Chợt có lúc phải đọc lại Tố Tâm, một cuốn sách mà xưa nay tôi vẫn tránh phải xem kỹ, ngay từ đầu đã nghĩ đó không thể là một cái gì đáng kể, thì tôi bỗng nhận ra: mặc cho mọi vẻ bên ngoài đáng bực của nó (bi lụy, thống thiết) và mặc cho cái sự đáng ghét là người ta lúc nào cũng trương nó ra ở địa vị tác phẩm quan trọng trong lịch sử, Tố Tâm đúng là một tác phẩm văn chương lớn, và vị trí của nó (niên đại, giá trị của văn xuôi, v.v...) không là gì nếu so với giá trị đích thực của nó. Mặc dù đúng là Tố Tâm xuất hiện do một sự vô ý của Hoàng Ngọc Phách (muốn là thế này thì lại thành thế kia), nó tồn tại dai dẳng suốt gần một trăm năm qua trong tâm thức người Việt Nam là hoàn toàn có lý; một ca sinh nở hết sức kỳ quặc đã cho ra đời một thực thể mạnh mẽ không ngờ.
Tôi lật đi lật lại quyển sách mỏng tang ấy, quyết tìm cho ra điều bí ẩn cho sức sống của nó nằm ở đâu. Những truyện tình hiện ra rồi bỏ đi sau khi lấy nước mắt của một số người, biến mất chập chờn như đom đóm, như những con bướm phù du, chỉ có rất ít truyện tình trụ được qua nhiều thế hệ: mỗi thế hệ đều có cảm tưởng đinh ninh là mình có cách yêu riêng (điều này dĩ nhiên sai nhưng lại cũng chẳng gì đúng hơn thế) mà những thế hệ khác không xâm nhập được, không bắt chước và không lặp lại được, mỗi thế hệ có dăm truyện tình để ôm ấp, chúng mất đi sức sống, chui xuống nấm mồ sau khi một thế hệ lụi tàn. Những truyện tình còn lại, có thời điểm chỉ thoi thóp, rồi lại hồi sinh, là những truyện tình chứa đựng một vài điều gì đó rất đặc biệt.
Biết đâu, Tố Tâm tồn tại được như vậy chỉ nhờ một thứ đồ vật hết sức đơn giản: cái tráp đựng di vật mà Tố Tâm gửi lại cho Đạm Thủy. Một thứ đồ vật nhỏ bé nhưng thần kỳ, nó giữ sức sống cho cuốn sách, để lại sống những cuộc đời khác những khi có ai chạm trúng vào đó.
Rồi tôi nghĩ đến những truyện tình của thời ấy, sau Tố Tâm còn có truyện tình nào thực sự là truyện tình không dính dáng đến bất kỳ điều gì khác (tranh đấu xã hội, lên án gia đình, giải phóng phụ nữ, vân vân và vân vân) giống như vậy hay không. Tôi chỉ thấy có độc một cuốn sách, in vào năm 1940, tức là sau Tố Tâm mười lăm năm:
Tố Tâm là một đột xuất khủng khiếp thế nào đối với nhà luân lý Hoàng Ngọc Phách thì Lan Hữu là một chấn động lớn như thế trong sự nghiệp của nhà cách mạng Nhượng Tống. Cả hai, Tố Tâm và Lan Hữu đều là tiểu thuyết duy nhất trong đời Song An Hoàng Ngọc Phách và Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân.
Bởi cuộc đời như vậy, sự nghiệp trước tác của Nhượng Tống (với phần nổi bật nhất là các bản dịch thuộc "lục tài tử") chìm hẳn vào lãng quên, nhất là cuốn tiểu thuyết mà ngày nay tôi chắc chỉ rất ít người biết đến, còn số người từng đọc nó hẳn chỉ tính trên đầu ngón tay: Lan Hữu in lần đầu năm 1940 ở nhà Lê Cường, với lời tựa của Lưu Trọng Lư ("tác giả là một nhà tiểu thuyết xứng với danh nghĩa ấy"), in lại một lần nữa ở Hà Nội trong thập niên 50 ở nhà Á Châu (dưới nhan đề Lan và Hữu), sau khi Nhượng Tống đã qua đời; thực chất lần tái bản này là khi vợ con Nhượng Tống quá túng bấn nên đã bán bản quyền xuất bản cuốn sách để lấy tiền sinh sống.
Lan Hữu chính là hồi ký của Nhượng Tống nhớ lại tuổi mười sáu, ngay mở đầu đã nói rõ: "Ví phỏng đời tôi còn có những ngày tốt đẹp đến đâu nữa, tôi cũng vẫn nhớ hồi năm tôi mười sáu tuổi là có hạnh phúc. Hạnh phúc ấy, tôi đã tìm thấy ở trong một vườn hoa." Nhượng Tống lấy tên nhân vật là Ngọc (tên thật của Nhượng Tống là Trân), còn Lan và Hữu là hai người thiếu nữ, trong đó Hữu là em họ của Ngọc còn Lan là bạn học cùng Ngọc. Câu chuyện tình này được viết với một cái nhìn hết sức tỉnh táo và pha cả sự mỉa mai đối với ái tình (chắc hẳn Nhượng Tống viết cuốn tiểu thuyết trong giai đoạn sau khi đi Côn Lôn về và không được rời khỏi quê nhà, nghĩa là đã nhiều năm sau đó và ở trong một tâm trạng mệt mỏi, buồn bã) nhưng cũng giống Tố Tâm, ở nó có một "hạt nhân kỳ diệu" làm cho cuốn sách có linh hồn. Ở Tố Tâm có cái tráp còn ở Lan Hữu có khu vườn và những bông hoa.
Trước tiên là khu vườn của người ông: "Những khi tôi theo ông tôi ra vườn, lại được nghe ông tôi kể cho nghe các chuyện cổ tích về hoa. Nào chuyện Võ Tắc Thiên bắt hoa đi đầy, nào chuyện Đường Minh Hoàng giục hoa phải nở. Nào vô số những chuyện hoa hóa ra người, người hóa ra hoa. Nghe nhiều những chuyện ấy, tôi thành ra coi các hoa trong vườn đều là những người bạn có cảm giác như tôi, chỉ kém tôi cái biết đi và biết nói." Tình yêu hoa của Nhượng Tống gắn liền với cuộc đời Nhượng Tống: dịch Ngọc Lê Hồn của Từ Chẩm Á, Nhượng Tống đặt tên sách là Dưới hoa, và những bài thơ nổi tiếng nhất của Nhượng Tống là thơ về hoa, mặc dù Nhượng Tống là yếu nhân của Việt Nam Quốc dân đảng với khẩu hiệu của Nguyễn Thái Học "sắt và máu" (nói cho đúng thì trong nội bộ VNQDĐ, Nhượng Tống đứng về phía chủ trương ngược lại, với chương trình cách mạng ôn hòa trong vòng sáu năm).
Sau đó là khu vườn nhà "chú Hường tôi" khi nhà Ngọc đổi về Thái (Bình). Hữu là cô con gái của chú Hường, về sau khi nhà Ngọc chuyển đi (nhưng Ngọc ở lại để theo học) thì nhà Lan chuyển tới. Khu vườn này là một hóa thân của khu vườn trong Hồng lâu mộng (trong Lan Hữu, Ngọc từng lấy đoạn "chôn hoa" trong Hồng lâu mộng dịch ra để cảm động Hữu), cũng là một "domaine mystérieux" của các cậu bé như Alain-Fournier từng dựng nên trong Le Grand Meaulnes, rồi thì Raymond Radiguet trong Le Diable au corps - những cuốn tiểu thuyết về thuở hoa niên lúc nào cũng ngập tràn trong mộng mị và tình yêu bức bối. Trong khu vườn ấy, Ngọc của Lan Hữu trở thành Giả Bảo Ngọc của Hồng lâu mộng với nàng Hữu và nàng Lan là những hóa thân của những nhân vật thời Vinh phủ, Ninh phủ. Tình cảm của tuổi niên thiếu đã khiến cho Ngọc yêu cả Lan và Hữu, một mối tình tay ba đáng kinh ngạc, một cách "Việt Nam hóa Hồng lâu mộng" thật ra hết sức xuất chúng.
Lan Hữu cũng là một nghịch lý lớn giống như Tố Tâm, tuy rằng nó ít tính chất vô ý hơn nhiều. Một nhà cách mạng có cuộc đời rất bi thảm như Nhượng Tống lại là tác giả của một cuốn tiểu thuyết tình lẽ ra phải có chỗ đứng vô cùng đặc biệt trong lịch sử văn chương Việt Nam.
Tố tâm thì thấy fb NN trưng bìa rồi, còn Lan Hữu thì bao giờ bác nhỉ?
ReplyDeleteoài, chưa biết được đâu
ReplyDeleteSao lại là truyện tình, mà chuyện tình thì có được không?
ReplyDeletephân biệt mấy cái này lằng nhằng và thật ra cũng vô ích lắm, tốt nhất là cứ thấy nào tốt thì viết thế thôi
DeleteTại vì hiếm khi thấy "truyện tình", chỉ hay gặp "chuyện tình", "truyện ngắn", "truyện ngôn tình". Tiếng Việt cứ "sờ nặng" - "sờ nhẹ" thiệt là lắm "truyện" ;)
Delete“Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11, 27-28)
ReplyDeleteBộ óc, trái tim, con mắt tuyệt vời của anh làm được nhiều việc quá thể!