ k ở cuối rồi :p

    ReplyDelete
  3. liên quan (hoặc không liên quan lắm) đến VŨ HOÀNG CHƯƠNG :)...em gửi bác bài CHỈ CÒN NHAU, PHẠM DUY sáng tác gợi hứng từ bài thơ này của VŨ HOÀNG CHƯƠNG:)
    http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/chi-con-nhau-pham-duy-1993-duy-quang-ft-thai-hien.jbQXE0ej8O.html

    ReplyDelete
  4. NL giải thích từ Bá trong thi bá xem. Tại sao không là thi vương, vì bá đạo và vương đạo có khác nhau. Thi bá giống như sử dụng thủ thuật dìm hàng đối thủ để lên ngôi bá. Trước 1975 ở miền Bắc nhiều thi bá lắm, Vũ Hoàng Chương cũng là nạn nhân của nhiều thi bá ấy đấy. Hehe.GMS

    ReplyDelete
  5. Huyvespa: thank you.

    GMS: chắc vì ông ấy dị quá. Thời nào thì chẳng vậy, hầy :p

    ReplyDelete
  6. Đọc bài này nhớ VHC quá ể! Dù gì cũng cùng chung mái trường mí nhau đến bẩy năm, dù người là thầy, kẻ là trò...

    Đố vui cho đỡ buồn! Báo Văn (Sài Gòn) ngày xưa có một số "tưởng niệm" Mùa Thu Hà Nội, bìa có hình hồ Gươm tháp Rùa, bên dưới là mấy câu thơ của VHC. Đố bác NL là báo Văn số mấy và những câu thơ đó là câu nào? :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. bác đã thấy câu trả lời rồi chứ :p

      theo câu hỏi thì bác đã nhớ gộp hai số báo thành một, số đặc biệt VHC và số đặc biệt Hà Nội =))

      Delete
    2. Hì hì mới xem... danke! Trí nhớ vậy là khá lắm rồi chứ (mà trưa hôm qua đi ăn cao lâu có món rau gì ngon lắm, quên mất rồi :D) Nếu có truyện ngắn của NMCôn viết về mối tình hồi trẻ với bà chị họ (?), thất tình cạo đầu trọc lóc thì đúng là nó!

      Delete
  7. yep, trên số ấy Nguyễn Mạnh Côn có "Nhớ về Hà Nội" rất dài, trong đó có câu chuyện về cái cô Vũ với nhiều tình tiết như bác mô tả, nhưng nó là hồi ký thì đúng hơn là truyện ngắn :))

    ReplyDelete
  8. Bây giờ mới nghiệm ra tại sao mình lại "mê" cái blog này của bác NL: giống như cuốn album với những snapshots giúp mình vịn vào lần bước đi ngược lại quá khứ... à la recherche du temps perdu! Và thêm một vấn đề "học thuật" thú vị: lúc nào hồi ức trở thành truyện nhỉ? :p

    ReplyDelete
  9. lúc nào hồi ức trở thành truyện nhỉ?
    chắc là lúc mang hồi ức vào bếp :)
    schön ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hì hì giống như cá mới mổ ruột với cá kho? :D

      Delete
    2. he he, lúc ấy vấn đề liều lượng gia vị và món độn bao nhiêu thì hồi ức thành truyện "ngon"
      -bếp-

      Delete
  10. kiếm cái bánh madeleine đi các bác :p (à mà gần đây đã nảy ra tranh cãi: cái bánh mà Proust đã ăn là bánh madeleine hay biscotte hay cái gì đó, khó lắm haizzz)

    ReplyDelete
  11. Khiếp cho cái trang này. Sách nào cũng có! Chỉ biết mê mẩn, kiếp này chẳng biết bao giờ mới chạm được vào sách!

    ReplyDelete