Nhân tròn thêm một triệu view nữa, nhân vì cứ canh cánh về vụ đóng góp cho cộng đồng mãi vẫn ì ạch bởi bao nhiêu chuyện dấm dớ đã xảy ra, nhân mày mò trong cái thế kỷ XVIII (nhất là Jean-Jacques Rousseau) cũng đã lâu, tôi bắt đầu cho lên đây những mày mò theo một hướng khác hẳn với Jean-Jacques Rousseau, liên quan đến Choderlos de Laclos.
Cách này là đi ngược hẳn lại, tìm hai đối cực của nhau. Khoảng cách thời gian khiến việc này có thể dễ dàng hơn, chẳng hạn, so với chuyện xảy ra ở nửa sau thế kỷ XX.
Jean-Jacques Rousseau không phải tác giả phong tình (tuy đọc các tác phẩm văn chương của Rousseau có thể thấy rất rõ tính chất gợi dục) trong khi Laclos đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử văn chương phong tình thế kỷ XVIII, văn chương phong tình Pháp và cả truyền thống văn chương phong tình thế giới nói chung, với bộ Les Liaisons dangeureuses (Những mối quan hệ nguy hiểm), mà hẳn rất rất nhiều người đã quá biết nội dung, vì điện ảnh đã cho ra đời không biết bao nhiêu bộ phim chuyển thể từ Les Liaisons dangereuses, một tác phẩm văn chương thực sự được điện ảnh chiều chuộng.
Les Liaisons dangereuses được xuất bản năm 1782 và theo các sử gia, chỉ trong tháng đầu tiên, nó đã tiêu thụ hết 2.000 bản, một con số kỷ lục thời ấy (nếu quy đổi tương đương cho dễ hình dung, có thể nghĩ đến một cuốn sách bán hết 50.000 bản trong tháng đầu tiên vào thời hôm nay; nhất là khi Les Liaisons dangereuses rất dày, phải in thành bốn tập). Nó là một xì căng đan lớn, như ta có thể dễ dàng nghĩ ngay được.
Bản thân Laclos, một quân nhân, là một con người sống trọn vẹn trong thế kỷ XVIII (sinh năm 1741, mất năm 1803), tức là trải qua Cách mạng Pháp, sống cho đến khi Bonaparte đăng quang Hoàng đế Napoléon Đệ nhất, rất quen thuộc với tư tưởng thời Ánh sáng và chưa xa lắm các bậc thầy văn chương Pháp thế kỷ XVII, cái thế kỷ đã nảy ra cuộc tranh luận nảy lửa giữa Phái Cũ và Phái Mới, một trong những tiền đề vô cùng quan trọng để nảy sinh Chủ nghĩa Lãng mạn. Nếu biết một chút lịch sử, sẽ rất thú vị khi đoán xem Laclos đứng về "phe" nào, khi ta biết trong Les Liaisons dangereuses tác giả đã để cho Valmont chế giễu La Fontaine (nhân tiện tôi cũng muốn hỏi xem các bác có biết những câu thơ đề từ của tập Ngụ ngôn đã có ai dịch sang tiếng Việt chưa nhỉ?)
Thế nhưng, tuy nói Laclos là đối cực của Rousseau, thì cũng phải nói rằng Laclos tìm được rất nhiều cảm hứng từ Rousseau, bởi vì Rousseau không chỉ là triết gia của Khế ước xã hội hay Émile, mà Rousseau còn là tác giả của Julie ou la Nouvelle Héloïse mà ở Việt Nam đã có một bản dịch tuyệt vời của Hướng Minh, in hai tập vào năm 1981, NXB Văn học, tên là Juyli hay Nàng Êlôidơ mới, một bộ sách tương đối "lép vế" của Rousseau trong tổng thể những tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt. Đề từ của Les Liaisons dangereuses rút lại lời của Rousseau trong "Lời tựa" bộ Julie.
Từ đây ta có hai điều: thứ nhất, Laclos rút lại lời tựa của Rousseau, nhấn mạnh vào "phong hóa" (nguyên gốc là "moeurs", trước đây ở Việt Nam thịnh hành dùng "phong hóa" để dịch nhưng sau này thiên về "phong tục" hơn, ví dụ như ở trường hợp rất nổi bật, Balzac). Nguyên do là ở chỗ cái "phong hóa" của thế kỷ XVIII thực sự đặc biệt, mà tôi sẽ nói rõ hơn sau.
Thứ hai, Julie là "tác phẩm thuộc hàng thành công nhất của giai đoạn đầu lịch sử thể loại "tiểu thuyết bằng thư" (roman épistolaire) - tác phẩm này khi ra đời cũng gây xì căng đan lớn, và sau Rousseau, nhiều người đã học theo cách thức của ông, trong đó có Laclos. Cũng như Rousseau, Laclos đặc biệt thành công về "giọng": trong Les Liaisons dangereuses, cô bé Cécile de Volanges mười lăm tuổi có giọng riêng rất vụng về trong nỗi háo hức (bức thư thứ I và bức thư thứ III), trong khi tử tước de Valmont và nữ hầu tước de Merteuil, mỗi câu là một thể hiện tính cách đặc dị của mình (điều này thấy rất rõ trong bức thư thứ V và bức thư thứ VI). Các nhân vật khác sẽ xuất hiện trong tác phẩm (nhất là Bà Chánh Tòa de Tourvel và bà de Volanges, mẹ của Cécile) cũng có giọng rất riêng. Điều này khiến Les Liaisons dangereuses đặc biệt được tán thưởng ở phương diện nghệ thuật viết, sau sự tán thưởng dành cho một nội dung truyện hết sức lắt léo, được xử lý một cách bậc thầy.
Tóm lại, Les Liaisons dangereuses có địa vị đặc biệt như vậy trong lịch sử là vì nó vừa có vị trí lớn trong dòng văn chương phong tình, lại vừa có vị trí không nhỏ trong lịch sử thể loại "tiểu thuyết bằng thư".
Nhân tiện, có bác nào làm ơn giúp tôi một bản tiếng Anh của Les Liaisons dangereuses được không (bản soft, bản sách hoặc photo từ sách đều được)? Trên mạng có vẻ không tìm được toàn bộ một bản dịch tiếng Anh nào. Điều này càng cho thấy Laclos khác với Rousseau: Julie thì có thể dễ dàng tìm được bản gốc tiếng Pháp và bản dịch tiếng Anh ngay.
Các phần của Những mối quan hệ nguy hiểm:
(I-II) (III-IV) (V-VI) (VII-VIII) (IX-X) (XI-XII) (XIII-XIV) (XV-XVI) (XVII-XVIII) (XIX-XX) (XXI-XXII) (XXIII-XXIV)
Chú download bản ebook (định dạng epub) ở đây nhá http://libgen.info/view.php?id=460060
ReplyDeleteĐọc thử thì thấy nó là tiếng Anh, còn dịch thế nào thì cháu chịu.
rất mực biết ơn, tuổi trẻ mà tài cao quá :)
ReplyDeleteBước cuối cùng là chú có biết mở file .epub hêm?
ReplyDeletecalibre chạy veo véo hehe
ReplyDelete