Ngày 11 tháng Mười một năm 1918, vào đúng 11 giờ sáng, một cách biểu tượng, Thế chiến thứ nhất đã kết thúc: Đình chiến (armistice) được ký kết; ngày nay, 11/11 là Ngày Tưởng niệm của châu Âu, một ngày lễ lớn. Trong khu rừng Compiègne không xa Paris năm ấy, trên một toa tàu, mọi sự đã được giải quyết. Nhân vật chính là Thống chế Foch của nước Pháp, được đặt tên cho một đại lộ lớn ở khu Trocadéro, Paris. Nhưng người ta còn chưa biết, đây mới chỉ là màn dạo đầu cho sự suy sụp còn lớn hơn nhiều, ở một tầm vóc không thể tưởng tượng nổi, của cả một thế giới.
Tháng Sáu năm 1940, cũng chính tại khu rừng Compiègne, hơn thế nữa, trên chính toa tàu lịch sử năm xưa, một điều khác được quyết định: lần này nhân vật chính không phải là một người Pháp nữa, mà là Keitel, tư lệnh Wehrmacht của Đức Quốc xã. Adolf Hitler nhất định bắt phải chọn toa tàu ấy, một cách biểu tượng, cho một sự trả thù. Kết cục của Thế chiến thứ nhất mang lại một hậu quả lớn nhất là làm nảy sinh một Hitler căm hận Hiệp ước Versailles năm 1919. Có những người không chấp nhận được sự bại trận. Sebastian Haffner kể là tại Đức trong thập niên 20, học sinh được dạy về các trận đánh theo kiểu "lẽ ra chúng ta đã thắng nếu".
Lần thứ hai phụng sự cho lịch sử, toa tàu ấy mở ra thời kỳ Chiếm đóng của Nazi lên một phần lớn lãnh thổ nước Pháp (Patrick Modiano đã kể cho chúng ta nhiều điều về giai đoạn này). Trước đó mấy tháng, quân Nazi đã tiến vào Ba Lan trong "Cuộc chiến tháng Chín", Thế chiến thứ hai chính thức bùng nổ. Chỉ hơn hai tuần sau, từ một phía khác, đến lượt quân Liên Xô cũng tiến vào, bắt đến gần nửa triệu quân Ba Lan. Chỉ trong vòng mấy năm, Ba Lan trở thành sân khấu cho những cuộc tàn sát khủng khiếp nhất trong lịch sử: Katyn từ phía Liên Xô, Auschwitz-Birkenau, Treblinka, ghetto Warszawa (đấy là mới chỉ kể tên những gì nổi bật nhất) từ phía Đức Quốc xã. Auschwitz chắc hẳn là địa điểm có mật độ người chết kinh hoàng nhất (một số lời chứng xem ở đây hoặc theo một cách thức khác, ở đây).
Người Ba Lan đã trải qua những điều ấy như thế nào? (Chỉ cần nhìn vào một địa danh thôi, như thành phố Lwow hay Lvov hay Lviv là có thể biết mọi chuyện có thể đến mức nào; xem thêm ở đây).
Từ bao nhiêu thảm thương của lịch sử, từ những khu rừng vuông vắn vô cùng âm u bí hiểm, hằn học và hắc ám, từ những cơn gió lồng lộn không ngớt thổi trên đất Ba Lan, tôi thấy vang lên tiếng nói của hai nhà văn: Bruno Schulz và Witold Gombrowicz, hai con người có liên quan đến nhau (vài tác phẩm thời kỳ đầu của Gombrowicz do Schulz vẽ minh họa) nhưng có hai cách thức trải qua thảm cảnh Ba Lan hoàn toàn khác nhau.
Schulz là một người tỉnh lẻ, sống ở nơi mang cái tên vô cùng khó nhớ, Drohobycz. Đó là một nhân vật vĩ đại, rất kỳ lạ, và làm cho Drohobycz trở thành một địa danh văn chương không thể quên. Cuốn sách này:
(Những hiệu quế)
cũng giống gần như mọi tác phẩm văn chương còn lại của Schulz, không hoàn toàn là một cuốn sách có chủ ý. Schulz viết về cuộc sống của mình, miêu tả nơi mình sống, cho vài người bạn. Nhưng những gì viết ở đây độc đáo đến khó hình dung, một nơi heo hút bỗng mang một linh hồn sống động, vô cùng hấp dẫn, một sự hấp dẫn quái lạ. Một trong những nẻo để văn chương đến là nẻo của sự tình cờ. Ta sẽ quay trở lại câu chuyện này sau.
Chủ yếu Schulz là một họa sĩ, kiếm sống bằng nghề dạy vẽ. Những bức tranh của Schulz rất đặc biệt, ngay lập tức làm ta nghĩ rất thích hợp với các câu chuyện của Kafka. Thật ra, Schulz không hẳn sống rất hẻo lánh, ông từng đi Wien, Lwow, Warszawa, cả Paris, nhưng những phố phường và nhà cửa Drohobycz mới thấm đẫm văn chương của ông. Schulz ngập ngừng rất lâu rồi mới cho xuất bản sách, ngay lập tức thành công vang dội. Đúng lúc đó thì quân Nazi tiến vào Ba Lan. Giờ đây chỉ còn lại rất ít văn chương của Schulz, nhất là những gì ông viết từ đầu thập niên 40, cũng chỉ còn lại không nhiều tranh vẽ, nhưng ở cả hai địa hạt, Schulz đều là bậc thầy không thể chối cãi cho các thế hệ nghệ sĩ Ba Lan về sau.
Schulz không bị cư xử quá tàn tệ mặc dù Drohobycz trở thành ghetto. Nhờ có tài vẽ, ông được một viên sĩ quan SS bảo trợ, nhưng cũng chính vì thế mà Schulz bỏ mạng: xích mích xảy ra giữa viên sĩ quan SS này và một viên sĩ quan SS khác, để trả thù, viên sĩ quan kia cho người bắn chết Schulz vào năm 1942.
Witold Gombrowicz có một số phận khác hẳn. Khi Gombrowicz còn nhỏ, gia đình ông (giàu có) chuyển lên sống ở Warszawa. Gombrowicz cũng từng sang Paris từ rất sớm. Trong Nhật ký, ông kể về quãng thời gian dài tuổi trẻ lê la ở những quán cà phê hot nhất của Warszawa. Gombrowicz có khối lượng trước tác đồ sộ, đây mới chỉ là một góc:
Tháng Chín năm 1939, đúng vào lúc Nazi xâm chiếm Ba Lan, Gombrowicz đang ở trên một con tàu thủy đi sang Nam Mỹ. Biết tin chiến tranh nổ ra, ông quyết định ở lại Buenos Aires luôn. Gombrowicz sẽ ở đây mãi cho đến năm 1963 rồi mới về châu Âu, sống ở Berlin rồi miền Nam nước Pháp. (Trans-Atlantique viết về câu chuyện này, nhưng theo cách thức hết sức trào lộng, một cuốn sách rất buồn cười).
Schulz và Gombrowicz làm thay đổi hẳn văn chương Ba Lan. Schulz ở cách nhìn nhận đầy fantastic (một cuốn sách mới mang tên Vị hôn thê của Bruno Schulz hiện đang rất được quan tâm), còn Gombrowicz ở sự phê phán nghiệt ngã tính chất Ba Lan, nhất là tính chất thiếu trưởng thành của văn chương Ba Lan. "Anh đi nghe tiếng người xưa vọng/Một giọng thơ ngâm một tiếng đàn": đây là cảm nhận kinh điển về Ba Lan của một nhà thơ Việt Nam (vốn dĩ Ba Lan không xa lạ với Việt Nam: tạp chí Tao đàn hồi 1939 ngoài 10 số bình thường còn có ba số đặc biệt, một về Vũ Trọng Phụng, một về Tản Đà, một về Ba Lan, và xem thêm ở đây). Trong hai câu thơ trên, "một giọng thơ ngâm" ý nói đến Adam Mickiewicz còn "một tiếng đàn" ám chỉ Chopin, nhưng với Gombrowicz, sự bi lụy kiểu Mickiewicz thật đáng khinh và Chopin thì nên trả về cho nước Pháp chứ chẳng mấy liên quan đến Ba Lan.
Nhật ký của Gombrowicz (quyển ngoài cùng bên trái phía trên trong ảnh) có tầm quan trọng đặc biệt lớn. Nó không phải nhật ký thông thường, vì Gombrowicz viết để đăng định kỳ trên tờ tạp chí Kultura của giới lưu vong Ba Lan tại Paris. Nó được coi là một kiệt tác vô song. Trong đó, chẳng hạn Gombrowicz công kích The Captive Mind của Milosz và công kích quan điểm về lưu đày của Cioran (cuộc tranh luận giữa Cioran và Gombrowicz đã được Linda Lê bình luận trong Par ailleurs (exils), xem thêm ở đây).
Nhưng với tôi, Schulz và Gombrowicz đặc biệt quan trọng ở chỗ họ là những người tiếp nối Kafka. Schulz chính là người dịch Vụ án sang tiếng Ba Lan năm 1936, là người đưa Kafka vào Ba Lan. Những hiệu quế làm ta nghĩ ngay đến Kafka (với những khác biệt, như Maurice Nadeau chỉ ra trong lời giới thiệu), và hình ảnh người cha ở văn chương của Schulz cũng mãnh liệt, đáng ngại và gây hoang mang như ở Kafka, theo một cách khác. Ferdydurke của Gombrowicz thì là Kafka nhưng vui hơn, và với rất nhiều nỗi lo lắng cho sự thiếu trưởng thành.
(để biết thêm về Gombrowicz, có thể đọc Milan Kundera: chẳng hạn Kundera chỉ ra rằng thật đáng ngạc nhiên vì Gombrowicz chưa từng bao giờ đọc Những mối quan hệ nguy hiểm)
Mật độ chết người kinh hoàng nhất theo em phải là Bełżec. Ở Auschwitz, 1,1 triệu người chết trong ba năm, còn ở Bełżec là nửa triệu người chết trong vòng có chín tháng. Auschwitz mang tính biểu tượng vì vài lý do. Số người sống sót và kể lại câu chuyện nhiều hơn, Nazi cũng k phá hoại toàn bộ chứng cứ. Còn ở Bełżec, sau chín tháng trại này bị san bằng hoàn toàn, còn chưa đến mười người sống sót. Và hai là số người bị giết ở Auschwitz không chỉ là Do Thái.
ReplyDeleteThế nên nếu nói về "mật độ" thì em nghĩ trước tiên phải phân ra giữa "trại tập trung" (như Auschwitz-Birkenau) và "death camp" (như Bełżec, Treblinka, Sobibór, Chełmno).
p/s: nybooks vừa có bài về Primo Levi, chỉ ra một số điểm hư cấu trong cuộc đời ông, và mang một giọng điệu đại ý rằng cách ông này kể lại cuộc đời mình cũng không được công chính cho lắm
well, mật độ và tốc độ thì cũng khác chứ, với cả tất nhiên ý nghĩa biểu tượng ở trường hợp Auschwitz thì không đâu sánh nổi
ReplyDelete