May 12, 2015

Sách tháng Tư 2015

- Trước tiên là những quyển nổi bật hơn cả:


+ Franz Kafka, Vụ án, Lê Chu Cầu dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 315 tr., 68.000đ. (kèm truyện ngắn “Một giấc mơ”)

Kafka luôn luôn đến vào lúc bất ngờ nhất, tức là lúc người ta cần hơn cả. Chúng ta đang ở đúng quãng 100 năm sau khi Kafka viết văn, mà mốc khởi đầu là một đêm tháng Chín năm 1912, Kafka viết một mạch truyện ngắn “Das Urteil” rồi bắt đầu một loạt tác phẩm (trong Nhật ký, có chỗ Kafka viết rằng những câu chuyện nhảy nhót trước mắt ông, cùng một lúc năm sáu truyện, như những con ngựa).

Chúng ta không thoát ra nổi khỏi một số thứ, trong đó có các tác phẩm của Kafka, dẫu chỉ nhìn nhận từ một khía cạnh rất nhỏ, được thể hiện ở mức độ đậm đặc trong Vụ án: nỗi nhục vì phải sống, vì phải làm người; và nỗi nhục ấy là tuyệt đối, bất kể ở thời đại nào, trong thể chế nào, và không có ngoại lệ.


+ Lời dạy của Rumi, Nguyễn Kim Liên và Trần Thị Ánh Ngọc dịch (từ tiếng Anh), Trung tâm Đông Tây & NXB Văn hóa Thông tin, 258tr., 81.000đ.


Tác phẩm của con người huyền hoặc, một trong những nhân vật xuất chúng nhất mà dòng Sufi từng sản sinh được.


+ Bình Ca, Quân khu Nam Đồng, NXB Trẻ, 435tr., 110.000đ.

Tuy rằng tên là “Nam Đồng”, nhưng không liên quan gì đến “Nam Đồng thư xã”: trụ sở của Nam Đồng thư xã nằm bên hồ Trúc Bạch, còn “khu Nam Đồng”, và từ đó dẫn tới “quân khu Nam Đồng”, thì nằm ở giữa Xã Đàn và gò Đống Đa, nhìn sang bên kia là khu Trung Tự-Kim Liên (một ít địa dư cho những ai không rành về Hà Nội). Và tuy rằng ở đoạn đầu như thể muốn nói cuốn sách này do nhiều người viết, nhưng đọc là biết chỉ có một tác giả duy nhất (căn cứ của điều này là ở chỗ: mọi nơi nào muốn có ý vị nói đùa thì đều cực nhất quán một giọng, nếu là nhiều người viết thì không thể có được điều đó).

(mở ngoặc để trình bày vài suy nghĩ riêng về hiện tượng “quân khu” hay “đầu gấu”: thực chất quân khu hay đầu gấu là gì? đó là một cách để trưởng thành, nhưng là một cách trưởng thành trả bằng một cái giá cực kỳ đắt, đắt không tưởng tượng nổi; một hệ quả rất hợp lý suy ra từ đó là những ai từng quân khu, đầu gấu về cơ bản đã sống cuộc đời của mình từ trước, từ rất sớm, sau này nhìn chung là rất nản; hãi hùng nhất là nghe giọng nói và những gì mà các quân khu đầu gấu “hoàn lương” phát ngôn)

Quân khu, đầu gấu là một hiện tượng hết sức Hà Nội. Ai từng sống ở Hà Nội cho đến khoảng giữa thập niên 90, nhất là con trai, nhất là dưới 18 tuổi, đều biết rất rõ thế nào là quân khu, đầu gấu. Cho đến giờ nhiều trung niên vẫn giữ thói quen nói “bọn ở khu tao” vân vân và vân vân.

Quân khu Nam Đồng có một số chương rất hay. Nhưng phải nói rằng cuốn sách rơi vào tay một biên tập viên hạng bét; có ngần ấy thứ mà chỉ tạo ra được một cuốn sách như thế, trong khi lẽ ra ít nhất cũng phải làm được nó trở thành giống như Những cậu con trai phố Pan, chứ ở tình trạng như hiện nay, tôi nghĩ Quân khu Nam Đồng không sống được đến mùa hè sang năm.


+ Humans of Hanoi, tập sách ảnh, nhiều tác giả, Skybooks & NXB Thế giới, 143tr., 165.000đ.

xem thêm ở đây


- Tiếp theo sau là đến màn liệt kê lê thê quen thuộc :p

+ Tôn Thất Hân, Hồng Nhung, Hồng Thiết, Việt sử diễn nghĩa, Phan Đăng sưu tầm, khảo cứu, phiên âm và chú thích, Sách Khai Tâm & NXB Khoa học Xã Hội, 574tr., 189.000đ.

Cuối sách còn in kèm tác phẩm Việt sử diễn nghĩa tứ tự ca.

Tác giả là các nhân vật thuộc hoàng tộc, soạn ra một bộ sách kể lại lịch sử Việt Nam bằng thơ, trong đó có những đoạn rất là hay.

Sự xuất hiện của cuốn sách này phải nói là khá bất ngờ. Nơi làm cuốn sách này cũng là nơi mới đây đã làm cuốn Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn.


+ Bách Dương, Khoe bàn chân “nhỏ”, Châu Hải Đường dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 443tr., 100.000đ.

Ở thời điểm này, nói xấu Tàu là một điều thật sướng và cũng thật không dễ :p


+ Kathy Statzer, Trò chuyện cùng nàng Mona Lisa, Diệp Thanh Trúc dịch, NXB Trẻ, 332tr., 110.000đ.

Sách về nghệ thuật dưới hình thức tán nhỏ cho dễ nuốt, gồm rất nhiều trang trắng để ghi cảm tưởng.


+ Hai cuốn sách mới tái bản:

* Là bóng hay là hình của Dostoevsky, bản dịch Đinh Đắc Phú in tại Sài Gòn trước đây, Sao Bắc & NXB Văn học, 213tr., 76.000đ.

* Hania của Henryk Sienkiewicz, Tao Đàn & NXB Văn học (bản dịch Nguyễn Hữu Dũng), 214tr., 76.000đ.


- Để hướng đến mồng 1 tháng Sáu ngày của các cháu, tôi xin đề xuất vài lựa chọn:

+ San San chân to đi xốp của Quỳnh Lê, NXB Trẻ

+ Con yêu, một ngày kia của Hoàng Quyên & Shishi Nguyễn

+ Bộ manga Trường ca hành của tác giả Trung Quốc Hạ Đạt vô cùng đẹp, do NXB Kim Đồng bắt đầu in



- Last but not least: Từ thăm thẳm lãng quên của Patrick Modiano (đọc thêm ở đây)


6 comments:

  1. Mình thích Kapka, thế còn Amerika có xuất bản không?

    ReplyDelete
  2. Bạn Nhị có thấy Kim Đồng tái bản một số tác phẩm ngắn của Vũ Hùng, nhà văn chuyên viết về đời sống Tây Nguyên và truyện loài vật không? Mình mua Mái nhà xưa, một dạng hồi ký ngắn của ông. Đáng tiếc là không thấy những cuốn từng được ưa thích: các bạn của Đam Đam, người quản tượng và con voi chiến sĩ, những kẻ lưu lạc. Nhưng xem tiểu sử tác giả ở bìa 2 thì cũng hơi đoán được lý do

    ReplyDelete
  3. tôi đã có kha khá sách của VH in từ ngày xưa nên cũng không để ý tái bản lắm

    cách đây chừng chục năm talawas chủ nhật có đăng một tác phẩm của VH đấy

    ReplyDelete
  4. Khéo khoe hàng hiếm nhỉ... Chương 4 đâu. Chờ dài cổ thế này là tôi đi xăm hình đấy.

    ReplyDelete
  5. Vũ Hùng có truyện về con củ lỉ cù lì, tuyệt lắm, giá mà NL post lại thì tks lắm. NQT

    ReplyDelete
  6. "thực chất quân khu hay đầu gấu là gì? đó là một cách để trưởng thành, nhưng là một cách trưởng thành trả bằng một cái giá cực kỳ đắt, đắt không tưởng tượng nổi; một hệ quả rất hợp lý suy ra từ đó là những ai từng quân khu, đầu gấu về cơ bản đã sống cuộc đời của mình từ trước, từ rất sớm, sau này nhìn chung là rất nản"
    buồn thật, có biết một người sống qua giai đoạn đó, tuy không dưới 18 mà gần như thuộc chính vào cái thế hệ quân khu đó, đời có ra gì đâu
    QKNĐ với Thành phố và lũ chó có nhiều điểm giống, đều là sách của bọn con trai

    ReplyDelete