Bình minh là một tờ nhật báo (hai mặt giấy, khổ tương tự giấy A3), ra gần như ngay lập tức sau ngày Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương (tức là ngày 9 tháng Ba năm 1945). Gần như chắc chắn số 1 của tờ Bình minh ra ngày 12 tháng Ba năm 1945. Tờ báo sẽ còn tồn tại tận đến khoảng tháng Tám 1945.
Có thể coi tờ Bình minh là công việc đầu tiên Khái Hưng Trần Khánh Giư thực hiện (một cách chính thức) sau khi bị tù và chịu án quản thúc thời thực dân Pháp. Ở đây, Khái Hưng làm chủ bút, nhưng thời gian làm chủ bút này không dài: đến cuối tháng Năm 1945 Phan Huy Đán đã thế chỗ Khái Hưng. Về cơ bản, tờ Bình minh chỉ có một nhân vật chủ chốt, là Nguyễn Giang (về Nguyễn Giang, xem thêm ở kia).
Ta hiểu Khái Hưng lừng khừng khi làm cho tờ Bình minh khi thấy dường như trong quãng thời gian làm chủ bút ở đây, Khái Hưng viết rất ít bài. Khái Hưng chỉ thực sự viết báo một cách mạnh mẽ với Ngày nay Kỷ nguyên mới, rồi sau đó là trên vài tờ khác nữa.
Quãng thời gian viết báo cuối đời của Khái Hưng (xem thêm ở kia) cần tính là từ đầu tháng Ba 1945 đến ngày 19 tháng Chạp năm 1946, tổng cộng 22 tháng. Ta sẽ sớm nói kỹ về riêng cái khoảng cho tới giờ vẫn tuyệt đối bí ẩn này.
Không thực sự làm nhiều việc cho Bình minh, nhưng chính ở đây Khái Hưng lại có một bài hết sức quan trọng. Đó là bài bình luận về Phạm Quỳnh ở phương diện nhà chính trị dưới đây.
Phạm Quỳnh, “một sự
tình cờ” trong chính giới Việt Nam
Nhà văn hào của nhóm Nam phong nghe như tha thiết với thuyết
“tình cờ” lắm. Nhớ ngày còn mồ ma Chính-phủ thực dân Pháp, trong một cuộc du lịch
“tình cờ” của Phạm tiên sinh bên “quý quốc”, tiên sinh đã tuyên bố với một nhà
báo đến phỏng vấn tiên sinh:
“Vì một sự tình cờ của
lịch sử nước Pháp đã dựng nền bảo hộ ở nước Việt-Nam, một sự tình cờ may mắn”(1).
Nay tiên sinh lại tuyên bố với phóng viên của Việt-Nam tân
báo:
“Thế rồi sự tình cờ
đưa tôi ra làm chính trị”.
Xét cho đúng thì đời Phạm tiên sinh chỉ là một chuỗi “tình cờ”.
Tình cờ tiên sinh ra đời, tình cờ tiên sinh vào học trường Thông-ngôn, tình cờ
tiên sinh được bổ thư ký trường Bác-cổ, tình cờ tiên sinh làm chủ nhiệm Nam
phong tạp chí trong đó tình cờ tiên sinh phản đối triều đình Việt-Nam để tình cờ
triều đình Việt-Nam mời tiên sinh vô Huế lĩnh chức Thượng-thư bộ Giáo-dục rồi
tình cờ tiên sinh thăng lên chức Thượng-thư bộ Lại. Ngày nay tình cờ tiên sinh
trở nên già yếu và “nhọc lắm nên phải tĩnh dưỡng nhiều lắm” (lời tiên sinh).
Khổ! thương hại tiên sinh một đời “cúc cung tận tụy” với đất
nước, để đến nỗi mình gầy tuổi hạc, dù đó chỉ là những sự tình cờ. Nay Hoàng thượng
cho tiên sinh về hưu, tĩnh dưỡng thân già thực Ngài đã thể tất cho tiên sinh lắm
vậy.
Về phần quốc dân chúng ta, chúng ta biết nghĩ sao đây để báo
đền ơn tiên sinh dìu dắt? Chẳng lẽ chúng ta lại đem tặng tiên-sinh bốn chữ
“Bang gia trọng ký” mà ông nghị trưởng viện Dân biểu và giới quan trường đã tặng
ông thống sứ Chauvet? Làm thế chẳng hóa giảm giá trị tiên sinh đi nhiều quá ư?
Cứ ngu ý thì chúng ta chỉ nên cố hiểu nguyện vọng và hoài bão của tiên sinh mà
làm ra những chữ thích đáng hơn, câu châm ngôn sán lạn [sic] hơn, ngõ hầu mới xứng với tấm lòng thương xót đồng bào của
tiên sinh vậy.
Vậy tiên sinh đã và vẫn hoài bão cái gì? Đây này chúng ta
hãy lắng tai nghe tiên sinh thổ lộ can tràng:
“Chúng tôi bây giờ là
những cô đào già ca Nam ai, Nam bằng nhiều lần quá thành nhàm tai, nên không ai
muốn nghe nữa”.
Thì ra tiên sinh đã ròng rã bao năm là một cô đào trẻ để nay
trở nên một cô đào già; cô đào trẻ trước kia dài hơi đủ cung bực nhịp nhàng, đã
dọn giọng sang hát tận kinh thành Ba-lê cho các quý quan Pháp nghe. Ở nước nhà
thì tiên sinh đã bao lần hát ở hội quán hội Khai trí tiến-đức để ca tụng nền
văn minh Âu tây, hát hay đến nỗi được vời lai kinh mà hát một bực cao hơn giữa
Khâm sứ đại nhân và đức Việt Nam Hoàng đế. Chẳng rõ hai khúc Nam-ai, Nam-bằng
mà tiên sinh khoe ca rất thạo, có khó như khúc “dẫn Thương khắc Vũ, tạp dĩ lưu Chủy” của Tống-Ngọc không, song “người
trong nước thuộc mà họa theo” rất đông, chứ không phải chỉ “bất quá sổ nhân”
như dân nước Sở khi nghe khúc ca của Tống-Ngọc.
Nhưng nhàm tai thì không nhàm tai đâu, chỉ hơi buồn thôi.
Rằng hay thì thực là
hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt
cay thế nào!
Vâng, Phạm tiên-sinh hát hay thì hay thực! Rõ tôi cũng khéo
khen phò-mã tốt áo! Giọng ca của chim Phượng hoàng Việt-Nam lại chẳng hay! Còn
ngậm đắng nuốt cay thì thiết tưởng cần phải có thế mới thấm thía.
Vậy muốn cảm tạ thâm ân cho nghe những bài hát hay ấy, dân
chúng ta nên mừng tiên-sinh câu gì cho xứng đáng? Ý riêng tôi thì muốn đem ngay
câu Sở Tương vương hỏi Tống Ngọc mà mừng Phạm tiên-sinh, câu:
Hữu di hạnh dư!
Quốc-dân nghĩ sao?
Khen tặng xong rồi, xin trách nhỏ Phạm tiên-sinh một điều:
Tiên-sinh tự biết là một đào hát (hay “thầy kép hát” cũng thế)
thì tiên-sinh cứ nhận lấy một mình có được không, sao lại còn đem gán tài ấy
cho người khác nữa! Tiên-sinh nói: “Thời
đã mới, cần phải những người mới để hát những bài ca mới hơn”.
Tiên-sinh cho nước Việt-Nam ta là một nước đời đời sản xuất
ra toàn một giống danh ca như tiên sinh cả chăng?
-----------
(1) Không cam đoan đúng nguyên văn.
-----------
(1) Không cam đoan đúng nguyên văn.
KHÁI-HƯNG
(Bình minh, số 44, ngày 11 tháng Năm 1945)
Đay nghiến phết :p. Giống giọng của Hoàng Đạo đay nghiến Phạm Quỳnh trên "Ngày nay" năm 1939.
ReplyDelete